Hôm nay,  

Ký Ức Một Thời

24/04/201600:00:00(Xem: 11499)
Tác Giả: Năng Khiếu
Bài số: 3805-17-30305vb8042416

Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2015. Bài viết mời là tự sự của một chàng H.O., hiện là một kỹ sư làm việc cho Stetson Engineers Inc.

* * *

Cứ mỗi dịp tháng tư về, tôi lại nhớ đến những ngày đen tối đổi đời.

Sau 30/4/1975 bố tôi phải đi tù cải tạo nơi rừng thiêng nước độc, mẹ làm thân cò lặn lội đường xa, gánh gạo nuôi chồng chăm sóc đàn con. Sau bảy năm bố trở về mang theo bệnh sốt rét rừng, thân xác xanh xao gầy mòn. Mẹ lại cơ cực xoay xở từ thang thuốc đến miếng ăn, bố mẹ tôi đầu tắt mặt tối, vẫn thiếu trước hụt sau.

Nhờ sự vận động từ nhiều phía, Chính Phủ Mỹ đã chấp nhận chương trình “Coming home” dành cho những người con lai, và chương trình “Human Operation” dành cho các cựu tù nhân chính trị và gia đình, được đi định cư tại Mỹ. Gia đình tôi cũng như các gia đình HO khác, đã lưu luyến giã từ cái xóm nhỏ, nơi có biết bao kỷ niệm thời thơ ấu của anh em tôi, để đến Mỹ vào giữa hè năm 1995 muộn màng.

"Chậm chân uống nước đục" vì tôi và em kế trên 20 tuổi không được học High School, hai anh em ghi tên học lớp ESL tại nhà thờ Tin Lành St.Anselm hết tám tháng. Không bao giờ tôi quên được những ngày mới đặt chân đến Mỹ. Cái nóng của mùa hè Cali không thua gì Saigon, nhưng Cali thiếu cơn mưa rào mát mẻ sau mỗi cơn nắng gắt, làm tôi nhớ câu hát: “Nắng nơi đây cũng là nắng ấm, nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương…” của Nguyệt Ánh. Đã thế ngày lại dài lê thê, bảy tám giờ tối mà trời vẫn sáng trưng.

Gia đình tôi gồm sáu người: Bố mẹ và bốn anh em tôi. Lúc bố đi tù tôi ba tuổi và em tôi chưa đầy một tuổi, trí óc non nớt ngây thơ khi em biết nhận xét những gì xảy ra xung quanh, cũng là lúc em tôi không nhìn thấy bố, và những chuỗi ngày không cha bơ vơ tội nghiệp của tuổi thơ cho đến ngày bố tôi về. Bố đi “trình diện học tập” khi mẹ vừa mang bầu. Trong lúc Bố đi tù, mẹ tôi lại sanh thêm em trai nữa, mẹ bảo "tam nam bất phú" nên làm ăn lận đận hoài.

Nhớ lúc bố ở tù, vắng nhà, mẹ bán sạp hàng chạp phô ngoài chợ nên rất bận rộn. Mặc dù là con trai nhưng “bụng đói đầu gối phải bò” ngoài giờ đi học, tám tuổi tôi đã biết coi em, và thỉnh thoảng mẹ cho đi theo xách phụ đồ thăm nuôi bố. Mười tuổi biết đi chợ, biết vo gạo nấu cơm, biết phụ mẹ dọn hàng. Nhưng mẹ nói “ruộng sâu heo nái không bằng con gái đầu lòng” nên gần đi xuất cảnh mẹ sanh được một em gái, mẹ cưng như cục vàng, ba thằng "bất phú" ra rìa.

Gia đình tôi may mắn được bà ngoại, dì Sáu và cậu Út đi vượt biên từ những năm đầu thập niên 1980, đã đón chúng tôi từ phi trường LAX. Dì chú thuê sẵn cho gia đình tôi một căn apartment hai phòng trên đường Goldenwest, anh em tôi nằm la liệt cả ngoài phòng khách. Cậu Út chở chúng tôi đi làm “thủ tục nhập gia” và giấy tờ ở Hội USCC để nhận trợ cấp, rồi hướng dẫn chúng tôi sử dụng những tiện nghi của đất nước văn minh, để mọi người sớm thích nghi với cuộc sống mới.

Tôi còn nhớ qua được vài tuần bố tôi nhờ cậu Út dẫn đi mua được chiếc xe Toyota Camry đời 1985 tuy cũ kỹ nhưng máy còn khá tốt, cậu tôi lái về đậu trong garage, mấy bố con tôi đứng nhìn, thèm được lái ngay, nhưng vì chưa có bằng, phải đợi thôi! Hơn tháng sau tôi bắt đầu đi học lái xe và thi một lần là đậu, còn bố tôi thi tới lần thứ ba, bà ngoại tôi cứ bảo: “Con hơn cha nhà có phúc”. Và từ đó cả gia đình tôi có một chiếc xe để đi lại, sau này một bác HO bạn bố cho thêm một chiếc xe đạp cũ, để mấy anh em tôi có thêm phương tiện vừa đi học vừa đi làm,

Bà ngoaị nói cho vui vậy thôi, làm sao mà “con hơn cha” được, vì không nhờ công ơn của bố, chúng tôi đâu có ngày hôm nay. Bố tôi rất thương yêu con cái, hồi ở Việt Nam chúng tôi còn nhỏ, hay dành nhau ngồi gần bố để nghe kể chuyện nhiều tập về tù cải tạo, có những chuyện thương tâm mẹ nghe mà rươm rướm nước mắt, cũng có chuyện khôi hài mẹ và chúng tôi bò lăn ra cười.

Lâu lâu không thấy bố kể, mẹ khẽ nhắc, bố lại chậm rãi kể từng chi tiết như chuyện mới xảy ra hôm qua. Bố kể một hôm như thường lệ, mọi người phải lên lớp học chính trị, trong một hội trường lớn chứa cả ngàn người, nhưng chỉ mở có một cửa gần chỗ Chính Trị Viên đứng, cái máy nói (CTV) đang thao thao bất tuyệt, khoe khoang thành tích của quân đội Bắc Việt nào là đánh đuổi “đế quốc Mỹ”, đánh nhào “quân nguỵ” hết trận đánh này đến trận khác rất là oai phong, thì có một ông tù ngồi bệt cuối phòng trong một góc khuất, vì mệt mỏi ông ngủ ngon lành trong cơn ác mộng, bỗng ông la toáng lên “chết..chết hết..”. Anh CTV đứng gần cửa đang tả cảnh máy bay thả bom, nên bị ám ảnh, anh vùng chạy ra trước và vấp ngã, các bác tù không hiểu mô tê gì cũng ùa ra chen lấn nhau mà chạy, té chồng lên nhau đè anh CTV gần chết, lúc mọi người hoàn hồn, mới kéo CTV dậy nhưng anh mềm như tấm giẻ rách, anh vừa bị trật xương sống, trầy mặt và trật chân, mọi người cùng chờ đợi cơn phẫn nộ của anh, nhưng thấy êm re, đoán là anh bị quê một cục, vì đánh thắng Mỹ, nhưng bị quân “ngụy” đẩy té nhào, đè xẹp lép. Kể xong bố cười ngất.

Chuyện tù cải tạo của bố là chuyện dài nhiều tập, nhưng tôi nhớ nhất là chuyện nổ kho đạn ở Sư Đoàn 18 Bộ Binh cũ trên Long Khánh, nghe kinh dị. Bố kể vào ngày 26 tháng 4 năm 1976 một kho đạn rất lớn đủ mọi thứ đạn, không hiểu vì lý do gì đã phát nổ, từ một giờ trưa tới sáu giờ chiều, ngay trong khu vực tù ở mà không ai được chạy, nên chết la liệt, nhất là những căn nhà tù gần kho đạn bị xập tan tành. Nhiều người tù sợ quá theo phản ứng tự nhiên, chạy ra tới hàng rào liền bi bộ đội bắn chết gục tại chỗ như sung rụng, nên ai cũng nằm xấp xuống tránh đạn phó mặc cho trời đất. Bố kể có một ông bạn nằm cạnh bị thương máu chảy nhiều quá, nên khát nước, bò ra vườn dưa leo hái được một trái đưa vào miệng cắn chưa kịp nuốt đã chết ngay tại chỗ. Còn bố tôi cũng bị một miểng đạn sượt qua lưng, bây giờ vẫn còn vết sẹo kỷ niệm.

Tội nghiệp bố tôi, nhìn già trước tuổi, vì sức khoẻ bị ảnh hưởng bởi những năm tháng tù đầy. Theo những gì bố kể tôi phải công nhận Việt Cộng thật xảo quyệt, sau ngày 30/4/75 họ bắt nhốt những Quân, Cán, Chính của VNCH vào các trại tù rải rác suốt từ Bắc chí Nam, mà họ gọi với cái tên hoa mỹ để che mắt thế giới là “học tập cải tạo”, nhưng thực chất chẳng học hành gì chỉ nhồi nhét những chủ thuyết không tưởng, những lời đe dọa làm nhụt chí phấn đấu, bởi những cai tù mà họ gọi là quản giáo. Bố tôi và các bạn hữu bị cưỡng bức lao động mà bao tử bị bỏ đói để đầu óc lúc nào cũng nghĩ tới cái ăn, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Đến bây giờ nhiều đêm bố vẫn còn giật mình thức giấc, vã mồ hôi hột vì những cơn mơ kinh hoàng. Bố kể lại với mẹ, bố mơ thấy bị Việt Cộng bắt trở lại nhốt trong thùng container tối thui nóng nực, bị ngộp thở ú ớ kêu cứu… lúc mẹ lay bố tỉnh lại, nằm một lúc bố mới nhớ ra mình đang ở Mỹ. Mẹ cứ nhắc nhở chúng tôi:

- Các con phải luôn nhớ rằng, bố và các bạn đồng tù, đã cố gắng chịu đựng gian khổ, tủi nhục để sinh tồn. Họ đã sống sót từ một địa ngục trần gian, nhờ ý chí kiên quyết, là sức mạnh tinh thần, mà kẻ thù đã không thể tiêu diệt đưọc họ, và nhờ niềm tin vào Thượng Đế, tình yêu thương gia đình để sống còn tới ngày về, nên mới có ngày đưa vợ con đến vùng đất hứa này. Các con phải sống sao cho xứng đáng với cái giá mà bố các con đã phải bỏ ra qúa đắt.

Nhưng cũng có nhiều người “vắn số, yểu mệnh” vì suy yếu từ thể xác đến tinh thần, nên sức đề kháng của cơ thể xuống thấp, dễ bị mắc phải những căn bệnh ngặt nghèo lại không thuốc men nên đã kiệt sức mà chết, phút giã biệt cõi đời không gặp được người thân. Theo như lời bố kể lại, đặc biệt người tù cải tạo ngoài Bắc những năm đầu không được thăm nuôi, sau này mới cho gửi quà một năm hai lần, chỉ có hai ký quần áo và vật dụng, không cho gửi đồ ăn, mà họ cho tù ăn toàn bo bo và khoai mì thay gạo, cũng không đủ no, nên lúc đi lao động trong rừng gặp cái gì cũng bỏ vào miệng ăn sống, như măng tre, rau củ rừng… vì không nấu chín nên bị bệnh kiết lỵ chết rất nhiều, như trường hợp một người cùng phòng với bố, bị bệnh kiết lỵ rất nặng ông xin đi bệnh xá nằm nhưng chẳng có thuốc men gì, càng ngày ông càng thấy bệnh nặng hơn, nên xin trở lại trại mong nhờ bạn bè giúp đỡ để chờ chết, ông không mặc quần chỉ cuốn chiếc khăn vì yếu quá, rồi lết đến cạnh cầu tiêu nằm cho dễ đi.., trong khi đó có hai người bạn nằm cạnh ông bị lây kiết lỵ, khi đưa lên bệnh xá cũng chết luôn vì không thuốc. Rốt cuộc ba người chết cách nhau không bao lâu. Đến đầu năm 1979 mới cho gia đình thăm nuôi, tiếp tế nhiều đồ ăn thuốc uống, nhờ vậy những người còn lại mới sống sót. Có nhiều cái chết lãng nhách, như đói qúa chết lả, chỉ xin được ăn sẽ sống nhưng không được đáp ứng, chết vì chỉ tiêu lao đông quá cao, cố gắng rồi kiệt sức, chết vì tai nạn, chết vì trốn trại, bị đánh hoặc bị bắn cho đến chết !!…. Chúng ta hãy đốt một nén hương lòng cầu nguyện cho những người đã bị chết oan ức trong tù.

Bố mẹ tôi muốn làm việc ở hãng, xưởng hơn, nhưng vì lớn tuổi khó xin, nên nhờ người quen giới thiệu hai người vào Shop may gần nhà, là nơi luôn rộng cửa đón tiếp những người sa cơ lỡ vận, không kể tuổi tác hay trình độ. Bố đóng nút bằng máy, còn mẹ thì cặm cụi may luôn tay, ăn theo sản phẩm tính ra được có $4/giờ, nhưng được cái giờ giấc tự do, lại nhờ có hai em nhỏ còn trong tuổi được lãnh trợ cấp welfare, gia đình tôi mới sống nổi ở Cali vật giá đắt đỏ này.


Khi công việc tạm ổn, buổi tối bố mẹ tôi đi xếp hàng ở Westminster High School để test vào lớp ESL, mẹ tôi kể, chẳng biết mẹ test thế nào mà đến khi vào lớp, bà giáo nói gì mẹ chả hiểu cứ như vịt nghe sấm, mẹ sợ quá giơ tay xin xuống lớp thấp hơn vì nghe không kịp, bà giáo trả lời muốn xuống lớp, thì về nhà đợi thêm vì lớp dưới đông hết chỗ rồi. Nhờ bố tôi nghe và hiểu được, bố bảo: “bà cứ học đi rồi tôi nhắc cho”, mẹ đành ngồi lại. Các bác bạn ngồi gần mẹ cũng an ủi: “thấy chị làm bài tập, văn phạm cũng còn nhớ, cứ ráng nghe một thời gian sẽ quen”. Đúng vậy, độ vài tuần thì mẹ tôi nghe được, mẹ tôi cứ nhìn vào miệng bà giáo như một người con đang tập nói, mới đầu thì còn nói ngọng, nói ngược, tập miết rồi cũng biết nói. Lớp bố mẹ học bắt đầu từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối, mẹ tôi nhìn các bạn chung quanh mình toàn là “bác học” tóc hoa râm, có vài cô cậu trẻ một chút, nhưng đi làm từ sáng đến chiều, nên đến lớp mệt mỏi, ngáp lên ngáp xuống muốn rách mép. Mẹ kể tiếp, có hôm đám học trò già bảo nhau:

-Thôi bác ạ! Mỗi tối đi học mình ráng nhớ lấy nửa chữ cũng được còn hơn nằm ở nhà. May mà những chữ cũ ôn lại còn nhớ được, chứ những chữ mới nhai hoài mà không dzô.

Cũng may bà giáo người Mỹ này rất tốt bụng và vui vẻ, người bà bề ngang hơi to, so với chiều cao, tuổi bà khoảng ngoài năm mươi, tóc bà cột cheval cài bông hồng. Còn hai bên tai, mùa lễ nào bà đeo bông đó, chẳng hạn như mùa Noel thì bà đeo hai cây thông nhỏ bằng ngón tay út, cổ bà đeo dây chuyền bằng những hộp quà giả đủ màu nhỏ xíu thật dễ thuơng, Bà viết tên của bà là CLARKE lên bảng, rồi tập cho mọi người đọc theo. Lúc nào bà cũng nhã nhặn và kiên nhẫn dậy từng người một đọc cho đúng giọng, bà bắt tròn miệng lại rồi cong lưỡi lên, mà lưỡi mẹ tôi và các bác bạn thì cứng ngắc, mẹ bảo: -Bà giáo không nản, xuống ôm vai từng người, như khích lệ hãy cố gắng lên. Có người đi làm về đến lớp trễ cả nửa tiếng, bà không thắc mắc chỉ kêu lại ký tên vào sổ điểm danh. Những ngày lễ ngày tết bà cũng tổ chức tiệc trà đơn sơ để mọi người có dịp chuyện trò thân mật hơn. Những tấm hình lưu niệm, cả lớp chụp chung với bà giáo, bố mẹ tôi vẫn còn giữ, chắc tính để làm của gia bảo cho con cái, thỉnh thoảng lại đem ra ngắm. Nhờ những lớp học thân tình này, mà những người lớn tuổi như bố mẹ tôi không cảm thấy bỡ ngỡ, khó khăn, để chóng hội nhập vào dòng sống đời thường trong xã hội mới, vơi bớt nỗi đau qúa khứ.

Hai anh em tôi buổi sáng học Anh văn chiều đi làm, phụ cho bố mẹ chút tiền nhà, hai em nhỏ một đứa nhập học lớp bốn, một đứa lớp một tại trường Wilmore Elementary School. Mẹ tôi nhờ một cô đang là sinh viên, đến kèm homework và Anh văn một tuần hai buổi tại nhà, để hai em nhỏ theo kịp nhịp học, cô chỉ lấy giá tượng trưng.

Thằng em kế tôi gầy nhom, xin được job sang băng cho một tiệm băng nhạc, cũng nhàn nhưng chỉ tội mỗi lần đi giao hàng nó phải bưng nguyên một xe mấy chục thùng băng, nặng quá nên bị trật xương sống, phải nghỉ mất mấy tháng để bác sĩ nắn lại.

Tôi xin được job ba ngày cuối tuần, làm ở nhà hàng Nhật Yoshinoya, chuyên nấu cơm trong bếp, ông manage dạy cho cách cân gạo, đong nước sao cho vừa, đổ vào nồi rồi cắm điện, còn thịt bò và gà đã ướp sẵn, cứ vậy mà đút lò. Bán bằng hộp mút “togo” nên không phải rửa chén bát, ông manage bận “chạy sô” nhiều chi nhánh, giao cho tôi đóng cửa buổi tối, nên còn dư bao nhiêu thịt nướng ông cho đưa về hết, nếu không ai lấy thì phải bỏ. Nhờ vậy, thỉnh thoảng tôi mang về một bịch thịt ế, ngày hôm sau mẹ tôi đỡ phải mua thịt kho.

Những đêm về khuya, cả nhà đã đi ngủ, tôi rón rén mở tủ lạnh tìm nước uống, gián ở đâu mà đêm mò ra nhiều vô kể, đầy trên bàn ăn, sàn nhà bếp không còn chỗ bước. Ở Mỹ này cái gì cũng to chỉ có con gián là nhỏ hơn gián Việt Nam mà lại hay mò đồ ăn chứ không như gián Việt Nam chỉ nhấm quần áo, thế là tôi vớ được cây đập ruồi đập lấy đập để, chết la liệt. Mẹ tôi nằm trong phòng mong tôi về không ngủ được, mẹ bảo mỗi đêm cứ nghe tiếng đập gián bôm bốp là biết tôi đã về, các em tôi đặt cho tôi biệt hiệu “anh hùng diệt gián”. Kêu chủ nhà có thuốc gì giết gián giùm, họ bảo ở chung cư là vậy, đã diệt nhiều lần mà không hết.

Tôi nhớ mãi, vì xe hơi phải để bố lái đưa đón các em đi học, tôi đi làm bằng xe đạp. Một hôm lúc ra về tôi đi được một đoạn thì chiếc xe đạp bị xẹp lốp, tôi không mang theo đồ nghề, cũng không có phone tay, đành phải dắt bộ về nhà xa khoảng ba bốn miles trời mùa đông lạnh như cắt. Lúc đó tôi nhớ đến những ông “cử nhân” vá xe bên lề đường của quê hương tôi, thấy thương và thấm thía rằng các ông rất hữu ích cho những người đi xe đạp và xe gắn máy, gặp nạn như tôi.

Vừa đi tôi vừa suy nghĩ, nhân lúc tản bộ rảnh rỗi, mà từ khi qua Mỹ tôi phải tất tả chạy theơ nhịp sinh nhai, chưa có thì giờ để nhớ về một thời đã qua, thời vui ít buồn nhiều của đời học trò, mà khi ra đi mang theo bao kỷ niệm, bao ước mơ, nên vừa đặt chân đến Mỹ, ổn định cuộc sống xong là tôi vùi đầu vào sách vở, để thực hiện mơ ước, và nghĩ như dịp may mình được đi du học, lại thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn “chu di tam tộc”.

Nhớ khi còn ở quê nha, tôi bị xếp vào loại con, cháu “ngụy.” mẹ tôi trước là công chức ở một bộ mà đối với cách mạng thì hơi nặng tội, tôi thấy mặc cảm cùng mình, phải khai báo lý lịch rõ ràng nào ông và cha là “ngụy quân” mẹ là”ngụy quyền” khi điền đơn nhập học, hoặc thi đậu vào đại học, phải về phường xã xin giấy xác nhận, chứng minh gia đình cha mẹ thuộc loại tội nặng hay nhẹ, có sống đúng theo “văn hoá cách mạng” không, mà ở phường thì phải nhìn sắc mặt các ông công an khu vực mà sống. Trái với “đối tượng ưu tiên” gia đình có “công với cách mạng” thì mỗi kỳ thi vào đại học được cộng một điểm, gia đình “liệt sĩ” được cộng hai điểm… Đầu niên học 1990 một tờ báo địa phương đăng tin, trường hợp một học sinh ở Quảng Nam, đậu tốt nghiệp cấp ba hạng ưu, thi vào đại học em xếp đầu bảng, nhưng vì lý lịch nên em bị trường ĐH từ chối không được học theo chỉ thị số…thông tư ngày…. Rồi nghị định kia, quyết định nọ, đầy một góc trang báo.

Đọc báo thấy có nhiều tin tương tự, mới biết thì ra còn nhiều bạn có hoàn cảnh “bị đì” giống mình, nên cảm thấy bớt tủi thân, vì vậy tôi cứ đi luyện thi vào đại học miết, và luyện cả tính nhẫn nại, hóa ra bây giờ lại có ích. Tương lai mờ mịt nên suốt thời học sinh không dám sắm cho mình một cuộc tình vắt vai, cũng không biết cái cảm giác “yêu là chết trong lòng một ít, mà yêu thì khổ, không yêu thì lỗ”. Vừa đi tôi vừa nghêu ngao bài Ảo Ảnh của Y Vân “Yêu cho biết sao đêm dài, cho quen với nồng cay. Yêu cho thấy bao lâu đài, chỉ còn vài trang giấy, dòng mực xanh còn…” về đến nhà hồi nào không hay.

Tới mùa hè tôi lại đổi Job, xin bán liquor lương $6 / giờ, tôi chọn bán đêm cao hơn ban ngày một giờ 50 cents, lại có nhiều giờ để đi học, nhưng thỉnh thoảng gặp phải ăn cắp vặt, như có lần một anh chàng cao lớn đầu tóc bù xù, vào xách một thùng beer, hoặc một nhóc tì lấy bịch chips đi ra tỉnh bơ, không thấy ông thần tài ngồi chình ình ở bàn cashier, tôi liền ngoắc lại hỏi: - Do you want to pay? Tên “chôm chỉa” lắc đầu. Vậy là tôi chỉ việc lôi quyển sổ riêng mà ông chủ đã dặn, cặm cụi ghi chép kê khai những món bị mất, không dại gì đấu súng với họ, lỡ thiệt mạng ông chủ phải đền còn tốn hơn.

Sau một năm học anh văn, tôi điền đơn xin được tiền Financial Aid, rồi ghi danh vào trường OCC (Orange Coast College) học hai năm, tôi transfer lên trường Cal Poly Pomona, vào chuyên ngành tôi chọn học Civil Engineering. Con đường giùi mài kinh sử của tôi cũng lận đận lắm vì bài English writing test, và lấy Certificate EIT, năm 2002 mới tốt nghiệp. Những năm cuối tôi xin được làm intern tại Santa Ana City Hall. Ra trường khoảng một năm sau thì tôi tìm được việc.

Hiện giờ tôi làm việc tại Stetson Engineers Inc, công việc rất thích hợp với tôi. Đó là nhờ công ơn nước Mỹ đã cưu mang và mở rộng tay đón nhận gia đình chúng tôi được định cư trong một đất nước nhân đạo đầy tình người, tôi xin tri ân Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã cho tôi cơ hội tiến thân. Tôi cũng cám ơn bố mẹ đã nâng đỡ và khuyến khích tôi.

Người đời có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” qủa không sai. Nhìn những đứa em tôi lớn lên tại Mỹ, được huởng nền giáo dục tân tiến, đời sống cởi mở, và tương lai đầy hy vọng, chúng tự tin hơn thế hệ chúng tôi, lúc nào tôi cũng lẫn lộn hiện tại với quá khứ, và hay suy nghĩ về quãng đời đã qua, rồi cảm thấy buồn, khi từ đất nước người nhìn về sự dạy dỗ, và đào tạo nhân tài cho đất nước mình. Bởi cái xã hội duy lợi, coi trọng tiền bạc chủ trương bắt học sinh phải đóng góp phụ phí. Ưu tiên “đối tượng nọ” đãi ngộ “chính sách kia” không biết trọng dụng nhân tài. Nó còn bị kiểm soát và chỉ đạo nhằm mục đích củng cố “quyền lực đảng trong giáo dục” đã tàn phá nhiều tương lai của đất nước. Đó là cái dại làm hại cái khôn.

Hãy nhìn những người Việt Nam tỵ nạn, mới có vài thập niên, mà đa số những người trẻ đã đạt được nhiều thành công, thành danh đáng kể trong xã hội mới, nhờ tính cần cù và hiếu học. Tuổi trẻ chúng tôi như những hạt giống bị ném vào bụi gai, bị vùi giập ngay chính trên quê hương mình. May mà trước khi bị thối rữa, đã được bứng vào vùng đất tốt, để có cơ hội nảy mầm. Nên tôi viết lại những dòng cảm nghĩ này, để lớp trẻ hải ngoại chúng ta và những anh em, bạn bè tôi còn sống tại Việt Nam, hiểu rõ hơn là tại sao, có những người như chúng tôi, phải đành đoạn rời bỏ quê hương xa lìa đất tổ.

Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
26/04/201616:26:47
Khách
Tuyet voi! Ta hanh dien la nguoi Viet Nam, Con Rong , chau Tien luon houng ve dong bao va que huong Viet Nam.
24/04/201623:05:54
Khách
"Giặc từ Miền Bắc vô đây, bàn tay nhuốm máu đồng bào ... Giặc từ miền Bắc vô đây, bàn tay nhuốm máu anh em. Hận thù đó cất cao trong lòng người, hận thù đó khắc sâu trong lòng tôi, lòng anh ...Vì giặc thù đốt phá quê hương ta ... Vì giặc thù bắn giết đồng bào ta ... Vì giặc thù còn đó, vì giặc thù còn đó ".

Không bao giờ chấp nhận hòa giải, hòa hợp với bè lũ Cộng sản xâm lược đã cướp mất quê hương ta .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,348,235
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng 12.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của tác giả viết về mùa giáng sinh.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết mới của bà được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà
Nhạc sĩ Cung Tiến