Hôm nay,  

Chuyện Trên Đất Mỹ

04/12/200500:00:00(Xem: 143321)
Người viết: SAGIANG

Bài số 887-1487-214-vb2120505

Tác giả tên thật là Nguyễn Văn Phan, cư dân Sacramento CA, cho biết ông đã viết nhiều bài đăng báo. Bài sau đây là câu chuyện của một cựu tù cao niên trên đất Mỹ, trích từ bài “Huyền Học Trên Đất My,” và đặt tựa lại theo nội dung.

*

Phi cơ chở Sa từ Vọng Các (Thái Lan) đến Đông kinh (Nhựt Bổn) dừng lại để hành khách chuyển sang phi cơ khác tiếp tục bay sang tới đảo Gam, dừng lại đưa rước hành khách, tiếp tục bay tới Seattle (Washington), tuyết rơi lả tả, lạnh cóng tay chân, rón rén chạy ra xe chở về khách sạn ngủ đêm, ăn uống đầy đủ. Sáng hôm sau xe đến rước ra phi trường lên phi cơ nhỏ về Sacramento, được nhân viên USCC đón về văn phòng ở gần Đại học California, chờ đến chiều cháu, con anh Hoàng bào huynh đến lãnh chở về nhà ở đường Ticket Way.

Trọn cả tháng lo thủ tục an định thường trú, thẻ căn cước (ID card), thẻ an sinh xã hội, thẻ xanh... Cháu còn dẫn đi xin trợ cấp oeo phe, phiếu thực phẩm, chở đi cơ quan y tế khám sức khỏe toàn diện. Kết quả, các bác sĩ lắc đầu ký giấy chẩn bịnh: tâm thần, tai nghễnh ngãng, mắt mờ, đau phổi, thương tích xương sọ, xương bả vai... với lời phê bất lực, giới thiệu đến phòng An sinh xã hội phỏng vấn, điền phom (form) để nạp đơn xin SSI (Trợ cấp an sinh xã hội). Ngoài ra còn được giới thiệu lên cơ quan SETA ở đường Del Paso phỏng vấn khả năng Anh ngữ và nghề nghiệp. Sa khai trước năm 1975 làm thầy giáo Trung học, xuất trình chứng chỉ tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ban Sinh ngữ Sàigòn. Cô phỏng vấn viên xem kỹ lưỡng xong mỉm cười trả giấy lại và cho biết chứng chỉ bất khả dụng ở Mỹ.

Túng thế Sa xin cho nghề học ngắn hạn, cô ta đưa cho cuốn danh sách nghề nghiệp hiện đại ở Mỹ nặng lối hai cân cho Sa dò tìm nổ con mắt, tới nghề thợ mộc có mòi tương chao, vì đã theo con ở Việt Nam lãnh làm thợ mộc phụ, Sa chấp nhận ngành thợ mộc đóng tủ bàn ghế. Cô ta vui vẻ lấy mẫu giấy giới thiệu điền tên họ, địa chỉ số điện thoại, số an sinh xã hội, ký tên giao cho Sa, bảo đến địa chỉ nêu trên giấy giới thiệu ghi danh học nghề, và chúc vạn sự như ý, bai! bai!(bye! bye!) với nụ cười tươi xinh.

Mỗi ngày Sa cong lưng chạy xe đạp đến trường học nghề thợ mộc cách nhà ở hai giờ. Thời khóa biểu sáng 8 giờ đến 12 giờ học lý thuyết, chiều 1 giờ đến 5 giờ học thực hành ở xưởng thợ. Thời gian học 6 tháng tốt ngiệp sẽ được cấp lai sân (licence) và giới thiệu đi làm. Sáng thức trước 6 giờ lo ăn điểm tâm xong đạp xe chạy thắng khói đến trường đúng giờ nhập học lý thuyết tràng giang đại hải, mua sách về nhà học mệt nghỉ cả đêm, trưa ra ăn bánh mì thịt nguội, hot dog, uống cà phê hay nước ngọt, nằm nghỉ một tí là nhập học thực hành, tập sử dụng đục, bào, cưa, vặn ốc, khoan lổ, lần hồi sử dụng cơ giới, cách chọn cây đóng từng món đồ theo đúng kích thước trong sơ đồ hay phóng đồ...

Ròng rã sáu tháng đến ngày thi tốt nghiệp sáng thi lý thuyết theo lối trắc nghiệm, đậu rồi chiều thi thực hành phần cơ giới then chuyền tập thể chia ra làm 5 tổ, mỗi tổ 10 thí sinh, mỗi tổ hoàn thành một món đồ, trong vòng 2 giờ phải hoàn tất 20 cái thi đua chấm điểm đậu rớt. Sa được xếp vào tổ đóng cái tủ phần ráp cây đố quanh tủ trong vòng 2 phút.

Tất cà thí sinh đều lên máy ngay phần hành của mình. Máy bắt đầu chạy, cái tủ được mấy khâu trước lấp chân và cây đố đứng xong đưa đến Sa ráp cây đố ngang dễ dàng vì đã có thực tập nhiều lần, giờ đầu 10 cái tủ qua trót lọt, đến cái tủ thứ 11 Sa rút cây đố đưa lên thấy tét đầu một chút, cái mộng hở ra chỉ một phần mười ly, thế mà đóng mãi không vô lổ mộng. Đúng giờ máy kéo cái tủ đi đến mấy khâu kia không thể lấp ván và lấp cửa tủ cũng như đánh bóng, cái tủ cứ tiến đến quản trị viên. Giám khảo truy ra biết ngay chỗ Sa phạm quy, tăt máy lấy xe cốt tơ chở cái tủ hỏng đến khâu Sa, kêu Sa xuống chỉ cái tủ hỏi lý do, Sa cho biết cây đố tét đầu không ráp vào được. Ông ta phát cáu lên bảo Sa ngu quá, sao không liệng bỏ nó đi lấy cây khác lấp vào, Sa mới biết mình hớ đành chịu.

Vậy là ông ta bắt Sa thẩy lên xe cốt tơ chở ra văn phòng ký giấy đuổi học trả về cho SETA. Cô nhân viên an ủi Sa thua keo nầy bầy keo khác, cho biết tháng sau có mở khóa đến lãnh giấy giới thiệu đi học lại.

Lủi thủi đạp xe về rầu rĩ cho số kiếp cay đắng đoạn trường:

"Thi không ăn ớt thế mà cay!"

Nằm dài mấy ngày chán nản quá đi, đọc hết mấy bộ kiếm hiệp Kim Dung cũng còn bực rọc, không biêt làm gì sống trên đất Mỹ rừng tiền biển bạc nầy, thời may nhận được giấy báo An sinh xã hội chấp nhận cho hưởng SSI hàng tháng, kể từ ngày nộp đơn, khấu trừ oeo phe và phiếu thực phẩm, phần truy lãnh còn lại trên 2,000 Mỹ kim, Sa cầm tấm ngân phiếu rơi nước mắt mừng mình thoát nạn.

Nhờ cháu đưa tới ngân hàng Bank of America mở trương mục tín phiếu (Checking account), còn đến văn phòng An sinh xã hội đường Massive xin ghi số trương mục chuyển ngân trực tiếp hàng tháng vào trương mục tiền SSI tránh nạn thất lạc.

An tâm không còn sợ thất nghiệp, ở nhà cháu trồng rẫy bái, bông hoa, nuôi gà, cá, chim, thỏ...vui thú điền viên, giữ nhà cho cháu ờ đường Rio Linda (nhà cũ ở Tilket way bán rồi). Mỗi tháng đi khám bác sĩ một lần uống thuốc liên miên, lại còn mấy cái răng già đong đưa nữa, ăn uống khó khăn hàm trên chỉ còn 5 cái, hàm dưới còn 6 cái, vì khi bị khảo tra Sa đã bị mất hết một số răng nơi phòng điều tra của Việt cộng do cấp bực được phong Trung tá Tiểu đoàn trưởng Dân quân phục quốc sau 1975 chống với Việt cộng ở thị xã Sađec, bị tù cải tạo 4 năm.

Tất cả hàm trên bác sĩ Nha y nhổ hết trồng nguyên hàm răng giả, hàm dưới 6 cái còn tốt nên giữ lại đến bây giờ. Cháu còn chở đi làm hai cái máy trợ thính đeo vào hai lổ tai nghễng ngãng nghe rõ hơn đôi chút, mắt mờ được bác sĩ nhãn khoa làm cho cặp kiếng lão hai tròng để đọc sách báo.

Mỗi lần di chuyển một mình, Sa phải dùng xe buýt chầu chực mất thời giờ nên nạp đơn xin thi bằng lái xe, nhưng bị bác đơn do hồ sơ y bạ cấm uống rượu và cấm lái xe. Sao mà bất hạnh thế! Đã từng là cao thủ tửu lâm ở Sađec, đã từng lái xe đi lên xuống Sàigòn công tác với bằng lái xe ba dấu, bây giờ vật đổi sao dời cam phận chịu.

Sa kiên nhẫn chiết nhánh cây hoa hồng trên 200 gốc khác giống đủ màu sắc, đủ hình tướng: nhỏ tí teo bằng ngón tay út, cho tới lớn bằng bông quì vành vạnh, có cây thấp bé, có cây cao lớn dềnh dàng, có loại hồng leo lên cao trên những cây gượng có thể tới 4 mét.. Vườn hồng phô trương màu sắc rực rỡ từ hàng rào đến tận sân sau chỉ trong vòng 3 năm chúng cùng nhau khoe tươi thắm với bao khách qua đường trầm trồ khen ngợi.

Hằng ngày tưới vườn hoa và rẫy mất trọn hai giờ sáng và chiều. Rẫy bái chiêm trọn năm ngàn bộ vuông đủ thứ rau cải bí bầu hành tỏi đậu bắp ớt sả gừng hẹ với nhiều liếp khác nhau có trật tự như một hoa viên. Riêng có bầu và bí là ngoại lệ, phải làm giàn, đặc biệt là bầu trồng đúng kỷ thuật cho bò lên giàn theo đúng hàng lối, phân chuồng ươm gốc tối đa, nước tưới đầy hộc ở gốc cho không bao giờ thiếu nước, lại còn thên phân hữu cơ, chuột chết và xương gà vịt heo bò đều được ủ cho ra chất nước hửu cơ chế vào rảnh nước ở gốc bầu để hấp thụ đầy đủ dưỡng trấp nuôi dưỡng cây bầu, khi đơm hoa kết nụ, Sa phải siêng năng theo dõi từng trái bầu non cho thòng xuống hết thong thà để khi bầu lớn giống như đoàn hùng binh hiên ngang lướt qua khán đài, chụp hình trông đẹp đẽ biết bao, tính ra giàn bầu chỉ năm gốc bầu chánh chia ra thành hai chục gốc bầu con, mỗi gốc bầu con lên giàn cho ra trên 10 quả, thành ra khi bầu đúng lức cháu cắt đem biếu xén bà con thân thích, có nhiều trái bàu chưa kịp ăn to lớn và dài gần chấm đất, Sa cắt đem biếu bác sĩ .

Vác trái bầu lên xe buýt ngồi chung băng với bà Mỹ mập choán hết hai phần ba cái băng, Sa dựng trái bầu xuống sàn xe, khi xe chạy thắng gắp, sút tay ra, trái bầu đập vào hạ bộ bà Mỹ mập đau điếng, bà la lên chưởi mắng Sa thậm tệ, Sa xin lỗi lung tung, bà còn đòi thưa cảnh sát bắt giam nữa, những người đồng hành xúm lại năn nỉ bà ta và bắt buộc Sa xuống xe để đi xe khác cho khỏi bị la rầy nữa. Trái bầu gây họa cho Sa!.

Một hôm, đang tưới hoa hồng dựa hàng rào, đoàn công tác truyền giáo Tin lành xin phép tiếp chuyện và truyền giảng giáo lý, với bao hứa hẹn giúp đỡ vật chất và tinh thần, cùng làm công tác thiện nguyện. Sa chấp nhận cho họ mỗi tuần đến chở Sa về nhà thờ Tin lành ở đường Grant xem lễ và tranh luận giáo lý. Trong đề tài nguồn gốc sáng tạo ra con người trong vũ trụ, theo Sa, có những phần không hợp với khoa học và Sa hùng hồn chống lại theo huyền học và siêu học với mục sư và tín hữu. Trong số tín hữu có bà Mỹ đen mập tròn như cái lu tên Pretty River (Cẩm Giang) vui vẻ biểu đồng tình. Sau đó, bà thường chở Sa về nhà đãi ăn uống và tiếp tục tranh luận với số bạn đồng đạo hưởng ứng.

Có lần, sau khi Sa giảng giải về sự tiến hoá vũ trụ, mọi người vỗ tay tán thưởng biểu đồng tình nhưng bà Pretty River thắc mắc:

- Các nhà khoa học hiện đại cũng công nhận ngoài vũ trụ chúng ta còn nhiều vũ trụ khác nữa, viễn vọng kính Hubble chỉ mới chiếu rọi một phần nhỏ nhoi. Không gian vô bờ bến, làm sao thấu đạt được những vũ trụ bên ngoài vũ trụ chúng ta"

Sa trả lời:-

-Chỉ nhờ thần thức du hành trong không gian mới nhận thức được thôi. Đức Phật đã từng thuyết giảng "Tam thiên đại thiên" với tốc độ sát na nhanh hơn vận tốc ánh sáng cả ngàn lần mới đến kịp để tham quan và trở về. Ngày nay các khoa học gia nhận biết được những gì đức Phật ngày xưa đã nói, nên mới tôn kính ngài lên "Đại khoa học gia".

Từ đó mỗi tuần, Sa được bà Pretty River tổ chức sau buổi lễ đạo kéo đến nhà bà để các đồng đạo nêu lên đề tài huyền bí cho Sa thuyết trình: Con người từ đâu đến và chết sẽ đi về đâu" Ma quỷ có hay không" Thiền định là gì" Cây cỏ có linh hồn không" Làm thế nào để về thượng giới" Cõi niết bàn ở đâu" Con người đầu thai ra sao" Tại sao thực vật sống lâu hơn động vật" Linh tử và vi linh tử khác nhau ở chỗ nào" Huyền học và khoa học tương ứng nhau không"

Sau những buổi tranh luận, Pretty River thường tổ chức liên hoan: nhỏ chỉ có hai người Sa và Pretty River, lớn có nhiều bạn bè đồng đạo tham dự, phòng khách trở thành diễn đàn mà cũng là phòng liên hoan cho nhóm thực khách trên dưới ba mươi người, tự động mang thức ăn bánh trái, nước ngọt, rượu chát, bia, đôi khi cả rượu mạnh chung vui, vừa ăn uống cừa thảo luận huyền học và siêu học hết sức hấp dẫn, sôi nổi hơn ở nhà thờ. Pretty River thận trọng mở máy thâu băng tóm trọn gói các cuộc tranh luận.

Pretty River nhỏ hơn Sa hai tuổi, chồng chết trạn ở Việt Nam, sống với ba con nay đã có gia đình làm ăn ở xa, nhà rộng rãi bốn phòng thênh thang, sân trước trồng cỏ và lối vào nhà có trồng hai hàng lan, vòng quanh sân trồng nhiều cây ăn trái, sân sau cũng trồng cỏ và nhiều cây ăn trái có lối đi lót sỏi trắng và cuối mỗi góc đều có bàn đá và ghế đá. Phòng khách rộng cũng làm phòng giảng thuyết và phòng liên hoan có đủ bàn ghế cho trên dưới ba mươi khách. Vô tình Sa trở thành mục sư bất đắc dĩ được ngưỡng mộ thâm tình với nhiều quà biếu.

Mỗi tuần sau buổi xem lễ ở nhà thờ, bà Pretty River chở Sa về nhà cùng mọi người thân thuộc tham dự buổi thuyết trình đề tài mới thêm mãi. Chính họ đề nghị đề tài để Sa nghiên cứu và cố gắng thuyết minh cho mọi người nghe thoái mái, trong nhóm có nhiều người học rộng kỷ sư bác sĩ, riêng bà Pretty River cũng đã là kỹ sư điện tử.

Càng ngày Pretty River càng chăm sóc Sa chu đáo, trên bục giảng, một ly nước đá chanh tươm tất, một ngọn đèn nhỏ nhắn soi rõ ánh sáng, một quạt máy nhỏ xíu mát dịu, khiến Sa phồng lổ mũi cám ơn rối rít thỏa mãn nụ cười tươi rói của Pretty River . Bà còn lái xe đưa Sa về nha, tâm tình cùng nhau.

Với cái duyên già đang tuổi hồi xuân, tình trong thấm đượm, nhưng mặt ngoài còn e ngại, Sa luôn giữ ý tứ không dám lần khân, khiến bà càng làm già tới, đôi khi ôm hôn Sa trước khi từ giã lái xe về. Một đôi khi Sa cũng phải đáp lễ miễn cưỡng tấm thạnh tình của bà. Dần dà, bà còn bày ra những cuộc đi câu ở các hồ nước giữa núi rừng thoái mái, đi cắm trại, tham dự nhiều cuộc liên hoan ở nhà bạn... Sa thường phải tránh cảnh sóng đôi du ngoạn nơi núi rừng Reno, Las Vagas... Sòng bài nào bà cũng chở Sa tới để vui chơi, thông thường bà chơi kéo cỗ máy, Sa chưa dám sử dụng cờ bạc, nên cũng đổi tiền kéo cổ máy, thua tối đa 20 Mỹ kim là nghỉ đòi về,

Một hôm, nhân lễ sinh nhựt Pretty River mời Sa tham dự, Sa cắt bông hồng năm loại hoa trắng xanh đỏ vàng nhung lặt lá bẻ hết gai gói giấy kiếng tươm tất thành bó hoa đẹp, quá giang xe bạn đên nhà Pretty River dâng bó hoa với lời chúc mừng sinh nhựt. Pretty River vui vẻ ôm hôn thân mật, nhận bó hoa đem cắm vào độc bình chưng trên bàn đặt bánh sinh nhựt. Con cháu Pretty River tập trung về đông đủ, ca hát chúc tụng Happy Birthday. Trong lúc khách khứa cung nghinh, bà Pretty River phùng mang thổi tắt hết những ngọn nến trên bánh sinh nhựt, mỉm nụ cười sung sướng, rồi vừa liêc xéo Sa vừa hôn say đắm các hoa hồng trên độc bình, làm cho Sa thương cảm vô ngần mối tình già quá khó khăn đáp ứng.

Bữa tiệc chấm dứt sau một màn khiêu vũ, mọi người từ giã ra về được bà Pretty River tiễn đưa tận cổng. Tới phiên Sa, bà dúi vào túi áo lớn một phong thơ màu hồng thỏ thẻ: "Về nhà hãy đọc!".

Về nhà, mỏi mệt lăn đùng ra ngủ cho tới sáng, phong thơ còn để trên bàn ngủ. Cháu dâu thấy thức trễ, xuống kêu thức dậy, dặn dò công việc ở nhà để đi làm, đã lén mở phong thơ màu hồng là lạ ra xem. Dặn dò xong, cháu còn mỉm nụ cười hả hê đã bắt được quả tang ông chú chồng có bồ, nheo mắt tươi rói:

-Chú già rồi, còn duyên dáng đậm được đàn bà tỏ tình, sướng quá rồi!

-Đâu có gì! Chú có tình tự với ai đâu!

-Chú còn chối, bằng chứng rõ ràng là bức thư màu hồng của bà nào ký tên Pretty River"

-Chú dự lễ sinh nhựt của bà ta, bà ta biếu chú phong thư, chú chưa đọc tới, cháu đừng nghi oan cho chú. Chú có làm gì sái quấy đâu mà phải chối"

-Chú đọc đi rồi sẽ biết. Cháu e ngại chú bỏ cháu đi ở với bà ta, không ai trông nom nhà cửa cho cháu.

Nói xong cháu vội vã chạy ra xe đi làm với chồng.

Sa ngỡ ngàng đọc vội bức thư chưng hửng mới biết Pretty River tỏ tình già, đề nghị Sa về ở chung hủ hỉ, chi phí ăn uống di chuyển chu tất hết, tiền bạc để cho Sa trọn quyền gởi về Việt Nam phụ giúp gia đình vì phần bà ta tiền hưu trí và tiền lời ngân hàng dư sức sống cho cả gia đình trung lưu. Bà ta còn viết là tình già sẽ đầm ấm ,bồ bịch cho đến khi nào thân nhân Sa đoàn tụ mới chia tay. Cần hồi âm.

Vướng nợ tình khổ quá rồi đây. Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng, ráng chịu đựng. Thời may cuộc xung đột giữa đám dân Lào tị nạn với nhóm Mỹ đen ở Del Paso bằng vũ khí nhiều loại, nguyên do không biết xảy ra một đêm hải hùng. Cảnh sát huy động một lực lượng hùng hậu can thiệp mới trấn an với kết quả: Mỹ đen chết hai người, bị thương bốn người, Lào bị thương ba người. Nội vụ điều tra xét xử không rõ, nhưng khổ nỗi Mỹ đen cứ mỗi buổi chiều chạy xe ngang qua nhà dân Lào cứ nã súng bắn vào nhà hàng loạt rồi bỏ chạy mất, gây thảm cảnh sang cho người Việt ở trong khu vực. Cháu Sa hoảng sợ cho tánh mạng ông chú, vội vã dọn nhà về đường 38 mới mua, Sa lui cui lo dọn đồ đi bỏ lại tất cả rẫy bái bông hoa, chỉ mang theo sáu lồng chim hoàng yến đặt tạm ờ nhà xe, lần hồi chết hết, cá còn sống ngoắc ngoải mười mấy con trong bồn cây lót nylon tạm đỡ. Thỏ và gà cũng chịu chung làm thịt hay cho bà con.

Vô tình Sa lánh khỏi mối nợ tình của Pretty River và cái nghề thuyết giảng bất đắc dĩ để hàng ngày đem hết tâm trí vào việc sáng tác thi văn gởi đăng báo nhiều nơi. Tính đến nay, Sa đã có trên ba trăm bài thơ và trên hai trăm bài văn viết với nhiều thể tài.

SA GIANG


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,987,309
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến