Hôm nay,  

Thi Ân Bất Cầu Báo

03/12/201300:00:00(Xem: 48096)
Người viết: Phương Hoa
Bài số 4076-14-29476vb2120113


Tác giả sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, hiện sống ở Bắc Cali. Tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education (giáo dục nhi đồng) tại Chapman University miền Nam California hồi tháng 5, 2012 khi tròn 62 tuổi, đang volunteer tại một trường học ở Marysville trong khi chờ đi dạy. Phương Hoa đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013 và tiếp tục viết nhanh, viết khoẻ. Bài mới nhất của bà được viết trong ngày lễ Tạ Ơn 28 tháng 11, 2013, kèm theo lời đề tặng trân trọng:

Kính tặng chú Hồ Bốn, Westminster, California

* * *

Hôm nay là ngày Lễ Tạ Ơn, tôi xin kính cẩn nghiêng mình tạ ơn đất nước Hoa Kỳ đã cho tôi, gia đình tôi, và tất cả đồng hương của tôi sự tự do và nhiều cơ hội tiến thân. Tôi biết nước Mỹ "Thi ân bất cầu báo," giúp những người tị nạn không phải để nhận tiếng cám ơn. Nhưng đối với những người thọ ơn, nếu không bày tỏ được lòng cảm kích và cám ơn đối với ân nhân thì họ sẽ "ngủ không yên."

Hồi đầu tháng, tôi nhận được lá thư có chữ ký của ông John E. Hamilton, Tổng Tư Lệnh (Commander-in-Chief) Thương Binh Hoa Kỳ. Trong thư có đọan, "Bạn nghĩ gì khi đọc cụm từ Tàn-tật-nghiêm-trọng (Seriously-Disabled)? Có lẽ bạn sẽ tưởng tượng ra những nam nữ chiến sĩ trẻ ngồi trên xe lăn với đôi chân cụt, khuôn mặt bị biến dạng, hay có miệng mà không còn nói được... Nhưng bạn biết gì về những thương binh với vết thương vô hình khủng khiếp trong trí não họ? Trên thực tế, hiện chúng ta đang có hơn 226 nghìn nam nữ thương binh trở về từ Iraq và Afghanistan đang ngày đêm vật vã vì chứng não bộ chấn thương (Traumatic Brain Injury)..."

Và phần cuối thư có đọan, "Chúng tôi cần những người yêu nước như bạn bước tới để giúp những thương binh mà cuộc đời họ đã bị đổi thay vĩnh viễn bỡi chiến tranh." Sau đó tôi ký cái check gửi đi như tôi vẫn làm trước đây mỗi lần nhận được thư kêu gọi trợ giúp từ cái hội này, với ý nghĩ góp chút quà mọn để tỏ lòng biết ơn nước Mỹ đã tạo cơ hội cho tôi và gia đình có được ngày hôm nay, chứ không hề nghĩ là mình đã "làm ơn" khi giúp họ. Thế nhưng, ngày hôm qua, trước lễ Tạ Ơn một ngày, tôi nhận được một phong bì lớn, trong đó là một tấm "Certificate Of Recognition," tên tôi được ghi trang trọng trong một khung trang trí đẹp tuyệt, từ cơ quan Thương Binh Hoa Kỳ do giám đốc hành chính Homer S. Townsend, Jr. ký. Dù sự đóng góp của tôi chỉ là rất nhỏ nhưng trong mùa lễ Tạ Ơn này họ vẫn tỏ cho tôi biết là họ cảm kích.

Cách xử sự chu đáo này nhắc tôi nhớ tới vị ân nhân của tôi.

*

Khi biết tin được vào Chung Kết VVNM 2013, tôi có đến hai nỗi mừng. Thứ nhất tôi mừng vì sau mấy tháng dồn tâm huyết, trút lòng mình vào những trang giấy trang "MicrosoftWord" thì đúng hơn rồi hằng đêm lên Việt Báo online dõi theo những bài viết tuyệt vời của các tác giả khác, bây giờ tôi đã có cơ hội đi Nam Cali thăm tòa soạn VB và gặp mặt làm quen với những tài năng mình từng ngưỡng mộ.

Điều thứ hai cũng quan trọng vô cùng. Đó là tôi sẽ được dịp viếng thăm vị đại ân nhân, người đã giật tôi ra khỏi tay tử thần trong một sáng tinh mơ ở vùng biển quê nhà mấy chục năm về trước. Ông hiện đang sống ở thành phố Westminster nhưng tôi vì mãi bận bịu lu bu nên không thường xuyên đi thăm Người được.

Ngày xưa còn trẻ, dù tôi không phải là một tay bơi giỏi, nhưng mấy đứa bạn thường kêu tôi là "rái cá" vì tôi bơi rất dẻo dai. Đó cũng nhờ bãi biển Nha Trang là nơi tắm biển tuyệt vời. Hầu như sáng sớm nào tôi cũng chạy xuống biển, tụ tập cùng lũ bạn vui đùa trên bãi cát một hồi rồi nhào xuống nước bơi với nhau. Tôi có thể bơi tà tà từ công viên Bồn Nước bơi hoài dọc theo bờ biển tiến về hướng Cầu Đá hàng giờ không nghỉ mà chẳng hề biết mệt. Vậy mà về sau có lần tôi bị sóng nhận chìm, sém chút nữa đã đi "ăn cơm cúng" cùng với ông bà ông vải, nếu không có Người trong buổi sáng hôm ấy...

Sau 75, gia đình chúng tôi buộc phải rời thành phố dọn đi vùng kinh tế mới, để ngày ngày trò chuyện với lũ sóc khỉ trên rẫy rừng, đêm đêm chiến đấu cùng muỗi mòng dưới mái tranh vách đất. Một lần nhà tôi và mấy chục người hàng xóm được lệnh mang gạo muối đi làm nhiệm vụ "phát quang" một tháng tận trên núi cao. Đoàn người phải trèo đèo lội suối vượt dốc cả ngày đường, trèo qua ba hòn núi lớn gọi là "Núi Ba Cụm" mới đến được một nơi rừng thiêng nước độc gọi là "Mật Khu Tô Hạp" để làm công tác. Không ngờ đó lại là lần "đi mãi không về" cho hai người hàng xóm của chúng tôi. Họ làm việc mới được vài tuần thì một quả bom bi đã bất ngờ nổ tung, giết chết hai người trong nhóm họ và làm bị thương nhiều người nữa. Nhà tôi và những người may mắn được an toàn phải tải thương xuống đồng đưa họ vào bệnh viện và đem những người chết về làng. Chúng tôi hoảng quá nên sau đó bỏ rừng rẫy chạy một hơi trở về quê cũ.

Với đám con thơ và hai bàn tay trắng, chúng tôi lại phải bắt đầu từ con số không. Cuộc sống khi đó rất là tồi tệ, ban ngày vất vả tính toan vì giấy tờ hộ khẩu và cơm áo gạo tiền, đêm về trăn trở muộn phiền cùng nghìn mối lo âu không làm sao yên giấc. Để giải tỏa bớt căng thẳng, mỗi buổi sáng tôi dậy thật sớm, trước cả bình minh, theo chân những người hàng xóm chạy bộ xuống biển. Tôi thường chạy một mình vì nhà tôi lười dậy sớm và sợ lạnh.

Phong trào tắm biển nở rộ hẳn lên ở thành phố tôi vào khoảng thập niên 80s. Thời buổi gạo châu củi quế, thuốc men khan hiếm, cuộc sống căng thẳng nhiễu nhương, người ta xem chạy biển như là một phương thuốc để tăng cường sức lực. Không gì thích thú cho bằng buổi sáng chạy từ nhà ra biển cho người ấm lên rồi phóng ùm xuống nước. Sau khi bơi một hồi thì nằm thả người lênh đênh trên mặt nước để thư giãn, vừa tận hưởng cái cảm giác mát mẻ của nước muối thấm vào từng làn da thớ thịt, vừa nhìn những chú hải âu bay lượn trên không, vừa ngắm mây trôi, và nhìn mặt trời ban mai đỏ hồng như cục than lửa khổng lồ từ từ xuất hiện ở phía chân trời.

Tuy nhiên, vùng biển của thành phố quê tôi không được may mắn có sự che chắn của núi đồi ốc đảo như biển Nha Trang. Từ bờ nhìn ra, biển trống trải thênh thang, mênh mang xanh ngắt một màu dưới bầu trời xám trắng. Cho nên những khi có gió lớn bão to, dưới biển sóng vỗ thét gào, thì bờ biển bị bào mòn một cách vô tội vạ; và bão tố được thế ào ạt tấn công vào đất liền phá hoại mùa màng nhà cửa, có khi còn lấy đi sinh mạng người ta. Chẳng những vậy, dưới lòng biển còn có nhiều dòng xoáy làm nước chảy xoắn lại với lực hút cực mạnh. Người đang bơi dù trong cạn, nếu rủi ro bị cuốn vào thì sẽ cứ bơi xoay vòng và bị kéo dần ra xa cho đến khi kiệt sức, dù bơi giỏi cỡ nào cũng khó thoát để vào bờ. Địa thế bãi biển hiểm nguy như vậy nên lâu lâu lại có một nạn nhân bị biển nhận chìm.

Chúng tôi chạy biển quanh năm, tắm biển hầu hết các mùa, trừ mùa đông. Cứ thế cho đến một buổi sáng tháng Mười Âm lịch, cái ngày mà cơn bão lụt lớn hoành hành khốc liệt trên đất nước Philippines, mực nước trong thành phố dâng cao đến hơn bốn mét.

Thức giấc sau tiếng gọi của người bạn hàng xóm, vừa xuống dưới nhà thì bị mẹ tôi ngăn lại:

- Bữa nay con ở nhà đi! Đài vừa nói đang có bão rất lớn ở Philippines, nó đang tràn sang Việt Nam theo hướng tỉnh mình!

- Không sao đâu má ơi! Tôi nói. -Tụi con chỉ chạy xuống và ở trên bờ tập thể dục rồi về chứ đâu có tắm mà lo.

Nói rồi tôi vội vã chạy đi, không hề biết là sém chút nữa tôi đã không còn cơ hội gặp lại mẹ.

Ngoài trời đang có gió rất mạnh từ hướng biển thổi lên. Tôi và mấy người bạn chạy ngược hướng nên bị gió giật tơi bời làm xù cả tóc. Gió máy là "chuyện nhỏ" đối với dân chạy biển trường kỳ như chúng tôi. Nhưng khi đến bờ biển thì ai nấy đều há hốc miệng kinh hoàng. Nhiều người đứng trên bờ xôn xao chỉ trỏ: bãi cát quen thuộc đã biến mất.

Mới hôm trước bãi cát ấy còn chạy dài từ trên đường lộ xuống dưới nước, không ngờ chỉ sau một đêm bờ biển đã bị biến thành vực thẳm thật rợn người. Gió thổi phần phật bên tai, đứng trên bờ cát nhìn xuống nước tôi có cảm giác chóng mặt như là đang đứng trên mái ngói của một ngôi nhà. Ngoài khơi, hàng hàng lớp lớp những cơn sóng bạc đầu cao ngất đang cuồn cuộn hùng hổ tiến vào. Đến gần bờ chạm vào cát, chúng trở nên dữ dội hơn, cất lên cao hơn rồi hòa nhập với lớp sóng sau, cùng bổ ầm lên bờ, và xúc từng mảng cát lớn cuốn ra biển. Từng đợt rồi từng đợt, những cơn sóng như những chiếc máy xúc khổng lồ làm việc miệt mài, và bãi biển tội nghiệp của chúng tôi đành chịu trận mà vô phương chống cự.

Lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng như trong phim này, mọi người dường như quên đi sợ hãi. Thay vì phải bỏ chạy để trở về nhà, tôi lại ngu ngốc thích thú đứng trên bờ cùng với người ta giương mắt ra mà "trầm trồ trâm trết."

Thình lình một cơn sóng cao khủng khiếp, bổ "Ầm!" một phát, chụp xa vào trong bờ qua khỏi đầu mọi người rồi giật mạnh ra. Ai nấy hoảng hốt chạy tán loạn bật ngược ra sau. Tôi bị sóng chụp trúng té nhào, và cơn sóng hung thần này kéo tôi lăn lông lốc như một trái banh, từ trên bờ lộn xuống nước. Tôi cố sức bám vào bờ cát để đứng lên nhưng rồi những cơn sóng tiếp theo đánh vào, cuốn tôi trôi tuột ra khơi. Trong nháy mắt, tôi thấy mình cách xa bờ cũng đến mấy chục mét.

Đã từng có kinh nghiệm nhiều lần đùa giỡn với sóng biển, tôi chưa cảm thấy có chút sợ hãi nào ngay lúc đó nên chỉ cố gắng tìm cách bơi vào. Như những người chơi trược sóng, tôi ngoái nhìn ra sau chờ cho cơn sóng kế tiếp tràn vào thì phóng mình trồi lên, lượn theo đầu ngọn sóng sải chân bơi thật mạnh vào bờ và đáp xuống. Nhưng vừa đặt chân xuống bờ cát chưa kịp đứng dậy thì cơn sóng khác đã tức tốc phủ lên tôi, kéo giật trở ra. Tôi bị mất đà vì bờ cát là vực thẳm, nên lăn tròn và bị dìm xuống sát dưới đáy biển. Tôi nín thở cho cát và nước khỏi vào miệng, lại trồi lên, bơi theo sóng, đáp xuống bờ, rồi bị kéo ra. Cứ liên tục lập đi lập lại như mèo vờn chuột, những cơn sóng đánh tôi vào bờ rồi lại lôi đi.

Những lúc chờ sóng, tôi nhìn vào bờ thấy các bạn tôi gào khóc kêu cứu om sòm. Những người đàn ông thì hét lên bày cách cho tôi, "Trồi lên! Bơi theo sóng!" khi thấy sóng vào sau lưng tôi và "Lặn xuống! Nín thở!" khi sóng kéo tôi ra. Nhiều người trong bọn họ là những tay bơi tầm cỡ, vài người là bạn thân của ông xã tôi, và số còn lại đều là bạn quen chạy biển hàng ngày. Nhưng tuyệt nhiên không một ai dám "xâm mình" ra tiếp cứu. Cũng đúng thôi, sóng lớn như vậy lạng quạng có khi bị chết chùm. Mọi người cùng nhau chạy ùa theo sau những cơn sóng về hướng biển và la hét như van xin chúng hãy tha cho tôi mỗi khi chúng kéo tôi đi. Có lúc tôi nhìn thấy họ như thật gần. Nhưng rồi họ chạy lùi lại khi sóng ập vào, nên tôi bơi vào được đến bờ thì không có người tiếp cứu để giữ tôi lại.

Tôi tiếp tục trồi lên hụp xuống một lúc rất lâu. Nhưng sức người có hạn. Dần dần tôi cảm thấy đầu váng mắt hoa, tay chân rời rã nên bắt đầu bơi chậm lại, rồi sau cú quật của một cơn sóng, tôi bị uống một ngụm nước biển. Đó là ngụm nước muối đầu tiên từ lúc tôi bị kéo xuống biển đến giờ. Cái cảm giác buồn nôn khi những giọt nước muối tràn qua cổ họng cho tôi biết đây là giây phút thập tử nhất sinh, sắp hết hy vọng vào bờ. Tôi nhắm mắt lại và trong trí tôi bỗng tự niệm,"Nam Mô A Di Đà Phật" rồi chuẩn bị buông tay để mặc cho sóng vùi gió dập.

Không ngờ vừa dứt câu niệm Phật trong đầu, như có phép màu, tôi bỗng thấy một bóng người hiện ra lờ mờ trước đôi mắt gần như "tản thần" của tôi cùng với câu nói:

- Đừng có níu kéo nhé! Để ta giúp cho. Rồi bóng người đó vòng ra sau lưng tôi.

Thường thì những người sắp bị đuối gặp vật gì hay gặp ai họ cũng bấu víu vào thật chặc để tìm đường sống. Cho nên có nhiều trường hợp người đến cứu cũng bị chết chìm. Lúc ấy tôi đâu còn tâm trí nào để nhớ đến lời dặn vừa rồi, cũng không còn đủ minh mẫn để mừng vì có người đến cứu. Nhưng có lẽ vì tôi biết bơi nên tôi đã không tìm cách bấu víu mà chỉ tiếp tục bơi theo quán tính. Khi nhận ra có người phụ đẩy từ phía sau, tôi cố gắng dùng hết chút tàn lực bơi vào cùng với sự trợ giúp đó. Sau cùng, một cơn sóng lớn đã "tiếp sức" cùng Người, đẩy mạnh tôi lên bờ. Dù lúc này tôi đã bị hoa mắt ù tai, tôi vẫn nhận ra một hàng dài những người đàn ông nắm tay nhau thành một sợi dây chuyền từ trên bờ xuống sát mặt nước để giúp sức. Khi người đàn ông đứng ở đầu hàng chụp được tay tôi thì tôi hoàn toàn kiệt sức, phó mặc cho "đường dây người" lôi tôi xềnh xệch chạy lên trên cát trước khi những cơn sóng khác ập vào.


Mấy cô bạn nhào đến ôm chầm lấy tôi, vừa khóc vừa xoa bóp tay chân để giúp tôi tỉnh táo. Sau khi hoàn hồn bình tĩnh, tôi nhìn lại thì vị ân nhân đã bỏ đi tự lúc nào. Hỏi ra chẳng ai biết người đó là ai và sống ở đâu. Mọi người đều nói chưa bao giờ gặp người này trong suốt thời gian họ đi biển. Tôi đã cảm động đến khóc khi nghe bạn bè nhắc lại câu nói của Người trước khi lao mình vào sóng biển để cứu tôi:

- Tôi lớn tuổi hơn các vị, để tôi xuống cứu cho!

Ôi! Quả là một sự hy sinh vì người, quên thân mình để tiếp cứu nạn nhân trong cơn nguy cấp. Vậy mà Người đã lặng lẽ bỏ đi mà không cần nán lại để tôi được nói tiếng cám ơn. Câu nói của Người đã được truyền tụng, nhắc nhở luôn luôn trong giới tắm biển thành phố với tất cả sự kính trọng mến yêu từ đó. Sau này mới biết, ngoài tôi ra, Người cũng đã từng giành giật và cứu về rất nhiều nạn nhân khác từ tay biển dữ mà Người vì quá khiêm nhường chẳng cho ai biết về mình.

Tôi về nhà kể lại sự tình làm cho mẹ tôi và ông xã một phen hết hồn hết vía. Bạn bè quen biết nghe tin đến thăm chúc mừng tôi thoát nạn, và ai cũng tỏ vẻ ngưỡng mộ muốn tìm hiểu về vị ân nhân bí mật này.

Sáng hôm sau, nhà tôi dậy thật sớm rủ tôi chạy biển. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Đây là lần đầu tiên cái tay "sợ chết cóng" này lại tự nguyện rủ tôi đi biển trong mùa đông. Nhưng anh ấy nói sẽ đi biển mỗi ngày cho đến khi nào tìm gặp được vị ân nhân đã giúp anh thoát khỏi cái cảnh gà trống nuôi đàn con thơ dại, để anh được nói một lời cám ơn.

Từ đó mỗi sáng sớm chúng tôi đều xuống biển, nhưng chúng tôi tìm kiếm một thời gian khá lâu mà hình bóng vị ân nhân vẫn là "bóng chim tăm cá."

Tìm gần không thấy thì phải tìm xa. Chúng tôi bắt đầu đi xa hơn nữa về hướng nam dù trong lòng không có nhiều hy vọng. Và mấy ngày sau đó tôi bất ngờ nhìn thấy từ xa bóng dáng của một người đang chạy trên bãi cát. Dù lúc được Người ra cứu, mắt tôi đã lờ đờ mệt lã chỉ nhìn thấy Người như một cái bóng thoáng qua, nhưng có lẽ là do trực giác, bây giờ vừa nhìn thấy là tôi nhận ra ngay. Tôi nói với nhà tôi đây chính là vị ân nhân đó. Nhà tôi mừng quá vội chạy đến chào hỏi, bắt tay nói lời cám ơn với Người.

Mới đầu Người không nhận, tỏ vẻ chưa hề quen biết tôi. Tôi chụp lấy tay Người:

- Chú à! Con nhớ rất rõ ràng, chú là người đã cứu con. Đây là cái ơn tái tạo, chú đã sinh ra con lần nữa. Hãy để vợ chồng con được nói một lời cám ơn chú nhé!

Bây giờ Người mới lắc đầu cười rồi nói với nhà tôi:

- Chỉ là chuyện nhỏ thôi! Có gì đâu mà ơn với nghĩa! Điều may mắn là, thường ngày tôi chỉ chạy về phía nam, hôm ấy không hiểu sao bỗng dưng tôi lại chạy ngược về hướng bên đó. Rồi tôi thấy người ta lao xao lố nhố ở đàng xa, tôi chạy tới luôn. Và cũng nhờ bộ đồ tắm màu đỏ mà tôi thấy rõ cô ấy đang lặn hụp giữa đám sóng bạc đầu ở tít ngoài xa nên mới ra cứu kịp.

- Trời ơi! Chuyện nhỏ à? Tôi bật khóc: - Chú có biết là ngoài cái ơn tái tạo cho con, chú đã cứu mạng cho người mẹ của bốn đứa trẻ thơ, và con là đứa con độc nhất của một người mẹ già. Mẹ con làm sao sống nổi nếu con bỏ người mà đi trước?

Quả tôi có phước mấy mươi đời, nên Phật Trời đã khiến xuoi cho Người đổi hướng chạy về phía tôi hôm đó. Mặc cho vợ chồng tôi nói gì thì nói, Người vẫn phớt lờ, từ giã chúng tôi và bắt đầu chạy tiếp. Chúng tôi bèn chạy theo xin địa chỉ để sau sẽ ghé thăm. Người tỏ vẻ không bằng lòng, phất tay từ chối:

- Thôi thôi! Không cần phải thăm viếng chi cả, tôi không có ở gần đây đâu! Và Người chạy nhanh hơn. Chúng tôi cũng chạy hụt hơi bám sát gót để theo Người về nhà. Nhưng khi lên khỏi bãi biển, đến xóm vạn chài nhà cửa đông đúc, Người bắt đầu chạy theo kiểu "zích zắc," hết quẹo bên này rồi lại rẽ bên kia, vợ chồng tôi thì chạy theo sau lưng như một cuộc rượt đuổi trong phim hình sự, và rồi bất ngờ Người biến đi đâu mất.

Chúng tôi đành buồn bã thất thểu ra về và từ đó không hề gặp lại Người nữa. Nhà tôi ở gần chợ lớn của thành phố, kẻ ra người vào, khi nghe tôi kể chuyện, nhiều người cũng nói họ đã từng thoát khỏi chết đuối nhờ một "người bí mật" cứu, nhưng người ấy "biến mất" ngay sau đó nên họ không hề biết là ai.

Mãi đến mấy tháng sau, một lần tôi đi chợ ngang qua hàng thợ may bỗng thấy Người đang ngồi vắt sổ ở đó. Quả thật là "Gần trong gang tất mà cứ tưởng xa nghìn trùng!" Người làm việc trong ngôi chợ trước mặt nhà tôi mà lâu nay chúng tôi nào có biết. Tôi mừng đến phát khóc, nhưng không dám bước lại nói chuyện, sợ Người sẽ biến" đi lần nữa. Vô nhà tôi kể lại với gia đình rồi đưa người cậu thứ Chín của tôi ra chợ để "xem mặt" vị ân nhân. Trời ạ! Chúng tôi không thể nào ngờ được, Người lại là bạn thân của cậu tôi. Hai người đều từng làm Hiệu Trưởng nhiều trường Tiểu Học trước 75, bây giờ hai ngài Hiệu Trưởng một đi bán vé số còn một đi vắt sổ!

Chúng tôi trở nên thân thuộc với Người từ đó. Tết đến, theo phong tục, mẹ tôi chuẩn bị trà rượu để chúng tôi đi lễ Tết những người có ơn nghĩa của gia đình, vị sư giúp xem ngày giờ tốt xấu, ông thầy thuốc chữa bệnh, hay những bậc trưởng thượng trong họ, để tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Mẹ tôi cũng chuẩn bị trà rượu để chúng tôi đi Tết vị ân nhân. Nhưng đến nơi chúng tôi bị Người la cho một trận và bắt buộc phải mang tất cả về, bằng không Người sẽ cắt đứt liên lạc!Chúng tôi cứ mãi áy náy vì Người đã không cho chúng tôi cơ hội nào để bày tỏ lòng biết ơn.

Người đã bị "lộ tông tích" từ khi gặp tôi. Những nạn nhân may mắn được cứu giờ đã biết ân nhân của họ là ai. Mỗi buổi sáng xuống biển, nhóm bạn của tôi chạy về hướng nam kiếm cho bằng được Người, nan nỉ kéo trì cho Người qua phía chúng tôi tắm để họ an tâm mà bơi lội. Khu vực nào Người có mặt là nơi đó luôn đông đúc người bơi. Ai nấy cũng đều yêu mến và kính trọng vị cựu Hiệu Trưởng có phong thái từ tốn hiền hòa và đầy nhân đức này, cho nên lúc nào đi tắm Người cũng bị vây quanh.

Ngày Người từ giã thành phố đi Mỹ định cư, tôi và nhóm bạn đã khóc, mừng cho Người được đến nước tự do đoàn tụ gia đình, nhưng lại buồn vì từ nay sẽ không có ai để "ngó chừng" khi tắm biển.Thời gian đầu, chúng tôi nhắc đến Người hầu như mỗi sáng khi gặp nhau dưới biển.

Khi gia đình tôi đến Mỹ, thỉnh thoảng chúng tôi xuống Nam Cali thăm Người. "Ơn cứu tử cao tày núi Thái." Từ lâu tôi đã tự xem mình như con gái của Người, rất mong được sớm hôm quà cáp chăm sóc Người để tỏ lòng hiếu thảo, dù biết ở đây Người chẳng thiếu thứ gì. Nhưng Người cũng đâu có chịu nhận. Mỗi lần tôi đem tặng quà đều bị rầy và trả lại, có lần tôi bỏ chạy Người chạy theo suýt chút nữa vấp té, và có lần tôi len lén nhét vào trong lò vi sóng, sau khi tôi về, ở nhà phát hiện ra thì Người rất giận nên lúc chuyển sang nhà khác đã không cho tôi địa chỉ. "Chừng nào xuống đến Westminster chú sẽ đưa địa chỉ cho!" Người nói, khi tôi hỏi xin địa chỉ mới, vì sợ tôi sẽ gửi quà bằng đường bưu điện. Những lần như thế tôi chỉ còn biết than thở, "Chú thiệt tình!" Và từ đó tôi không dám tặng quà nữa.

Tháng Tám vừa qua, sau khi đến Nam Cali chúng tôi liền ghé thăm tòa soạn Việt Báo và ngày hôm sau tôi gọi Người xin địa chỉ rồi nhờ vợ chồng đứa cháu chở đến thăm, để Chúa Nhật tôi còn đi dự lễ phát giải. Tôi vui mừng ôm chầm lấy Người như đứa con gái ở xa về gặp lại người cha thân yêu khi Người ra tận cửa đón chúng tôi. Tôi mừng vì điều đó chứng tỏ sức khỏe của Người vẫn còn tốt. Dù nay đã tám mươi tư, Người vẫn minh mẫn bàn chuyện nước non với nhà tôi rất là sôi nổi, trao đổi thông tin từ báo chí của Hoa Kỳ, Việt Nam, việc Tàu Cộng muốn thâu tóm biển Đông, và những tin tức sốt dẻo khác trên thế giới. Người kể là thường lên online đọc báo, xem tin tức hàng ngày, gửi email đi khắp nơi để được nhận hình ảnh con cháu đang đi học xa, và liên lạc Việt Nam. Khi chúng tôi nhắc lại chuyện tắm biển ngày xưa, Người cũng còn nhớ rõ từng chi tiết trong những vụ cứu người ngày đó, kể cả việc cứu một nữ vận động viên bơi lội. Nhân đó tôi mới biết, một người đàn ông được Người cứu ngày trước mà tôi cũng quen hiện đang sống ở gần Westminster.

Người có một đại gia đình rất là đầm ấm và hạnh phúc. Hiện giờ tất cả con cháu của Người đều sống ở Mỹ, trừ một cô con dâu và vài đứa cháu còn đang kẹt lại Việt Nam. Sau khi đến Mỹ, các con của Người ai nấy đều lo chăm chỉ học hành, làm lụng vất vả, nên đã nhanh chóng hội nhập, và đến nay thì tất cả đều thành công trên quê hương thứ hai này. Ngoài gia đình cô con gái vừa mới được bảo lãnh sang còn tiếp tục học hành, số còn lại đều có công ăn việc làm đàng hoàng, nhà cửa khang trang, cửa hiệu cửa

hàng ổn định. Họ đang hòa nhập rất tốt đẹp vào đời sống của người Mỹ, "American s Life."

Tôi khâm phục nhất là cậu con giữa của Người, chàng thanh niên có ý chí và sự kiên nhẫn tuyệt vời, hiện đang sống ở Boston. Ngày cùng gia đình đến Mỹ tuổi cậu cũng đã trên ba mươi, nhưng cậu cố gắng vừa làm vừa đi học đại học. Khi cậu học được nửa đường thì bất thình lình bị chứng đau lưng hành hạ. Theo lời cậu kể lại cách đây cũng khá lâu, tình trạng đau lưng của cậu lúc đó nặng lắm, khó đứng khôn ngồi, nhiều lần cậu tưởng mình sẽ phải bỏ học nửa chừng. "Chị biết hôn, em đau đến nỗi không thể nào ngồi. Mỗi lần vào lớp, em phải quì dưới sàn cả buổi để học," cậu nói. "Nhưng em đã nghĩ, tuổi em không còn nhỏ nữa, một là em phải học cho xong cái bằng Cử Nhân, hay là sẽ không bao giờ có nó, "Now or never," cho nên em phải cố. Nhiều lúc đau đến phát khóc, em vẫn cắn răng chịu đựng, ráng sức nghe giảng và làm bài." Và cuối cùng nhờ ý chí kiên cường mà cậu ấy đã vượt qua tất cả để đạt được ước mơ. Cậu còn kể tôi nghe, khi đó dù bị đau bước không muốn nổi, nhưng cậu đã cố gắng chạy bộ mỗi ngày hai tiếng đồng hồ để điều chỉnh cái lưng. Cậu đã chạy ròng rã trong hai năm cuối của đại học, "Lúc đầu em vừa chạy nước mắt vừa chảy ra vì đau đớn, nhưng sau khá dần lên," cậu nói. Rồi cậu cũng được đền bù, sau gần hai năm cái lưng của cậu đã được trả về tình trạng cũ cũng là lúc cậu nhận bằng tốt nghiệp. Thật là một sự cố gắng phi thường! Từ đó tôi thường đem chuyện của cậu kể cho mấy thằng nhóc nhà tôi nghe để tụi nhỏ noi gương theo, mỗi khi tụi nó gặp phải những khó khăn cần chống chọi để vượt qua. Quả là ý chí mạnh mẽ có thể giúp người ta làm nên lịch sử.

Còn nữa, cậu con trai út của Người là một chàng trai rất hiếu thảo. Bao nhiêu lần tôi đến viếng là bấy nhiêu lần tôi thấy cậu ứng trực ở đây, sau giờ làm việc, để phụ với chị gái chăm sóc người mẹ thường hay đau yếu. Một lần cậu đã khóc khi kể lại tôi nghe, cậu sợ hãi như thế nào khi mẹ cậu bệnh nặng tưởng chừng không qua khỏi, làm tôi cũng phải chảy nước mắt theo. Bà thiếm tuy bệnh họan luôn luôn, nhưng được phước là chồng rất thương, con cái rất hiếu thảo nên cũng an ủi phần nào, bù lại cho những đớn đau về thể xác.

Hầu hết con cháu của Người đều sống ở gần nên họ tới lui thăm viếng thường xuyên. Lần nào đến tôi cũng gặp ít nhất là vài người trong số họ đưa mấy đứa cháu đến chơi, quây quần với ông bà. Điều hạnh phúc này tuy giản đơn nhưng không phải gia đình nào trên đất Mỹ bận rộn này đều có được. Có những cha mẹ già trông con cháu đến mõi mòn, nhưng nhiều khi cả năm còn chưa gặp được. Cũng chẳng hiếm trường hợp con cái đem cha mẹ gửi vào nhà dưỡng lão rồi "một đi không trở lại bao giờ" để xem tình trạng cha mẹ họ ra sao. Thế nên, người trong gia đình tôi và những bạn bè đồng hương quen thuộc, ai biết rõ về gia đình Người mỗi khi nhắc đến cũng đều khen là gia đình có phước lớn vì con cháu đầy nhà, cuộc sống khá thành công, lại ăn ở đầy hiếu đạo.

Điều này có lẽ đúng. "Ở có đức con cháu không sức mà hưởng." Và người xưa cũng có câu, "Cứu một mạng người hơn xây chín cấp phù đồ." Người đã từng cứu mạng, không phải một người mà là rất nhiều người, nên tôi tin là bề Trên đang gia ơn nhiều phước đức cho Người và cho cả những đời con đời cháu.

"Cha kính thương! Nhân ngày Lễ Tạ Ơn, xin cho phép con được gọi Người bằng cái danh xưng kính yêu trìu mến đó để tỏ lòng cảm tạ ơn cứu tử. Con biết "Thi ân bất cầu báo" là cách sống của Người, nhưng con vẫn mong Người nhận nơi đây tấm lòng biết ơn sâu sắc của con. Kính chúc Người hưởng một mùa Lễ tràn đầy hạnh phúc và cầu xin ơn Trên gia hộ cho Người được luôn sức khỏe, thọ quá Bách Niên.

Viết trong ngày Lễ Tạ Ơn 2013

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
15/01/201408:00:00
Khách
Giữa thời buổi nhiểu nhương này lâu lâu đọc được một câu chuyện đầy lòng nhân ái từ tâm của một nhà giáo ngày xưa nghe thật ấm lòng! Đây mới là sống thật lòng mình, không giả tạo cầu kỳ, "làm ơn chẳng nhớ, thọ ơn không quên" . Cám ơn tác giả đã chia xẻ. Chúc cụ giáo già bách niên trường thọ.
Saigon
04/12/201308:00:00
Khách
Dân vô tội I raq , A f ga chết vì bom, vậy dân Mỹ có nên bồi thường không
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,314,412
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.