Hôm nay,  

Chuyện Sửa Sắc Đẹp

27/03/201600:00:00(Xem: 18664)
Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 3784-17-30284vb7032616

Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự. Sang năm 2015, với bài “Giọt Máu Rơi của Người Lính Chết Trẻ”, cô nhận thêm giải “Vinh Danh Tác Phẩm” và vẫn tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *
blank
Các kiểu làm đẹp bằng giải phẫu.

Nhan sắc còn gọi là dung nhan hay vẻ đẹp là món quà Thượng Đế dành cho phái nữ. Nếu nói như thế thì không giải thích được tại sao trên đời này sinh ra lại có người đẹp, người xấu. Đạo Phật lý giải bằng thuyết nhân quả và luân hồi. Kiếp này sống an vui, không hờn giận và làm những điều lành như biết bố thí, dâng hoa cúng Phật là tạo cái “nhân” tốt để kiếp sau, nếu tái sinh làm người sẽ hưởng cái “quả” tốt như có một dung nhan thanh tú, đẹp đẽ. Ngược lại nếu kiếp này nhan sắc xấu xí thì biết rằng kiếp trước mình hay nóng giận, hung dữ và không biết làm phước.

Chẳng lẽ luật nhân quả và luân hồi của đạo Phật đã bị đảo lộn khi trên thế giới ngày nay, ngành y khoa thẩm mỹ ra đời với những tiến bộ kỹ thuật vượt bực đã làm thay đổi hình thức bên ngoài của người phụ nữ ngay trong kiếp này. Bàn tay kỳ diệu của vị bác sĩ phẫu thuật đã làm biến đổi nhan sắc của người phụ nữ từ nét mặt cho đến vóc dáng.

Phụ nữ ai cũng thích mình đẹp. Khi có tiền, họ có khuynh hướng muốn đổi tiền lấy nhan sắc. Bác sĩ hành nghề thẩm mỹ là giới kiếm tiền dễ dàng và có mức thu nhập cao vì nó tỷ lệ thuận với nhu cầu làm đẹp. Phụ nữ thành công ngoài xã hội càng tăng thì nhu cầu làm đẹp càng nhiều.

Trên thế giới ngày nay, nhu cầu thẩm mỹ này càng ngày càng phát triển, không chỉ dành cho phái nữ mà còn lan đến giới mày râu, không chỉ dành cho những người giàu có và những người nổi tiếng mà trở thành phổ biến, thời thượng trong mọi tầng lớp. Thống kê cho biết hàng năm có cả triệu người Mỹ sử dụng dao kéo. Các các dịch vụ cắt, gọt, nâng, bơm, hút, căng, kéo, vá, mài, lột, tẩy, xóa... các bộ phận trên cơ thể phụ nữ và nam giới được tóm gọn bằng ba chữ “sửa sắc đẹp”.

*

blank
Các kiểu làm đẹp bằng giải phẫu.

Câu chuyện xảy ra từ năm ngoái. Tôi nhận được một cú điện thoại của một chị bạn. Giọng nói của chị reo vui và hớn hở như chưa bao giờ chị hạnh phúc đến thế:

_ Bà đi đâu vậy Ani? Tui gọi bà mấy lần không thấy bà trả lời. Trời ơi, tui bây giờ đẹp lắm Ani ơi. Đẹp không thể tưởng tượng được. Bà gặp tui bây giờ bà không nhận ra tui đâu. Đám thợ trong tiệm neo không ngờ tui đẹp dữ vậy. Khách hàng của tui tưởng tui là bà khách nào. Ani tới coi chơi. Tui nghỉ ngày thứ hai. Ghé đi. Bà thấy tui mà bà không mê thì thôi.

Trời! “Bà thấy tui mà bà không mê thì thôi”. Trên đời này sao có người tự tin quá vậy ta? Chắc bả phải đẹp thiệt mới dám mạnh miệng khoe mà còn tha thiết rủ tới coi...hàng.Coi thiệt chứ không phải “coi chơi” mà hàng là hàng giả chứ không phải hàng thiệt. Sự tò mò làm cho tôi không thể bỏ qua những câu hỏi tới tấp:

- Chị Mai sửa sắc đẹp phải hôn? Sửa ở đâu? Thôi tui nhớ ra rồi. Chị Mai nói giá vé rẻ, Mai sẽ về Việt nam. Vậy Mai sửa cái gì, cắt mắt, nâng mũi, bơm môi, căng da mặt ?

Tiếng chị cười khanh khách:

- Tui sửa đủ thứ. Hút mỡ bụng luôn. Bây giờ tui thon lắm Ani ơi. Ani có tin rằng tui sụt từ một trăm bảy mươi “bao” còn một trăm bốn mươi không. Hồi trước tui mặc đồ “xai lạc” bây giờ bỏ đồ cũ, thay hết đồ mới, “xai mi-đi um”. A-ni thấy tui, bà không tưởng tượng tui thay đổi nhiều lắm. Đẹp không ngờ luôn.

Vẫn là niềm vui rộn rã và sự tự tin...không ngờ trong tiếng suýt soa của chị qua phone. Điều tôi chỉ muốn biết là vấn đề chi phí cho một cuộc “đổi đời” về nhan sắc của chị:

- Mai sửa như vậy thời gian mất bao lâu? Tốn bao nhiêu tiền? Sửa ở Việt nam rẻ hơn ở Mỹ nhiều lắm phải không? Nghe nói Sài gòn có bệnh viện TV rẻ và nổi tiếng. Mấy người bạn mình toàn về đó sửa rất an toàn.

- Dài dòng lắm. Thứ hai tuần tới Ani ghé tui đi, tui kể chuyện cho nghe. Sửa đi bà. Tui có giữ mấy cái địa chỉ nè. Tui cho bà tên bác sĩ luôn. Tui về gần bốn tháng. Chi phí tổng cộng khoảng hơn mười ngàn. A-ni ơi, đi làm cực khổ quá. Từ trước tới giờ chỉ lo kiếm tiền, bây giờ mình mới biết làm đẹp cho mình. Mình đẹp mình hưởng. Chết rồi có mang tiền theo được đâu.Cho nên tui đang hưởng...tui đây nè. Sửa rồi tui đẹp hết biết luôn.

Bà bạn này sao bả quá “cờ -rê- zi” về nhan sắc của bả dữ vậy trời? Có khi bả phát cuồng cũng nên. Còn ộng chồng thì sao. Tui tò mò hỏi tiếp:

- Mai gan thiệt. Nâng mũi, cắt mắt, căng da, bơm môi, hút mỡ bụng liên tiếp Mai không sợ đau à?. Ông Hoàng có về chung với bà không? Ổng thấy Mai đẹp chắc ổng khoái lắm héng?

Chị xì qua phone:

- Khoái gì. Không có cha nào thích cho vợ bỏ tiền ra sửa sắc đẹp hết. Mấy cha sợ tốn tiền. Vợ đẹp mắc công ghen. Nhưng tiền là tiền của Mai kiếm ra. Cơ thể này là của Mai. Sao ổng cấm Mai được. Ổng không về, Mai cũng về một mình ên à. Sẵn dịp về thăm ông già. Hai đứa em bên đó rành ba cái vụ này lắm. Tụi nó lo cho Mai. Đâu cần ổng.

Giọng chị trầm hẳn xuống:

- Còn chuyện có đau không. Đau thấy ông bà cố nội chớ hổng đau. Nhưng sợ gì. Đau có thuốc giảm đau. Đau rồi cũng hết. Còn đẹp mình đẹp hoài. Bà chọn đi. Đau hay đẹp. Ai có gan làm giàu chớ tui có gan làm đẹp. Bây giờ Mai đẹp nên Mai vui lắm. Cả ngày ngắm mình hoài. Ani ơi, nhớ ghé gọi cho Mai nha. Mai ở nhà đón bà. Mai nói thiệt, bà thấy tui mà không mê thì thôi.

Tôi đặt cái phone xuống bàn sau một tràng liên thanh dụ dỗ hết sức nhiệt tình của chị. Tiếng cười rổn rảng, giọng nói vui như Tết và cũng câu nói lập đi lập lại “Bà thấy tui mà không mê thì thôi” của Mai còn vang vọng bên tai. “Mê” người hay “mê” nhan sắc? Người với nhan sắc bây giờ là một. Dung nhan này vẫn còn trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi nhất định phải đến gặp “người đẹp dao kéo” này.

Quan hệ giữa vợ chồng tôi và anh chị Hoàng- Mai bắt đầu bằng những cái vé máy bay từ năm một chín chín hai. Mai bằng tuổi tôi, là khách hàng trung thành của tôi từ hồi tôi mở tiệm cho đến khi dẹp tiệm tính ra mười lăm năm. Biết anh Hoàng, chồng Mai giỏi nghề sửa chữa linh tinh, ông chồng tôi tin tưởng nhờ anh sửa, khi thì cái máy xay rác hư, cái ống nước rò rỉ, cánh cửa vườn sập, thay cái thảm cũ... Hai vợ chồng nhà này người miền Nam thật thà, chơn chất, tốt bụng. Ông chồng hiền lành, trầm tính, ít nói. Bà vợ lanh chanh, nói nhiều, thảo ăn và nấu ăn ngon. Chị làm neo, tiếng Anh chỉ đủ để giao tế. Anh làm thợ trong cộng đồng người Việt. Anh chị có mỗi cô con gái lấy chồng xa. Vì thế, những giấy tờ liên quan đến bảo hiểm y tế, xe cộ, ngân hàng, bệnh viện, thuế má... có gì thắc mắc hay trục trặc anh đều nhờ ông chồng tôi chỉ dẫn dùm. Mối quan hệ càng ngày càng thân tình khi vợ chồng tôi được anh chị mời làm đại diện cho họ nhà gái lên cám ơn hai họ trong ngày đám cưới cháu Loan.

*

blank
Các kiểu làm đẹp bằng giải phẫu.

Chúng tôi đậu xe bên kia đường trước nhà đã thấy chị đứng trước cửa, giơ tay vẫy vẫy ra dấu “Tui đây. Tui đây”.Tôi nói với ông chồng“ Chắc chị Mai chờ tụi mình từ nãy giờ.”

Nhìn xa rõ ràng là Mai gầy hẳn đi. Nàng chơi một cái áo thun màu xanh và một cái quần lửng màu trắng dài ngang đầu gối. Vóc dáng thon gọn và trẻ trung của chị là hình ảnh đầu tiên gây cho tôi một ấn tượng bất ngờ. Đâu còn thân hình đồ sộ, đi đứng chậm chạp, quanh năm trong chiếc quần tây đen và chiếc áo sơ mi lụng thụng tay dài, cổ bẻ của mấy bà già.

Mai đội tóc giả “highlight” màu nâu sáng, chải phồng, xịt keo bồng bềnh như đi đám cưới. Mai trang điểm nhẹ nhàng nên rất tự nhiên. Đôi mắt hai mí viền đen rất rõ, mở to với hai hàng mi giả ẩn chứa niềm vui khi nhìn người đối diện. Cái mũi tẹt lét ngày nào bây giờ là cái sóng mũi cao và thẳng, tương xứng với hai cánh mũi khít và nhỏ. Chiếc môi mọng, dầy, màu hồng, hình trái tim cong lên mỗi khi chị cười. Cặp chân mày “shape” đẹp, đều đặn, có đuôi, xâm màu nâu rất sắc sảo. Không thấy hai nếp nhăn hình sọc dưa ở giữa chân mày. Hai cái ngoặc đơn chảy xệ bên hai cánh mũi và những vết chân chim hai bên khóe mắt cũng biến mất.Thân hình thon gọn hợp với khuôn mặt tóp lại chứ không chè bè như trước. Lúc ấy trong đầu tôi hiện ra một hình ảnh rất quen. Chị giống một người mà tôi vẫn thường gặp. Đúng rồi. Cô em Christine hàng xóm cạnh nhà tôi.

Đứng ở cửa, chị nghiêng người làm dáng và cười ha hả hỏi tôi:

- Sao? Thấy sao? Nhận ra Mai hôn? Đẹp hôn? Thấy Mai lạ chưa? Ra đường gặp Mai chưa chắc bà nhận ra.

Tôi nghĩ đến một chữ tiếng Mỹ trong đầu “Unbelievable!”. Không thể tin được.

- Bà biết không, tui sửa lâu rồi mà mấy đứa làm neo trong tiệm tụi nó cứ nhìn Mai hoài và nói tui trông lạ và đẹp. Tụi nó nói không những đẹp mà đẹp... sang.Có lẽ tụi nó so sánh hồi trước tui mập và không biết chưng diện. Tụi nó còn nói tui trẻ đến mức tụi nó xem hình tui với con Loan nói như hai chị em. Bà thấy tui trẻ hôn?

Tôi vẫn không rời đôi mắt trên khuôn mặt chị, ráng tìm lại nét cũ của cô Mai ngày trước. Có chăng một chút khi chị cười. “Người đẹp không ngờ”. “Người đẹp hết biết”.”

Trước mắt tôi là một cô Mai hoàn toàn khác lạ. Đúng như chị nói, ra đường gặp chị, tôi không thể nhận ra cô Mai. Một cô Mai đẹp. Một cô Mai trẻ đi mười tuổi. Một cô Mai đang ôm tôi mừng rỡ, hỏi han tíu tít còn tôi vẫn còn ngỡ ngàng trước một cô bạn lột xác từ khuôn mặt đến vóc dáng.Chị kéo tôi vào trong nhà, đôi mắt tôi vẫn không rời khi chị di chuyển nhanh nhẹn từ phòng khách đến nhà bếp để canh nồi bún bò đang hầm. Lúc đó tôi mới nhớ ra ông chồng tôi vẫn đang lững thững ngoài sân. Anh Hoàng từ trong nhà bước ra chào tôi. Anh gầy đi, nét mặt tỏ vẻ không vui. Thế là hai ông rủ nhau ra vườn uống bia với dĩa gà chiên nước mắm đã bày sẵn để cho hai chúng tôi tha hồ nói chuyện dao kéo.

Ngồi bên chiếc “sofa”, Mai lấy cho tôi xem một bao thơ màu vàng của cháu Loan. Đây là hồ sơ các trung tâm làm đẹp nổi tiếng ở xứ Mỹ cháu Loan tra cứu trên mạng, in ra và gửi về cho mẹ. Từ khi biết mẹ muốn sửa sắc đẹp, Loan hẹn sẽ về Cali vào dịp hè đưa mẹ đi tham vấn và sửa sắc đẹp ở Mỹ. Con nhỏ cẩn thận ghi ra bằng tiếng Việt bốn loại hồ sơ “Hút Mỡ” (liposuction), “Căng Da Mặt” (face lift), “Sửa Mũi” (nose lift augmentation) “Cắt Mắt” ( eye lid surgery). Loan còn ghi rõ bằng tiếng Việt tên các bác sĩ, cách tiến hành các loại phẫu thuật và giá tiền để mẹ ở nhà “nghiên cứu” trước. Ông bác sĩ Ấn độ Soheil Saul Lahijani ở Newport Beach, bác sĩ Mỹ Dennis J Hurwitz ở Beverly Hills, bác sĩ Mỹ Jason Raymond ở Malibu là những tay bác sĩ nổi tiếng “chuyện trị” ngành hút mỡ. Bác sĩ Jeffrey Taylor ở Santa Monica, bác sĩ David Lee người Mỹ gốc Tàu ở Orange County, bác sĩ Mỹ gốc Pháp Simon Ourian ở Bevely Hills là ba bác sĩ “bá nghệ” có nhiều kinh nghiệm làm đủ món như căng da mặt, nâng mũi, bơm ngực, cắt mí mắt, nâng chân mày, gọt cằm và vá cả màng trinh... Chị Mai “chê” bác sĩ Mỹ “chém ngọt”, “chặt đẹp”. Chị có hai cô em gái ở Việt nam có nhiều kinh nghiệm với ngành dao kéo rủ rê chị về “đại tu” toàn bộ nhan sắc. Thế là “ Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà...rẻ hơn”. Tuy ở Mỹ nhưng “bà già nhà quê” này thích về tắm ở ao nhà. Chị âm thầm dặn chồng dấu con gái, bay một mình về Việt nam làm một hơi hai món khai vị là bơm môi và xâm chân mày.Theo lời chị kể: “ Mình lỡ...đẹp cho đẹp luôn, lỡ... đau cho đau luôn”, chị làm tiếp bốn món ăn chơi kia và trở về Mỹ...bình yên vô sự.

Tôi ngồi yên lặng vừa nghe chị kể chuyện và ngắm chị miết.

- Annie biết không, con Loan muốn tui sửa ở Mỹ cho an toàn nhưng giá gấp ba lần bên kia. Bà coi ông bác sĩ Mỹ này “chạt” mười ngàn hút mỡ toàn bộ năm vùng. Quá mắc. Mười ngàn tui về Việt nam làm đủ thứ. Họ ghi giá bốn ngàn nhưng chỉ hút có một vùng bụng thôi. Hút ba vùng thêm cái hông và cái đùi hơn bảy ngàn. Hút năm vùng thêm cái mông và cái eo gần mười ngàn. Đó là chưa kể họ “chạt” đủ thứ tiền, ngoài tiền mổ còn tiền gây mê, tiền bệnh viện, tiền y tá, tiền thử máu, tiền băng, gạc, tiền thuốc tổng cộng gần năm ngàn nữa. Tui nói với ông Hoàng thôi dẹp. Tui về Việt nam làm có....ba ngàn. Bao hết.

Chị lấy hai ngón tay vuốt hai bên sóng mũi rồi đưa khuôn mặt tới gần cho tôi ngắm cái mũi mới của chị. Chị vẫn miên man kể chuyện về giá cả:

- Sửa cái gì cũng rẻ hơn phân nửa Ani ơi. Sửa mũi bên kia chưa tới hai ngàn, kiểu Hàn Quốc, bên này năm ngàn. Căng da mặt, da cổ bên kia có ba ngàn, bên này tới sáu ngàn. Cắt mí mắt bên kia có một ngàn, bên này hai ngàn. Sẵn dịp tui bơm luôn cái môi có ba trăm, Xâm lông mày có hơn một trăm. Tính ra làm nguyên cái mặt bảy ngàn, hút mỡ hơn ba ngàn là mười ngàn. Còn làm ở Mỹ, món nào cũng “chạt” thêm năm sáu thứ tiền. Một viên thuốc cũng phải trả tiền. Bên kia còn có “khuyến mãi”. Sau khi lành họ còn cho thẻ đi “mát xa” miễn phí.


Chị lấy ra một bao ziploc trong đó có “carte visit” của các bác sĩ, toa thuốc đưa cho tôi xem. Đây là bác sĩ X bệnh viện KN ở đường Trần Hưng Đạo chuyên hút mỡ. Bác sĩ M bệnh viện KN ở đường Hai Bà Trưng chuyên nâng mũi, nâng ngực, cắt mắt. Xâm môi phải đến cô C đường Lê Lợi. Xâm chân mày nổi tiếng rẻ và đẹp là Cô L đường Bùi thị Xuân. Chữa các loại da bị sẹo, rỗ, mụn... thì có bác sĩ H bệnh viện KH đường Lý Thái Tổ. Ngoài ra muốn làm có hàm răng đẹp thì đến bác sĩ T ở Phú Nhuận. Đây là những chiếc đũa thần sẽ biến những cô gái lọ lem trở thành những nàng tiên với điều kiện các ca làm đẹp phải hoàn hảo, thành công. Còn nếu như ngược lại thì “cầm bằng như nước cuốn hoa trôi”, lấy ai mà kiện cáo, thưa gửi vì trước khi làm đẹp, các bà, các cô dù ở “bên này hay bên kia” đều phải ký vào tờ giấy cam kết còn gọi là “consent form”, xác nhận rằng mình đã đọc, đã hiểu cách làm và chấp nhận những bất trắc có thể xảy ra khi phẫu thuật.

Chị Mai vạch cho tôi xem hai bên thái dương và chân tóc trên trán là nơi có những vết rạch và đường khâu. Chị kể cách căng da mặt theo kỹ thuật mới ngày nay là bác sĩ sau khi gây tê vùng mặt và cho thuốc an thần, họ không kéo da mà kéo chặt những bắp thịt bị chảy xệ nằm sâu dưới da trên mặt và dưới cổ, cắt bỏ những da thừa, dùng da bao và may lại, dấu những vết rạch và đường khâu ở hai bên thái dương và chân tóc. Cho nên khi vết thương đã lành, tóc sẽ mọc lại không để lại vết sẹo nào. Bệnh nhân sẽ có làn da tự nhiên, mềm mại chứ không căng cứng.

Chị giơ hai cùi chỏ, chỉ trên khoang bụng và hai bên hông vùng eo cho tôi xem những vết sẹo đã mờ. Đó là nơi bác sĩ cầm những cây que chọc vào những vùng mỡ dưới da. Sau khi chích thuốc cho tan mỡ vào những nơi đã được xác định, mỡ sẽ bị đánh tan và theo một cái ống hút thoát ra ngoài. Số lượng mỡ hút ra vào khoảng vài lít.

Chị kể một chiếc mũi có kiểu dáng S line 3D tiêu chuẩn của xứ...kim chi, bác sĩ dùng sụn bên lỗ tai và sụn nhân tạo đúc khuôn giống như sống mũi. Họ mổ, tách và bóc khoang mũi, đưa sụn vào, tạo dáng sống mũi, đầu mũi và hai bên lỗ mũi. Nâng mí mắt càng nhanh và dễ dàng. Bác sĩ sẽ đo,vẽ nếp gấp trên mí mắt, dùng dao cắt bỏ chỗ da mắt bị chảy xệ và mở thừa, sau đó may vết mổ bằng các đường chỉ khâu..

Tất cả các cuộc giải phẩu nhỏ hay lớn, bệnh nhân đều trở lại tái khám để cắt chỉ, uống thuốc giảm đau, thuốc làm tan máu bầm, thuốc kháng sinh và thuốc bôi ngoài da. Có những ca mổ hoàn hảo nhưng có những ca mổ xảy ra những trục trặc về kỹ thuật. Tùy theo cơ thể của bệnh nhân và do những làn dao mũi kéo không chính xác đưa đến những trường hợp như chảy máu nhiều, nhiễm trùng, sưng lâu, sẹo lồi, vết bầm không tan, vết thương lâu lành, đau liên tục, các dây thần kinh bị tổn thương, các khiếm khuyết méo mó, xấu xí chỗ đường khâu, vết cắt...Vì thế các bệnh nhân đều được khuyến cáo phải uống thuốc kháng sinh đề phòng nhiễm trùng, giữ vết thương khô, kiêng ăn những thức ăn gây dị ứng như thịt bò hay đồ biển, kiêng ăn rau muống vì dễ gây sẹo lồi, phải chườm đá để giảm sưng...Nếu trọng tài là vua sân cỏ thì bác sĩ thẩm mỹ là vua trên bàn mổ. Nhan sắc của phái đẹp nằm trong đôi tay khéo léo của họ. Nếu chị em phụ nữ quan niệm “đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên” thì chấp nhận những hên xui may rủi này.

Nói đến phẫu thuật không ai không biết đến thần tượng Michael Jachson tự tiêu hủy khuôn mặt mình bằng vài chục cuộc giải phẫu thẩm mỹ lớn, nhỏ. Với ám ảnh và mong muốn có được một nhan sắc hoàn hảo, chàng ca sĩ này đã lạm dụng quá nhiều dao kéo như chích Botox, tẩy trắng da, độn cằm, sửa mông, sửa mũi đến nỗi các bác sĩ phải chào thua... cái mũi vì giải phẫu quá nhiều lần. Bên trong mũi có một cái lỗ hổng, hai bên cánh mũi hẹp và nghẹt không còn chỗ cho đường thở ra vào. Có nhiều câu chuyện liên quan đến bệnh”ghiền” giải phẫu và “ghiền” thuốc giảm đau của những người nổi tiếng sau khi giải phẫu. Có những cuộc giải phẫu không thành công được phổ biến nên mọi người đều biết như cuộc giải phẫu của nhà thiết kế tài ba Donatella Versace, bà mẹ của tài tử đấm đá Sylvester Stallone, tài tử Melanie Griffith... Những biến chứng sau phẫu thuật và sự sai lệch hay quá đà khi giải phẫu của các bác sĩ đưa đến những cặp mắt lồi, cái môi phồng to, cái miệng méo xệch, bộ ngực chảy xệ... Ngoài ra còn nhiều cuộc giải phẫu khác không thành công, không được biết đến ngoài bệnh nhân và bác sĩ.Tỷ lệ này chiếm khoảng từ mười đến mười lăm phần trăm trong các ca mổ.

“Tiền mất tật mang” vẫn là điều bác sĩ và người sửa sắc đẹp không mong muốn. Dù sao họ cũng là người còn may mắn. Có những trường hợp bệnh nhân chết trên bàn mổ trước khi thấy được nhan sắc của mình. Ở Việt nam thời thập niên sáu mươi có nữ diễn viên nổi tiếng hồi còn trẻ được danh hiệu là “Người Đẹp Bình Dương”. Cô sử dụng phẫu thuật từ lúc ngành thẩm mỹ còn mới mẻ. Theo thời gian, những chất hóa học bơm vào cơ thể đã đến lúc phản ứng gây ra những biến thái quái dị trên khuôn mặt và thân thể khi về già. Hình ảnh đó được phổ biến trên mạng đã khiến nhiều chị em phụ nữ sợ hãi và thay đổi quan niệm “thà xấu tự nhiên hơn là đẹp nhân tạo”.

Ở Việt nam, bên cạnh phong trào mê phim Hàn Quốc còn là phong trào mê mỹ phẩm và nhan sắc của phụ nữ và thanh niên xứ Hàn. Vì thế, nhiều cô gái Việt nam qua Hàn Quốc sửa sắc đẹp để có được nét đẹp Á Đông. Quận Gangnam ở thủ đô Hàn quốc là kinh đô thẩm mỹ nổi tiếng. Ra đường, mọi người sẽ thấy các cô gái ăn mặc rất thời trang, dùng toàn hàng hiệu, nhất là trông họ rất giống nhau. Cô nào cũng có đôi mắt hai mí to, cái mũi cao và thẳng và chiếc cằm nhọn hình chữ V. Thật là buồn cười khi báo chí công bố hình ảnh và tên tuổi các ứng viên trong cuộc thi hoa hậu, cô nào trông cũng giống cô nào. Họ như các chị em sinh đôi, sinh ba, sinh bốn... nhưng cô nào cũng đẹp.

*

Sau lần đến nhà chiêm ngưỡng tận mắt nhan sắc không phải do “Trời cho” mà do các bác sĩ tặng cho Mai, tình cờ vài tháng sau chúng tôi gặp anh Hoàng đi chợ Thuận Phát.

- Ủa, anh Hoàng. Khỏe không? Chị Mai đâu mà anh đi chợ một mình?

Anh Hoàng lắc đầu. Nét mặt anh dàu dàu. Anh trông gầy hẳn đi. Bãi đậu xe vắng người, anh kéo ông chồng tôi vào chỗ mát nghe anh kể chuyện:

- Bây giờ bả ít đi chợ.Tui đi không à.Tối thứ bảy và chủ nhật là ngày bả đi chơi. Các buổi tối khác, về đến nhà, có khi trời tối, bạn bè rủ, bả vẫn đi. Bả bây giờ nhiều bạn lắm. Thiệt là rầu anh chị ơi. Anh chị thân như người nhà, tui không dám dấu. Từ ngày bả sửa sắc đẹp, bà thay đổi nhiều, giống như anh chị lật cái bàn tay vậy nè. Anh chị nghĩ coi, bằng tuổi như bả có cháu ngoại rồi mà đua đòi theo mấy con “hót-gơ” trong tiệm neo đi coi mấy cái sô tầm bậy tầm bạ. Đi làm về, bả theo tụi nó đi ăn, đi chơi, đi coi văn nghệ, đi tiệc nọ tiệc kia, có khi đi sắm đồ tối mịt mới về. Bả bỏ cơm rồi. Ăn cơm sợ mập. Tui đi làm về thường tự nấu lấy chớ bả ít xuống bếp. Buồn nhứt là bả chê tui lúc nào quần áo cũng luộm thuộm, hôi hám. Anh chị nghĩ coi, nghề của tui là nghề kềm, búa, dùi, đục, mỏ lết. Không sơn thì bụi, không bụi thì mồ hôi. Tay chân, quần áo của người thợ như tui làm sao sạch sẽ, thơm tho được. Từ hồi bả biết bả đẹp, bả coi tui không ra gì. Tui buồn quá không biết tâm sự với ai. Sẵn gặp anh chị đây nói ra cho đỡ nặng lòng. Sợ cháu Loan biết được cháu buồn nên tui dấu luôn. Tui biết làm sao bây giờ hả anh chị? Đâu cấm cản bả được. Xứ Mỹ mà. Phụ nữ là số một. Lạng quạng mình ra đường ở. Hổng lẽ sống với nhau gần xuống lỗ rồi mà còn nói chuyện ly dị. Sống như tui như vậy thiệt là khổ tâm hết sức.

Hình ảnh cô Mai đẹp hôm nào và anh Hoàng tôi vừa gặp vừa rồi ám ảnh tôi suốt con đường về nhà. Tôi cứ nghĩ có vợ đẹp đáng lẽ anh Hoàng phải vui và hãnh diện chớ đâu buồn bã, thảm não như thế này. Tôi nhớ lại hôm đến nhà anh để gặp chị Mai, nét mặt anh lúc đó đã có gì không vui. Có thể vì anh không bằng lòng chuyện chị sửa sắc đẹp nhưng chị đặt anh vào thế đã rồi. Nhan sắc này làm cho chị thay đổi. Chị vui bao nhiêu thì anh buồn bấy nhiêu. Đó là chưa kể sự thay đổi về cách sống của chị đã làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Ít lâu sau, anh Hoàng gọi cho chồng tôi và mời chúng tôi đến nhà anh chơi. Tôi ngạc nhiên hỏi chị Mai đâu sao anh lại mời đến chơi bất ngờ. Anh nói chị về Việt nam sửa mũi. Tôi ngạc nhiên định hỏi tiếp thì anh nói cứ đến chơi để nghe anh kể “chuyện hậu sửa sắc đẹp” của vợ anh.

Theo lời anh Hoàng, chị Mai đi dự tiệc với mấy đứa “hót- gơ” trong tiệm neo.Trước đây chị không bao giờ mang giầy gót cao. Chị cũng chẳng bao giờ mặc đầm. Chị mang đôi giày cao gót mới, chưa quen hay vô ý thế nào chị vấp té dập mặt xuống đường, máu me trong mũi chảy có vòi. Xe cấp cứu chở chị vô nhà thương khâu cái mũi dập và cho biết khối sụn đặt trong mũi bị gẫy. Họ chỉ khâu vết thương, phần còn lại phải nhờ bác sĩ thẩm mỹ mổ để lấy khối sụn gẫy và đặt lại khối sụn mới. Cháu Loan bỏ hết công việc qua Cali đưa mẹ đi khám bác sĩ Mỹ. Đợt tham vấn đầu tiên miễn phí nhưng số tiền sửa cái mũi dập sụn này, sơ khởi khoảng mười ngàn đồng chưa hể các chi phí khác. Chị Mai nhất định không sửa ở Mỹ mà về Việt nam nhờ ông bác sĩ M người Đại Hàn ở bệnh viện KN trước đây đã sửa cho chị. Qua phone, phải khám cái mũi mới định giá chính xác nhưng họ có thể ước tính vào khỏang từ ba đến bốn ngàn, cộng thêm tiền vé máy bay vào khoảng năm ngàn. Dù sao thì giá “bên kia” cũng rẻ hơn “bên này” một nửa.Vết thương vừa cắt chỉ xong, chị mua vé về Việt Nam sửa gấp.

Anh kể tiếp sau tai nạn, cái xương sụn thật ở mũi chị bị lệch qua bên trái. Các vết khâu trên đầu cánh mũi cắt chỉ xong để lại vài đường sẹo nhỏ. Không còn cái sóng mũi cao, thẳng như ngày xưa. Chị lạ và xấu đi rất nhiều. Tôi nhớ lại câu chuyện chị kể sau khi sửa sắc đẹp xong, để giữ cho thân hình thon gọn, chị bỏ ăn cơm và các thức ăn có chất bột. Chị bớt ăn ngọt, dầu mỡ, chỉ ăn thịt nạc, rau quả. Anh Hoàng nói “ Bây giờ bả buồn và chán đời nên bả ăn thả giàn chị ơi. Ở nhà chờ vết thương lành, bả ăn riết rồi bả lên cân lại. Cái đà ăn này không sớm thì muộn sẽ đưa bả trở về vị trí cũ là một trăm bảy chục bao” cho coi”.

Chị Mai về Mỹ lần này không gọi tôi đến chơi, xem cái mũi mới của chị nữa.Anh Hoàng nói không biết có phải vì sử dụng dao kéo nhiều, cái mũi vừa mới bị thương chưa lành hẳn lại mổ tiếp nên lần này, cái mũi mới trông nó “kỳ cục hết sức”. Nó hỏng. Nó lệch. Nước mũi chảy hoài và chị hắt hơi thường xuyên. Chị buồn lắm, bỏ nghề neo luôn, ở nhà chỉ ăn vặt và xem phim bộ Đại Hàn.

Chuyện anh Hoàng kể về đôi giày cao gót và chiếc váy đầm hôm chị Mai mặc đi chơi với mấy cô bạn “hót-gơ” bị tai nạn làm tôi nhớ đến câu chuyện vợ chồng “Chân Quê” của thi sĩ Nguyễn Bính. Nhà thơ chờ đợi cô vợ đi chơi tỉnh về ở con đê đầu làng. Chỉ xa nàng có một hôm thôi mà “em làm khổ tôi”. Cái mộc mạc của “hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều” khi nhà thơ không còn thấy “cái yếm lụa sồi”, “cái dây lưng đũi”, “cái áo tứ thân”, “cái khăn mỏ quạ”, “cái quần nái đen”. Cô đã ăn mặc như một cô gái tỉnh thành theo thời trang “khăn nhung”, “quần lĩnh”, “áo cài khuy bấm”. Nhà thơ đã van xin “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa” và “Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh”. Thay đổi y phục cũng như thay đổi về nhan sắc là những thay đổi về hình thức bên ngoài. Hình như đó cũng là tâm lý chung của nhiều ông chồng trong đó có anh Hoàng và ông chồng tôi. “Cứ...nhan sắc thế cho vừa lòng anh”.

Câu chuyện ngày xưa ở làng quê Việt nam, sự thay đổi chỉ giới hạn về cái mặc của người phụ nữ sau lũy tre xanh. Thời đại ngày nay, những tiến bộ và phát minh khoa học kỹ thuật hiện đại về mọi mặt đã làm thay đổi thế giới trong đó có ngành sửa sắc đẹp. Một ước muốn mà ngừơi phụ nữ nào cũng đều ôm ấp: “Đẹp”. Một sự chọn lựa “Đẹp nhân tạo hay xấu tự nhiên” ? Một câu hỏi mà ngừơi phụ nữ nào khi có đủ điều kiện về tài chánh, sức khỏe đều tự hỏi với mình “Có nên sửa sắc đẹp hay không” ?

Câu trả lời là bạn hãy làm những điều mình thích và mong muốn nếu điều đó mang lại niềm vui, hạnh phúc, thuận lợi cho bạn và những người chung quanh. Bạn hãy chủ động trong sự chọn lựa của mình. Sửa sắc đẹp hay không tùy theo quan niệm, sở thích và hoàn cảnh của bạn.”. Đẹp hay xấu còn tùy đối tượng. “Con cóc cái đẹp đối với con cóc đực của nó”. “ Đẹp nhân tạo” tự nó không xấu. Chỉ có những người lạm dụng cái “đẹp nhân tạo” quá mức làm cho cái “đẹp nhân tạo” trở thành xấu. Cái “đẹp nhân tạo” hay tự nhiên đều cần “cái nết” hay còn gọi là giá trị đạo đức và cái đầu hay còn gọi là sự thông minh, kiến thức và tài năng. Một cô gái “đẹp nhân tạo” hay đẹp tự nhiên đúng nghĩa “Đẹp” là một cô gái hội đủ các điều kiện vừa đẹp người, đẹp nết, thông minh, có kiến thức và tài năng để trở thành một “người đẹp hoàn hảo”. Hoa Hậu là “Người Đẹp Hoàn Hảo”.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
04/04/201600:45:10
Khách
Cam on co Kim, bai viet tuyet voi va rat cong phu, doc ma thay lanh nguoi.
Hay vui voi nhung thu ma Troi da ban tang cho minh. Du sao thi khong co nguoi dan ba nao xau, chi co nguoi "khong biet trang diem ma thoi."
31/03/201602:02:51
Khách
Nhan sắc như bộng hoa đẹp lắm chỉ vài ngày rồi tàn úa. Nười đàn bà đẹp được bao lâu ? Nhan sắc ấy cũng sẽ phai tàn theo năm tháng.
Vô Thường .
30/03/201615:24:06
Khách
Gỗ tốt đâu cần phải sơn
Gỗ xấu hoặc gỗ tạp mới cần sơn phếtt.
30/03/201615:18:48
Khách
Dồng ý là tốt gỗ hơn tốt nước sơn, cái nết đánh chết cái đẹp nhưng thời đại này tui e rằng cái đẹp đè bẹp cái nết chết quá.
Đa số các bà thích được khen đẹp hơn là khen ngoan.
29/03/201615:35:02
Khách
"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", nước sơn qua một thời gian chắc chắn sẽ bong chóc loang lở trông gớm ghiết. Tại sao đã được thượng đế ban cái bản mặt lành lặn , chồng con không chê nhưng còn nghe bọn làm tiền quảng cáo làm đẹp tùm lum cắt, gọt, sửa, bơm bộ ngực thiệt bự mang nặng chi cho khổ.
Cái nết đánh chết cái đẹp ..... gỉa tạo tán gia bại sản.
29/03/201606:12:10
Khách
Tác giả kể lại một câu chuyện tôi tin rằng có thực trong xã hội ngày nay. Sửa sắc đẹp làm thay đổi hình thức bên ngoài và tâm hồn con người
Cái hay của câu chuyện là lối văn hài hước và cách miêu tả rất chi tiết các sự việc và nhân vật đã cho một cô Mai rất thật ngoài đời.
Tôi rất thích văn phong của bà. Cám ơn một bài viết hay thú vị.
29/03/201605:32:20
Khách
Sửa sắc đẹp phổ biến quá cho nên cô em dâu của tôi nhìn rất giống cô hàng xóm của tôi và hai cô này nhìn rất giống...vợ tôi.
Tôi nằm mơ thấy cả ba người.
29/03/201605:24:16
Khách
Thà đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên
29/03/201604:03:32
Khách
Tôi là người ghiền sửa sắc đẹp tôi may mắn sửa đẹp sửa rồi thấy mình tự tin và yêu đời . tôi thành công nhờ có sắc đẹp .Các bạn gái thử đi. Đừng sợ.dư luận
29/03/201603:56:05
Khách
Hầu hết các nữ diễn viên, nghệ sĩ, Mc trong ngành giải trí đều sửa sắc đẹp (kể cà nam giới)
Sửa thì cứ sửa miễn đẹp và diễn hay. Mấy anh chị miễn sao đừng thay đổi như cô Mai trong câu chuyện.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến