Hôm nay,  

Từ Cô Bé “Ở Đợ” tới Nước Mỹ Ngày Ấy

30/06/201500:00:00(Xem: 20129)

Tác giả: Trương Thị Thu Huyền
Bài số 3557-16-30107vb3063015

Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả là tự truyện của một bé gái nhà nghèo, từ 8 tuổi đã phải đi ở đợ, được người tốt dạy chữ, giúp học đánh máy, làm sở Mỹ ở Chu Lai, kết hôn, theo chồng định cư tại Mỹ từ 1972, nuôi dạy hai con ăn học thành bác sĩ, mang được 30 thân nhân từ Việt Nam sang Mỹ... Dù đã thành công, tác giả không chối bỏ quá khứ nghèo khó. Phần đầu là một tự sự ngắn nhờ Việt Báo đăng từ ba năm trước giúp tìm lại được hai người thầy ơn nghĩa từ thời nhỏ. Phần 2, “Nước Mỹ Ngày Ấy”, là chuyện kể của cô dâu Việt Nam bơ vơ tại một miền quê nghèo vùng Đông Băc nước Mỹ hơn 60 năm trước.

* * *

blank
Cô dâu Huyền,1972.

1. Về Những Người Thầy...

Hôm nay đọc bài “Thầy Tôi” trên báo, tôi chạnh nhớ lại mình cũng có một vị Thầy không phải dạy ở nhà trường, vì tại Việt Nam từ tuổi ấu thơ, tôi chưa bao giờ được cắp sách đến trường.

Tôi vốn sinh ra trong gia đình nghèo ở làng Bến Lá, tỉnh Quảng Trị. Năm lên 8 tuổi tôi đã rời xa gia đình vào Huế ở giúp việc (gọi là ở đợ) cho gia đình ông Đỗ Trí, Trung úy Trưởng Ty An ninh ở Thành Nội Huế cho đến năm 1962.

Trong nhà có một cậu Gia sư tên là Phú, đến ở trọ dạy kèm để chờ ngày thi Tú tài. Châu là cô bé 11 tuổi con gái đầu lòng của ông bà Trí, nhỏ thua tôi ba tuổi.

Một bữa nọ, Châu không thuộc bài, tôi bồng đứa em nhỏ của Châu ngồi chơi trước thềm, tôi trả bài dùm cho Châu. Cậu Phú nhìn ra thấy tôi và hỏi rằng “Hoa ơi, làm sao em thuộc bài?”- Thì em nghe Cậu giảng đêm hôm qua mà. Thế là từ dạo ấy cậu Phú thương tình âm thầm đưa bài vở của Châu học cho tôi sao chép.

Để đáp lại công ơn cậu Phú, tôi giặt áo dùm, đôi lúc thấy bữa ăn còn lại ít quá, tôi nhường lại phần ăn của mình cho cậu ấy.

Ngày tháng trôi qua tôi không nhớ rõ là bao. Nhưng một ngày buồn lại đến!

Cậu nói là cậu đi nhập ngũ, chúc Hoa dùng chút vốn liếng chữ nghĩa ấy mà tiến lên với đời nhé. Cậu còn dặn là hãy đọc truyện nhiều là em biết chữ thôi! Rất tiếc ngày ấy tôi không xin địa chỉ Cậu, và hỏi quê quán Cậu ở đâu. Cậu dáng người cao, da ngăm, hơi rỗ một tí.

Cậu ơi, hiện giờ Cậu ở đâu? Có còn sống không, hay đã bỏ mình ngoài chiến trận như bao anh hùng khác? Cậu là bậc Thầy rất vĩ đại của em, Cậu có biết không? Em mang theo hình bóng Cậu suốt cả cuộc đời mình.

Khi Cậu đi rồi em cũng thôi ở nhà ông Trí, về quê học may. Năm 1966 quê em lại chiến tranh khói lửa. Ba em lúc ấy ở Tiểu Đoàn 22 Pháo Binh, nên gia đình em vào Tam Kỳ. Ở đó, em gặp được người Thầy thứ hai là Chị Lý Thị Bích Thuỷ.

Quán may em ở gần trường dạy đánh máy chữ. Không có hàng may, em thường đứng trước trường nhìn vào mà ước mơ... mình cũng được như họ.

Vài ngày như thế trôi qua, một hôm em đang mơ màng thì một bàn tay đặt nhẹ trên vai em, “Ê bồ, sao ngày nào cũng đứng nhìn vậy? Em mắc cỡ bỏ chạy, thì Chị Thuỷ níu lại hỏi cho rõ chuyện. Tủi thân, em oà khóc... Từ đó Thuỷ làm bạn, và trả tiền cho em đi học. Vài tháng sau em được Thuỷ xin cho đi làm Thơ Ký đánh máy cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại Chu Lai. Trước khi đi làm, Thuỷ dạy cho em, thuộc hết vần ABC và đếm từ One đến One hundred.

Năm 1968, Chị Thuỷ và Huyền (tức là Hoa, tên em hồi đó) mất liên lạc!

Năm 2000, khi từ Mỹ về thăm Việt Nam, Huyền có vào Chu Lai và tìm được Chị Toàn. Chị cho địa chỉ Thuỷ ở Fort Lauderdale. Về lại Mỹ, Huyền hết sức vất vả mà cũng không tìm ra được Thuỷ!

Với tâm nguyện của Huyền, ước mong một phép lạ, cho Huyền gặp được hai người Thầy mà Huyền đã mang theo hình bóng từ 40-50 năm nay. Mỗi lần đi đâu đông người Việt, Huyền không quên hỏi tên của hai vị, nếu không gặp được hai vị trong những ngày còn lại cuối cuộc đời, Huyền vẫn mãi mang theo hình bóng hai vị Thầy khả ái đến kiếp hậu lai. Hiện tại, nếu còn thở Huyền vẫn còn hy vọng...

Ngoài ra, nhắn tin: Em Đỗ Thị Minh Châu, bây giờ em và gia đình ở đâu? Chị không biết tên của Mẹ em, chỉ biết tên và cấp bậc của Ba em mà thôi! Châu rất đẹp, ông bà Đỗ Trí, người Bắc di cư 1954, cũng rất đẹp và rất phúc hậu. Đọc câu chuyện nầy, ai có biết tin, xin cho Huyền tin để được liên lạc.

Tự truyện này cũng là lời nhắn tin rất tha thiết, mong được hồi âm.

Trương Thị Thu Huyền
(tức Hoa)

724.667.2345 (cell)

blank
Và bà mẹ thành công, với hai con là bác sĩ.

2. Và “Nước Mỹ Ngày Ấy”

Ngày ấy là ngày 15 tháng 2 năm 1972, tôi ôm hai đứa con thơ, theo chồng về Mỹ.

Vùng đông bắc Hoa Kỳ lúc ấy đang cuối mùa Đông, chưa sang Xuân nên trời vẫn còn lạnh, mà từ quê nhà mới qua, tôi đâu có biết nó lạnh đến cỡ nào.

Chỉ mấy ngày sau khi ngủ đủ sức rồi là tôi háo hức đòi chồng tôi đưa đi chợ. Sửa soạn thật đẹp, với quần ống bát, áo vải mỏng, bông hoa loè lẹt, guốc Việt Nam cao gót... Vừa từ trên gác bước xuống gặp bà mẹ chồng ngay dưới cầu thang, bà la lên hoảng hốt, “Ôi! Chúa ơi! Con tưởng là con đang ở Việt Nam ư? Con có biết ngoài trời chỉ có 10 độ F thôi không?”

Không hiểu hết điều bà nói, thấy anh chồng gãi đầu gãi tai lúng túng, tôi vội kéo tay anh ra khỏi nhà cho gấp kẻo đụng lỡ hai đứa con nhỏ khóc lên thì sợ mẹ chồng đổi ý, không cho đi.

Anh bảo tôi đứng tại cửa để anh đi lấy xe, khi xe đến trước cửa, tôi vội chạy ra, không may té một cái đau quá trời đất nhưng cũng gượng đứng dậy bước tới xe được. Anh chồng lo bật máy sưởi trong xe không thấy tôi bị té. Khi vào trong xe rồi nó lạnh run lập cập, chồng tôi phải cởi áo ấm của anh ấy choàng cho tôi, lại tới phiên anh ấy run lập cập.

Xe ra đến phố rồi anh bảo tôi ngồi trong xe để anh vào trong Sear mua áo lạnh cho tôi. Khoảng mười lăm phút sau, thấy anh đi ra với cái áo ấm, tôi chê bai đủ điều nhưng anh bảo thì mặc cho đỡ đi rồi mai mốt đi mua áo đẹp hơn.

Anh chạy xe một vòng quanh phố. Tôi hỏi sao anh đi đâu mà không đưa em đi phố? Anh bảo đây là phố. Ôi, Trời đất ơi, phố xá chi lạ vậy? Sao không thấy người đi, sao không thấy phố mở cửa, sao vắng hoe vậy, sao nghèo nàn quá vậy? Anh có đùa với em không? Anh nhìn tôi với vẻ thất vọng. Cuối cùng tôi làm mặt giận, tôi nói thôi đưa em đi chợ.

Lại nữa, tôi cảm thấy hụt hẫng vô cùng khi bước chân vào siêu thị. Toàn là đồ hộp, cá thì không thấy, chỉ thấy toàn là thịt bò, thịt heo, thịt gà, gói gói lại hết, và cũng rất ít, không phải như siêu thị bây giờ, rau rợ thì cũng chỉ vài bó loe hoe, thấy buồn hiu buồn hắt! Thế thì hình ảnh mà tôi thường xem trong phim ở đâu? Hay tôi đang lạc vào quê hương xứ sở nghèo nàn của nước nào? Đang thất vọng não nề, chân cẳng thì lạnh tê buốt vì đi đôi guốc vụng về mà người ta ai đi ngang qua cũng nhìn mình một cách quái gở.

Trong lúcđang tức bực thất vọng thì một bà lão mỉm cười và hỏi:

- Cô từ đâu đến?

- Thưa bà tôi đến từ Việt Nam.

Bà ấy nhìn tôi rồi mỉm cười hỏi lại:

- Việt Nam ở đâu?

Ôi, đúng lúc cho tôi xả bỏ cơn tức bực tức vô lối ấy. Bà không biết Việt Nam ư? Tôi huơ tay múa may nói thật to, với số vốn tiếng Anh ít ỏi, lại phát âm theo giọng Quảng Trị cho mọi người đang vây quanh nghe: Việt Nam mà bà không biết, Việt Nam của tôi lớn lắm bà biết không, ai mà không biết Việt Nam, sao bà không biết vậy hả? Thế là chồng tôi cuống lên, kéo tay tôi đi thật nhanh, ra ngoài cửa rồi anh ấy nhấc bổng tôi lên, liệng vào xe và cho nổ máy xe chạy thật nhanh về nhà, không nói lời nào hết.

Còn tôi thì tức tối quá nên khóc bù loa, và đòi anh hãy đưa tôi về lại Việt Nam, ngay bây giờ, tôi không muốn ở đây nữa. Anh tấp xe vào đoạn đường vắng và dỗ dành. Tôi vẫn trách móc anh đủ thứ, cuối cùng thì anh nói rằng, thôi được em không muốn ở đây thì 4 tháng sau khi anh mãn hạn công tác tại Việt Nam rồi, chúng ta đi xứ khác. Ở Mỹ có nhiều nơi cũng đẹp lắm. Thôi em nín đi đừng khóc nữa kẻo về nhà Ba Mẹ thấy thế ba mẹ buồn. Nghe thế tôi cũng yên tâm, lau nước mắt bước vào nhà.

Mẹ chồng hỏi sao, con có thích không? Tôi bỏ chạy lên gác nằm khóc. Anh phải lo cho hai đứa nhỏ, và nói gì với Mẹ tôi cũng không biết, nhưng khi tôi đói bụng xuống nhà lục đồ ăn thì thấy mẹ chồng mặt mày buồn hiu. Tôi ân hận lắm, nên lại ôm bà, và bà cũng ôm tôi thật chặt. Bà nói chi nhiều lắm tôi không hiểu hết được.


Ngày hôm sau chồng tôi đưa cho xem quả địa cầu và chỉ cho tôi thấy vị trí của Việt Nam trên đó. Anh chỉ tay, nói đây là nước Mỹ, đây là nước Tàu, đây là nước Nga… và đây là Việt Nam của em nè. Tôi lại nổi cơn điên lên, cái tự ái lại cao hơn bình thường và thầm nghĩ, anh xỉ nhục tôi, nên tôi liệng quả địa cầu cái rầm trong phòng khách. May cho tôi khi ấy chỉ có hai đứa em và mẹ chồng ở nhà thôi. Bà mẹ chồng tưởng đâu tôi sẩy tay, chứ không biết đứa con dâu của bà hung dữ như quỷ sứ.

Sau đó, có những lúc cả nhà đi vắng tôi lấy quả địa cầu ra xem lại. So với nước Mỹ thì VN ta chỉ tương đương với tiểu bang Texas. So với nhiều nước thì... mà thôi, tôi mỉm cười và tự bào chữa cho mình: Ừ, thì quê hương tôi nhỏ bé như thế đấy, nhưng ở đó có tới bốn ngàn năm văn hiến chứ bộ. Bây giờ đôi khi nghĩ lại ngày ấy, tôi thấy mình hồ đồ mà tự thẹn với mình.

Tuy ở Mỹ tại Tiểu bang Pennsylvania nhưng nhà chồng tôi chỉ là một gia đình gốc Tiệp Khắc di dân rất nghèo, lại sống tại vùng quê, nhà này cách nhà kia rất xa. Trong nhà chỉ có một buồng tắm, một toilet thôi, nên 8 người mà một buồng tắm thì rất bất tiện. Ngoài vườn cũng có một cái nhà vệ sinh như bên Việt Nam mình vậy, mùa hè thì đàn ông đi ngoài đó nhiều hơn. Áo quần giặt xong những ngày có nắng cũng phơi bên ngoài như ở quê nhà, nhìn ra bên ngoài thì chỉ thấy bò và bò, ôi chao là buồn!

Thế rồi một tháng trôi qua, chồng tôi phải trở lại Việt Nam, bởi với công tra làm việc đã ký, anh ấy còn bốn tháng nữa mới hết hạn. Tôi và hai con ở lại với nhà chồng.

Trước ngày rời nướcMỹ, anh nói với mẹ chồng tôi là nhờ mẹ thường ngày đừng để vợ con đi lấy thư, kẻo có chuyện nguy hiểm.

Số là bên kia đường của nhà chồng tôi là một gia đình hàng xóm có người con trai tử trận tại Việt Nam. Chồng tôi người hàng xóm biết tôi đến từ Việt Nam, ông ta có thể giết tôi để trả thù cho con họ. Vì thế, hàng ngày cha chồng tôi thường ra lấy thư.

Sau nhiều ngày lo sợ khi nhìn sang nhà hàng xóm, tôi nghĩ rằng mình phải đối diện với sự thật một lần. Tôi bỏ công lôi cuốn tự điển Anh Việt - Việt Anh của Lê Bá Kông mà tôi mang theo khi về Mỹ, ghép lại thành từng câu và học thuộc lòng. Sau đó, tôi lấy hết can đảm tự mình sang nhà hàng xóm, xin gặp bà chủ nhà. Tôi tỏ bày với họ như vầy:

“Thưa bà, tôi xin chia sẻ niềm đau mất mát với bà. Xin bà đừng ghét tôi, vì tôi cũng có cha và em trai đang đánh giặc ngoài chiến trường. Cha và em trai của tôi cũng có thể chết sống trong tích tắc bất cứ lúc nào. Mẹ tôi và biết bao bà mẹ Việt Nam khác nữa cũng chỉ là nạn nhân trong cuộc chiến nầy như bà. Quê hương tôi cũng khổ đau lắm, riêng tôi rất yêu thương và quý trọng người Mỹ, đã nhân danh tự do, giúp đất nước tôi chận đứng làn sóng đỏ từ phương Bắc đổ xuống. Nếu không vì cộng sản Nga Tàu thì quê hương tôi không có chiến tranh, nhân dân tôi sống yên yên và người Mỹ đến đó chỉ là khách du lich…

Tôi chưa kịp nói hết những gì mình đã học và muốn bày tỏ nỗi lòng, thì hai ông bà đều sang ôm tôi vào lòng khóc nức nở, tôi cũng khóc với nỗi đau của họ và nỗi đau của chính mình !

Vậy mà, không hiểu sao, ngày hôm sau nhiều người đến gõ cửa nhà mẹ chồng tôi để gặp thăm tôi, họ là những người của xóm Mount Jackson này đến để đón chào người con dâu Việt Nam đến với xóm làng họ.

Thế là từ đấy tôi không còn lo sợ và lẻ loi nữa, khi thì người này đến chở đi ăn kem, khi thì người khác mang chút quà lại cho hai con nhỏ của tôi. Mỗi khi có ai đưa đi đâu thì nhiều người xúm lại hỏi han thân thiện.

Với khu xóm vậy là tôi yên ổn, nhưng với chính mình và gia đình nhà chông thì còn nhiều sóng gió.

Khi còn ở Việt Nam, công ty của anh ấy cho biết rằng ai có vợ Việt hãy đưa gia đình rời khỏi trước Tết âm lịch, đó là tin “mật”. Sau đó là trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa xảy ra ngay trên quê hương tôi. Sau này, khi đã tới nước Mỹ, tôi mới hiểu vì sao… Thì ra chính phủ Mỹ đã sắp đặt bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Ôi còn đau đớn nào bằng. Quê hương tôi giờ đây là Đại Lộ Kinh Hoàng, là Mùa Hè Đỏ Lửa... Khi hiểu ra điều này, tôi oán trách nước Mỹ. Tôi ghét luôn cả người chồng của tôi, cả gia đình dòng họ, xóm làng của họ luôn.

Cũng cùng thời gian này, cha chồng tôi thấy tôi, lúc nào cũng như gây chiến tranh với ông. Ông đã không thích tôi từ đầu, bây giờ lại càng khó chịu hơn. Tôi cũng không vừa gì với ông, hai bên cứ căng thẳng như thế. Hàng ngày cha chồng tôi phải ra thùng thư lấy thư. Một hôm, ông cầm thư vào không chịu đưa cho tôi, mà còn la lối um sùm, nào là thằng con bất hiếu, nó xem vợ lớn hơn cha mẹ nó, gửi thư cho vợ hàng ngày mà không gửi cho cha mẹ. Tôi thì cũng hỗn với Ông. Tôi nói thẳng rằng, ông độc tài quá, ông đã bỏ xứ Tiệp Khắc cộng sản sang đây rồi mà ông cũng không bỏ được máu cộng sản trong ông, là ích kỷ và độc tài. Thì mày cũng thế, mày là con cháu Hồ Chí Minh tàn tệ đấy thôi, ông đáp lại. Thế là trận chiến bùng nổ dữ dội, tới mức có lúc tôi đã phải gọi người bạn bên Dayton, Ohio sang chở tôi về bên đó cho đến ngày chồng tôi về lại Mỹ. Câu chuyện nầy dài dòng không thể kể hết. Nhưng cũng may là tôi có được bà mẹ chồng tuyệt vời, bà luôn coi tôi như là đứa bé không hơn không kém nên hết lòng che chở.

Chuyện “chiến tranh” giữa cha chồng và tôi sau cùng được thu xếp tốt đẹp. Tôi là người đứng ra xin lỗi ông, bởi lúc nầy tiếng Mỹ của tôi cũng tạm được đề giải bày uẩn ức của mình với ông, và cũng cám ơn ông bà đã sinh ra người con trai mà hôm nay là người chồng tốt của tôi, người cha mẫu mực của hai đứa con của tôi. Sau khi biết nói lời xin lỗi, tôi đã được ông tha thứ. Dần dà, tôi còn được ông đặc biệt thương yêu còn hơn hai nàng dâu bản xứ của ông.

Cũng từ đấy, tôi bắt đầu vào đời với công việc làm ăn bận rộn vất vả để tự nuôi sống cho chính gia đình nhỏ bé của mình, nuôi hai con một gái một trai, ăn học, rồi lo cho chúng vào đại học, vào y khoa. Cả hai đều học hành đến nơi đến chốn và tốt nghiệp bác sĩ.

Ngoài việc lo làm ăn nuôi con, tôi còn lo giúp đỡ gia đình bên quê nhà, nào là lo nào là lo cho mẹ tôi bịnh bán thân bất toại, rồi lo cho các em đi vượt biên, bao nhiêu lần không được, lại lo cho cuộc sống trong thời gian chờ đợi bảo lãnh đoàn tụ… Rồi một ngày, các em và gia đình của chúng cũng được sang Mỹ đoàn tụ, tất cả 15 người giờ thì hơn 30 rồi. Kế tiếp là những đứa cháu ngoại như thiên thần xuất hiện. Thế là tôi chẳng còn thời gian để dời đi xứ đẹp, xứ ấm, phố phường đồ sộ nữa, mà lạ thay hạnh phúc từ đó vững mạnh và vươn cao.

Quảng Trị vẫn in dấu trong tôi, tôi vẫn nhớ thương nơi chôn nhau cắt rún... Nhưng tại quê hương mới, gia đình chúng tôi đã như cây cổ thụ, gốc rễ đã mọc ra chằng chịt bám vào mảnh đất này. Mẹ chồng tôi năm nay 91 tuổi vẩn khỏe và rất minh mẫn, vẫn thương yêu tôi như ngày nào. Người chồng quê mùa chất phác, mà khi qua chiến đấu tại chiến trường Việt Nam khi chỉ mới học xong high school năm xưa bị tôi hờn trách, hôm nay vẫn còn bên cạnh cuộc đời như chuyện tình “đôi dép”. Con gái mở phòng mạch tại đây. Thằng con trai hơn 40 tuổi không lấy vợ vì bận rộn với công việc và không thích ràng buộc.

Gần 10 năm nay vùng quê Mỹ nghèo của tôi nay đã có được Walmart và Highway 376. Trong nhà đã có microwave để hâm nóng thức ăn, mà hồi đó, 43 năm trước không có.

Kể từ 1972 khi đứa con gái từ quê nhà Quảng Trị một mình phiêu bạt qua đất Mỹ, lòng ngổn ngang trăm mối. Thời ấy, số người Á Đông tại nước Mỹ còn rất nhỏ, đâu được như ngày nay, riêng cộng đồng người Việt đã có tới hơn một triệu bảy trăm ngàn người.

Viết đến đây tâm hồn tôi cảm thấy tràn ngập tình thương và biết ơn với nguời chồng khác chủng tộc, cũng như với người Mỹ, nước Mỹ quê hương thứ hai của mình. Xin đa tạ anh, nguời bạn đời yêu quý, và xin tạ lỗi với nước Mỹ ngày ấy bị tôi trách móc, hận thù.

Trương Thị Thu Huyền

Ý kiến bạn đọc
06/07/201621:01:05
Khách
Bài viết của chị rất cảm động, xúc tích, cám ơn chị đã trải lòng, chia sẻ.
30/06/201521:37:50
Khách
God bless AMERICA
30/06/201514:17:03
Khách
Một câu chuyện rất hay và cảm động. Chị Huyền đã thể hiện được những đức tính cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Kiên nhẫn, chịu khó học hỏi, đôn hậu, mộc mạc, thủy chung và là người mẹ tốt!
Phương Vinh rất ngưỡng mộ chị. Mong chị tĩm được tin tức của hai người Thầy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,263,648
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Hai bà má của tôi -má ruột và má chồng- bây giờ ''ngon lành'' hết biết. Cả hai cụ đã là công dân Mỹ, công dân của một nước ''ngon lành'' nhất thế giới.
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến