Hôm nay,  

Chỉ Là Mơ Thôi

15/07/201500:00:00(Xem: 14539)

Tác giả: Song Lam
Bài số 3572-17-30122vb4071515

Với 12 bài viết trong năm, cho thấy một sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersy, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây là bài mới nhất của tác giả.

***

I.

Nửa đêm về sáng đêm qua, bổng dưng tôi mơ thấy Từ Sơn trong giấc ngủ chập chờn, mà đáng lẽ tôi phải "mơ gặp bác Hồ" mới đúng. Từ Sơn là bút hiệu của người bạn khi chúng tôi còn ở năm cuối Trung học ở Sàigòn. Sơn học Petrus, tôi ở Trường Sơn. Chúng tôi gặp nhau khi cùng sinh hoạt ở bút đoàn "Tầm Tay Tuổi Trẻ". Bây giờ nếu có gặp lại họ, tôi sẽ đề nghị họ thành lập "Bước Chân Tuổi Già".

Giữa tôi và Từ Sơn chỉ là mối tình "ngộ nhận" qua văn chương. Khi anh ấy ở khóa 25 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, thường hay gởi thư cho tôi than "buồn quá, nhớ Sàigòn". Lúc đó tôi đang học năm thứ nhất Đại Học Văn Khoa ở đường Cường Để. Rồi văn chương đưa đẩy qua lại trong thư từ, chúng tôi trở thành một cặp. Chừng gặp lại nhau qua bao năm dài thổn thức chờ mong, trái tim rộn rã nhớ thương hàng đêm, chúng tôi chợt nhận ra mình không là của nhau, dù dưới mắt mọi người hai đứa tôi rất xứng đôi dạo phố Sàigòn chiều thứ bảy.

Đường phố Sàigòn 1971 từng in dấu chân chúng tôi: chàng trong bộ lễ phục mùa Đông, nàng áo dài màu hoa lý thước tha nói cười rạng rỡ. Cô "sinh viên văn khoa hay buồn" là tôi lúc đó thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ.

Chàng trở lại Đà Lạt học tiếp năm cuối. Tôi vừa ở Văn Khoa vừa thi vào Đại Học Sư Phạm. Gia đình tôi có truyền thống dạy học nên ba tôi thích con gái làm nghề "gõ đầu trẻ" này. Người thầy lúc đó được xã hội coi trọng, và chỉ số lương 430 lúc này chỉ thấp hơn kỹ sư, bác sĩ chút đỉnh. Tôi vào Đại Học Sư Phạm đầu bảng và khi tốt nghiệp cũng rạng rỡ thủ khoa. Tôi là đứa học trò cưng của giáo sư Lê Hữu Mục, giáo sư dạy Văn Chương Quốc Âm cũng là giáo sư chủ nhiệm của lớp.

Sau khi ra trường đi dạy được nửa năm, tình cờ gặp lại thầy ở chợ Bến Thành. Đây là một kỷ niệm khó quên của chính tôi. Hai thầy trò ngồi trong quán nước đối diện bùng binh chợ, giáo sư Mục mĩm cười nói:

- Lam đừng lấy chồng nghe. Học tiếp cao học, tiến sĩ… rồi trở lại trường. Mi rất đặc biệt. Ta nói làm gì có một SL thứ hai!

Tôi hết hồn. Chắc là mấy đứa cùng lớp mách lẻo với thầy là tôi đang có bồ là sinh viên Võ Bị. Giáo sư Mục nói chuyện với học trò cứ xưng là Ta với Mi. Tôi rụt rè nói:

- Thưa thầy, em nghĩ mình đã xong việc học rồi. Em biết sức mình… Mà nếu có thể, thì dạy đại học ngán lắm, buồn lắm. Học sinh trung học còn nhỏ, còn ngây thơ, vui với chúng nhiều hơn. Học trò đại học có… râu hết rồi!

Giáo sư Mục khoát tay:

- Được, ta nói được, ta là Hữu Mục là có mắt. Ta có mắt nhìn người.

Ông thầy này cũng lạ. Tự nhiên khuyên học trò không nên lấy chồng, chẳng lẽ ông thấy tôi là một tài hoa?

Lần sau gặp lại Từ Sơn nghĩ phép hai tuần ở Sàigòn trước khi mãn khóa, tôi nghiệm thấy anh ta đang chấm sai tọa độ, hoặc chấm hai tọa độ cùng một lúc. Chàng tự mãn về mẫu người hùng thời đại thì tôi cũng có niềm kiêu hãnh riêng tư. Văn chương đã làm mềm lòng chúng tôi, chúng tôi đã rơi vào bệnh tưởng mà người Pháp thường gọi là Maladies immaginaive.

Thời gian đó, cha mẹ còn có rất nhiều áp lực với con cái. Ba mẹ Từ Sơn thấy con trai mình hạng nhất và tôi cũng là đứa con gái số một của dòng họ. Chúng tôi lẳng lặng quên nhau.

Ra trường sau "Mùa Hè Đỏ Lửa" 1972, Từ Sơn là Thiếu úy Biệt Động Quân. Sau đó là Trung úy. Tôi biết rõ hoàn cảnh gia đình anh ấy và có lúc cũng xót xa cho bạn. Gia đình tôi nghèo, đông con. Từ Sơn cũng vậy. Từ Sơn còn khó khăn hơn tôi một bậc. Vì thế, Sơn phải chọn lựa. Anh là điểm nhắm của mấy cô gái nhà giàu, mượn chàng để leo lên danh vọng. Và Từ Sơn lấy vợ giàu để "cứu nguy" gia đình.

Bản nhạc "Mười Năm Tình Cũ" của Trần Quảng Nam nổi tiếng một thời: "Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ…". Theo tôi, tình không cũ bao giờ, chỉ có tình nhớ và tình quên. Chúng tôi đã ra khỏi cơn mê. Đã nói tình yêu của hai đứa tôi là ngộ nhận mà. Nhiều đêm tôi cũng khóc vì sự mê muội nhất thời của tuổi trẻ. Chúng tôi cũng hơi giống "Chuyện tình Lan và Điệp", nhưng tôi là đứa con gái kiêu hãnh, ngang bướng, rất tỉnh táo trong tình yêu. Cô Lan sẽ không bao giờ đi tu và anh chàng Điệp Từ Sơn sẽ không có dây chuông nào để réo gọi ngoài cổng Tam Quan. Cô Lan lúc ấy là tôi chỉ yêu nghiệp văn chương.

Phải đúng mười năm tôi gặp lại Từ Sơn cũng ở Sàigòn, khi Sàigòn đã mất tên, Sàigòn đã đổi chủ; và chúng tôi đều bị "rớt giá", "tuột giá" đến không ngờ. Từ Sơn cho tôi biết đã có đứa con gái và đã ly dị vợ. Người vợ trẻ tuổi nhung lụa ấy làm sao đủ nghị lực giúp chồng vượt qua cơn giông bão khủng khiếp này? Nàng giao con cho gia đình chồng, theo cha mẹ đi Pháp theo diện Pháp kiều. Hôn nhân Từ Sơn tan vỡ trong khi chàng còn đang đói khổ trong tù.

Có người tìm tôi ở văn phòng trường N.A.N. Từ Sơn đang ở trước mặt tôi. Vẫn dáng dấp cao to, vẫn mái tóc nghệ sĩ bồng bềnh ngày cũ, vẫn đôi mắt buồn. Tôi dựa lưng vào tường, suýt ngã. Ôi, mười năm, tưởng tình đã cũ… Lúc đó tháng 5/1983.

Hai chiếc xe đạp cũ mèm dựng song song trước tiệm cà phê ở quận 10, Sàigòn. Đường trưa nắng cháy. Từ Sơn ngồi đối diện tôi. Tôi hỏi Sơn làm sao biết tôi đang dạy học ở đây. Chàng nói qua tin tức của mấy người bạn cũ. Ai vậy kìa? Sau 30/4/75 tôi buông xụi hết mọi việc, không liên lạc bất kỳ một ai.

Sơn lên tiếng:

- Tôi tìm Lam để cùng Lam lên Tây Ninh…

Tôi biết quê bạn tôi từ lâu ở Tây Ninh. Chắc bây giờ Sơn về lại trên ấy chăng. Tôi chưa kịp hỏi thì Sơn tiếp:

- Tôi muốn hai đứa mình gặp Ba Má tôi.

Chi vậy cà? Chuyện gì kỳ vậy? Sơn ngập ngừng:

- Tôi muốn chuộc lỗi ngày xưa, với Lam. Mình sẽ… "nối lại tình xưa".

Cái gì mà như trời sập vậy?

Tôi uống một hơi nước chanh để giữ bình tỉnh. Love again? Tôi nhìn thẳng vào mắt Anh. Từ Sơn lúng túng, xoay nhẹ ly nước trong tay. Tôi chậm rãi nói:

- Không ngờ VC nó giam anh mấy năm mà anh đã quên hết hiện tại. Bây giờ tôi đã có chồng, có con. Chồng tôi đã có giấy báo về lại gia đình vài hôm nữa. Tại sao anh có đề nghị này, với tôi? Sẽ không bao giờ có con đường nào cho chúng ta cùng đi. Hai đường thẳng song song sẽ gặp nhau ở vô cực. Chúng ta thì không!

Không biết chúng tôi còn nói gì với nhau nữa không. Có điều tôi bật khóc. Khóc vì tủi hổ phận mình và cũng vì tức giận. Lúc đó, tôi muốn nói với Từ Sơn rằng anh đã xúc phạm tôi. Tôi đâu còn trẻ con để anh "điền vào chỗ trống"? Tôi là người kiêu hãnh và tự trọng. Từ Sơn biết rõ tôi điều đó. Vì thế, hình bóng anh đã vuột khỏi tâm trí tôi, từ lâu.

Từ đó đến nay đã 32 năm.

Sao bổng dưng đêm qua, tôi gặp lại anh trong giấc ngủ muộn màng.

II.

Từ Sơn thân mến!

Thật nhiều xin lỗi anh, nếu văn hoa chút nữa thì tôi sẽ nói ngàn lần xin lỗi tình yêu vì tôi đã bỏ anh trôi một mình giữa dòng đời đau khổ. Vì lẽ đó, thư này đến anh kèm theo sự xót thương.

Chúng ta cùng một tuổi, tuổi con trâu nên khổ cực cả đời. Trâu cày ngựa cỡi mà, ông bà ta ngàn xưa đã nói vậy. Những cánh thư viết bằng giấy Pelure mình gởi cho nhau đã an ủi được anh tìm vui trong đời sống quân trường; lại càng ấm áp lòng tôi qua những năm dài cam go đèn sách. Tình yêu không có lỗi. Chỉ có văn chương có lỗi với chúng ta. Văn chương khiến ta ngộ nhận, nghĩ sai về nhau.

Dễ chừng đã gần 45 năm, tôi vẫn nhớ những lời đã viết cho anh trong lá thư đầu tiên. "Từ Sơn, làm sao tìm được anh ở Sàigòn, làm sao tìm được anh ở con đường mang tên Trần Quang Khải?" Điều này làm cho anh "té xuống một tình yêu" (falls in love). Mà anh cũng đâu có vừa gì… Ngày còn sinh hoạt ở Bút Đoàn, anh chẳng là "chủ bút" đó sao, dù anh học ban toán, không phải ban C văn chương như chúng tôi.

Thư đến đều đặn, vẫn giấy Pelure xanh có Logo của Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, dòng chữ thật đứng, sắc nét: "Sau những tuần huấn nhục nhọc nhằn, tôi nhận được thư Lam. Những giòng thư như nguồn suối mát thấm đẫm vào lòng tôi khô khốc bấy lâu!" Thấy chưa? Văn chương từ nơi anh cũng tha thiết lắm chứ?

Như vậy là đã 32 năm từ buổi trưa nắng cháy ở quận 10, Sàigòn, anh tìm tôi để rụt rè nói chuyện trăm năm. Và từ những giọt nước mắt tủi thân, hờn duyên tủi phận của mình, tôi đã đẩy anh ra ngoài vòng tình cảm. Chúng ta trân trọng cuộc sống của nhau, không muốn phiền hà, rắc rối người hôn phối của mình. Cho nên dù vẫn ở Sàigòn, chúng ta không hề hay biết gì về nhau.

Chúng ta giống như hoa Mười Giờ, sớm nở tối tàn… Chúng ta có chút thành công ngắn ngủi thời thanh niên, thời mới lớn, rồi thoáng chốc lụi tàn. Không thể nào hiểu được sao mình nổi trôi, thê thảm như thế, anh Từ Sơn nhỉ?

Có lẽ, anh sang Mỹ theo diện H.O. từ lâu, trên dưới 20 năm nay. Anh đang ở đâu trong 50 tiểu bang rộng lớn của nước Mỹ này? Có ai theo chân, cùng anh bước tiếp con đường còn lại? Đứa con gái của anh giờ đây - giống như con gái tôi - đã 40 tuổi rồi. Có khi anh là ông ngoại, ông nội rồi. Có khi mái tóc bồng bềnh ngày xưa đã bạc trắng cũng nên!

Bây giờ, sự hối lỗi vô hình len lỏi vào từng hơi thở, tôi còn chút băn khoăn. Câu hỏi cứ liên tiếp hiện lên trong tâm trí: "Tại sao anh lại tìm tôi tháng 5/1983, sau 10 năm mình lặng im, lẳng lặng quên nhau?" Có phải chăng lúc đó, anh muốn nói với tôi rằng:

"Yêu em như thuở nào
Tình yêu còn vương đầy trang giấy
Yêu em như thuở nào
Tình yêu còn đong đầy trang sách
Dù biết trái tim đã già
Mà những thiết tha chẳng nhòa
Tình cũ vẫn nghe ấm nồng…"
(Nhạc Nguyễn Trung Cang)

Không, mình đã già đâu, Từ Sơn? Hai chúng ta dù bão giông vùi dập nửa đời, lúc đó, cũng chưa tròn ba mươi lăm tuổi…

Bây giờ tôi đã hiểu. Lúc đó, anh tìm đến như một cậy trông. Nhưng mọi sự đã an bài. Đó là sự tin cậy thiết tha, ở tôi, sau lần cuộc đời ném anh vào cơn giông bão hãi hùng. Thế mà tôi lại buông tay, bỏ mặc anh trôi tuột vào đớn đau riêng lẻ của riêng mình…

Tôi chỉ muốn gởi về Anh sự xót thương như tôi đã từng hối hả xót thương những người anh, những người chồng, người cha trong cuộc chiến Việt Nam, những người lính VNCH với sự hy sinh to lớn của họ không gì đền đáp nổi!

Có thể cơn giận 32 năm nay đã lụi tàn nên trong giấc chiêm bao, tôi lại thấy nụ cười hiền hòa của anh ngày xưa hiển hiện. Và không chỉ một lần. Mọi người giải thích rằng khi ta chiêm bao thấy chuyện gì, người nào tức là hình ảnh đó hãy còn lẩn trốn trong tiềm thức, chỉ chờ dịp nào đó tái hiện. Vậy là Từ Sơn vẫn là "hình bóng còn lẩn trốn" trong trí não của tôi? Vậy sao? Vậy là tôi vẫn nhớ đến anh dù chỉ là khoảnh khắc bất chợt. Vì, nếu nói theo "thiểu thuyết bà Tùng Long" tôi đã "đánh mất một thiên đường".

Từ lúc đặt chân đến đất nước Hoa Kỳ này, tôi đã bỏ lại con người cũ của mình ở lại Việt Nam. Tôi đã quên hết, quên tuốt luốt mọi sự, quên mình là ai, sống qua ngày để chờ ngày qua đời. Anh coi đó, tôi "thê thảm" chưa?

Với gia đình, với chồng con tôi đã có 40 năm ân cần và tận tụy; với bản thân mình, đôi lúc tự lãng quên. Vì thế, khi nhìn lại mình thì đã sắp sửa đi về phía hoàng hôn. Tôi âm thầm khát khao tình bạn lúc tuổi già xế bóng… thì ao ước gặp lại anh không phải là một sự cần thiết lắm hay sao?

Từ hơn hai năm qua, thỉnh thoảng tôi có viết bài cho Việt Báo Daily News ở Westminster, California, trong mục "Viết Về Nước Mỹ". Chuyện này khiến tôi được vui nhiều chút. À, mà không chừng anh cũng là tác giả hoặc độc giả của chương trình này à nha. Tại sao không nhỉ? Ngày xưa lúc còn là học trò, dù học ban B, anh đã là "chủ bút" của Bút Đoàn "Tầm Tay Tuổi Trẻ" dù chỉ được quay Roneo phổ biến trong phạm vi bè bạn. Anh còn nhớ không, bài "Nẻo Cao" của tôi được anh nhận xét như thế này: "Bài viết hay, mượt mà tình cảm nhưng có tính chất ngang tàng…" Tôi vậy mà, anh nhận xét rất đúng!

Từ Sơn thân mến,

Nếu bất chợt anh đọc được bài viết này, anh tìm tôi không khó. Biết đâu Việt Báo chẳng là cái cầu nối giữa hai chúng ta? Và tôi đang mơ giữa ban ngày đây, giữa mùa hè rực rỡ nắng nóng của vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.

Nếu được gặp anh giữa 400 hoặc 500 người Việt Nam (có thể hơn thế nữa) trong ngày hội Việt Báo năm nay, tôi sẽ đứng dựa vào tường cho khỏi té sấp (như cách đây 32 năm), nếu cần sẽ "viện trợ" thêm một cây gậy nữa cho chắc ăn. Tôi nghĩ anh vẫn vậy trong tôi mà, vẫn đường hoàng của tuổi hai mươi dù hiện giờ lăm le bảy chục, vẫn có vẻ náo nức đợi chờ và quay quắt yêu thương…

Tôi muốn ân cần gởi về Anh sự xót thương vì anh lỡ làng binh nghiệp anh muốn theo đuổi cả đời mình, một thời đánh mất tình yêu mà mình cho là ngộ nhận bởi văn chương và sau cùng là cuộc hôn nhân vỡ nát… Vậy thì, bạn đọc thân yêu của tôi ơi, còn gì khổ đau hơn cho một đời người?

Văn chương của tôi không đáng giá một xu teng nào, nhưng với tôi, đó là niềm an ủi lớn lao. Tôi đã phá sản gần như mọi thứ từ lúc ở Việt Nam tháng Tư có ngày 30. Anh đang ở đâu vậy, Từ Sơn? Chúng ta là những người đã book vé xong rồi, chờ ngày "sắp hàng lên tàu" thì gặp nhau một lần cũng nên lắm chứ? Tôi muốn gặp anh để san sẻ chút tình cảm trong văn chương còn xót lại ở nơi này…

Sẽ gởi đến Anh những dòng văn mướt rượt tình người, tình bạn. Sẽ nhắc Anh những kỷ niệm vui buồn thời chúng ta còn cắp sách đến trường… Anh Từ Sơn ơi, dù mây nằm trái hướng, gió đi sai chiều trong quá khứ, dù có giận hờn cay đắng với nhau hơn 40 năm qua, dù có đôi lúc "thoáng hiện anh về trong đáy cốc", dù có bỗng chốc nhớ nhung, dù có tiếc nuối ngậm ngùi… chúng ta vẫn là bạn tốt của nhau.

Tôi muốn gặp lại anh nhưng không biết đến bao giờ, để chúng ta xác định với nhau điều này: dù có éo le, dù có ngộ nhận, dù có thổn thức, dù có chờ mong, nhưng "hơn cả trăm lần, nhất định mình.. chưa yêu!"

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
30/03/202108:36:20
Khách
vardenafil vs viagra vs cialis https://vegavardenafil.com/ vardenafil hcl 20mg tab
29/03/202108:15:49
Khách
tadalafil 40 https://elitadalafill.com/ order tadalafil
28/03/202116:12:11
Khách
how to adminiter transurethral alprostadil https://alprostadildrugs.com/ alprostadil prices in canada
07/01/201808:48:58
Khách
Dù đọc muộn màng,em cũng muốn được gởi đến chị SL và anh TS lời chúc mừng.Sau hơn 30 gặp lại nhau trong tình bạn, có thể mình sẽ trộm nhìn nhau"xem dung nhan ấy bây giờ ra sao?"Còn em gần 40 năm về trước, vì nghèo hơn, và vì người ta có quốc tịch Pháp.Nên bị mất người yêu. Bây giờ họ chia tay, và người ta muốn nối lại tình xưa.Tuổi về chiều, nhưng họ suy nghĩ quá non nớt.
10/09/201501:17:27
Khách
Xin hỏi có phải là anh Từ Sơn ở Thiền viện Như Lai?
19/08/201514:23:41
Khách
Ngay tu dau de :"chi la mo thoi" da noi len tat ca noi long ai do. Chi dang tiec nuoi hay it nhat dang rat tran trong mot ky niem ma chi dau biet da may mang vuong mang nhu mot qua tang cua doi cho mot thoi con gai cua chi. Thu nghi neu khong co moi tinh ngay nao thi cuoc doi chi da va dang nhat nhoa biet bao, va neu vay chac chan chi khong co mot thoi con gai. Chi hay cam on doi, cam on Anh Tu Son. Toi khong duoc may mang nhu chi, toi yeu nhieu , nhung duoc yeu co mot lan ma lai con bi nguoi ay bo roi. Toi da co mot tam trang cua mot nguoi con trai that tinh nhu bao nguoi khac : Dau kho, tiec nuoi, uat uc, han thu. Nhung roi theo ngay thang moi chuyen da lang dong. Khi vao tuoi 50 toi bat dau co mot tam trang khac: toi mo uoc co mot luc nao do toi duoc gap lai Phuong de noi mot loi xin loi neu luc minh yeu nhau anh da co nhieu lan lam em buon, em khoc vi nghi rang toi khong ton trong em. Toi luon canh giac de ru bo neu co chut bui san si cua thoi gian nao len loi vao lam cho tam hon toi xau xa, gia coi. Tuoi tre bao gio cung dep nhat.
31/07/201520:12:42
Khách
Thanhvan: Tôi không khe khắc như bạn nghĩ đâu. Nhưng tôi được mọi người thường hay hỏi ý kiến là vì tôi luôn nghĩ tới người khác và luôn nhìn vào mọi góc cạnh khác của vấn đề để giải quyết. Bạn chỉ nghĩ tới chúc mừng hai người gặp nhau, nhưng tôi lại nghĩ tới vợ chồng và con cái của họ, cũng như một người lấy nick name “một người chồng” đã viết: “Tôi mong được đọc suy nghĩ của chồng SL nếu ông biết đươc chuyện này”.
Một đôi khi trong giấc mơ, chúng ta thấy lại người tình cũ hay nhìn tấm hình con đường Duy Tân ngày xưa nhớ lại một thời lãng mạng yêu đương. Điều này không có gì sai trái cả. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ ngày ngày “em vẫn ao ước được gặp lại…” như bạn viết, rồi “thật nhiều xin lỗi ”, “sự hối lỗi vô hình len lỏi vào từng hơi thở” hay “ bỏ mặc anh trôi tuột vào đớn đau riêng lẻ của riêng mình” của tác giả thì đó mới là vấn đề tôi lên tiếng phản đối.
Tôi cũng không buộc tội bạn như bạn nghĩ đâu. Tôi chỉ đưa ra một góc nhìn khác về những gì bạn đã viết: người yêu của bạn lấy vợ khác, rồi gặp bạn không thèm nhận mặt, giờ đây bạn đã có chồng con mà còn muốn gặp lại để làm gì? Để bị không nhận mặt lần thứ hai chăng? Bạn lại trả lời “cũng chỉ là tò mò muốn biết người ấy bây giờ ra sao?” và “người yêu cũ của tôi có nhìn tôi hay không chuyện đó không quan trọng, quan trọng là tâm trạng của tôi đối với người đó thế nào”.
Người yêu cũ của bạn rất khôn ngoan khi gặp bạn mà không thèm nhận mặt vì đây là cách duy nhất làm bạn suốt đời sẽ ấm ức, sẽ đau khổ và sẽ phải yêu anh ta suốt đời. Nếu gặp lại lần nữa, anh ta sẽ làm lại như lần đầu không nhận mặt để mà cho “đến trăm lần nhất định mình chưa yêu”.
Tôi là người ngoài cuộc, không bị tình cảm chi phối sự suy nghĩ, nên đã thấy rõ bạn không chỉ là “tò mò” mà bạn còn yêu anh ta rất nhiều vì đã trúng kế của anh ta. Nhiều đến nỗi bạn cho cả ông chồng bạn cứ tự do: “nếu ông có nghĩ tới người cũ thì cũng vậy thôi” để bạn cũng muốn ông ta để bạn tự do nghĩ đến người tình xưa và ao ước được gặp lại mà không cảm thấy mình sai.
Khi còn “tò mò”, còn “thắc mắc”, còn “tâm trạng” là còn suy nghĩ. Còn suy nghĩ là còn yêu. Đây không có nghĩa là “không sống thật với chính mình”. Đây chính là ngoại tình trong tư tưởng và ngoại tình trong tư tưởng hay ngoại tình trong hành động cũng đều bắt đầu bằng hai chữ ngoại tình.
Xin bạn đừng tìm cách dối lòng mình khi viết “đã già rồi thì làm sao còn tình cảm”. Không đâu. Chúng ta sẽ còn tình cảm cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Vấn đề là bạn có chịu chấp nhận quên người tình xưa để mưu tìm hạnh phúc sống với chồng con mình hay không?
Chúc gia đình bạn luôn hạnh phúc.
30/07/201508:22:21
Khách
Anh Duc oi! Sao ma khe khac qua vay? Moi nguoi co mot tam tinh rieng, mot suy nghi rieng. Sau cuoc doi the tham 40 nam , ai cung muon gap lai nhung ban be, tinh than ngay cu de biet rang anh du co doi xu voi toi nhu the nao thi doi voi toi van con mot tinh yeu cua thoi tuoi tre. Toi nghi rang chung toi da gia roi thi lam sao con tinh cam giong nhu ngay xua ma anh Duc buoc toi ghe the! Con chong toi thi toi cung thong cam neu ong co nghi toi nguoi cu thi cung vay thoi, cung chi la to mo muon biet nguoi ay bay gio ra sao? Nguoi yeu cu cua toi co nhin toi hay khong chuyen do khong quan trong, quan trong la tam trang cua toi doi voi nguoi do the nao, vay thoi! Chi la nhung ao uoc to mo giong nhu Song Lam ao uoc gap lai Tu Son va bay gio ho da gap nhau. Chuc mung mot tinh ban lau dai, rat hiem co o cuoc doi nay cua Tu Son va Song Lam. Boi vi toi nghi rang hau het nguoi ta deu co cai nhin giong nhu anh Le nhu Duc vay, nghia la khong song that voi chinh minh! Anh co quen tuot luot moi su duoc khong anh Duc hay la trong tan cung sau tham cua con tim van con an hien mot bong hinh de chet mang theo!
27/07/201505:37:52
Khách
Nhóm Việt Bút, gồm những tác giả từng có bài viết trong mục VVNM, sẽ có buổi họp mặt tiền đại hội vào buổi sáng ngày phát giải VVNM. Saigon xin thay mặt bác Tân hội trưởng, thân mời tác giả Song Lam cùng bác Từ Sơn đến tham gia buổi họp mặt thân mật & ấm cúng của nhóm. Có lẽ với không khí thân tình của buổi họp mặt chắc chắn sẽ là nơi thích hợp cho buổi hội ngộ của 2 bác. Nhân đây Saigon cũng thay mặt bác Tân hội trưởng thân mời tất cả các tác gỉa của mục VVNM hãy cùng kết nối tình thân qua nhóm Việt Bút. Mọi liên lạc xin gửi về email của bác Tân Nguyễn hoặc của Saigon Vu ([email protected]) nhé.
24/07/201505:31:22
Khách
Xin kính chào các anh chị, các cháu đã có comments trong bài viết này của Song Lam.
Tôi là Từ Sơn, môt người rất yêu thích văn chương, mà văn chương thường chứa chan tình cảm. Tôi mong các anh chị đừng phê phán những việc khi chúng tôi còn trẻ, vì tuổi trẻ ai cũng dễ mắc sai lầm, đến lúc lớn tuổi rồi nhìn lại, đôi khi tự mình cũng cảm thấy hối hận. Hơn nữa những việc xảy ra trong quá khứ, người viết văn không thể kể hết các khía cạnh căn nguyên.
Tôi cũng chỉ là độc giả của Việt Báo, tình cờ đọc bài viết của Song Lam, thấy người bạn mình quý trọng tình cảm bạn bè xưa. Bài viết làm tôi xúc động, chợt muốn được thăm hỏi sức khoẻ và gia cảnh của bạn mình nên mới lên tiếng. Bây giờ chúng tôi không còn trẻ nữa, đang ở tuổi gần đất xa trời rồi, ngoài việc nói lời xin lỗi, chúc nhau sức khoẻ, nụ cười, chào nhau trong tình bạn văn chương, các anh chị nghĩ là chúng tôi muốn gì hơn thế?
Tôi vừa có dịp chào hỏi gia đình Song Lam qua điện thoại, cuộc trò chuyện cởi mở và thân thiện. Gia đình SL có hứa, hai vợ chồng sẽ lấy chuyến bay sang thăm gia đình tôi khi có dịp đi vacation. Tôi nghĩ tôi và Song Lam đều là những người có trách nhiệm, sẽ không làm gì sai trái, tôi nghĩ là mọi người có thể an tâm.
Tôi xin cảm ơn các ý kiến đồng tình của các anh chị và các cháu về việc gặp lại của hai người bạn chúng tôi, nhưng xin dừng lại những phê phán, nghi ngờ. Đối với các lời phê phán gay gắt, là người trong cuộc, chúng tôi cảm thấy rất buồn, điều này, xin các anh chị thông cảm.
Xin cảm ơn các anh chị nhiều.
Từ Sơn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến