Hôm nay,  

Halloween: Con Tàu Ma

31/10/201500:00:00(Xem: 13135)
Tác giả: Phương Hoa
Bài số 3659-18--30149vb7103115

Tác giả định cư tại Mỹ từ 1994, vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ nhất của California. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Viện Bảo Táng Của Những Người Lính Bị Bỏ Quên" tại Marrysville, tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới của Phương Hoa là chuyện Halloween 2015.

* * *

blank
blank
Hình ảnh trang trí lễ hội nhóa trang ma tại Trung Tâm Cao Niên và bến cảng thành phố.

Một buổi trưa cuối tuần tháng Mười, tôi cùng nhiều thiện nguyên viên đến giúp trang trí ở trung tâm cao niên thành phố, chuẩn bị cho buổi lễ Halloween của các cụ. Đây là lần đầu tiên tôi làm thiện nguyện ở trung tâm này do sự giới thiệu của bà bạn Carla gần nhà, nơi chúng tôi mới dọn đến.

Hội trường trung tâm hôm nay thật nhộn nhịp, kẻ treo lồng đèn, người căng dây nhền nhện, trong khi cánh trai trẻ thì khuân vác, sắp xếp ghế bàn. Nghe nói năm nào cũng vậy, trước lễ Halloween một ngày trung tâm tổ chức buổi tiệc hóa trang thật vui nhộn cho mọi người chung vui. Nhưng năm nay đặc biệt hơn, theo Carla, ban giám đốc muốn dành bất ngờ cho Abram, một vị mạnh thường quân, để kỷ niệm bốn mươi năm người ấy dừng chân và cống hiến nhiều tài lực vật lực cho thành phố cũng như trung tâm này.

Mọi người trông thật hào hứng. Ai cũng biết buổi lễ này sẽ rất có ý nghĩa đối với Abram, vì tổ tiên ông là người Celtic, thuộc nhóm những người di dân đầu tiên đem phong tục "Đêm Trước Ngày lễ Các Thánh" gọi là "All Hallows' Eve" du nhập vào Hoa Kỳ để rồi theo thời gian được đổi lại là lễ hội Halloween như bây giờ.

Nhưng đối với tôi, tôi càng hồi hộp và thích thú hơn nữa vì sẽ được dịp gặp mặt nhân vật chính của câu chuyện "con tàu ma" mà người ta nhắc đến một cách kính trọng trong khi làm công việc trang trí.

Sau khi xong việc, tôi theo bà bạn Carla ra bến cảng câu. Tôi quen Carla từ khi dọn về đây và vào cuối tuần tôi thường bỏ ông xã ở nhà đánh cờ tướng để theo bà đi câu cá.

Biển hôm nay có gió. Những cơn gió tháng Mười thoạt mạnh, thoạt la đà xô đuổi từng con sóng ập vào bờ đá làm bọt tung trắng xoá. Hàng trăm con tàu đầy màu sắc neo trên bến cảng dập dềnh lắc lư như thể muốn tung mình lướt sóng ra khơi.

Trong khi Carla còn từ tốn móc mồi bên cạnh, tôi vung tay ném lưỡi câu ra xa rồi đứng ngó bâng quơ qua khúc quanh bờ đá lởm chởm cuối bến cảng. Tôi thấy một ông đứng câu bên phía công viên dành cho người dã ngoại.

- Ồ! Hello Abram!

Carla cũng vừa thấy ông ấy và kêu lên. Bà quay sang nói với tôi: –Đó là ông Abram. Bình thường ông ấy cũng hay đến trung tâm làm việc chung với mọi người, nhưng vì cần giữ bí mật nên hôm nay họ không cho ông biết về buổi trang trí.

- Vậy sao!

Tôi cũng reo lên rồi chăm chú quan sát, trong bụng ngạc nhiên, không thể tưởng tượng được con người này là một triệu phú. Ông ta ôm cần câu đứng bất động trên ghềnh đá. Chiếc áo ngắn tay màu huyết dụ không cài cúc bay phần phật trong gió, để lộ bộ ngực trần xương xẩu cháy nám với một vết sẹo dài bên phía trái tim. Mái tóc dài bạc trắng phủ lòa xòa xuống vai. Khuôn mặt ông teo tóp, chi chít nếp nhăn. Chiếc quần sọt màu vàng kem càng làm nổi bật làn da đỏ nhẻm vì nắng cháy trên cặp giò gân guốc.

Đột nhiên Abram đổi thế đứng. Chân trước bước tới trên tảng đá nhỏ gần mặt nước, chân sau dạng ra, đầu gối cong như thế võ “xuống tấn”, ông chụp lấy tay quay trên cần câu và quay nhanh. Rồi ông chậm lại, tay quay có vẻ nặng nhọc dần. Ông vật vã kéo vào rồi nhả dây ra, lại hì hục kéo vào. Khi sợi cước rút dần khoảng cách đến gần bờ thì cần câu bị kéo cong xuống nước như một cây cung. Chú cá này chắc bự lắm đây. Tôi nghĩ và chợt nhớ đến nhân vật ông già trong tuyệt tác “The Old Man and The Sea” của đại văn hào Hemmingway khi ông chiến đấu với con cá lớn ngoài khơi. Ông già đó đã vất vả như thế, mà cuối cùng dù thắng ông vẫn trắng tay khi về tới nhà. Hemmingway đã để lại cho đời một tác phẩm vô cùng thú vị về lòng kiên nhẫn lẫn sự tự tin.

Nhìn Abram, tôi hồi hộp đến quên cả cần câu của mình, như chính tôi đang chiến đấu với con cá dưới nước mỗi khi cần câu của ông bị kéo ngược ra ngoài biển. Ánh nắng mặt trời chiếu xuống làm những giọt mồ hôi trên trán ông lấp lánh. Cuối cùng con cá cũng đầu hàng, nhưng nó vẫn còn ráng vẫy vùng, làm nước bắn tung tóe khi nó bị lôi lên mặt nước.

Đó là một con cá đuối khổng lồ mình xanh bụng trắng hếu với cái đuôi thật dài. Nằm trên bờ đá, nó vẫn tiếp tục vung đôi cánh nhọn tam giác lên quạt đành đạch. Con cá to kinh khủng, dễ chừng nó cũng gần bằng cái quạt gió dùng để quạt thóc của nông dân chứ chẳng chơi. Trước giờ ở vùng này tôi chỉ thấy người ta câu được cá nhám, nhiều nhất là cá nhám bông, chứ chưa thấy có cá đuối. Nhìn Abram xương xẩu đang loay hoay tháo lưỡi câu, tôi không biết ông làm sao "giải quyết" con cá bự chang này.

Nhưng kìa! Sau khi tháo lưỡi câu ra, ông bỗng đẩy mạnh con cá xuống nước, càm ràm:

- Damn it! Đồ chết tiệt! Sao chúng mày cứ mãi bám theo ông vậy!

Tôi tiếc hùi hụi đứng nhìn Abram đưa cánh tay toàn da bọc xương vừa quệt mồ hôi trên trán vừa thở hồng hộc. Phải sớm biết ông vất nó đi, tôi hỏi xin đem về chia cho bạn bè nấu canh chua. Món canh chua cá đuối là ngon tuyệt. Tôi cắm cần câu xuống cát rồi bước lại làm quen:

- Chào ông! Sao ông khổ nhọc bắt được con cá đuối to vậy mà lại thả nó đi uổng thế?

Ông gật đầu chào hiền lành rồi nói: - Cô biết không, từ sáng đến giờ đây là lần thứ ba tôi câu cùng một loại cá đuối này đó. Thả chúng nó đi chứ ai mà thèm ăn cái loại cá nhớt nhờn nhợt này chứ! Yuck! (Gớm quá!).

Tôi cười:

- Chắc là vì ông chưa bao giờ ăn thử, chứ loại cá này nấu xúp chua ngọt ngon lắm, không có tanh đâu.

Abram làm thinh, nhưng vẻ mặt như thể “kinh dị” khi tưởng tượng đến món súp cá đuối. Ông móc lại mồi, quăng câu ra xa, và cắm cây cần sâu xuống cát giữa một khe đá, rồi leo lên bờ ngồi.

Nhìn Abram rồi nhìn ra bến cảng, tôi cố tưởng tượng xem ngày xưa "con tàu ma" đang đậu ở chỗ nào nhưng không thể.

Carla cũng đã quăng câu xong, cắm cần xuống cát và bước lên bờ chào Abram với vẻ tôn trọng đặt biệt.

- Hey! Carla! Abram bỗng nói. - Lát nữa có tiện đường ghé qua chỗ tôi mang mấy túi bánh kẹo về rồi Thứ Bảy đem đến trung tâm cho bữa tiệc nghe. Hôm ấy tôi bận nên sẽ đến trễ.

- Oh! Carla tỏ vẻ giật mình vì sợ ông Abram không đến thì sẽ hỏng hết buổi tiệc kỷ niệm. - Ông nhất định phải đến nghe, mọi người sẽ đợi ông đó!

- Tất nhiên là tôi sẽ đến. Ông cười. - Nhưng trễ một tí vì tôi phải đi có việc.

Cuối buổi đi câu, bạn tôi lái xe theo Abram về nhà ông, chỉ cách bến cảng chừng vài dặm. Đó là một căn nhà loại di động xinh xắn.

- Vô trong uống ly trà cho ấm rồi về.

Abram nói xong mời chúng tôi vô phòng khách rồi bước vô trong.

- Ông ấy sống rất bình dị. Carla thì thầm. -Đã ở trong căn mobile home này mấy chục năm qua.

Phòng khách rộng rãi nhưng không có đồ đạc gì nhiều ngoài bộ salon và một tủ ly tách. Trên tường bên trái treo tấm chân dung thật lớn của một cô gái đẹp như tiên nữ trong trang phục áo đầm dài dệt hoa sặc sỡ của người da đỏ. Mái tóc dài đen gợn sóng xỏa hai bên vai; chiếc mũ lông chim đủ màu gắn trên tấm ruy băng chữ V có nạm viên ngọc lớn màu xanh; cổ áo hở rộng phô bày làn da mịn màng; giải yếm viền vàng kết những tua dây cườm xanh đỏ lấp lánh vòng qua vai; cộng với đôi vòng tay nạm ngọc, cho thấy đây là một cô gái thuộc dòng vương giả. Bên phải hình cô gái là bức tranh lớn cùng kích cỡ của một chiếc du thuyền màu trắng nhỏ nhưng sang trọng như tàu của hoàng gia.


Đang mải mê ngắm nghía chiếc du thuyền, tôi bỗng giật mình nghe Carla nói:

- Đó là tấm hình của "con tàu ma" mà mọi người vừa nhắc đến ban sáng.

- Ồ! Tôi thích thú kêu lên, rồi đứng lặng nhìn con tàu. Không thể ngờ được tôi lại có dịp thấy tận mắt hình ảnh con tàu trong câu chuyện tưởng chừng như "huyền thoại" của vị mạnh thường quân nổi tiếng trong trung tâm. Tôi bồi hồi nhớ lại những gì đã được nghe.

Cách đây lâu lắm, vùng này có một cơn bão lớn kéo đến đánh đắm khá nhiều tàu bè, và cũng đã lấy đi mấy sinh mạng của dân chài. Sau cơn bão, vào lúc nửa đêm các thuyền chài quanh vùng bỗng thấy có con tàu lạ xuất hiện một cách bí ẩn ngoài khơi, không xa bến cảng là bao. Đến sáng ra là nó biến mất trong màn sương chẳng còn chút dấu vết. Ban đầu người ta không để ý, nhưng vài ngày sau sự thoạt ẩn thoạt hiện vào ban đêm của con tàu lạ đã gây sự tò mò của nhóm dân chài. Họ kháo nhau đã nhìn thấy một con tàu ma.

Khi ấy từ ngoài khơi...

Đó là một chiếc du thuyền trắng với sự bài trí sang trọng, đầy đủ các vật dụng. Dưới ánh đèn mờ ảo, những xâu lá cây và hoa treo dọc ngang trên trần tàu nhún nhẩy theo nhịp sóng lắc lư, tạo ra những bóng dáng ma quái. Giữa sàn tàu, bên trong cỗ quan tài lót vải trắng tinh là xác chết của một người con gái có nét đẹp liêu trai mê hồn trong trang phục người da đỏ. Xác chết mặc áo đầm hoa dạ hội, trên đầu đeo vòng tròn hoa tươi có gắn lông chim. Xung quanh xác chết chưng bày các lẵng hoa tươi đủ màu sắc. Vòng ngoài của những lẵng hoa là hai dãy kệ dài trên đặt những đĩa đèn cầy màu trắng đang cháy bập bùng.

Một thanh niên da trắng, mái tóc dài bù xù rũ rượi, đang quì mọp trước xác chết. Anh ta khóc lóc thảm thiết, đầu đập mạnh xuống sàn tàu, mồm đọc líu ríu những câu ca lạ lẫm như thần chú. Khóc một hồi, anh ta đứng lên với cái trán sưng vù bầm tím, cặp mắt long lên sòng sọc dưới ánh đèn mờ. Mỗi lần hát xong những câu ca ai oán, anh ta vơ đám hoa lá bên mình xác chết đem vất xuống biển, miệng đọc lầm bầm như niệm chú, rồi lái tàu chạy vụt đi biến mất trong đêm. Anh lập lại nhiều lần như thế.

Cho đến đêm sau cùng, sau khi ném tất cả hoa lá, cả những dây treo trên trần, thì trong tàu chỉ còn lại anh ta và cái xác chết.

Đêm đó trời rất tối. Có một chiếc ghe câu từ bến cảng ăn đêm về trễ, và trên đường về họ bất ngờ gặp được "con tàu ma". Mọi người bàn nhau tắt máy neo ghe gần đó chờ xem động tĩnh trên con tàu mà họ đã xôn xao bàn tán mấy ngày trước đó.

Trên chiếc du thuyền, sau một lúc đập đầu khóc lóc và đọc những câu ca nỉ non, con người kỳ lạ đó bỗng cúi xuống ôm lấy cái xác chết lên tay. Anh ta bước chậm rãi ra ngoài thành tàu, rồi cất tiếng kêu to ai oán bằng một thứ ngôn ngữ rất lạ tai. Tiếng kêu thê thiết vang động cả đại dương làm cho mọi người trên chiếc ghe câu rúng động, rợn tóc gáy. Bước chân xuệnh xoạng, tóc tai anh ta rũ rượi.

Bất thình lình, người đó rút ra con dao ngắn. Lưỡi dao sáng loáng vung lên trong đêm đen, anh ta tự tay đâm thẳng vào ngực mình, rồi cùng với cái xác chết ngã nhào xuống biển. Một hình ảnh kỳ dị xuất hiện trên mặt biển đêm: những làn sóng lớn liên tiếp ào tới, thay vì nhận chìm kẻ nhào xuống, thì lại như chung sức cùng nâng họ lên cao, đưa về phía con tàu của dân chài. Những người dân chài nhanh chóng lao theo và dễ dàng vớt được họ lên tàu.

Thì ra xác xác người vợ da đỏ chỉ là một con búp bê lớn bằng nhựa nổi. Chàng trai tự đâm dao vào ngực nhưng vẫn ôm cứng xác người vợ nên không bị nhấn chìm. Người ta nhanh chóng đưa chàng thanh niên vô bờ, đem vào bệnh viện cấp cứu. May mắn là vết đâm ngay tim bị chệch một ly nên cuối cùng anh ta được cứu sống.

Sau khi chữa lành vết thương họ chẩn đoán nạn nhân còn bị bệnh tâm thần, do một cú sốc tâm lý nào đó tác động, nên họ gửi anh vô viện tâm thần điều trị.

Khi hết bệnh, chàng thanh niên mới kể lại sự tình. Anh tên là Abram. Khi chiếc du thuyền nhỏ của anh chạy ngang qua vùng biển này, cơn bão lớn đã cướp mất người vợ trẻ dấu yêu Helki.

Helki là người da đỏ. Cô là một trong số ít những người con gái có học trong bộ tộc đã thoát ra khỏi sự cai quản của bộ tộc và ra ngoài xã hội đi làm, rồi gặp và yêu Abram. Helki có tấm lòng nhân hậu vô bờ. Dù là khi còn nhỏ, cô thường theo vị mục sư cha đỡ đầu đi làm thiện nguyện khắp nơi.

Khi Abram và Helki đám cưới, cha mẹ Abram không còn, nhưng đôi vợ chồng mới đã nhận được một món quà mấy triệu đô la, do vị mục sư cha đỡ đầu của Helki tặng. Vì thương Helki tính tình hiền hậu hiếu thảo, ông mục sư đã mua một loại stock đặt biệt để dành cho cô từ khi cô còn nhỏ. May mắn đến khi Helki kết hôn thì giá stock đã lên đến đỉnh cao chót vót, ngay cả ông mục sư cũng không ngờ.

Đôi vợ chồng mới vui mừng, và hai người bàn nhau trích ra một số tiền hiến tặng các cơ quan từ thiện. Sau đó họ mua một chiếc du thuyền để cùng nhau du lịch, lênh đênh sóng nước.

Thật là bất hạnh, trong một lần du thuyền của họ đi qua vùng này thì gặp phải cơn bão lớn. Cơn bão kinh hoàng đã làm hư hại chiếc du thuyền và còn cướp Helki đi mất tích không tìm ra thân xác. Abram hoảng loạn khổ đau, anh ở lại quẩn quanh nơi bến cảng kiếm tìm. Đến khi biết không còn hy vọng tìm được xác Helki thì anh phát bệnh tâm thần.

Trong cơn điên loạn, Abram theo quán tính tự mình tổ chức lễ an táng cho Helki theo phong tục của người Celtic trên chiếc tàu, tại nơi Helki bị nạn. Anh tìm mua con búp bê thay thế xác của Helki và khi hành lễ anh đọc những bài ca than khóc, chưng hoa tươi, đốt đèn cầy...theo tục lệ của người Celtic. Rồi anh mang "xác" người vợ dấu yêu ra biển và tự kết liễu đời mình để chết theo nàng.

Rất may là anh đã được cứu.

Sau khi hết bệnh, Abram bán chiếc du thuyền, mua căn nhà di động sống gần bến cảng, nơi Helki mất tích để ngày ngày ra đây câu cá và tưởng nhớ đến nàng. Số tài sản bạc triệu ấy, anh đem phân phát, tặng cho các cơ quan từ thiện, mà một phần trong số đó anh dành cho trung tâm cao niên thành phố này.

Abram sống đời độc thân từ đó đến giờ không hề yêu ai. Ông thường xuyên đi câu và lấy việc thiện nguyện giúp người làm niềm vui trong suốt cuộc đời...

Tôi mải mê suy nghĩ nên đứng lặng trước bức hình du thuyền và hình người vợ quá cố của Abram, nên không nghe tiếng ông mời trà, cho đến khi Carla nhắc lại lời mời của ông.

Tôi bước lại ngồi xuống ghế salon. Vẫn còn bàng hoàng vì được nhìn thấy "con tàu ma" và nhớ lại câu chuyện của nó, tôi nói với Abram bằng một giọng xúc động:

- Bà nhà xinh đẹp quá! Thật là đáng tiếc. Tôi có nghe người ở trung tâm kể về chuyện của ông. Ông quả là một người chồng chung thủy và là một người có lòng nhân hậu hiếm thấy trên trái đất này!

- Đúng vậy! Carla tiếp lời tôi. -Ông ấy không sống cho mình mà là sống cho người khác.

Người từng là chủ "con tàu ma" cười buồn, nụ cười hiền lành nhưng tôi có thể thấy nó tiềm ẩn một niềm đau, niềm đau nhức nhối của vết thương vừa bị khơi lên:

- Tôi chỉ làm những gì Helki của tôi đã từng làm trước đây. Cô ấy cảm thấy hạnh phúc khi nhìn người khác hạnh phúc. Còn tôi, tôi chỉ hạnh phúc khi cô ấy vui mà thôi...

Câu nói của vị chủ nhân “con tàu ma” dòng dõi người người Celtic làm tôi bâng khuâng mãi trên đường về. Khi chia tay, bà bạn Carla bảo tôi:

- Đêm hội Halloween năm nay, ông Abram chắc chắn sẽ hài lòng lắm khi thấy các cụ cao niên vui quanh hình ảnh con tàu ma và bà vợ Helki xinh đẹp của ông ta.

Phương Hoa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,309,730
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả là một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, sinh trưởng ở Bếntre, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, được chấm giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông viết về bà Mẹ hơn 100 tuổi và tâm trạng tế nhị, phức tạp của người con khi cầu nguyện cho Mẹ thân yêu.
Nhạc sĩ Cung Tiến