Hôm nay,  

Lời Tạ Ơn Cho Một Khuôn Mặt Mới

21/12/201500:00:00(Xem: 24087)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 3706-17--30206vb2122115

Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự. Sang năm 2015, với bài “Giọt Máu Rơi của Người Lính Chết Trẻ”, cô nhận thêm giải “Vinh Danh Tác Phẩm” và vẫn tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ. Bài mới của tác giả viết theo một chuyện thật.

* * *

blank
David Rodebaugh, tay đua xe máy và Patrick Hardison, người lính cứu hỏa trước khi lâm nạn.

Patrick Hardison hay mọi người thường gọi anh là Pat đang ngán ngẩm vì công việc làm ăn có mòi ế ẩm. Cửa hàng bán vỏ xe hơi trên đường Main của anh không hiểu sao dạo này vắng khách. Nó nằm trong một khu thương mại thuộc thành phố Senatobia. Senatobia gốc là tiếng của người da đỏ “Senatohoba”, dịch sang tiếng Mỹ có nghĩa là “White Sycamore” là thành phố nhỏ thuộc quận Tate về phía Tây Nam tiểu bang Mississippi.

Thành phố Senatobia đang chìm trong cái nắng gắt và cái nóng bức của buổi trưa hè oi ả. Cây cối đứng lặng. Không một ngọn gió. Đường phố và bãi đậu xe thưa thớt bóng người. Người dân sống trong thành phố này đang trốn cái nóng và cái nắng ở trong nhà hay trong những nơi có máy điều hòa không khí. Nhiệt độ mùa này có khi lên đến một trăm mười độ F.. Bỗng tiếng điện thoại reo vang. Pat phóng vội lên xe. Có một đám cháy không xa lắm.

Khi còn học trung học Pat thích ngành cứu hỏa. Nghề buôn bán vỏ xe hơi là nghề tay mặt và là nguồn sinh kế chính của gia đình anh gồm một vợ và năm con từ nhiều năm nay. Anh là một lính cứu hỏa đã nghỉ việc nhưng vì yêu nghề, anh sẵn sàng tự nguyện phục vụ khi Sở Cứu Hỏa cần.Anh cũng là một khuôn mặt quen thuộc trong số hai mươi người trong thành phố tình nguyện làm công việc nguy hiểm và đầy bất trắc này.Anh được thông báo có một căn nhà trong khu “townhouse” đang cháy và anh lúc nào cũng sẵn sàng tham gia việc chữa cháy mà không có một chút thù lao nào.

Khi đội cứu hỏa đến nơi thì ngọn lửa đã bốc cao đến trần nhà phía sau nhà bếp. Người chồng chạy thoát ra ngoài và la lớn rằng bà vợ ông ta còn bị kẹt trong đó. Pat và ba đồng nghiệp đội mũ an toàn, mang mặt nạ chống khói và bộ quần áo bảo hộ đặc biệt của lính cứu hỏa. Từ cửa trước, họ tiến từng bước vào trong, vừa gọi vừa nhìn chung quanh tìm người đàn bà. Bất ngờ trần nhà sụp xuống chỗ Pat đang đứng. Cả một khối lửa chụp vào mặt Pat, bắt vào chất nhựa của chiếc mặt nạ làm chiếc mặt nạ bốc cháy, tan chảy ra cùng lúc với khuôn mặt anh. Trong lúc nguy biến, anh vẫn còn tỉnh táo tìm cách tháo bỏ mặt nạ ra, nín thở và nhắm mắt lại. Hành động này giúp ngăn khói không xông vào cổ và phổi đồng thời bảo vệ được đôi mắt. Tháo bỏ chiếc mặt nạ cũng là lúc sự đau đớn từ khuôn mặt cháy đen, nóng rát và biến dạng lan đến toàn thân làm anh mờ mắt, lảo đảo. Anh quỵ xuống trong tay của những người bạn đồng nghiệp. Họ kéo anh ra khỏi ngôi nhà trong tình trạng sức khỏe thật là tồi tệ.

Đó là ngày năm tháng chín năm hai ngàn lẻ một, “ngày định mệnh”của người lính cứu hỏa hai mươi bảy tuổi vì khuôn mặt của anh từ nay không còn là khuôn mặt của một con người bình thường.

blank
Khuôn mặt Patrick bị tàn phá.

Pat được đưa vào bệnh viện chữa trị suốt sáu mươi ba ngày với nhiều cuộc giải phẫu. Anh đã mất hai tai và môi, cái mũi chỉ còn là miếng xương và mô mí mắt không còn khiến anh không thể nhìn rõ được. Nếu để lâu, anh có thể bị mù. Anh không dám nhìn mình trong gương. Một khuôn mặt đáng sợ, khuôn mặt của loài ma quái đã làm cho ba đứa con nhỏ của anh Alison, Dalton và Averi khóc thét lên khi nhìn thấy bố từ bệnh viện trở về.

Anh tâm sự làm sao trách được các con khi anh nhìn anh trong gương, anh cũng sợ...chính mình. Cái đầu trọc lóc, hai bên trơn tuột không có lỗ tai, đôi mắt nhỏ như hai cái lỗ, không có mí mắt trên, hấp háy và ti hí như mắt của loài kỳ nhông, cái miệng phẳng lì, méo mó, không có môi, cái mũi trơ xương nhọn hoắt. Kinh khủng nhất là những lớp da biến dạng, nhăn nhúm, chảy xệ xếp lớp trên mặt làm mặt anh thật đáng sợ.

Anh kể anh đã tìm cách đùa giỡn với chúng, kể chuyện về những con gấu anh đã đánh nhau với gấu nhưng chúng vẫn bỏ chạy, la hét và khóc ầm ỹ. Những giọt nước mắt của các con, của vợ anh cũng chính là những giọt nước mắt rơi từ hai cái lỗ nhỏ bất hạnh ấy để rồi có những lúc quá đau khổ anh đã muốn “Thà chết đi cho rồi”!. “Sống như thế không phải là đời sống”.

Trong vòng bảy năm sau đó, Pat đã trải qua liên tục bảy mươi ba ca phẫu thuật lớn nhỏ. Các bác sĩ đã dùng mô thịt và da đùi để tái tạo lại khuôn mặt gồm miệng, mũi và mí mắt nhưng cũng không thể làm cho khuôn mặt Pat trở nên bình thường. Một người bạn thân đau lòng trước sự đau đớn hành hạ thể xác Pat, sự mặc cảm trước đám đông và từ chối không muốn gặp ai, cuộc hôn nhân kéo dài được mười năm đến nay đã kết thúc, tâm lý bị các con ghê sợ và tránh xa, lại thêm chứng nghiện thuốc giảm đau và công việc kinh doanh bị trở ngại đã khiến cho người bạn này viết thư cho tiến sĩ Eduardo Rodriguez, người y sĩ tài năng đã thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép mặt thành công năm hai ngàn lẻ hai tại Đại học Trung tâm Y Tế Maryland. Pat cầu xin sự giúp đỡ của ông, một cơ hội để đưa anh trở về đời sống bình thường. Nhận được thư, tiến sĩ Rodriguez hứa sẽ cố gắng hỗ trợ trường hợp của Pat và đưa anh vào danh sách chờ đợi vào tháng tám năm hai ngàn lẻ bốn.

blank
Và Bác sĩ gốc Cuba Eduardo Rodriguez, người đạt kỳ tích.

Mười năm chờ đợi ca mổ, mười bốn năm sống trong đau khổ và gần như tuyệt vọng vì nổi bất hạnh, người khác có thể đã bỏ cuộc nhưng đối với Pat, anh đã có những đức tính cần thiết như can đảm, kiên nhẫn, sự tận tụy, trách nhiệm, niềm tin và hy vọng. Bác sĩ Rodriguez đã nhận xét Pat là một bệnh nhân được tuyển chọn hoàn hảo, một “ perfect candidate” thích hợp để thực hiện ca mổ phức tạp này.

Con đường thực hiện ca mổ này đòi hỏi Pat phải trải qua nhiều cuộc thí nghiệm, bảo đảm Pat sẵn sàng về tâm lý và thể chất nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải tìm người hiến tặng các bộ phận thích hợp với cơ thể của Pat. Một người gốc Á châu, một phụ nữ, đợi đến người thứ ba là David Rodebaugh sống ở Brooklyn New York mới đúng là người mà bác sĩ hài lòng.

David hai mươi sáu tuổi, làm nghề thợ máy, một tay đua xe gắn máy đã từng thắng nhiều giải thưởng, có máu giang hồ, có cùng loại máu, loại tóc, màu da, cấu trúc xương, cân nặng phù hợp với cơ thể của Pat. David lái xe gắn máy tránh một người phụ nữ trên đường làm anh ta ngã xuống. David không đội mũ bảo hiểm nên đầu đập mạnh trên đường. Bác sỹ đã mổ David hai lần nhưng David bị hôn mê, rơi vào đời sống thực vật. Gia đình đã đồng ý rút ống thở để David ra đi. Theo ý nguyện của David để lại, anh hiến tặng toàn bộ cơ thể cho chương trình “Live-On NY” hay còn gọi là “The New York Organ Donor” trong đó có khuôn mặt của David dành cho Pat.

Tiến sĩ Eduardo Rodriguez khoa trưởng trung tâm y khoa Langone của trường đại học New York bắt đầu ca mổ vào lúc bảy giờ rưỡi sáng ngày mười bốn tháng tám với một đội ngũ bác sĩ giỏi và y tá chuyên nghiệp gồm một trăm người.

Bốn mươi tám tiếng đồng hồ trước khi mổ, khuôn mặt David phẳng và dẹp, hai bên lỗ tai có xiên lỗ và có một cái sẹo hình móc câu ở sọ trong ca mổ trước đây. Lát nữa đây, khuôn mặt này sẽ được bàn tay khéo léo của bác sĩ Rodriguez tách ra khỏi hộp sọ và nổi lềnh bềnh trong một thau có dung dịch lạnh pha chất dùng để bảo quản cho cho sự tuần hoàn máu (hemodynamic preserving solution). Nó không còn là của David. Nó cũng chưa thuộc về Pat.

Khi các bác sĩ khám nghiệm và tuyên bố rằng bộ não đã chết, bác sĩ Rodriguez lạng da đầu của David từ phía sau đến hai bên mang tai rồi vòng qua mũi. Thủ thuật tinh xảo và tài năng của vị bác sĩ người xứ Cuba này là làm thế nào cắt các mô “tissue” mà vẫn giữ được các sợi thần kinh, các bắp thịt, hai động mạch cổ đưa máu từ tim đến các bộ phận như đầu, óc, mặt, cổ (carotid arteries) và hai tĩnh mạch cổ đưa máu từ đầu về tim. (internal jugular veins).

Trong khi tiến hành phẫu thuật, một sự trục trặc bất ngờ xảy ra đó là tĩnh mạch cổ của David lớn hơn của Pat làm Pat bị chảy máu nhiều. Bác sĩ Rodriguez phải làm một thủ thuật đưa tĩnh mạch vào một cái lỗ được khoét thật nhỏ trên cạnh động mạch của Pat để cho máu chảy vào tĩnh mạch này làm cho máu ngưng chảy.

Hai phòng mổ cạnh sát nhau. Pat nằm trong phòng mổ phía bên kia trong tình trạng mê sâu. Anh không biết rằng khuôn mặt mới của David đang trên đường di chuyển. Bác sĩ Rodriguez đeo bao tay, ông chậm rãi nhúng sâu vào dung dịch có máu đỏ, lấy khuôn mặt ra khỏi cái chậu, vẫy nhẹ cho máu nhỏ xuống hết rồi ông nghiêng mặt nhìn lên ống kính chụp hình. Khi giơ cao trước máy chụp hình, khuôn mặt hình như phồng to hơn. Nó không còn là khuôn mặt của David nữa. Cái trán hẹp hơn. Hai gò má phình to hơn. Hai cái môi xệ xuống như đang mỉm cười. Bác sĩ Rodriguez và các bác sĩ phụ tá đều biết công việc mình phải làm. Họ nâng khuôn mặt của David đặt lên trên khuôn mặt của Pat. Họ cắt bỏ các vết sẹo, nối lại các mạch máu và giây thần kinh, sắp xếp lại các xương mặt, phục hồi hai mí mắt, điều chỉnh lại hai môi, sau đó “drapping” phủ lớp da trên mặt Pat như người ta trải chiếc khăn trải giường.

blank
Khuôn mặt mới.

Hai mươi sáu tiếng đồng hồ làm việc căng thẳng. Từ khi chuẩn bị trước khi mổ, tiến hành làm phẫu thuật, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau ca mổ, số tiền chi phí lên tới con số từ tám trăm năm chục ngàn đến một triệu đồng. Số tiền này được trường đại học tài trợ. Đây là ca mổ tốn tiền nhất từ trước đến nay. Đó cũng là ca mổ phức tạp mất nhiều thời gian và có số bác sĩ và y tá tham gia đông nhất.

Trở lại ngành y khoa chỉnh hình, các ca mổ lớn cấy ghép mặt thành công và nổi tiếng trên thế giới trong vòng hơn mười năm nay đếm trên đầu ngón tay như năm hai ngàn lẻ một, bà Connie Culp, bốn mươi sáu tuổi bị chồng bắn. Năm hai ngàn lẻ năm, bà Isabelle Denoire ba mươi tám tuổi, người Pháp bị chó cắn. Năm hai ngàn mười, Oscar Wells ba mươi mốt tuổi bất ngờ lỡ tay tự bắn vào mặt. Năm hai ngàn mười một, Dallas Wiens, hai mươi tuổi làm nghề xây dựng bị phỏng vì điện giật... Đánh giá về sự thành công ca mổ của Pat, bác sĩ khoa trưởng trường đại học y khoa Robert Grossman nói: “ Đây là cái mốc chính và cũng là sự đóng góp quan trọng và to lớn về sự tiến bộ trong lãnh vực khoa học và ngành y khoa”.

Điều lo ngại nhất của giới y sĩ trong việc tiến hành phẫu thuật thay hoặc ghép các bộ phận đó là cơ thể chống lại sự tiếp xúc với các tế bào lạ.Trong vòng ba tháng theo dõi, bệnh nhân phải dùng một loại thuốc đặc trị chống lại sự đào thải các bộ phận cấy, ghép trong cơ thể.Theo thống kê, cứ ba trong năm trường hợp thay hay cấy, ghép, bệnh nhân chết vì các bộ phận mới không thích hợp này.

Da là bộ phận lớn và bảo vệ cơ thể. Nó là người lính đầu tiên và mạnh nhất chống lại bệnh tật và các vi trùng xâm nhập. Vì thế sau sáu tháng theo dõi và uống thuốc cho đến suốt đời, cơ thể Pat càng ngày phục hồi khá hơn. Pat có thể ăn được thức ăn bình thường mặc dù nói chưa rõ. Các vết sưng đỏ ở mặt xẹp và tan dần. Pat có thể đội mũ lưỡi trai, đeo kính râm, đeo tai giả đi mua sắm trong cửa hàng Macys mà không bị ai dòm ngó hay để ý về sự khác lạ trên khuôn mặt mới. Một khuôn mặt bình thường như những khuôn mặt của những người chung quanh được xã hội chấp nhận.

*

Sau đây là những lời tâm sự của Pat trong ngày lễ Thankgivings.

Sau ca mổ ngày mười bốn tháng tám năm hai ngàn mười bốn thành công, mỗi buổi sáng thức dậy, tôi tập một thói quen đó là đứng trước gương, tôi nhìn tôi trong gương với tất cả sự nhận biết từng cử chỉ và hành động mình đang làm. Tôi lấy tay xoa nhẹ và chậm rãi trên đôi má bầu bĩnh và toàn khuôn mặt tròn trịa với tất cả sự trân trọng. Cảm giác trơn láng, nhẵn nhụi, mịn màng của màu da trắng làm tôi liên tưởng đến một người, hơn cả một người bạn, một ân nhân, người cứu rỗi đời tôi: David Rodebaugh. Anh đã cho tôi làn da này.

Mỗi khi tôi xoa nhẹ và chậm rãi trên đôi má dọc theo hai bên thái dương, dưới cằm rồi vòng lên trên môi, hai tay tôi có cảm giác nham nhám, thô tháp, tôi biết rằng đó là những tế bào của những sợi râu quai nón và râu mép đang hoạt động. Chúng đang nhú dần từng ngày dưới làn da như những đóa hoa từ từ hé nụ. Chúng sẽ mọc dài ra rất nhanh, có sợi dài sợi ngắn và màu nâu đen. Đó là những sợi râu mạnh khỏe, đầy sức sống của David đang sống dậy trong làn da này và trên khuôn mặt tôi. Tôi không có râu quai nón. Đó là những sợi râu của người đã hiến tặng: David Rodebaugh.

Mỗi khi tôi nhìn đôi mắt tôi trong gương với hai lằn mí rất rõ làm cho đôi mắt càng ngày càng mở to ra sau khi hết sưng. Trên đôi mắt là cặp lông mày mọc khá dầy và có màu nâu đen cùng với màu của những sợi râu, tôi có cảm tưởng đôi mắt David đang nhìn và cười với tôi như muốn nói rằng sao chúng ta trông giống nhau thế hả anh bạn Pat?

Tôi thường ôm những đứa con tôi và hôn chúng trước giờ đi ngủ. Đôi môi của tôi màu hồng, hình giống như chiếc thuyền, có một nhân trung rất sâu ở chính giữa, môi trên mỏng hơn môi dưới. Khi môi tôi chạm trên đôi má mịn màng của những đứa trẻ, tôi có cảm giác đôi môi ấy mềm, láng, ngọt ngào của tình yêu thương. Khi David còn sống, tôi nghĩ rằng đôi môi yêu thương ấy đã từng hôn lên những đôi môi của nhiều người con gái trong cuộc đời của David, chàng thanh niên đẹp trai và lãng tử đã cho tôi một đôi môi đẹp và gợi cảm hơn cả đôi môi của tôi trước kia.

Tôi với David bây giờ là một. Chúng tôi có trong nhau. David không còn sống nhưng mẹ anh người phụ nữ tốt bụng đã đồng ý ký tên hiến tặng khuôn mặt David cho tôi. Khi đến thăm và nhìn khuôn mặt tôi, bà tưởng đã nhìn thấy con trai bà. Bà cảm động ôm tôi khóc òa và nói với tôi rằng: “Phép lạ của David sẽ sống mãi” (The miracle of David will live on).

Đúng như thế. Khuôn mặt của tôi là một “phép lạ” mà đứa con bất hạnh của bà đã ban cho một người đã chịu nỗi bất hạnh suốt mười bốn năm qua. Hạnh phúc của tôi bây giờ là sự bất hạnh vĩnh viễn của bà. Tôi không biết dùng lời lẽ nào để chia sẻ sự đau khổ của bà mẹ mất con cũng như tôi cũng không biết diễn tả thế nào về niềm hạnh phúc của người được xã hội chấp nhận là một con người. Sau tai nạn, trải qua nhiều sự đau đớn về thể xác và tâm lý, giữa sống và chết, hạnh phúc và đau khổ, được và mất... đối với tôi bây giờ cũng chỉ là những ảo ảnh của cuộc đời.

Người thứ ba tôi muốn nhắc đến với tất cả lòng biết ơn cùng với lòng kính mến, nể phục về tài năng và đạo đức của người y sĩ trong ngành y khoa đó là bác sĩ Eduardo Rotriguez. Khuôn mặt hiến tặng của David nếu không có đôi bàn tay khéo léo, tấm lòng nhân hậu, sự nhiệt tình và bộ óc siêu đẳng của ông trong nghề nghiệp chuyên môn, tôi sẽ tiếp tục sống trong cõi địa ngục trần gian đến cuối đời. Từ sự tuyệt vọng vì chờ đợi ca ghép mặt suốt mười năm quá lâu, ông đã an ủi tôi “Dont let you down”. Từ sự bi quan, ông cho tôi phân nửa sự lạc quan và sự thật “ It could give you a normal face or could kill you”.

Từ sự đau đớn về thể xác, ông cho tôi niềm tin rằng sẽ có những viên thuốc mới sẽ làm cho tôi vượt qua cơn nghiện. Ông theo dõi sát cơ thể tôi từ khi có đủ những điều kiện tiến hành ca mổ, khi tôi nằm trên bàn mổ cho đến sáu tháng sau ca mổ với ánh mắt lúc nào đăm chiêu và nghĩ ngợi sau mỗi lần khám bệnh hàng ngày.

Thế rồi một hôm, ông mời tôi cùng đi mua sắm với ông trong khu Macys. Tôi rất ngạc nhiên vì lời đề nghị này. Tôi và ông đi lang thang một lúc lâu, trong lòng nghĩ rằng ông đang cần tìm mua những chiếc áo sơ mi mới. Ông quan sát mọi người qua lại. Không ai quay lại nhìn hay quan tâm gì đến tôi cả. Ông nói ông muốn chứng kiến tận mắt hình ảnh xã hội đời thường chấp nhận tôi như thế nào. Khi nghe ông nói đến câu này, tôi đã bật khóc.

Trên đường về, ông khen tôi “You are special”. Tôi nói chính ông mới là người xứng đáng “You are special”?

Vài ngày sau tôi được ông trực tiếp đến tận giường bắt tay, ôm tôi và báo cho tôi biết tôi sẽ được xuất viện sau sáu tháng chữa trị. Nụ cười của ông lúc ấy thật rạng rỡ. Bệnh viện đã chụp rất nhiều tấm hình tôi trong ca mổ để theo dõi và làm tài liệu nhưng bức hình đẹp nhất sau mười bốn năm chạy trốn hình ảnh mình trên ống kính đó là tôi được chụp với ông trong buổi lễ chia tay và với những người đã từng gắn bó với tôi trong bệnh viện. Ông đã tạo nên một kỳ tích trong lịch sử y khoa ngành cấy ghép mặt ở xứ Mỹ và mãi mãi là thần tượng của tôi.

Ngoài ra, tôi muốn gửi những lời cám ơn đến đội ngũ các bác sĩ phụ tá bác sĩ Rodriguez và những người y tá mặc quần áo, đội mũ xanh làm việc âm thầm bên cạnh bác sĩ Rodriguez. Đó cũng là những chiếc áo trắng đi lại vội vã trên hành lang hay cắm cúi làm việc trong các phòng hành chánh, các phòng thí nghiệm, những người lao công, gác cổng, các sinh viên tập sự vô danh và rất nhiều người trong bệnh viện biết đến bệnh nhân Pat. Họ đã chăm sóc công việc vệ sinh, miếng ăn thức uống, chia sẻ từng viên thuốc, từng mũi kim chích trong những tiếng rên la vì đau đớn của tôi. Làm sao tôi kể cho hết còn biết bao nhiêu con người đóng góp cho quỹ học bổng của sinh viên trường đại học “the University Grant” đài thọ cho ca mổ này.

Cuối cùng tôi muốn cám ơn đến mái gia đình nhỏ của tôi. Các con tôi Cullen, đứa lớn đã vào đại học. Cullen và Brandon ngày đó chỉ đứng xa mà nhìn bố với ánh mặt sợ hãi. Còn ba đứa kia Dalton, Averi và Alison chắc đã quên hình ảnh chúng khóc thét lên và bỏ chạy khi thấy khuôn mặt của bố. Bây giờ chúng đã ôm tôi và cho tôi những nụ hôn nồng ấm như ôm hôn mẹ của chúng.

Cuối cùng, tôi muốn cám ơn Chrissi, người vợ cũ của tôi. Chrissi đã mệt mỏi vì phải chia sẻ bệnh tật của tôi rất nhiều trong mười năm qua nhưng sự chịu đựng của người phụ nữ có giới hạn. Cô ấy còn trẻ và cần có một sự thay đổi. Mặc dù hạnh phúc chỉ kéo dài có mười năm nhưng cô ấy vẫn còn trách nhiệm với các con của tôi. Với tôi, thế là đủ lắm rồi. Dù sao, cô ấy với tôi vẫn còn là tình bạn. Năm đứa con tôi vẫn là chiếc cầu nối giữa bố mẹ chúng.

Khuôn mặt mới. Cuộc đời mới. Niềm tin và hy vọng mới. Ngày lễ Thankgivings năm nay tôi muốn gửi một thông điệp đến mọi người thân yêu của tôi rằng trong những lúc tối tăm nhất của cuộc đời vẫn còn một tia sáng lấp lóe ở cuối đường hầm. Hãy bám víu lấy chút ánh sáng mong manh ấy và kiên nhẫn chờ đợi. Ánh sáng ấy sẽ có lúc lan tỏa và bừng sáng khi mình vượt qua được khúc quanh cuối đường. Tôi đang choáng ngợp đón nhận những tia sáng lấp lánh ấy. Đó là niềm vui đã trở lại trong trái tim tôi.

Ý tưởng này tôi học từ bác sĩ Eduardo Rogriguez, người ơn suốt đời và cũng là người đã cho tôi khuôn mặt mới.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
21/01/202022:06:27
Khách
cam on tac gia da viet ve bai nay. Neu khong toi khong biet duoc su tien trien cua nganh y khoa.
02/01/201607:25:18
Khách
Người đọc chúng tôi rất cám ơn tất cả các bạn viết văn trong mục VVNM. Chúng tôi không viết dược như các bạn . Bài viết của các bạn hay hoặc không hay, được giải hay không được giải, xuất xứ từ đâu, đề tài gì...chúng tôi đều appreciate công sức của các bạn đóng góp cho ngôn ngữ tiếng Việt .
01/01/201622:39:51
Khách
-Annie xin chào các bạn đọc VVNM. Năm mới, chúc các bạn sức khỏe và bình an.
-Cám ơn những lời góp ý chân thành và tấm lòng quý mến của các bạn.
- Đầu năm Annie xin chia sẻ một chút tâm tình của người viết. Đó là sự khó khăn về đề tài. Có những bài viết là kinh nghiệm của bản thân người viết hoặc của người khác. Có khi là những tài liệu, thông tin...Đề tài có khi VVNM , có khi VN. Còn mục đích ? Có những bài viết đúng như chị KL nhân xét, người không nhằm vào lãnh giải thưởng mà chỉ mong đươc chia sẻ với bạn đọc một thông tin hay, mới ,lạ....
Bài viết này là những thông tin có thật. Người viết đặt mình vào trong nhân vật để bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc của mình và viết thành một câu chuyện.
Cám ơn chị Kim Le đã hiểu được mục đích của Annie muốn chuyển những thông tin này đến các bạn , những người chả bao giờ vô mạng biết được nền y khoa Mỹ tiến bộ vượt bực.
-Cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện bằng chữ Hán của Thanh Tâm Tài Nhân bến Trung Hoa. Cụ viết bằng cái tâm của cụ và tài năng chữ Nôm và thơ lục bát của Việt Nam để trở thành một tác phẩm văn học lớn.
- Vì vậy mong bạn đọc thông cảm cho người viết về đề tài. Tuy nhiên, Annie sẽ cố gắng có những bài viết như sự mong muốn của người đọc và bạn Trịnh NY đó là sự sáng tạo, ý tưởng trung thực của kinh nghiệm bản thân người viết.
Một lần nữa, xin cảm ơn sự đóng góp của các bạn.
Phùng Annie Kim
29/12/201507:09:59
Khách
Rất đồng ý với bạn Trinh NY rằng bài viết này là tóm tắt lại từ những chi tiết đã đăng trên báo Mỹ, tương tự như bài gần đây của cùng tác giả về cậu bé con một liệt sĩ đã tặng 20$ cho một chiến binh.
Tuy nhiên, cũng phải cám ơn tác giả đã tìm tòi viết lại để cho những người không đọc được tiếng Anh thưởng thức. Bài viết (có thể gọi là bài lược dịch từ nhiều bài tiếng Anh) chắc không được giải thưởng nhưng có ý nghĩa thông tin, có lẽ đó là điều tác giả muốn hướng tới.
28/12/201519:53:39
Khách
Nếu chúng ta tìm đọc New York’s News & Politics hoặc vô Google đánh máy những chữ chính như “Pattrick Hardison”, “David Rodebaugh”, “Dr. Eduardo Rodriguez”, “Face Transplant Surgeons Make History And Change A Man's Life”, “Fireman face transplant revealed”, “How One Man's Face Became Another Man's Face”, v.v. thì sẽ thấy rằng nội dung của bài viết trên là sự dịch lại và tóm lược các bài báo người Mỹ đã đăng.
Cám ơn sự chịu khó tìm tòi đề tài, thông tin thực tế và sức viết từ tác giả nhưng tôi cho rằng độc giả mong đợi hơn thế nữa. Nội dung Viết Về Nước Mỹ tuy mở, giải thưởng tuy hấp dẫn nhưng đòi hỏi rất nhiều từ bản thân người viết, lối viết sáng tạo cho đến sự trung thực của ý tưởng.
28/12/201502:16:05
Khách
Thêm một bài viết rất hay đầy n tính hân bản. Chúc sức khỏe của tác giả.
24/12/201502:06:20
Khách
Một bài viết quá hay.
Từ một câu chuyện thật, tác giả đã kể lại những chi tiết thật là sống động, những tình cảm rất thực của nhân vật và những nhận xét hết sức tinh tế.
Cám ơn tác giả. Mong được đọc tiếp những bài viết đặc sắc khác.
23/12/201522:18:11
Khách
Vị bác sĩ này có thể là một trong hàng trăm ngàn người Cuban vượt thoát bằng đường biển đến Hoa Kỳ vì không chấp nhận chế độ độc tài Fidel Castro cũng như người VN vượt biên vì không chấp nhận chế độ CS.
Nước Mỹ đã bao dung và có nhiều cơ hội cho ộng học hành và trở thành vị bác sĩ tài ba trong ngành phẫu thuật.
Nếu còn ở Cuba có thể ông chỉ là ....công nhân trong hãng thuốc xì gà La Havana.
22/12/201516:15:33
Khách
Câu chuyện kể hay và lôi cuốn người đọc
Người lính cứu hỏa Pat có một khuôn mặt mới không còn là một huyền thoại nữa.
Ngành y khoa của nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới.
22/12/201505:24:23
Khách
Chị Kim ơi, phục chị sát đất khi đọc bài viết nầy. Cảm ơn chị muôn vàn khi chị đã chọn đề tài để viết, một câu chuyện thật mà cứ ngỡ là câu chuyện cổ tích có những vị Tiên, Phật đã hiện ra để cứu người, cứu đời. Văn chị bình dị nhưng sao quá xúc động, nó chạm vào từng thớ thịt, từng ngóc ngách trong trái tim tôi. Câu chuyện tràn đầy nỗi đau đớn tột cùng hòa quyện với tình yêu. Từ động lực của Tình Yêu xuất phát từ Tình Bằng Hữu của người bạn thân để viết lên lá thư thắm thiết khẩn cầu sự giúp đỡ, Pat đã được đoái hoài. Tình Yêu của người bạn thân ấy đã khởi đầu sự cứu rỗi cuộc đời của Pat. Nếu BS Rodriguez bỏ qua lá thư ấy, thì Pat cũng tiếp tục chịu đựng kiếp sống trong hỏa ngục! Và rồi Tình Yêu nối tiếp Tình Yêu để mang Pat trở về Cuộc Sống của đời thường với hỉ nộ ái ố...
Đọc một mạch đến hết...và tôi đã chấp tay nguyện cầu xin cho trái đất này ngày càng nhiều trái tim nhân hậu với tài năng lỗi lạc xuất chúng để cứu nhân độ thế.
Lần nữa cảm ơn tác giả đã viết bài này, cảm ơn Việt Báo đã chọn đăng.
Mùa Giáng Sinh về, tôi bỗng nhớ đến quê hương tha thiết và càng nhớ những câu thơ
"Vinh Danh Thiên Chúa Trên Các Tầng Trời
Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm" ngày ấy giăng mắc khắp nơi trong các Thánh Đường Miền Nam...
Cầu xin Đất Nước tôi mau thoát khỏi số phận của một đất nước mà Tình Người và Lương Tâm như diệt chủng, và số lượng những kẻ sống vô cảm đang lũy tiến...để tôi được sống lại của thời Lưu Bình- Dương Lễ!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,249,832
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết thứ ba của bà được viết nhân khai trường, để Kính tặng các Thầy Cô cuả Trường SPSG; - Thân tặng các Anh Chị cựu Giáo-sinh SPSG; Và riêng tặng các bạn SPSG/ nhất 9 nhị 15/ K.12/73-75.
Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, đã nhận giải danh dự năm (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” (Á khôi) năm 2017. Tác giả về hưu từ lâu và đang định cư tại Orange County. Bài viết mới, thể hiện tâm tư và cách nhìn chủ quan của “một kẻ lưu vong bất đắc dĩ,” nói theo tác giả, và không có ý định tạo mâu thuẫn, tranh cãi với những người không cùng quan điểm.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình My, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tiếp tục viết bằng tiếng Việt và đây là bài thứ hai.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", tác giả đã nhận Giải Viết Văn Việt ngữ Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông bà có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, ngày 18 -12-2012 đã kể chuyện tình 40 năm hạnh phúc của Ông Bà Sáu. Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu Tuyết thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Bài viết của ông Sáu tưởng niệm “Cuộc Đời Của Tuyết” đã được phổ biến ngày 27/07/2018. Sau đây, là bài viết mới về LA họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến