Hôm nay,  

Còn Mãi Tình Xuân

16/02/201600:04:00(Xem: 12179)

Tác giả: Song Lam
Bài số 3754-17-30254vb3021616

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Bài viết mới của Song Lam là một tự sự về mùa xuân, ngày xuân, tình xuân...

* * *

Một năm trôi qua thật nhanh. Mới đó mà lại thêm một tuổi. Hỏi lại mấy đứa nhỏ ngày nào, đứa nào cũng 40, 45, 50… mà riêng người viết cứ chút bâng khuâng nghĩ đến ngày nào tuổi thơ hồn nhiên thanh bình, nôn nao rộn rã mỗi lần Tết đến.

Ngày xưa đã thế, bây giờ cũng vậy. Cũng nao nao trong dạ, bồn chồn như ngóng đợi người yêu. Ôi, tuổi nhỏ ngây thơ như món quà dịu dàng của Thượng Đế đặt vào tay từng em nhỏ. Chúng tôi có thời gian tuổi thơ, tuy khó khăn nghèo cực, nhưng rực rỡ ấm áp niềm vui với cha mẹ, với anh em, với xóm giềng khi mùa xuân gõ cửa trái tim người.

Hồi đó… chữ "hồi đó" giống như mở đầu chuyện cổ tích với hai chữ "ngày xưa"… Gia đình ba má tôi nghèo, đông con, nên nỗi chờ mong Tết của anh chị em tôi rộn rã quá mức bình thường. Bởi vì Tết đến có quần áo mới, có tiền lì xì, được đi coi hát bóng, được đi chơi… những thứ đó ngày thường không có. Ngày Tết, ít khi bị cha mẹ la rầy, có lẽ vì kiêng cữ sợ "rông" cả năm và ngày Tết ai cũng cười vui, lan man nói lời chúc tụng tốt đẹp nhất của đời người: Tài lộc dồi dào, sống lâu trăm tuổi…

Những ngày chuẩn bị Tết là những hạnh phúc vô bờ. Hạnh phúc đó tràn ra mặt mọi người, với nỗi hân hoan, chờ mong rộn rã. Sau ngày đưa Ông Táo 23 tháng Chạp, khắp hang cùng ngỏ hẽm, không ai bảo ai, mọi người đều không nhớ ngày Dương lịch nữa, chỉ nhớ "ngày mình" tức là Âm lịch:

- Nay nhiêu rồi bà?

- Hai mươi sáu rồi, chợ đêm bắt đầu bán ở các chợ rồi…

Phải, chúng tôi thích đi chợ đêm lắm. Cũng bao nhiêu thứ đó thôi. Cũng rau quả, cá mắm, mứt miếc, rượu trà. Ban ngày mua chưa kịp, mua tới ban đêm…

Rồi mấy chị em bận đồ mới theo ba leo lên xe ngựa đi chợ đêm Saigon, hay chợ đêm Cầu Ông Lãnh quận nhì. Mang đôi guốc sơn quai plastic trong veo lên cái nắm tay bằng đồng phía sau xe ngựa, leo lên. Ba tôi nói:

- Xích vô trong con ơi.

Mỗi xe ngựa có thể chở từ sáu đến tám người, đồ đạc, gồng gánh treo hai bên hông xe. Ngựa bắt đầu bước, rồi chạy lốp cốp trên đường nhựa theo sự "lái" của bác đánh xe. Người lớn nói chuyện làm ăn, giá cả đồ đạc rau trái năm nay.

- Năm nay, cam sành rẻ hơn năm ngoái chị Sáu hả… Chợ nhỏ cũng có bán đầy dẫy…

- Đúng rồi, cô Ba. Tui lát ra chợ mua chút đỉnh cúng ông bà!!

Đám con nít thì ngó ra đường. Đường phố lúc này đông vui hơn, hình như cảnh vật cũng khác lúc ngày thường…

Những ngày kế tiếp đó, trong bếp của mỗi nhà dường như ấm áp hơn, bận rộn hơn và chật chội hơn. Nào thịt, trứng, gió chả, bắp cải, dưa hành… Mấy nồi bắp cải xanh, những xâu củ hành tím treo lủng lẳng trên vách bếp. Phía trên bàn thờ, ba đã có trà, bánh mứt, trái cây đủ màu sắc. Và lộng lẫy sáng choang là bộ lư đồng được chùi rửa, đánh bóng từ hôm qua. Ai cũng có việc làm. Tíu tít, hối hả, bâng khuâng.

Chị Ba đang lo may quần áo Tết cho khách và hẹn:

- Xong đợt quần áo của Bác Tư cơm rượu, Chị Ba may cho mỗi đưa thêm một bộ nữa.

- Nhớ nha chị Ba, nhớ may cho tụi em một bộ ốp-a nha.

Bộ đồ "ốp-a" là kiểu riêng của chị em chúng tôi. Chị Ba là thợ may, còn dư vải vụn của khách, ráp cho mấy đứa em nhỏ áo "ốp-a" là áo có nhiều thứ vải khác nhau: hai tay áo, túi và thân áo, miễn sao màu sắc hài hòa là được. Tôi thích cổ lá sen tròn, con nhỏ thứ tám thì thích áo sơ mi, thằng mười thì thích quần sọt… chị Ba tôi may được hết!

Ngày 29, 30 Tết là đám nhỏ chộn rộn hơn lúc nào hết: lăng xăng xếp quần áo mới dưới gối, ngắm ngía cái bóp xách Ba mới mua cho với hy vọng đựng nhiều tiền lì xì. Hình ảnh đứa gái nhỏ 8-10 tuổi bận đồ bộ, tóc bom-bê, đi guốc sơn, đeo bóp choàng qua vai màu xanh, màu hường… con nít ở Mỹ này chắc cười nứt bụng! À, còn nữa, còn cái nơ con bướm kim tuyến nữa chi. Hai chị em cách nhau hai tuổi, tôi và con em thứ tám phải có đúng những thứ đó, khác màu nhau, và cắc ca cắc củm cất giữ, vuốt ve mỗi ngày…

Ngày 30 Tết, mọi sự đã gần như xong xuôi. Ba cắt cành mai trước nhà chưng phòng khách, bày biện mứt bánh, trà lá… Trên bàn thờ, ôi đẹp quá đi! Ba chưng bông vạn thọ vàng rực, bông nào bông nấy tròn to, bự sư… Còn bông hướng dương, bông cúc đủ sắc nhiều màu… Má đã xong mấy món cúng ông bà ngày Tết: thịt kho tàu dưa giá, vịt hầm măng khô, canh khổ qua dồn thịt… Rồi còn bánh ít, bách tét nữa chi. Má tôi nổi tiếng về món này, ngon hơn ở chợ bày bán nhiều lắm. Nhà tôi ở quận Tư Saigon, có tiệm tạp hóa nhỏ trong xóm, chủ yếu bán gạo lúa tương chao nước ngọt… Ngày Tết ba tôi "tăng cường" bán la-ve, nước ngọt, bánh trái. Quý bạn biết không, thời đó, người nghèo ngày Tết mới có được món "xa xỉ" này. Con nít khoái xá xị hình con cọp, con nai, uống vô ngọt lự. Còn la-ve hình trái thơm ngoài chai có chữ Bierre Larue của nhà máy bia B.G.I ở Saigon. Thời đó, đưa ông Táo có thèo lèo cứt chuột là thứ bánh cốm màu xanh, đỏ, đen, trắng có mè rang, có hạt đậu phộng bên trong ăn bùi bùi, béo béo… Trời ơi, hương vị đó, hơn nữa thế kỷ rồi, sao tôi vẫn còn cảm thấy được ở đầu lưỡi hôm nay?


Anh trai tôi có nhiệm vụ rửa sân, lau nhà, gánh nước đổ đầy mấy cái lu thật bự bên hông nhà. "Gánh nước đêm trăng" là bài hát tủ của anh: "…gánh nước đêm trăng để tìm lại kẻ chung… tình". Anh xuống câu vọng cổ mùi rệu. Mà anh cũng yêu tân nhạc nên sưu tầm mấy cái tape nhạc Xuân, hát ra rả mấy ngày trước Tết: "Trên đường đi lễ Xuân đầu năm… Anh cho em mùa xuân, nụ mai vàng mới nở, mùa Xuân nào nhung nhớ… Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời…" Mấy bài nhạc đó ra đời khi tôi mới lên mười đến bây giờ vẫn còn réo rắt lòng tôi! Và, đến hôm nay, người Việt Nam ở Hải ngoại vẫn còn xao xuyến, bâng khuâng khi nghe lại mỗi lần Tết đến!

Rồi cái không khí trang nghiêm vốn có của mỗi nhà Việt Nam trong đêm Giao thừa, trong giây phút "tống cựu nghinh tân" chìm đắm cái văn hóa thiêng liêng của mọi người Việt Nam khắp nơi, vẫn hằng sâu trong đáy tim tôi, dù bây giờ chúng ta không còn trẻ nữa.

Người viết vẫn nhớ như in hình ảnh Ba Má chăm chút bàn lễ vật trước sân nhà để cúng Giao thừa, trải chiếu hoa, hương nến lung linh, mùi hương trầm mặc. Nhà nào cũng vậy. Cũng ngũ quả, cũng con gà luộc vàng ươm ngậm bông hoa, nhang khói chập chờn. Sau giây phút lễ lạc với áo tràng đúng theo nghi thức Phật giáo, Ba Má lễ trước, con cháu xì xụp lạy theo sau… Rồi châm ngòi pháo. Tạch tạch đùng… nhà này vừa dứt, nhà bên cạnh tiếp theo. Cả làng cả xóm vang dậy tiếng pháo mừng xuân kéo dài tới một hai giờ sáng.

Ôi tiếng pháo mừng xuân vẫn còn nổ mãi trong lòng tôi! Tiếng pháo đó, chúng ta vẫn còn có được ở Cali hiện nay. Phải, Cali tái hiện lại tất cả cái văn hóa truyền thống của dân mình ngày xưa cũ. Có hết, có tất cả những thứ lòng tôi khao khát mấy chục năm nay vì chúng tôi ở nơi "nhiều Đông ít Hạ", không có nhiều người đồng hương như ở Cali hay Texas.

Chỉ cần nhắm mắt lại, mơ màng một chút, tôi sẽ thấy được không khí rôm rả lễ hội Tết ở Cali dù tôi chưa "ăn Tết" ở Cali lần nào. Cái không khí vui tươi rầm rộ đó tôi chỉ thấy được ở Tivi những lần Tết đến hay qua những phóng sự cộng đồng. Tôi yêu biết bao nhiêu tà áo dài truyền thống qua hình ảnh cô gái trẻ, hay những bà trong tuổi cỡ như tôi tha thước đến nhà thờ, đến chùa… hoặc tham dự các show lễ hội đặc biệt. Còn quý ông nữa, các ông dân cử, các ông trưởng thượng lên Tivi chúc Tết đồng hương cũng diện áo dài khăm đống. Có lần tôi nói: "Ở Cali áo dài được mùa" Và không chỉ ở Hải ngoại. Bây giờ áo dài cũng được trân trọng trở lại ở các thành phố Việt Nam, đặc biệt ở Saigon. Dù kiểu dáng fashion thay đổi triền miên, nhưng không có kiểu dáng nào tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam bằng chiếc áo dài; cái áo truyền thống của cô gái Việt Nam, và áo dài… muôn năm!

Áo dài là cái áo bay với hai tà e ấp ôm sát vẻ đẹp của người nữ. Nếu quý vị ngây ngất với Đinh Hùng trong bài "Mộng dưới hoa" từ vài thập niên trước:

Áo bay mở khép lời tâm sự
Hò hẹn lâu rồi em nói đi

Thì quý bạn đọc cũng sẽ ngây ngất khi thấy những tà áo dài muôn sắc tung bay giữa trời Xuân Cali gió lộng…

Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm. Vì thế điều gì tươi đẹp nhất đếu đi liền với chữ Xuân-mùa Xuân. Văn chương Việt Nam đã đề cao bằng biết bao giấy mực về Tuổi Xuân và Tình Xuân. Người viết hơn một lần nói về sự vươn dậy của giới trẻ, thế hệ thứ hai theo cha mẹ trôi nổi ở Hải ngoại này từ sau 1975 đã làm nên “mùa xuân Việt Nam” ở xứ người.

Tình Xuân, trước hết là tình yêu viết bằng chữ hoa, mà mỗi con người chúng ta đều có được. Tình Xuân là nhịp đập trái tim, là những bàn tay nắm chặt chia xẻ, chúc tụng, cảm thông; đem đến cho nhau những tốt đẹp, an lành.

Tình xuân, còn là sự đồng cảm sâu xa giữa con người và vũ trụ. Sự huyền bí của vạn vật luôn là sự kiếm tìm, nhưng con người chưa chinh phục được hết dù khoa học thế giới đã đi xa bằng "đôi hia bảy dặm"

Tình Xuân, còn là sự giao cảm giữa người sống và người chết, nên đầu năm con cháu có tục lệ cúng kiến ông bà, rước ông bà về vui xuân với cháu con với lòng nhớ ơn tha thiết.

Tình Xuân lại là tình cảm tha thứ, khoan dung cho mọi lỗi lầm năm cũ. "anh còn nợ em" dù là thứ nợ gì đi nữa, cũng mĩm cười xí xóa khi chúng ta cùng chào đón Chúa Xuân về ngự trị đất trời này.

Tình Xuân là bàn tay nhân ái của đồng hương với nhau, trợ giúp đỡ nâng người khốn khó. Tình Xuân còn là cánh tay vươn dài của đất nước này với đất nước khác: cưu mang che chở để học tìm đến tự do. Điều này, bất kỳ người Việt Nam nào cũng cảm nhận được đối với đất nước mà mình đang lưu trú.

Trong chiều hướng hy vọng năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ, chúng ta "tống cựu nghinh tân" với mùa Xuân mới Bính Thân 2016; người viết muốn gởi đến quý đồng hương, bạn hữu tất cả nồng nàn của trái tim mình (dù là trái tim già nua đôi khi trật nhịp) với ước mong mọi người luôn có hạnh phúc và bình an.

Mùa Xuân, Tình Xuân… trong giây phút thiêng liêng của ngày "đầu năm lộc mới" người viết xin được phép gởi đến quý bạn đọc, bạn hữu, thế hệ con cháu… khắp nơi trên thế giới… một tấm tình thương yêu trân trọng nhất.

Xuân Bính Thân.

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
24/02/201615:16:36
Khách
Hay, doc nghe long buon nhe, "nhung ngay xua than ai" dau con nua. Nho rat nhieu. Cam on tac gia rat nhieu.GN.
21/02/201603:23:59
Khách
Cô ơi, thật tuyệt vời không khí xuân năm xưa.
Con nhớ Cô và các Thầy Cô ngày cũ quá.
Học trò cũ của cô
Phương Trang-A1 Nguyễn Trải
17/02/201620:33:14
Khách
Cảm ơn cô Song Lam về một bài viết thật hay, diễn tả được nỗi rộn ràng đón Tết ngày xưa. Đọc được bài này thật cảm động quá!
17/02/201601:16:01
Khách
Bài viết chuyên chở những kỷ niệm vui buồn của một mùa Xuân cũ, gợi lại cho tôi cảm giác êm đềm khó có thể tìm lại…vâng Tình Xuân là một định nghĩa rông lớn của hồn Việt và tôi đồng ý với tác giả những nhận định sâu sắc , rộng lượng và đằm thắm của chị. Xin cám ơn và cũng chúc chị một năm mới như ý.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,191,056
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết thứ ba của bà được viết nhân khai trường, để Kính tặng các Thầy Cô cuả Trường SPSG; - Thân tặng các Anh Chị cựu Giáo-sinh SPSG; Và riêng tặng các bạn SPSG/ nhất 9 nhị 15/ K.12/73-75.
Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, đã nhận giải danh dự năm (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” (Á khôi) năm 2017. Tác giả về hưu từ lâu và đang định cư tại Orange County. Bài viết mới, thể hiện tâm tư và cách nhìn chủ quan của “một kẻ lưu vong bất đắc dĩ,” nói theo tác giả, và không có ý định tạo mâu thuẫn, tranh cãi với những người không cùng quan điểm.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình My, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tiếp tục viết bằng tiếng Việt và đây là bài thứ hai.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", tác giả đã nhận Giải Viết Văn Việt ngữ Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông bà có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, ngày 18 -12-2012 đã kể chuyện tình 40 năm hạnh phúc của Ông Bà Sáu. Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu Tuyết thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Bài viết của ông Sáu tưởng niệm “Cuộc Đời Của Tuyết” đã được phổ biến ngày 27/07/2018. Sau đây, là bài viết mới về LA họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến