Hôm nay,  

Bạc Liêu – Trở Lại Em Ơi!

02/03/201600:00:00(Xem: 9691)

Tác giả: Túy Trước
Bài số 3766-17-30266vb4030216

Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư dân Austin, Texas, từng nhiều năm làm công việc của một kỹ sư. Với bút hiệu Chúc Chân, cô đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu tiên. Giải thưởng Việt Báo năm 2003, cùng lúc với giải danh dự, cô còn nhận thêm giải "Writing on America" cho bài viết bằng Anh ngữ. Bài viết mới của Túy Trước tuy là Việt Nam, nhưng nhân vật người gốc Việt sau 40 năm đổi đời từ đất Mỹ trở về tìm lại thành phố cũ, nhà cũ.

* * *

Nhạc sĩ Sáu Lầu đã đưa Bạc Liêu vào lịch sử âm nhạc Việt Nam với bài “Dạ Cổ Hoài Lang” sáng tác năm 1918. Ba phần tư thế kỷ sau, Bạc Liêu vang tiếng một lần nữa cũng trong giọng xàng xê nhạc tài tử với nhạc phẩm “Trở lại Bạc Liêu.” Tác giả Vũ Đức Sao Biển là người đã có công đưa Bạc Liêu vào lòng mến mộ của thính giả Việt Nam qua bài hát nầy, một bài hát ra đời khoảng giửa thập kỷ 80s.

Năm 1971 có một người giáo sư trẻ gốc Quảng Nam vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn đi nhận nhiệm sở mới tận Bạc Liêu. Cuộc đời người giáo sư trẻ nầy chỉ đậu lại ở Bạc Liêu vài năm thôi, nhưng đã gắn bó nhanh chóng với Bạc Liêu. Đám nữ sinh lớp 12A ban vạn vật năm đó xì xào bàn tán về vị giáo sư dạy triết mới đổi về, và có một “tin dữ” đã bay qua lớp 12B ban toán nhanh chóng. Không phải tin giựt gân tình cảm nhảm nhí, vì vị giáo sư nầy đã có vợ đâu vào đó cả rồi. Tin mới nóng hổi nầy là những điều “giới luật” dành cho nữ sinh trong giờ triết học, mà điều trọng đại nhất là tóc dài phải kẹp lên không được để xoã trong lớp.

Tôi nữ sinh ban B tóc cắt ngắn kiểu búp bê nên không thắc mắc chi cả. Lúc đó tóc ngắn demi-garcon còn quá tân tiến cho học trò tỉnh nhỏ như tôi. Nhưng đứa bạn gái duy nhất trong lớp B của tôi lại có mái tóc thề dài tha thướt. Vị giáo sư triết bước vào lớp B lổn nhổn đám con trai với tóc garcon thứ thiệt, và le ngoe hai đứa con gái ngồi lỏng chỏng bàn đầu. Vì lúc đó lịch trình học đã trễ nên thầy vào đề bài giảng luôn khỏi vòng vo tam quốc. Nhưng nhỏ bạn tôi là đứa quậy nên không thể bỏ qua cơ hội, nó giơ tay lên, “Thưa thầy em có thắc mắc.” Vị giáo sư trẻ hỏi em cần gì? “Thưa thầy tụi em có phải theo luật cột tóc không ạ?” Câu hỏi khá bất ngờ. Thầy khựng lại tích tắc thôi, rồi nắm lại tình hình và lập tức phán, “Tụi bây khỏi.” Nhưng cũng hơi trể, vì cả đám con trai đã phát lên cười cái rầm! Đó là kỷ niệm đầu tiên trong tôi với tác giả Vũ Đức Sao Biển, một kỷ niệm thơ ngây nhưng khá tinh nghịch của đám học trò chỉ đứng sau quỉ và ma thôi.

Sau mấy chục năm trôi qua, từ đất Mỹ, tôi trở lại Bạc Liêu. Chiếc xe van riêng bao tài xế rời Sài Gòn từ sáng sớm chạy trên xa lộ mới mở dọc kinh Tàu Hủ. Chiếc xe đỗ qua Chợ Lớn rồi bắt vào lộ cao tốc trực chỉ về miền Tây, khỏi qua Phú Lâm như khi xưa tôi đi xe đò về Bạc Liêu. Đường cao tốc sau đó bắt vào lại Quốc lộ 1 ở Long An. Quốc lộ 1 tuy khá tốt nhưng vẫn chỉ là con lộ hai lane nhỏ như xưa. Bây giờ lại đông đúc hơn xưa nhiều, nên xe vẫn không thể chạy nhanh được. Về Bạc Liêu không cần chờ qua bắc nữa vì đã có hai chiếc cầu tân tiến bắt qua sông Tiền và sông Hậu.

Dọc Quốc lộ 1 nhà cửa chen chút sát mé con lộ đã che khuất những cánh đồng lúa xanh. Xe chạy qua khỏi cầu Phú Lộc thuộc Sóc Trăng vào địa phận Bạc Liêu, nhưng phải anh tài xế nói tôi mới biết. Làng Cái Dầy đó sao? Tôi tưởng vô tới Bạc Liêu rồi chứ, vì nhà san sát hết tôi thấy sao xa lạ quá, không như một xóm quê Cái Dầy tôi biết.

Xe quẹo vào và đậu tại sân khách sạn. Bước xuống xe tôi bỡ ngỡ. Trước mặt tôi Khách Sạn Bạc Liêu quá huy hoàng so với Bạc Liêu trong ký ức khi mỗi ngày tôi đến trường đi ngang đây khi xưa. Phía bên đường là vòng rào khu quân sự bây giờ là dãy nhà thấp san sát bán các món nhậu lai rai cả ngày. Rảo mắt nhìn quanh, ô kìa cái bồn nước xi năng cũ kỹ vẫn còn đứng vất vưởng như ngày nào. Tôi mừng rỡ chỉ tay reo, nhà mình ở hướng nầy, còn trường trung học phía bên kia. Tôi đã định được vị trí mình.

Với cái bồn xi năng làm toạ độ gốc, tôi cãm thấy quen thuộc hơn một chút với cái thành phố lạ hoắc nầy. Cái thành phồ nơi tôi chào đời và lớn lên, nơi đã cho tôi khá nhiều kỷ niệm trong lứa tuổi hồn nhiên nhất trong cuộc đời.

Chuyến đi của tôi và gia đình gấp gáp quá, vỏn vẹn một buổi chiều, qua đêm và một sáng hôm sau nán lại Bạc Liêu thôi. Tuy vậy chúng tôi đã tìm lại những gì cần tìm và đủ để quen lại Bạc Liêu. Một Bạc Liêu phồn thịnh hơn rất nhiều với đèn lưu thông ”ngọn xanh, ngọn đỏ” vắt vẻo đường phố. Những con đường Bạc Liêu bây giờ đã thay tên đổi họ, trong khi tôi thì lại quên tên quên họ đường xưa. Khi rảo phố tôi phải ráng theo dõi mình đã qua bao nhiêu đoạn đường, quẹo phải hay trái để định vị.

Các khu phố đã được xây cất lại cao to và khang trang hơn xưa. Dốc cầu quay bây giờ kéo dài bít thêm mấy khu phố. Băng dưới chân cầu chúng tôi đi về phía chợ tìm lại căn phố xưa nhà mình. Chợ Bạc Liêu bây giờ là một công trình xây cất bỏ mứa vì hết tiền. Đống gạch đá vụn ngổn ngang nằm đìu hiu vì chợ đã giải tán cho công trình xây dựng. Cũng may con đường Lê văn Duyệt ngày xưa của tôi vẫn còn giử được tên đường. Căn phố ba má tôi “hiến” là một trong những căn hiếm hoi vẫn còn chiếc ban công cũ như xưa, có lẽ vì chủ mới không khá giả lắm để cất lại sau chính sách “Đổi Mới”.

Từ đường Lê Văn Duyệt tôi lần về và tìm lại được ngôi trường tiểu học Bạc Liêu. Hàng cây điệp xung quanh vẫn còn xanh tốt, nhưng ngôi trường đã thay đổi hoàn toàn. Những dảy lớp ngói rêu phong đã nhường chổ cho lớp học mới cất chắc cũng không lâu lắm. Trước cổng trường dàn xe gắn máy đông nghẹt đang chờ đón con em tan học. Bạc Liêu đây sao, giống Sài Gòn quá!

Sáng sớm hôm sau tôi và ông xã đi rảo thả dọc theo sông Bạc Liêu ngang qua biệt thự xưa của Công Tử Bạc Liêu. Khúc lộ nầy bây giờ là một công viên với cây cảnh được cắt vén dọn dẹp tươm tất xinh tươi. Khu công viên kéo dài đến tận bến đò qua công xi rượu khi xưa. Bến đò đương nhiên đã không còn vì bây giờ đã có một chiếc cầu bê tông vững chải đổ dài xuống con đường đưa tới cửa trường trung học Bạc Liêu. Sớm mai chưa tới giờ học, sân trường còn vắng lặng, chiếc cửa nhỏ bên cổng khép hờ, an ninh trật tự chưa tới. Chúng tôi đẩy cửa đi vào. Trường rất mới và không còn chút gì để tôi có thể tìm lại được nơi chốn xưa. Các dẩy lầu đúc ba tầng thay thế hoàn toàn những tàn tích “đô hộ giặc Tây” của dảy lớp 12B ngày xưa của tôi.


Xóm Chuồng Bò. Chắc chắn tôi sẽ không rời Bạc Liêu cho đến khi tìm lại Xóm Chuồng Bò ở ngang rạp Chung Bá. Vì ở gần đó có căn nhà nơi tôi đã hớp hơi oxygen của trái đất lần đầu tiên. Như đã kể tôi chỉ có thể định vị Bạc Liêu bằng gốc toạ độ là cái bồn nước vất vưỡng. Từ đó đi về đường Trưng Trắc sẽ tới rạp Chung Bá. Nhưng con đường Trưng Trắc lạ quá nên tôi không còn tự tin vào định vị của mình nữa. Đi mãi mà sao chưa thấy rạp Chung Bá. Ủa sao chỗ đây có cái building đẹp quá, nhưng lại quá sang cho Xóm Chuồng Bò. Tôi bấm máy chụp hình lia chia. Thấy trước cửa có một bảng chử đề bạt (plague) tôi ghé gần đọc, “… Nơi đây năm 1968 đã có những liệt sĩ hy sinh…” Tim tôi đập nhanh, rạp Chung Bá đây rồi! Năm tết Mậu Thân 1968 bắn quá xá, mình chạy ngang đây. Bên phải rạp căn nhà thứ ba là nhà mình! Rạp Chung Bá đã trở thành rạp Cao Văn Lầu. Từ sân rạp tôi zoom ống kính vào căn nhà thứ ba cạnh rạp. Lúc đó có mấy người đang ngồi trước nhà. Đáng lẽ mình cứ tới hỏi đại người ta có sao đâu, nhưng tôi đã không làm để sau đó qua rồi lại tiếc rẻ. Dảy nhà dọc theo rạp hát và Xóm Chuồng Bò bây giờ trông sạch sẽ khá giả hơn nhiều. Tuy nhiên con lộ sau xóm vẫn còn những phế thải, giẻ rác nhớp nhúa.

Chúng tôi cũng tìm lại được ngôi trường sơ cấp chợ. May quá ngôi trường sơ cấp chợ không thay đổi, vẫn còn như xưa để chúng tôi tranh nhau bảo con mình hồi đó ba má học ở đây. Không vào trường cùng năm nhưng cả tôi và ông xã tôi học ở đây từ lớp năm tới lớp ba (một tới ba bây giờ). Trường hiện nay là một nhà trẻ khá dễ thương, vẫn ba gian nhỏ bé như xưa, nhưng sạch sẽ hơn và được quét dọn ngăn nấp. Cái sân đất bây giờ đã tráng xi năng làm sân chơi cho trẻ em với chiếc cầu tuột màu sắc vui tươi.

Trước khi lên xe rời Bạc Liêu chúng tôi thả dọc theo đường Phan Thanh Giản xưa (có thể tôi nhớ lộn tên đường). Chợ Bạc Liêu bây giờ họp dọc đường nầy. Những rổ rau tươi, thùng cá kèo, thau tép đất bày dọc con đường với kẻ mua người bán. Dọc khu chợ hè phố nầy, nhờ bức tường có hình con cọp đấp nổi và hai hàng chử Hoa, tôi tìm lại được chùa Minh Hương nơi tôi học vỡ lòng. Thời đó bức tường bỏ trơ không sơn phết. Cái đầu cọp đóng meo đen đủi. Nay bức tường đã được trùng tu sơn phết lại, với những vết khắc đã mòn dấu thời gian nguyên thuỷ từ thế kỷ 19 khi người Minh Hương an cư ở Bạc Liêu dựng lên. Kiến trúc chùa vẫn nguyên vẹn. Phía trước có hai cột đá xanh khắc hình rồng luợn ngậm châu mà khi nhỏ tôi thường đưa tay vào xoay viên đá châu trong miệng rồng. Bên trong chùa không thấy người, nhưng có con chó cột thả lỏng trong sân nên tôi e ngại không dám vào. Người lối xóm thấy tôi đưa tay qua hàng rào lưới thưa ráng sờ hạt châu trong miệng rồng, bà hỏi tôi có cần vào không bà đi gọi người lại. Ngại làm phiền, tôi nói thôi khỏi, tôi chụp hình ở ngoài được rồi.

Đình Tân Hưng ngang chùa Minh nên tôi tìm lại dễ dàng. Đình cũng đã được dọn dẹp trùng tu trông khang trang. Cái sân đình xưa làm nơi dựng dàn hát bội nhỏ có thế thôi, nhưng sao trong ký ức tôi nó rộng mênh mông. Qua khung cửa đình đang mở rộng, bên trong luộm thuộm một chiếc xe gắn máy đậu ngang và người đàn ông ở trần đang phe phẩy quạt.

Anh bạn sắp xếp chuyến đi cho chúng tôi hối lên xe rời Bạc Liêu. Tôi bảo anh tài xế còn một nơi tôi phải tới mới được rời Bạc Liêu. Anh tần ngần bảo không rành đường ở đây. Tôi quả quyết, “Tui sẽ chỉ đường”. Chiếc van rời khách sạn Bạc Liêu theo hướng tôi chỉ chạy về đường Trưng Trắc, tới rạp Cao văn Lầu, rẽ phải gặp chùa Minh Hương. Sau đó rẻ trái lần nửa thẳng đường Hoàng Diệu về phía Xóm Làng. Tôi bảo anh tài xế chạy chậm lại để tôi nhìn đường. Đây rồi, tôi tuyên bố. Chiếc xe tấp vào lề đường trước một cái sân cỏ mọc hoang, may mà cái sân nầy còn trống chưa có ai xây cất. Bên kia đường là ngôi chùa Thiên Hậu Cổ Tự, hay còn gọi là chùa Bà Lớn để phân biệt với ngôi chùa khác ở Bạc Liêu cũng thờ bà Thiên Hậu nhưng chùa nhỏ hơn.

Hàng chử hán Thiên Hậu Cổ Tự khắc trên cái bảng treo ở cổng chùa còn tươi màu sơn mới. Hai cây me già khi xưa trước sân chùa bây giờ là hai gốc me non hơn và nhỏ hơn. Hai cánh cửa chùa bằng gỗ nặng nề, theo năm tháng vẫn nặng nề như ngày nào. Cái ngạch cửa trên phiến đá xanh cao ba tấc vẫn vậy, đúng nghĩa threshold, giữ mức. Tôi bước qua ngạch cửa vào trong. Một cảm giác ấm cúng bất chợt dâng tràn, thứ cảm giác của những ngày ấu thơ khi tôi theo má tôi đi lễ chùa nầy.

Bên trong sảnh đường tất cả mọi thứ vẫn còn y nguyên vị trí, từ các bục thờ cho tới các pho tượng của các vị thần. Ngăn chánh điện với bàn thờ Bà trang nghiêm. Bên phía vách chánh điện vẫn chiếc chuông đồng to và chiếc trống đại treo trên khung gỗ vững vàng. Trước bàn thờ cái vạc nhang màu đồng đen theo năm tháng, hương khói đang nghi ngút. Pho tượng Bà vẫn uy nghi như những ngày thơ ấu tôi theo mẹ lom khom dưới bục thờ. Ngày đó má tôi thành khẩn thỉnh chút dầu trong dĩa đèn vào tay rồi thoa nhẹ lên tóc tôi, lâm râm má tôi vái Bà phù hộ an lành.

Bạc Liêu của tôi đây rồi! Xúc động tôi bảo các con tôi theo má đi đốt nhang. Mặc dù đã trưởng thành, nhưng lúc đó các con tôi thấy mẹ nghiêm trang quá nên chúng riu ríu đi theo tôi. Chúng tôi dâng hương. Tiếng chuông và trống được người giữ chùa gióng vang lên. Nhịp khoan thai rời rạc, rồi dồn dập, tiếng chuông và tiếng trống hòa quyện vào nhau thành một âm điệu “duet” tuyệt vời. Những âm thanh tuôn trào tràn ngập. Lòng tôi lắng sâu xuống trong âm vang của những ngày thơ ấu thân thương. Thời gian như đọng lại. Tuổi thơ thanh thản từ dĩ vãng đã trở về, tất cả đã hiện thân trong âm thanh uy linh đang ngân vang. Tôi cảm thấy an lành vô cùng. Trống rỗng nhưng lại đầy ấp. Phút chốc đó tôi chợt ngộ. Với nén hương trên tay, tôi thành khẩn cảm ơn Bà đã mang tôi trở lại.

Khi ra xe anh tài xế hỏi đi hướng nào. Tôi bảo trước mặt đi thẳng có đường nào quẹo trái vòng qua. Tôi định bụng bất quá về khách sạn thì anh tài xế tất nhiên biết đường ra. Chiếc xe chạy đến một con đường tôi chưa từng đi qua bao giờ. Một đại lộ rộng thênh thang. Anh tài xế reo, biết đường ra quốc lộ rồi. Lúc đó chắc anh phục tôi lắm. Còn tôi thì thoả mn được trở về nhà.

Home sweet home, Bạc Liêu có Dạ Cổ Hoài Lang và có Trở Lại Bạc Liêu với những dòng nhạc éo le da diết. Bạc Liêu cũng có một nhịp trống chuông rộn rã đã đưa tôi vượt không gian và thời gian để trở lại thời thơ ấu ngày xưa.

Túy Trước

Ý kiến bạn đọc
04/03/201603:38:21
Khách
Hôm nay trở lại về thăm trường cũ, hỏi lá hỏi hoa chỉ thấy im lìm, bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày xưa, vang trong nổi niềm thương nhớ, cố nhân ơi bao giờ gặp lại....
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,958,803
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.