Hôm nay,  

Kim Tự Tháp Đá và Little Saigon

17/05/201600:00:00(Xem: 10150)

Tác giả: Nguyễn Anh Nguyên
Bài số: 3820-17-30320-vb2051616

Tác giả là một Kỹ sư Dầu Khí làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam, đã tham gia khóa tu nghiệp một năm tại Chicago (2014, 2015). Từ giữa năm 2015 đến nay anh đã có bảy bài “Viết về Nước Mỹ” trên Việt Báo. Bài viết này tiếp tục những cảm nhận trên hành trình từ miền Bắc xuống miền Nam California, về Quận Cam và cộng đồng người Việt ở Bolsa.

* * *

Tạm biệt Thung Lũng Hoa Vàng để xuôi về miền Nam California đầy náo nhiệt. Quang cảnh hai bên xa lộ liên tiểu bang I-5 từ Bắc xuống Nam California xanh mượt với những đồi cỏ, những nông trại rộng lớn xen kẻ cả những sân bay nhỏ cho các máy bay cá nhân (chắc của các chủ trang trại giàu có) và những hồ dự trữ nước cho tiểu bang trong vắt mà điển hình là hồ San Luis và hồ Pyramid.

Cách San Jose khoảng bảy mươi dặm, trước khi vào xa lộ liên tiểu bang I-5 là hồ dự trữ nước San Luis (San Luis Reservoir). Theo giáo sư Google và trợ lý Wikipedia được biết hồ dự trữ nước San Luis với sức chứa hơn 2,5 tỷ m3 với độ cao so với mực nước biển khoảng 166 m là hồ chứa nước lớn thứ năm của California. Đầu phía Tây của hồ San Luis là con đập San Luis, hay còn gọi là B.F. Sisk Dam, đập nước lớn thứ tư của nước Mỹ. Thấp hơn gần 100 m phía dưới đập San Luis là hồ chứa nước ONeill (ONeill Forebay) với độ cao so với mực nước biển là 69 m. Tận dụng sự chênh lệch độ cao khá lớn này, nhà máy thủy điện Gianelli đã được xây dựng để cung cấp điện cho khu vực xung quanh thông qua trạm biếp áp và các đường dây 500 KV. Để vận hành nhà máy điện cũng như cung cấp nước tưới tiêu một cách hiệu quả cho vùng hạ lưu, nước được bơm liên tục từ hồ ONeill lên hồ San Luis và chảy vào các cống dẫn nước lớn dẫn xuống lại hồ ONeill phục vụ nhà máy thủy điện. Tùy theo từng mùa mà diện tích và mực nước của các hồ chứa sẽ thay đổi. Tuy nhiên lượng nước bơm lên hồ San Luis và công suất vận hành các tổ máy phát điện sẽ được các kỹ sư tính toán và điều chỉnh hợp lý nhằm tối ưu hóa việc phát điện và nhu cầu sử dụng nước ở vùng hạ lưu. Một công việc đầy ý nghĩa và không kém phần thú vị, một ví dụ đơn giản về việc cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống con người.

Xuôi theo xa lộ liên tiểu bang I-5 về phía Nam khoảng 220 dặm là hồ chứa nước Pyramid, nằm ở phía Tây đỉnh núi San Emigdio trong rặng núi Tranverse ở miền Nam California, cách Los Angeles khoảng 60 dặm về phía Đông Bắc. Với sức chứa chỉ khoảng 220 triệu m3, tuy nhiên đây là hồ chứa nước sâu nhất (nơi sâu nhất khoảng 110 m) trong các hồ chứa nước thuộc dự án cung cấp nước của tiểu bang California (California Water Project System). Hồ Pyramid được xây dựng dọc theo những hẻm núi dốc đứng bao quanh nhánh sông lớn Piru (Piru Creek) có độ cao so với mực nước biển khoảng 786 m nên khung cảnh của hồ nhìn từ đèo Tejon (Tejon Pass) hết sức hùng vĩ. Điểm nhấn ở phía Nam của hồ là con đập Pyramid cao 118 m với chiều dài thân đập là 330 m.

blank
Hồ Pyramid, đập Pyramid và Pyramid Rock nhìn từ đèo Tejon. (Nguồn: thebbz.com)

Tên hồ chứa nước này được đặt là Kim Tự Tháp (Pyramid) vì phía trước con đập có một Kim Tự Tháp đá (Pyramid Rock) nhân tạo nhô lên mặt nước. Ở đây vào năm 1932, các kỹ sư phải khoét vào sườn núi đá một hình bậc thang chóp nhọn như Kim Tự Tháp (Pyramid Rock) trong quá trình thi công xa lộ liên bang US-99. Đến năm 1973, khi hồ và đập Pyramid hoàn thành thì một đoạn của xa lộ liên bang US-99 đã chìm dưới nước và được thay thế bằng một đoạn của tuyến I-5 đi ngang qua khu vực này. Cũng như quy luật tự nhiên, những công trình nhân tạo được tạo ra để phục vụ con người và đến lúc nào đó sẽ được thay thế bằng các công trình khác hiệu quả hơn. Thời gian sẽ xóa mờ dần những ký ức dù cho nó từng ấn tượng như thế nào, nhưng đôi khi những gì còn sót lại trong quá khứ vẫn khiến ta bồi hồi vì cảm nhận rằng cuộc đời con người quá ngắn ngủi trong dòng chảy bất tận của tạo hóa. Phải chăng chính điều này làm cho chúng ta luôn có chút gì đó luyến tiếc khi nghĩ về quá khứ.

Nước từ hồ Pyramid tiếp tục được dẫn qua hầm Thiên thần (Angeles Tunel, dài 7,2 dặm với đường kính hơn 9 m) xuống nhà máy thủy điện Castaic làm quay các tua bin với công suất phát điện lên đến 1495 megawatt. Hồ Castaic (sức chứa 390 triệu m3 ở độ cao 460 m so với mực nước biển) và đập Castaic sau nhà máy thủy điện vừa điều tiết hoạt động của nhà máy vừa cung cấp nước cho phần phía Bắc và phía Tây của vùng đại đô thị Los Angeles. Nhà máy thủy điện Castaic vận hành phát điện liên tục vào ban ngày của các ngày từ thứ hai đến thứ bảy, đây là giai đoạn cao điểm về nhu cầu điện (thuật ngữ trong ngành điện gọi là chạy phủ đỉnh, on-peak period). Vào ban đêm các ngày trong tuần và nguyên ngày chủ nhật khi nhu cầu tiêu thụ điện giảm đi, chỉ cần các nhà máy điện vận hành với chi phí rẻ hơn hoạt động (chạy phủ sườn và phủ đáy, off-peak period), thì nước được bơm từ hồ Castaic về lại hồ Pyramid để sẵn sàng cho việc phát điện vào hôm sau.

Qua tìm hiểu hai hồ chứa nước San Luis và Pyramid cùng các nhà máy thủy điện và các hồ chứa nước khác trong California Water Project System (gồm 32 hồ chứa nước, 20 trạm bơm nước, 5 nhà máy thủy điện và 660 dặm kênh dẫn nước và đường ống dẫn nước), có thể thấy việc sử dụng nguồn nước ở đây thật sự có hiệu quả. Với các hồ dữ trữ nước và đập ở các vùng có nhiều nguồn nước phía trên cao, các nhà máy thủy điện và các hồ chứa nước thấp hơn cung cấp điện và phân phối nước sinh hoạt cho một khu vực rộng lớn từ Bắc đến Nam California, cả vùng vịnh San Francisco, thung lũng San Joaquin và vùng Central Coast của nước Mỹ.

blank
Cận cảnh của Kim Tự Tháp đá (Pyramid Rock) bên đập Pyramid. (Nguồn: thebbz.com)

Nhìn sang phía bên kia bán cầu, câu chuyện khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long do các đập thủy điện của Trung Quốc đang là một vấn đề nóng hổi ảnh hưởng đến cuộc sống của vài chục triệu con người ở các nước vùng hạ lưu sông Me Kong, mà nghiêm trọng nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đây lại là một ví dụ hoàn toàn đối lập của việc tận dụng nguồn nước phục vụ cuộc sống con người nhưng theo một cách không thân thiện với môi trường, mang lợi ích cá nhân kiểu mạnh được yếu thua và không bền vững. Trong tình hình này, việc trông chờ vào lòng tốt của Trung Quốc và các nước khác điều tiết hoạt động các hồ chứa và các đập thủy điện để Việt Nam luôn đủ nước dùng là một điều không tưởng khi nguồn nước đang ngày càng trở nên khan hiếm chưa kể nó có thể là một vũ khí mà kẻ xấu muốn lợi dụng để uy hiếp các nước khác.

Nên chăng vào lúc này, Việt Nam cần nghiên cứu lại hệ thống các hồ chứa nước ở các vùng cao nguyên, tối ưu hóa lại hoạt động của chúng cũng như xây dựng thêm các hồ chứa nước ở các khu vực nhiều nước ở vùng cao, có địa thế phù hợp và kết nối chúng thành một hệ thống liên hoàn như California Water Project System mà hồ San luis và hồ Pyramid là những điển hình rõ nét. Một bài học đáng ra nên học và triển khai thực hiện từ hàng chục năm về trước.

Xe đò Hoàng tiếp tục băng qua đèo Newhall để vào thung lũng Santa Clarita, một thành phố mới phát triển ở vùng ngoại ô Los Angeles, trước khi đến Thành phố của những Thiên thần (Los Angeles). Khu downtown của Los Angeles lướt qua nhanh, xe tiếp tục trực chỉ đến ABC Super Market của Little Saigon ở thành phố Wesminster, điểm cuối hành trình của gia đình đến miền Nam California.

Siêu thị ABC ở Bolsa Avenue không lớn so với các siêu thị hiện đại khác nhưng nó làm tôi nhớ đến bài hát “Xuân Bolsa” với những câu hát khá phổ biến vào dịp Tết ở Việt Nam cách đây hơn hai chục năm trước: “… Mồng Một mình cùng xông đất lấy hên, xong rồi đi Las Vegas kéo máy chơi lấy tiền đầu năm… Bolsa chợ Tết em muốn gì cứ mua thả dàn. Hột xoàn vòng ngọc em thích lắm anh, em mê chiếc Mercedes mình tặng em lấy lộc xuân về… Anh mua xổ số ta trúng ngay mấy mươi triệu đồng…”. Thời đó thị trường âm nhạc Việt Nam nói chung và nhạc Tết nói riêng chưa phát triển nên bài “Xuân Bolsa” như một luồng gió mới, vui tươi bên cạnh những bài hát quen thuộc như “Ly Rượu Mừng”, “Xuân này con không về”, “ Cánh thiệp đầu Xuân”, “Tâm sự ngày Xuân”,…

Trong không khí mát mẻ của một buổi chiều nắng đẹp cuối năm ở Wesminster trong khi chờ cô YL (một diễn viên trong phim Chuyện tình Bolsa) đến đón, nhìn các em bé tay trong tay cùng cha mẹ đi mua sắm quà bánh và quần áo đẹp mừng năm mới, hình ảnh mấy trẻ em mất tích dán ở bảng tin tại Trạm dừng chân trước khi xe vào đèo làm tôi chợt thấy lòng mình quặn thắt. Có những hình ảnh đã được dán từ nhiều năm trước, tức là niềm vui đoàn tụ có thể vẫn chưa trở thành hiện thực đối với các gia đình đó. Thầm mong rằng những gì tốt đẹp sẽ đến với tất cả trẻ em trên trái đất này, đặc biệt những em thiếu may mắn và thiệt thòi. Ôm chặt các con trong lòng và hôn lên trán chúng để tận hưởng hạnh phúc và chính lúc này sẽ cảm nhận được tình yêu thương, che chở mà cha mẹ đã dành cho ta trong cả cuộc đời là to lớn biết dường nào.


Nắng đã phai dần khi cả nhà cùng cô YL hướng về ngôi nhà của gia đình ở Anaheim. Hai bác cháu đã hơn chục năm chưa gặp lại tay bắt mặt mừng trong niềm vui hội ngộ. Từng là một đại úy đại đội trưởng bộ binh vào sinh ra tử ở các chiến trường nóng bỏng bậc nhất miền Nam Việt Nam trước 1975, sau hơn mười năm bị giam cầm, bác đã đến Mỹ và nay là một nhà thơ khá nổi tiếng ở Bolsa. Trải qua bao sóng gió cuộc đời, với bản tính gan góc, từng trải nhưng không kém phần lãng mạn, Bác đã trải qua nhiều cuộc tình đẹp cũng như đã có được niềm hạnh phúc với con cháu lúc tuổi già. Tuy vậy, cuộc tình với cô YL, mặc dù nó đến lúc cả hai đều đã lớn tuổi nhưng lại có được sự đồng điệu của yêu thương, chia sẻ, nể trọng và nương tựa lẫn nhau trong cuộc sống về chiều. Hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn như thế. Chợt liên tưởng đến hình ảnh Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh cầm tiêu hợp tấu trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ” hay Trương Vô Kỵ kẻ lông mày cho Triệu Minh trong “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” của Kim Dung vậy. Không biết những nhân vật này khi về già còn giữ được niềm hạnh phúc như Bác và Cô đang có được hay không. Hình như Kim Dung cố tình không viết mà để bạn đọc tự hình dung ra…

Anaheim, thành phố lớn thứ hai và lâu đời nhất của Quận Cam (Orange County) được thành lập vào năm 1857 do một số gia đình người Đức di dân đến đây. Thành phố này tuy nhỏ nhưng lại là điểm đến của rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước vì có công viên giải trí Disneyland nổi tiếng mà bé Na rất háo hức được đến vui chơi từ khi đặt chân đến Mỹ. Disneyland Anaheim là công viên giải trí duy nhất trên thế giới được thiết kế và xây dựng dưới sự giám sát trực tiếp từ Sir Walt Disney, ông trùm của kinh đô điện ảnh Holywood.

Một ngày du ngoạn tại Disneyland cùng Mai, một bạn học ở Đà Lạt định cư ở đây gần hai mươi năm, thật sự thú vị không chỉ đối với trẻ em. Chụp hình với mụ phù thủy xinh đẹp có ánh mắc sắc lạnh Maleficent, tham quan lâu đài ma ám Haunted House, thám hiểm thế giới cổ tích Its Small World tinh xảo, theo chân chú người gỗ Buratinô vào thế giới bí mật, phiêu lưu cùng Peter Pan đến vùng đất huyền thoại Neverland, lặn xuống biển sâu trong tàu ngầm Finding Nemo, bay trên xe trượt tuyết siêu tốc (bobsled ) quanh ngọn núi tuyết nhân tạo Matterhorn, theo đoàn tàu Disneyland khám phá những bí ẩn trong những khu rừng cổ đại đầy khủng long và các sinh vật kỳ lạ khác,… sẽ là những kỷ niệm khó quên không chỉ trong ký ức trẻ thơ của Na và Nấm mà cả của cha và mẹ chúng khi lần đầu đến Mỹ. Có điều giá vé của một ngày trải nghiệm là không hề rẻ, khoảng 400 USD cho cả gia đình nhỏ, một khoản tiền khá lớn ở Việt Nam.

Màn đếm ngược và bắn pháo hoa chào đón thời khắc bước vào năm mới 2015 tại Disneyland rất rực rỡ và đặc biệt với phông nền là các tòa lâu đài cổ tích bên cạnh các hồ nước lung linh phản chiếu đủ các sắc màu. Gần 2 giờ sáng, đoàn người vẫn xếp hàng trật tự để đến các xe bus trung chuyển về bãi giữ xe. Dù đêm đã rất khuya nhưng Lynn Nguyễn, một bạn học cấp ba tốt bụng khác, đã chu đáo chuẩn bị sẵn một nồi cháo nóng hổi cho cả nhà thưởng thức sau cả ngày ăn toàn thức ăn nhanh kiểu Mỹ. Đáng nói là Lynn, một nhân viên làm việc ở trường trung học địa phương kiêm ca sỹ hát ở ca đoàn nhà thờ và các dịp lễ lạc, luôn rất bận rộn vào các dịp cuối tuần và lễ hội. Ngôi nhà gồm đại gia đình ba thế hệ của bạn sẵn sàng giang rộng vòng tay đón thêm bốn thành viên của gia đình nhỏ của tôi đến chơi và ở lại. Cháo nóng thật ngon miệng nhưng tấm lòng của gia đình bạn lại càng ấm áp hơn. Trên chiếc giường nệm êm ái và rộng rãi, bé Nấm đã say sưa ngủ với những giấc mơ cổ tích vừa trải nghiệm…

Ngày đầu năm mới, cả nhà đang thưởng thức bún bò Huế tại quán Hương Giang ở Garden Grove thì tình cờ nhận được điện thoại của ông chú P. Ghé thăm nhà ông bà ở Fountain Valley vào đúng ngày đầu năm mới Dương Lịch cũng là một cái duyên và nhiều ý nghĩa, như mùng Một Tết đi chúc Tết Ông Bà, Cha Mẹ ở Việt Nam vậy. Ông Chú vui mừng ra vườn hái ngay những quả cam vàng ươm để lì xì cho các cháu. Những chú thỏ nâu trong chuồng có sức lôi cuốn kỳ lạ đối với mấy đứa trẻ thành thị. Cùng xem truyền hình trực tiếp lễ diễu hành hoa hồng ở Pasadena (một trong những lễ diễu hành hoa quy mô và lớn nhất thế giới), lễ hội biểu tượng của bang Cali với cái tên khá quyến rũ - Giấc mơ California. Là một Kỹ sư Bách Khoa Phú Thọ những khóa đầu tiên, Ông đã từng nắm giữ vị trí cao trong các Công ty lớn trước và sau 1975. Tuy nhiên, cũng do vấn đề lý lịch, Ông đã nghỉ việc ra ngoài tự làm ăn bươn chải bằng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của mình để nuôi nấng các con thành tài. Cũng giống bác T, lúc tuổi đã về chiều, khi Bà mất đã lâu và các con đã hoàn toàn trưởng thành, Ông lại tìm được niềm hạnh phúc và cả giấc mơ Mỹ mà trước đây hàng chục lần vượt biên Ông vẫn không có được. Đôi khi trong đời thực, những câu chuyện như là Cổ tích vẫn có thể xảy ra, tất nhiên những người tốt bụng và kiên trì sẽ luôn có được hạnh phúc và thành công phải không các bạn!

Bữa cơm chiều cùng gia đình bác T tại nhà hàng Thành Mỹ ở khu Bolsa thật ngon miệng và ấm cúng với các món ăn thuần Việt. Bộ áo nhà binh và nón tác chiến rằn ri sùm sụp trên đầu khiến bác T không lẫn vào đâu được trong cộng đồng người Việt ở đây. Chia tay gia đình Bác, cầu mong Bác và Cô thật nhiều sức khỏe và những điều tốt đẹp sẽ luôn đến để bù đắp những gì mà Bác đã phải chịu đựng trong cuộc sống và trong tâm hồn khắc khoải của người chiến binh già luôn đau đáu nghĩ về quê hương và những người đồng đội còn nằm đâu đó trên những chiến trường xưa.

blank
Rặng núi San Gabriel nhìn từ Sylmar.

Hành trình hơn năm mươi dặm đến Sylmar thăm vợ chồng Harry - Thon, bạn của vợ tôi, lại đi ngang Los Angeles. Thành phố của những Thiên Thần, nơi có kinh đô điện ảnh Hollywood, đang rực sáng trong ánh đèn đêm. Những ngôi sao đêm lấp lánh trên bầu trời có phần lu mờ bởi hơn hai ngàn ngôi sao trên đại lộ Danh Vọng, niềm mơ ước của rất nhiều ngôi sao trong ngành công nghiệp giải trí thế giới. Tiếc là dịp này cả nhà đã chọn chuyến đi đến Kinh Đô Ánh Sáng Las Vegas “kéo máy chơi lấy tiền đầu năm” cùng với gia đình Lynn nên không còn thời gian để du ngoạn Hollywood và gặp gỡ các ngôi sao Hollywood hay ít nhất cũng được chụp hình với viên gạch có dấu tích của Sao trên đại lộ Danh Vọng. Tuy nhiên, những người thân và bạn bè mà gia đình đã được gặp, xét về những khía cạnh nào đó, cũng là những ngôi sao muôn màu muôn vẻ tô điểm cho bầu trời đầy sắc màu Cổ tích của Thành phố Thiên Thần. Hình ảnh Kim Tự Tháp Đá (Pyramid Rock) bên hồ Pyramid một lần nữa lại hiện lên trong đầu khi tôi liên tưởng đến Tháp nhu cầu Maslow (Maslow's hierarchy of needs) có học qua trong lý thuyết Quản Trị.

Với những nỗ lực vươn lên của các thế hệ người Việt ở đây cũng như được sống trong một xã hội tôn trọng nhân quyền, chắc rằng cuộc sống của đa số họ đã được đầy đủ (các nhu cầu cơ bản) và những nhu cầu bậc cao như sự công bằng, an tâm, an toàn, vui vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, vinh danh cá nhân cũng đa phần được đảm bảo. Phải chăng đó là một phần của Giấc mơ Mỹ mà nhiều người hướng đến…

60 phút cho 65 dặm từ Sylmar về sân bay John Wayne để trả xe cho hãng Alamo vào lúc mờ sáng thử thách tay lái một lần nữa trước khi về Chicago. Lúc này mới thấy được sự tiện lợi của làn xe ưu tiên HOV (High Occupancy Vehicle - Làn đường dành do các xe có ít nhất hai người trên xe trở lên) khi cứ bám đuôi xe trước, bám làn HOV mà phóng đi vun vút. Vừa trả xe xong thì chị Lan, chị của Mai và Mai vừa kịp đến để nối chuyến đưa cả nhà sang LAX cho kịp đón chuyến bay về Thành phố Gió (Windy City). Chân thành cảm ơn những tấm lòng ấm áp của bạn Mai và gia đình, người bạn sau gần 25 năm mới vừa gặp lại.

Đường vào sân bay Los Angeles (LAX) xe cộ nối đuôi nhau khá đông đúc. Vài chiếc xe dò bom thuộc đơn vị K-9 của cảnh sát Los Angeles (LAPD) đậu gần cổng vào các Terminal góp phần đảm bảo an ninh hàng không tại sân bay bận rộn thứ ba của nước Mỹ. Chuyến bay Spirit 730 tăng tốc trên đường băng và cất cánh. Tạm biệt Orange County, Sylmar, Los Angeles. Tạm biệt California. Nhớ mãi những tấm lòng của bà con và bè bạn trong những ngày gia đình phiêu bạt tại đây. Vẫn còn vài người có hẹn mà chưa gặp được, vẫn còn vài nơi dự định mà chưa được đến.

Thôi thì hẹn lại chuyến sau!

Nguyễn Anh Nguyên

Ý kiến bạn đọc
29/06/201606:32:57
Khách
Cám ơn "một người đọc" đã góp ý.
Những bài viết dưới dạng "Ký sự, tự sự" là chính nên dùng chủ từ nhiều quá cũng bị lập lại, dùng chung chung như vậy cũng có cái hay khi cho người đọc cảm giác mình là nhân vật trong bài và cùng trải nghiệm chuyến đi với tác giả. Vì vậy tác giả không dùng chủ từ ở một số chỗ nhưng không nghĩ sẽ làm ảnh hưởng đến nội dung cần chuyển tải đến người đọc. Điều này tương tự cho chữ "gia đình" mà bạn đọc đề cập.
Chữ "ấn tượng" thì đúng là đã quen dùng nên không thấy được sự không hợp lý ở đây. Cảm ơn nhiều!
Anh Nguyên
16/06/201603:20:08
Khách
1) Tác giả viết khá, nhưng cách hành văn có một vài chỗ dùng chữ sai, điều này thường gặp ở những người lớn lên trong nền giáo dục XHCH. Thí dụ: "Thời gian sẽ xóa mờ dần những ký ức dù cho nó từng ấn tượng như thế nào". Chữ "ấn tượng" là danh từ nhưng được dùng làm tính từ trong văn chương VN hiện nay, đây là cách dùng chữ sai rất phổ biến ở trong nươc VN, do đó nhiều người gọi nôm na là "cách dùng chữ của VC".
Tác giả lớn lên trong môi trường XHCN nên dùng chữ như vậy là điều dễ hiểu, tuy nhiên, khi đã trưởng thành thì nên sửa đổi lại.
2) Tác giả thường dùng chữ "gia đình" như chủ từ, điều này không đúng.
"Gia đình này", "gia đình tôi", "gia đình anh", "gia đình ông A", "gia đình cô B" là đúng nhưng chỉ "gia đình" là không đầy đủ vì không biết được đó là gia đình của ai, gia đình nào.
3) Một điểm nữa tác giả hay có những câu thiếu chủ từ, thí dụ
"Thầm mong rằng những gì tốt đẹp sẽ đến với tất cả trẻ em trên trái đất này, đặc biệt những em thiếu may mắn và thiệt thòi." Điều này xảy ra thường xuyên trong mọi bài viết của tác giả.

Tác giả có khả năng và có tâm, chỉ cần sửa đổi lại những lỗi kỹ thuật trên thì sẽ tốt hơn nhiều.
28/05/201602:46:17
Khách
Đúng đó. Miền Nam bị lũ đười uơi xâm lăng, cướp đất. Một đám đói rách cướp cạn, vô vơ vét dân lành. Lấy gì giải phóng ai ? Đến bây giờ vẫn ăn cướp đất đai dân nghèo, bán đất bán biển cho Tàu cộng. Chữ này bị Việt cộng làm cho thối nghĩa rồi. Nghe thôi đã buồn nôn, dị ứng.
18/05/201601:44:58
Khách
Thanks bạn đọc đã góp ý.
Đề nghị Tòa soạn thay chữ :"giải phóng'' trong đoạn 18, dòng 12 bằng số "1975".
Anh Nguyên
17/05/201621:17:19
Khách
Bài viết nhiều chi tiết và rất hay. Tuy nhiên, trong những bài sau, nếu bạn không dùng những chữ mà đồng bào hải ngoại dị ứng như "giải phóng" thì tốt hơn.
17/05/201620:00:59
Khách
Bai viet ti mi, chi tiet. Tuy nhien, xin khong dung chu+~ giai? pho'ng vi` chung' toi bi. giai? pho'ng nen rat ghet' chu+~ do'. Cam' on ta'c gia?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,313,087
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.