Hôm nay,  

Lễ Hội Halloween

11/10/201500:00:00(Xem: 9839)
Tác giả: Nguyễn thị Hữu Duyên
Bài số 3642-18--30132vb8101115

Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana. Với bút hiệu Hữu Duyên Nguyễn, bà đã góp nhiều bài viết thể hiện tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ và từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

blank
Trick-or-treat (trích từ internet).

Hai tháng qua nhân giúp cho người bạn học thi quốc tịch Thu có cơ hội ôn lại các ngày lễ ở Mỹ. Nhiều ngày lễ quá, kể trên mười đầu ngón tay không đủ, có những ngày lễ cả nước cùng rầm rộ như: Lễ tạ ơn vào cuối tháng 11, đến lễ Giáng sinh 25/12, tết dương lịch đầu tháng giêng, lễ độc lập 4/7 còn những lễ khác như: lễ Halloween, lễ cha, lễ mẹ, lễ tình yêu, lễ chiến sĩ trận vong, lễ lao động….Sắp đến ngày lễ hội Halloween hàng năm vào cuối tháng mười, Thu bồi hồi nhớ lại những năm đầu khi đến Mỹ trong các kỳ lễ này Thu đã có những kỷ niệm khó quên.

“Tên gọi Halloween hay Hallowe'en có niên đại từ khoảng năm 1745 và có nguồn gốc Kitô giáo. Từ "Halloween" có nghĩa là buổi tối linh thiêng hay thánh thiêng. Nó bắt nguồn từ một thuật từ Scotland All Hallows' Eve (buổi tối vọng lễ chư thánh). Trong tiếng Scots, từ eve chính là even (buổi tối) trong tiếng Anh, từ này sau được viết ngắn gọn thành e'en hay een. Theo thời gian, All Hallows' Eve dần trở thành Halloween.

Trang phục Halloween truyền thống theo mô hình nhân vật siêu nhiên như những con quái vật, ma quỷ, bộ xương, phù thủy,... Theo thời gian, việc lựa chọn trang phục mở rộng và bao gồm các nhân vật nổi tiếng từ tiểu thuyết, người nổi tiếng, và các nguyên mẫu chung chung như ninja và công chúa hoặc thiên sứ.

Người Celt cổ xưa tin rằng biên giới giữa thế giới này và các thế giới khác trở nên mong manh vào dịp Samhain, cho phép những linh hồn (cả hai loại vô hại và có hại) đi qua. Linh hồn của gia đình, ông bà tổ tiên được vinh danh và mời vào nhà, còn các linh hồn xấu thì bị chặn lại. Người ta tin rằng sự cần thiết để tránh khỏi những linh hồn tà ác dẫn đến việc mặc trang phục và đeo mặt nạ. Mục đích của họ là để ngụy trang mình thành một linh hồn độc ác và do đó tránh bị làm hại. Ở Scotland, các linh hồn thường được thể hiện dưới dạng những người đàn ông trẻ mặc áo trắng đeo mặt nạ, che khuất hoặc bôi đen khuôn mặt. Samhain cũng là một thời gian để dự trữ thực phẩm và gia súc giết mổ cho các cửa hàng mùa đông. Đống lửa hội đóng góp một phần lớn trong các lễ hội. Tất cả các đống lửa khác bị dập tắt và mỗi nhà thắp sáng lò sưởi của họ từ lửa trại. Xương gia súc đã bị giết mổ được ném vào đống lửa hội. Đôi khi hai đống lửa sẽ được nhóm gần nhau, và mọi người cùng gia súc của họ sẽ đi bộ giữa chúng như là một nghi lễ tẩy rửa. Thông thường, vào ngày Halloween, có nhiều nhân vật khác nhau được người ta chọn để hóa trang thành.

Các biểu tượng liên quan đến Halloween được hình thành và phát triển theo thời gian.

Ví dụ: củ cải được khoét rỗng thành những chiếc đèn lồng hình mặt quỷ, bên trong cắm 1 cây nến như là một cách tưởng nhớ các linh hồn đang chịu tội. Củ cải vốn được sử dụng ở Ireland và Scotland vào dịp Halloween. Những người nhập cư Bắc Mỹ sử dụng bí ngô, thứ sẵn có và lớn hơn nhiều, giúp cho việc khắc hình trở nên dễ dàng hơn. Truyền thống chạm khắc bí ngô của Mỹ (được ghi lại vào năm 1837) có liên quan tới thời gian thu hoạch nói chung, chỉ trở nên quen thuộc vào giữa đến cuối thế kỷ 19.

Các hình ảnh của Halloween có nguồn gốc từ nhiều nguồn. Hình ảnh đầu lâu, theo truyền thống của Công giáo, có ý nghĩa như là một sự nhắc nhở về cái chết và tính không bền vững của đời người, từ đó, đầu lâu trở thành hình ảnh thường thấy trong lễ Halloween. Vào dịp này, các ngôi nhà thường được trang trí bằng các biểu tượng có liên quan đến mùa thu như bù nhìn, bí ngô, vỏ ngô với chủ đề chính là về cái chết, quỷ dữ, quái vật thần thoại. Màu sắc chủ đạo là đen và da cam, đôi khi là tím

Trick-or-treat là một phong tục cho trẻ em vào đêm Halloween. Trẻ em trong trang phục Halloween và xách theo một túi đựng kẹo đi từ nhà này sang nhà khác đòi kẹo, đôi khi đòi tiền bạc với câu hỏi: "Trick-or-treat?" (thường dịch là 'cho kẹo hay bị ghẹo' hoặc 'lừa hay lộc'). Những đứa trẻ sẽ nghịch ngợm, chọc phá chủ nhà hoặc tài sản của họ nếu họ không cho kẹo.

Tại Bắc Mỹ, trick-or-treat đã trở thành một phong tục truyền thống của Halloween, ít nhất là từ cuối những năm 1950. Chủ nhà khi tham gia vào Halloween thường trang trí lối vào riêng của họ với những hình nhựa, giấy, bộ xương và đèn bí ngô. Một số chủ nhà thường để kẹo trong chậu ở ngoài cổng hoặc trực tiếp đưa cho những đứa trẻ. Trong những năm gần đây, trick-or-treat đã lan rộng đến mọi nhà trong một khu phố, bao gồm cả nhà ở cao cấp và chung cư cao tầng.” (*)

Năm 2001, ba mẹ con Thu được bảo lãnh sang Mỹ đoàn tụ với chồng, năm ấy Tín, con trai, vừa được chín tuổi. Đến Mỹ vào đầu tháng tám, ba tuần sau Tín nhập học. Hai tháng sau Tín dự lễ hội Halloween lần đầu. ChồngThu giải thich cho con hiểu đơn giản đây là ngày vui chơi của lễ hội hoá trang. Thu gợi ý cho con chọn hoá trang vào nhân vật anh hùng hay thiên sứ hoặc bác sĩ, cảnh sát hay công nhân. Tín quyết định hoá trang thành người dơi. Mất hai lần đi lựa mới chọn được bộ đồ người dơi vừa với dáng dấp của Tín. Bộ áo quần đen, nón và mặt nạ đen, giày đen, găng tay đen, mắt kiếng đen,và cây kiếm cũng đen luôn.

Ngày hào hứng của đám trẻ đến. Trường có cho phụ huynh biết lộ trình các em sẽ đi bộ vòng quanh trường để phụ huynh cùng tham gia. Hai vợ chồng Thu chuẩn bị sẵn máy quay phim, máy chụp ảnh, nhiệm vụ Thu quay phim, còn ông xã thì phải chộp cho được những hình ảnh độc đáo hôm ấy. Cổng trường vừa mở, một đoàn người lớn, bé vừa giáo viên vừa học sinh với đủ loại áo quần, đủ các màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen, hồng,lục, cam…như một rừng màu túa ra theo hàng bốn, vừa đi vừa hát theo tiếng kèn, tiếng chập chỏa vang rền giống như một đoàn quân chiến thắng trở về trong tiếng hoan ca. Thu ngạc nhiên trố mắt nhìn các thầy cô tô vẽ mặt mày hoá trang thành con mèo, con chim, con sư tử …đủ loại. Có cả thiên sứ, có cả ác quỷ, có cả bác sĩ, phi công, lái tàu, công nhân làm đường, cảnh sát có cả anh hùng, có cả mỹ nhân. Mãi lo nhìn Thu quên nhiệm vụ được giao cho đến khi ông xã nhắc: “Em ơi, chuẩn bị quay, con ra kìa.”

Thu hướng mắt về tốp trẻ mới xuất hiện nơi cổng với cô giáo vận y phục màu hoàng kim sáng rực lấp lánh, cái vương miện trên đầu càng lấp lánh hơn, Thu nghĩ thầm “Chắc là cô giáo muốn làm hoa hậu.” Kia rồi, người dơi Tín đang hùng dũng đi bên cạnh một thiên thần bé nhỏ, xinh xắn với trang phục của nũ hoàng. Thu thích thú chạy lên phía trước thu lại những hình ảnh dễ thương lần đầu trong đời được thấy, lòng Thu rộn ràng cùng hoà chung niềm vui với mọi người. Đi ngang bố mẹ Tín tươi cười vẫy tay chào, mẹ nhanh chân vào hàng đi cạnh Tín giơ tay với bố, bố chớp máy lia lịa về hướng hai mẹ con.

Đoàn người hoá trang đi mấy vòng rồi trở về điạ điểm xuất phát vì thời tiết đã se se lạnh và mặt trời cũng đã muốn đi nghĩ. Thu đón con, mặt Tín tươi rói, mắt sáng rực niềm vui long lanh như hai vì sao đang nhấp nháy. Ôi ánh mắt trẻ thơ trong vắt lạ lùng, bởi vì nó chưa bị bụi đời làm vẫn đục. Thu ôm con siết chặc trong vòng tay như không muốn cánh chim non này tung cánh bay vào vùng đời đầy bon chen tráo trở, lòng thầm tạ ơn thượng đế đã ban cho mái ấm gia đình.

Năm Tín học lớp bảy cũng vào dịp lễ hội này, Thu đi làm về nghe ông xã bảo con đã đi với các bạn xin kẹo hơn một giờ rồi, chắc sắp về. Thu vừa chuẩn bị bửa tối vừa mở mấy bịch kẹo đổ thêm vào hủ kẹo ngay cửa cho các cháu. Trẻ em ở Mỹ thật dễ thương, không thò tay vào hủ bốc từng nắm kẹo nhưng được cha mẹ dạy chỉ nhón tay lấy một hoặc vài cái kẹo thôi vì còn chừa phần cho người khác và mục đích chính là để vui chứ không phải để ăn nhiều kẹo. Ấy vậy mà đi một vòng khu phố về em nào cũng đầy cả bịch.

Nghe tiếng cười nói trước sân nhà rồi tiếng chuông reo, Thu mở rộng cửa đón bầy trẻ vào, đứa nói Helo, đứa cúi đầu, đứa giơ tay chào ồn ào như bầy ong vỡ tổ. Thu chưng hửng nhìn chăm vào cô gái đang cặp tay Tín vừa đi vừa nói chuyện vẽ thích thú đang bước vào cổng. Cô gái với trang phục áo dài Việt Nam màu xanh nước biển, mái tóc dài đen nhánh từng lọn cong bồng bềnh trên bờ vai ngang (chứ không tròn,) gương mặt xương trắng trẻo, mũi cao và đôi mắt xanh biêng biếc đang hướng về Thu. Gần thêm chút nữa, chạm vào mắt Thu, cô gái chớp chớp hai hàng lông nheo giả cong vút, đôi má đánh đậm như trái lựu rám nắng, đẹp nét đẹp kiêu sa. Ánh nhìn của cô gái thấy quen quen nhưng chịu, không biết đã gặp nơi nào, Thu cố nhớ đến những bạn học nữ của con xem đây là ai? Cô bé này lại giống Mỹ quá, bạn Tín ở trường lẫn ở Hội thánh đều không có ai là Mỹ lai cả. Thu còn đang tròn mắt chu môi chưa biết dùng ngôn ngữ gì để chào, tiếng Anh hay Việt?

Cô gái gập mình xuống, từ đôi môi tô vẽ hinh trái tim thật kỹ với màu cam của son môi phát ra mấy tiếng ngọng ngịu như người Mỹ học nói: “Xin chào bà.”

Cả bọn cười rần và vỗ tay bốp bốp sau tiếng chào ấy. Thu bối rối nhìn cô gái:

- You… Are you Vietnamese ? (Con …Con là người Việt nam?)

- Um,.. Cô gái đứng yên không gật cũng chẳng lắc đầu, nhìn Thu với ánh mắt tinh nghịch.

Ha, ha, ha, bọn trẻ lại vỗ tay và cười vang, Thu vẫn chưa đoán được chuyện gì nhưng cũng chành miệng cười theo. Đến giờ, Tín giơ tay lên cao như động tác ảo thuật rồi đáp xuống đầu cô gái nhanh nhẹn lấy mái tóc giả ra khỏi đầu bạn, Thu há hốc:

- Hả, David à…You look like Vietnamese girl …(Con nhìn giống cô gái Việt nam lắm.) Vừa cười tít mắt Thu vừa đội mái tóc lại cho David, bạn học của Tín.

- Áo dài ở đâu bạn con có? Thu quay sang Tín.

- Con mượn của chị Na trong Hội Thánh mình. Tín cười hì hì.

- Giỏi. Con và các bạn làm mẹ ngạc nhiên và vui quá, thôi vào ăn tối đi.

Cả nhà rộn vang với tiếng cười giòn tan như bắp rang nổ của bọn trẻ, Thu thật thú vị khi thấy ý tưởng lạ của mấy trẻ. Hoá trang thành một cô gái Việt nam. Một thiếu niên Mỹ mà lại muốn thành cô gái Việt, thật hảnh diện cho các cô gái Việt nam. Thu vừa dọn bàn cho bọn trẻ vừa khe khẻ hát bài “Tà áo tung bay” lòng hân hoan khó tả.

Vào dịp lễ Halloween khác. Hôm ấy Thu đang lái xe chở cô bạn cùng đi làm về, trời chập choạng trong cảnh tranh tối tranh sáng. Một chiếc xe vừa vượt qua và sang len chạy trước xe Thu, bất chợt Thu nhìn thấy cóp xe hé mở lòi ra ngoài đôi bàn chân đẫm máu. Thu vừa nhấn ga bám theo vừa cuống quýt:

- Em…gọi 911 nhanh, báo số xe trước mặt mình đang có chở xác chết lòi hai chân máu me ghê quá kìa. Chị cố gắng bám theo sau nó đây.

Cô bạn nghe Thu nói bấy giờ mới chú ý nhìn và bấm phone gọi 911:

- Alô, trước mặt tôi có chiếc xe mang biền số MUY…Nói đến đây xe Thu cũng vừa đến gần chiếc xe ấy cô bạn chồm người lên chăm chú nhìn vào cóp xe trước bỗng dưng ấp úng: “Xin lỗi tôi nhầm, không có vần đề gì. Cám ơn. Bye.”

Thu vẫn cố giữ khoảng cách hai xe không cho xe khác chen vào, gắt giọng:

- Sao lại thế, bỗng dưng…bye,

Thu chưa dứt lời cô bạn đã bật cười ha hả:

- Chị ơi là chị, sắp đến ngày Halloween rồi.

- Thì sao? Thu bực bội.

- Thì…đó là chân giả họ mua chuẩn bị cho lễ hội, chị nhìn kỹ xem.

Thu đeo kính lên tập trung vào đôi chân bê bết máu ấy, bây giờ đến lượt Thu cười ha hả, tự rủa mình: “Thật sớn xác.” Thu thầm nghĩ sao họ lại thích chưng bày hình ma quỷ, người chết nhỉ? Cứ đến mùa lễ này Thu rất ngại khi đi mua sắm vì đâu đâu cũng có các hình tượng ghê sợ, nào người treo cổ tự tử, nào những gương mặt nhe nanh dài sọc, nào từng bộ phận đầu mình tay chân người và thú máu me bê bết.

Hôm qua đi vào The Home Depot, vừa đi vừa nhìn lên những bảng hướng dẫn đến chỗ rẽ Thu vòng qua lối khác. Mãi dõi mắt phía trên cao khi nhìn xuống thì… suýt chết khiếp trước một dãy tượng người gớm ghiết nhe nanh, trợn mắt tay cầm gươm đao hung hăng dữ tợn, áo quần đen, mặt trắng bạch mắt đỏ lòm lòm như máu. Thu khẻ kêu “á” lùi lại phía sau đứng ôm ngực, trái tim đập thình thịch muốn nhảy ra ngoài. Hú hồn. Mấy cái hình người này mà đặt ở góc tối trong vườn người bị bệnh tim trông thấy chắc xỉu thôi. Tại sao người ta lại thích những hình ảnh xấu và đáng ghê sợ, tại sao con người có khuynh hướng muốn trở thành xấu hơn tốt? Thảo nào Kinh Thánh có câu: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa…”

Cứ vào ngày cuối tháng mười hàng năm các bậc cha me dẫn con mình đi “Xin kẹo” khắp xóm. Các em ở tuổi thanh thiếu niên rủ nhau đi chung thì không cần người lớn đi theo, các em từ hai ba tuổi trở lên phải nhờ anh chị hay mẹ cha đi cùng. Đến khoảng năm hay sáu giờ chiều tuỳ theo tiểu bang, nơi nào mặt trời lặn sớm thì đi sớm, thường là mọi người tụ tập lại nhà một người chờ trời chập choạng tối bắt đầu xuất quân.

Trong ngày lễ này có một luật bất thành văn ai cũng phải theo: Chỉ được vào bấm chuông xin kẹo nhà nào mở đèn ngoài cửa chính.

Năm nào Thu cũng mua thật nhiều kẹo và mở đèn sáng để đón từng nhóm trẻ vào nhà. Thu rất vui vì được thấy những thiên thần, những ông kẹ, cũng có khi vừa mở cửa ra giật thót mình thụt lùi khi đối diện với một con ma đang nhe nanh trắng hếu. hoặc một bộ xương đang giơ đôi tay xương xẩu vồ lấy Thu. Tiếng cười nắc nẻ, tiếng “Thank you” của nhóm trước, tiếng “Helo” của nhóm mới vào vang rền, tiếng kêu gọi nhau ơi ới ngoài đường tạo nên bầu không khí huyên náo khó tả.

Thu nhớ về tuổi thơ ở Việt nam cứ mỗi rằm tháng tám hàng năm, ánh trăng tròn vành vạnh treo lơ lững trên bầu trời trong vắt xa thăm thẳm, không khí mát dịu trong lành. Dưới đất từng đoàn trẻ cùng nhau mang lồng đèn đi dạo xóm, cùng hát vang bài: “Tết Trung Thu em đốt đèn đi chơi, em đốt đèn đi khắp phố phường. Đèn xanh lơ với đèn tim tím, đèn ngôi sao với đèn cá chép, em đốt đèn đi khắp phố phường” và bài: “Ánh trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng cuội ngồi, ôm một mốì mơ là ôm một mối mơ….” Đó là ngày tết Trung Thu, cũng dành cho nhi đồng,, nhưng trẻ con Việt nam không được đi xin kẹo mà chỉ được đốt đèn lồng đi vòng vòng xóm rồi về nhà ăn bánh trung thu. Nếu không thể mua nỗi lồng đèn lớn đẹp sườn làm bằng trúc và dán bằng giấy kiếng đủ các màu có hình ngôi sao năm cánh, thì mua lồng đèn xếp bằng giấy, tệ hơn nữa ở vùng thôn quê nghèo nàn thì lấy cái lon sửa bò đục lỗ cột giây quấn vào nhánh trúc cầm cho đừng nóng đốt nến bên trong cũng chiếu sang lòa. Vào dịp này các trường học hay cho học sinh làm thủ công là lồng đèn để các em dùng rước đèn luôn. Anh ba Thu rất khéo tay năm nào anh cũng sang nhà ngoại ra vườn trúc chặc mấy cây về vót thành que mỏng rồi làm lồng đèn lớn nhỏ đủ loại, chị hai nhận việc quậy hồ, dán giấy. Có năm anh nghiên cứu làm cho Thu cái lồng đèn hình con bướm, chị hai dán giấy kiếng vàng thật đẹp.

Thích nhất là được ăn bánh trung thu nhân thập cẩm. Nhà nghèo không có tiền mua bánh trung thu lớn có nhân hột vịt muối, hạt sen, thịt quay vi cá, thì mua loại rẻ tiền nho nhỏ bằng lòng bàn tay chỉ có bột và tí xíu nhân đậu xanh hoặc đậu đỏ cùng nhau thưởng thức cũng xong ngày tết nhi đồng. Hãng bánh trung thu Đồng Khánh nổi tiếng ở miền nam, năm nào ba cũng mang từ Sàigòn về biếu dòng họ bà con mỗi gia đình một hộp bốn cái, bốn loại nhân khác nhau. Còn hàng xóm xung quanh thì mẹ biếu mỗi nhà một cái “ăn lấy thảo”; Thu luôn là đứa được chọn mang quà đi biếu vì “nói giỏi”. Chỉ cần mẹ dạy một lần là Thu nhớ, năm nào cũng có mỗi câu: “Thưa bác hai, ba mẹ sai con mang qua biếu gia đình bác cái bánh trung thu ăn lấy thảo.” Thuở ấy Thu chẳng hiểu ba từ “ăn lấy thảo” là nghĩa gì nhưng nói như vẹt.

Ngày nay ba từ ấy dường như mất hẳn ở xứ Mỹ này vì có ai thìếu thức ăn hay thiếu bánh kẹo đâu, hơn bao giờ hết Thu hiểu rõ ba từ này tựa như là ăn tình, ăn nghĩa và nó quý hơn cái bánh trung thu nhiều. Sống ở khu vực không có người bản xứ, thiếu tình chòm xóm vì ai cũng đi làm từ sáng sớm đến tối mới về, ít quan hệ với nhau nên Thu hiểu thấm thía hơn ba từ “ăn lấy thảo” không chỉ nói về vật chất mà mang ý nghiã tinh thần đáng trân quý. Thu sẽ tìm trong tự điển Anh Việt xem trong tiếng Anh có từ nào giống như ba từ ấy để trong mùa lễ Halloween năm nay Thu sẽ nói với bọn trẻ Mỹ gốc Việt mỗi khi cho chúng kẹo, thay vì nói: “Happy Halloween” Thu sẽ nói “Ăn lấy thảo” thôi nhe.

Garden Grove, 9/12/2015

Nguyễn Thị Hữu Duyên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến