Hôm nay,  

Cho Tương Lai Mai Sau

01/01/201600:00:00(Xem: 10591)

Tác giả: Anthony Hưng Cao
Bài số 3714-17-30214vb6010116

Chúc Mừng Năm Mới 2016. Đầu năm, mời hướng về tương lai và đọc bài viết mới của Anthony Hưng Cao. Ông là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Bài viết mới là cảm nghĩ về Giải thưởng Học Sinh Sinh Viên Gương Mẫu mà ông là Phó Trưởng Ban Ngoại Vụ trong ban điều hành.

* * *

Lần đầu tiên tôi nghe về Giải Thưởng Học Sinh Sinh Viên Gương Mẫu là khi Giáo sư Song Thuận gọi điện thoại mời tôi tham dự vào Ban Điều Hành trong vai trò Phó Trưởng Ban Ngoại Vụ của giải. Sau khi tìm hiểu về giải thưởng có tên gọi tắt là "Giải Gương Mẫu", tôi vui vẻ nhận lời tham dự trong Ban Điều Hành. Mục đích của Giải Gương Mẫu là khuyến khích các con em trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại thành công trong học vấn, trau dồi hạnh kiểm, tìm về cội nguồn dân tộc, yêu mến và gìn giữ văn hóa Việt Nam qua việc học hỏi tiếng Việt, văn hóa Việt cũng như tham gia trong những sinh hoạt tại học đường và trong cộng đồng. Với mục đích cao đẹp này, Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California và Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt đã đứng ra thành lập Giải Thưởng Học Sinh, Sinh Viên Việt Nam Gương Mẫu từ năm 2009 và đến năm nay là kỳ thứ 4 của giải thưởng này.

Điểm qua thành phần Ban Điều Hành của Giải Gương Mẫu, tôi càng thêm vững tin vì phần lớn các thầy cô là những người mà tôi từng quen biết như Thầy Song Thuận và Thầy Nguyễn Văn Khoa, hai đồng sáng lập viên của Giải Gương Mẫu, mà tôi đã có dịp gặp gỡ và sinh hoạt chung trong một số chương trình cộng đồng. Cô LyLy, Tổng Thư Ký, là Hiệu trưởng trường Việt Ngữ Tự Lực mà tôi có dịp quen biết từ khi tình cờ được một phụ huynh của một học trò của cô đưa cho tôi một bài thơ để nhờ tôi phổ nhạc. Lúc đầu, tôi chưa biết tác giả của bài thơ "Người Việt Nam" là cô Hiệu trưởng LyLy vì trong bài thơ chỉ ghi bút hiệu là "Tường Vy". Rồi đến Thầy Dũng, người cũng đã từng ôm đàn guitar cùng tôi dạy cho các em hát bản nhạc này trong một buổi sinh hoạt của các em học sinh của trường Việt Ngữ Tự Lực ở Mile Square Park. Kế đó là Tiến sĩ Phạm Kim Long trong vai trò Trưởng Ban Khảo Thí. Tiến sĩ Long cũng đã từng giữ chức vụ Trưởng Ban Điều Hành của Giải trong năm vừa rồi nên Thầy Long cũng có ít nhiều kinh nghiệm. Thủ quỹ của Giải là Cô Nguyễn Phương Lê, cũng là Tổng Thư Ký của CLB Hùng Sử Việt, một hội đoàn mà chúng tôi trong CLB Tình Nghệ Sĩ cũng có nhiều kỷ niệm gắn bó qua các chương trình Đại Nhạc Hội hàng năm và cô Phương Lê cũng đã ở trong tổ chức của Giải từ ngày đầu. Ngoài ra, Thầy Đặng Ngọc Sinh, một người rất nhiệt tình trong Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Cali, cũng thường có mặt với chúng tôi trong các buổi họp của Giải Gương Mẫu. Toàn những "gương mặt cũ" đã có nhiều kinh nghiệm gắn bó với Giải Gương Mẫu từ ngày đầu thành lập.

Ngoài tôi ra, một vài "ma mới" trong năm nay là Luật sư Michelle Thanh Mai, Trưởng Ban Điều Hành. Tuy là thành viên mới trong Ban Điều Hành, nhưng đối với Cô Michelle Thanh Mai, chúng tôi cũng đã quen biết vì đã cộng tác trong một số chương trình văn nghệ trước đây. Hai nhân vật "mới toanh" là Thầy Nghiêm Bảo Toản trong vai trò Phó Trưởng Ban Nội Vụ và Cô Nguyễn Trần Quỳnh Giao, đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Vận Động Tài Chánh.

Tôi xin phép dài dòng đôi chút để quý độc giả và quý phụ huynh biết sơ qua về thành phần của Ban Điều Hành của Giải Gương Mẫu năm nay trước khi tôi bắt đầu kể sơ lược về quá trình làm việc của Giải Gương Mẫu. Bắt đầu là buổi họp đầu tiên với việc giới thiệu thành phần Ban Điều Hành cho mọi người biết mặt nhau và sau đó, những thành viên cũ như Cô LyLy, Thầy Song Thuận, Thầy Nguyễn Văn Khoa giải thích cho chúng tôi biết về cách thức điều hành Giải trong các năm trước và những điều cần làm cho năm giải thưởng năm nay.

Khi bắt tay vào chuẩn bị cho Giải Gương Mẫu, tôi càng cảm phục tinh thần làm việc rất nhiệt tình của các thầy cô trong Ban Điều Hành. Tổng cộng các buổi họp không dưới 6-7 buổi. Phần lớn là sau một ngày dài làm việc, các thầy cô vội vã chạy đến phòng họp của Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ để bàn tiến trình các công việc tổ chức trong từng giai đoạn. Đôi khi chúng tôi không kịp ăn uống gì và phải chạy vội đến buổi họp cho kịp giờ. Những lúc đó, mới thấy quý làm sao với những ổ bánh bông lan mà phu nhân của Thầy Long đã tự tay làm để thầy mang đến. Nó giúp chúng tôi "cầm cự" trong mấy tiếng đồng hồ họp căng thẳng mà lúc nào dường như công việc bàn cũng không bao giờ dứt. Rồi đến việc các thầy cô phải chia nhau sắp xếp thời gian đi phổ biến về Giải Gương Mẫu trên các đài TV, radio, v.v. Một trong những thành viên trong Ban Điều Hành mà tôi rất khâm phục là cô Quỳnh Giao, người rất xứng đáng với vai trò Trưởng Ban Vận Động Tài Chánh. Cô Quỳnh Giao đã bỏ nhiều thời gian đi vận động từng bạn bè, các cơ sở thương mại, các thầy cô và phụ huynh trong Trung tâm dạy kèm của cô và Thầy Toản để mong có đủ ngân khoản làm phần thưởng cho các em thí sinh cũng như cho các chi tiêu khác như làm trophy, tổ chức chương trình phát giải ở nhà hàng, v.v. Ngoài Cô Quỳnh Giao, Cô Michelle Thanh Mai cũng là người tôi rất khâm phục ở tinh thần làm việc rất nghiêm túc, đúng nguyên tắc như là một...luật sư. Còn cô LyLy thì lúc nào cũng rất chu đáo với các hoạch định chương trình và biên bản đâu ra đó.

Một số các cơ quan truyền thông báo chí, trong đó có toà soạn Việt Báo cũng đã hết lòng giúp bảo trợ và đăng thông báo về Giải Gương Mẫu trên báo. Bên cạnh đó, các thầy cô khác cũng bỏ nhiều thời gian trong suốt quá trình tổ chức giải như chuẩn bị cho Giải như soạn thảo và hoàn chỉnh các đơn dự thi, các thông báo, lập trang website, xin funding của các vị bảo trợ, chấm thi, v.v. để mong lựa chọn các em thí sinh xứng đáng để trao giải. Ngoài các buổi họp ra, còn không biết bao nhiêu là email liên lạc, trao đổi, kể cả... tranh luận của các thành viên trong Ban Điều Hành trong suốt thời gian của Giải. Tôi nhớ trong chuyến đi sang tiểu bang Atlanta vào tháng 7 để tổ chức ra mắt chi nhánh CLB Tình Nghệ Sĩ, mặc dầu khác nhau 3 giờ đồng hồ, các thầy cô cũng đã cố gắng không...tha cho tôi bằng cách thực hiện buổi họp qua Skype để tôi có thể tham dự. Ngoài ra, phải kể đến sự hy sinh về thời gian và công sức của các vị Giáo Sư nhận lời tham gia trong Ban Giám Khảo. Có một số vị Giáo Sư tuy tuổi đã cao, sức khoẻ kém, nhưng đã cố gắng mang kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy của mình để giúp rất nhiều cho Ban Điều Hành của Giải Gương Mẫu trong năm nay.


Tôi xin phép nói thêm một chút về giải thưởng này. Ngoài các tiêu chuẩn chính của giải là học lực khá tại các trường học, khả năng tiếng Việt và văn hóa Việt và hạnh kiểm tốt, các thi sinh còn phải có thành tích sinh hoạt học đường và cộng đồng vì mục đích của giải thưởng là nhằm tìm các em có khả năng trở thành những người lãnh đạo trong tương lai cho cộng đồng chúng ta ở hải ngoại. Giải Gương Mẫu được chia ra thành 5 cấp, từ cấp 1 đến trình độ đại học. Ngoài các giải gương mẫu cho các cấp lớp theo những tiêu chuẩn nêu trên, Giải Gương Mẫu còn có thêm các Giải Đặc Biệt như Bên Em Đang Có Ta, Honoring Characters, Học Tiếng Việt Ở Nhà và Tinh Thần Nguyễn Ngọc Phú. Đọc qua tên của các giải thưởng, chắc chúng ta cũng đã phần nào hiểu được nội dung và ý nghĩa cũng như mong ước của người bảo trợ qua các giải thưởng này. Nhận thấy mục đích và ý nghĩa cao đẹp của Giải Gương Mẫu, tôi cũng tình nguyện bảo trợ thêm cho một giải đặc biệt có tên "Thắp Sáng Việt Nam", dựa theo ý tưởng của bản nhạc cùng tên mà tôi có dịp sáng tác chung với Nhạc sĩ Anh Bằng cách đây vài năm.

Trong khuôn khổ của bài viết này, thật khó để có thể kể hết chi tiết những công lao khó nhọc của các thầy cô trong Ban Điều Hành của Giải Gương Mẫu mà tôi có dịp hân hạnh làm việc chung trong suốt thời gian hơn 6 tháng qua. Ngoài ra, tôi cũng muốn ghi lại một vài nhận xét để chúng ta có thể rút kinh nghiệm cho Giải Gương Mẫu các năm sau ngày càng được hoàn thiện hơn.

Thứ nhất, tôi rất ngạc nhiên với con số thí sinh nộp đơn tham dự cho Giải Gương Mẫu trong năm nay cũng như trong các năm trước đây mà tôi được các thầy cô cho biết. Một con số có thể nói quá khiêm nhượng so với số học sinh Việt Nam đang theo học ở các trường Việt Ngữ ở Cali cũng như ở các tiểu bang khác. Đó là chưa kể mặc dầu các em trong Tổng Hội Sinh Viên đã được phổ biến thông tin về Giải, nhưng con số dự thi của các em ở cấp đại học còn quá ít ỏi.

Một trong những lý do tôi được biết các em thí sinh không dám ghi danh tham gia là vì một trong những tiêu chuẩn của giải thưởng đòi hỏi các em phải biết nói và viết tiếng Việt thông thạo. Phần lớn các em e ngại không tham dự vì các em nghĩ trình độ tiếng Việt của mình còn hạn chế. Một lý do quan trọng khác mà tôi được biết là các thầy cô giáo ở các trường Việt Ngữ cũng chưa khuyến khích các em đúng mức để tham dự Giải Gương Mẫu. Một số thầy cô nghĩ là nếu học sinh của mình không đạt giải, thì sẽ bị mất uy tín và thanh danh của mình và của trường. Như tôi đã có trình bày trong buổi họp của Ban Điều Hành, tôi mong rằng các thầy cô ở các trung tâm Việt Ngữ cần phải mạnh dạn bỏ đi suy nghĩ này vì hơn ai hết, các thầy cô là người cần tiếp tay trong việc khuyến khích các em tham dự Giải Gương Mẫu nhằm tìm những người lãnh đạo giỏi cho cộng đồng của chúng ta sau này. Ngoài ra, một biện pháp khác là nếu các vị trong Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ, cũng là người đồng sáng lập cho Giải Gương Mẫu, có thể nghiên cứu việc áp dụng điều lệ là các thầy cô trong các lớp bắt buộc phải đề cử 2-3 em xuất sắc nhất trong các lớp mình dạy tham dự vào Giải này. Có như thế thì may ra số thí sinh mới có thể tăng thêm cho các giải trong tương lai.

Về phía các thí sinh, đa số các em trong vòng thi phỏng vấn mà tôi có dịp tiếp xúc trong vai trò Giám Sát và Giám Khảo đều nói tiếng Việt rất giỏi. Trừ một số em đến Hoa Kỳ sau khi đã có một thời gian sống và học ở Việt Nam, đa số tham dự là những em đến Mỹ khi còn rất bé hoặc đã sinh ra ngay ở nước Mỹ, nhưng các em đã cố gắng học tiếng Việt ở nhà hoặc ở trường rất đáng khen ngợi. Những câu hỏi trong vòng phỏng vấn là những câu hỏi mà các em thí sinh không được biết trước và ngay cả trong Ban Điều Hành cũng bảo mật chỉ có một vài người biết, nhưng các em đã trả lời ứng đáp các câu hỏi rất bình tĩnh và chững chạc, ngay cả những em trong các cấp lớp nhỏ.

Một điều đáng tiếc mà tôi nghĩ các thầy cô và phụ huynh của em tham dự các lần thi sắp tới cần chuẩn bị là khuyên các em nên tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề ở các Giải Đặc Biệt. Ví dụ như Giải "Bên Em Đang Có Ta", đa số các em chưa bao giờ nghe đến bài hát này và không hiểu rõ nội dung của bài hát mặc dầu các em đã được cho thời gian để đọc qua lời của bản nhạc trước khi Ban Giám Khảo đặt câu hỏi có liên quan đến bài hát. Hầu như không có em nào nhắc đến những chữ như "thuyền nhân", "trại tị nạn", v.v. mà các em chỉ trả lời chung chung và "đoán mò". Tương tự như vậy, Giải "Thắp Sáng Việt Nam" mà chúng tôi trong vai trò người bảo trợ cũng hy vọng các em có dịp tìm hiểu về bài hát có nội dung đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam khi ghi danh tham dự. Tuy nhiên, dù giải thưởng này chỉ dành cho các em thí sinh ở cấp trung học và đại học, nhưng các em đã không tìm hiểu trước về chủ đề của giải thưởng và không có câu trả lời cho có ý nghĩa. Một câu hỏi khác là "Điều gì đang xảy ra ở Việt Nam làm các em quan tâm?" cũng không được các em trả lời thỏa đáng. Các câu trả lời chứng tỏ các em chưa quan tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam. Thú thật, khi ngồi chấm thi, tôi chỉ mong nếu có một thí sinh nào nhắc đến chữ "dân chủ" hay "nhân quyền", thì tôi sẽ vui vẻ trao giải nhất cho thí sinh đó ngay! Tuy nhiên, cả 2 vị trong Ban Giám Khảo và tôi đã thất vọng vì không có thí sinh nào trả lời các câu hỏi như mong muốn.

Ngoài một vài điểm tiêu cực mà tôi đã nêu ra ở các Giải Đặc Biệt cần khắc phục và rút kinh nghiệm cho các năm tới, nhìn chung, giải thưởng năm nay cũng đã chọn ra những em xứng đáng với thành tích học vấn và đức hạnh của các em. Các em rất lễ phép khi gặp các thầy cô trong Ban Giám Khảo cũng như trong Ban Điều Hành. Các phụ huynh của các em cũng là những người xứng đáng được trao giải "Phụ Huynh Gương Mẫu" vì đã có công khuyến khích cho các em tham dự giải thưởng năm nay cũng như đã chịu khó lái xe đưa các em đến rất sớm và ngồi gần suốt buổi ở phòng chờ.

Với những công sức khó nhọc ngày hôm nay trong việc tìm kiếm những tài năng mới, hy vọng một ngày mai không xa, cộng đồng Việt Nam của chúng ta sẽ có những người lãnh đạo gương mẫu cả tài lẫn đức. Những em nhận Giải thưởng Gương Mẫu ngày hôm nay chắc chắc sẽ có những em tiếp tục công việc của những thế hệ đi truớc trong việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam ở hải ngoại cũng như đấu tranh cho quê hương Việt Nam sớm có ngày được tự do, dân chủ và nhân quyền.

Anthony Hưng Cao

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,720
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.