Hôm nay,  

Giã Từ Tháng 5

15/06/201500:00:00(Xem: 10123)

Tác giả: Song Lam
Bài số 3543-16-30093vb2061515

Với 12 bài viết trong năm, cho thấy một sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersy, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây là bài mới nhất của tác giả.

* * *

Mới đó mà chúng ta đã ở vào nửa năm 2015. Thời gian trôi nhanh hơn mình tưởng. Tháng 4, tôi đã sống trong bứt rứt, vật vã, mong cho tháng này qua mau, vì tháng 4 có ngày 30, ngày của định mệnh. Tưởng rằng tháng 5 sẽ là tháng bình yên, nhưng không như mình nghĩ. Cuối tháng 4 ngày 25, Nepal động đất dữ dội với 7.9 và chỉ ba tuần sau 12/5, một lần nữa 7.2. Gần 9000 người thương vong, rúng động thế giới. Trận động đất này gần như là trời sập, là tận thế. Cũng giống như tận thế 30/4 ở miền Nam Việt Nam với phong trào vượt biên, vượt biển với hơn 400.000 người chết nơi rừng sâu, biển cả. Con số và con người cứ ám ảnh tôi hoài.

Tháng 5, tháng của tình yêu. Tháng 5 có ngày Lễ Mẹ (Mother's Day) mà tôi hay nói với mọi người rằng chỉ có một ngày Mother's Day, còn 364 ngày còn lại là Con the Day. Mọi người cười đồng tình. Tháng 5 có ngày Lễ Phật Đản với chủ đề "Phật Giáo và Hòa Bình Thế Giới" được tổ chức trọng thể ở thành phố Fountain Valley, California.

Hòa bình thế giới đâu chẳng thấy mà trong mỗi quốc gia đều có những xáo trộn khủng khiếp, như ở Nepal, ở India… những tai họa từ thiên tai. Và ở những quốc gia Trung Đông, Hồi Giáo không có ngày nào lại im tiếng súng và không một ngày nào không có người mất đi mạng sống của mình.

Tháng 5, tai ương dồn dập ở Mỹ này, đủ cả thiên tai và nhân tai.

Đầu tháng 5, nổi cộm nhất là vụ xe lửa trật đường rầy ở Philadelphia với 200 người bị thương, 7, 8 người chết. Trong ngôn ngữ thường ngày, người Việt Nam hay thề thốt: "Tôi mà nói gạt anh cho xe lửa trật đường rầy đi!" Lời thề ấy nay đã có hiệu quả đúng.

Tháng 5 là tháng có nhiều tai ương cho nước Mỹ. Vụ bể ống dẫn dầu ở Santa Barbara (Cali) với 21.000 gallons dầu tràn ra biển gây ảnh hưởng nặng nề cho sinh thái biển. Rồi vụ lụt lội xảy ra liên tục ở Texas với hậu quả khủng khiếp: nhiều người chết và mất tích ở Houston, Dallas, hàng ngàn nhà cửa bị cuốn trôi với cơn hồng thủy này. Thiên nhiên quả thật có sức mạnh dữ dội và sự bí mật rùng rợn mà con người không thể nào hiểu nổi. Chắc mọi người chúng ta vẫn còn nhớ Oklahoma từng chịu cảnh lốc xoáy từ năm ngoái, nay lại đến lượt Texas tiểu bang nổi tiếng là thiếu nước, khô cằn, hôm nay lại hứng chịu cơn lũ kỷ lục!

Vẫn tháng 5, ở miền Đông Bắc chúng tôi vừa thoát cơn lạnh ác nghiệt của mùa Đông kéo dài 6 tháng trời, vừa vui mừng chào đón mùa Xuân, lại đồng thời "chào đón" căn bệnh dị ứng dữ dội (Allergy).

Cơn dị ứng kéo dài cả hai tháng nay, vì miền này có rất nhiều cây xanh, hoa nở đồng loạt. Phấn hoa bay vù vù mỗi ngày gây dị ứng cho người lớn lẫn trẻ con. Trong tháng 5, có ngày nóng dữ dội lên trên 90 độ, rồi sau đó lại mưa phùn cả ngày đêm, nhiệt độ xuống đột ngột 50 độ. Nóng lạnh bất thường như vậy thật có hại cho sức khỏe mọi người.

Cũng tháng 5, láng giềng của Nepal là India, quốc gia đông dân đứng thứ nhì sau Trung Cộng, lại thêm một phen mất hồn vía vì hạn nóng khủng khiếp, hứng trọn tai họa của trời: nóng kỷ lục với 43 độ C, nhựa đường chảy ròng ròng và.. hơn 1500 người chết vì sức nóng đó. Ở quê nhà cũng thế. Miền Bắc Việt Nam đang nóng bức đến đỉnh điểm khi nhà cầm quyền điên rồ cho chặt bỏ hàng chục ngàn cây xanh ở Hà Nội.

Xã hội Mỹ cũng chẳng yên bình. Mấy năm gần đây cứ lùm xùm hoài vấn đề Đen-Trắng. Làm rõ trắng đen là ước vọng công lý cho tất cả mọi vấn đề oan khuất. Chúng ta ai cũng khát khao sự thật, yêu chuộng sự quang minh chính đại, không ưa sự mờ ám, trù dập. Vậy mà chuyện "Trắng-Đen" ở Mỹ từ bao lâu nay chỉ có sự bình đẳng trân giấy tờ, chứ còn trong cung cách cư xử với nhau, quan hệ xã hội thì chưa có, hoặc không có. Mọi người đều biết đến sự kỳ thị. "Chủ nhà" da trắng có thể có kỳ thị với đám "ở trọ" này như Hospanic gồm đủ mọi sắc dân trên thế giới, cụ thể là Asian và Africa.

Chuyện Đen-Trắng đã có từ nhiều trăm năm trước. Tổng thống Abraham Lincoln đã làm cuộc cách mạng để giải phóng người da đen thoát cảnh nô lệ; và bác sĩ Martin Luther King đã đem mạng sống của mình để tranh đấu cho sắc dân da màu. Tưởng chừng lửa đấu tranh đã tắt, nhưng nhúm than hồng đó vẫn âm ỉ ngúm dưới lớp tro bình đẳng, tự do!

Ngòi pháo được châm từ vụ thiếu niên da đen Michael Brown ở Florida ngã xuống từ phát súng của một anh cảnh sát da trắng George Zimmerman. Vụ án kéo dài và người da đen nổi dậy biểu tình rầm rộ khi George trắng án (no charge). Dù được trắng án nhưng George lại là tội đồ của chính mình khi gia đình anh ta tan vỡ, thêm bệnh tâm thần triền miên… Gương mặt của George bây giờ già hẳn đi. Có lẽ khi đứng trước gương soi, anh ta cũng tự nhận ra mình là kẻ giết người, the killer, anh ta đang là người tù chung thân của chính mình, điều này còn khổ hơn là ở tù thật sự.

Mới đây, nổi đình nổi đám nhất là ở Baltimore. Ngày 19/4 thanh niên da đen Freddie Gray đã chết một cách mờ ám trong tay cảnh sát da trắng và trước đó, cảnh sát da trắng bị sát hại ở New York và vài tiểu bang khác. Cộng đồng da đen biểu tình đòi công lý dẫn đến bạo động, đốt nhà cướp của, tấn công cảnh sát. Trong tháng 5, sáu cảnh sát dính líu tới vụ Freddie Gray đã bị tòa kết tội (in charge).

Trên trang báo Việt Báo ngày 2/5, bài viết "Sự thật đen trắng tại Hoa Kỳ" của Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đã gây sự chú ý của người đọc với sự lý giải hợp lý, hợp tình của tác giả.

"Từ 1964-2012, số trẻ em ngoại hôn sinh ra ngoài hôn thú tăng gấp 4 lần, từ 7% lên tới 41%. Trong cộng đồng da đen hiện nay, 70% trẻ em ra đời từ các bà mẹ độc thân, và chẳng là nhà xã hội học, ta cũng biết rằng tuổi trẻ bất thường đó rất dễ đưa tới sự nghèo khốn và tội ác. Tỷ lệ có mức sống bần cùng của người da đen là 27% gấp ba lần dân da trắng và nạn giết người cướp của liên quan đến người da đen chiếm hơn phân nửa trong xã hội Mỹ dù dân da đen chỉ có 13% dân số toàn quốc, và nạn nhân của nạn bạo hành chính là người da đen."

Người viết là tôi hôm nay rất tâm đắc về ý kiến của ông Nguyễn Xuân Nghĩa về "tuổi trẻ bất thường" đó. Trong tờ giấy khai sinh của đứa trẻ không có tên cha, và người mẹ Single Mom đó không đủ sức "dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân" như người chinh phụ thời xưa khi đứa con ngày càng khôn lớn. Giao tiếp với môi trường xã hội hỗn độn trong lúc không có sự giáo huấn hỗ trợ tinh thần của người cha, đứa trẻ sẽ dần dần mất phương hướng. Đứa trẻ ấy như cành cây non mọc giữa đám cỏ dại chằng chịt, quấn quít trong lúc xã hội Mỹ luôn có sự tự do cá nhân quá trớn. Đó là chưa nói đến cái mặc cảm "ơ-đíp" của đứa trẻ khi không biết, hoàn toàn không biết ai là cha mình! Người mẹ có thể nuôi con đầy đủ về vật chất nhưng khó giúp con phát triển nhân cách và giới tính. Đứa trẻ da đen sống ngơ ngác trong xã hội còn nhiều kỳ thị nên dễ dẫn đến sự hùng hổ phá phách để xác định mình, rằng "có tôi, có chúng tôi bên cạnh các người!"

Vẫn là tháng 5 ngày 25, ngày Lễ Memorial Day, ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong được xem là ngày Quốc Lễ. Sinh hoạt xã hội Mỹ có vẽ xôn xao vì long weekend mọi người được nghỉ xã hơi 3 ngày liên tục. Hoa tươi được bày bán rất nhiều trong dịp này để mọi người thăm viếng người thân ở nghĩa trang, đặc biệt là hoa ba màu trộn lẫn trắng xanh đỏ để tượng trưng cho lá cờ Hoa Kỳ. Hàng chục ngàn người lần lượt đến nghĩa trang quốc gia Arlington-Virginia để thăm bức tường đá đen ghi tên 58.000 binh sĩ Mỹ hy sinh trên chiến trường Việt Nam. Chính Tổng Thống Obama đến nơi này ân cần đặt vòng hoa tưởng niệm sáng thứ hai 25/5.

Trong tuần lễ này, cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi cùng với Hội Cựu Chiến Binh Mỹ đã tổ chức những buổi tưởng niệm người đã hy sinh cho đất nước, giữ gìn hòa bình thế giới với 21 phát súng trang nghiêm. Mọi người xúc động với phút giây tưởng niệm bùi ngùi…

Tháng 5, trời đã vào xuân và cũng sẳn sàng cho mùa hè rực rỡ nắng ấm. Tháng 5 rộn rã với ngày ra trường của các sinh viên đại học. Nhìn các em với áo mão xênh xang, với nụ cười rạng rỡ, chúng ta thấy hãnh diện và vui lây.

Chúng ta ước mong ngày càng có nhiều, nhiều hơn tuổi trẻ Việt Nam nơi xứ người có bằng đại học ở nhiều ngành nghề khác nhau góp phần xây dựng một xã hội văn minh và hạnh phúc. Nước Mỹ là nơi có rất nhiều cơ hội cho mọi người, bằng cớ là qua 40 năm lưu vong, người Việt đã xác định chỗ đứng đặc biệt của mình. Sự thành công này dĩ nhiên không phải tự nhiên mà có được.

Ngày chúng tôi dắt díu rời khỏi Sài Gòn, Alan cháu tôi mới tròn tháng. Vậy mà hôm nay đã xúng xính áo mão ra trường. Ngày nào còn đỏ hỏn, tôi còn bế nó trên tay mà rưng rưng nói lời giã biệt với ba mẹ cháu. Bây giờ nó đã xốc nách ôm tôi ra khỏi cái xe van cao nghệu của ba nó. Thằng nhóc này mới đó đã 24 tuổi, và chúng tôi đã lưu trú trên đất nước tự do này 24 năm! Ôi, thời gian… rõ ràng chẳng khác gì bóng câu qua cửa sổ!

Nước Mỹ đã đem lại cho các con, các cháu tôi niềm tin yêu mới về con người, về cuộc đời; đã xóa sạch, phủi sạch dòng chữ hận thù trong lý lịch "Con của sĩ quan học tập cải tạo!"

Nghĩ đến điều này sao tôi bổng thấy nhói đau. Vết thương cũ chưa lành sao? Đứa trẻ đâu có sự chọn lựa gốc gác gia đình nào để được sinh ra mà chính quyền mới ở Việt Nam trù dập, phân biệt đối xử như vậy? Rõ ràng là chế độ CS không có chút nhân bản nào. Nếu còn ở trong nước, đám trẻ con cháu chúng ta làm sao ngẩng mặt nhìn đời? Biết đâu con cháu chúng ta sẽ mang nặng mặc cảm tự ti, chồng chất oán hận cuộc đời và biết đâu tuổi trẻ đó sẽ là "tuổi trẻ bất thường" mà tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa đã nhận xét về tuổi trẻ da đen ở Mỹ?

Tháng 5. Tôi cũng có chút hoài niệm về tuổi nhỏ của mình. Tháng 5 rực rỡ màu hoa phượng, màu hoa đỏ thắm lung linh trong nắng hè. Gần 1/4 thế kỷ ở xứ này, tôi quen hỏi thăm bè bạn trong nước rằng ở Sài Gòn có còn hoa phượng không? Và những hàng điệp tây mát rượi sân trường với lá nhỏ rứt khi mùa tựu trường đến lại rụng rơi lả tả, vương trên tóc bím của các cô gái nhỏ học trò Sài Gòn năm xưa! Có còn không những hàng cây dầu với những cánh hoa bay tít khi gió về?

Và có còn không con đường tình tự Sài Gòn, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vắng ngắt dẫn đến trường Trưng Vương, mà thỉnh thoảng mấy cô nàng trốn học qua Thảo Cầm Viên ngồi ngó mông lung, mơ màng một tình yêu thời mới lớn? Ôi, có còn không hoa bướm ngày xưa mà những tháng 5 hè về đứa nào cũng ấp ủ trong tay quyển "Lưu Bút Ngày Xanh", chuyền tay nhau ghi chép kỷ niệm?

Ngày hè tháng 5. Có còn không tiếng ve kêu ran một góc phố, dọc những con đường vắng như Huyền Trân Công Chúa, đường Ngô Thời Nhiệm, lòng vòng bao quanh công viên Tao Đàn? Ôi, tiếng ve kêu ran cả đời tôi thổn thức!

Hỏi vậy thôi chứ đồng thời tôi đã có câu trả lời cho chính mình. Thời đại vi tính bấm bóp nhanh hơn điện này làm sao những thứ nồng ấm tình tự kia sống nổi?

Bây giờ tuổi đã già nhưng sao tôi vẫn còn nhung nhớ những tháng ngày êm ả bên bè bạn, thầy cô của tuổi nhỏ học trò. Nhớ luôn, nhớ rõ từng nhịp đập của trái tim mình cho những xao xuyến chờ đợi người yêu! Lắm lúc tôi cũng tự hỏi mình: "Có còn không đất nước, con người Việt Nam thuở xưa?"

Buổi sáng ở đây trời thật trong. Hàng cây xanh còn mướt rượt thấm dẫm sương đêm. Mặt trời còn say ngủ. Sau nửa giờ đi bộ một mình lòng vòng trong công viên trước nhà, tôi thả mình xuống ghế đá, dõi mắt nhìn ra vòm cây xanh trước mặt. Ở đây vắng lặng quá, chỉ toàn là người già về hưu, đôi lúc tôi cũng cảm thấy nỗi buồn xa vắng. Tôi thèm cái xôn xao phố chợ, thèm tiếng cười giỡn ầm ỉ của trẻ con. Ở đây chỉ có tiếng chim. Chúng nó líu ríu lúc 4, 5 giờ sáng và rộn rã gấp rút hơn lúc 6 giờ tinh mơ. Với tôi, tiếng chim là cái đồng hồ báo thức. Tiếng chim gọi nhau một ngày mới dang cánh bay tìm mồi, kiếm cái ăn. Rồi đến chiều khi hoàng hôn chập choạng tranh tối tranh sáng, chúng gọi nhau hối hả về tổ. Chim cũng giống y chang như người.

Nhìn xuống đôi bàn tay nhăn nheo, nổi cộm những lằn gân xanh ngang dọc, tôi cảm thấy mình thật sự đã già. Già thật rồi. Tuột luốt. Níu kéo gì nữa. Rõ ràng tôi là một Babyboomers (Người già) đúng nghĩa.

Từ giã tháng 5, tôi muốn từ giã hết những đau thương, những thiên tai và nhân tai trên đất nước này, trên thế giới này. Tôi cũng đã dần dần nói lời từ giã với những người thân yêu, với bạn bè, với những người quen tên biết mặt. Và với cả những người chưa quen.

Trong giây phút này, trong tôi, vẫn còn những điều chưa nói.

Song Lam

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,573,282
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến