Hôm nay,  

Tiếng Rao Ngày Cũ

17/12/201500:00:00(Xem: 16177)

Tác giả: Phan
Bài số 3701-17--30201vb5121715

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ và số lượng người đọc đông đảo nhất và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Hôm qua lạnh quá, ảnh hưởng bão tuyết vùng Đông Bắc nên xứ cao bồi cũng teo tóp theo. Ngồi uống vài chai bia với người bạn già ngoài garage, chứ đâu dám ra sân sau nhà vừa đốt lửa vừa uống bia như mới tuần trước. Xứ sở có thời tiết khùng điên nhất Hoa Kỳ đến người bản xứ còn nói Texas là tiểu bang crazy weather. Thế là chúng tôi phải mở cái máy sưởi nhỏ để hong chân, hơ tay.

Bạn về, tôi dọn dẹp, rồi ngồi đọc báo một mình. Gió bên ngoài cửa garage cứ rít lên từng cơn u uất, tiếng cây sồi già ngoài sân trước xào xạc dữ dội, trút những chiếc lá cuối cùng xuống nền xi măng trước garage nghe rõ lắm… một năm nữa sắp đi qua! Tôi nhớ anh bạn già vừa nói, “thời gian bên đây sao mà nhanh quá, tuổi già xồng xộc tới mà biết sợ! Lạnh cỡ này đối với tụi mình hồi mới qua Mỹ có ăn thua gì. Ông còn nhớ…” Tôi biết bạn tôi muốn nhắc lại những lần tuyết đá mênh mông, hãng đóng cửa lý do thời tiết là thể nào chúng tôi cũng kéo tới nhà ai đó để nấu nướng, vui chơi cho hết ngày với tiêu đề “Mừng lễ tuyết”. Dĩ nhiên là làm đồ tể ngoài trời, ngoài sân sau nhà, ngoài garage, chứ đàn ông làm bếp thì đâu bà vợ nào cho làm trong nhà; trong gian bếp sạch hơn phòng ngủ của đàn bà Việt Nam!

Thời gian quả lợi hại hơn hết mọi thứ trên đời. Mới đó mà hai tay đầu trần, chân đi dép kẹp cả ngày ngoài trời tuyết không sợ. Mới đó mà mới đây đã tới, hai thằng con nít sống lâu năm ngồi trong garage, phải mở máy sưởi vì lạnh, trong khi bên ngoài tuyết đã đâu rơi. Tôi an ủi bạn, “ông nghĩ lại đi. Cứ nói câu: hồi mình mới qua, nghe như mới hôm qua. Nhưng kỳ thực thời gian ông ở đây đã gấp đôi tuổi đời hồi ông mới tới…”

Bạn về. Tôi không đến nỗi sợ già, nhưng đã đến lúc biết tiếc nuỗi thời gian. Nhìn cái máy sưởi nhỏ mới mua mà tiếc mấy chục năm không sợ lạnh đã là dĩ vãng. Bởi mười đầu ngón tay với mớ ngón chân cứ tê cóng, đòi đông đá. Mắt mũi chó hùa, mũi thì cứ hắt xì xằng, mắt đòi thay kính, nên những hàng chữ như đàn kiến trên màn hình laptop mờ dần. Chỉ cái điện thoại bên cạnh tôi, Vô Thường vẫn chơi độc tấu ghita mấy bản nhạc quen, nghe buồn não nuột… Tôi dựa tường thiếp đi theo nỗi nhớ Sài gòn cứ nhất định không buông tha tôi vào những dịp cuối năm. Không gian và thời tiết vô mùa hoài niệm; hay khi bỗng dưng đời sống không còn những tất bật, náo hoạt của tiếng máy cắt cỏ bên nhà hàng xóm, tiếng trẻ con đạp xe đạp năm ba đứa ngoài đường, chúng thường nói cười với nhau rôm rả từ xa, rồi rõ dần đến ngồi trong garage vẫn nghe rõ, tiếng cười hồn nhiên của tuổi nhỏ xa dần cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, đám nhỏ đã đạp xe qua nhà một đoạn nên hết nghe tiếng chúng là hiện thực; và trong mơ hồ, tuổi nhỏ tôi hiện về những ngày tháng rong chơi trên chiếc xe đạp với bạn bè… Chắc các bạn tôi bây giờ sinh sống trên khắp địa cầu, cũng có những lúc ngồi nhìn lại mình qua hình ảnh đám trẻ như tôi…

Nghĩ lại những người Việt đến đây từ năm 1975, những người có thời gian xa quê bằng tuổi đời từ lúc đến thì nay đã tám mươi, kẻ mất người còn. Những người trẻ lúc ấy thì nay cũng đã già. Bốn mươi năm nhìn lại từ ngày người Việt bỏ nước ra đi. Ôi biết bao là sinh ly tử biệt. Nếu nhìn ở mặt tích cực hơn để đừng để trời cuối năm hành hạ nỗi nhớ, tình hoài hương bất tử trong lòng người tha hương. Nhìn lại cộng đồng Việt nam ở hải ngoại, riêng ở Mỹ là đông nhất và thành công cũng đáng kể lắm! Tôi cố moi trí nhớ về những thành công của người Việt ở Mỹ trong bốn mươi năm qua để ôn lại trang báo cuối năm, nhưng sao chỉ nghe văng vẳng tiếng bác Năm chè rao hàng trên con hẻm vừa tối vừa mưa…

Trời lạnh quá, chứ không tôi đã ngủ ngồi tới sáng. Bởi giật mình vì lạnh thì đồng hồ trên tường garage đã chỉ quá nửa đêm. Trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, tôi còn nghe tiếng bác Năm vọng theo những con hẻm dài… “chè… đây! Chè đậu xanh bột bán nước dừa…” tiếng bác Năm không nhầm lẫn với ai được vì đó là bà tiên trong tuổi nhỏ của tôi. Những hôm mưa gió, ế ẩm. Bác Năm phải khoét cái túi ny-lon lớn thành áo mưa để mặc; bác dắt đôi dép vào quang gánh để vững chân trần với trơn trợt trời mưa mà cố bán hết gánh chè thì mới có tiền để mua gạo về nhà nấu cơm cho con cháu ăn. Thế mà thằng nhóc tôi, không nói, chỉ nhìn thôi! Ánh mắt của một thằng bé không tiền, chỉ có người mẹ nghèo mới hiểu được những cơn thèm của tuổi thơ xã hội chủ nghĩa. Nên bác Năm, có khi làm lơ như không thấy để đi luôn; nhưng bác không đi qua được Phật tánh ở trong lòng mẹ Việt nam nên quay lại, đậu gánh chè xuống trong gió mưa, hé cái nắp nội chè ra tí thôi thì mùi hương đậu xanh bột bán nước dừa đã đưa tôi lên đến thiên đàng. Thế là Phật bà ban phước xong, lại lần lũi đi vào mưa gió và ngõ cụt! Ánh đèn vàng soi bóng bác Năm với gánh chè ế ẩm hôm gió mưa… Ôi những sợi mưa qua ánh đèn vàng ngõ hẻm đã làm tóc bác Năm bạc trắng như mưa. Làm sao tôi quên được bác Năm bán chè với tiếng rao ngày cũ của bác.

Đêm đông lạnh lẽo, ngồi nhớ lại những tiếng rao hàng gánh xa xưa. Đã bao năm rồi không còn nghe lại tiếng rao hàng chào mời của người bán gánh - là một nét văn hoá đặc thù Việt nam. Nghĩ về cuộc ra đi vĩ đại nhất của nhân loại cuối thế kỷ hai mươi của người Việt nam bỏ nước ra đi. Chúng ta đã mang đến đất nước này nhiều nét văn hoá Việt để góp phần vào nền văn hoá đa dạng nơi đây. Trong cộng đồng người Việt, nhiều gia đình Việt nam vẫn còn giữ được những phong tục tập quán về những ngày lễ, tết, ngày giỗ và cố gắng duy trì như những di sản của cha ông để lại. Đó là điều ấm lòng viễn xứ cho những ai đã biết lạnh khi mùa cuối năm về. Cái lạnh không lẻ loi riêng nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, mà người bạn đồng hành của nó mới ác ôn, chính là cái lạnh chân trời góc biển trong lòng. Lạnh thời tiết thì mở máy sưởi lên là xong, nhưng lạnh lòng thì chỉ có bếp lửa của mẹ những ngày còn thơ mới đủ ấm. Củ khoai lùi tro than trong bếp lửa của mẹ vẫn nguyên mùi thương tưởng trong lòng già; tiếng bác Năm rao chè trộn trong tiếng gió mưa đêm xưa còn vang vọng trong đêm đông viễn xứ…


Người Việt đã đem đến Mỹ nhiều nét văn hoá của dân tộc Việt. Nhưng có lẽ ẩm thực là nét văn hoá dễ tiếp cận nhất. Nên phở, bánh mì, chả giò, cà phê sữa đá… đã ngạo nghễ có tên trong những món ăn uống ưa thích của người bản xứ. Càng vinh dự khi tên nguyên thủy của phở vẫn được người Mỹ giữ nguyên là phở, bánh mì vẫn là bánh mì, không bị Mỹ hoá như những chủ tiệm phở đi dịch ra tiếng Anh trong thực đơn của nhà hàng mình là beef noodle soup, hay chicken noodle soup… Đến nước mắm của ta, trên báo New York Times hay Wall Street Journal vẫn được giữ nguyên là nước mắm, chỉ con buôn nước mắm mới phụ đề Anh ngữ là fish sauce để bán chạy hàng. Người Mỹ biết trân trọng văn hoá của người Việt trong khi người Việt lại tự Mỹ hoá đặc trưng văn hoá của mình!

Món cà phê sữa đá cũng là món thức uống rất đặc biệt của người miền Nam nước Việt. Vì trời Sài gòn thường nóng từ sáng tinh mơ cho tới chiều mờ, thì uống một ly cà phê sữa nóng có ngon lành gì với mồ hôi sẽ tươm ra như tắm. Thế nên người Sài gòn mới pha vào ly cà phê một hai muỗng sữa đặc có đường, rồi hoà chung với đá cục đập nhuyễn. Trời Sài gòn nóng đổ lửa, giữa trưa mà đổ vào miệng một ngụm cà phề sữa đá thì sướng hơn lên trời.

Nghĩ rộng hơn, mỗi người Việt đều đem đến Mỹ những nét văn hoá riêng của gia tộc, lồng trong văn hoá chung của dân tộc. Như phở là văn hoá chung, nhưng mỗi nhà nấu phở theo phương cách gia truyền nên càng làm cho phở thêm phong phú. Phong phú đến một lần tôi được bạn mời ăn phở, ăn chung với mấy người bạn Mỹ cùng đến chơi nhà anh bạn tôi. Chị nhà nấu phở gia truyền là phở tôm. Mấy tay Mỹ xì xà xì xụp khen ngon, riêng Mít tôi thấy quá đà sáng tạo; vì tô hủ tíu hải sản đã có chỗ đứng trong thực đơn rồi!

Nhưng ly cà phê sữa đá, phải khẳng khái, kiêu hãnh nói là của người Sài gòn. Nhưng khi Mỹ du sang đây đã Mỹ hoá theo khẩu vị bản xứ là người ta thêm vào ly cà phê sữa đá đó hương vị chocolate, caramel hay vanilla… là hương vị bản xứ để làm giàu cho những thương hiệu cà phê như Starbucks, Dunkin' Donuts, Coffee Bean v.v... Dù sao ngon nhất vẫn là cà phê Buôn Mê Thuột pha với sữa đàn ông là ngon nhất vì chỉ ở Việt nam mới có sữa ông Thọ.

“Chúng ta đi mang theo quê hương”, cụm từ ngày nào nghe còn mủi lòng thì máu Việt trong ta chưa loãng. Nhưng có quá nhiều thứ chúng ta không mang theo được như tiếng rao hàng gánh của bác Năm ở xóm tôi. Dù bao năm không còn nghe nữa nhưng nó vẫn ở trong lòng. Đó là tiếng nước tôi, đã bào mòn phế phủ hơn văn minh tây phương; thử hỏi là sao quên được tiếng bác Năm trong gió mưa đêm, những sợi mưa dưới ánh đèn vàng bạc trắng theo quang học thì tôi không thấy! Tôi chỉ thấy tóc bác Năm chè bạc trắng như những sợi mưa. Giả sử một người Mỹ yêu Việt nan tới mức lấy được bằng Việt ngữ bốn năm ở đại học nào đó trong nước Việt; thì cũng chỉ tiếng Viêt bốn ngàn năm của tôi mới đọc được gió mưa trong sợi tóc bạc của bác Năm chè…

Sống ở Mỹ mấy chục năm, thèm nghe một tiếng rao hàng gánh giữa đêm đông như Tưởng Năng Tiến thèm nghe tiếng chửi thề khi bơ vơ nơi đất khách quê người, “excuse me/ Im sorry nói mãi/ thèm một câu chửi thề…” Kể ra, người Việt hải ngoại không chỉ biết làm thơ tự do vì đã quên tiếng Việt. Đôi khi cũng có người còn nhớ tiếng nước tôi là câu chửi thề. Nó thiếu văn hoá nhưng lại là văn hoá đặc trưng của tiếng nước tôi.

Ôi những tiếng rao của những bà mẹ nghèo văng vẳng trong những khu xóm ở quê nhà, “Ve chai, dép đứt,… thau nhôm hư, tập báo cũ… bán… h…ô…n…”; chiều mưa cuối năm mà nghe “mài dao mài k…é…o… đây!” Nghe cái chữ “hôn”, chữ “kéo” kéo dài não nuột như nghèo muôn thuở; nghèo từ tiền kiếp tới hậu lai. Nên tôi thề không giàu để còn có quê xưa hơn có tiền rồi sanh tật.

Ở đây, Mỹ quốc giàu mạnh nhưng như không ảnh hưởng gì tới những cộng đồng người Việt thiểu số sống dọc ven biển bờ Đông. Ngôi chợ chồm hổm ở khu xóm người Việt tại New Orleans, Louisiana… cũng là những bà mẹ Việt Nam, cũng những trái bầu, trái bí, bó rau trồng ở nhà; con tôm, con cá đánh bắt được ngoài biển thì đem ra bày bán ngay bãi đậu xe của nhà thờ, góc đường không đông người qua lại. Các mẹ cũng vẫn bày trên những mẹt tre, lá chuối. Dáng mẹ ngồi xổm y như mấy mươi năm trước ở những làng quê, xóm biển bên nhà. Nhưng chắc trên đất khách quê người nên không nghe tiếng mời chào, lời rao có vần có điệu nữa.

Tiếng rao hàng gánh ngày xưa ở quê xa thường đi chung với đôi quang gánh, hay cái thúng, cái mẹt đội trên đầu người bán hàng rong nghèo khó. Nhưng sao lại còn mãi trong ký ức tha hương tôi đôi quang gánh trên vai những mệ chạy giặc từ miền trung vào; Mệ mua vài mớ rau, vài ký đậu đũa, mớ cà chua, mớ dưa leo, mớ bông so đũa, nhúm ớt… từ miệt Củ chi, Hóc môn, rồi bán gánh dài về tới Sài gòn. Mệ đi trong nắng, mệ lội trong mưa. Ôi chiến tranh làm mắt mệ đã khô tuyến lệ nên không thấy mệ khóc; nhưng lưng mệ còng vì hoà bình, nên khói thuốc Cẩm lệ vấn bằng lá chuối của mệ đặc quánh lại những chiều mưa cuối năm se lạnh. Mệ nhớ nhà, nhớ miền trung chiều giáp tết, thương tưởng người thân thất lạc muôn phương… gánh hàng ế ẩm trên vai mệ đậu xuống bến Bạch Đằng, mệ ngồi nhìn lục bình trôi trên sông Sài, khói thuốc mệ bay về cố thổ… là hình ảnh tôi chỉ ghi nhận được thời trẻ để khi trôi miên man trên dòng đời, đêm đông viễn xứ nhả làn khói dạt trôi mới nhớ tới mệ điêu linh năm nào…

Đêm đông, ngồi nhớ tiếng rao ngày cũ. Tiếng rao hàng của những người bán rong nghèo khó - sao lại là cái chúng ta đi không thể mang theo đích thực của cội nguồn.

Chỉ có nỗi buồn màu hổ phách sóng sánh đêm đông…

Phan

Ý kiến bạn đọc
10/06/201606:03:28
Khách
Bài này hơi sáo.
17/12/201512:19:24
Khách
Tôi đã thấy một Saigon của tôi và của mọi người trong bài viết của "PHAN". Xin cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,302,549
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Hai bà má của tôi -má ruột và má chồng- bây giờ ''ngon lành'' hết biết. Cả hai cụ đã là công dân Mỹ, công dân của một nước ''ngon lành'' nhất thế giới.
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến