Hôm nay,  

Cú “Touchdown” Nghiệt Ngã

18/02/201600:00:00(Xem: 13134)

Tác giả: Hoàng Nga
Bài số 3755-17-30255vb5021816

Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại. Có viết cho các tạp chí Làng Văn (Canada), Văn (Hoa Kỳ) Văn Học (Hoa Kỳ), Phố Văn (Hoa Kỳ), Việt Luận (Úc)… Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XVII, tác giả cho thấy có sức viết mạnh mẽ. Bài viết đầu năm của tác giả là chuyện tết Việt đúng mùa Super Bowl. “Touchdown” là cú biểu diễn ôm banh hạ banh gay cấn được cho điểm cao nhất trong môn foodball kiểu Mỹ.

* * *

Khi tôi đến thì mùa Xuân đã về. Trời miền nam Cali nắng đẹp mượt mà như một tấm lụa. Hàng hiên nhà anh nhỏ, quay mặt nhìn ra đường. Phía những giòng xe cộ chạy ngược xuôi. Đến chơi, tôi bắc ghế ra ngoài hiên ngồi với mẹ anh. Ngó trời ngó đất. Ngó xe cộ lại qua. Tôi nói với anh, cho mẹ anh vui. Anh cảm động. Đáp cám ơn em.

Cái hàng hiên nhỏ, căn nhà cũng không lớn, nhưng hằng ngày anh đi làm, tôi nghĩ cái khoảng không gian ấy đã trở thành rất lớn, rất rộng đối với mẹ anh. Hôm tôi đến, đứng thật lâu nhìn bà cụ thơ thẩn dưới hàng hiên, thơ thẩn trên sân, chậm chạp nhặt những chiếc lá vàng rơi rụng từ hàng cây phong già, chợt nhớ đến mấy câu thơ bạn tôi làm, “người già như bóng nắng, hồn lính như cỏ cây” (Trung Hậu), mà xót xa. Chỉ một đôi năm không gặp, khi nhìn thấy lại bà cụ, tôi đã không thể không chạnh lòng. Cái bóng nắng, cái chỗ dựa nương của anh bao nhiêu năm ấy, giờ đã thôi không còn đủ rộng, không còn đủ lớn để ngã dài che chở, mà chỉ còn sót lại một bờ lưng cong khom cùng bước chân liêu xiêu, tựa như một mặt trời sắp tắt.

Mẹ anh là người cùng quê với ba tôi. Lần đầu tiên tôi gặp, thì bà vẫn còn minh mẫn lắm. Những lúc đến mà không gặp anh, thì tôi ngồi nghe bà kể lể đủ thứ chuyện “ngoài làng mình”. Một lần bà rủ tôi ra chợ Phước Lộc Thọ, lòng vòng về chợ Mễ, rồi qua cả chợ Đại Hàn bằng xe bus như một hướng dẫn viên du lịch chính hiệu. Dọc đường đi, bà chỉ cho tôi thấy những chỗ bán hàng rẻ, chỗ gửi tiền về Việt Nam nhanh, chỗ mua vé máy bay... Đến chỗ bán vé số, thì diễn tả tỉ mỉ, rạch ròi về cách mua, cách nhận giải thưởng khi trúng và cẩn thận dặn dò tôi đừng kể lại cho anh biết. Tôi hỏi tại sao, bà đáp anh ghét cờ bạc.

Vậy đó mà chỉ vài năm thôi, là tôi hoàn toàn chẳng còn có thể nhìn ra bà ngày trước. Tuổi tác khiến vẻ mặt bà thay đổi đã đành, lưng vai cong hẳn xuống đã đành, mà căn bịnh mất trí nhớ mới khiến tôi kinh ngạc và đau lòng. Có thể nói là mọi thứ đều đã đóng băng, không còn hiện tại, không còn tương lai. Cả quá khứ cũng đột ngột biến mất như một con tàu bị lật xuống lòng đại dương chỉ còn thoi thóp những lớp sóng lay động rất mơ hồ. Bà cụ dường như quên hết tất cả. Khi tôi xưng tên, xưng mãi, nhắc mãi, nhưng chỉ nhìn thấy những nụ cười ngờ nghệch nở ra, nghe những câu trả lời lẫn lộn không đầu không đũa với cách xưng hô kỳ quặc, khi chị em, khi bác cháu, khi mẹ con... Anh nói với tôi:

- Đôi khi mẹ anh còn không nhận ra anh nữa là.

Thật không thể nào mường tượng được bà cụ đã đổi khác đến dường ấy. Càng không thể nghĩ căn bịnh mất trí nhớ lại có thể đến với bà cụ nhanh chóng như vậy. Bởi mới lần trước, khi dẫn tôi ra Bolsa, Phước Lộc Thọ…, chỉ cho tôi thấy những con đường bà tự đặt tên, không tiếng Anh, không tiếng Tây Ban Nha, không Newhope, Chapman, hay Costa Mesa, Los Alamitos gì cả, mà là Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Đống Đa…, bà còn bảo:

- Mình đâu có biết tiếng người ta, muốn khỏi đi lạc đường thì phải đặt tên bằng tiếng của mình chớ, phải không con?

Điều buồn cười ở chỗ là lúc ấy từ Âu châu sang, không rành đường đi lối về, chính những “Quang Trung”, “Nguyễn Huệ”… này của bà đã giúp cho tôi rất nhiều. Tôi kể lại cho anh nghe, kể thêm chuyện các cụ lớn tuổi ở nước tôi đang sống, cũng gọi là cho dễ nhớ thì cũng tự nghĩ ra một đôi chữ nào đó, chẳng hạn thay vì chào từ giã “Auf Wiedersehen” bằng tiếng Đức, đã… phát minh ra câu “rau bí rau dzền”. Anh cười bảo thấy thương quá.

Thương thật những “người già như bóng nắng”. Ở quê người, cái bóng nắng ấy vô cùng mong manh, dễ tàn lụi, dễ biến mất tựa như một nhánh cây trồng xa giòng nước, xa ánh sáng mặt trời. Cố lắm, gắng lắm, đời sống cũng chỉ là những gượng gạo đến tội nghiệp. Bà cụ khoe khi đi bộ tập thể dục loanh quanh ở những khu vực gần nhà, vẫn hay “hello”, “good morning” với những người da trắng hàng xóm, nhưng lại nói:

- Chào đại mà không biết người ta có hiểu hay không nữa.

Tôi chưa kịp trả lời, bà cụ đã lại nheo mắt:

- Nhưng đó là phép lịch sự, không hiểu cũng… kệ, phải không con?

Vài tuần trước Tết, anh rủ tôi về miền nam. Thấy tôi ngần ngại không trả lời, anh bảo xuống chơi, ghé lại ăn Tết với anh, ăn Tết với mẹ anh cho vui. “Ăn Tết với mẹ anh!”. Cái câu nói nghe như là một… mệnh đề phụ, như anh nói đùa để tôi cười. Nhưng đúng là nó đã làm cho tôi cười thật, vui thật khi nhớ đến gương mặt hiền lành chân chất của mẹ anh. Nhớ đến cái đầm ấm, tươi vui của một mùa Xuân, một cái Tết thật dễ thương tôi từng có được trong chuyến đi trước.

Vì vậy sau đó, cho dù thấy ngán chuyện lên phi cơ, xuống phi cơ, chuyện ngồi mỏi mòn năm ba tiếng đồng hồ ở một phi trường chuyển tiếp nào đó giữa cái giá rét điếng hồn như vẫn thường than thở với anh, tôi vẫn nghĩ đến một cái website bán vé máy bay trên internet… Vẫn loay hoay dự định. Và rồi cuối cùng, khi chỉ có chút việc riêng không mấy quan trọng, nhưng tôi lại sắp xếp làm một chuyến xuống miền nam.

Tôi ghé lại thăm anh và bà cụ đầu tháng hai, khi bầu trời xanh biêng biếc với những ba cụm mây bay như tranh vẽ dưới cái nắng chan hòa ấm áp, khác hoàn toàn với nơi tôi đang định cư. Thời tiết thật dễ chịu. Không gian thật đẹp. Và những khuôn mặt đồng hương nhìn thấy trên phố cũng thật thân quen.

Tuy nhiên lúc thấy mẹ anh rồi thì lòng tôi dường như không còn dễ chịu nữa. Tôi bối rối nhận ra sự thay đổi của bà. Anh bảo “bây giờ điều gì cũng khác”. Bà cụ hoàn toàn đã không còn linh hoạt, không còn sinh động. Bà chỉ muốn ngồi nhìn nắng, nhìn mưa, hay dõi mắt về một hướng nào đó không thay đổi. Anh cho biết năn nỉ cách mấy bà cũng nhất định không chịu ra khỏi nhà, dầu nhà anh đã ở gần phố hơn, những con đường để đi bộ đã an toàn hơn, tiện lợi hơn. Bà như không còn muốn nói chuyện, pha trò gì nữa cả. Mà chỉ thích nói một mình. Hoặc nếu có kể chuyện, thì chuyện chẳng còn lớp lang thứ tự. Chẳng nhân vật chính, chẳng nhân vật phụ, chẳng bao giờ có bắt đầu cũng chẳng bao giờ có kết thúc. Nhiều lần chỉ trong vài phút, đang từ một cô thiếu nữ gánh gạo trên đường làng, thoắt dăm ba giây sau bà đã biến thành một bà góa, hoặc cũng có khi đang là cô dâu mới cưới, bất chợt thành một thiếu phụ nách năm bảy đứa con lủi thủi cô độc trên đường đời. Khi tôi năn nỉ bà đi lòng vòng với tôi cho đỡ cuồng chân thì với một vẻ mặt lo sợ, bà trả lời:

- Không được con à. Mình phải ở nhà canh chừng, chứ lỡ có pháo kích thì làm sao dẫn tụi nó chạy cho kịp!

Lỡ có pháo kích… Tôi bùi ngùi nhận ra quãng đời ảm đạm, những giờ phút cô đơn, những tháng năm vất vả nuôi con một mình và nỗi ám ảnh về chiến tranh, sự sợ hãi về cái chết chừng như không thể nào biến mất ra khỏi tâm trí bà cụ, cho dẫu không gian và thời gian đã không còn là ý niệm quan trọng với bà. Bà gần như quên bẵng tất cả những điều cần phải nhớ, quên bẵng cả con trai mình là ai, đôi khi quên cả chuyện tiểu tiện, đại tiện đúng nơi đúng chỗ, mà lại không quên được những ký ức buồn bã trôi qua trong đời mình.

Hôm ấy bà cụ đã mang ly nước nhỏ đi tưới những khóm cây trên sân đã ngập như bị ủng mưa. Anh có kể bà cụ sẽ quên ngay chuyện mình vừa làm xong, nên có lẽ đã tưới đi tưới lại cái khóm cây ấy nhiều lần, nhưng tôi vẫn không biết làm gì nên khẽ bảo:

- Chắc là đủ nước rồi đó bác.

Không quay đầu lại, nhưng bà cụ đáp:

- Cây cỏ cũng cần phải sống con à.

Tôi đứng lặng. Cây cỏ cũng cần phải sống, còn bà thì sao? Cũng phải sống với những điều quên, nhớ hằng ngày? Cũng phải đối diện với những điều không cần hồi ức, không lợi ích gì hết cho bà? Bà nói với tôi:

- Mấy thằng đó mượn tiền mà chẳng bao giờ trả!

“Mấy thằng đó” là những người em mà anh đã ra công bảo lãnh từ quê nhà sang. Tôi có gặp họ lần trước, khi cả gia đình anh còn ở chung với nhau. “Mấy thằng đó” là những chàng thanh niên khoẻ mạnh, nói năng dịu dàng nhỏ nhẹ, lịch sự và lễ phép, mà khi tôi khen với anh thì bằng một vẻ mặt vừa cau có, vừa buồn bã, anh đáp:

- Tụi nó màu mè, kiểu cách với em đó thôi.

Tôi bật cười:

- Em là người dưng, là bạn anh mà được đối xử lịch sự thì anh phải mừng chứ sao lại nhăn nhó vậy!

Anh làm thinh không đáp. Nỗi chán chường hiện ra trong mắt, trong tiếng thở dài sâu nặng của anh. Quen nhau nhiều năm, tôi phần nào hiểu được nỗi buồn ấy, sự thất vọng não nề ấy. Anh từng kể cái giá mà anh phải trả sau khi mang được những chàng thanh niên khoẻ mạnh, lịch sự ấy sang nơi này, là cuộc hôn nhân của mình bị đổ vỡ. Những rạn nứt không thể tránh khỏi từ con số người trong nhà bỗng tăng lên mà phòng ốc không tăng, chi phí tiêu dùng tăng nhưng tiền lương không tăng, không gian riêng tư càng ngày càng bị thu hẹp, rồi những vụn vặt không thể nói ra được bằng lời, cho đến khi sự nhường nhịn tối thiểu cũng biến mất hẳn thì anh rơi vào bước đường cùng. Hai vợ chồng anh đưa nhau ra tòa. Vợ anh được nuôi con. Anh đi theo mẹ và các em.

Y hệt một miếng bánh sandwich, anh bị kẹp ở giữa những oán hờn. Bên hiếu bên tình, chẳng có bên nào thỏa lòng vì anh. Vợ con anh không vui do mất đời sống êm ấm ngày trước, mẹ anh cũng không vui do anh thường xuyên cãi cọ, bực bội với em út. Anh kể:

- Chẳng đứa nào muốn đi học trở lại như anh đã chờ đợi, mà cũng chẳng muốn bắt đầu những công việc nhỏ trong khi kiến thức không có, tiếng Anh cũng không, nhưng cứ muốn có tiền, muốn có cuộc sống giống như những người đã đi trước. Và ngược lại còn trách móc anh, cho là anh đã mang con bỏ chợ. Có đứa còn cả gan nói, biết vậy thì ở Việt Nam cho rồi!

*

Tết Nguyên Đán, gần như năm nào cũng rơi vào những ngày tranh giải banh bầu dục, Super Bow l. Lần đầu tiên sang chơi, tôi đã vô cùng ngạc nhiên vì bầu không khí chộn rộn của người Mỹ. Đang sinh sống ở thành phố có câu lạc bộ đá banh FC Bayern nổi tiếng thế giới, lại là phụ nữ, lẩn quẩn trong trí tôi hình như đàn ông Việt Nam chỉ mê… soccer, nên khi thấy những người em của anh lao xao sôi nổi chờ đợi ngày chung kết giải football, tôi thật hết sức ngỡ ngàng. Thấy lạ và tò mò, tôi đã ngồi xuống xem chung với họ một lúc. Có thể nói trong đời, cho đến lúc ấy mới là lần đầu tiên tôi coi môn thể thao này. Tôi được giải thích cặn kẽ từng tí chút về những đội đang tranh giải tứ kết, nghe một lô một lốc luật lệ và điểm thắng thua, cùng những từ ngữ thường dùng trên sân chơi, từ free kick downs cho tới kichoffs, từ running back cho tới fullback, wingback, từ vị trí hàng cầu thủ, cho tới penalty… Một người em của anh giải thích:

- Cách tính điểm của môn này khác với đá banh. Bàn thắng được tính từ một cho đến sáu điểm. “Touchdown” quan trọng nhất, vì một cú touchdown được sáu điểm, đó là chưa kể đến chuyện có thể kiếm thêm được một hoặc hai điểm extra bằng cách đá trái banh vào giữa hai cột dọc của khung thành đối phương. Touchdown là lúc cầu thủ có banh trong tay, phải ôm chặt trái banh chạy vượt qua tất cả các đối thủ của mình, đến khu vực cuối sân thì phải chạm banh xuống khỏi mức vạch ấn định. Lúc đó cú touchdown mới được tính điểm.


Với độ dài của một sân football là 120 yards, khoảng độ 110 mét, trừ đi 20 yards của hai đầu “end zone”, thì nếu nhận được banh từ giữa sân thôi, là một cầu thủ football sẽ phải chạy ít nhất là năm mươi mét. Nhưng quan trọng hơn là còn phải vượt qua sự tấn công vũ bão của đối phương. Rất nhiều cầu thủ đã trở thành anh hùng vì thực hiện được những cú touchdown ấy, nhưng cũng không ít người bị chấn thương, tàn phế.

Hôm ấy anh có vẻ không vui khi thấy tôi ngồi xem và tham gia bàn tán với em mình nhưng không dám phàn nàn. Chỉ lâu lâu đảo mắt tỏ ý khó chịu. Lúc tôi kể mình biết thêm được những gì từ môn thể thao độc đáo này của Mỹ, anh giả vờ không nghe. Tuy nhiên đến khi tôi bảo tôi thích cái vụ coin toss, thảy đồng bạc sấp ngửa để có quyết định đội nào được đi banh trước trong những môn thể thao như soccer, football, và nói không ngờ một quyết định quan trọng như vậy lại diễn ra giống hệt một trò chơi trẻ con với tính cách rất… cờ bạc thì anh mới phản ứng. Anh cau mày:

- Anh ghét ba cái vụ cờ bạc.

Khi ấy tôi vẫn chưa để ý vẻ khó chịu của anh, nên đùa:

- Cờ bạc, cá độ vui chứ anh.

Anh sa sầm nét mặt.

Vài hôm sau, lúc tôi đến từ giã để về lại Âu châu, gặp những người em của anh vừa mới ở chỗ làm về là đã sà ngay vào bàn nhậu với một đám bạn cũng mê football trước một cái truyền hình lớn, anh nhăn mặt rủ tôi ra ngoài uống cà phê. Suốt buổi, anh chẳng buồn nói tiếng nào. Khi tôi gợi chuyện, anh cũng chỉ ậm ừ. Tôi đoán già đoán non anh bực bội vì em út đã lôi bạn bè về nhà. Tôi hỏi phải không. Anh đáp không.

Mà quả thật chuyện em út anh đem bạn bè về nhà không làm cho anh bực, nhưng mẹ anh kể cho tôi nghe là bởi “mấy đứa nó thua cá độ nhiều lắm”. Tôi hỏi sao bà biết. Bà cụ bảo nằm trong phòng, lắng tai nghe tiếng trò chuyện của đám bạn em trai anh, và cuối cùng là nghe hai vợ chồng người em kế anh cãi vả. Mẹ anh nói đó là chuyện vẫn thường xảy ra như cơm bữa vào những mùa football, basketball… của cặp này, nhưng nói:

- Lần này chắc lớn chuyện vì con nhỏ đòi ly dị.

Tôi không dám hỏi câu nào. Mẹ anh dường như cũng không muốn kể thêm. Bà ngồi lặng môt hồi, thỉnh thoảng thì lại thở dài. Những tiếng thở dài nhỏ, đứt quãng, nghe rất não lòng. Năm ấy, khi về lại Âu châu đã lâu, thỉnh thoảng gọi điện thoại cho anh, tôi vẫn cố ý gợi chuyện để anh tâm sự, hoặc nói ra những nghĩ suy của mình cho bớt nặng lòng, nhưng anh hoàn toàn im lặng. Sau, hiểu ý, tôi không tránh nhắc đến chuyện gia đình anh.

Thình lình một hôm anh gọi sang cho tôi, bảo sẽ không cùng sống chung với em út mình nữa, tôi ngạc nhiên hỏi tại sao. Anh đáp, giọng vô cùng buồn bã và mỏi mệt:

- Anh muốn mẹ anh có đời sống tử tế hơn. Sống chung, mẹ anh cực quá. Bà già thì lớn tuổi mà con cái không thấy trưởng thành, chẳng đứa nào biết làm người lớn, chỉ biết nhờ mà không biết mẹ mình khổ cực ra sao.

Trong phút chốc tôi đã nghĩ ngay đến những câu chuyện mẹ anh kể. Nghĩ tới nỗi lòng của bà cụ. Nghĩ đến chuyện anh phàn nàn hai chữ “biết vậy” của em mình, bảo hàm ý của họ là nếu còn ở Việt Nam thì chẳng người nào phải làm lụng gì cả, vì đã có tiền mẹ anh chắt chiu, dành dụm gửi về hàng tháng. Tuy nhiên mẹ anh nói với tôi:

- Đi ra đi vô có tụi nhỏ cũng vui. Nấu giùm cho tụi nó miếng cơm miếng cháo là cũng hết được một ngày đó con.

Còn mẹ tôi thì từng bảo, “năm tháng còn lại trên đất của người già rất ngắn, nhưng qua được hai mươi bốn tiếng đồng hồ một ngày lại khó vô cùng. Chẳng biết làm gì cho hết. Nếu xử dụng được thời gian của mình, đỡ đần cho con cháu, giúp được gì đó cho người chung quanh, thấy mình vẫn còn hữu dụng thì người già sẽ rất hạnh phúc, nhưng ngược lại, sống mà như chết, thà chết có lẽ sẽ vui hơn”.

Hôm tôi xuống đến nơi, nhìn tóc anh bạc quá nửa, còn lưng mẹ anh đã cong hẳn xuống, tôi thật bùi ngùi. Chung quanh khuôn viên nơi anh ở, ngoài đường xe cộ vẫn qua lại, người vẫn đông, nhưng bầu không khí trong nhà anh đìu hiu, vắng vẻ đến nao lòng. Đời sống của bà cụ lẫn anh, buồn bã như thể đang đi giữa một đám sương mù, không lối thoát. Nhìn anh loay hoay chăm sóc mẹ, vụng về nấu nướng, nhìn bà cụ lặng lẽ dõi mắt ra đường xe chạy, thẩn thờ ngó mây trôi, tôi chỉ còn biết thở dài thương cảm.

Ngày tôi đến chào từ giã, tình cờ gặp người em kế anh ghé lại thăm bà cụ. Chúng tôi ngồi với nhau nhìn mẹ anh đi qua đi lại. Người em anh nói, như phân trần:

- Tự dưng anh ấy đùng đùng đưa bà già về đây, sống lủi thủi như vậy đó. Tụi em ở xa, rồi phải đi làm đi lụng, lại con cái nọ kia..., nhiều khi không tới lui thăm bà già thường xuyên được cũng buồn lắm chị à.

“Thường xuyên”, như lời anh kể, là khoảng hơn nửa năm nay không thấy bóng bất cứ người nào. Tôi im lặng gật đầu và nghe. Không dám nói lên bất cứ ý nghĩ hay nhận xét nào của mình. Người em của anh thở dài:

- Anh ấy nói sống với tụi em thì mẹ em cực quá. Cứ nói là mẹ em lớn tuổi rồi mà còn phải cơm nước, giữ cháu… Mà chị thấy đó, đưa bà già về đây, hằng ngày anh ấy đi làm từ sáng sớm đến tận chiều mới về, chung quanh chỉ toàn Mỹ và Mễ, thì cũng đâu có sướng gì cho mẹ em, phải không? Chị nhìn thấy rồi đó, mẹ em suốt ngày như cái bóng, có muốn buông ra một câu cũng không biết nói với ai, nói cái gì. Sống như vầy, bứng cái rễ của mẹ em đi như vầy, anh ấy không nghĩ là mẹ em còn khổ gấp trăm lần hơn chuyện đi ra đi vào la lối mấy đứa con em, cắm giùm tụi em ấm nước, nồi cơm, lặt giùm vợ em mớ rau hay sao…

Tôi lại làm thinh. Nghe tiếp:

- Mà em nghe kể là khi về tới nhà, nhiều lúc bực bội, anh ấy còn nạt nộ, la hét với bà già giống hệt như la con nít... Càng ngày em càng thấy mẹ em không còn được như trước. Nếu không muốn nói là càng tệ thêm. Năm ngoái ở chung với tụi em, bà già vẫn biết em là ai, nhưng bây giờ chắc không cần kể, chị cũng thấy rồi đó…

Thật lòng là tôi chẳng biết mình nên lắc hay gật đầu. Bởi chuyện anh lớn tiếng với bà cụ, la hét bà cụ là có thật. Chính tôi đã từng chứng kiến, từng tai nghe mắt thấy anh làm như vậy. Tôi thở dài:

- Về già mà mắc phải chứng Alzheimer thì vừa tội nghiệp cho các cụ, vừa tội nghiệp người chăm.

Người thanh niên đưa mắt ngó tôi. Một ánh mắt chứa đầy vẻ ngạc nhiên. Và thương cảm. Nhưng dường như không phải thương cảm tội nghiệp cho mẹ mình, mà cho… tôi thì đúng hơn. Tự dưng tôi cảm thấy lúng túng. Cảm thấy như mình đang bị giễu cợt. Tôi quay đi, tự hỏi có điều gì uẩn khúc sau ánh mắt ấy? Tại sao người thanh niên này nhìn tôi như vậy? Không lẽ cậu nghĩ mẹ cậu không mắc bịnh, hay nghĩ tôi đang quan trọng hóa vấn đề?

Lát sau tôi đành hỏi một câu không trúng không trật để bầu không khí đỡ thấy kỳ cục:

- Phải vậy không?

Anh thanh niên ngó tôi lần nữa, rồi thở dài:

- Hình như chị không hiểu ý ông anh của em thì phải.

Tôi thắc mắc. “Là sao?”. Người em trai của anh bất thần bỗng bật ra một tràng cười:

- Chị ơi, chị không biết là “chàng” muốn đem mẹ em về chăm sóc là để làm động lòng phái nữ sao?

Tôi hơi ngỡ ngàng nhưng cũng cười theo:

- Có chuyện ly kỳ vậy sao?

Người thanh niên nhìn đi nhìn lại tôi vài lần, thể như muốn khẳng định điều gì đó, đến cuối cùng mới nói:

- Đàn ông thì em nói thiệt với chị, là ai cũng có “chiêu” riêng để làm động lòng phụ nữ. Nhưng ở đây, người mà ông anh của em muốn chứng tỏ và muốn làm xiêu lòng, không ai xa lạ mà là “Ex” của ảnh. Ngựa chạy đường dài, mỏi mệt, “chàng” muốn quay về bến cũ đó chị à. “Chàng” muốn dừng chân ở cái trạm xưa cho khỏe thân. Nhà sẵn, người sẵn, chị nghĩ không khỏe chứ còn gì? Vì vậy, đây là cái cách hay nhất để người ta suy xét lại, nghĩ lại… Người hiếu thảo với mẹ là người sẽ thương yêu vợ, người ta thường hay nói như vậy, đúng không? Mà chị thấy không, chị là bạn bè tới chơi, thấy anh ấy loay hoay một mình còn cảm động thì huống gì cái người phụ nữ từng có nhiều năm sống chung và con cái với anh ấy!

Tôi tròn mắt ngó người đối diện. Ngó nụ cười mỉa mai đang nở ra trên gương mặt ấy:

- Trời ơi, một người đàn ông trai tráng khỏe mạnh, có công ăn việc làm tốt, có kiến thức đầy mình mà lại chấp nhận sống đơn độc để chăm sóc bà mẹ già bị bịnh mất trí nhớ! Một người luôn luôn vụng về trong chuyện nấu nướng, giặt giũ mà phải lăn xả vào bếp, phải làm nhiệm vụ tạp dịch sau một ngày cực nhọc ở văn phòng! Một con người không nề hà bất cứ điều gì vì chỉ muốn phục vụ cho mẹ!!! Em hỏi chị, có người phụ nữ nào mà không cảm thấy xúc động trước tấm chân tình này?

Tôi ngồi im. Lần này mới thật sự là bất động. Cũng không biết phải làm như thế nào để giữ nét mặt mình không thay đổi, để khỏi cảm thấy mình trở nên khôi hài hoặc ngớ ngẩn trước mặt người thanh niên này. Tôi có cảm giác cái từ ngữ “đứng hình” mà thiên hạ đang dùng, thật rất chính xác để diễn tả về mình.

Người em của anh sau khi buông ra những lời như vậy, chơm chớp mắt nhìn tôi, rồi thở dài khe khẽ. Lát sau, thấy tôi phản ứng gì, một cười rất thân thiện nở ra và một giọng nói rất nhẹ nhàng vang lên bên tai tôi:

- Nói ra thì hơi kỳ, chứ anh ấy bảo bà cụ sống với tụi em thì tiền già của bà cụ bị tụi em lấy hết, mà chị xem, giờ anh ấy cũng đâu có hơn gì… Cũng kể lể phải chi tiền nhà, tiền ăn, tiền thuốc…, rồi cũng lấy hết tiền của mẹ em vậy.

Tôi không chớp được cả mắt. Hai tai tôi lùng bùng như vừa bị nhận xuống dưới một hồ nước. Thật lòng mà nói, dầu giữa anh và tôi không hề có thứ tình cảm gái trai nào với nhau để tôi phải sững sốt, hoặc đau lòng và cũng khó có thể tin được những điều vừa nghe, nhưng không hiểu sao tôi cứ cảm thấy không thoải mái. Cứ cảm thấy bực bội khi nghĩ anh không tin tôi đủ để tâm sự và kể cho tôi nghe những dự tính của mình, lại vừa khó chịu khi nghĩ chẳng lẽ bạn tôi lại là người như vậy hay sao?

Người thanh niên ngồi thêm dăm phút rồi vào nhà sau trêu ghẹo mẹ, trong đó có những câu tôi hoàn toàn không phân biệt được là đùa hay thật:

- Tiền bị giữ trong nhà băng hết rồi phải không? Bị “quản lý nghiêm nhặt” hết rồi phải không?

Tôi nhấp nhổm muốn đi về, nhưng lại cứ ngồi lặng, đưa mắt nhìn ra ngoài đường xe chạy, nhìn nắng mùa xuân vàng óng trên hiên nhà. Trời thật đẹp. Sợi nắng trong vắt, cái nắng thật đặc biệt của miền nam nước Mỹ từng được nhiều người ca tụng. Cái nắng nhảy múa trên nhành cây kẽ lá. Lấp lánh trên những giòng xe nhộn nhịp xuống lên. Chung quanh tôi đời sống rộn rã đập nhịp. Chung quanh tôi đất trời đang vào mùa đẹp nhất trong năm. Vậy mà đầu óc cứ lẩn quẩn ở những điều vừa mới nghe, tâm trí cứ lẩn quẩn những điều vừa mới nghĩ.

Tự dưng tôi chẳng còn thấy trời nắng đẹp, chẳng còn thấy mùa xuân đã về.

Ngơ ngác nhớ đến lời mẹ anh nói hôm trước, “mấy thằng đó mượn tiền hoài mà chẳng bao giờ trả”, rồi lại nhớ đến hình ảnh bà cụ với những sáng những chiều đơn độc ngồi nhìn ra đường, nhớ những lúc anh bực bội la hét bà cụ, nhớ cả đến những tháng ngày đất nước tao loạn, tôi buồn bã thở dài. Trong trí tôi không hiểu sao cứ hiện ra mãi cảnh những cầu thủ football cật lực đấu với nhau. Tôi tự hỏi không có gì liên quan giữa hai tình cảnh, vậy mà sao tôi vẫn có cảm giác như mình vừa chứng kiến một cú touchdown hết sức nghiệt ngã.

Hoàng Nga

Ý kiến bạn đọc
26/02/201621:52:50
Khách
Lần tới xin đề nghị tác giả Hoàng Nga viết về cuộc tình của mình tương tự như chuyện này có lẽ thích hợp hơn: http://vvnm.vietbao.com/a246193/qua-xuan

San Diego, Hoa Kỳ
20/02/201621:54:52
Khách
Xứ này là giành nhau tiền, công sức,...Lý tưởng nhất là sống một mình, không bị đòi tiền.
20/02/201617:36:34
Khách
Nếu đọc kỹ lại một chút, người đọc sẽ thấy , tác giả đã ngắt ra hai giai đoạn khác 
nhau, Bà cụ trước khi bị bệnh mất trí nhớ, và Bà cụ sau khi bị bệnh ...

Đọc vội vàng thì đôi lúc dễ gây hiểu lầm, là chuyện đương nhiên, nhưng nếu " thẳng lại "
đi chầm chậm thì sẽ thấy cái ngắt đoạn tài tình của tác giả ,

Có thể ở những truyện ngắn kế tiếp, tác giả có thể ngắt đoạn rõ rằng hơn , mình bạch hơn
và người đọc sẽ cảm thấy " yên tâm " , hài lòng hơn ?
Cảm ơn tác giả những truyện ngắn cứ làm người đọc suy nghĩ nhiều sau khi đã đọc xong 
và còn muốn đọc nữa
20/02/201610:27:46
Khách
Đúng như bạn đọc Le ng Minh nói, câu chuyện làm cho người đọc hơi khó hiểu vì nhắc chi tiết giữa hai lần thăm khác nhau một cách hơi lẫn lộn.
So sánh sự nghi ngờ của người em với cú touch down không mấy chặt chẽ.
Những lủng củng này làm bớt giá trị của câu chuyện dù cách hành văn và du`ng hình ảnh, lời lẽ rất khéo
19/02/201619:21:47
Khách
Thưa chị.
Em thắc mắc như chị kể về bà cụ dường như quên tất cả.Mọi thứ đóng băng...không hiện tai, quá khứ, tương lai.
Đoạn sau bà cụ nói cây cỏ còn phải sống.Mấy thằng đó mượn tiền không bao giờ trả. Chuyện xảy ra như cơm bữa.. Lần này lớn chuyện vì con nhỏ đòi ly dị.Đi ra đi vô....hết một ngày...
Những câu nói khôn ngoan, triết lý hơn cả người có trí nhớ bình thường.
Em thấy sao sao không giống bà cụ chị tả lúc đầu. Dù sao em vẫn thích vì bài viết hay của chị. Cám ơn chị.
19/02/201616:53:01
Khách
Kính gửi anh Bình Trần: thành thật cám ơn anh đã đọc HN. Đây là một số chi tiết Nga biết về môn football của Hoa Kỳ đã viết trong bài: kickoff: có thể kể là một cú đá tự do, thường để mở đầu cho trận đấu. Running back là trung vệ. Wingback là hậu vệ cánh trái hoặc phải. Fullback cũng là hậu vệ, thường vị trí được xếp sau lưng trung phong (Quarter back) và trước mặt trung vệ. Ngoài ra, nếu thích, Nga nghĩ anh cũng có thể tìm hiểu thêm về luật chơi qua đoạn Utube này: https://www.youtube.com/watch?v=Ddwp1HyEFRE . Kính chúc anh nhiều niềm vui trong năm mới.
19/02/201602:21:52
Khách
Chào Bà
Nếu Bà giải thích hết các từ trong môn football thì hay biết mấy.Cám ơn Bà. Chúc Bà sức khỏe.
Trân trọng
19/02/201600:30:21
Khách
What's the writer's interests in this eldest brother - for her to have made long flights to visit this family, while she doesn't have a man of her own?

With the title being "Cú 'Touchdown' Nghiệt Ngã" (why?), and she has spent lots of time & efforts in knowing this unrelated family's relationships & life, I think the writer has a crush on the eldest brother - Does her love look sumtin like Brad Pitt, Alain Delon and/or Robert Redford? - and is trying to figure effective ways to secure her love.

Good luck to her ...

San Diego, Hoa Kỳ
18/02/201620:22:22
Khách
Chi Nga viet that la hay, cam on chi nhieu
18/02/201614:12:20
Khách
qua bai bviet nay, toi thay co hai truong hop ma do cong san gay nen
tat ca nhung nguoi sinh tu 1965 tro ve truoc tat ca hau nhu se mac benh PTSD syndrome, ma toi thay can co mot nghien cuu han hoi
thu hai hau nhu tat c nhung thanh nien song duoi che do xhcn deu luoi bieng va luoi suy nghi tat ca deu lo thu huong chi biet TIEN va GAI thoi, cho nen chuyen vn mat nuoc la chuyen se xay ra trong thoi gian ngan thoi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. năm 1990, hiện đã về hưu, an cư tại Westminster. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008, đã góp nhiều bài viết giá trị, từng nhận giải đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
Như mọi năm, báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018 đã bán hết, ngay trước tết, đã phải dành dụm kỹ mới giữ lại được một số lượng nhỏ cho hai hội chợ Tết. Sau đây, thêm một bài Viết Về Nước Mỹ được trích từ báo xuân. Tác giả là cư dân Paris, bà tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, năm 2011, và nhận giải chung kết Vinh Danh Tác Giả VVNM. Với cách viết duyên dáng, Đoàn Thị là một trong những cây bút được nhiều độc giả yêu mến.
Tác giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, nguyên là một chuyên viên quốc tế của USAID về hưu, đang cư trú tại Orange County. TG gia nhập chương trình VVNM từ năm 2015, được chấm giải Danh Dự 2016 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2017.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuiất 2018.
Lá thư nầy em viết từ năm mươi năm trước, khi anh đang đóng quân ở Bình Dương, mà rồi chuyện nầy chuyện nọ khiến thư chưa gởi
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và UC Riverside (SEATRIP) xuấn bản trong năm 2017.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả có nhiều bài viết đạt số lượng người đọc, trên dưới một triệu.
Nhạc sĩ Cung Tiến