Hôm nay,  

Hành Trình Một Giấc Mơ

13/12/201500:00:00(Xem: 15617)
Tác giả: Lê Phạm Lê
Bài số 3697-17--30197vb8121315

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1949 tại Tuyên đức; Trước 1975, là Giáo sư Quốc văn Trung học đệ nhị cấp; 1979, vượt biên đến Mỹ; 1989-2011: phục vụ trong hệ thống Đại học Cộng đồng thuộc miền Bắc California với chức vụ English Instruction Lab Coordinator; hiện là cư dân hưu trí tại vùng vịnh San Francisco. Đã xuất bản một số sách Anh ngữ, trong đó có thi tập Trùng Dương Sóng Vỗ/Waves Beyond Waves (dịch sang Anh ngữ với Nancy Arbuthnot, bản dịch Nhật ngữ của Noriko Mizusaki), Chikurintan Publi-shing Chiba, Japan, 2013.

Lê Phạm Lê đã được tổ chức United Poets Laureate Inter-national trao tặng “Peace Poetry Golden Medallion” tại Hội nghị Thi ca Quốc tế lần thứ 23, Osaka, Japan, March 25-29, 2014.

blank
Bìa sách mới nhất: Magical Voice in the Forest--Children Book, TATE Publishing, USA, 2015.

* * *

Khi bình minh vừa ló dạng ở cuối chân trời, hành khách trên chuyến tàu mang bảng số “KG#...” chật ních và hôi tanh mùi cá cũng vừa nhìn thấy đất liền. Họ hi vọng đó là bờ biển Mã Lai.

Ngay lập tức, tiếng ồn ào, náo nhiệt bừng lên trên boong tàu. Nỗi háo hức hiện rõ trên nét mặt mọi người. Cảm giác này như lây lan từ người này sang người khác, ngay cả những hành khách bị say sóng dật dừ mấy ngày qua cũng bắt đâù tỉnh táo trở lại, nói chuyện huyên thuyên. Đối với đa số trong nhóm người vượt biên, đây là điểm khởi đầu của sự kết thúc một cuộc hải hành đầy hiểm trở; ấy vậy, niềm hân hoan của họ đã không được kéo dài.

“Rat-Tat-Tat-Tat!” Một loạt súng nổ vang trời khiến mọi người đang rộn ràng bỗng nín im thin thít. Dõi mắt nhìn xuyên qua ánh nắng ban mai, hành khách nhận ra đó là chiếc tàu tuần duyên nhỏ với vài người đàn ông mang súng máy.

“Lẽ nào lại như vậy?“

“Coi kìa, lính Mã Lai chứ còn ai!”

“Cứ nói với họ là chúng ta đi tìm nơi tị nạn chính trị,” một hành khách trên tàu thì thầm với mấy người ngồi bên cạnh.

“Đúng rồi, phải cho họ biết bọn mình là người di tản từ Việt Nam,” một người khác trong nhóm cố nói to hơn nhưng chỉ đủ cho cả tàu cùng nghe.

“Nhưng làm sao nói chuyện với họ bây giờ?”

Không có ai trên tàu biết nói tiếng Mã Lai! Và tệ hơn nữa, ai dám cả gan làm “bia đỡ đạn” trong lúc này?

Sau một lúc xầm xì, bàn tán xôn xao, năm mươi hai người gồm đàn ông, đàn bà, già, trẻ, chen chúc nhau nằm mẹp xuống sàn tàu. Rồi theo sự thúc giục của ông chủ tàu, một người phụ nữ khoảng chừng ba mươi tuổi, nhỏ nhắn và rụt rè tiến về phía mũi tàu, đại diện cho cả nhóm, có lẽ vì nàng là người duy nhất có thể nói chút ít tiếng Anh. “Chúng tôi là người tị nạn đến từ Việt Nam.” Dù cách phát âm còn có vẻ hơi vụng về, nàng cố gào to lên giữa tiếng sóng ồ ạt vỡ, tay ôm chặt đứa con sơ sinh vào lòng. “Xin vui lòng giúp đỡ. Chúng tôi không dám mong gì hơn là được đến bến bờ tự do.”

May mắn thay, tiếng súng chỉ thiên của những người lính tuần Mã Lai bỗng im bặt. Sau khi lấy lại bình tĩnh, người tài công quan sát kỹ để biết chắc chắn họ đang ra dấu cho tàu chúng tôi cập bến. Mọi người thở phào nhẹ nhõm! Sau ba ngày, hai đêm, lênh đênh trên biển cả, giờ đây bờ biển Trengganu nằm về phía Tây nước Mã Lai đã hiện ra trước mắt chúng tôi.

Ôi, còn gì vui sướng hơn khi người bạn láng giềng đã thật sự “Buông nòng súng mở tấm lòng nhân đạo/Bờ tự do, bến lạ vẫy tay chào!”(19).

*

Trên đây là những gì xảy ra trong bước đầu cuộc hành trình vượt biển của con tàu mang số “KG#…” do con tôi kể lại trong một đoạn văn viết bằng Anh ngữ, và người phụ nữ ấy chính là tôi (tác giả), phát ngôn nhân bất đắc dĩ của chuyến tàu năm xưa. Rời Sài Gòn vào khuya 11 tháng 11 năm 1978 sau khi nghe đài khí tượng thông báo “cơn bão thứ 13” sắp sửa diễn ra, tôi rón rén đi ngang qua dãy hành lang cư xá Vĩnh Hội mà lòng thấp thỏm, vừa đi vừa vái Trời Phật phù hộ, đừng cho ai thấy chúng tôi dù lúc này cả phường đang say ngủ.

Thương cho người em gái út hé cửa, đứng nhìn theo cho đến khi vợ chồng tôi và đứa con mới sinh được bốn tháng khuất bóng sau hẽm chùa, nhưng tôi không có can đảm quay đầu nhìn lại. Trước đó chỉ vài hôm, một gia đình ở cùng xóm định vượt biên nhưng việc bị bại lộ. Khi vừa trở về vào tối hôm ấy và nghe tin nhà đã bị niêm phong, họ phải tức tốc lánh đi ngay trước khi bị công an phát giác. Nghĩ đến đây, bỗng dưng tôi rùng mình; tuy vậy, tôi nghĩ ít ra mình còn may mắn hơn nhiều người khác.

Vì buộc phải tuyệt đối giữ bí mật cho sự an toàn của mọi người trong chuyến đi, tôi không được tiết lộ một chi tiết nào dù với bất cứ ai, và một phần cũng vì mới sinh con đầu lòng, sức khoẻ của tôi vẫn chưa hồi phục nên không kịp về Đà Lạt thăm Ba Má tôi để nói lời từ giã. Tội nghiệp Ba tôi, bất chấp hai vai đang đau nhức, tay xách, nách mang 10 kí lô gạo vô Sài Gòn thăm tôi, tới nơi thì mới hỡi ôi… không biết con, rể, và cháu mình đã trôi dạt phương nào. Tình cha như núi cao vời vợi và biển cả mênh mông! Đang lúc Ba tôi bàng hoàng đứng nhìn căn hộ của chúng tôi bị niêm phong, một tên công an không biết đã có mặt ở đó tự lúc nào, mời ông về phường để điều tra. Trong sự nghẹn ngào, Ba tôi kể lể, “Tôi không hề hay biết gì hết. Chồng nó đem con gái và cháu ngoại tôi đi đâu, giờ này không biết sống chết ra sao!” Thấy không “săn” được tin tức gì khác hơn, họ hỏi qua loa, nhốt Ba tôi một đêm rồi thả ông về. Viết đến đây tôi không thể ngăn được dòng nước mắt, và mỗi khi nhớ lại điều này lòng tôi vẫn đau như bị dao cắt!

Chúng tôi khởi hành từ bến Rạch Giá theo đợt sóng tị nạn ồ ạt bắt đầu từ tháng Chín, năm 1978. Bước chân lên tàu khi “cơn bão thứ 13” vừa ập tới với hi vọng tránh khỏi sự theo dõi của công an duyên hải Việt Nam, chúng tôi đã phó mặc đời mình cho số phận đẩy đưa.

Trước đó, chồng tôi và người em rể đi coi thầy bói, hình như ông Thầy Chiêm thì phải. Nghe nói chuyến đi của chúng tôi sẽ không gặp trở ngại gì, có điều con tôi chỉ bị “ho sơ sơ” nên chúng tôi cũng tạm tin như vậy. Tôi nhớ đến tâm trạng một người lính nào đó trên đường hành quân đã đeo chiếc dây chuyền có cái nanh heo rừng như cố bám víu vào một cái gì đó dù rất mong manh, để tự trấn an và cũng để cầu mong phép lạ đến với mình trong lúc hiểm nguy.

Chúng tôi đi xe đò từ Sài Gòn về Vĩnh Long. Trên suốt đoạn đường từ Vĩnh Long đến Rạch Giá, tôi ôm con nhỏ, ngồi sau lưng chiếc Honda do người em chồng lái, có một khúc đường rất xấu với nhiều vết loang lỗ, xe vồng lên, vồng xuống thiếu điều muốn lọt xuống đường. Chồng tôi đi xe ôm với một người khác, chạy theo sau. Chúng tôi đến Rạch giá vào lúc trời vừa sập tối nhưng cũng may tìm ra căn nhà nhỏ trong ngõ hẽm của thành phố biển này. Một người đàn bà đứng tuổi hé cửa, nhận ra “đám Sài Gòn”, chào và mời chúng tôi vào nhà. Bà ta ra dấu cho chúng tôi ngồi trên sàn nhà dưới ánh đèn lờ mờ. Đêm ấy muỗi đốt đầy chân, tay và nỗi lo lắng làm tôi không sao chợp mắt được. Vừa lúc trời tờ mờ sáng khi bà chủ nhà chứa người vượt biên phát cho mỗi người một gói xôi, tôi phải vội vàng bồng con theo người dẫn đường ra bến sông.

Trước khi đi, tôi đã năn nỉ người tổ chức cho gia đình tôi được đi chung trong khi di chuyển từ tàu nhỏ sang tàu lớn để khỏi thất lạc nhau, hoặc giả nếu có gì xảy ra thì cùng chịu chung số phận. Thế là trên bến sông hôm ấy, người lái đò và tôi (trong chiếc áo bà ba cũ kỹ, mới tậu được lúc dừng chân ở Vĩnh Long với mái tóc dài đã được búi tó cho ra vẻ một người đàn bà nhà quê thứ thiệt) lênh đênh trên chiếc xuồng “tắc ráng.” Chiếc ghe lắc lư rẽ nước, xuôi dòng đưa mẹ con tôi đi “gặp ông thầy lang để xin thuốc chữa bệnh cho con” (đây là điều tôi phải học thuộc lòng hờ khi có ai hỏi tới). Trong khi đó, chồng tôi và người chèo thuyền trên một chiếc “tắc ráng” khác, không gần thuyền chở mẹ con tôi lắm nhưng chúng tôi có thể nhìn thấy nhau.

Hai chiếc xuồng máy này đưa chúng tôi đến một xóm nhà lá bên một mé sông nào đó, nằm chờ trong sự cảnh giác tối đa! Đêm đến, mỗi lần nghe tiếng chó sủa tôi đã phải thót tim vì sợ bị xét giấy tờ. Khi nhớ lại cảnh này, tôi không ngờ mình dám liều lĩnh đến như vậỵ, nhất là chịu cho con uống thuốc ngủ, dù với lượng rất nhỏ theo toa của một vị bác sĩ quân y trước năm 1975, và theo sự yêu cầu của người chủ tàu. Thật là một đại hoạ nếu có đứa con nít nào lỡ khóc trong lúc này! Chờ đợi trong sự phập phồng lo sợ cho đến khuya chúng tôi mới được lệnh di chuyển khi ông chủ tàu xuất hiện.

Bồng con bước sang chiếc thuyền con mong manh, bềnh bồng như chiếc lá gọi là “vỏ vọt” (hay “giỏ giọt” nói theo cách phát âm của người miền Tây Nam bộ), tôi lo nhất là phải bảo vệ sự sống của đứa con thơ trong vòng tay yếu đuối của mình, chỉ sợ bước hụt một cái là làm mồi cho cá mập. Phía dưới chân tôi là một màu đen sâu thẳm nhưng khốn khổ thay, tôi chưa bao giờ học bơi! Trên ghe chỉ có một bà mẹ già, người con trai và gia đình tôi, tổng cộng năm người. Thật không sao tả xiết nỗi sợ hãi trong lòng tôi khi chiếc thuyền nghiêng hẳn sang một bên cơ hồ như sắp lật úp khi tôi bước chân vào trong khoang thuyền. Bởi vậy, khi ngồi được vào chỗ rồi tôi đã không dám nhúc nhích.

Cuối cùng, chúng tôi được chuyển sang một tàu đánh cá đang đậu ngoài khơi, chờ giờ khởi hành. Sau khi trao lại cho người lái đò tất cả số tiền Việt Nam còn trong túi và đôi giày “sabot” (wedge sandal) khá phổ thông trong giới phụ nữ Việt Nam thời đó, chúng tôi cùng đoàn người tị nạn mới thật sự dấn thân vào cuộc phiêu lưu đến một bến bờ có thể là vô định.

Người tài công bắt đầu cho tàu nhổ neo, từ từ rời xa hải phận Việt Nam. Như vậy coi như chúng tôi gần thoát nạn rồi, nhưng ra đi, bỏ lại quê hương và những người gì thân yêu nhất, tôi có cảm giác nước mắt mằn mặn trên môi mình. Bỗng dưng câu hát trong bài “Từ Giã Kinh Thành” của nhạc sĩ Châu Kỳ chợt văng vẳng bên tai tôi như từ một cõi nào xa vắng. “Ra đi là hết rồi, quay nhìn đoạn đời trôi/Hôm nay sao lạnh lùng buồn lưu luyến” (9-10).

Nhưng nào thấy đâu cảnh chia ly có người thân đưa tiễn “Xa xa một bóng người, tay buồn cầm khăn lay/Như nhắn lên vài tiếng “tương phùng” (11-12).

Ôi tương phùng! Tôi tự nhủ, biết còn có hay không? Quay về thực tại, tôi chỉ nhớ lúc đó mọi người ngồi chen chúc như cá sắp lớp dưới hầm tàu, không dám duỗi chân vì sợ đụng người khác. Ấy vậy, thỉnh thoảng có người chịu không nổi, ló đầu muốn chui lên tầng trên bị người chủ tàu ra dấu ngăn lại vì tàu đang hướng về phía Thái Lan. Điều may mắn nhất là chúng tôi đã thoát được “đôi mắt cú vọ” của bọn hải tặc man rợ và đến nơi an toàn. Tôi hình dung bóng dáng Mẹ tôi giờ này đang mòn mỏi ngóng trông tin, ngày đêm khấn vái, nguyện cầu phước lành đến với con, cháu mình đang bơ vơ nơi góc bể, chân trời… Do đó, tôi muốn hướng lòng mình về quê cũ thầm nhắn gửi người mẹ dấu yêu, hi vọng bà được yên tâm phần nào, “Hình con xin hãy khoan thờ/Quới nhơn độ mạng, đến bờ bình an!” (15).

Khi tàu vừa cập bến, trước tiên tôi được dẫn sang tàu cảnh sát Mã Lai để phỏng vấn, làm thủ tục giấy tờ, đại khái khai báo số người trên tàu, nghề nghiệp, trình độ học vấn, lý do bỏ nước ra đi, địa điểm xuất phát của tàu, những khó khăn trong cuộc hành trình nếu có, vv. Trở về tàu, sờ trán con, tôi nhận ra nó bị lên cơn sốt có phần nặng hơn đêm hôm trước khi mọc cái răng sữa đầu tiên trên tàu.

Từ lúc ở Sài Gòn tôi đã chuẩn bị chu đáo, đem theo vài bộ quần áo ấm, mũ len, sữa và thuốc men cần thiết cho con và vài đồ dùng tối thiểu của vợ chồng tôi trong một giỏ xách tay. Thuở ấy, trí óc tôi rất mơ hồ về việc vượt biên nên cứ tưởng mình sang đến Mã Lai là có máy bay Mỹ “vớt” nên cũng ráng đem một bộ đồ “chiến” gồm cái áo dài mới màu đen thêu hoa mà tôi thích nhất. Đến lúc tôi sắp sửa ra bến sông, người em chồng giấu giỏ xách lại và hứa sẽ đem theo vào tối hôm đó, khi tất cả hành khách có tên trong danh sách gặp nhau trên tàu đánh cá trước giờ lên đường. Tôi cũng tin như vậy, nhưng rất tiếc vào giờ chót điều đó đã không xảy ra!

Khi nhìn thấy vợ người chủ tàu bị phỏng nước sôi khá nặng, tôi tình nguyện làm thông dịch viên và nhân cơ hội này đem con đi khám bệnh. Khoảng hai mươi phút sau chúng tôi được chở đến một bệnh viện lớn của thành phố Trengganu. Sau khi làm tròn trách nhiệm với người bạn cùng tàu, để bà ấy ở lại trong phòng với sự chăm sóc của cô y tá, tôi yên tâm theo một nhân viên y tế sang phòng bên cạnh. Tại đây, con tôi được một bác sĩ nhi khoa khám và cho thuốc giảm nhiệt. Sau đó, tôi lại được một cô y tá dẫn sang một phòng khác lớn hơn gồm toàn trẻ em Việt Nam bị bệnh tiêu chảy, phải là bệnh nặng mới được tàu chuyển từ đảo Pulau Bidong sang đây sau ba tiếng đồng hồ. Đây là bệnh xá duy nhất dành cho người tị nạn!

Chưa kịp hoàn hồn sau bao nhiêu khủng hoảng liên tục trong chuyến vượt biển đầy mạo hiểm, tôi chợt thấy cô y tá người Mã Lai hồi nãy cho mấy chục đứa trẻ con bệnh bú chung một bình sữa và chung một nấm vú cao su! Nhớ lúc còn ở nhà, tôi ráng chăm sóc đứa con đầu lòng kỹ đến nỗi không dám cho bà cụ hàng xóm hôn lên má thằng bé khi bồng con phơi nắng ở hành lang chung cư vào mỗi buổi sáng, chỉ vì bà ấy ăn trầu, miệng mồm dính tèm lem.

Đang bối rối chưa biết tính sao, cô y tá đã đến gần chiếc nôi của con tôi. Như một phản xạ, tôi vội bồng nó ra khỏi nôi, mặc cho cô ta lên tiếng hăm doạ, “Nếu tự ý xuất viện, đừng hòng trở lại lần sau dù bệnh tình có nguy khốn đến đâu…” Tuy vậy, tôi không còn chọn lựa nào khác hơn là rời khỏi bệnh viện trong nỗi lo lắng tột cùng.

Vì quyết định này, đêm hôm đó tôi phải ngủ trước thềm bênh viện không biết nương tựa vào ai! Tháng Mười Một, trời sắp vào đông, lạnh thấu xương, tôi chỉ có một manh áo mỏng che da. Khom người xuống cho đỡ lạnh, tôi ôm chặt con vào lòng với hi vọng sưởi ấm cho nó được phần nào, vì thằng bé chỉ mặc vỏn vẹn một bộ đồ ngắn trên người từ khi rời Sài gòn. Nhìn con thơ trong hoàn cảnh này, tôi không thể diễn tả nỗi ray rứt đè nặng trong lòng.

Sáng hôm sau, tôi chưa thể hình dung sự thay đổi qua diện mạo của mình cho đến khi một thanh niên người Hoa đem đến cho tôi một ổ bánh mì đỡ dạ và cho con tôi một ly sữa nóng. Giờ đây tôi mới có thể nhận ra chính mình: từ một cô giáo nay trở thành kẻ ăn mày nơi đất khách. Một phụ nữ Mã Lai đeo nữ trang rất sang trọng đi qua, đi lại, rồi dừng chân, chăm chú nhìn con tôi và ra dấu là bà ấy muốn đổi con tôi bằng vàng.

Bỗng dưng, tôi bật khóc! Thấy vậy, một người đàn bà Việt Nam buột miệng, “Chưa ăn thua gì đâu chị ơi, qua bên đảo Pulau Bidong rồi biết!” Nghe xong, tôi chợt nín khóc vì hiểu đây chỉ là bước đầu của cuộc đời tị nạn mà cuộc hành trình tiếp nối sẽ còn dài lắm về sau. Vào cuối ngày hôm ấy, một cô gái có dáng dấp nữ sinh mang đến cho tôi hai ly sữa nóng và một lon sữa đặc. Hỏi ra, tôi mới biết cô ấy là học trò của một người bạn tốt nghiệp Đại học Sư phạm cùng khoá với tôi và anh ấy đang dạy ở Long Xuyên. Chưa bao giờ tôi thấm thía ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ “Miếng khi đói bằng gói khi no” bằng lúc này.


Chờ đợi đã hơn một ngày vẫn chưa có tin tức gì về việc trở lại tàu nên tôi rất nóng lòng. Thật ra, khi tầu cập bến Trengganu, tên cảnh sát Mã Lai đã dùng dùi cui vừa gõ lên đầu chồng tôi vừa nói “You are VC” chỉ vì anh ấy chưa kịp trả lời câu hỏi của y bằng tiếng Anh. Tôi vội vàng đứng chen vào chỗ giữa hai người đàn ông, ráng giải thích với tên cảnh sát này là đa số sinh viên Việt Nam thời chúng tôi, nói chung, khi học tiếng nước ngoài thường viết khá hơn nói vì ít có cơ hội thực hành. Trong khi đó, tôi nhẹ nhàng đẩy chồng tôi ngồi xuống khi anh ấy toan đứng lên tỏ vẻ bất bình. Người vượt biên lúc đó không lạ gì việc cảnh sát Mã lai vô cớ đánh đập hoặc xô đàn ông, thanh niên Việt Nam tị nạn xuống biển! Tôi nhớ bà ngoại thật nhiều và câu ca dao người thường ngâm nga, “Đến đây đất nước lạ lùng/Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh!”

Hỏi thăm mấy người Mã Lai ở bệnh viện mới biết tên người tài xế chở chúng tôi đến bệnh viện hôm trước là Man, tôi bèn liều mạng bồng con lên câu lạc bộ tìm ông ta. Giọng cười khả ố của đám đàn ông Mã Lai đang ngồi ăn nhậu làm tôi thẹn đỏ mặt. Tôi phải cố nói to lên cho mọi người cùng nghe để đánh tan sự ngộ nhận của họ. Tôi muốn biết khi nào chuyến xe búyt của ông Man đem mẹ con tôi và vợ ông chủ tàu trở lại bến Trengganu, nơi tàu chúng tôi đang đậu để gặp chồng tôi. Nhờ vậy mà chúng tôi được đưa về bến Trengganu vừa đúng lúc tàu sắp nhổ neo, lên đường sang trại tị nạn Pulau Bidong. Lại một phen hú vía!

Bây giờ đến lúc bước chân xuống tàu với cái quần màu cam rằn ri và áo đỏ chói với bông hoa rực rỡ, đôi chân không giày, không dép, tôi tưởng tượng mình giống như một con cắc kè bông! Bộ đồ này do người địa phương (nghe nói họ là người gốc Tiều châu thì phải) tặng cho những người lưu lạc mà họ tin tưởng là có liên hệ bà con với mình, nhưng không ai mặc vừa. Đúng là “mèo mù vớ cá rán” và là điều hên cho tôi trước khi rời vĩa hè bệnh viện Trengganu. Bỗng có một người thanh niên khoảng chừng hai mươi tuổi tiến lại gần tôi, ngập ngừng, “Xin lỗi..., có thời gian nào đó chị đã từng làm việc ở Sóc Trăng?” “Dạ, trước kia tôi...” Chưa nói hết câu, Bình đã nhận ra tôi qua nụ cười quen thuộc. Thế là sau nhiều năm xa cách, thầy, trò gặp nhau trong cảnh cười ra nước mắt. Tôi vô cùng xúc động trước sự bất ngờ này và coi đó là một hạnh ngộ khi gặp Bình, được có thêm một người thân yêu nơi đất khách, quê người: “Cửu hạn phùng cam vũ/Tha hương ngộ cố tri ” (20, Thần Đồng Thi) là vậy.

Mới đến Pulau Bidong nghe nói cả đảo gần 20,000 ngàn người chỉ có hai cái giếng nước, tôi thất kinh hồn vía. Đêm đầu tiên ở đây, tất cả chúng tôi được sắp xếp ngủ chung trong một phòng lớn rất đông đúc, gồm cả những người từ tàu khác mới đến để làm thủ tục nhập trại. Sau đó, chúng tôi được tạm thời phân phát phần gạo và đồ hộp tối thiểu, và từng gia đình được chỉ định một khoảnh đất để làm chòi thì đúng hơn là “để cắm dùi.” Con nít không được cung cấp sữa nên tôi phải nhịn bớt phần gạo của mình để nấu cháo cho con trong khi không có đủ sữa mẹ. Có lần đến lều của Hạnh, người bạn cùng lớp thời trung học mới gặp lại trên đảo, thấy cơm nguội còn dư trong khi đói rã ruột nhưng tôi không dám mở lời vì cảm thấy hổ thẹn làm sao! Biết được chị ấy khá giả, đang làm nghề buôn bán nữ trang trên đảo, tôi quyết định đem bán chiếc nhẫn cưới của mình với giá chỉ đủ mua một tấm màn nilon, một cái son, và một hộp xà phòng.

Bình đến thăm đúng lúc chúng tôi đang hì hục đào đất. Với bản tánh hiền lành, tử tế sẵn có, Bình tình nguyện giúp chồng tôi một tay. Hai người đóng cọc, giăng tấm màn nilon lên để che nắng, che mưa. Đêm đó, trời lại đổ cơn mưa như trút nước. Tôi và con tôi được tá túc trong căn lều ấm áp có màn che bốn phía cuả gia đình anh chị Hai của Bình. Thương làm sao, chị Hai nhường chỗ cho con tôi và con của chị nằm, còn hai chị em tôi hầu như ngồi suốt đêm. Trong khi đó, cơ khổ cho chồng tôi phải ngủ dưới túp lều chỉ có tấm màn phủ phía trên, còn bốn bề trống trải mặc cho gió, mưa tạt vào. Anh ấy lạnh run đến nỗi phải nhai mấy hạt tiêu lượm được trên bờ biển cho ấm người. May thay, một đêm dài rồi cũng qua đi...

Trời ơi, tôi là chúa sợ rắn và sợ ma, vậy mà giờ này ngồi đây một mình giữa hoang đảo, ôm con dại dưới ánh đèn dầu leo lét, chờ chồng tôi đi xin thêm dầu về đốt đèn thắp qua đêm. Nhớ lại một người bạn văn đã bảo tôi Pulau Bidong là hoang đảo của rắn! Hèn chi, sáng nay tôi đã thấy một con rắn, đầu bị đập dẹp lép, phơi xác trên miệng hang cách “túp lều lý tưởng” của chúng tôi chừng mười thước!

Trải qua nhiều đêm dài trong cái chòi lộng gió, tôi cảm thấy lòng mình đau nhói mỗi khi nghe tiếng con thơ khóc thét lên lúc nửa đêm vì bị muỗi cắn mà đôi bàn chân bé nhỏ không có vớ che da. Không sao nói hết tâm trạng cô đơn của người mẹ như tôi trong cảnh này, chỉ có đại dương mênh mông kia mới hiểu thấu lòng tôi, “Con gào thét giữa rừng khuya u uất/Đại dương buồn thôi dậy sóng trùng khơi” (29 ).

Hai tháng trời chúng tôi sống trong điều kiện tồi tệ như thế trong chiếc lều khoảng 1.4 m bề ngang, gọi là “giường” nhưng thật ra chỉ là những cái cây nhỏ do chồng tôi chặt tận trên núi, rồi lội dọc theo bờ biển đem về, ghép lại cẩn thận, nhưng càng khô nó càng cong... Con tôi được nằm chính giữa trên một tấm khăn lông cũ, còn hai người lớn phải nằm nghiêng hai bên mới đủ chỗ. Từng đêm, tôi chỉ cầu mong sao được sống sót đến ngày hôm sau. Cho đến khi chị Tư ở lều sát vách với chúng tôi đi định cư ở Mỹ, tôi mới xin được mấy mảnh vụn của thùng mì giấy mà con chị đã nằm qua bao nhiêu tháng trời, trong tình trạng hết ướt rồi lại khô... Vậy mà tôi mừng hú vì nó khá êm lưng giúp con tôi ngủ ngon hơn.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của tôi ở đây là sự thiếu thốn thuốc men. Trước trạm y tế của trại có một cây dừa, mỗi lần đứng sắp hàng xin thuốc (có người đã có mặt từ ba giờ sáng), tôi thường khom người để che cho con vì sợ dừa khô rụng trúng đầu trẻ thơ. Thêm vào cảnh người lớn, trẻ em chết vì bệnh tật xảy ra hằng ngày là chuyện đôi khi dừa rụng sau một cơn gió vô tình đã cướp đi mạng sống của những người vô tội. Nhìn những nấm mộ mới được chôn cất sơ sài, cứ mọc lên san sát mà muốn nổi da gà.

Kinh nghiệm cho thấy hầu như trong bất cứ cảnh ngộ khó khăn nào, niềm vui bất ngờ chợt đến với tôi như luật bù trừ. Lần này, tôi gặp lại Hằng, người nữ sinh dịu dàng, thân thương lớp 12 đã từ lâu bặt tin tức từ khi tôi chuyển nhiệm sở về thành phố cao nguyên. Hằng là sinh viên y khoa trước khi vượt biên, đang làm việc ở trạm y tế của trại. Hằng đến thăm tôi rất thường và tận tình chăm sóc con tôi như người cô lo cho cháu ruột của mình. Nhờ có Hằng tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều với sự ấm áp của tình chị em. Tôi tin phải “hội đủ duyên lành” sự trùng phùng tuyệt diệu này mới xảy ra.

Nói về thực phẩm, trong suốt gần một năm trời ở trại, ngoài đồ hộp, chỉ có hai lần chúng tôi nhận được thức ăn tươi duy nhất gồm có bắp cải và gà, được chuyên chở từ đất liền đến đây bằng tàu. Một hôm, đang lang thang trên bãi biển như kẻ mất hồn, nghe tiếng gọi bên tai, “Dạ, xin lỗi cô, cho em hỏi thăm...” Quay lại tôi nhận ra một cô bé rất dễ thương, học trò lớp 9 của tôi ngày xưa. Mừng quá, Linh dẫn tôi ghé chỗ ở của gia đình Linh để tôi chào Ba Má. Khi ra về, Linh tặng tôi một xâu cá khô, tôi ái ngại nên khéo léo chối từ. Thế là, Linh chạy theo tôi về đến tận lều với xâu cá trên tay trông giống như một vòng hoa sứ Hawai đã phơi khô. Từ đó, Linh thường mang đến cho tôi những đồ dùng cần thiết như bàn chải và kem đánh răng với sự chia sẻ thân tình và chu đáo của một người em gái nhỏ. Tôi thầm cám ơn Linh và cảm tạ ơn trên vì thấy mình có thật nhiều diễm phúc.

Tiếp theo, chúng tôi nhận được tin sắp được phái đoàn Úc phỏng vấn. Theo qui luật trại hồi đó, nếu ai được Úc nhận thì chỉ vài tuần sau có thể lên đường đi định cư, nhưng trong khi chờ đợi không được phép vào phỏng vấn với phái đoàn Mỹ. Mặc dầu biết mình liều lĩnh, tôi cố xin cho được Mỹ phỏng vấn. Kẹt một nỗi, nếu được chấp nhận, gia đình tôi phải ở lại trại lâu hơn để chờ đi định cư. Tuy vậy, tôi vẫn tỏ ra không sốt sắng khi trả lời những câu hỏi của nhân viên phái đoàn Úc, và phải thông qua sự giúp đỡ của một thông dịch viên. Điều đáng ngạc nhiên là họ cũng không nhận, mà cũng không “xù” chúng tôi. Việc này gây trở ngại không ít vì chúng tôi bắt buộc phải chờ đến khi phái đoàn Úc trở lại để biết thêm tin tức cập nhật, nghĩa là mất cơ hội ngàn vàng để được gặp phái đoàn Mỹ trong đợt phỏng vấn sắp tới!

Thế là, tôi phải bôn ba đi gặp người trưởng trại tị nạn để giải thích trường hợp cá biệt của mình và xin được vào gặp phái đoàn Mỹ. Cũng may, nhìn con tôi mặt đầy mụn sưởi lấm tấm đỏ, ông ấy thương cảm và đáp ứng nguyện vọng của tôi. Lần này, với diện ưu tiên “cựu công chức hạng A” làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 của cả hai vợ chồng, tôi nghĩ mình có nhiều hi vọng nên ráng hết sức tự trả lời câu hỏi của nhân viên phái đoàn Mỹ bằng tiếng Anh (dù không được lưu loát), và cuối cùng được như ý nguyện. Phải nói đây là một tin rất vui cho chúng tôi, và Bình đã mang Coca, Cola đến chúc mừng! Chờ đợi khoảng gần một năm để đi Mỹ quả là một thử thách lớn. Tôi thầm cầu nguyện ơn trên gia hộ, chở che đứa con nhỏ bé và giúp tôi được toại nguyện với quyết định táo bạo của mình. Tôi hi vọng đó là một chọn lựa đúng đắn.

Một buổi chiều đi vòng vòng quanh khu nhà thờ trên đồi, ai ngờ tôi gặp lại Anh, người “học trò” không có tên trong sổ điểm danh vì chú ấy đã chuyển trường trước khi tôi về dạy ở trường trung học HD. Anh biết tôi qua những người học trò của tôi và cũng là bạn của chú, và từ đó Anh cứ gọi tôi là “cô.” Không có đến “bán tự” mà đã “vi sư” rồi, thật oan quá! Thấy chỗ chúng tôi ở như ao tù, nước đọng, Anh bèn dọn dẹp một khoảng trống trên đồi, thoáng mát và quay mặt ra biển, bang ra làm nền và đón gia đình tôi lên ở. Nơi đây có lần nhìn sóng nước mênh mông, tôi đã âm thầm gọi gió, “Bềnh bồng sóng nước vô tư/Gió ơi, đưa mối sầu dư sang bờ!” (30).

Và qua Anh tôi được quen thêm Tân, cũng là cựu học sinh HD thuộc niên khoá trước khi tôi về ngôi trường này. Tình thầy, trò đối với tôi mang một ý nghĩa rất thiêng liêng mà tôi trân trọng suốt đời. Viết những dòng này như để tỏ lòng tri ân sâu sắc tận đáy lòng tôi đối với những tấm lòng nhân hậu và để nhắc nhở chính mình phải có trách nhiệm đối với những ai gặp cảnh ngộ khốn cùng.

Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, không hò hẹn với ai, ngày định cư rồi cũng đến. Chín tháng sau khi đặt chân đến trại tị nạn mang tên “Địa ngục trần gian” và cũng là “Cửa ngõ Thiên đường,” chúng tôi trở lại Trengganu bằng đường tàu, nơi cập bến lần đầu tiên. Từ đó, chúng tôi được di chuyển khoảng hai ngày bằng xe buýt đến Kuala Lumpur, thủ đô nước Mã Lai. Nhìn thấy đường sá rộng thênh thang, hai bên đường có rào chắn cẩn thận, và người tài xế đội mũ an toàn (helmet), tôi thầm ngưỡng mộ sự văn minh của đất nước người, chạnh nghĩ đến quê mình nơi tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên mà lòng thấy bùi ngùi vô hạn.

Vừa tới nơi, một bác sĩ Việt Nam của trại đến khám và cho biết con tôi lại lên cơn sốt. Tạm trú trong túp lều mà sương đêm thấm ướt cái khăn lau mặt treo bên trong lều như ở ngoài trời, nửa đêm lại nghe con khóc, nghe đứt cả ruột gan.

Trong khi đó có tin chuyến đi Mỹ sắp sửa cất cánh trong một vài ngày, tôi vô cùng lo lắng vì tình trạng sức khoẻ của con. Rồi chúng tôi theo đoàn người tị nạn ra sân bay. Hành trang của mỗi chúng tôi vỏn vẹn chỉ có một bộ đồ nhờ vay được 60 đô la từ chị bạn thời trung học và hứa sẽ hoàn lại gấp đôi khi sang Mỹ và có đủ tiền. Tôi nhớ mãi sự tương phản khôi hài giữa màu nâu sậm trên da chân mình và màu đỏ chói chang của đôi dép mới tậu được. Chắc tôi cũng giống y như con cắc kè ngày mới đặt chân lên đảo!

Khi tôi vừa bồng con bước lên thang máy bay, một vị bác sĩ Mỹ sờ trán thằng bé con rồi đẩy chúng tôi đứng qua một bên để chờ xem xét. Nhìn bạn đồng hành, từng người một tiếp tục lên máy bay, hi vọng và mơ ước của tôi bỗng tan theo mây khói. Cho đến khi chỉ còn chúng tôi đứng đó trơ trọi một mình, một bác sĩ khác khám con tôi một lần nữa. Sau khi hai vị bác sĩ thảo luận với nhau, chúng tôi là ba người hành khách sau cùng được phép lên đường, và từ đó con tôi được theo dõi, săn sóc trên suốt chuyến bay. Xin đa tạ tấm lòng quí hoá và lương tâm chức nghiệp của hai vị lương y! Lúc này, lòng tôi mới tạm cảm thấy yên ổn, hướng về một chân trời rộng mở với niềm tin và hi vọng. “Phi cơ cất cánh giã từ/Đường sang đất Mỹ còn gì đẹp hơn!” (32).

Đó là ngày 27 tháng 7, năm 1979, chuyến bay đáp xuống phi trường San Francisco. “Đúng là dân tị nạn thứ thiệt!” Vừa gặp mặt, người đại diện United States Catholic Charity đến đón chúng tôi đã phải thốt lên như thế. Qua bao gian nan, cuối cùng chúng tôi đã được đặt chân lên miền đất hứa, hít thở không khí tự do. Điều làm tôi sung sướng nhất là sinh mạng của con tôi kể từ đây không còn bị de doạ, và như bao nhiêu người khác tôi có quyền hi vọng cho con mình một tương lai tươi sáng.

Để kết luận, tôi xin chuyển dịch trích dẫn một đoạn khác trong bài văn viết bằng Anh ngữ của con trai tôi khi nộp đơn vào Đại học:

“Mười tám năm về trước, tôi là đứa bé trong vòng tay run rẩy của người phụ nữ trẻ trung ấy. Hôm nay, tôi xin tỏ lòng tri ân cho sự can đảm mà mẹ tôi đã thể hiện trong bước đầu của cuộc hành trình vượt biển. Mẹ tôi đã và đang là một người đàn bà vạn hạnh vì chỉ vài tuần trước đó, một chuyến tàu đánh cá khác chở một nhóm hành khách khoảng chừng năm mươi người như tàu chúng tôi, cũng có một phát ngôn nhân đứng bên thành tàu tình nguyện làm đại diện cho cả nhóm. Lần này lại là một người đàn ông, một vị bác sĩ, không bồng đứa con nhỏ trong vòng tay, bị những người lính Mã Lai bắn ngã gục ngay tại chỗ khi ông ấy vừa cất tiếng nói. Sau đó cả đoàn tàu được phép trở lại Việt Nam. Nhưng có một điều gì đó ở mẹ tôi, nhờ một ân huệ hay sự may mắn kỳ lạ nào đó đã cho phép bà được nói lên để tất cả chúng tôi những người tị nạn trên chuyến tàu di tản năm nào đến bến bờ tự do.”

Lê Phạm Lê

Ghi Chú

1. Châu, Kỳ và Hồ Đình Phương. “Từ Giã Kinh Thành.” 1954.

2. Lê, Lê Phạm. Gió Thổi Phương Nào/From Where the Wind Blows. Co-trans. Nancy Arbuthnot. USA: Vietnamese International Poet Association, 2003.

3. Lê, Vũ Xuân. “Personal Statement.” 1996.

4. Uông, Thù. “Thần Đồng Thi.” Thời Bắc Tống (960-1127).

Ý kiến bạn đọc
29/12/201504:24:28
Khách
Ân ơi,
Cám ơn Ân rất nhiều về tình cảm sâu sắc mà em đã dành cho gia đình chị trong quãng đời khó quên đó. Ấy vậy mà đã 36 năm qua rồi. Tiếc quá, hồi đó mình không có được máy hình để chụp mấy cái chòi của mình để lưlu niệm phải không? Chúc Ân luôn khoẻ và vui nha. Hẹn gặp vào ngày Đại hội CHSHD sắp tới!

Thân mến,
Chị Lê
28/12/201516:45:45
Khách
Bây giờ nhớ lại "đọan đường chiến binh" thời 1975 này, mới thấm thía hơn đời tị nạn phải không cô? Vẫn nhớ hoài những ngày tháng cơ cực của 3 căn nhà dưới triền đồi nhà thờ Bidong, nơi mà thầy, cô, bé Vũ và những đứa -em-học trò- đã chịu đựng trong ngày tháng đó!!
17/12/201520:58:10
Khách
Hồi lãnh phần thưởng năm đệ Tam, mình được giải Anh Văn còn Lê được giải Pháp văn, nhớ chưa?

Nếu vẫn không nhận ra, HN sẽ nhờ L Tuyet "bật mí" tên tuổi của mình cho Lê.

Nghe nói Lê ở Bay Area, thành phố nào thế? Mình ở Saratoga.
17/12/201504:02:31
Khách
HN Do ơi, Không ngờ lại "ngộ cố tri" nữa rồi, nhưng lâu quá nên mình chưa nhận ra tên bạn hiền. Đã nữa thế kỷ qua rồi còn gì! L Tuyết sẽ họp mặt với nhóm BTX 60-67 của tụi mình vào ngày 16 tháng tư năm nay, tại nhà Huế (thất 2, đệ nhất A) ở San Jose đó. Có cả Tương Vi, tam C (Pháp văn). Hi vọng HN Do có dịp sang Cali tham dự. Thôi gửi email riêng, Lê sẽ cho bồ số điện thoại để liên lạc sau. HN đang ở New York, vui quá hén. Thôi Lê dừng ở đây. Nói chuyện sau HN nha. Cám ơn HN đã thư cho mình:-)

Thương mến,
16/12/201521:32:19
Khách
Lê ơi, đọc bài này của Lê xong, HN vừa thương Lê vừa cảm thấy tội lỗi, vì gia đình HN qua Mỹ trước 30-4-1975. HN không có địa chỉ bất cứ người bạn nào ở Dalat, vì tụi mình ra trường từ 1967 rồi phiêu bạt khắp nơi.
Năm 1979 mình đang làm việc ở NY, ít khi để ý đến chuyện thuyền nhân. Đời người sao nhiều chuyện khổ thế không biết.
Hình như L. T. Tuyết có địa chỉ của Lê. Mình sẽ liên lạc với Lê sau.

HN - đệ Nhất C (Anhvan)
14/12/201523:28:50
Khách
Toại ơi, Cám ơn nhiều lắm về lời chúc lành của bạn nha. Chúc Toại gặp nhiều may mắn trên đường đời!

Thân mến,

14/12/201506:22:11
Khách
Chúc mừng tác giả đã đến bến bờ tự do sau bao gian truân, nguy khốn trên bước đường vượt biển
14/12/201501:42:39
Khách
Rất cám ơn Nate đã góp ý. Chúng ta cùng chung cảnh ngộ. Mừng bạn đã đén bến bờ tự do.

Thân mến,
13/12/201514:48:20
Khách
Một giấc mơ đầy nước mắt, thương tâm, hãi hùng, và cuối cùng giấc mơ đã trở thành sự thật là đến được vùng đất hứa.

Người Việt TNCS đã hy sinh tất cả chỉ vì Tự Do và Quyền Làm Người mà chúng ta không có được dưới một chế độ dã man và tàn bạo của đảng CSVN.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,224,447
Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng là Cựu Sĩ Quan Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị (Khoá 16 Thủ Đức)
Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông, kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt. Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", Sáu Steve Brown đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Sau đây, thêm một bài mới của ông Sáu.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 12 trong năm.
Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến