Hôm nay,  

Giọt Nắng Cuối Ngày

11/11/201500:00:00(Xem: 12089)

Tác giả: Song Lam
Bài số 3635-18--30125vb2092815

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Bài mới nhất của tác giả được viết nhân kỷ niệm 25 năm H.O. vừa được tổ chức đúng vào mùa Lễ Tạ Ơn tại Little Saigon.

***

I.

Dể chừng hơn cả tiếng đống hồ ông Sáu vẫn ngồi yên ngắm đất ngắm trời ngoài patio này. Chiều nay thứ bảy, vợ chồng ông Triển cùng khóa của ông mời vợ chồng ông dự đám cưới thằng con út của ổng, nhưng ông Sáu đau chân nên không đi Maryland. Bà Sáu và con gái lớn Ngọc Hà đi thay ông, dể gì cũng nửa khuya mới về.

Cái chân này cũng ngộ thiệt đó. Mùa hè đi đứng ầm ầm không sao mà trời hơi se lạnh là lên cơn đau nhức. Có lẽ vết đạn ngày xưa hãy còn di căn trong ống chân dù đã được mổ đôi lần. Cái di căn, hậu chấn của thương tật, đi kèm với những ngày đói khổ trong trại tù Hoàng Liên Sơn - Yên Bái đã để lại cho ông nhiều khó khăn trong cuộc sống hiện nay.

Sống ở Mỹ gần 25 năm trời nhưng mỗi sáng thức dậy ông vẫn còn bần thần, trong tâm não vẫn như còn nghe vang vọng tiếng kẻng tập trung ở núi rừng Việt Bắc. Trời ơi, nỗi ám ảnh này biết bao giờ phai nhạt đây?

Hai mươi lăm năm là một phần tư của cuộc đời người trăm năm mà trong bất kỳ lễ cưới nào người ta vẫn chúc hai người bạn tình "Trăm Năm Hạnh Phúc". Hai mươi lăm năm xa rời quê hương, ông tưởng như là mới hôm qua.

Vẫn là con số 25, ở Cali đang chuẩn bị cuộc hội ngộ trùng dương "Hai mươi lăm năm H.O". Ông quá tiếc rẻ vì không tới dự được, dù ước mơ hội ngộ với bè bạn anh em vẫn thôi thúc từng ngày trong tận cùng con tim của "người lính già thua trận". Ông không muốn mọi người thấy dáng đi khập khiểng của mình trên cây nạng gỗ, chứng tích của một thời chinh chiến đã qua. Ông càng không muốn mọi người nhìn ông thương hại.

Qua Mỹ từ 1990, H.O 2, ông quanh quẩn vào ra với cơm áo gạo tiền để nuôi con, vợ ông cũng tần tảo ngược xuôi khi cả hai vợ chồng không có nguồn trợ cấp nào từ phía hai gia đình. Nét diễm kiều ngày xưa thước tha áo dài lụa trắng của cô sinh viên Văn khoa và sau đó là Giáo sư văn chương ở các trường trung học nổi tiếng ở Sàigon đã khép lại, mất hút… Tại ông hết mà, tại ông bị kẻ thù cùng màu da, cùng tiếng nói cưởng bức buông súng nửa chừng…

Mới đó mà đã già hết trơn. Năm 1975 ông chưa đầy ba mươi, bà Sáu cũng chỉ mới hai sáu. Ông là sĩ quan trẻ nhất của tiểu đoàn lúc đó, bây giờ đang thập thò ở tuổi bảy mươi. Ông nghiệm ra rằng cuộc hội ngộ 25 năm H.O là dịp may hiếm có để những người lính như ông tìm về kỷ niệm…

Con chó Lucky nãy giờ nằm ghếch mỏm lên chân ông, bổng nhiên quắc đuôi đứng dậy. Chắc nó đói, đòi ăn. Ông xoa đầu nó, nói:

- Đợi chút con!

Rồi ông bước vào nhà lấy hộp đồ ăn cho nó, vừa nghĩ bụng "Mẹ con nó chắc tới khuya mới về" nên tự lo cơm tối cho mình.

Đi vào trận mạc, vào ra sinh tử nửa đời không chút lo âu, sao tuổi già hôm nay ông lại vấn vương lo nghĩ? Về hưu chừng nửa năm nay, tối ngày vào ra hờ hửng với sân trước vườn sau, vẻ oai phong ngày xưa đã tàn lụi tự bao giờ.

Hai năm trước, tưởng ông đã "qui cố hương" vì cơn đau tim nặng, phải trải qua cơn mổ dài hơn sáu tiếng đồng hồ, và ở nhà "lắng nghe con tim" hơn hai tháng. Bác sĩ nói ông bị nhồi máu cơ tim, phải nghỉ ngơi nhiều tránh xúc động và làm việc nặng. Cũng may là ở Mỹ có bảo hiểm của xí nghiệp, nếu còn ở Việt Nam không biết ông sẽ ra sao…

Bài viết của nhà báo Chu Tất Tiến trên Việt Báo ngày 21/10/2015 vừa qua gợi cho ông nhiều nỗi bâng khuâng. Bài viết này, theo tác giả, để chào mừng đại hội 25 năm H.O được tổ chức long trọng ở Westminster, California trong những ngày đầu tháng 11 này. Ông muốn được tham dự để tìm lại bạn bè cũ, ôn lại những kỷ niệm, có thể là hạnh phúc oai hùng thời trai trẻ vẫy vùng hay những nhục nhằn cúi mặt của người tù ngay chính quê hương mình khi chúng ta mất Sàigon, mất miền Nam mến yêu!

Mọi người đều nói về sự vươn dài, vươn dậy thành công của người Việt Nam trên đất Mỹ tạm dung này, bao gồm ba trăm ngàn gia đình H.O. Những hội nhập thành công, những bước tiến dài về mọi lãnh vực của người Việt trong bốn mươi năm qua không ai phủ nhận được. Thế hệ một rưỡi, thế hệ thứ hai, thứ ba đã làm rạng danh người Việt… Điều đó đã hẳn. Nhưng đằng sau những thành tựu đó, ít ai ghé mắt trông tìm những mảnh đời vỡ nát, bất hạnh của người lính sau bốn mươi năm, ở quê nhà như quê người, đặc biệt ở Mỹ này là nơi người lính VNCH đang mượn chỗ cung thân cho đến cuối đời, cụ thể là bản thân ông đây.

II.

Khi còn là sĩ quan trẻ nhất của Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 25 Bộ Binh, ông Sáu là Thiếu tá Phạm Văn Sum. Bây giờ mọi người cứ gọi ông là ông Sáu Gà, và trong giấy tờ cá nhân với cái tên Sum Phạm. Sở dĩ ông có cái nickname đặc biệt như vậy vì lúc đầu qua Mỹ, tay trắng tay trơn, gia đình ông chỉ quanh quẩn ăn thịt gà và trứng gà, vì hai thứ này rẻ nhất trong các chợ Mỹ. Cái tên Sum Phạm mọi người cũng cười hoài, vì nếu mẹ ông đặt tên ông là Xâm, thì bây giờ ông là Xâm Phạm rồi… Hai người anh lớn của ông ở bên Cali là Phạm Văn Chánh và Phạm Văn Tòng… bây giờ là Chánh Phạm và Tòng Phạm. Ở Mỹ này chuyện gì cũng có lúc… cười ra nước mắt!

Bài viết của tác giả Chu Tất Tiến phản ánh rất thật những mãnh đời của một số gia đình H.O khi bước đầu đặt chân đến Mỹ. "Vạn sự khởi đầu nan". Ai cũng hiểu được, ai cũng có hoàn cảnh chung, dù cảnh ngộ có khác nhau cho từng gia đình. Gia đình ông cũng khó khăn dữ lắm. Người tù về lại nhà sau tám năm đói khổ, ông Sum một vợ một con nhỏ với không một đồng một chữ trong tay, thử hỏi còn khổ sở nào hơn? Mọi lối vào tương lai đóng kín cửa, tìm việc không dễ dàng chút nào "Sĩ quan học tập cải tạo" là đối tượng bị chối bỏ, ngay cả trong lý lịch các cháu nhỏ đi học, sở giáo dục Sàigon cũng ghi rõ. Đừng hy vọng gì được vào đại học các em nhỏ ơi, thành phần này bị xã hội mới lánh xa, ghét bỏ!

Ông Sum sẽ không bao giờ quên tình cảnh gia đình mình năm 1983. Đôi dép lào đi dưới chân đứt quai, ông không có tiền mua đôi dép mới. Đi xe đạp rảo khắp đường phố Sàigon tìm việc, rủi ro xe xẹp bánh cũng không có tiền vá lốp, bơm xe. Đúng là "cái tiền đồ tối đen như mực"… bao đêm ông ngồi bó gối thở dài trong bóng đêm tăm tối, mịt mùng…

Rồi gần mười năm lê lết khắp các chợ trời Sàigon, làm đủ mọi nghề để kiếm sống nuôi con. Mười năm sống tủi cực đớn hèn… cuối cùng ông cũng được đổi đời với cái ticket bốn chỗ đi Mỹ gồm hai vợ chồng ông và hai đứa con: con gái Ngọc Hà mười lăm tuổi và con trai Trung Tín năm tuổi.

Buổi đầu ở Brooklyn New York với sự bảo trợ của gia đình cậu em bạn dì. Vui sướng lắm trong tuần lễ đầu tiên nơi đất Mỹ, nơi tiểu bang nổi tiếng thế giới với thành phố New York được mọi người biết tới là "thành phố không ngủ". Vài tuần lễ sau gia đình ông dọn ra riêng với căn apartment trống hoác chuột lắt và dán chạy ngờ ngờ… với giá 600 đô một tháng. Đêm đầu tiên nằm trên giấy báo trải xuống sàn mà ngủ, cũng còn may mắm lúc đó tháng Tư trời bớt lạnh, tuyết cũng ngừng rơi… Đêm đêm nghe tiếng Subway (xe điện ngầm) chạy rầm rầm sau nhà với tiếng còi tàu hú dài trong đêm vắng. Điều này ông chợt nghĩ đến bài hát "Tàu Đêm Năm Cũ" xa xưa: "tàu xa dần rồi… thôi tiếc thương chi một bóng hình ra đi vì đời…" Bài hát lãng mạn một thời của Sàigon không giống với bây giờ. Chuyến tàu đêm xuôi ngược ở đây đưa đón người đi làm ca 3, đi về với đôi mắt đỏ hoe thiếu ngủ, ngồi co ro trong những khoang tàu vụt ngừng vụt chạy tất tưởi hối hả của cuộc sống người dân New York.

Trong hai năm đầu, gia đình ông sống với tiền trợ cấp chính phủ, lúc đó người Việt mình vẫn gọi là ăn welfare. Muốn đời sống dễ thở chút đỉnh, ông bươn bả kiếm thêm tiền mặt. Buổi sáng mùa đông ở đây thật lạnh ông phải đi bộ cả cây số đến chỗ làm. Chạy, chạy cho ấm vì đi bộ thì lạnh quá. Người đồng hương trẻ tuổi biết ông mới đến Mỹ còn ăn tiền trợ cấp nên ép giá ngọt ngào. Chỉ ba đồng rưỡi một giờ, ông phải làm việc ở phân xưởng cán sắt nặng nhọc…

Rồi trôi, rồi dạt, rồi ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh… ngày xưa lương tháng chỉ hai ngàn nuôi các con ăn học thành tài, bây giờ đứa nào cũng hơn trăm ngàn một năm chúng nó lại kêu than không đủ xài không đủ tiêu… vậy nó không hiểu câu  "Tri túc tiện túc" (Biết đủ là đủ) của người xưa sao vậy?

Hai mươi lăm năm nơi xứ người cuộc đời như giấc mộng. Cao Bá Quát đã từng có câu thơ thần:

Xử thế nhược đại mộng

Hồ vi lao kỳ sinh?

(Cuộc đời như giấc mộng lớn. Sao cứ mãi khổ cực vì nó vậy?) hoặc:

Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng,

Tỉnh mộng rồi ra lại chán đời.

Bây giờ các con đã lớn khôn, đã có "Giấc mộng Huê Kỳ" - American dream, đã tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp gia đình cơ ngơi đầy đủ… vợ chồng ông cũng có chút yên tâm an hưởng tuổi già. Cuộc sống êm ấm của đôi vợ chồng già sau hai mươi lăm năm dài lặn ngụp trong lao khổ tủi cực nuôi con, giúp các con vươn lên bằng người, ông thấy mình vẫn còn "món nợ ân tình" chưa trả với đồng đội, với những người lính thuộc quyền bốn mươi lăm năm về trước.

Thời lính tráng trong quân ngũ, người đồng đội thường nói với nhau: xanh cỏ hay đỏ ngực, tức là nói tới huy chương lon lá sau trận chiến thành công. Ông nghĩ những huy chương đó phải thuộc về người lính thương tật hiện nay ở quê nhà hoặc những người lính những đồng đội của ông đã ngàn đời yên nghỉ.

Ông Sáu Sum chỉ có năm năm lính nhưng lại rơi vào giai đoạn "dầu sôi lửa bỏng" nhất của thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

Năm 1970, ông chỉ là thiếu úy giữ chức trung đội trưởng, nhưng trung đội của ông lúc đó đụng rất nhiều trận lớn. Ông từng chứng kiến biết bao cảnh tượng thương tâm của người lính VNCH. Trung đội ông chỉ dưới quyền chỉ huy của tiểu đoàn 3, sư đoàn 25 bộ binh chứ không trực thuộc đại đội, vì đó là trung đội viễn thám lẫn khuất trong rừng sâu tìm địch mà đánh chứ không phải phòng thử chờ địch. Trung đội này đóng cách xa tiểu đoàn hai cây số tự phòng thủ, tự bảo vệ. Vùng xa vùng sâu này thuộc quận lỵ Trảng Bàng, tỉnh Hậu Nghĩa.

Một kỷ niệm buồn khắc ghi trong lòng ông, có thể được coi như là một định mệnh. Có những đêm mất ngủ khắc khoải mộng mị, ông ngồi phắt dậy, mồ hôi vả ra như tắm. Ông tưởng tượng như sự việc đang xảy ra trước mắt mình. Năm đó, tháng 5/1973.

Được mật lệnh đưa trung đội về trình diện tiểu đoàn, ông phân vân lo sợ trong lòng vì chưa hiểu lý do.

Sau khi chào kính và hô tên họ của mình, tiểu đoàn trưởng K. đưa cho ông sự vụ lệnh công tác Sàigon 24 tiếng.

Trở ra gặp trung úy Ban, ông Sáu chưa nói gì thì ông này nói:

- Người nhà gọi ông nhưng trung đội của ông ở xa nên không nhắn tin cho ông được. Bố ông đang bệnh nặng, đang trong ca mổ thận ở Sàigon. Vì thế tiểu đoàn trưởng K. cấp sự vụ lệnh cho ông về Sàigon thăm bố. Thế thôi.

Lúc đó ông Sum chỉ chào và cám ơn Sĩ quan Ban và hấp tấp sửa soạn về Sàigon.

Cũng nên nói thêm rằng, tình hình chiến sự Việt Nam lúc đó căng thẳng, gay go, dù hiệp định Paris được bốn bên ký kết đầu năm 1973. Theo lệnh của Nguyễn Thị Bình lúc đó, nơi nào có lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nơi đó vô hình chung là nơi của quân chính qui Bắc Việt kiểm soát.

Trở về đơn vị, đôi chân ông như muốn khuỵu xuống đứng không nổi nữa vì đêm qua đại đội bạn thay chỗ trung đội của ông chịu sự tấn công dữ dội của nhiều đại đội VC và tất cả đã hy sinh để trung đội ông nằm sát tiểu đoàn sống sót. Sự thể đó ám ảnh ông cả tháng trời, ông cứ nghĩ ngợi đến những đồng đội đã ra đi vĩnh viễn.

Nước mắt của người lính già lần đầu tiên chảy ròng ròng không lau kịp nhòe nhoẹt sau làn kính lão. Ông ngồi đó, cúi đầu thật lâu như tạ lỗi với họ, với những người lính trẻ, rất trẻ phải hy sinh mạng sống của mình để cả trung đội của ông sống sót…

Mệnh lệnh của trái tim không hẳn là quân lệnh nhưng ông cảm thấy mình còn mang nợ rất nhiều với đồng đội đã hy sinh.

Lời thơ xưa trong Chinh Phụ Ngâm Khúc (Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm) chưa bao giờ đúng và làm thổn thức trái tim ông Sáu Sum lúc đó:

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu sĩ tử mấy người?
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?

Năm 1974 ông Sum là đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn 3, sư đoàn 25 bộ binh. Chiến trường lúc này sôi động hơn bao giờ hết. Ở trong Nam, chiến dịch có phần khác hơn ở miền Trung, không gặp những cảnh "rút lui không kế hoạch" như cuộc rút quân đẫm máu của dân và quân VNCH theo quốc lộ 7B từ Pleiku về Nha Trang về Ban Mê Thuộc… Năm này, những trận đánh biển người của VC ào ạt tấn công miền Trung, miền Đông Nam phần. Giai đoạn ác liệt này, đại đội của ông Sum "va chạm" những trận dữ dội như Rừng Sáu Mẫu (Khiêm Hanh). Trận này đại đội ông bị VC vây ba ngày đêm ròng rả, tiến thoái lưỡng nan. Nhờ vào sự dũng cảm gan dạ của toàn đại đội, nhờ vào sự yểm trợ tới tấp của Pháo binh, và phi pháo của không quân chi viện, đại đội ông phá được vòng vây, giành chiến thắng. Ngoài ra ông Sum còn tham dự nhiều trận hành quân phối hợp cấp sư đoàn như trận Phú Thứ (Bình Dương) hay Tân Uyên (Biên Hòa)…

Tháng trước, trên online đã phổ biến bài viết "H.O trên đất Mỹ" của Nhất Hương Nguyễn Kim Anh đã làm cho ông Sáu suy nghĩ nhiều đêm:

"Niên trưởng cấp tá đã rủ nhau đi trong mấy năm qua, nay đến phiên những H.O cấp úy để rồi nay mai không xa lắm không còn H.O nào đến gặp nhau nữa, rồi đóng lại một trang sử của một thế hệ oai hùng nhưng lắm đau thương trong công cuộc chống xâm lược của kẻ thù phương Bắc.

Văn hóa phương tây đang làm cho hai thế hệ của ba trăm ngàn gia đình H.O rời xa nhau. Rồi đây những H.O già nua ra đi thì chẳng còn ai biết đến chữ H.O nghĩa là gì hay cái gì trên đất Mỹ."

III.

Bây giờ trời đã về chiều. Ngoài kia hàng lá phong vàng sậm đỏ ké một vùng trời. Và gió. Và lá bắt đầu lả tả rơi. Chiều xuống nhanh hơn mùa hè. Thu đi, cho lá vàng phai… và mùa Đông lại đến. Cả buổi chiều ngồi một mình với những kỷ niệm của một thời tai ương chinh chiến, một thời tù tội đói nghèo, ông Sum thầm nghĩ sao bổng dưng mình lại đến nơi này.

Sự xuất hiện của giới H.O gây nhiều dư luận khác nhau từ mọi phía. Những năm đầu tiên, mọi người sống ở Mỹ từ 1975 nhìn H.O với sự dò xét, nghi kỵ, không tin họ sẽ vượt qua được cuộc sống ở nơi này nhiều nổi gian truân. Vì thế họ đánh giá sai lạc "đánh giá kém thành phần H.O". Bây giờ đồng hương sau hai mươi lăm năm đã nghĩ ra rằng mình sai vì "H.O là những thành đồng vách sắt", "dân H.O đã làm cho bộ mặt cộng đồng người Việt trên đất Mỹ đổi mới và làm cho sinh hoạt khắp ngành phát triển mạnh mẽ từ thương mại, văn học, văn chương đến chính trị" (CT Tiến)

Ông Sáu Sum nhìn vạt nắng vàng còn sót lại phía sau nhà, sơn vàng ánh bụi cây cheery bắt đầu thay sắc lá. Rồi chốc lát nữa đây, hoàng hôn tím trở lại, đêm sẽ về và trăng sẽ lên cao. Hôm nay trăng rằm, "yến tiệc sáng trên trời", trăng vàng sẽ chảy lênh láng khắp vườn sau sân trước. Trời thấm lạnh rồi. Mùa thu thật sự trở về với miền Đông Bắc, nơi gia đình ông lưu trú gần hai mươi lăm năm nay.

Ông Sum nhìn xuống đôi bàn tay mình với những lằn gân xanh ngang dọc. Ngày xưa cầm súng bây giờ qua Mỹ phải làm đủ thứ nghề lao động để nuôi con. Ông không quên nghĩ đến bà vợ ông và những người vợ H.O đã âm thầm quên dĩ vãng vàng son của mình, quên thời thướt tha áo lụa khăn quàng, cùng chồng lam lũ ngày đêm, cật lực làm việc để "đẩy mạnh tốc độ thành công của dân H.O nhanh một cách lạ lùng." (CT Tiến)

Mỗi người Việt Nam trôi dạt nơi xứ người đều mang theo trong lòng mình quê hương Việt Nam, dù đất nước quê hương đó bây giờ không còn là của mình nữa. Điều đó là sự xót đau chung. Nhưng, dù sao, cái còn lại cho cộng đồng người Việt ở khắp nơi là gìn giữ cho bằng được màu cờ sắc áo, và tấm lòng son lúc nào cũng nặng chĩu với quê hương!

Vạt nắng còn lại ở ngoài sân kia đã tắt. Hoàng hôn đã về. Ngày mai, nắng sẽ lên cao, rực rỡ sưởi ấm một ngày thu có nhiều gió lộng. Phải, lúc nào người Việt lưu vong cũng luôn nghĩ đến ngày mai… Ngày đó, lá cờ vàng ba sọc đỏ sẽ phần phật, ngạo nghễ tung bay như đã từng ngạo nghễ tung bay khắp nơi có người Việt Nam sinh sống.

Ông Sáu đang mỉm cười nghĩ về ngày hội H.O năm nay.

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
17/02/201614:54:48
Khách
Song Lam viet bai hay qua ..
Cam on da cho chung toi nhung bai hay va co y nghia ...
Chuc chi mot mua Xuan day hanh phuc ben gia dinh ... Chua biet cach viet tieng Viet .
12/11/201505:35:40
Khách
Song Lam thân mến,
Đúng như Song Lam đã mô tả, trong chiến trận, biết bao đồng đội đã chết thay chúng tôi, không có lời lẽ nào đủ để diễn tả niềm xót thương và uất hận trong đáy tim những người lính sống sót sau cuộc chiến. Ngoài ra chúng tôi còn phải nghiêng mình tri ân những người đã để lại một phần thân thể trên chiến trường, những thương binh VNCH.
Cảm ơn Song Lam đã nói thay cho chúng tôi, những người lính già bại trận. Ngày nào chúng tôi có dịp còn gặp nhau, vui chỉ là phụ, nỗi niềm vong quốc mới là chính. Người lính chiến yêu quê hương vô bờ, không biết kiếp này có được nhìn thấy nước Việt Tự Do hay không.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,993
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.