Hôm nay,  

Từ Chùa Cầu Hội An tới Đất Mỹ

04/08/201500:00:00(Xem: 11284)

Tác giả: Hương Thùy
Bài số 3590-17-30180vb3080415

Tác giả lần đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ, bài được chuyển qua eMail.. Bài đầu tiên của Hương Thùy là ký ức về phố cổ Hội An và một thoáng tình học trò thời chiến, 40 năm sau mới có dịp gặp lại trên đất Mỹ. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết và bổ búc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

* * *

Ai đi có nhớ chùa cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai muốn sầu

Chùa Cầu là biểu tượng của Hội An quê tôi, một thành phố nhỏ cổ kính nằm ven sông Thu Bồn, dạo sau này thường được du khách biết đến. Cây chùa cầu có mái che nổi tiếng này mỗi đầu cầu đặt 2 tượng, đầu bên này tượng 2 con khỉ, đầu bên kia tượng 2 con chó ngồi chễm chệ.

Hội An ngày xưa cộng đồng người Việt, người Hoa, người Nhật có chung một quan niệm về nguyên nhân gây ra động đất. Họ cho rằng ngoài bể khơi có một loài thủy quái người Việt gọi là con Cù, người Nhật gọi con Mamazu, người Hoa gọi là Câu long. Đầu của nó ở Nhật bản, đuôi ở tận Ấn Độ và lưng nó vắt qua khe ở Hội An mà chùa cầu bắc qua. Mỗi khi con thủy quái đó quẫy mình làm cho Nhật Bản động đất, Hội An cũng ảnh hưởng không được yên ổn để cho người Nhật, người Việt, người Hoa buôn bán.

Để khống chế con quái đó, người Nhật đã thờ các Thần Khỉ và Thần Chó trên hai đầu cầu để "yểm"

Hồi nhỏ mỗi lần phải đi ngang chùa cầu tôi rất sợ, chân bước thật mau, tay nắm chặt tay mẹ mắt không dám nhìn thẳng mà chỉ dám he hé nhìn đôi mắt to tròn dữ tợn của mấy con khỉ, con chó đặt ở đầu cầu

Quê tôi cách Hội an một buổi đi đò, vốn nổi tiếng về nghề ươm tơ dệt lụa. Mấy năm sau khi bị Việt Minh cướp chính quyền, làng Hà Mật trở thành vùng xôi đậu, không còn nghe tiếng thoi đưa, trên các con đường làng chẳng còn đâu tơ vàng giăng nghẽn lối nữa. Dân làng đã dần dần bỏ đi tìm đến vùng đất tự do. Gia đình tôi cũng theo chân đoàn người tản cư xuôi đò về phố Hội. Không chen chân vào được khu nội ô, đành dựng tạm mái nhà trên một vùng đất trũng ven thành phố, cạnh khu gia binh một đồn biệt kích.

Mẹ tôi nhận nấu cơm tháng cho các nhân viên công chức xa nhà. Sau mỗi ngày làm lụng cực nhọc, ba mẹ tôi lại hì hụi đi gánh đất về đổ trên đám đất cạnh hè nhà, phòng hờ cho mùa lũ lụt.

Một đời vất vả, niềm ước mơ của những con người lam lũ suốt đời trong lũy tre làng như ba mẹ tôi là mong sao cho mấy chị em chúng tôi được no đủ, ăn học nên người.

Tôi cũng có niềm mơ ước của riêng mình, những buổi chiều tắt nắng tôi đứng bên hiên nhà nhìn các chị nữ sinh tóc dài xõa ngang lưng, áo dài trắng thướt tha nói cười ríu rít, tôi mơ một ngày được khoác lên người bộ đồng phục trắng tinh khôi để khẳng định mình đã trở thành một người lớn.

Con đường duy nhất để tôi "khẳng định" là làm sao phải lọt vào con số 300 trên tổng số hơn một ngàn rưỡi những đứa nhóc cũng đang lăm le chiếm một chỗ vào đệ thất như tôi.

Thời chiến tranh, thiên hạ lũ lượt bồng con dắt cháu xuống Hội An tránh cảnh bom rơi đạn lạc, con đường vào Đệ thất Trần Quý Cáp của tôi ngày càng trở thành khung cửa hẹp

Tôi ra sức tụng nhuyễn như cháo bộ Sử ký Địa lý, học thuộc lòng quyển những bài luận mẫu, cặm cụi giải gần hết mấy trăm bài tính mẫu.

Mỗi buổi sáng mẹ tôi thường kêu chị bán bánh bèo vào để cả nhà ăn điểm tâm. Những chén bánh bèo để vừa trong lòng tay người lớn, úp chồng hai ba lớp quanh cái trẹt bằng tre. Đầu gióng bên tê là nồi nhưn tôm, trên mặt rắc một lớp tiêu hành thơm phức. Chỉ riêng mình tôi trong những ngày ôn thi vất vả này, được mẹ tôi "đặc cách" cho hưởng biệt lệ: thay món bánh bèo bằng một tô bún bò là món quà sáng cao cấp tôi ít khi được hưởng.


Gánh bún dịu dàng õng ẹo theo bước chân cô bán bún. Nồi bún nóng đặt trên một bếp lò hừng hực lửa, khói và hơi thơm bay nghi ngút khi cô mở vung, tay cầm cái vá cô đi một vòng lượn trong nồi nhưn, dịu dàng uyển chuyển không kém gì các vũ công Chămpa, bắt dính ngay miếng giò mẹ tôi yêu cầu. Tôi ăn tô bún thật chậm thật khoan thai vì sợ...mau hết

Sẽ không bao giờ tôi quên những giọt nước mắt của mẹ, khi tôi hổn hển chạy về báo tin "Con đậu rồi mẹ ơi".

Sau đó là những ngày mua sắm bận rộn chuẩn bị cho năm đầu tiên bước chân vào trường Trung học. Tôi kê bàn học ngay khung cửa sổ đầy ánh sáng, sắp xếp sách vở gọn gàng, không quên trang trí một bình hoa cắt ngoài vườn mỗi sáng. Đôi guốc DAKAO gót cao gần 5 phân với quai nhung đen tuyền làm tôi thấy đôi bàn chân mình... đẹp lạ lùng.

Khối Đệ thất năm nay có 7 lớp, tôi chọn sinh ngữ chính Pháp văn nên vào Thất 3. Bạn bè hồi Tiểu học đứa thi rớt, đứa ở khối Anh văn, nhìn quanh chẳng thấy mống nào quen, nhưng chưa qua hết kỳ tam cá nguyệt bọn tôi đã kịp chứng tỏ bản lãnh nhất quỷ nhì ma rồi.

Lớp tôi có cô Ấn dạy Sử, thầy Đỗ Kiệm dạy vẽ, cô Nguyên dạy Hán văn. Thế rồi rình khi nào các thầy cô đi trong sân trường cả bọn đồng thanh hô ầm lên:

- Cô Ấn sử thầy Kiệm vẽ Hán cô Nguyên tụi bay ơi...

Bốn năm trung học đệ nhất cấp trôi nhanh như một giấc mộng. Rồi một buổi trưa nào như buổi trưa trong ca dao, có cu gáy có bướm vàng nữa chứ...trên đường đi học về sực nhớ ra mình chưa cài vạt áo dài vào ba ga xe đạp, vội vàng đứng lại nhưng đã trễ. Ôi thôi rồi! Sợi dây sên đã tàn nhẫn quấn vạt áo dài không thương tiếc.

Anh xuất hiện đúng lúc như một nhân vật anh hùng chuyên cứu khổn phò nguy, mặc dù vạt áo dài te tua không phương cứu vãn tôi vẫn trân trọng cám ơn.

Sau lần đó không hiểu vô tình hay cố ý mà anh và tôi có dịp chung đường hoài. Chúng tôi học chung trường, có khác chăng chỉ là anh thi tú tài trước tôi 3 năm thôi

Tôi lên đệ tam, chúng tôi không còn cơ hội gặp nhau nữa vì anh đã xếp áo thư sinh vào quân trường Thủ Đức.

Kỷ niệm khi chia tay dịu dàng nhưng nhức buốt vì hai đứa đều hiểu rằng đời lính chiến gian khổ rày đây mai đó, đâu dễ gì vượt đường xa sông núi về chốn xưa.

Anh gửi thư về, lời thư tha thiết làm tôi muốn khóc:

"Hồn đơn lẻ như đảo rời dặm biển.
Suốt một đời như núi đứng riêng tây"

Tôi đậu tú tài rồi đi dạy học, hoàn thành tâm nguyện của ba mẹ.

Rồi một ngày đổi đời khi dép râu nón cối xuất hiện gieo bao ly tan khổ đau trên đất nước, tôi nghe tin anh đã bị tập trung đi cải tạo.

Chúng tôi xa nhau từ đấy nhưng lòng vẫn mang theo những câu thơ ngày nào ghi trong nhật ký:

Ai nào thấu hết tình ai
Chân mây góc biển thương hoài ngàn năm.

Bốn mươi năm, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Trong một lần qua thăm xứ Mỹ chúng tôi tình cờ gặp lại nhau. Khi ấy đôi mái đầu đã bạc. Người xưa -- như bài thơ Tình Già của Phan Khôi từng kể-- chỉ cách xa nhau hai mươi bốn năm, mà “nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được”, nhưng chúng tôi đã nhận ra nhau dù gần 40 năm bụi thời gian đã làm mờ phai kỷ niệm.

Tìm đến một quán ăn mang hương vị quê hương, anh nói:

- Bữa ăn hôm nay có thể khác những bữa ăn ở quê nhà, nhưng nỗi nhớ quê thì vẫn nguyên vẹn trong tâm thức những người xa xứ.

Giọng anh thay đổi nhiều sau những tháng năm dài luân lạc với đầy âm sắc u buồn của người mang mối hờn vong quốc.

Chúng tôi chia tay mà lòng còn biết bao điều muốn nói. Nhưng biết nói gì đây "Khi hai đường đời ngăn chia mình rồi" phải không anh?

Hương Thùy

Ý kiến bạn đọc
13/08/201501:19:24
Khách
Bài viết dể thương quá.Cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,031,661
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến