Hôm nay,  

Suy Niệm Mùa Vu Lan

08/09/201500:00:00(Xem: 12475)

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3618-17--30108vb3090815

Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003. Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010. Bài viết mới của của tác gia, nhân mùa Vu Lan,ôn lại những suy niệm về chữ hiếu quê cũ ngày xưa và nước Mỹ hiện nay.

* * *



Trong những năm tháng xa xưa, tôi thường cùng với Má đi qua chùa mỗi dịp lễ Vu Lan. Má trung thành với Tịnh xá này. Tịnh xá ở gần nhà, và là nơi Má thân thiết từ nhiều năm. Đó là nơi Má dẫn dắt một “ca đoàn” nho nhỏ (chữ của Má nói vui) mỗi khi tụng niệm. Thuở đó Má còn khỏe, giọng Má vững vàng, vang xa. Hàng tuần Má đều qua tụng kinh bên chùa. Cả nhóm cứ theo Má mà tụng. Hôm nào Má bận việc không đến, mấy cô bác trong nhóm nói là “thiếu người bắt giọng” tụng không hay. Các con ghẹo Má: “Má như là một ca sĩ ấy!” Má yêu cảnh chùa, yêu chốn tĩnh mịch, nhưng cũng là nơi “có tính xã hội hóa cao”, nói theo cách mới bây giờ. Ở đó, Má thấy vui vì làm được nhiều việc Má thích, như giúp Sư Bà và các sư cô lo việc cúng Phật, gặp gỡ các đạo hữu, chuyện trò an ủi nhau…

Mỗi mùa Vu Lan, chúng tôi được nghe Sư Bà giảng về giai thoại Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ ở chốn địa ngục. Sư Bà giọng ấm, tiếng rõ ràng, diễn giải ý nghĩa của câu chuyện, khuyên mọi người làm lành lánh dữ. Trong mùa Vu Lan, tâm tư chúng ta hướng vọng “cửu huyền thất tổ”. Thành ngữ này đã trở nên rất quen thuộc, giải thích thì hơi phức tạp, nhưng hiểu thì rất nhanh, chính là ông bà cha mẹ của chúng ta từ nhiều kiếp trước.

Tôi đi xa, không còn dịp đi chùa cùng với Má. Má vẫn dẫn dắt “ca đoàn” của Má, không những ở chùa, mà còn đi đến những gia đình cần lời kinh tiếng kệ, hoặc để cầu an cho người đang bệnh, hoặc để cầu siêu cho người đã qua đời.

Sư Bà nay đã viên tịch. Má không còn tỏ mắt như xưa. Má chỉ đi chùa mỗi khi có dịp đặc biệt. Dù ít, nhưng đó vẫn là một sinh hoạt không thể thiếu.

Mùa Vu Lan, mùa báo hiếu! Đến mùa Vu Lan, người ta cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, nếu đã qua đời thì được siêu thoát, nếu còn sống thì được khỏe mạnh an vui. Riêng chữ “hiếu” cũng có nhiều thay đổi. Tôi còn nhớ lúc học ở bậc trung học, học trò ai cũng biết những câu chuyện trong “Nhị Thập Tứ Hiếu”. Tôi thích nhất bài “Mẫn Tử Khiên”, được ông Lý Văn Phức dịch và viết với thể thơ song thất lục bát rất dễ học, dễ nhớ:

Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa,
Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu.
Thờ cha sớm viếng, khuya hầu,
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn.

Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo,
Hai em thời áo kép, mền bông,
Chẳng thương chút phận long đong,
Hoa lau nỡ để lạnh lùng một thân.

Khi cha dạo, theo chân xe đẩy,
Rét căm căm nên xẩy rời tay,
Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay,
Nghiến răng rắp cắt đứt dây xướng tùy.

Sa nước mắt, chân quỳ, miệng gửi:
Lạy cha, xin xét lại nguồn cơn,
Mẹ còn, chịu một thân đơn,
Mẹ đi, luống những cơ hàn cả ba

Cha nghe nói cũng sa giọt tủi.
Mẹ nghe rồi cũng đổi lòng xưa,
Cho hay hiếu cảm nên từ,
Thấm lâu như đá cũng rừ, lọ ai?

Tôi thích chuyện thầy Mẫn Tử vì ngoài ca ngợi lòng hiếu thảo, chuyện còn có ý nghĩa về lòng nhân đạo và sự thứ tha. Tôi cũng thích chuyện thầy Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ mà nghệ sĩ Hữu Phước diễn tả qua bài vọng cổ “Đội Gạo Đường Xa” của soạn giả Kiên Giang, sâu sắc, thấm vào lòng người; hay chuyện Lão Lai Tử đã bảy mươi tuổi nhưng vẫn ăn mặc sặc sỡ, múa hát, thậm chí cất tiếng khóc “oa oa” để làm vui cha mẹ.

Nhưng không phải chuyện nào cũng tốt. Sau này tôi vẫn thường chia sẻ với các bạn rằng chúng ta không nên rập khuôn chữ hiếu, nhất là với cái học lấy mẫu mực từ văn hóa Trung Hoa có thể không phù hợp. Điển hình là trong “Nhị Thập Tứ Hiếu” có chuyện kể nhà kia rất nghèo, đến mùa đói kém không có thức ăn, trong nhà có bà mẹ già yếu và đứa con nhỏ, hai vợ chồng vì “hiếu với mẹ” nên đem con đi chôn để bớt đi một miệng ăn, cho mẹ có cơ hội được ăn nhiều hơn. Chôn sống đứa con, Trời ạ! Tôi kịch liệt phản đối.

Sống ở hải ngoại, nhất là nước Mỹ, nhiều người nghi ngờ rằng chữ “hiếu” không còn. Tôi thì tin rằng có. Bàng bạc trong mỗi người con đều có chữ hiếu. Chỉ khác là chữ hiếu không trở thành một cái gì bắt buộc do nề nếp gia đình hay truyền thống dân tộc, từ những bài học đã thành khuôn mẫu cho mọi người. Lòng hiếu vẫn có, và có thể hiện, nhưng theo tự nhiên.

Và chắc có lẽ cũng vì xã hội chăm lo cho người già và người bệnh khá chu đáo nên những người con không cảm thấy quá khó khăn khi cha mẹ đã già. Nước Mỹ có chương trình “In Home Supportive Services”, tùy theo mức độ bệnh tật của người già, chính phủ sẽ cung cấp tiền giúp đỡ để con cái có thể thuê người chăm sóc cha mẹ khi mình phải bận bịu đi làm. Còn một chọn lựa khác nữa, đó là nursing home. Có người bảo vào nursing home chán và buồn lắm; có người bảo sẽ tự nguyện vào nursing home khi mình không còn tự phục vụ chính mình nữa, để con cái khỏi bận tâm. Điều quan trọng là về phần con cái, có thường xuyên thăm viếng cha mẹ hay bỏ mặc các cụ trong cảnh cô đơn?

Trong tháng Bảy âm lịch, nhiều nhà ở xóm tôi ngày trước thường nhộn nhịp cúng “cô hồn”. Đây là dịp để trẻ con lối xóm tụ lại trước những ngôi nhà, chờ gia chủ cúng xong là xông vào giành những khúc mía, củ khoai, bánh, kẹo và những đồng bạc cắc. Mấy người lớn gọi bọn trẻ là “cô hồn sống”. Nghe cũng vui vui. Má thì không cho tụi nó chen lấn giành giật. Má bảo:

“Mấy đứa đứng yên, không chen lấn, bác cúng xong sẽ phát đều cho công bằng nghen!”

Thế là bọn trẻ đứng yên. Tụi nó nể Má lắm. Mấy người được gọi là “tụi nó” giờ đây cũng đã thành tài hết cả rồi! Xóm tôi nhà cửa mọc thêm lên, chật chội. Người xóm tôi kẻ mất người còn.

Đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ ở trong nước người ta cúng kiến càng ngày càng nhiều. Tháng Bảy âm lịch, nghề làm vàng mã tha hồ trăm hoa đua nở. Người ta đua nhau sắm nhà, sắm xe và trăm thứ tiện nghi cho người đã khuất, cho rằng họ có thể “xài” những món ấy. Hàng bằng giấy có khi to bằng hàng thật. Nhà càng giàu càng cúng cô hồn rôm rả. Đám đông người lớn con nít chen lấn “giật cô hồn”. Chủ nhà sợ bị cướp giật nên lên lan can lầu rải tiền xuống. Bên dưới, người người chen chúc xô đẩy nhau để hứng tiền. Có người bày ra “sáng kiến” hứng tiền bằng cái lồng gà to tướng có lót vải cho chắc ăn, tiền khỏi rơi ra ngoài. Nhiều em bé đi lượm tiền, bị người lớn đè muốn bẹp dí, mặc kệ, miễn hôm đó kiếm được đủ tiền mua tô phở.


Những người cộng sản vào chiếm miền Nam Việt Nam, đả phá việc tín ngưỡng, cho đó là mê tín dị đoan. Vì thế có một thời người dân không dám bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình. Riêng chuyện “cúng cô hồn” cũng làm rất kín đáo. Bởi người ta không muốn bỏ đi một tập quán lâu đời là cúng trong tháng Bảy để cầu an vui cho gia đình cũng như nơi làm việc. Một số công sở, ban đầu rụt rè, lén lút bày bàn cúng “cô hồn” rồi nhanh tay dẹp, miễn cho “có lệ kẻo ôn mệ la”, không dám để cấp trên biết. Dần dần tục lệ cúng cô hồn phát triển, ngay cả những người gọi là “cán bộ” cũng tin tưởng và cúng tế, phô trương nhiều hơn cả “thường dân”, thật lạ!

Đến nay thì chuyện cúng vàng mã thịnh hành hơn cả trong thời chưa cộng sản. Người đã khuất đi đâu, về đâu? Họ “xài” những món hàng ấy như thế nào? Không ai trả lời được. Chỉ có một điều rất dễ hiểu là càng cổ xúy cho việc mê tín đị đoan, càng có nhiều người được lợi. Và có cái lợi gì cho tâm hồn của con người không? Đó là chưa kể chuyện mua thần bán thánh. Đức Thánh Trần, vị anh hùng của dân tộc, cùng bao nhiêu vị anh hùng khác, đã bị lạm dụng để người ta có chỗ đi mua lộc, mua chữ. Bao giờ dân tôi mới hết cảnh này?

*

“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.”

Ai nghe những câu thơ trên, trong tuyệt tác “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đặng Trần Côn - qua nét bút diễn nôm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - mà không chạnh lòng nghĩ đến các chiến sĩ vô danh đã bỏ mình vì đất nước?

Trong tháng Bảy, mùa lễ “Xá tội vong nhân”, tôi ngậm ngùi tưởng nhớ những người bạn của tôi, khoác áo trận, ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Có người còn về được trong quan tài, nhưng có người ở lại mãi mãi trong rừng núi, thân xác không biết về đâu. Chỉ còn lại trong trí nhớ của người thân và bè bạn tiếng cười, câu nói của họ.

Trong tháng Bảy, mùa lễ “Xá tội vong nhân”, tôi cầu nguyện cho linh hồn những người chết trong chiến tranh, những người chết trên đường vượt biên vượt biển tìm tự do.

Tháng Bảy năm nay, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di dân, hình ảnh một em bé trai người Syria, ba tuổi, bị sóng cuốn tấp vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ, đã làm cả thế giới rúng động. Aylan Kurdi nằm bình yên, vô tư như còn sống. Hình ảnh của em như một lời cáo buộc rằng ngay trên dương gian này, có những chốn còn đau thương hơn cả địa ngục, xui khiến người ta phải quyết định lìa bỏ mà đi.

*

Mùa Vu Lan. Có lẽ nhiều người còn được niềm vui mang bông hoa màu hồng trên áo, nhưng cũng có nhiều người thổn thức với màu hoa trắng. Tôi hiểu, những người con, cho dù có lớn có già bao nhiêu, ngày mất cha mất mẹ là ngày cả bầu trời sụp đổ. Tôi đã thấy một người, thường ngày rất cứng cỏi, nhưng khi mẹ qua đời, anh đã khóc như một đứa trẻ. Khi tiễn mẹ xuống lòng đất, anh đã nhoài cả nửa người xuống như muốn theo cùng mẹ.

Tôi cũng vậy, khi Ba mất, cả năm trời sau tôi mới nguôi ngoai. Giây phút đưa Ba vào nơi hỏa táng, tôi như đứa bé bị người ta lấy mất đi một cái gì quý báu vô cùng. Ba ơi, từ đó Ba đã biến mất!

Bạn tôi, T.C., mẹ mất sớm. Ai có hiểu trong con người nghiêm nghị thường ngày giảng đạo pháp trước bao nhiêu người, là nỗi thao thức nhớ đến mẹ của mình hằng đêm. Chị viết trong bài “Cổ Tích”:

“Má tôi mất, tôi không khóc nhưng lòng không sao nguôi ngoai được…

Một khuya, kiểng thức chúng, tự nhiên tôi nghe như tiếng má tôi gọi tôi. Tôi bật dậy, bàng hoàng, chợt nhận ra chuyện cổ tích có thật. Lòng tôi nhẹ bổng, thương nhớ như nguôi ngoai. Má vẫn ở cạnh tôi, chăm chút tôi như bao giờ.

Tình cờ cũng mùa hạ năm đó, khi tự tứ, trên mỗi phần quà chia chúng, sư Trụ trì tôi gắn cho mỗi người một đóa hồng nhung ĐỎ thắm. Sư bảo:

"Mẹ thì không bao giờ mất."

Tôi vừa gói quà vừa đáp bằng giọng chắc nịch:

"Đúng rồi cô ! Mẹ thì không bao giờ mất."

Lễ Vu Lan và lễ “Xá tội vong nhân” ở cùng trong tháng Bảy âm lịch. Trong mùa lễ này, chúng ta cùng suy niệm những điều giữa sự sống và cái chết. Một bác vừa qua đời, cây hoa wisteria trong vườn nhà bác bỗng dưng tàn héo, đổ gục. Nhưng mấy hôm sau, nhiều loài cây khác lại trỗi dậy và nở hoa. Người thân của bác qua sự mất mát cũng cảm thấy một niềm an ủi. Không có gì là chấm dứt. Tất cả đều sẽ bắt đầu.

Để tạm dứt về những suy niệm tản mạn tháng Bảy, có lẽ thật đầy ý nghĩa khi chúng ta cùng thưởng thức bài thơ “Do Not Stand At My Grave And Weep” của Mary Elizabeth Frye, bà viết để an ủi một người con gái đau buồn vì không được ở bên mẹ trong những giây phút cuối đời.

Do not stand at my grave and weep
I am not there; I do not sleep.
I am a thousand winds that blow,
I am the diamond glints on snow,
I am the sun on ripened grain,
I am the gentle autumn rain.
When you awaken in the morning's hush,
I am the swift uplifting rush
Of quiet birds in circled flight.
I am the soft stars that shine at night.
Do not stand at my grave and cry,
I am not there; I did not die.

Nữ nhạc sĩ Trần Bảo Như đã viết lại bài thơ này thành nhạc phẩm “Tôi Vẫn Quanh Đây”. Tôi xin mượn bản nhạc này để khép lại những dòng tản mạn về suy niệm mùa Vu Lan, tháng Bảy.

Đừng đứng bên mộ tôi rơi nước mắt,
Tôi đâu ngủ nơi lòng đất khô cằn
Tôi trong ngàn cơn gió thoáng mơn man
Trong lấp lánh ngút ngàn hoa tuyết trắng

Đừng đứng bên mộ tôi rơi nước mắt
Tôi đâu ngủ nơi lòng đất khô khan
Tôi nắng tung tăng trên đồng lúa chín vàng
Trong thu êm dịu lất phất mưa giăng

Tinh sương giá băng lúc anh thức dậy
Tôi là bóng chim thoắt chốc vụt bay
Rời lũ chim ngoan lao xao chung bầy
Như cánh thiên di xa bay xứ lạ

Khi đêm tối buông lối anh đi về
Tôi ngàn cỏ lá đón bước chân quen
Còn nếu khi người ưu tư riêng bóng
Tôi ánh sao xa góc trời mơ ảo

Đừng đứng bên mộ tôi trong sầu não
Tôi không ở đó, tôi vẫn quanh đây
Tôi áng mây bay lãng đãng theo ai
Trong ráng sớm hừng đông ai thức dậy

Đừng đứng bên mộ tôi mắt lệ rớm
Tôi không ở đó, tôi vẫn quanh đây…

Tháng Bảy âm lịch 2015

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
22/01/202023:38:59
Khách
Cam on tac gia ve bai viet that hay!
14/10/201523:27:22
Khách
Và Cam Li đã hát bài "Tôi Vẫn Quanh Đây", mời Tre Xanh trở lại bài viết sẽ thấy tòa soạn đã gắn phần audio vào.
Cam Li xin cám ơn tòa soạn Việt Báo đã bổ túc phần đọc truyện.
Kính chúc tất cả quý vị luôn an bình.
Cam Li NTMT
14/09/201503:51:42
Khách
Tre Xanh thân mến,
Cam Li rất xúc động với lời chia sẻ của Tre Xanh. Chúc em luôn tìm được sự an bình trong tâm hồn. Cam Li sẽ có dịp hát bản "Tôi Vẫn Quanh Đây" tặng em.
Thân thương,
Cam Li NTMT
13/09/201523:33:31
Khách
Xin cám ơn cô Cam Li, cháu vừa mới mất Me mùa Vu Lan này, đọc bài cô cháu khóc nhưng thấy an ũi nguôi ngoai với bài thơ "Tôi vẫn quanh đây".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,773,036
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến