Hôm nay,  

Một Ngày Mùa Đông

03/02/201600:00:00(Xem: 10659)

Tác giả: Phan
Bài số 3740-17-30240vb4020316

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ và số lượng người đọc đông đảo nhất và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Tôi thức dậy với ý nghĩ quái đản trong đầu là mình chưa ngủ thì sao gọi là thức dậy! Nhưng rồi cũng chịu thua ý nghĩ lạ lùng đó vì giải thích thế nào đây sau cả đêm thao thức trên giường. Và hình như điều đó đã trở thành rất thường mỗi lần tôi đi viếng đám tang ở nhà quàn về.

Bao giờ cũng vậy, những hình ảnh về người quá cố lúc còn sống được trình chiếu trên màn hình tivi với hình thức slide show; những hình ảnh gợi lại biết bao kỷ niệm, rồi bỗng chốc tan theo mây khói. Có hình ảnh, tôi còn nhớ rõ người quá cố đã nói vui câu gì trong tấm ảnh đó, do ai chụp, diễn ra ở đâu, ai pha trò thêm để mua vui cho anh em, bạn bè. Nhưng nay tôi còn nhớ, nhớ rõ để làm gì; người bạn vui tính kia đã bình an như đứa trẻ ngủ trong lòng mẹ; những kỷ niệm vui đi về đâu, nhân gian chỉ có nỗi chia lìa là vĩnh cửu…

Ôm cái đầu nhức bưng bưng, nhìn ra khung cửa mùa đông. Trời âm u nhưng không lạnh lắm, chỉ gió nhiều. Nhìn qua cái phone để biết thời tiết hôm nay, trời sẽ mưa sau 12 giờ trưa, và mưa suốt đến hôm sau. Thôi thì anh ấy ra đi kịp giờ trước khi mưa tới, như thế cũng đỡ buồn cho người thân ở lại, vì một đám cưới ướt mưa đã buồn, nói gì tới đám tang. Nhớ tới đám cưới của cô cháu gái bên Pennsylvania hôm tháng trước, đi làm lễ ở nhà thờ buổi sáng cũng mưa, chiều đi nhà hàng đãi tiệc cũng mưa, đêm về càng mưa mù mịt tới mức không thấy exit để ra khỏi xa lộ mà về nhà. Nhưng thằng con lớn của tôi lái xe đưa bác với bố về nhà, nó lại nói, “đám cưới diễn ra trong một ngày mưa là điềm tốt lành cho cô dâu chú rể theo quan niệm của người Mỹ. Con rất mừng cho chị Jaclyn với anh Chris.”

Đầu óc tôi hôm ấy đã ngà ngà say sau tiệc cưới của cháu gái. Nhưng lòng buồn không say khi nghĩ tới hai cô cháu gái ruột thương nhất của tôi đã lấy chồng là người Mỹ, đến thằng con đang lái xe vì bác với bố đã uống rượu, nó cũng có bạn gái mà khả năng đi đến hôn nhân rất cao - cũng là người Mỹ. Chuyện hôn nhân của con cháu làm sao can thiệp được, bản thân cha chú cũng rất lý trí về việc không nên phân biệt chủng tộc trong hôn nhân ở Mỹ. Nhưng lòng buồn cứ buồn, nỗi buồn mất gốc râm ran trong lòng già lâu lắm!

Càng buồn hơn mỗi lần đi dự một đám tang của người Việt ở Mỹ. Dù không ồn ào như một đám tang ở quê nhà; ai cũng mặc com-lê đen trang trọng, lịch sự, biết im lặng để tỏ lòng tôn kính người quá cố. Và cho dù đám tang diễn ra trong trời nắng hay trời mưa thì cũng xe hơi đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng đã là đám tang thì diễn ra trong thời tiết nào cũng buồn thôi! Nhất là một ngày mùa đông u ám mây đen cả bầu trời hôm nay.



Tôi xỏ tay vô bộ com-lê mà tôi không thích mặc bao giờ vì bộ đồ ấy có cái xuất xứ xấu xa, là mấy năm gần đây, có lần tôi nói với mẹ xấp nhỏ, “lúc nào rảnh hay tiện thể, em mua cho anh một bộ vét màu đen.” Nhà tôi cự, “Anh mặc vét màu xanh đậm với màu xám đậm, xám lợt… anh có mặc màu đen bao giờ!” Tôi hiểu ý, không cần phải nói thêm, “là anh cứ nói mua là phải mua cho anh. Nhưng rồi mặc vào lại nói u ám quá! Thế là cho. Tốn tiền nhà.” Nhưng hôm đó tôi có nói rõ với bà xã, “tại dạo này anh đi đám tang thường rồi! Nên anh mới nói em mua cho anh bộ vét màu đen.”

Và đúng là bộ đồ ấy từ khi được mua về đến nay, cứ mỗi lần tôi khoác lên người là tôi đi đưa tiễn một người thân. Cứ mỗi lần đem bộ đồ đó ra treo ngoài garage để nhớ đưa đi giặt ủi, tôi ưa ngồi nhìn bộ đồ u ám, xấu xa đó mà nhớ lại từng người thân đã ra đi… Hôm nay đến người anh cột chèo. Tôi thích nghe anh kể về vợ tôi khi còn bé tí, “hồi anh ba chưa cưới chị ba, anh tới nhà xin chở chị ba mày đi ăn, đi chơi. Chị ba mày thường dẫn theo nhỏ em út là vợ mày, lúc đó nó mới có mấy tuổi, xinh như con búp bê Nhật bản… ra đường, ai cũng tưởng vợ mày là con của anh chị. Hồi nhỏ, vợ mày xinh lắm!” Rồi anh lại cù cưa mấy lon bia với tôi ngoài garage nhà anh biết bao nhiêu những đêm đông lạnh lẽo, những trưa hè đổ lửa ở xứ này; nhiều lần hai anh em đi câu rất vui.

Tánh anh vui hóm hỉnh, “người ta đi câu thì hồi đi nhẹ tênh có một chút mồi câu. Hồi về mới nặng cá. Trong khi anh ba với mày đi câu thì hồi đi nặng bia, hồi về nhẹ như… đi trên mây!” Anh em cột chèo là chơi đã nhất vì hai chị em ruột rù rì ở trong nhà, nhưng hoàn toàn yên tâm về hai thằng nhậu ngoài garage! Đó là quy luật của muôn đời.

Vậy mà hôm nay anh ba của tôi lên đường, cuộc săn lùng Việt cộng nằm vùng của anh chưa kết thúc. Lần nào anh em uống bia với nhau anh cũng đều kể lại cho tôi nghe một vụ đón lỏng mấy tay nằm vùng hồi xưa. Tôi thích cái cách phân tích tâm lý đối phương của anh, nhiều khi anh chỉ để mắt tới một chút xíu không bình thường của đối tượng khả nghi là anh đã có thể tóm được một tên ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản.

Lòng buồn như một sáng mùa đông, tôi lái xe một mình tới nhà quàn. Đó cũng là con đường tôi đi làm mỗi sáng với nỗi lòng cô đơn của một người xa xứ; cứ nhìn những hàng cây trơ trọi lá bên đường mà buồn lòng khi nghĩ tới lại thêm một năm xa quê. Nhưng sáng nay cũng lái trên con đường ấy, lòng tôi lại buồn: thêm một người anh ra đi.

Không buồn anh tôi đi với tuổi đời đã trên thất thập; nhưng thật buồn cho một (những) người đã một thời tuổi trẻ đao binh, rồi một thời tù ngục lao lung, rồi một đời nhọc nhằn, lầm lũi trong hãng xưởng ở xứ người… rồi nằm xuống cô quạnh trong một nghĩa trang dị chủng. Những người lính… không có chữ để nói hay viết về những thiệt thòi của họ, chỉ có tấm lòng tri ân của đời sau là an ủi phần nào cho thế hệ bị lịch sử bạc đãi khi họ còn sống và lãng quên khi họ đã qua đời…

Tiếng sư Tịnh Đức tụng kinh râm ran trong nhà nguyện vừa dứt. Chiếc xe chở quan tài đã nổ máy lên đường. Chuyến chót của một đời người đã đủ cay đắng mặn nồng với trần gian đã lăn bánh trong một sáng mùa đông. Không thấy mấy anh Mỹ đen khệnh khạng lái xe mô tô trắng chận đường cho đoàn xe tang không cần dừng lại khi đèn đỏ. Tôi tự hiểu ra là mấy anh đó có lẽ thân nhân của người quá cố phải mướn riêng, chắc vậy! Thế là một điều tôi kính trọng nước Mỹ vừa rụng theo chiếc lá cuối cùng trên cây sầu đông, một suy nghĩ đẹp vừa rụng ra khỏi đầu vì từ nào giờ tôi cứ nghĩ và thầm phục nước Mỹ quá nhân bản khi cho xe cảnh sát chận đường để đoàn xe tang đưa người quá cố đi chuyến chót của một đời người đóng thuế từ khi đủ tuổi đi làm cho tới hồi về hưu không phải dừng lại khi đèn đỏ. Thì ra tôi đã hiểu sai, chỉ đoàn xe của tổng thống mới có ưu tiên đó, còn người dân tới chết… mới được mướn một lần thôi! Đúng là ở Mỹ không có gì free ngoài nhà tù và đạn lạc!

Nhưng người Mỹ lại làm cho tôi kính trọng hơn luật pháp Mỹ! Người lái xe chở quan tài rất kinh nghiệm khi lái trong thành phố, khi qua downtown Garland… đèn đỏ sát rạt với những con đường một chiều trong downtown, người tài xế xe chở quan tài lướt nhẹ đèn vàng - chậm - để đoàn xe tang đều đã mở đèn emergency light cứ nối đuôi nhau đi qua đèn đỏ. Điều tôi kính phục người Mỹ hơn luật pháp là toàn bộ xe ở làn đường đã lên đèn xanh, nhưng họ đậu nguyên để đoàn xe tang băng qua đèn đỏ - không một tiếng còi xe nào vang lên cả!

Nhưng đến những đường lớn khi đã ra khỏi downtown thì xe tang đi đầu không dám vượt đèn đỏ vì nguy hiểm bởi ngoài đường lớn tốc độ lưu thông đã là 55 mph chứ không còn 30 mph như trong thành phố. Người Mỹ vẫn đáng nể hơn luật pháp là không một xe nào chen vào làn xe mà đoàn xe tang đang đi. Họ chịu chậm lại ở lane trong, lane ngoài, không quẹo, không vượt đoàn xe tang. Tôi nhớ đến bài Công dân giáo dục lớp 3 mà tôi đã học hồi nhỏ. “Trên đường đi học, nếu em thấy một chiết xe tang và đoàn người đi đưa tang trên đường. Em phải dừng lại, đứng nghiêm, giỡ mũ trên đầu ra và cúi chào khi xe tang đi ngang qua em… Rồi em tiếp tục đi sau đoàn xe tang ấy…” Thì ra người Mỹ cũng học Công dân giáo dục như tôi; cũng hành xử nhân bản vì chung khối tự do. Chỉ khối cộng sản mới có chuyện xe ở Trung cộng, Việt nam xã hội chủ nghĩa, đã cán người thì cán cho chết luôn vì tiền bồi thường tang ma rẻ hơn bồi thường thang thuốc và thương tật. Thật tội nghiệp cho người dân ở những nước cộng sản không được học Công dân giáo dục.

Đoàn xe tang đã đi xa thành phố. Ôi, một sáng mùa đông âm u, gió, mây đen ngùn ngụt kéo về, sóng bạc đầu trên hồ Ray Hubbard, những cành cộc chơ lơ trên mặt nước, com chim bói cá bơ vơ, lạc loài… Đoàn xe tang đã đi xa thành phố, ngang qua chút downtown nhỏ bé của vùng ngoại ô Rock Wall, đường xá nhỏ lại, chỉ còn hai lane xuôi ngược qua những cánh đồng, đồi núi… nhưng cũng tuyệt nhiên những chiếc xe trong đường nhỏ hơn muốn rẽ phải ra con đường double trafic như độc đạo ở vùng quê, họ cũng không chen vào đoàn xe tang, họ chịu chậm trễ việc riêng cho người không quen biết chỉ vì người ấy đi chuyến chót trong đời.

Càng xa nơi thôn quê nhưng có người ở là đồng không mông quạnh, con đường hai làn xe xuôi ngược như chiết đũa lẻ vắt ngang sường đồi, thọc xuống thung sâu… những chiếc xe ngược chiều - không quen biết, và cũng chẳng cản trở gì đoàn xe tang. Nhưng họ đậu hết vào lề cỏ để chào người đi chuyến chót trong đời. Cả mấy mile đường làng làm tim tôi đang hạnh phúc được sống ở nơi con người còn chút tình người với nhau thì tim lại nhói đau với chiếc xe duy nhất - có lẽ thấy xe trước dừng thì họ cũng dừng, nhưng khi nhận thấy được lý do dừng là vì có đoàn xe tang đang ngược chiều tiến tới; chiếc xe ấy móc đầu ra và lao về phía trước cho kịp những mưa toan… người cầm lái chiếc xe ấy, tôi chỉ kịp nhìn thấy là một người đàn ông trung niên, có mái tóc đen và gương mặt châu Á.

Xe đến nghĩa trang rồi, nhưng phải quẹotrái để vào nghĩa trang. Trời Phận dẫn dắt chiếc xe cảnh sát ngược chiều cũng vừa tới cửa nghĩa trang, chiếc xe cảnh sát dừng hẳn, nhường cho xe tang quẹo trái vô nghĩa trang… nhưng còn cả đoàn xe đưa tang, xe cảnh sát mở luôn đèn quay để chận hết xe sau cho cả đoàn xe tang lần lượt quẹo trái vô nghĩa trang… tôi cũng nhận diện được viên cảnh sát trong xe cảnh sát là một phụ nữ Mỹ trắng, chừng ba mươi tuổi. Tôi bấm kiếng xuống, vẫy tay vừa chào vừa cảm ơn cô ta… như cảm ơn nước Mỹ, người Mỹ luôn nhân từ, độ lượng. Đất nước của bạo lực, súng đạn, nhưng có lẽ là những thứ cần có để đối phó với kẻ ác, chứ bản thân người bản xứ của xứ sở này rất bao dung và đầy tình người…

Sư lại đọc kinh, thân nhân lại khóc… Tôi lại đọc tìm trong trí tưởng, ở quê nhà cộng sản bây giờ, có còn ai dừng xe, ngả nón khi thấy một chiếc xe tang trên đường? Đứa bé tôi năm xưa, thật sự có vài lần trong tuổi nhỏ, tôi có dừng bước, đứng nghiêm và ngả nón khi thấy chiết xe tang mà ngày xưa gọi là xe nhà vàng. Tuổi nhỏ chỉ biết nghe lời cô giáo hơn cả mẹ ở nhà, nhưng tới già mới biết những hành vi tuổi nhỏ là nguồn an ủi to lớn cho tội lỗi lúc đã trưởng thành, và ăn năn khi về già. Đó là những tiếng thì thầm trong nội ngã từng người. Có người lắng nghe những tiếng thì thầm tự đáy lòng mình để thay đổi, để sống ngày càng giống với con người hơn; dù cũng có không ít người trong đời chỉ lắng nghe tiếng gọi của tiền tài, danh vọng không thuộc người đến sau, chậm chân, nên lao đi như người đầu đen sáng nay tôi đã gặp!

Gởi người đầu đen duy nhất của một sáng mùa đông trên đường làng Mỹ quốc câu chuyện đã đọc, nhưng nhớ được vì ý nghĩa của nó. Đại ý như sau,

“Một giám đốc trẻ tuổi phóng chiếc xe hơi thể thao đời mới khá nhanh qua khu phố bên cạnh. Anh dòm chừng bọn trẻ con có thể bất ngờ lao qua từ chỗ đậu xe và anh giảm tốc độ vì nghĩ hình như vừa thoáng thấy bóng người.

Khi xe anh chạy qua, không có bóng đứa trẻ nào. Nhưng bất ngờ, một viên đá bay thẳng vào cánh cửa xe. Anh thắng gấp và lùi xe về chỗ viên đá bay ra.

Anh nhào ra khỏi xe, chộp lấy thằng nhóc đang còn đứng đấy và quát to, “Mày nghĩ mày đã làm gì hả nhóc?”

Cơn nóng giận càng bốc lên, “Xe này là xe mới và viên đá của mày sẽ tốn bộn tiền đấy con ạ. Tại sao mày chơi thế hả?”

“Anh ơi, làm ơn. Em xin lỗi nhưng em không còn cách nào khác!” Cậu bé van xin, “Em phải ném đá vì không ai chịu dừng lại cả…”

Nước mắt chảy dài xuống cằm cậu bé khi cậu nhìn quanh bãi đậu xe. “Kia là anh trai của em. Anh ấy ngã khỏi xe lăn nhưng em không thể nào bế anh ấy vào lại được”.

Sụt sịt khóc, cậu bé năn nỉ chàng giám đốc, “Anh có thể làm ơn giúp em đưa anh ấy vào lại xe được không ạ? Anh ấy đã bị thương mà anh ấy nặng quá đối với em”.

Nghe thế, chàng giám đốc nuốt cơn giận vào lòng. Anh đã giúp chàng trai tật nguyền lên xe lăn, lấy khăn tay lau những vết trầy xước và kiểm tra cẩn thận xem mọi việc đã ổn chưa.

“Cám ơn anh và cầu Chúa phù hộ cho anh”, cậu bé nói với giọng đầy biết ơn. Chàng giám đốc nhìn theo dáng cậu bé đang đẩy chiếc xe lăn đi xa dần.

Đoạn đường anh trở lại với chiếc xe hơi đắt tiền của mình sao bỗng trở nên thăm thẳm! Và anh đã không sửa lại cánh cửa xe bị hỏng kia. Anh muốn giữ lại bằng chứng ấy để nhắc mình đừng đi qua cuộc đời nhanh quá đến nỗi ai đó phải ném đá mới mong được mình chú ý.

Đó là những tiếng thì thầm trong tâm hồn mọi người. Tùy người lắng nghe để quay về bản chất con người; hay lao đi bất cần nhân tính để đến khi phải nhận một hòn đá thức tỉnh!

Đau buồn hơn cả sự ra đi của người anh, vì ai từng bước lên chuyến xe đời thì chắc chắn một lúc nào đó xe sẽ tới trạm của mình phải bước xuống - cho người khác bước lên chuyến luân hồi bất tận. Nhưng hành trình của mọi đời người đều giống nhau là cùng tới trạm hư không. Người đầu đen tinh ranh là cũng dừng lại để tìm hiểu có gì nguy hiểm phía trước mà các xe đi trước đều dừng lại. Hoá ra chỉ bởi một đám tang. Ta móc đầu ra đi… về phía vô nhân tính.

Một sáng mùa đông. Người anh đã ra đi. Chỉ mong là nơi anh đến không có nội chiến từng ngày. Đã là diễm phúc cho người lính cũ.

Phan

Ý kiến bạn đọc
10/02/201621:42:23
Khách
Thanh N cu moi lan doc truyen cua ong la toi o the nao ngan duoc cam xuc uoc mong ong se viet nhieu hoac xuat ban nhung truyen ngan cua ong de chung toi luon cam thay rang nguoi VN tuy mat nuoc va ngheo nhung luc nao cung day ap long trac an tran trong cam on ong
05/02/201613:51:54
Khách
Cám ơn tác giả nhắc lại bài học Công Dân Giáo Dục ngày xưa mình đã từng học qua
Bài viết thâm thúy
04/02/201614:12:09
Khách
Tôi rất thích bài này của Phan và cũng nhớ mãi những bài Công Dân Giáo Dục thời Tiểu Học. Và nhất là đã từng sợ Thầy Cô hơn cha mẹ như Phan vậy.
Xin chúc sáng tác hăng say thêm nữa Phan nhé!
04/02/201605:54:43
Khách
Buồn...! Nhân vô thập toàn dù là dân xứ sở văn minh, nhân bản nhưng thi thoảng cũng còn sót lại cái dở, cái vô ý nếu không nói là người sống cơ hội. Cũng may chỉ là vượt qua mà không gây tai nạn.
Chuyện sau tình tiết và kết cục xuất sắc.
Cám ơn tác giả. Mong đọc bài viết sau.
Độc giả hâm mộ
03/02/201620:07:44
Khách
Cám ơn tác giả Phan
Bài viết thật buồn nhưng thâm thúy, chứa đựng nhiều triết lý sâu xa khiến người đọc trầm tư, suy nghĩ.Một bài viết giá trị.Tôi thich nhất đoạn....
''Không buồn,,,,,,,,,,,,,,khi họ đã qua đời,,,làm tôi không cầm được nước mắt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,170,711
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến