Hôm nay,  

Vera

26/06/201500:00:00(Xem: 12436)

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 3553-16-30103vb6062615

Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà đã nhận Giải Chung Kết 2001, với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi” và đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Sáng thứ hai gặp nhau trong sở, chào nhau buổi sáng xong, Vera nói nhỏ:

- Tôi đã nhờ chồng tôi đánh máy lá thư phàn nàn rồi, xong thì tôi sẽ gởi đi.

Tôi gật đầu, “ừ, tốt lắm” rồi ai về phòng nấy để bắt đầu một ngày làm việc.

Số là, cô và một đồng nghiệp có chuyện bất đồng ý kiến, cãi lẩy với nhau và cô kia đã thốt lời hăm dọa. Cô kia vừa dữ dằn vừa ngang bướng, cả làng cãi không lại. Cãi không lại, tức quá nên Vera đã muốn nhờ thượng cấp can thiệp, bằng thư. Vì tôi là một trong số những nhân chứng có mặt hôm ấy nên cô mới cho tôi biết tin.

Vera là một phụ nữ trung niên gốc Phi Châu, rất cao. Sau nầy khi đã quen thân rồi, cô khoe tấm hình hai vợ chồng và con gái con trai. Cô vừa đưa vừa cười:

- Chị xem, gia đình một ngàn một trăm mười một (1111). Tôi cười và chỉ chú ý nhìn đứa con gái, trầm trồ:

- Ồ, cháu nó xinh quá và có chiều cao như người mẫu.

Cô phì cười, tự nhận:

- Ừm, gia đình hươu cao cổ.

Và chúng tôi đã cười cái rần với cô, cười thoải mái với giọng điệu tiếu ngạo giang hồ của cô. Chuyền tay xem, nhìn rõ, quả là bốn người đứng dàn hàng ngang cùng cao cùng gầy y như bốn con số 1.

Trong sở, món gì cao quá không vói tới chúng tôi đều réo Vera Vera ơi i i i Vera Vera hởi… Cô vừa dơ tay lấy một cách dễ dàng vừa cười xòa:

- Thấy chưa, hưu cao cổ cũng có lợi.

Tôi thích cá tánh của cô. Là một người đàn bà da màu, cuộc sống đã có nhiều khó khăn lúc nhỏ. Cô thường kể:

- Lúc còn đi học, tôi thường bị học trò da trắng chế diễu. Chẳng những về sắc tố màu quá đậm chứa tràn trề trong làn da mà phần lớn còn về chiều cao của tôi. Họ gọi tôi là con Dinosaur Brachiosaurus, tên một loại khủng long cao cổ, đứng dưới đất mà vươn cổ cao tới ngọn cây cổ thụ để thưởng thức món đọt lá non. Ha ha ha… tôi đã chấp nhận vì tôi cao thiệt, 6 feet 2. Nhưng về sau, nhờ chiều cao ấy mà họ phải có hơi nể vì tôi đã đem lại thắng lợi trong một trận đấu bóng rổ với trường bạn.

Cô có giọng nói rất nhẹ nhàng, khôi hài mà cái mặt thì tỉnh queo trong khi ai nấy ôm bụng cười lăn chiêng. Điều nầy làm tôi nhớ tới một người bạn trong nhóm Việt Bút, là anh chàng TN. Người nầy tếu hết biết. Y kể chuyện khôi hài đen, hay tiếu lâm mặn chát với gương mặt thiệt là ngây thơ như đang đọc “tin tức khí tượng cho tàu chạy ven biển” trong khi chúng tôi đỏ mặt cười híp mắt.

Trong việc làm, nhờ tánh tình dễ chịu cho nên chuyện gì cô cũng vượt qua. Mỗi lần trong sở hội họp là y như có những trận cười hả hê vì những câu nói rất có duyên của cô, giúp làm loãng bớt bầu không khí đôi khi quá nghẹt thở. Thật ra, cốt chuyện chẳng có gì nhưng chúng tôi cười vì những lời lẽ phê bình xây dựng của cô rất khôi hài và người trong chuyện mới hiểu, không giận mà cười. Cô tặng mọi người những liều thuốc bổ không tốn tiền mua.

Lời quảng cáo về cô có hơi dông dài, nói tóm lại, đối với tôi, cô là một đồng nghiệp rất thân thiện dễ mến.

Buổi sáng thứ hai hôm ấy, một buổi sáng bình thường như mọi ngày. Chúng tôi được nghỉ trưa tới hai tiếng đồng hồ cho nên có một số đồng nghiệp về nhà ăn trưa, trong số ấy có Vera.

Gần tới giờ làm việc cho buổi chiều, đã quá một giờ trưa rồi mà chưa thấy mặt cô. Thông thường, những người về nhà hay đi đâu đó ăn trưa thì cũng phải trở về khoảng 1 giờ. Chúng tôi bắt đầu thấy lo lo, sao giờ nầy mà nàng Vera đâu rồi?

Ông xếp gọi điện thoại di động của Vera, mới hay một tin sấm sét. Chồng cô chết rồi!

Úi trời. Ai nấy cùng bàng hoàng, ngỡ ngàng, hỏi nhau qua lại mà không ai rõ ràng chuyện gì, chỉ biết là chồng cô mới chết. Ai nấy cùng bàn tán xôn xao, tai nạn giao thông? Bị đứng tim? Anh ấy có bịnh gì không? Chỉ có những trường hợp như vậy mới có thể chết bất ngờ như thế chớ. Anh ta bao nhiêu tuổi? nghe nói Vera mới bước sang 50 thì chồng cô chắc cũng vào độ tuổi ấy. Còn trẻ quá.

Không ai biết tin gì thêm cho tới lúc ra về sau khi móc bóp ra hùn tiền để mua hoa mua thiệp chia buồn gởi tới cô liền chiều hôm đó cho cô biết chúng tôi quan tâm tới cô, rất nhiều. Chúng tôi, ai có chồng thì nói “để tôi về nhà ôm hôn chồng một cái”, có người nói “phải ôm hôn vài ba cái dù cho anh ta đáng ghét thế nào đi nữa”.

Dù sao những anh chồng “đáng ghét” của chúng tôi vẫn còn đây.

Sáng hôm sau vô sở, câu đầu tiên của mọi người hỏi nhau là có ai biết thêm tin gì về Vera không? Cô bạn người gốc Ấn đã ghé nhà Vera chiều hôm qua kể lại, trưa hôm qua Vera có hẹn là sẽ tới sở của chồng để lấy cái lá thư do anh ấy đánh máy và sửa lại cho cô rồi hai người sẽ cùng đi ăn trưa nhưng khi tới sở thì họ nói chồng cô không đi làm hôm nay. Cô lái xe về nhà, thấy xe anh còn đậu ngoài sân. Vô nhà cô gọi um lên anh ơi anh hởi, gặp hai đứa con đang ngồi chơi game, hỏi ba con đâu? Hai đứa cùng trả lời con đâu biết. Chúa ơi tụi con trong nhà mà không biết cha con không đi làm hôm nay à? Rồi cô vào phòng ngủ, trong bụng nghĩ thầm có lẽ anh ấy mệt mỏi nên còn trong phòng ngủ nướng tới trưa chớ gì. Vào phòng thấy anh nằm ngang, sải tay chân trên giuờng. Cô tới lay nhẹ mình ơi mình à giờ nầy mà còn…. Chưa dứt câu cô cảm nhận có gì không đúng, sờ vào vai, làn da lạnh ngắt. Ôi chúa ơi, cô hét hoảng lên, hai đứa con tuổi vị thành niên một trai một gái chạy vào. Thằng con kéo cha xuống nền nhà làm hô hấp nhân tạo cấp cứu nhưng trễ quá rồi, chỉ có bong bóng hơi trào ra từ miệng cha mà thôi. Nhân viên 911 tới nơi, chở xác anh vào bịnh viện.

Tôi nhớ đã gặp chồng Vera vài lần, mỗi lần gặp là thấy anh cầm bó hoa đem tận tới sở tặng vợ. Hình như anh muốn cho cả thế giới biết anh qúi và yêu thương vợ biết bao nhiêu. Nào là sinh nhựt, lễ tình nhân, lễ mừng ngày kết hôn… không thiếu những bó hoa đầy màu sắc thơm tho ấy, được cả bọn đàn bà chúng tôi trầm trồ, hít hà, khen sao chồng you thương vợ đến thế, tình tứ đến thế… ganh tị quá ghen với chị quá… chồng tôi chẳng bao giờ nhớ tới những chi tiết quan trọng nầy, thường thường quên, ngay cả ngày căn bản tối thiểu nhứt là sinh nhựt vợ cũng chả nhớ… rõ chồng tôi đáng trách đáng trách quá!

Anh chồng Vera là một người rất cao xứng với vợ, bụng thon ngực nở, đâu có vẻ gì là người bịnh hoạn? Về sau tôi mới biết anh là một công chức, làm việc cho thành phố Los Angeles. Cô bạn người Ấn nói “thấy vậy mà hổng phải vậy đâu, chồng Vera có bịnh trong người, nặng nhất là bịnh thận”. Thường nghe người ta nói hễ ai có bịnh thận mà không chữa trị sớm thì sẽ sinh ra thêm nhiều bịnh khác. Không biết chồng Vera có phải trong trường hợp nầy không? Thường thì đàn ông ít ai chịu viếng bác sĩ đúng hạn kỳ, thường họ hay bỏ qua những mè nheo của vợ hay người thân về việc phải uống thuốc đúng giờ, thường họ hay coi thường những chứng bịnh chết người ngầm như bom nổ chậm.

Nói tới nói lui đoán nầy đoán nọ, thôi thì phải đợi tới ngày cô trở vào làm việc sẽ hỏi cho rõ.

Tôi nhớ tới cái chết cũng bất ngờ không kém, gần mười năm trước. Một đồng nghiệp tên Lamson là người đàn bà gốc Phi Châu. Cô người cao ráo, trầm tĩnh, ăn nói nhẹ nhàng, tánh tình dễ dãi, rất có cảm tình. Buổi trưa ngày thứ sáu ấy, cô dặn mọi người thứ hai đừng ai đem thức ăn trưa vì cô sẽ đãi mọi người món súp gumbo mà chính cô sẽ nấu vì cô nói “tôi nấu món ấy ai ăn cũng khen ngon”

Rồi cô quay qua hỏi tôi:

- Chị có ăn món súp ấy chưa?

Tôi cuời trả lời:

- Có phải là súp có gạo, tôm, thịt, bắp, cà chua, đậu bắp lung tung xèng xắt nhỏ nấu nhừ đó không? Có, tôi có ăn rồi nhưng là từ đồ hộp… tôi chưa dứt lời thì Lamson trề môi:

- Hừm, đồ hộp đâu có gì ngon, hãy đợi món súp tôi nấu, chánh cống kiểu Louisiana chị ăn rồi là không thể quên ha ha ha…

Tuy là người da màu nhưng Lamson không có cặp môi dầy, mông nẩy thô kệch mà có thân hình thon thả săn chắc, đôi môi đầy đặn gợi cảm, đôi mắt to đen, mái tóc đen quấn từng lọn chứ không quăn xoắn tít. Vì là thợ chuyên nghiệp về ngành thẩm mỹ nên tóc tai mặt mày cô luôn luôn tươm tất.

Chiều thứ sáu trước khi chia tay cô còn vói lại dặn tôi:

- Ms “soon” nhớ thứ hai đừng đem thức ăn theo nghe, chờ gumbo soup của tôi.

Lamson gọi tên tôi như thế, ms. soon, nghe gần gần như xuân.

Vừa dặn vừa cười lộ hàm răng trắng tươi sáng ngời, cô về.

Sáng thứ hai vào sở, nghe ông xếp báo tin động trời: “Lamson chết rồi, hôm qua.”

Trời!

Ông tiếp “sau khi từ phòng tắm bước ra, cô ngã và chết ngay trên nền nhà. Không ai hay cho tới tối, khi con trai cô tới thăm, thân thể cô đã bắt đầu cứng rồi”.

Nghe nói Lamson có bịnh cao máu, nhưng, thay vì phải uống mỗi ngày một viên, thỉnh thoảng cô mới uống một viên khi nào bị nhức đầu thôi. Bác sĩ chứng nhận cô chết vì lý do tự nhiên, tim ngừng đập. Cô mới 53 tuổi thôi.

Còn nhớ trước khi chết cỡ ba tháng, cô có bị một chiếc xe đụng phải khi cô băng qua đường nhưng đã không có vết thương nào, chỉ bị té xuống đất, hết hồn thôi nên cô cũng bỏ qua cho tài xế.

Cô là vậy đó, tánh tình rất dễ dãi, chuyện nhỏ bỏ qua chuyện lớn làm cho nhỏ lại.

Về sau, con trai cô được nhận vào làm việc trong sở. Mỗi lần nhìn cậu ta, tôi thường nhớ Lamson. Con trai cô, tánh tình giống mẹ, rất hiền hoà, ngoan đạo. Cậu luôn luôn chấp tay cầu nguyện trước mỗi bữa ăn trưa. Thường thường khi nhớ cô tôi thường nhủ thầm “Lamson ơi ở trên ấy you có khỏe không? Chúng tôi vẫn nhớ you nhiều lắm” và tưởng tượng như nghe Lamson trả lời bằng giọng nói khào khào như mọi khi “Tôi vẫn khỏe, Ms Soon”.

Lamson chết đã gần 10 năm rồi mà thỉnh thoảng ngoài đuôi mắt của tôi vẫn còn như thoáng thấy bóng dáng cao cao gầy gầy đi đứng êm chân của cô. Tôi không sợ ma, nhưng tin ở trực giác. Những tích tắc ấy, tôi có hơi giựt mình, ơn ớn, tuy rằng tôi rất mến cô. Phải chăng, nếu có linh hồn, khi người ta chết bất đắc kỳ tử, hương hồn còn phảng phất lẩn quẩn nơi họ thường tới lui, bên người họ qúi mến?



Thứ hai nầy, sau hai tuần lo việc tang chế, Vera trở lại làm việc. Cô nói cô không muốn ở nhà rảnh rỗi sẽ khiến cô đau khổ quá chịu không nổi.

Tôi nghĩ, làm sao mà không đau đớn cho được? Làm sao chịu đựng nổi khi người chồng nằm chết ngay trên chiếc giường đã chia xẻ với mình hơn hai chục năm? Và còn hai đứa con? Cha chết ngay trong nhà, ngay phòng kế bên mà hai con mải lo điện thoại lo chơi game, chẳng để tâm chẳng hay biết? Ôi, làm sao hai đứa nó vượt qua được sự ray rức ân hận nầy?

Cuộc sống quả là quá ngắn ngủi. Không sắc sắc không. Sống chết không thể lường trước được. Mới buổi sáng của một ngày bình thường như mọi ngày, đùng một cái, buổi trưa, tai họa giáng xuống như trời sụp. Mới thấy đó đà mất đó. Ngay cả mình chỉ là bạn đồng nghiệp thôi mà vẫn còn bàng hoàng, nói chi tới Vera và hai con.

Nhưng, cảnh mất chồng nầy trên một xứ sở giàu có nhứt thế giới quả khác xa xa xa và rất xa với cảnh mất chồng trong chiến tranh của những người đàn bà Việt Nam của gần nửa thế kỷ trước.

Người đồng nghiệp của tôi, tuy mất chồng, rất sững sờ đau đớn trước cái chết bất ngờ của chồng, về tài chánh thì y không cần phải lo vì người chồng biết lo xa, chết không để lại nợ nần gì hết. Nhà đã trả dứt, tiền bảo hiểm sinh mạng, tiền hưu của chồng để lại và với việc làm của cô, tuy chỉ là việc làm bán thời gian nhưng cô cũng có văn bằng về ngành địa ốc, có thể làm thêm, dư sức lo cho đứa con trưởng vừa vô đại học và con thứ còn đang học trung học.

Thập niên 60, tôi có đứa bạn thân. Mười tám tuổi đà có chồng. Đó là một hạ sĩ quan mới ra trường. Có chồng ba năm, liền tù tì hai đứa con sanh năm một. Đang mong ngóng chồng về để thấy mặt con trai thì đùng một cái, choáng váng ngất xỉu khi được tin chồng đã hy sinh. Thử hỏi cô nữ sinh đã bỏ học ngang lấy chồng sớm sẽ làm gì để nuôi con?

Rồi tôi nhớ cái chết bất đắc kỳ tử của ba tôi. Ba chết để lại cho người vợ chỉ biết nội trợ, một bầy con, mà em út của tôi mới 3 tuổi. Có những hôm trên mâm cơm chẳng có gì ngoài nồi cơm và bó rau nấu thành nồi canh mà mẹ và các em tôi phải cố nuốt, nuốt để mà sống tiếp.

Nhìn mấy đứa em lớn lên trong thiếu thốn sống khổ sở nhục nhằn, con đường tương lai thì hun hút tối, tôi đau lòng lắm. Cũng may mà mọi người đã leo lên được chiếc phi cơ thay đổi định mệnh, qua Mỹ sống tiếp. Má tôi một mình, không nhà không xe không ngoại ngữ, đã can đảm bước ra khỏi cửa, làm việc, tranh đấu suốt cuộc đời để vươn lên trên đất nước xa lạ.

Đôi khi người ta phải kêu lên “tại sao những biến cố đau lòng hay xảy ra cho người hiền?

Tại sao? Tại sao người dễ mến, chết sớm vậy?. Hay là nhờ hiền lành dễ mến nên được chết sớm, trả nợ địa ngục trần gian sớm, lên thiên đàng vĩnh cửu sớm?.



Ngày thứ hai trở vô làm việc, đưa cho tôi xem lá thư cô nhờ chồng đánh máy, di vật, chuyện cuối cùng anh làm cho người vợ yêu, miệng cô vẫn nở nụ cười gượng, quần áo vẫn tươi tắn với sắc màu, nhìn như bình thường. Không vành tang trắng đau thương, ngay cả miếng vải đen vuông nhỏ đính trên ve áo cũng không.

Người chết cũng chết rồi, người sống vẫn phải sống. Con đường trước mặt vẫn còn dài.

Thế nhưng, khuôn mặt hốc hác, như nhỏ lại, thỏm xuống, ánh mắt cô đã nói lên tất cả. Cục máu đông nhỏ xíu ấy trên đường về tim đã cướp đi mạng sống của người chồng mới bốn mươi bảy tuổi một cách quá bất ngờ. Tất cả sự đau lòng, chua xót hiện rõ trong ánh mắt, những ánh mắt góa phụ tôi đã nhìn thấy nhiều lần trong đời. Giống nhau lắm.

Hiện tại, còn bàng hoàng, nỗi buồn tử biệt sinh ly chắc cô chưa thấm.

Có thể ngày nào đó cô sẽ có những lúc ngồi khóc một mình. Có thể ngày nào đó chợt trông thấy một người nhìn giống như người chồng quá cố, cô sẽ giựt mình, cố chạy theo nhìn cho rõ mặt mày, thấy là không phải, hiểu rõ rằng không bao giờ không bao giờ gặp lại nhau nữa.

Có người tin tưởng rằng chết rồi còn có đời sau. Riêng tôi, tôi tin, chết rồi thì cơ thể tiêu tan dần rồi hòa theo cát bụi, nhưng họ sống cái “đời sau” ấy là sống trong tim của người thân, sống cho tới khi người thân yêu ấy cũng chết đi, mang theo cái “đời sau” của họ.

Thôi thì, hiện tại, cứ tin tưởng như Vera “anh ấy đang ở một nơi tốt đẹp hơn.”

Bởi vì, dẫu cho ai đã chết và ai còn sống, khi ta nhìn lên trời, bầu trời vẫn xanh và mây vẫn trắng, như thiên thiên năm trước ta và vạn vạn năm sau ta.

Niềm vui qua mau như mùa xuân. Nỗi buồn rồi cũng trôi theo mùa đông. Vẫn vậy./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
28/06/201519:05:19
Khách
Chị Xuân & Ngọc Anh,
Cảm ơn hai, chị tụi em khoẻ, nhưng chưa được nghỉ hưu như chị N.Anh.
Chị N. Anh viết về cháu ngoại cho độc giả thưởng thức đi.
Hẹn, "hứa lèo" chầu cà phê với hai chị khi có dịp nhe.
Chúc hai chị đi hè vui vẻ.
28/06/201513:37:46
Khách
ĐThi mến, mỗi lần có ý kiến của bạn, x rất vui.
Dạo nầy hai ông bà có khỏe không?
28/06/201513:33:59
Khách
Cám ơn conmeo đã chia xẻ ý kiến.
27/06/201513:05:36
Khách
ĐThi ơi , NA vẫn khoẻ re nhờ nghỉ hưu rồi, nhưng mỗi ngày chạy theo mấy cháu ngoại cũng hỏng thua đi làm . Hè năm nay có bay về CA chơi không? ĐThị cũng vui khoẻ nhe.
26/06/201518:01:59
Khách
Chị Xuân mến,
Lúc nào đọc bài của chị xong em cũng thẩn thờ một lúc, dù nội dung buồn hay vui.
Viết như ri mới làm độc giả "mê mệt".
Gửi lời thăm chị Ngọc Anh
26/06/201517:46:55
Khách
Trước khi đẻ, phải có tiền. Muốn có con phải có tiền.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,014,850
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến