Hôm nay,  

Tuổi Hạc

13/11/200200:00:00(Xem: 260595)
Người viết: LÊ NHƯ ĐỨC
Bài tham dự số: 337-685-vb71109

Lê Như Đức là tác giả đã được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ nhất. Ông sinh năm 1962 tại Sàigòn, Việt Nam. Hiện là kỹ sư cơ khí cho hãng Boeing, thành phố Houston. Gia đình: Vợ, hai con gái và sẽ có thêm một cu tí đầu tháng 12. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

LỜI NGƯỜI VIẾT :
Một lần ghé qua tiệm hớt tóc Việt Nam, vô tình nghe được các bà, các cô, các chị và các em xinh kể xấu về các bác, các chú, các cậu và các anh, mới hay Houston hiện trong mùa dịch có bồ nhí, xin được hân hạnh viết tặng phe ta, những ai đang ..mắc dịch, cầu chúc sẽ mãi mãi không ..toi.

Ông Sinh rít một hơi thuốc dài rồi ngẩng mặt lên trời thổi làn khói thuốc bay thẳng lên không trung. Ông hơi ngửa người ra sau dựa lưng vào thành ghế để nhìn các bạn ông.
Cứ mỗi tháng, ông và các bạn, tổng cộng sáu người, thường hẹn nhau ở một nhà hàng nổi tiếng trong thành phố để ăn uống, tâm sự và trao đổi tin tức. Thường thì các ông hay chọn vào ngày thứ bẩy của tuần lễ cuối tháng. Nhưng đôi khi có những chuyện bất ngờ xẩy ra, như hôm nay, buổi họp mặt được đổi ngay qua ngày thứ tư, giữa tuần của tuần lễ thứ hai, đầu tháng.
Ông Sinh quay qua một người trong nhóm hỏi:
- Thằng Trung vẫn chưa tới à
Ông Trí nhẹ lắc đầu. Ông Sinh lại tiếp:
- Bình, mày gọi điện thoại tay cho nó một lần nữa xem sao " Bảo với nó rằng nó không tới thì từ đây đừng nhìn mặt anh em nữa.
Mặc dù mọi người trong nhóm đều ở lứa tuổi trên dưới sáu mươi, dâu rể có đủ, cháu nội cháu ngoại một đàn, nhưng các ông vẫn thân mật gọi mày xưng tao như thưở xa xưa, lúc còn mặc quần thủng đít đi học tại quê nhà. Các ông cùng lớn lên trong một thàng phố nhỏ miền có nhiều cây dừa ngả nghiêng, cùng học cùng trường, cùng đá banh, bắt dế từ thưở lên năm nên thân nhau hơn cả anh em ruột thịt. Tuy qua Mỹ tỵ nạn Cộng sản có khác thời gian, người thì năm 75, kẻ vượt biên năm 80, ông lại ODP năm 88 nhưng cùng rủ nhau về định cư chung một thành phố có nắng cháy da người như thành phố của mấy ông ở bên Việt Nam, Houston.
Người tới trước giúp kẻ tới sau. Chỉ mười năm hơn sau ngày định cư, sáu người bạn thân đều có cuộc sống thật ổn định. Phải nói là khá giả mới đúng vì ai ai cũng nhà cao cửa rộng với hai ba cái chợ thịt, chợ rau hay làm chủ cả khu thương mại rộng lớn. Ông có nhà hàng to, ông tậu cả apartement lớn, ông mua nhà bạc triệu, ông lái xe đắt tiền. Mọi người trong thành phố đều biết đến các ông. Đều khâm phục tình đoàn kết thương yêu giúp nhau thật lòng để được giầu có như nhau và cũng đều mơ một ngày nào đó có được cuộc sống vương gỉa như các ông.
Ông Sinh và ông Trí qua trước nhất. Cả hai ông đều nhẩy vào làm công, bán tiệm tạp hóa cho một công ty Mỹ chuyên nghề bán hàng lẻ nổi tiếng, Utotem. Chỉ ba năm cần cù, vợ chồng con cái chung lưng đấu cật ngày đêm, họ đã để dành đủ tiền để nhẩy ra mua tiệm riêng cho mình. Ba năm sau, lại thêm một tiệm cho gia đình đứa con gái. Từ chủ tiệm thoáng chốc hai ông đã trở thành chủ building rồi chủ đất của cả khu thương mại lúc nào không ai hay. Từ tiệm tạp hóa các ông đã nhanh chóng xây thêm chợ rau thịt Việt Nam chả mấy chốc. Rồi từ đó đường thương mại cứ rộng mở, bành trướng qua apartement, hotel, và cả nhà quàn nữa.
Ông Anh và ông Chu qua năm 80, sau chuyến vượt biên đầy hiểm nguy, chết chóc. Cũng may cả hai gia đình nhờ phước lớn nên không có một ai chết trên biển Đông. Khi cả hai ông được bạn bảo lãnh tới Houston định cư cũng lại theo con đường làm ăn của bạn nên không lâu cũng trở thành chủ tiệm tạp hóa. Một lần cướp vào tiệm bắn bậy, ông Anh xém bị ăn đạn nên bán tiệm nhẩy qua làm nhà hàng. Ông kiêm luôn nghề chủ hụi. Ông Chu cũng ớn cướp liền đổi từ tiệm chạp phô qua chợ thịt cá.
Ông Bình và ông Trung qua sau cùng theo diện ODP. Hai ông cũng theo "đường xưa lối cũ" nhẩy vào làm tiệm tạp hóa. Trâu chậm thường phải uống nước đục.
*
Khi ông Bình qua tới được Houston vào cuối thập niên 80, thì hầu như mỗi góc đường trong thành phố đều có tiệm tạp hóa nên nhiều cạnh tranh, khó kiếm ăn như xưa. Những tiệm đắt khách, có ăn đều do hai đại công ty Mỹ là Stop and Go và 7Eleven làm chủ. Những tiệm kha khá, hơi an toàn, do "đầu đen" làm chủ thì kêu gía trên trời dưới biển nên hai ông không thể mua tiệm dễ dàng và rẻ như xưa. Cả vợ chồng con cái nhẩy vào làm công cho Stop and Go. Trước học nghề sau kiếm vốn.
Vợ ông Bình sắc đẹp tuy chỉ trung bình nhưng lại được rất nhiều xếp Mỹ trong đại công ty Stop and Go thưởng ngoạn. Bà Bình lại thua chồng hơn cả một con giáp nên thường có nhiều quan niệm khác người về hai chữ "Tiết Hạnh". Xứ Mỹ mà. Ai ai cũng lo kiếm tiền nên ai có giờ mà thèm để ý đến I. Có một quan niệm thật cởi mở như bà, lại gặp những xếp Mỹ muốn mở cởi nên bà Bình tha hồ tung hoành trong tiệm làm của mình.
Trước, bà mua đồ rẻ từ những Wholesale chở vào tiệm bán, bỏ túi riêng. Xếp biết đều làm ngơ. Sau, bà dụ xếp báo cáo láo tiệm không lời mấy, sale xuống ầm ầm nên bán quách tiệm lấy lại vốn. Bà hốt hụi cho em mình đứng ra mua lại tiệm. Ông xếp vùng thắc mắc xuống tiệm bà kiểm tra, bà nhận ngay ông làm anh nuôi. Mỗi lần anh em gặp nhau, ôm ấp hôn hít như tài tử "mu vì". Từ tiệm này bà nhẩy qua tiệm khác lẹ hơn nhẩy đầm. Tiệm nào bà tới một vài tháng là sale xuống rồi for sale. Gia đình bà cứ nhào vô mua lại tiệm, đổi tên, mướn người vào làm tiếp.
Chỉ một thời gian ngắn, đại công ty Stop and Go đang vững mạnh vùng Houston, bị lao đao, phải rút lui êm khỏi thành phố và vùng phụ cận. Đâu ai ngờ cả một đại công ty đã sụm bà chè chỉ vì một người đàn bà quê mùa Việt Nam mà năm năm trước không biết nói đến nửa chữ tiếng Anh.
Người Mỹ rành tiếng Anh, hiểu luật pháp nhiều nên sợ làm bậy. Dân tỵ nạn những ngày đầu vừa không rành ngôn ngữ lại vừa có máu phiêu lưu nên hay nhắm mắt làm càn. Bà Bình là một thí dụ điển hình. Bà cứ múa lung tung, cặp loạn cào cào đến khi công ty gần trên bờ vực thẩm, bà tỉnh bơ đạp thêm một phát cho sụm rồi nhẩy ra làm tiệm riêng, khỏi sợ cạnh tranh.
Ông Bình tuy mới qua Mỹ nhưng được các bạn nhắc nhở nhiều nên đành nín thở qua sông. Ngày xưa ở Việt Nam, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa ông làm công chức, bà ở nhà nuôi con. Việt Cộng chiếm nước đổi đời, ông ở nhà trông con, bà ra chợ bán cháo bán chè. Những năm đầu, xã hội vẫn còn ít nhiều luân lý và đạo đức nên bà vẫn phải đàng hoàng với ông cho dù bà là mạch sống duy nhất của gia đình. Qua tới Mỹ, ông và bà đều đi làm một ngày tám tiếng nhưng xã hội lại xếp bà lên trên ông xa. Tuy ông và bà có cùng lương như nhau nhưng bà lại lãnh bonus đều đều, hơn lương cả hai người cộng lại rất xa.
Mạnh vì gạo bạo vì tiền. Vai trò và vị trí của ông trong gia đình từ từ xuống dốc thê thảm. Ông hiểu được nếu đứng lên làm cách mạng thì không những mất vợ, mất con mà còn mất nhà luôn. Ông đành mua dàn máy Karaôkê về hát cho gia đình có thêm đầm ấm. Bài ông hát hay nhất là bài "Anh đã lầm đưa em sang đây" của nhạc sĩ Lam Phương. Nhưng bà vẫn thường bắt ông hát sửa lời lại là "Em hết lòng theo anh qua đây".
Những người bạn thân, ông Sinh, ông Trí, ông Anh, ông Chu và ông Trung đều thấu hiểu nỗi khổ của ông. Họ chẳng bao giờ đề cập tới chuyện gia đình của ông trong các lần các ông họp mặt nhau mỗi cuối tháng. Mọi người đều mặc nhiên cho ông có cái quyền có thêm một người đàn bà nữa để nhớ, để thương và cũng để xoa dịu bớt nỗi buồn tỵ nạn. Ông ăn chả thì bà ăn nem. Bà mê hotdog thì ông thích hamburger. Quan niệm của các ông thật là lô-gíc mỗi khi giải thích riêng cho gia đình mình và cho chính mình:
- Miễn là hai bên vẫn vui vẻ sống với nhau là con cháu mừng rồi. Còn lâu lâu ông nhẩy dù một chuyến thì bà lại đi nhẩy đầm lậu vài bản. Lá rụng về cội. Nhẩy chán mỏi chân cũng lại về sống lại với nhau thôi. Giờ hai bên mà cứng qúa, đi đến ly dị, đổ vỡ tất cả, chả đi đến đâu, chỉ đem khổ đau đến cho con cháu. Lại còn khó ăn khó nói với mọi người.
*
Những năm tháng đầu lo làm ăn, đầu tắt mặt tối, ông Anh thấy cảnh ông ăn chả bà ăn nem trong gia đình bạn mình thật là bi đát. Mỗi lần họp mặt, thấy bạn ông thương. Vừa thương, ông lại vừa tội cho người bạn hiền lành.
Năm ngoái ông đi tới tiệm Nail của một người quen để thu tiền hụi. Sáng thứ hai đầu tuần, tiệm không có đến một người khách. Chủ tiệm Nail lại đi ăn sáng trễ chưa về. Trong lúc ngồi đợi ông nổi hứng bất tử kêu con nhỏ làm nail dũa lại cho ông mấy cái móng tay cho ngay ngắn.
Cái con nhỏ này thật là ngộ. Nhờ nó dũa móng tay, nó không làm chỉ nắm tay ông mân mê một lúc rồi hỏi cái ghế ông đang ngồi có êm như cái ghế da của chiếc xe Mercedes của ông đang đậu trước cửa tiệm không"
Kể từ đó ông tới tiệm nail thu tiền hụi hằng tuần và cũng kể từ đó ông không còn tội nghiệp cho ông Bình bạn ông nữa. Ông ao ước được như ông Bình để các bạn ông và chính ông đều mặc nhiên chấp nhận cho ông tới tiệm nail hằng ngày.
Ngày xưa mỗi lần gặp bạn ông thương cho bạn và gia đình bạn. Ngày nay mỗi lần gặp bạn ông thương cho mình và tội nghiệp cho chính bản thân ông. Ông muốn có được cái giấy phép có bồ nhí như bạn để &dưỡng gìa.
Cả cuộc đời ông bận rộn làm việc không nghỉ từ lúc lên mười. Đi học về ông phải lo trông coi sáu đứa em. Chiều lại ra quán đầu hẻm phụ mẹ bán cháo lòng cho tới khuya. Lớn lên ông lấy vợ vì nghe lời mẹ muốn kiếm thêm người về phụ bán cho gia đình chứ nào có yêu đương gì đâu. Ngày nước mất ông đã có một đàn con nheo nhóc phải đeo khăn quàng đỏ mỗi khi đi học.
Việt cộng đánh tư bản mại sản, chống tiểu thương. Gia đình ông khố rách áo ôm, chỉ có một cái quán cháo lòng èo ọp cũng phải dẹp. Đang lâm vào thế bí, sắp phải đi kinh tế mới, ông may mắn gặp ông Chu rủ trộm tầu đánh cá quốc doanh vượt biên. Ông đem hết tiềm dành dụm, hùn với bạn mua xăng, mua dầu một sống hai chết mang gia đình ra khơi.
Qua Mỹ, vợ chồng ông vừa lao đầu vào làm tiệm quần quật từ sáng tới tối vừa lo cho con ăn học. Hết làm tiệm, ông nhẩy qua làm nhà hàng. Khi công việc của nhà hàng bắt đầu ổn định, tưởng sẽ có được chút thì giờ nghỉ ngơi thì bà lại đề nghị mở cái thứ hai. Đứa con gái lớn lập gia đình, ông giao cái nhà hàng đầu tiên cho vợ chồng nó phụ coi, thì ông Trí lại rủ ông xây cái thứ ba. Nể bạn, ông xây luôn hai cái cho chắc ăn.
Hai mươi năm sống trên xứ Mỹ, ông không có được đến một tuần lễ nghỉ hè. Ba mươi năm sống bên cạnh người đàn bà ông gọi là vợ nhưng chưa một lần nói tiếng yêu đương. Sáu mươi năm làm người, ông như là một con trâu cầy liên tục ngày đêm không nghỉ. Nhìn lại quá khứ, ông thương và tội nghiệp cho chính con người của ông.
Quen được con bé làm nail, ông mới lần đầu thưởng thức men vị say sưa của tình yêu sau gần sáu chục năm làm chồng, làm cha và làm ông. Thời gian đối với ông không còn nhiều nữa. Ông không hưởng thì chết cũng không cam lòng. "Sống mà không có tình yêu là chết mà biết thở". Kịch sĩ La Thoại Tân một lần đã thốt lên lời thông cảm như vậy kia mà. Hằng đêm, ông thường tự hỏi: Ta là người hay là cái máy &cầy. Là người thì tại sao chỉ biết làm không biết hưởng"
Một lần ông Anh lôi vấn đề này ra nhá thử coi phản ứng của các bạn ông trong buổi họp mặt. Ông bầy tỏ :
- Tụi mình chỉ mười năm nữa là đều hơn bẩy chục cả. Bước đến tuổi "tri thiên mệnh", đi cũng phải chống gậy. Tiền bạc xài hết đời cháu cũng chưa hết. Đồ ăn thức uống muốn gì có nấy. Đi ra ngoài thì có người bẩm người thưa, về nhà có kẻ hầu người hạ. Chỉ còn mười năm nữa để hưởng thôi. Gì cũng vừa lòng. Duy chỉ có con vợ là càng già càng khó nhìn. Lúc nào cũng càu nhàu khó chịu.
Ông Trí chỉ cười ruồi không đáp. Ông Bình hiểu thân phận nên lơ đãng ngó ra ngoài đường. Riêng hai ông, Chu và Trung thì gào to. Ông Chu hung hăng, dọa nạt:
- Mày cơm no ấm cật bắt đầu giở máu trai gái chứ gì" Tao nói cho mày nghe. Mày mà léng phéng tao chỉ cần nói nhỏ con vợ tao một tiếng là hôm sau tới tai vợ mày ngay. Nó càng già càng khó nhìn còn mày thì càng già càng dễ nhìn ư"
Ông Trung tiếp lời bạn:
- Cái thằng lòng lang dạ sói. Mày có biết ngày hôm nay mày được ngồi mát ăn bát vàng là nhờ ai không" Con cái mày học hành thành đạt cũng nhờ ai không" Tao nhắc cho mày nhớ nhé. Nhờ cái con vợ khó coi của mày đó. Chưa chi đã thò cái đuôi phản phúc.
Ông Sinh từ tốn hơn. Ông là người lớn tuổi nhất trong đám nên ông hiểu người và hiểu đời. Ông nhẹ nhàng phân tích:
- Tụi mày đừng vội nóng nói nó. Những gì thằng Anh nói chỉ phản ảnh một tâm lý của người bình thường thôi. Con người ta đâu phải là thánh là thần gì nên có mới nới cũ là thường. Thử nghĩ mà xem. Mình mua cái xe hơi mới về, thấy bóng thấy thơm. Vài năm sau cũ nhìn phát chán. Chỉ muốn mua cái khác mà thôi. Huống chi bên này, các bà các cô phấn son thơm phức. Không phải đội nắng tắm mưa nên da thịt mát mẻ. Ăn uống đầy đủ ngực mông nẩy nở. Hỏi sao thằng Anh không so sánh thấy vợ nó càng già càng khó coi.
Ông Chu cắt ngang:
- Mày nói hay thiêt. Vợ mình mà lại đi so với cái xe"
Ông Sinh khoát tay:

- Từ từ để tao nói hết đã. Tụi mình kém may mắn, sinh ra trong một xã hội phong kiến. Cha mẹ bảo sao thì làm vậy. Nói lấy con này là nhắm mắt lấy. Chê con kia là co gìo chạy. Cả cuộc đời chỉ biết làm chồng chứ chưa hề làm người tình. Bây giờ sống trên xứ Mỹ, tình yêu cũng được giải phóng nên thấy được một khía cạnh khác của cuộc sống. Tao không lạ gì những gì thằng Anh nói đâu. Chính tao cũng nhiều lần bị dằn vặt, ưu tư. Cả cuộc đời không được sống với người mình yêu đến một ngày. Tuy nhiên, suy cho cùng, với cái tuổi gần đất xa trời, cái địa vị và tiếng tăm của tụi mình thì dù muốn dù không cũng phải sống như vậy cho hết cuộc đời. Đã lỡ phải đi con đường này rồi thì phải đi cho đến khúc cuối. Phải sống vì danh dự chứ không thể sống vì dục vọng được.
Giọng ông Sinh lúc trầm lúc bổng, cử chỉ ông đạo mạo, khoan thai. Mọi người im lặng suy tư, cố nhìn lại con người và cuộc đời của mình.
Ông Anh cũng suy nghĩ. Nghĩ tới nghĩ lui, ông cũng nhất định không để con bé nail của ông chịu thua định mệnh được. Nhất là tuần vừa rồi nó thủ thỉ với ông:
- Anh còn nhanh hơn cả thanh niên hai mươi tuổi nhiều lắm. Em đã có con với anh rồi.
Khi chuyện ông Anh có con riêng bùng nổ, các ông có hẹn gặp nhau để khuyên bảo nhưng ông Anh nhất định không chịu để định mệnh quyết định cuộc đời còn lại của ông. Ông nhất định vùng lên làm... cách mạng. Ông bán nhà hàng, ly dị vợ, từ giã bạn, rời Houston qua Florida xây tổ ấm và tiệm nail.
Nói cách nào ông Anh cũng không thay đổi ý đinh. Ông Sinh đành nhường một bước, khuyên bạn:
- Anh à, tao biết ăn rau muống hoài cũng chán, lâu lâu mày buồn đời đổi món rau đay thì còn chấp nhập được. Chứ giờ mày bỏ vợ, bỏ con qua Florida sống với nó vài năm nó sẽ bỏ mày. Mày sẽ sống với ai" Vợ con chính là rường cột của cuộc đời mày. Ngày xưa mày chọn nó thì giờ nó có già nua xấu xí thì cũng phải sống cho suốt cuộc đời mới không thẹn với trời, đất, với người ta. Con bồ nhí mày nó chả ngu gì sống với mày suốt đời đâu. Giờ nó biết mày có tiền, có bạc nên bám mày để moi. Khi moi đủ, nó rũ áo bỏ đi không nuốt tiếc. Chỉ có con vợ mày là khi no, khi đói nó vẫn một lòng. Nghe tao đi. Vui vui một chút không sao, chứ đừng có vui luôn là hết vui đó.
Ông Anh vẫn lắc đầu:
- Nó thương tao thiệt tình nên mới có con với tao. Con vợ tao là do má tao chọn chứ có phải tao chọn đâu mà mày nói ngày xưa tao chọn.
Ông Chu bực mình hỏi to:
- Nếu má mày chọn thì tại sao mày lại gật đầu đồng ý không phản đối"
- Tại vì trong xóm tao hồi đó nó trông được nhứt.
Mặc dù thiếu mất một người bạn, hàng tháng trong buổi họp mặt, người dân trong thành phố cũng vẫn thấy các ông đặt nhà hàng sáu chỗ ngồi. Vẫn sáu ly rượu và sáu cái chén.
*
Hôm nay, nửa năm sau ngày vắng ông Anh, các ông lại một lần phải họp mặt sớm vì được tin ông Trung có phòng nhì từ vợ ông Chu. Các ông gặp nhau thật sự để khuyên bảo ông Trung thì ít mà thắc mắc về "người ấy" thì nhiều. Ai ai cũng muốn biết tại làm sao con người cù lần lửa như ông Trung mà làm cách nào lại có được người tình thứ hai.
Đợi đã qúa nửa giờ đồng hồ cũng chưa thấy ông Trung tới, ông Trí tìm cách pha trò để giảm căng thẳng:
- Sinh này, tao nghe đài radio quảng cáo về cái nhà quàn của mày thật là ngồ ngộ. Cái gì mà nhà quàn luôn luôn chủ trương "thành thật, tận tâm, an toàn, và kín đáo". Ngày người ta còn sống, đã không đối xử được thành thật thì khi chết nó có cần quái gì thêm chút thành thật nữa đâu" Lúc người ta chết, mày có tận tâm rửa xác nó thêm vài lần bằng chất hóa học thì nó càng đau đớn thêm chứ lợi gì" Người đã chết thì cần gì an toàn. Thêm một viên đạn vào người cũng vẫn chết. Hai chữ kín đáo, tao thấy lại càng mỉa mai nhiều. Hỏi mày trên đời này còn có chỗ nào kín bằng bỏ vào hòm, đóng nắp lại chôn dưới ba thước đất"
Thường ngày câu nói khôi hài của ông Trí sẽ được các ông bàn đi tán lại cả giờ đồng hồ không dứt, nhưng hôm nay cũng không làm mọi người cười nổi. Ông Sinh lững lờ đáp:
-Vậy mà mày có biết ai ai gọi cho tao cũng đều dặn đi dặn lại là gia đình chúng tôi đều mong muốn mọi sự được an toàn và kín đáo. Chả lẽ tao lại nhờ đài nhắc to là trên đời này có thằng cướp nào dám mò tới nhà quàn để cướp đâu" Chỉ có đứa khùng mới tới nhà quàn để gây ồn ào thôi.
Phải mất thêm nửa giờ đồng hồ nữa ông Trung mới tới. Chưa kéo được nghế ngồi xuống, ông đã nghe giọng ông Chu oang oang:
- Năm ngoái vụ thằng Anh cặp con nhỏ nail hai mươi lăm tuổi đã làm cả thành phố này cười vào mặt chúng mình. Vụ này chưa yên, mày giờ còn chơi nổi hơn, mướn nhà sống với con nhỏ hai mươi. Thử hỏi người ngoài đường nhìn chúng mình nghĩ sao"
Ông Trung ức lắm. Chuyện của ông chưa có gì cả mà vợ chồng ông Chu đã đi hê rùm beng lên. Ông thấy con bé tội nghiệp, qua Mỹ một thân một mình nên ông thương không hại. Ông chỉ mới giúp nó thuê cái condo hai phòng ngủ gần chỗ làm để khỏi đỡ cực đi làm xa. Con nhỏ được cái gia đình gia giáo, đàng hoàng, nhất định một hai là "anh chưa ký giấy thì chưa, thì chưa, thì chưa &cùng phòng".
Ông cũng là người &đàng hoàng nên nào đã nghĩ tới chuyện ký giấy ly dị đâu" Tất cả đều do vợ chồng ông Chu ghen tuôn đồn bậy mà ra. Kể ra thì số ông cũng hơi sui. Con nhỏ lại là bồ xưa của con trai ông Chu. Chúng nó giận nhau, đánh nhau, cắn nhau rồi bỏ nhau cả năm hơn. Bỗng nhiên một ngày đẹp trời cái thằng trời đánh hết chỗ đi chơi nên lù lù xuất hiện trước cửa cái condo của ông thuê. Con nhỏ còn muốn chọc gai người tình xưa của nó nên ôm ông chặt cứng giới thiệu.
Bây giờ mọi việc đổ bể, ông đành giả ngơ, nhắm mắt theo chân người tình. Đã lỡ thì cho lỡ luôn, "lâu rồi đời mình cũng qua". Đằng nào cũng mang tiếng xấu. Thôi thì thà oan mà sướng còn hơn bị cười mà không có chút gì chấm mút cho cuộc tình u mê ngày nào.
Ông Trung cầm ly nước lạnh uống một hơi cạn sạch rồi nhướng to mắt nhìn ông Chu trả lời:
- Nghĩ sao hả" Nghĩ đến cái con Phượng, vợ bé của mày ở Dallas đó. Tao nói cho mày nghe rõ nhé Chu. Bạn bè chơi với nhau từ nhỏ, tao không bao giờ có ý chơi mày đâu. Nhưng vợ chồng mày lại muốn gia đình tao tan nát thì tao cho gia đình mày tan tành luôn. Tao tới trễ là vì phải ghé qua chợ của mày để kể cho con vợ mày nghe chuyện mày cặp bà Phượng như thế nào. Mày xạo nó lên Dallas để mở franchise chợ cá, chợ thịt tưởng qua mặt được tao hả. Love franchise thì đúng đó. Bà Phượng là cô họ của con nhỏ tao quen. Nó với con trai mày cãi nhau cũng vì chuyện bê bối của mày. Mày nhồi sọ, lừa bịp thằng con mày hay lắm. Lúc nào nó cũng tin là có người cha gương mẫu. Tao tưởng mày phải khôn, câm họng lại thì tao cũng im để cùng sống. Giờ mày muốn dứt điểm thì tao cũng dứt tình. Đừng có giở cái mặt đạo đức giả ra trộ anh em nữa. Chuyện tình lẻ của mày, tao đã cho lên internet cùng website với cựu tổng thống Bill Clinton rồi đó.
Mặt ông Chu đang đỏ đổi qua xanh rờn. Ông chỉ lắp bắp vài ba tiếng rồi ú ớ đứng dậy cáo từ nhanh, ra về. Ông Trí cũng lặng lẽ ra quầy trả tiền nhà hàng. Buổi họp tưởng phải kéo dài vài ba tiếng, nào ngờ chỉ vài ba phút là tan.
Trên đường lái xe về nhà, ông Trí nghĩ tới bạn mà lòng buồn vời vợi. Khi biết gia đình bạn sẽ đổ vỡ, ông thở dài năm bẩy lượt. Ông thấy ông khác xa các bạn ông trong quan niệm vợ chồng một trời một vực. Các bạn ông tưởng mình khôn chứ thật ra qúa dại dột. Người mướn condo riêng cho bồ nhí tưởng giấu được vợ, nhưng vẫn bị lộ. Kẻ đi qua tận thành phố khác cặp bồ lẻ, ngỡ không ai hay, nhưng vẫn có người biết tới. Giấu diếm cách nào cũng bị mấy bà phát giác ra. Họ có cả một hệ thống thông tin rất nhậy cảm. Một network rộng lớn hơn cả ba đài truyền hình nổi tiếng ABC, CBS và NBC nữa kìa.
Đàn bà muốn giấu được phải khôn như &ông mới được. Ông đã bỏ bao đêm suy ngẫm mới nghĩ ra kế hay. Ông đâu có thèm có bắt bồ nhí Việt Nam đâu. Ông chơi đồ quốc tế chứ nào thèm hàng quốc nội. Ông cặp con nhỏ người Cuba, cũng tỵ nạn cộng sản như ông. Ông trao chức manager cho nó trông coi cái apartement của ông để hàng tuần có cớ ghé qua thăm. Nó chỉ biết nói tiếng Tây Ban Nha, vợ ông, bà Trí chỉ rành tiếng Việt, có gặp nhau cũng chả ai hiểu ai thì tha hồ cho ông thông, ông dịch.
Cộng đồng tỵ nạn Cuba và cộng đồng tỵ nạn Việt Nam ở thành phố Houston tuy có cùng một mục đích chống cộng sản nhưng mấy khi liên lạc với nhau. Do vậy mà con bồ nhí của ông đã làm manager hơn ba năm cũng không có một tí tiếng to tiếng nhỏ nào về mối tình vụng trộm giữa hai người.
Bà Trí vẫn thường khen nó thùy mị, hiền lành. Mà không khen sao được" Hỏi có manager nào làm ba năm không hề xin lên lương đâu" Lâu lâu nó lại còn "va lăn tia" không nghỉ hè, làm thâu đêm &giải sầu. Riêng bonus của ông Trí thì nó cứ đòi chia lên ầm ầm.
Ông Trí sửa lại cái kính chiếu hậu xe để tự soi mình. Ông đổi ý, quay xe vòng lại ghé thăm cái apartement trước khi về nhà. Ông mỉm cười đắc thắng, tự nhủ:
- Ra ngoại quốc mà không dùng hàng ngoại thì thật là một thiếu sót lớn. Cứ ba cái đồ quốc nội xào tới, xào lui hỏi sao không bị lộ. Cộng đồng thì gắn bó, gặp nhau hàng ngày, giấu đâu cho thoát. Chỉ có xé rào nhẩy qua cộng đồng bạn như mình thì mới không bị bà chộp thôi.
Ông Trí tính thật kỹ. Ông thật khôn. Đã khác ngôn ngữ, không nói chuyện được nhau thì có thánh mà phát giác được mưu ông bầy. Tuy nhiên chính cái bất đồng ngôn ngữ này vừa giúp ông lại vừa hại ông.
Con bồ Cuba của ông cũng là dân chơi quốc tế. Nó cặp không từ một đứa "xì" nào trong cái apartement của nó cai quản. Tuần trước nó bị mắc bệnh phong tình. Ông lại ghé qua coi sổ sách. Nó không biết đến một chữ tiếng Anh hay tiếng Việt nào để diễn tả cái bệnh yêu kiều này. Nó đành chỉ vào bụng dưới rồi bập bẹ:
- Love sick here. Very love sick.
Ông Trí nghe lộn, lại nghĩ nó nhớ ông lâu không tới thăm nên thích chí cũng chỉ vào người mình trả lời ngon ơ:
- Mi đây cũng love sex too.
Nó đành lắc đầu không biết nói sao nên âm thầm tặng ông một chút virus cho đời ông lên hương. Ông Trí về nhà chia ngay cho bà Trí một nửa làm quà lưu niệm.
Ngày hôm nay cũng chính là ngày bà Trí thấy khó chịu trong người nên đi khám bác sĩ. Nghe bác sĩ giải thích về bệnh lý, bà Trí nổi hung, bà bấm ngay điện thoại tay gọi cho hai đứa con trai ra giá trao giải thưởng:
- Đứa nào tìm được tung tích con bồ nhí của ba mày, má sẽ tặng cho một cái xe sport. Muốn xe nào, má mua xe đó.
Hai đứa con trai ông Trí đang ngồi lè lưỡi, thòm thèm coi internet quảng cáo xe sport mới năm nay, nghe tiền thưởng liền phóng lên xe, lồng lộn tìm ba chúng. Gì chứ chuyện này chúng "xì meo" từ lâu rồi. Có điều ngu gì nói ra để gia đình vừa lộn xộn, chúng vừa lại mất tiền đấm mõm từ ông Trí.
Bà Trí chộp được ông ngay tại phòng chính của apartement. Bà lôi ông về bắt ông đăng báo bán hết tất cả tài sản: apartement, khách sạn, nhà hàng và building. Hằng ngày, bà bắt ông ngồi nhà thiền, đọc sách đạo đức, bỏ coi phim người lớn, ăn chay trường, uống nước lã, nằm ngửa và ngủ một mình để &diệt dục.
Kể từ đó người dân vùng Houston chỉ thấy một mình ông Sinh ngồi độc ẩm trong nhà hàng với sáu ly rượu và sáu cái chén mỗi cuối tháng. Ông trầm tư ôn lại những gì đã xẩy ra cho các bạn ông. Lâu lâu có cô hầu bàn trẻ mon men tới gần, cười cười hỏi ông có cần ăn thêm gì không. Ông nhìn những cái ly của bạn cũng cười cười trả lời không.
Ông là người đàng hoàng nhất trong đám lộn xộn.
Một ngày mùa Đông, sau gần hơn một năm tu tỉnh, ông Trí bỗng nhận được điện thoại của ông Anh từ Florida. Ông Anh hẹn sẽ trở về lại Houston để cùng gặp ông Sinh. Ông Trí nhẹ nhàng từ chối. Ông Anh động viên:
- Mày đừng có xấu hổ với thằng Sinh nữa. Tao nói cho mày nghe tụi mình ăn vụng cũng không bằng nửa nó đâu. Nó có vợ bé cả mười năm nay. Nó mua nhà cho con vợ bé chỉ cách nhà nó vài căn thôi. Chính con vợ nó khóc kể cho vợ ông bác sĩ sửa sắc đẹp. Con nhỏ y tá cho ông bác sĩ là bạn thân của con vợ tao. Nó kể hết từ đầu tới cuối cho tao nghe mà.
Ông Trí tỏ vẻ nghi ngờ:
- Mày đừng có nghe người ta đồn bậy đồn bạ nghen Anh. Trên đời này làm gì có ai mà ngu đến độ mua nhà cho con vợ bé chỉ cách nhà mình vài ba căn đâu"
Ông Anh quả quyết:
- Vậy mà nó làm được mới tài. Tao tức nó lắm nên muốn gặp để chửi vào mặt nó. Nó chơi bẩn với anh em. Có chiêu độc không bảo tụi mình một tiếng lại giấu xài riêng. Mày có biết cả con vợ lớn lẫn vợ bé của nó tối ngày cứ phải đi sửa sắc đẹp để chiều nó không" Con nào cũng sợ nó bỏ qua ở với con kia. Đếch có con nào dám ho hen, to nhỏ gì cả.
Ông Trí thắc mắc:
- Bộ cả hai bà đều không biết ghen là gì hả"
Ông Anh cười to:
- Ghen cái nỗi gì. Tao đã nói là nó có độc chiêu mà. Tao hỏi mày chứ con vợ bé của nó chính là con &em vợ nó thì bố bảo con vợ lớn cũng không dám làm rùm beng lên. Chửi bố mẹ nó là chửi bố mẹ mình thì không câm miệng, lo đi sửa sắc đẹp để giữ chồng, chứ hỏi mày biết làm gì hơn"
Ông Trí bật hiểu ra:
- Độc thật. Cái chiêu này độc thật. Nó khôn hơn chúng mình nhiều. Nó chỉ chuyên đi đá banh quốc nội nên tha hồ đá lung tung mà không sợ bà cả phất cờ thổi phạt việt vị. Đã vậy nó muốn đá giờ nào thì đá, đá thêm giờ phụ trội cũng chả có bà nào dám cất gôn, từ chối không đá. Tụi mình ngu quá, cứ lo giành cúp quốc tế không nên có bao giờ thắng được cái giải rút gì đâu"
Ông Anh cũng đồng ý, nhắc lại chuyện xưa của bạn:
- Nó chuyên môn đá banh quốc nội nên đi chân đất đá cũng không thốn chân. Còn mày đã mê đá banh quốc tế lại không chịu mang giầy, bị gẫy cẳng là phải rồi.
Cuối tháng đó người dân vùng Houston ngạc nhiên khi thấy sáu ông lại họp mặt nhau tại nhà hàng xưa. Các ông nói chuyện vui hơn, thông hiểu nhau hơn cho dù tuổi hạc của các ông gần kề hơn.
Houston, vào Đông năm 2002
Lê Như Đức

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,809
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.