Hôm nay,  

Thư Viết Từ Virginia

02/09/201500:00:00(Xem: 12520)
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 3613-17--30103vb4090315

Tác giả sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Người chồng sau nhiều năm tù ngục hiện bị suy nhược thần kinh. Ông bà hiện là cư dân Riverside. Người con lớn là y sĩ quân y đóng quân bên Ý, người con thứ đang sống với đơn vị ở Virginia. Bài viết mới là thư kể về buổi họp mặt nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ, và niềm vui sum họp gia đình sau hàng ngàn dặm bay cách trở.

* * *

blank
Tác giả nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015 do Ông Trí Tạ, Thị Trưởng Westminster trao tặng.

Chào các bạn.

Tôi thức dậy buổi sáng 6 giờ. Giờ của tiểu bang Virginia. Bây giờ California chỉ mới 3 giờ sáng.

Cả đêm giấc ngủ mơ màng. Có thể là khác nhà mà cũng có thể quá mệt.

Có lẽ bạn bè nhiều nơi đang lo lắng cho chuyến hành trình rất đơn giản với mọi người, nhưng khá phức tạp cho bản thân tôi.

Cám ơn tất cả các bạn, những người bạn thật thân tình, những người bạn tôi từng gặp mặt và cả những người bạn mới chỉ quen trên net. Tôi đã đến nơi bình yên.

Trên máy bay suốt 5 tiếng tôi không hề chợp mắt mặc dù đã thức dậy từ 2:30 sáng. “Chàng của tôi” cũng mở mắt thao láo chả chịu ngủ. Thỉnh thoảng đòi đứng dậy vì than đau lưng. Kéo chàng đứng lên rồi đứng đấm bóp lưng chàng, tôi đã thấy xuyên suốt những hàng ghế phía sau và họ cũng gửi tới tôi những nụ cười thông cảm. Mỗi lần đưa chàng vào phòng vệ sinh cả hàng ghế đứng lên cho chàng bước ra ngoài. Các tiếp viên cũng phụ dìu vì hai chân chàng cứ quíu lại không bước đi được đàng hoàng.

Cám ơn sự phục vụ ân cần và lịch sự của tất cả nhân viên hãng Southwest Airline và những hành khách bên cạnh trong suốt cuộc hành trình.

Nhiều điều tôi muốn tâm sự, muốn chia sẻ đang tràn dâng trong lòng tôi. Tôi muốn trao ra và cám ơn tất cả bạn bè với tất cả tấm lòng yêu thương và quý mến.

Phải bắt đầu từ đâu để có thể trình bày hết những điều tôi muốn nói? Thôi, từ chiều Chủ Nhật 16/8/15 tham dự giải thưởng Viết về Nước Mỹ nghen.

Đó là một buổi chiều thật vui. Tôi rời nhà lúc một giờ chiều trên chiếc xe vợ chồng thằng em trực chỉ từ Riverside đi lên vùng Little Saigon. Trước khi đến dự lễ phát thưởng, chúng tôi đến thăm nhà anh chị Hai và thăm em Chút, một học sinh thời tôi mới đi dạy. Chút từ VN qua lại Mỹ khá lâu mà tôi không có dịp gặp nhau. Cô và trò tái ngộ rất thân dù đã qua hơn 40 năm. Nơi đây còn là địa điểm gặp mặt mỗi mùa trái vải chín rộ. Bởi khu vườn nhà anh chị Chín là một khu vườn nhỏ nhưng cây trái rất sum xuê. Những cây bưởi trái thật sai, rất ngon. Những cây xoài trái tuy không lớn nhưng mùi thơm của nó thật tuyệt. Chỉ để một trái trên bàn thờ cả không gian trong nhà sẽ chan hòa mùi thơm của nó. Chị Chín hái tặng tôi một trái trên cây. Tôi đưa lại cho thằng em và nhờ để trên trang thờ ba tôi khi về nhà. Ngoài ra nhà có thêm cây vải. Những chùm trái sai oằn, đỏ rực và ngon ngọt vô cùng. Cám ơn bữa tiệc trái vải thật ngon tại nhà anh chị Chín. Cám ơn Chút luôn nhớ về cô giáo cũ. Cám ơn vợ chồng Chi & Hương với lẵng hoa chúc mừng thật đẹp, những tấm hình sắc nét với tài phó nhòm của Chi.

blank
Từ trái: Các tác giả Kim Phương Newman, Nguyễn Thị Thêm, Huỳnh Thanh Sơn và Châu Hà.

Nơi họp mặt phát giải là nhà hàng Moonlight, trên đường Beach ở Westminster. Tôi đến khoảng 4;40 phút, thấy đã khá đông vui. Chưa vội vào trong vì còn ngắm quang cảnh và xem một số hình ảnh trang trí bên ngoài. Những bức hình trình bày sự diễn tiến của những năm phát giải về trước được chưng bày khá đầy đủ cho những ai muốn tìm hiểu về giải thưởng VVNM.

Bước vào bên trong, các cô trong ban tiếp tân mặc đồng loạt áo dài xanh thật đẹp và lịch sự nói lên sự trang trọng của buổi lễ. Tại bàn tiếp tân lần đầu tiên tôi gặp mặt cô Hằng người thường xuyên liên lạc với tôi trên web từ khi tôi nhận được tin mình lọt vào danh sách những người thắng giải.

Hằng thật đẹp, lịch sự và dễ thương. Lại khám khá ra một điều bất ngờ là lại có họ hàng với vợ chồng Chi. Cái gia đình này có bà con với tướng Lương Xuân Việt, Bùi Đức Lạc rồi hôm nay lại cô Hằng của Việt Báo.

Sau khi nhận bảng tên và số bàn, chúng tôi về bàn mình ngồi. Tôi gặp thầy Hoàng Phùng Võ đến khá sớm. Vội chào thầy và hỏi thầy ngồi ở đâu, thầy nói cũng đang đi tìm nhưng số bàn lại khác.

Quang cảnh khá rộn rịp, mọi người dường như quen biết nhau vì họ chào đón nhau và nói cười vui vẻ lắm. Có thể họ là những người trúng giải những năm về trước nên buổi phát giải này là dịp họp mặt những cây viết từng tham gia VVNM.

Tôi là một cây viết mới toanh trong lần phát giải này nên chả biết làm gì cứ ngồi nhìn mọi người và quang cảnh xung quanh. Chi chụp cho tôi vài tấm hình bên cạnh những tấm phông VVNM.

Một cô gái đi đến với một nụ cười thật tươi. Em đưa cả hai tay ra chào đón;

- Chị là chị Thêm phải không?

- Phải ! Em là…? Tôi hỏi.

- Em là Châu Hà nè. Nói xong Hà ôm lấy tôi mừng vui.

Cô em gái quen trên web do sự giới thiệu của Diệu Hương và Tường Vi hiện ra trước mắt tôi với tất cả nhiệt tình dễ mến. Châu Hà là một cây viết từng đoạt giải đặc biệt VVNM năm 2010 với bài “Ông ngoại của Thu đi lấy vợ” và từng đóng góp bài viết cho Việt Báo nhiều năm liên tiếp nên em quen rất nhiều cây viết quen thuộc trên Việt Báo.

Hà giới thiệu với tôi một người cũng nhận giải đặc biệt năm nay là Kim Phương Newman với bài viết Cho và Nhận”. Kim Phương cũng đã hẹn gặp tôi trên mail trước ngày đi dự nên mấy chị em rất vui khi ngồi chung bàn. Bên cạnh tôi là anh Huỳnh Thanh Sơn vào chung kết với bài viết ''Như giấc mơ hoa'' anh còn là người cao tuổi nhất trong số những người trúng giải.

blank
Các bạn Hội Ái Hữu Ngô Quyền và tác giả.

Châu Hà dẫn tôi đi gặp những người từng đoạt giải như Khôi An, Song Lam, Phùng Annie Kim, Philatio, Trương Ngọc Bảo Xuân, Phương Hoa, Ngô Đình Châu và nhiều người khác mà tôi không nhớ hết. Có điều là em cứ khen tôi giống ca sĩ Mai Hương từ nụ cười đến khuôn mặt. Bảo Xuân thì nói không ngờ Thêm trẻ như vậy còn Phùng Annie Kim thì nhìn ra cũng là có bà con với Biên Hòa, là cựu giáo sư trường trung học quận Công Thành ngày xưa. Orchid Thanh Lê là một thân hữu của Biên Hòa. Em ôm tôi và nói:

- Em không phải là người của Biên Hòa, em ở Sài Gòn nhưng em rất mến và yêu quý các cô chú, anh chị ở Ngô Quyền và Biên Hòa.

Chúng tôi đến bên quầy bán sách và các tác phẩm, CD của các nhà văn nổi tiếng như Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Du Tử Lê…. Châu Hà rất mừng khi bài viết năm nay của em ''Chuyện Của Hân'' đã được đưa vào sách. Tường Vi nhà mình cũng có bài ''Ngày Tết Đầu Tiên Trên Đất Mới''. Và tôi với hai bài ''Tháng Tư Ngày Đó” và “ Mùi Áo Lính''.

Nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ chụp hình chung và ký vào sách lưu niệm của tôi. Nhà hàng phục vụ khai vị với nhiều món ăn khá ngon.

Tôi rất xúc động khi thấy các anh chị Ngô Quyền mình đến ủng hộ rất đông. Tài hèn sức mọn, tôi được các anh chị em thương yêu là điều phước báo trong tuổi xế chiều của tôi. Mọi người ai cũng dành cho tôi rất nhiều cảm tình và nghĩ tôi sẽ đoạt giải thưởng cao hơn. Tuy nhiên tôi đã dự cảm cho mình khi đọc những tiểu sử và bài viết trong Việt Báo online. Nhất là bài viết của Orchid Thanh Lê quá xuất sắc. Ngoài tài viết văn, trình độ kiến thức, Orchid Thanh Lê còn thể hiện hết vai trò của một người VN và làm đúng chức năng của một người nhân viên tìm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh VN. Bài viết “Trả lại tên cho người bị mất tên'' xứng đáng nhận phần thưởng cao nhất.

Tôi là một trong 10 tác giả được vào chung kết VVNM 2015. Ngoài giải Việt Bút Trùng Quang dành cho bài viết thể hiện sức mạnh ngôn ngữ văn hóa Việt năm nay được trao cho tác giả Khôi An, Ban Tuyển Chọn trao 3 giải thưởng lớn nhất về Tác Giả và Tác Phẩm đến Orchid Thanh-Hương Lê, Phùng Annnie Kim và Philato. Bảy tác giả còn lại được nhận giải Danh Dự, mỗi người nhận được một tấm plaque có ghi tên mình, một quyển sách VVNM năm thứ 16, một số giấy khen của hội đồng thành phố và dân biểu cùng bao thư 500$.

Tôi cầm trên tay ngân phiếu 500$ và một quyết định lóe trên đầu. Số tiền này so với mọi người không lớn nhưng rất có giá trị đối với tôi. Tôi sẽ gửi toàn bộ số tiền ân nghĩa này đến cho một người em đang bị ung thư phổi thời kỳ cuối tại VN.

Tôi gọi số tiền ân nghĩa vì nó được có là do sự khuyến khích của các bạn trong hội AHNQBH. Là do người em Ngọc Dung chọn lọc và gửi vào dự thi VVNM. Là do tất cả các thầy cô yêu thương, các bạn bè quý mến tin cậy nơi tôi để tôi đủ can đảm chen chân cùng các cây viết tài ba trên diễn đàn VVNM.

Hoa dại của vườn hoa Ngô Quyền được mọi người biết tới là do công vun quén chăm sóc của những người yêu hoa.

Tôi sẽ giữ mãi trong lòng tấm thạnh tình này và sẽ cố gắng làm khu vườn có thêm màu sắc. Sẽ cùng các đàn anh, đàn chị làm người thưởng ngoạn vui với cảnh sắc hương hoa. Hội Áu Hữu Trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa sẽ mãi là nơi tôi yêu thương và trao những tâm tình.

Chương trình họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm nay Việt Báo tổ chức được khen là đông vui xuất sắc hơn mọi năm, tiếc là tôi phải về sớm vì cô em tài xế phải dậy đi làm từ 4 giờ 30 sáng, và chúng tôi phải ra phi trường lúc 2 giờ 30 sáng.

Tôi viết bài này trong sự vội vàng và các chi tiết không đầy đủ. Xin các bạn tha thứ dùm cho. Bây giờ đang ở nhà con trai tại Virginia, ông chồng già chưa quen với những tiện nghi mới nơi nhà con, nên tôi lúc nào cũng kè kè một bên.

Thằng con đang từ Ý qua lại hoãn chuyến bay. Bây giờ cháu đang trên đường tới mà trời ở đây đang mưa tầm tã. Con đường dọc theo Base của hải quân để vào nhà hai bên là rừng rậm rạp không có đèn đường. Mẹ già đang nóng lòng lo cho con và cháu nên văn chương chữ nghĩa lộn tùng phèo.

Virginia 11 giờ đêm. Gia đình thằng lớn đến như một đoàn người tị nạn, đồ đạc lỉnh kỉnh, con cái mặt mày phờ phạc sau chuyến hành trình hai lần chuyển đổi máy bay.

Trời vẫn còn mưa và mọi người đều đói. Tôi lo được cho mỗi người một tô phở nóng. Ôi! Tô phở quê hương, dù không đầy đủ ''Tái nạm, gầu gân, sách, bò viên” nhưng chứa chan tình thương của me và niềm vui đoàn tụ sau nhiều ngàn dặm bay, từ miền tây sang đông, từ Âu sang Mỹ.

Sáng nay, tôi ngồi trước máy, nghe có tiếng cháu nô đùa, có tiếng con trai nói chuyện dưới nhà. Thằng Út mang quân phục để vào đơn vị. Tôi nán lại trong phòng để viết cho xong bài này gửi đến cả nhà. Bởi tôi biết kể từ bây giờ tôi phải dành tất cả thời gian cho hai con và cho cháu không có dịp ngồi vào máy để viết tiếp.

Bài viết này cũng như tôi, đang lung tung với bao niềm vui, lo lắng và bất ngờ. Nhân tiện xin san sẻ một chút với các bạn ở Cali đang mùa hè hạn hán.

Quí vị ơi! Thời tiết Virginia sáng nay tuyệt vời. Cỏ xanh mướt, rừng bát ngát, từ nhà ra đường bắt gặp cặp nai đang dẫn nhau ăn cỏ. 12 giờ trưa cũng có thể dẫn chàng đi dạo một vòng quanh khu vực cho giãn gân cốt. Trời có nắng nhưng không chói chang hầm hập như Cali. Tối qua lại có cơn mưa rào mát mẻ cho sáng nay không mở sưởi. Tôi đã tắm và xài nước bằng thích không còn suy nghĩ phải tiết kiệm nước như Cali.

Nhưng có điều cũng hơi phiền là do không khí ẩm thấp, rừng, cỏ nhiều nên chỗ nào cũng có muỗi. Trong nhà ra ngoài phải vội vàng đóng cửa lại. Vậy mà không hiểu tại sao muỗi vẫn cắn nổi u nổi nần. Mai mốt về lại Cali chắc sẽ có nhiều kim cương, hột xoàn trên cơ thể.

Một lần nữa, xin cám ơn các thầy cô, bạn bè Biên Hòa, Ngô Quyền, Long Thành, nhóm Dễ Thương. Gia Đình Tam C và tất cả các bạn trên Web đã yêu thương và khuyến khích.

Xin gửi đến mọi người lòng biết ơn chân thành của tôi.

Nguyễn Thị Thêm

Ý kiến bạn đọc
02/09/201520:08:35
Khách
Tôi hết sức ngửơng mộ bà giáo Nguyễn Thị Thêm cách chăm sóc chồng bị bịnh khó khănlắm không phải phụ nữ nào củng làm được như bà còn biết cách nuôi dạy con.
Đọc bài bà giáo viết rất cảm động có gia đình hạnh phúc, có hai con trai làm Bác sĩ đã hai lần ra tay cứu nạn nhân một bị ngất xỉu trong siêu thị và hành khách bị khó thở trên máy bay. Làm bác sĩ VINH DỰ CHO NGƯỜI VIỆT NAM hết sức và NHỤC NHÃ CHO DÂN VIỆT NAM khi phải đọc tin tức trên báo Người Việt do những đứa VN ốt dột lăng mạ nghề bác sĩ học lâu ít kiếm ít hơn thợ ống nước, đứa ham tiền chỉ muốn con cháu kiếm tiền lẹ và nhiều mà không cần học hành mới có tin tức này
- Mại dâm trá hình massage, 3 chủ tiệm gốc Việt bị bắt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến