Hôm nay,  

Valentine: Hương Vị Cuộc Đời!

14/02/201600:00:00(Xem: 11765)
Tác giả: Thanh Mai
Bài số 3752-17-30252vb8021416

Tác giả Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là cư dân Minnesota. Bài viết đầu năm của cô là chuyện Valentine, ngày của Tình Yêu.

* * *

Hôm nay, Chủ Nhật 14 tháng Hai 2016, là ngày Valentine. Mới sáng sớm vừa ra khỏi phòng thì thằng con lớn cầm một hộp quà được gói thật đẹp đến đưa cho mẹ. Tôi ngạc nhiên và cảm động định cảm ơn thì thằng con nói:

- Má giữ dùm cái hộp này cho con kẻo tí nữa con Judy tới nhà vào phòng nó thấy mất hay. Con tặng nó kỷ niệm 5 năm quen biết để làm nó ngạc nhiên chơi.

Tôi chưng hửng! Tưởng thằng con tặng quà mình chứ. May mà chưa kịp nói cảm ơn không thôi quê độ rồi. Tôi hỏi nó:

- Con mua quà gì mà cái hộp nhẹ hều vậy?

Thằng con hí hửng khoe:

- Con mua cho con Judy sợi dây chuyền Má coi có đẹp không? Hết hai ngàn sáu đó. Con phải để dành tiền cả năm nay.

Cái thằng này chơi sang hết sức! Bắt thang lên hỏi ông Trời, hỏi tiền cho gái có đòi được không? Nó dại gái hay thuộc tuýp người ga lăng với phụ nữ? Sao chẳng giống ba nó tí nào. Nghĩ lại từ hồi hai vợ chồng quen và cưới nhau cho đến nay hình như ông chồng của tôi chưa một lần nào tặng hoa hoặc quà cáp cho tôi cả. Ngày đó biết người yêu nghèo, tiền lương công chức không đủ sống nên tôi đã không đòi hỏi quà cáp gì cả mà còn tiết kiệm tiền cho người yêu bằng cách thỉnh thoảng nấu thêm thức ăn để anh chàng không bị suy dinh dưỡng. Cho đến khi cưới nhau và bắt đầu cuộc sống chung cho đến nay, phần bận rộn lo sinh kế gia đình, phần lo cho con cái nên chuyện quà cáp của chồng tôi không hề để tâm tới. Mà nhìn quanh các bậc cha mẹ, các bạn bè đồng trang lứa tôi thấy chẳng ông chồng nào tặng quà cho vợ cả. Đó là chuyện bình thường mà. Hay nói đúng hơn tôi xem đó là chuyện bình thường của các đức ông chồng Việt Nam.

Mà có phải đúng là đàn ông Việt Nam cỡ sồn sồn trở lên như ông chồng của tôi phần lớn không biết ga lăng, lãng mạn đôi chút với vợ? Mặc dầu vẫn còn yêu thương nhau nhưng tình cảm giữa hai vợ chồng dần dần trở thành tình nghĩa, xem người phối ngẫu như một nửa của mình và lẽ đương nhiên đâu cần phải mầu mè lãng mạng với một nửa kia chi cho mệt. Một phần khác có lẽ còn ảnh hưởng xã hội phong kiến ngày xưa người đàn ông Việt Nam cho rằng người vợ có bổn phận lo lắng săn sóc cho chồng con. Người chồng ra ngoài xã hội làm việc, kiếm tiền về giao cho vợ là xong trách nhiệm. Đã là tiền chung thì vợ thích gì cứ việc mua tùy ý không thích hơn sao. Quà cáp, hoa hòe cho vợ vui họ không bao giờ nghĩ tới hoặc cho đó là chuyện tầm phào dư thừa không thực tế.

Tôi có hỏi mấy người bạn Việt Nam làm chung trong hãng có tặng quà cho vợ ngày Valentine không thì ba ông trả lời như một:

- Mấy bà giữ tiền muốn mua gì thì mua. Mắc mớ gì phải quà cáp.

Hỏi một bà bạn Việt Nam thì câu trả lời còn cay đắng hơn:

- Ổng tặng cho cái búa thì có.

Chỉ có một cô bạn có tuổi chưa chồng nhưng đang có người yêu thì cười tủm tỉm:

- Dĩ nhiên là có chứ. Cho nên tui không lấy chồng lâu nay là vậy.

Đúng là xạo ke. Cô này lâu nay sống độc thân vì phải trông nom mẹ già. Cả gia đình cô ta chê người yêu mới của cô ấy đủ điều nào là đã có hai đời vợ, nào là già khòm rước về chỉ thêm mất công săn sóc…nhưng nguyên do cũng chỉ muốn cô ta không vướng víu chồng con mà săn sóc người mẹ của họ thôi. Thành ra ông người yêu càng ra công quà cáp mỗi dịp lễ để lấy lòng nàng là chuyện dĩ nhiên. Lấy được rồi chưa chắc đâu à.

Nhưng không phải chỉ có mấy ông Việt Nam không tặng quà cáp cho vợ già đâu nhen mà còn cả Mỹ nữa. Ngộ ghê. Lâu nay tôi cứ tưởng người Mỹ rất ga-lăng nịnh đầm cho vợ nhưng không ngờ khi hỏi mấy bà bạn Mỹ cùng hãng thì bọn họ nói:

- Lâu quá chồng tụi tao đâu có tặng quà gì. Ờ nhỉ. Cũng lâu lắm rồi. Từ hồi bồ bịch và mới cưới thôi. Mày nhắc tao mới nhớ.

- Tự tao thích gì thì đi mua cho khỏe. Shopping là cái thú của tao.

Tôi hỏi:

- Chứ ngày lễ Valentine tao thấy thiên hạ đi mua quà tấp nập mà.

- Thì đa số tụi trẻ mua quà tặng nhau. Đến khi nào tụi nó cưới và sống chung với nhau một thời gian thì hết thôi.

Tôi vẫn thắc mắc:

- Nhưng thỉnh thoảng tao thấy người giao hàng đem mấy bình hoa thật to tới hãng và mấy bà ra nhận thì cũng cỡ tuổi tụi mình?

- Ha ha. Tụi nó được người yêu tặng đó. Mấy đứa đó là dân độc thân mà.

Tôi bỗng nghĩ tới một người Mỹ làm trong hãng và hỏi:

- Còn Terry trong nhóm của tao tụi mày thấy thế nào?

Mấy bà bạn Mỹ phá ra cười:

- Terry Thompson à. Nó là hàng hiếm đó. Tụi tao đùa với nó là kiếp sau ghi danh làm vợ của nó.

Terry đúng là hàng hiếm chẳng ngoa. Anh chàng rất chất phác, thật thà. Hắn cưới vợ được 20 năm nay. Hai vợ chồng chẳng có con nên nuôi một con chó và cưng con chó như con vậy. Có hôm thấy mặt hắn bị quào mấy đường tôi hỏi lý do thì Terry thật thà giải thích:

- Tối qua con chó nó ngủ chính giữa vợ chồng tôi. Tôi đang ngủ thì bị nó quào cho mấy cái.

Tôi hỏi:

- Con chó là đực hay cái vậy?

- Chó đực.

Tôi chọc quê:

- Chắc tại ngủ mê ôm vợ nên con chó ghen phải không? Ủa, mà sao lại để cho chó nằm giữa hai vợ chồng?

Terry thật thà khai báo:

- Vợ tôi muốn vậy. Mà con chó cũng muốn vậy. Để vợ nằm giữa nó không chịu.

Vợ của Terry trước đây đi làm part time nhưng mấy năm nay anh chàng nghĩ sao lại cho vợ nghỉ làm hẳn. Chỉ còn một đầu lương nên mỗi khi hãng kêu overtime là anh chàng xung phong làm tất tần tật. Làm trên hãng đã mệt còn về nhà phải lo đi chợ nấu nướng và lo tất cả mọi chuyện trong nhà (nghe anh chàng kể). Mỗi dịp lễ Valentine, Terry tặng vợ một cái vé máy bay đi du lịch với bạn bè hoặc bà con bên nàng. Còn anh chàng phải ở nhà cày và chăm sóc cục cưng chó. Thấy tội hết sức. Cả tuần nay anh chàng chỉ làm nửa ngày từ 4 giờ sáng đến 8 giờ là phải chạy về để lo cho chó cưng. Terry giải thích:

- Con chó già rồi. Nó hết thấy đường đi lạng quạng đụng đầu vào chỗ này chỗ nọ tội lắm. Tính ra thì nó 75 tuổi người. Gần 8 giờ nó thức dậy nên không có vợ tôi lo thì tôi phải chạy về lo cho nó ăn sáng rồi dẫn nó đến chỗ vệ sinh.

- Bạn có phải nói chuyện với con chó cho nó vui không?

- Có chớ! (Anh chàng làm động tác như hai tay ôm chó ủ trong ngực của mình). Tôi vừa xoa lưng vừa nói chuyện cho nó đỡ buồn.

- Vậy là mấy năm nay vợ Terry nghỉ làm ở nhà lo cho con chó hở?

- Ừa. Vợ tôi phải lo cho chó rất cực nên Valentine nào tôi cũng tặng nàng cái vé đi du lịch cho vui.

Tôi căn vặn:

- Đáng lý ra Valentine là Lễ Tình Yêu thì hai vợ chồng phải đi chơi chung với nhau chứ?

Vậy trước khi con chó bị già, hai người có đi chơi chung hay tặng quà cho nhau không?


- Trước kia thì tôi tặng hoa và nữ trang cho vợ rồi đưa vợ đi ăn nhà hàng. Từ khi chó bị già vợ tôi phải nghỉ làm ở nhà thì tôi tặng nàng thêm cái vé du lịch.

Tôi chọc:

- Trời! Terry cưng vợ quá sức. Vợ đi chơi còn một mình có nhớ vợ không vậy?

Anh chàng lỏn lẻn không biết nói thật hay giỡn:

- Rất nhớ. Tối nào tôi cũng khóc.

Tôi hỏi tới:

- Rồi không có vợ Terry có đi chơi với mấy anh em bạn bè mình không? Chẳng hạn đi bar uống rượu và ngắm gái đẹp?

Mặt Terry đỏ ửng! Anh chàng lắc đầu ngoày ngoạy:

- Không! Tôi chỉ ngắm một mình vợ mà thôi.

Đúng là cô vợ của Terry thật có phước mấy chục đời mới cua được anh chàng. Terry rất đẹp trai, tướng tá cao lớn bảnh chọe lắm. Tính anh chàng rất chịu khó và tỉ mỉ, lại diệu dàng và chiều phụ nữ. Hắn làm chung tổ với tôi và vì chỉ có tôi là nữ trong tổ 5 ông đực rựa nên anh chàng cũng “cưng” tôi lắm. Terry vào hãng trước chúng tôi hai tiếng để làm trước một số công việc. Ngày nào anh chàng cũng lấy sẵn hàng ra để sẵn từng xe cho tôi. Giấy tờ sắp xếp ngay ngắn trên bàn đâu ra đấy và computer mở để sẵn ngay phần việc đó. Mấy tên đực rựa kia cứ chọc và giả đò ganh tị nhưng Terry nói tôi là Nữ Hoàng của nhóm này nên hắn lo cho tôi là điều dĩ nhiên. Cảm động hết sức! Thấy Terry như vậy nên tôi mới tưởng là hầu hết đàn ông Mỹ đều ga-lăng với phụ nữ đấy chứ. Ai ngờ nói chuyện hỏi rõ mấy bà Mỹ mới biết thấy vậy mà không phải vậy!

Tôi kể lại cho chồng nghe chuyện thằng con tặng quà Valentine cho người yêu và nói:

- Anh à. Tự nhiên em nghĩ lại từ hồi quen nhau đến giờ hình như chỉ có em tặng quà cho anh mà anh thì không tặng gì cho em phải không? Mỗi lần lễ lộc chỉ có em mua quà cho anh thôi hà. Bây giờ thời thế đã khác xưa, anh học thằng con ga lăng tặng quà cho em đi.

Chàng của tôi nói y hệt mấy ông bạn trong hãng:

- Tiền lương anh nộp hết cho em muốn mua gì thì mua anh đâu có cản. Mà anh thấy em đâu thiếu thứ gì. Giày dép quần áo đầy cả mấy tủ đó.

- Bây giờ em lại thấy thiếu. Mấy cái tủ đầy quần áo nhưng thử hỏi có được 1 cái của chồng tặng không?

Chàng chống chế:

- Anh mua sắm vụng lắm. Lỡ mua trúng đồ em không thích lại chê thì sao. Hơn nữa đi lòng vòng để lựa đồ là chuyện mà anh ngán nhất trên đời.

Quả tình là ông chồng của tôi rất ghét đi mua sắm. Cần gì anh chàng ra tiệm mua chỉ đúng món đó rồi về. Ngược lại tôi mỗi khi đi chợ là tha về hầm bà lằng đủ thứ còn món cần thiết đôi khi lại quên. Nhiều ông cũng than vợ mình như vậy và chẳng phải chỉ có mấy bà có cái tính shopping lung tung và đãng trí như thế mà đàn ông đôi người cũng vậy. Tôi có người bạn cũng than và tố khổ là chồng cô đi ra tiệm mua máy thổi lá, khi về máy thổi lá không thấy đâu mà lại mua về cái kèn saxophone. Anh ta tập thổi đến mấy tháng làm vợ con muốn điếc cả tai, điên cả đầu nhưng “hên” là bị trầy cổ họng nên cái kèn bị xếp xó.

Tôi chất vấn:

- Em hỏi anh nè. Anh nhận được quà có vui không? Đó là sự quan tâm của người bạn đời dành cho mình. Thì anh cũng nên nghĩ ngược lại mà làm cho em vui chứ. Anh không thích đi lang thang shopping thì có thể tìm trên mạng mà mua cũng được. Anh tặng em bất cứ gì em cũng sẽ thích và trân quí nó. Đừng lo.

- Nhưng anh tưởng chỉ có tụi nhỏ mới bị các công ty quảng cáo hàng hóa tuyên truyền nên gộp chung khái niệm quà cáp và quan tâm lại với nhau! Hai chuyện này có thể tách rời được mà.

- Em thấy nếu vật chất và tinh thần phải đi đôi với nhau mới là hoàn hảo.

- Có phải em thích xem phim thì anh download phim cho em xem không nè. Em thích đi du lịch thì anh đưa em đi du lịch. Em thích hoa thì anh mua hoa về trồng cho em ngắm. Cưng như vậy bộ em không thấy được sao? Tinh thần và vật chất đều đủ cả đó chứ.

- Chưa! Anh kể ra em mới đếm được có ba chuyện làm cho vợ mà thôi. Mà anh làm cho em thì cũng là làm cho anh vậy. Anh cũng coi phim, cũng được đi du lịch và cũng được ngắm hoa chứ đâu phải chỉ làm riêng cho em. Nghĩ kỹ thì đó là quan tâm hai chiều chứ chẳng tốt lành gì. Không biết sao hồi xưa em lại lấy anh, người gì khô khan chẳng romantic chút nào.

Chàng cười cười:

- Còn nhiều lắm, nhưng ai lại làm rồi đi kể công coi kỳ! Còn cái chuyện Romantic thì anh cũng Romantic lắm, bộ em không thấy sao?

- Anh mà cũng romantic à! Nói nghe thử đi.

- Có những ngày em đi làm về, cơm nước sẵn sàng, nhà cửa sạch sẽ. Vợ được khỏe khoắn lại có dư thời giờ thì sau đó tụi mình romantic chớ, bù đầu vào những chuyện như vậy thì làm sao mà romantic được. Anh học nấu nướng cũng công phu và khổ cực lắm, kết quả tuy là cơm không dẻo canh không ngọt nhưng cái ngọt ngào xuất phát từ trong lòng. Có phải đó là một món quà không thể nào mua được hay không?

Thật tình thì ông chồng tôi cũng học nấu được vài ba món và nấu rất ngon nhưng nghe vợ con khen quá lại sợ vợ sẽ giao luôn cái bếp cho mình nên từ từ lơ đẹp.

- Vậy mà cũng kể công. Anh đếm thử được mấy bữa romantic như vậy hở? Hình như một năm được vài ba lần. Trong khi em nấu ăn cho anh mấy chục năm nay thì sao.

Rồi tôi đổi giọng buồn thiu ra chiều tâm sự con dế mèn:

- Lâu nay em chẳng đòi hỏi anh gì cả vì thấy anh nhận quà được vui là em thấy vui rồi. Nhưng sáng nay thấy thằng con của mình biết ga-lăng với bạn gái mà tự nhiên nghĩ đến hai đứa mình. Mỗi mùa Noel em mua quà cho anh, cho con, cho bà con và tự mua quà rồi tự gói cho mình sao không tủi thân? Anh thì vô tư chỉ biết nhận chứ đâu bao giờ nghĩ mua quà tặng lại cho em phải không? Em biết là anh thương và lo cho em nhưng nếu anh để ý tặng quà cho em thì chắc em sẽ cảm động và vui hơn nữa đó. Cũng giống như khi anh nấu hoài một món ăn với chừng ấy gia vị mặc dù ngon nhưng ăn hoài sẽ chán. Nếu một ngày nào đó anh thêm vào một gia vị đặc biệt thì món ấy sẽ lạ và ngon hơn. Ý em muốn nói là …gia vị cuộc đời đó.

Anh chàng trúng chiêu ngay.

- Để anh cố gắng thay đổi. Có thể là những suy nghĩ của anh đã lỗi thời, nhưng những thói quen không thể một sớm một chiều mà thay đổi. Hôm nay ngày Valentine mà trời tối rồi, anh không thể đi mua quà cho em được. Thôi thì để tiết kiệm thời gian em thích gì nói ra mai anh đi tìm mua cho em.

- Hồi sáng vào Face book em thấy một người bạn làm thơ tặng vợ ngày Valentine dễ thương lắm. Năm nay anh không cần đi mua sắm mà chỉ cần làm một bài thơ tặng em là được.

Ông xã kêu trời:

- Một bài thơ. Chết chắc! Anh bỏ nghề mấy năm nay rồi.

Nhờ vậy, Valentine năm nay tôi có được một bài thơ con cóc đến muộn là món quà đầu tiên trong đời của ông xã tặng. Chẳng dám post lên trên mạng cho bà con đọc vì có lẽ nó không hay với người ta nhưng với tôi thì “hương vị cuộc đời” này vô cùng tuyệt vời!

Thanh Mai

Ý kiến bạn đọc
15/02/201608:55:51
Khách
Yêu cầu có mỗi bài thơ trong ngày Valentine thôi thì quả là dễ thương, nhưng khó lắm- nhất là các ông xã chỉ biết có búa kềm mỏ lết và cưa đục, mà tui là một ví dụ… Cảm ơn tác giả câu chuyện vui tươi hóm hỉnh trong ngày Tình Nhân. Mến.
15/02/201603:10:32
Khách
Hôm nay Thanh muốn tặng quà
H không có sẵn nên đành hẹn ....... Mai
Tối nay chỉ có thân trai
Ra công "nấu nướng" để em hài lòng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,802,573
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến