Hôm nay,  

Gia Đình Lính Mỹ Gốc Việt Và Tết Trên Đất Nhật

07/03/201600:00:00(Xem: 11891)

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 3769-17-30269vb2030716

Tác giả sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện định cư tại Ca Li. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Người chồng sĩ quan VNCH sau nhiều năm tù đầy, hiện trong tình trạng bị tâm thần suy nhược, và hai người con khi trưởng thành đều là lính Mỹ. Bài viết mới của tác giả trích từ báo xuân Việt Báo Tết Bính Thân 2016: chuyện gia đình một sĩ quan quân y Mỹ gốc Việt phục vụ trong bệnh viện quân sự Mỹ tại Nhật. Tên nhận vật trong bài là hư cấu, nhưng hình ảnh và sự việc là thật.

* * *

blank
Lớp mầm non của Hiếu được chăm sóc kỹ lưỡng: Trai gái đều mặc đồng phục. Trong cặp có riêng nĩa muỗng, đũa. Giờ tập thể dục, giờ tập bơi, đi dã ngoại có đồng phục riêng và phải tự thay.

Việt cho xe vào parking và bước vào trạm xá. Đây là một trung tâm y tế khá lớn trong căn cứ của không quân của Mỹ tại Nhật Bản. Căn cứ có tên là Yokota Air base nằm trong tỉnh Fussa một trong 26 tỉnh trong vùng Tama thuộc phía Tây Tokyo

Người phụ tá người Nhật cúi đầu thật sâu chào Việt theo phong tục của họ. Việt chào lại và vào văn phòng mình. Phòng không rộng nhưng đầy đủ tiện nghi làm việc. Trong phòng ngoài computer, hồ sơ, tài liệu và những vật dụng cần thiết, Việt còn để hình gia đình, hai con và hình mẹ. Mỗi sáng bước vào nhìn mẹ cười với mình trong bức ảnh, Việt thấy mình ấm áp.

Bây giờ này là 7:30 sáng để bắt đầu một ngày làm việc, bên quê nhà mới chỉ 3:30 chiều của ngày hôm qua. Việt lại mỉm cười khi nghĩ đến hai chữ "Quê nhà". Không biết từ lúc nào anh đã mặc nhiên coi nước Mỹ là quê hương.

Quê hương không phải là nơi mình sinh ra và lớn lên hay sao? Việt sinh ra tại Việt Nam, thành phố Biên Hòa. Má hay kể cho cả nhà nghe ngày Má sinh ra Việt, vì đó là ngày kinh khủng nhất trong cuộc đời của Má.

Ba Việt là sĩ quan VNCH, ông mang cấp bậc Đại Úy trước 30/4/75. Khi Cộng Sản chiếm trọn miền Nam để đặt lên toàn cõi đất nước một chính sách cai trị mới gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa, như mọi sĩ quan của một chế độ đã sụp đổ, ông bị triệu tập đi “học tập”, được bảo mang theo lương thực tự túc cho mười ngày học tập. Kết quả đồng loạt của mười ngày là tất cả được đưa vào trại tù. Người ta ở tù có tuyên án bao nhiêu năm, nhưng người bại binh ở tù thì thời gian vô hạn.

Má kể là họ nói tùy thuộc vào thái độ học tập của người tù và gia đình ở địa phương. Nhưng thực ra thì tùy thuộc vào bàn cờ chính trị trên sàn giao dịch quốc tế.

Má hay nói như vậy rồi cười buồn: "Vậy mà nó hù người ta, cho nhiều gia đình tù cải tạo phải bỏ hết tài sản đi vùng kinh tế mới. Hay làm việc tối đa để chồng sớm được trả về". Mà má là một nạn nhân của lời hứa hẹn láo khoét đó.

Ba Việt đi tù hơn 8 năm mới được thả về. Ba đi khi người chị đầu của Việt chỉ vài tháng tuổi, đến lúc ba về chị đã vào học lớp bốn. Gặp ba, chị cúi đầu chào "Thưa bác đến chơi" làm ai cũng khóc. Thế rồi sau đó má mang bầu Việt. Mười năm không sinh nở má chuyển bụng hai ngày một đêm mới sinh. Việt không to vì có gì để má ăn đâu mà sinh con mập mạp. Nhưng vì lớn tuổi, lại yếu sức, lâu quá không sinh nở nên Việt đã làm cho má kiệt lực khi vượt cạn. Bà mụ đặt tên cho Việt là thằng Cu Lì.

"Thằng Cu Lì của Má nay là một sĩ quan quân y Hoa kỳ". Việt nhìn hình má thầm nghĩ và mỉm cười một mình.

Quê hương của Việt là Việt Nam hay Mỹ? Khi rời VN để đi định cư Việt mới có 5 tuổi. Tuổi bé thơ đó Việt đâu có biết gì về đất nước VN. Má và Ba hay kể về một quê hương xinh đẹp với bao nhiêu kỷ niệm. Ba kể về những người lính, về những nơi trú đóng, về những con người và danh lam thắng cảnh. Việt nhìn trong đôi mắt của cha, của Mẹ một nỗi nhớ nhung, một nỗi buồn xa xăm. Việt biết hai người thân muốn đem Việt về gần với quê cha đất tổ. Thế nhưng suốt bao nhiêu năm Việt đã sống, đã thở, đã nhận biết bao nhiêu ân tình và tình yêu của xứ sở này. Đây cũng chính là quê hương của Việt. Một quê hương mà Việt sẽ phải bảo vệ và đóng góp.

blank
Ngay từ lớp mầm non các bé đã được thực tập trồng khoai tây trong trang trại riêng của trường. Hoa màu thu hoạch dành cho những bữa ăn trưa.

Việt tự hào mình là người Việt Nam, nhưng là một Việt Nam Cộng Hòa đã mất.

Một Việt Nam của cha của mẹ ngày xưa đã lùi vào quá khứ. Thành phố Sài Gòn với hàng cây xanh rợp bóng, những nơi cha mẹ Việt từng đến với bao kỷ niệm giờ đang bị dần dần xóa sổ.

Thời còn làm Chủ Tịch sinh viên đại học UCR Việt thường giương cao hay nghiêm chỉnh chào lá cờ vàng có ba sọc đỏ. Lá cờ có đẫm máu tiền nhân và máu xương đồng đội của Ba Việt. Lá cờ đó đang được các thành phố trên nước Mỹ công nhận vì là biểu tượng của người Việt tự do.

Nhưng dù muốn dù không lá cờ biểu tượng đó cũng không có lãnh thổ. Lãnh thổ nằm trong lòng người dân Vệt lưu vong trong đó có gia đình Việt. Nó ở trong tim của những người quân nhân người Mỹ gốc Việt đang phục vụ cho đất nước Hoa Kỳ.

Tới giờ phải làm việc, Việt xem lịch trình khám bệnh và schedule trong ngày rồi bước ra ngoài. Hôm nay người bệnh nhân đầu tiên của Việt là một quân nhân người Mỹ. Người phụ tá đã chuẩn bị những dụng cụ cần thiết. Việt chào ông ta và hỏi thăm về sức khỏe trước khi bắt tay làm việc. Ông ta là một cựu quân nhân Hoa kỳ đã về hưu và đang sống với gia đình con trai cũng là một sĩ quan cấp bậc Đại Úy. Khi nói chuyện, ông ta vui mừng khi biết Việt là một người VN và là con của một cựu sĩ quan quân đội VNCH. Ông ta cho biết ông ta từng đến tham chiến tại VN. Ông vui vẻ nói vài câu tiếng Việt thông dụng với giọng lơ lớ thật vui.

Người bác sĩ dễ dàng nói chuyện với bệnh nhân. Nhất là bác sĩ tâm lý, câu chuyện có thể nói dài vì đó là chuyên môn nghề nghiệp. Riêng người Nha sĩ chỉ hỏi hay nói được vài câu là không thể nói thêm. Vì răng đã được tiêm thuốc tê, miệng được mở lớn ra để khám thì còn gì để nói. Người bệnh nhân của Việt chia tay Việt với sự hài lòng và nụ cười thật tươi, vì thuốc tê không thể cho ông ta nói thêm được nữa. Việt xiết chặt tay ông và hẹn ngày tái khám sẽ nghe ông kể chuyện về những nơi ông đã từng chiến đấu trên quê hương của Việt.

Người cựu quân nhân Hoa Kỳ như ông ta đến tham chiến tại VN cũng như Việt bây giờ đang phục vụ tại nơi này. Một đất nước không phải quê hương mình, nhưng là bổn phận của người lính Mỹ trong nhiệm vụ Quốc tế.

Nước Nhật là một nước mà Việt ao ước được đến làm việc. Vừa phục vụ, vừa tìm hiểu và thăm viếng những nơi danh lam thắng cảnh. Một điều nữa là Việt muốn cho con mình được quen dần với sự giáo dục thật nhân bản và tốt đẹp nơi đây. Một đất nước được cả thế giới ngưỡng mộ về nhiều mặt.

Khi đến Nhật, để thích ứng với cuộc sống cả hai vợ chồng đều học tiếng Nhật. Vừa để không khó khăn trong giao tiếp vừa cùng con trai từng bước quen với ngôn ngữ và phong tục nơi đây. Thằng con trai 3 tuổi của Việt đã được vào học một trường mầm non.

*

blank
Tại trường học cũng như ở nhà, Bé Hiếu được dạy chắp tay tạ ơn trước và sau bữa ăn.

Nếu nói về vấn đề giáo dục thì phải công nhật người Nhật họ đầu tư cho con cái khá cao. Nhà trường với phương pháp giáo dục đào tạo một con người tự lập và tốt đẹp ngay từ thời còn ở tuổi mầm non.

Bé Hiếu ngày đầu tiên tới trường phải tự mình thích ứng hoàn cảnh. Buổi sáng khi chiếc xe Bus nhà trường đến đón là phải tự mình bước lên xe với sự giúp đỡ lần đầu của cô giáo và không được gặp mẹ tới lúc được trả về. Dụng cụ đi học rất nhiêu khê: áo quần đồng phục, Backpack, nón cũng thay đổi tùy theo mùa. Con trai, con gái đều mặc đồng phục giống nhau. Trong cặp có riêng nĩa muỗng, đũa cá nhân. Giờ tập thể dục, giờ tập bơi, đi dã ngoại có đồng phục riêng và phải tự thay. Mới đầu vợ Việt cũng xót cho con, nhưng rồi mọi việc trôi qua tốt đẹp. Cu Hiếu đã có bạn, đã từ từ hiểu được cô giáo, bạn bè và rất thích thú với những giờ học ở trường. Chiếc xe bus có cái đầu xe thiết kế như đầu tàu lửa Thomas and Friend làm cậu bé thích thú vô cùng. Khi bước lên xe, phải cúi đầu chào mọi người trên xe và chúc một buổi sáng tốt đẹp. Khi về tới trạm nơi cha mẹ đón, cháu cũng chào mọi người còn lại và chúc một buổi chiều tốt lành.

Trường lại có chương trình cho học sinh trồng trọt trong trang trại riêng của trường. Những hoa màu thu hoạch được sẽ được đem vào trường nấu phục vụ những bữa ăn trưa. Giờ ăn trưa học sinh cũng phải tự mình dọn bàn, đi xuống phòng ăn nhận thức ăn và phân công nhau để múc thức ăn phân phối cho bạn bè. Ăn xong, mỗi học sinh phải xếp lại những hộp giấy đựng sữa và giao xuống phòng ăn để recycle. Những vật dụng sau bữa ăn phải xếp đặt cẩn thận hoàn trả lại phòng ăn. Sau đó sắp xếp lại bàn ghế để tiếp tục giờ học buổi chiều.

Riêng ở lớp mầm non của cu Hiếu thì cô giáo phục vụ, nhưng trẻ phải tự ăn và tự rửa muỗng nĩa, đũa rồi cất vào hộp cá nhân. Trước khi ăn, ngồi vào bàn với khay thức ăn trước mặt. Trẻ phải chấp hai tay lại và cám ơn những người đã giúp cho có bữa ăn này. Ăn xong cũng phải cám ơn bữa ăn ngon lành đó. Mới học chưa được hai tháng, về nhà dù bữa ăn sáng hay trưa, chiều, Cu Hiếu cũng chắp tay cám ơn như ở trường và con bé em cũng làm theo. Thằng bé ăn uống gọn gàng hơn và không dám chơi đùa lơ đễnh trong bữa ăn như trước. Tháng đầu tiên giấy ở trường gửi về cho Việt là phê bình cu Hiếu ăn ít thức ăn. Những thức ăn bổ dưỡng đó phải cần ăn cho hết. Nhất là thịt và rau cải.

Bảo vệ mội trường, cây xanh cũng là một chủ đề lớn. Ngay những cháu mầm non cũng vẫn có những giờ đi vào rừng, tập làm quen với thiên nhiên, yêu thích cây cối, thú vật. Thể dục và tập bơi lội là một hình thức giáo dục được đặc biệt chú ý ở nước Nhật. Cho nên thế hệ con cháu Thái Dương Thần Nữ ngày nay đã thay đổi chiều cao rất nhiều so với ngày xưa.

Tuy nhiên có điều Việt thấy mình hơi hụt hẫng khi đến nước Nhật. Đó là một số người dân nước Nhật không cám ơn nước Mỹ như Việt nghĩ, vì đã giúp đỡ nước Nhật tiến bộ hùng mạnh như ngày nay. Hai trái bom nguyên tử vẫn còn canh cánh bên lòng. Họ nghĩ họ không sai và trong sự sâu lắng của tâm hồn họ. Người Mỹ chưa phải là một người bạn chân thành. Do đó người dân Nhật nếu không cần thiết họ không học hay nói tiếng Mỹ. Họ muốn bảo toàn văn hóa họ.

Nói vậy không có nghĩa người Nhật ghét hay căm thù người Mỹ. Họ rất lịch sự và tôn trọng khách. Trong dịp lễ Thanksgiving, sau khi tổ chức một buổi tiệc với các đồng đội và hàng xóm đón mừng Lễ Tạ Ơn theo phong tục Mỹ. Gia đình Việt đã dùng những ngày nghỉ lễ đi thăm viếng thành phố Kyoto. Tại đây gia đình đã thuê căn phòng của một gia đình người Nhật với giá 20$ cho một đầu người. Căn phòng chỉ là một một căn phòng trống được trải lên hai tấm nệm và chăn mền để ngủ.

Căn nhà cách trạm xe lửa độ 5 phút lái xe. Ông chủ nhà rất tử tế, buổi sáng khi đi làm ông ta chở cả nhà ra trạm và dặn dò khi về gọi ông ta sẽ ra đón để các cháu không đi bộ mỏi chân. Nhờ vậy, gia đình Việt đã được thăm viếng khu Tokufuji Temple với những ngôi chùa rất cổ kính uy nghi. Nikishi Market place, Monkey park cho trẻ em và nhiều nơi khác.

Chờ Tết Bính Thân, năm con khỉ, thăm Công viên Khỉ là nơi mà bé Việt thích nhất.

Trước khi từ giã về lại căn cứ, gia đình ông chủ nhà đã làm một bữa ăn tiễn biệt. Những món ăn thuần túy của Nhật như Sushi, Takoyaki và Yakisoba. Sự chân thật hiếu khách của gia chủ làm Việt nhớ mãi không quên.

*

blank
Nhân vật lính Mỹ gốc Việt và các đồng đội tại Yokota Air Base Hospital.

Christmas năm nay gia đình Việt không thể về Mỹ sum họp mừng lễ. Tết Dương Lịch cũng chỉ quanh quẩn trong căn cứ. Tuy nhiên trong phạm vi nhỏ này, những người lính Mỹ vẫn thấy mình thật ấm áp như đang ở trong nước. Những buổi họp mặt, những bữa tiệc Giáng Sinh vẫn được thay phiên nhau tổ chức. Con cái họ vẫn hưởng không khí lễ hội như ở quê nhà. Tuy không rình rang, tưng bừng nhưng vẫn đầy đủ và ấm cúng.

Có một điều cũng vui là người Nhật không ăn Tết theo âm lịch như Việt Nam hay Trung hoa. Họ ăn Tết Dương lịch với đầy đủ phong tục cũng na ná như Việt Nam.

Để tìm hiểu thêm về một xứ sở mới đến để mình hòa nhập, Việt đã đi tìm hiểu và biết được vài điều.

- Người Nhật ăn tết vào ngày đầu năm dương lịch. Họ cũng đón giao thừa như các nước. Các đền, chùa sẽ đánh lên 108 hồi chuông ngụ ý xoa đuổi 108 con quỷ dữ đi xa để đem lại niềm vui và may mắn cho năm mới.

Nếu người VN mình có món bánh chưng hay bánh tét, thì người Nhật Bản cũng cúng tổ tiên, các vị thần vào đêm giao thừa. Họ đặt các loại bánh dầy, bánh Tokonoma lên bàn thờ nhằm tỏ lòng thành kính.

Trong truyền thuyết cổ xưa Nhật Bản, ngày mồng một Tết, vị thần Toshidon xuất hiện, ban tặng cho trẻ em ngoan và vâng lời cha mẹ loại bánh dầy Ozoni. Từ đó với mong ước được hưởng nhiều những ân huệ từ vị thần này, Người Nhật thường ăn bánh Ozono vào ngày mồng một cũng như người Việt Nam ta ăn bánh Tét, bánh chưng để nhớ tổ tiên.

Ngoài ra trẻ con cũng nhận được tiền lì xì như người VN mình. Đó là tiền mừng tuổi trong tiếng Nhật gọi là "Otoshidama" như là nhận được sức mạnh của vị thần Toshigamisama.

Cái này thì Việt thích nhất. Ngày đầu năm, cả nhà Việt có tục lệ tập trung để mừng năm mới. Ai cũng phải ăn mặc đàng hoàng. Bà nội Việt ngồi trên ghế, cha mẹ Việt đến chúc Tết trước rồi đến con, cháu. Bà nội lì xì tiền cho từng người để lấy hên. Riêng chị em Việt được ba, má cậu, mợ lì xì tiền trong các bao đỏ thật đẹp. Tiền đó Việt để dành mua sách vở hay những thứ cần dùng. Bây giờ đã lớn, Việt lại có bổn phận lì xì cho các cháu. Khi đi công tác xa không thể về được, Việt cũng gửi tiền về nhớ mẹ gửi dùm. Các cháu đứng khoanh tay chúc Tết Việt trên màn hình Face Time rất dễ thương và cảm động.

Người Nhật cũng đi chùa vào đầu năm mới, cũng chọn hướng tốt để đi. Khi Lễ Phật, họ rửa tay sạch sẽ. Họ chấp tay lạy hai lễ, vỗ tay hai lần rồi chấp tay cầu nguyện trước khi lạy một lễ cuối cùng. Họ cũng bỏ tiền công quả vào hòm công đức và cũng rút quẻ như người Việt ta hay đi xin xâm.

Việt lại nhớ đến những ngày còn nhỏ Tết theo mẹ đi chùa. Tết gần đây nhất lúc có thằng bé đầu lòng, mẹ dẫn gia đình Việt đi chùa Quang Thiện. Cả nhà quỳ lễ Phật và nghe sư ông thuyết Pháp. Vợ Việt cũng xin xâm và cả nhà đoán xâm vui lắm.

Tại nước Mỹ, người lính là lực lượng tình nguyện và được gạn lọc thật kỹ. Một người sĩ quan phải qua nhiều trường lớp và huấn luyện thường xuyên. Đối với Việt, ngoài phục vụ còn phải làm sao cho người nước ngoài thấy cái ưu việt của đất nước Hoa kỳ và tư cách của một người lính Mỹ.

Người quân nhân Hoa kỳ công tác nước ngoài như Việt, dù thương nhớ gia đình nhưng không cảm thấy lẻ loi. Mọi người yêu thương nhau trong tình huynh đệ và căn cứ trú đóng như là một đất nước Hoa kỳ thu nhỏ lại. Những ngày lễ lớn trong đơn vị đều tổ chức đón mừng để con cái và bản thân họ không thấy nhớ nhà.

Riêng gia đình Việt trong khu gia binh này cũng nhận được nhiều tình thương ấm áp của đồng đội. Trong căn cứ cũng tổ chức buổi tiệc chúc mừng Giáng Sinh và New Year cho đơn vị, rồi từng gia đình hay đôi ba gia đình tập trung lại chúc mừng nhau. Những câu lạc bộ cũng dành cho gia đình quân nhân những buổi họp mặt ý nghĩa.

Mùa Xuân là mùa hoa lá đâm chồi nẫy lộc, là mùa đem lại niềm tin và hy vọng. Ở một nơi không phải quê hương nhưng Việt và các bạn đồng đội vẫn vui hướng về Hoa kỳ với tất cả niềm tin.

Ngày tết Nguyên Đán, có lẽ người lẻ loi nhất là Việt, vì xung quanh trong căn cứ Việt không thấy một người quân nhân người Mỹ gốc Việt thứ hai. Tuy nhiên Việt sẽ làm một điều như mọi năm vẫn làm tại nước Ý. Việt sẽ mua hoa, trái và nghiêm chỉnh cúng giao thừa. Giao thừa ở Mỹ, ở Nhật, ở Việt Nam tuy không đồng nhất cùng giờ, nhưng nơi nào mà thời gian điểm đúng giờ mở đầu một năm thì là giờ giao thừa của nơi nó. Việt sẽ đốt hương thành tâm khấn nguyện cho đất nước quê hương thoát khỏi sự kìm kẹp bóc lột, cho VN có tự do. Cầu nguyện cho cha mẹ, cậu mợ anh chị em, các cháu và tất cả mọi người thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.

Việt sẽ mời những người bạn thân đến nhà dùng bữa tiệc đầu năm. Sẽ bày trò chơi lắc bầu cua để nhớ những ngày còn bé. Sẽ lì xì cho con và các trẻ con hàng xóm để chúc các cháu một năm học tập tốt mọi việc thành công.

Dù ở nơi nào người lính Mỹ vẫn có niềm tin. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Con người sẽ gần nhau và tiến bộ hơn. Mùa Xuân sẽ đem niềm tin đến mọi nơi, mọi người trong ly rượu mừng và tiếng hát đón mùa Xuân mới.

Chúc Mừng Năm Mới & Happy New Year.

Nguyễn Thị Thêm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,060,116
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Nhạc sĩ Cung Tiến