Với các bài viết "Green Card - Thẻ Xanh", Minh Thuỳ là tác giả được bình chọn vào chung kết giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ tư. Theo tác giả, bà quê quán Saigon, hồi nhỏ học Gia Long, sau đó là Văn Khoa, ban Văn chương Mỹ; Do đổi đời, năm 75, phải bỏ học đi làm giúp đỡ gia đình, có “ghé qua” nghề phát thanh, làm báo sau đó không chịu nổi, nên bỏ nghề, ra buôn bán. Năm 1989 cùng con gái vượt biên đến được nước Đức. Hiện đang sống ở thành phố Mainz, Germany, làm nghề Travel Agency. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
*
Anh ta cao chừng 1m 80. Với giống dân mắt xanh tóc vàng, chỉ là cỡ trung bình. Với Oanh, độ cao này rất cần thiết để nhờ vả lúc khẩn trương, chỉ có một mình. Oanh uốn giọng tiếng Đức cho mềm mại:
- Ông làm ơn lấy giúp tôi lọ măng tây trên kệ cao đó, bitte!
Anh ta nhìn Oanh, hơi mỉm cười, đưa tay khều một cái, lấy xong lọ măng tây, trong khi Oanh, chắc phải cần cái thang.
- Vielen Dank (cám ơn nhiều) Oanh nói, quay lưng đi.
Hắn cười cười:
- Không có chi.
Chút xíu thôi là cái đầu Oanh đập vô quầy đồ hộp bên cạnh vì giật mình.
- Ông biết nói tiếng Việt sao" Oanh ngạc nhiên hỏi.
- Biết chút đỉnh thôi.
- Vợ ông là người Việt Nam"
Anh ta ngó Oanh giây lát, ngâm nga: - Có vờ năm ngoái năm xưa. Năm nay vờ đi mất như chưa có vờ. Đó là thơ Bút Tre. Tôi chỉ mê thơ Bút Tre: “Anh đi công tác Ban mê. Thuột xong một cái là về với em.” Cô biết Bút Tre không" - Sao không biết, đó là ông... cố nội của tôi mà.
- Hóa ra ta là bà con với nhau sao, kỳ lạ thật, Bút Tre là ông... cố ngoại tôi đấy.
Cả hai phá ra cười, bắt tay. Oanh hết sức ngạc nhiên với vốn liếng tiếng Việt phong phú của hắn, cách phát âm khá chuẩn, trừ những chữ có dấu hỏi, ngã. Anh ta tự giới thiệu:
- Tên tôi là Tobias Kellner. Gọi tắt là Tobi cũng được.
- Tôi là Oanh. Tố Oanh. Ông nói tiếng Việt giỏi lắm, ông học ở đâu thế "
- Lúc còn thời sinh viên, tôi ở chung phòng với hai ông Viêtnam, ban đầu chỉ học lóm, bắt chước để trêu chọc nhau, dần dần biết nói, biết ăn cả nước mắm, mắm tôm, mắm nêm, mắm ruốc...
- Không sợ hôi sao "
- Biết ăn thì thấy ngon, không thấy hôi, nhưng ăn món đậu hũ chấm mắm tôm xong thì nhớ đừng hôn ai đấy.
Hai người cùng cười. Tobias lặng người, khuôn mặt cô Việtnam rạng rỡ với lúm đồng tiền bên má trái. Cái mũi thấp,đầu mũi hơi hỉnh trông càng có duyên. Tự nhiên Tobias muốn kể:
- Thời sinh viên vui thật. Hai ông Viêtnam mới qua còn dở tiếng Đức, nhờ tôi giúp đỡ. Tôi ra điều kiện: tao sẵn sàng dạy, làm bài giúp tụi mày, lái xe đưa tụi mày đi chợ châu Á, nhưng cuối tuần phải nấu cơm cho tao ăn. Ăn xong hai đứa phân công tôi dọn bàn, rửa chén, tôi cực lực phản đối, tụi nó nói: “Đừng quên họ của mày là Kellner, có nghĩa là bồi bàn”, hai thằng láu cá. Ba đứa hợp tính nhau, ở chung suốt 5 năm Đại học. Có lẽ nhờ ăn cơm VN, bị nghe nhạc Việt hơi nhiều mà tôi nói giỏi tiếng Việt.
- Nhiều người Đức có vợ hay chồng VN cũng nói giỏi tiếng Việt, nhưng đưa tờ báo thì chịu thua, không đọc được một chữ.
- Cứ thử xem, cô có tờ báo tiếng Việt nào không, nếu tôi đọc được thì cô chịu mất gì nào"
- Một bữa cơm tối, có phở, xôi gà, gỏi gà....
- Còn thiếu, phải có thêm chả giò, thịt bò nướng lá lốt, bún bò Huế, bánh cuốn chả quế....
Oanh cười: - Coi bộ ông rành nhiều món ăn VN.
- Hai tên bạn tôi rất có tâm hồn ăn uống, chính tụi nó phá hoại đời tôi. Từ khi ăn được thức ăn VN thì món ăn Đức thấy hết ngon, nhạt nhẻo và khô quá. Tụi nó còn có tài phù phép ra nhiều món ăn kỳ diệu như canh chua thập cẩm, mì xào tả-pí-lú, bà Triệu thị Chơi bảo đảm phải chịu thua mấy menu đó. Vì vậy tôi khó tìm ra cô vợ nào biết nấu ăn tài hoa như tụi nó.
- Thế vợ Đức cũng chưa có mối nào sao"
Tobias lại ngân nga: - Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành...Cô đơn trọn gói.
Oanh bật cười, nhưng Tobias thì không. Gương mặt anh ta phảng phất nỗi buồn khiến cô lặng im. Ra đến chỗ parking, Oanh bắt tay từ biệt. Tobias ngần ngừ:
- Chúng ta vào quán kia uống nước, nói chuyện chút xíu nữa được không. Mời cô...
- Xin lỗi, tôi phải về, có việc bận.
Tobias rút trong túi ra tấm danh thiếp: - Đây là số telefon, địa chỉ của tôi. Mong gặp lại.
Anh ta chờ đợi, nhưng Oanh cám ơn, bỏ cái card vào túi, đi không quay lại.
Tobias không xấu trai, có vẻ lịch thiệp, thông minh là khác, nhưng làm người yêu, khó quá, làm bạn... tạm chấp nhận.
Từ lâu sống một mình, gà mái nuôi con, Oanh đã quen tính bương chải tự lập. Chỉ khi nào cái ổ khóa cửa bị hóc, cái computer bị virus chết đứng, không báo trước, cái xe tự dưng lên cơn ăn vạ nằm giữa đường, cô mới thấy cần một cánh tay đàn ông.
Một ông bạn đúng tên gọi, để nương tựa, nhờ cậy, an ủi nhau mỗi khi thấy đời bơ vơ, sao khó như tìm kim đáy biển.
Có nỗi buồn gì từ đôi mắt xanh của Tobias" Oanh thở ra. Thôi quên đi. Bắt đầu lãng mạn nửa mùa rồi đấy. Coi chừng sập bẫy. Nên đề cao cảnh giác giới đàn ông.
Niềm tin của cô với cánh đàn ông biến mất từ lâu, từ khi cô chia tay người chồng cũ. Vết sẹo chẳng bao giờ mất dấu. Không sao quên được nỗi kinh ngạc, đau đớn, khi anh ta đập đổ mâm cơm, quát tháo:
- Coi chừng tôi, nếu không chịu ký giấy ly dị thì tôi sẽ cho cả nhà cô vô tù. Cái tội anh em nhà cô man khai lý lịch, không khai báo cha mình là sĩ quan ngụy, dù ông đã chết, để kiếm việc làm, thi vô Đại học, thêm ông anh cô từng tổ chức vượt biên. Tôi chỉ cần ra công an báo một tiếng là chết cả đám.
Con bé Chi sợ chết khiếp trước cơn giận dữ của bố, chạy vào phòng ngủ, quấn người trong tấm màn cửa để trốn, hai bàn chân nhỏ thò ra bên dưới. Oanh kéo con ra, lau mặt cho con, lặng lẽ xếp quần áo hai mẹ con vào túi xách, tự hỏi, sao ngày nay tư cách anh thay đổi đến thế. Đâu rồi những lần anh đứng hàng giờ dưới mưa ở điểm hẹn cây xăng đầu đường chờ Oanh.
Cô đi vào bếp vơ thêm hộp sữa, hộp bánh của con, dẫn con ra cửa.
- Để cái chìa khóa xe Honda lại, đó là xe của tôi, có muốn yên thân không"
Oanh cay đắng, nhất quyết không để rơi nước mắt.
- Khỏi phải lo, đừng ích kỷ, tàn nhẫn quá như vậy, anh cứ viết đơn ly dị, tôi sẵn sàng ký. Với một điều kiện, đừng bao giờ nhìn lại mặt tôi với con bé Chi.
Chút niềm tin cuộc đời rồi cũng xóa sổ trong tâm hồn cô. Làm sao quên buổi họp 6 giờ căng thẳng, Oanh bị đám đồng nghiệp nhân danh tập thể tấn công kiểm điểm tơi bời.
Ra khỏi cuộc họp, trong óc cô vẫn còn ong ong những lời chỉ trích nặng nề, đầu hâm hấp như lên cơn sốt. Thu Hà và Kim Sa đến nắm tay Oanh, giở mặt:
- Tụi tao xin lỗi mày, biết mày không có lỗi gì trong vụ này, nhưng chỉ vì miếng cơm, chỗ làm, phải lên tiếng sỉ vả mày vậy thôi. Chung qui tại thằng cha Quyền phó phòng muốn đánh gục mày, trả thù việc năm ngoái mày không nhất trí bầu hắn là anh hùng lao động. Hắn nói, mày dám chống đối hắn ra mặt.
Oanh gạt tay Sương ra:
- Tránh ra, đừng đụng vào người tao. Tao tởm bọn mày lắm. Không làm chỗ này thì làm chỗ khác, ra bán chợ trời, tụi mày đâu chết đói mà phải bán rẻ tư cách như vậy.
Không lẽ tất cả đều xuống cấp thoái hóa, ngay cả tình yêu, nhân cách con người!"
Cô đi ra khỏi cơ quan, ra khỏi đất nước vài năm sau, chỉ một mình với con bé Chi, trong đầu ám ảnh mấy câu thơ của tay thi sĩ ngông nào đó: “Sinh nghi ta hát một bài hành. Vợ nghi chồng, anh chị nghi em. Thủ trưởng thì nghi khắp ban ngành....”
*
Đến San Jose được ba ngày, ngày thứ tư Oanh làm cuộc du hành một mình tới trung tâm San Francisco. Minh đưa Oanh tấm vé đi Bart, căn dặn:
- Bart giống như Tube bên London hay Zug bên Đức, phải đưa vé qua máy mới vào được cửa. Khi ra cửa cũng cho vô máy, nó tự động tính tiền. Chị cứ đi thoải mái, chừng nào hết tiền ghi trên vé, em đưa chị vé mới.
Hai vợ chồng đứa em họ đưa Oanh ra nhà ga Bart, chỉ có 2 đường ray, một chiều đi lên San Francisco, chiều kia ngược lại, quá đơn giản đối với Oanh. Nhà ga ở Frankfurt có đến 24 Gleis (đường ray) chằng chịt, ở Berlin thì như mê cung, bên London cũng vậy, chưa bao giờ Oanh bị lạc, sá gì cái bến Bart này. Phương tiếp tục áy náy:
- Sợ chị đi lạc hay bị bắt cóc quá. Tụi em hết vacation năm nay rồi, không nghỉ phép đưa chị đi chơi được, để chị ngồi nhà một mình thì buồn, chị cầm theo cái Mobilphone, có chuyện gì nhớ gọi ngay cho tụi em.
Oanh trấn an: - Không việc gì em phải “no”, cỡ Chí Phèo mới dám bắt cóc chị, gặp phải chị vừa bướng vừa lười nấu ăn thì hắn đúng là tới số.
Minh nói: - Có ông nào lỡ dại bắt cóc chị mà lo được thẻ xanh cho chị thì nhớ đừng từ chối.
Bart chạy êm ru, vào thẳng trung tâm thành phố. Cô lên bến Montgomery, bản đồ thành phố cầm tay, khoan khoái theo dòng người thả bộ trên Market Street. Những building, cơ quan, nhà Bank, nhà hàng hai bên đường từa tựa như Oxford Street bên London tuy người đi không tấp nập bằng. Cô đi tới City Hall, rồi định tìm đường về bến xe cable để đi tới Russian Hill, China Town. Đến đây thì Oanh lạc, loanh quanh cả giờ lạc luôn vào khu phố đầy tiệm vàng, vẫn không thấy cái cable nào leng keng chạy qua, phải mở bản đồ định hướng.
- Hello, how are you, mam"
Một tay đàn ông trạc 30 tuổi, da vàng tóc đen, thò đầu ra cửa kính nhà hàng, vừa cưòi vừa vẫy tay gọi Oanh như gọi bạn. “Tên này chắc dở hơi, hay đang ở không thất nghiệp, mình đáng tuổi chị hai nó mà dám trêu ghẹo.”
Tuy nhiên, giữ lịch sự, Oanh trả lời: - Good, always good, and you"”
- Not so bad, you are tourist, from Thailand" – No.
- Malaysia" – No.
Minh Thùy