Hôm nay,  

Hoa Vương Poppy Và Chuyện Tình

07/06/201500:00:00(Xem: 10994)
Tác giả: Phương Hoa
Bài số 3535-16-2995vb7060615

Tác giả hiện là một bà giáo dạy trẻ tại Marrysville, thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Viện Bảo Táng Của Những Người Lính Bị Bỏ Quên" tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới của bà.

* * *

Thuở còn thơ ấu tôi rất thích màu vàng, màu vàng tươi của hoa Vạn Thọ, vì mỗi lần hoa nở là Tết đến, là tôi được dịp ăn ngon, mặc quần áo mới, và nhất là được nhận bao đỏ lì xì. Tuổi học trò, tôi mê thơ Nguyên Sa nên cũng thích màu vàng. Chiếc áo dài màu đầu tiên ngoài áo trắng học trò tôi đã chọn màu vàng để cho “ai đó” về mà yêu hoa cúc. Lớn lên tôi học được, màu vàng là sự tươi vui của mặt trời mọc, là trí tuệ, năng lực, và hạnh phúc. Tôi yêu tất cả các loại hoa vàng, nhưng vẻ đẹp của Hoa Vương California đã làm tôi xúc động không ngờ khi lần đầu được gặp.

Sống trên nước Mỹ, cái đất nước “có quá nhiều chuyện lạ” này, dù tôi luôn cố gắng học hỏi để hội nhập nhưng càng cố thì tôi lại càng cảm thấy mình dốt tệ. Tôi thích trồng nhiều loại hoa trong vườn và thường tìm hiểu về các loài hoa lạ. Thế mà tôi lại hoàn toàn mù tịt, không hề biết đến một loài hoa màu vàng đẹp kiêu sa đã được công nhận là “Hoa Vương” của California, tiểu bang tôi đang sống.

Để duy trì việc tập thể dục, mỗi buổi chiều sau khi đi làm về, tôi và nhà tôi thường tản bộ dọc theo đường phố lớn gần nhà. Con phố cũng khá dài, hai lượt đi về là quá đủ cho một lần “ết xi xai.” Một hôm đi được nửa đường nhà tôi chợt đổi ý rẽ về hướng Bắc.

- Mình qua phi´a bên kia xem thử con đường này dẫn đến đâu. Ông ấy nói.

Tôi cũng vội bước theo. Đến cuối đường thì gặp những bậc thang đúc bằng xi măng dẫn lên trên bờ đê cao ngất ngưởng. Tò mò, chúng tôi đánh liều dò dẫm trèo lên. Vừa đi vừa đếm, tôi đếm được ba mươi hai cấp thì lên tới đỉnh.

Cái nóng chiều hè oi bức cộng với việc dùng sức để trèo làm tôi ngột ngạt, mồ hôi vã ra ướt áo. Bước lên khỏi cấp sau cùng thì tôi mệt lả, hai cái đầu gối muốn…sụm bà chè. Nhưng rồi một luồng gió mát rười rượi thổi qua làm tôi chợt thấy khỏe khoắn hẳn ra, như thể vừa rời khỏi nhà tắm hơi ở trung tâm thể dục. Tôi dang tay hít một hơi dài bầu không khí trong lành ấy. Đứng trên bờ đê cao vời vợi nhìn xuống quang cảnh hai bên, tôi xúc động đến sững sờ, cùng lúc cái cảm giác tiếc hùi hụi là đã không biết sớm hơn việc có thể đi bộ trên bờ đê.

Con đê được đắp cao ngang tầm với nóc của những ngôi nhà hai tầng gần đó. Mặt đường tráng nhựa, nhưng triền đê thoai thoải như mái nhà là đất sỏi nên hoa cỏ dại mọc đầy. Bên này đê là nhà ở với phố xá sầm uất, còn bên kia là vườn cây ăn trái và cánh đồng lúa bạt ngàn giống y chang chốn quê nhà. Lòng đầy thích thú, chúng tôi rảo bước để thưởng thức cảnh đồng quê mà sau mấy chục năm sống ở Mỹ bây giờ mới thấy.

Đến gần con mương đầy nước chạy dọc dưới chân đê vòng vèo theo vùng ruộng thênh thang chẳng thấy bờ, tôi ngắm không mỏi mắt cánh đồng lúa đang lên, xanh ngát một màu. Vài con cò trắng đang xếp cánh đứng rình mồi bỗng giật mình bay vụt lên khi chúng tôi bước tới. Nhìn chiếc máy bơm tự động ùng ục xả nước, bọt tung trắng xóa đổ vào sở ruộng, tôi chạnh lòng nhớ lại ngày xưa, những tháng ngày sau năm 75 bị đày đi vùng kinh tế mới. Ruộng tốt phì nhiêu dẫn thủy nhập điền ông bà để lại ở quê nhà đã bị chia cho thiên hạ. Còn chủ cũ thì phải lên sống trên rừng, tập dùng những dụng cụ thô sơ để phát quang, dọn rẫy trỉa bắp, trồng khoai. Mùa lúa thì phải tát nước từ dưới suối lên ruộng cao. Bất chợt tưởng tượng lại cảnh tập tát nước gầu dây, nhớ lần tôi bị chiếc gầu đầy nước lôi té nhào xuống suối mà rùng mình. Tôi lắc đầu, xua đi hình ảnh cũ và tiếp tục bước.

Qua khỏi cánh đồng lúa là vùng đất thổ trồng almond, đào, mận, và walnut. Từng hàng cây thẳng tắp khoe mình với dày đặt bông hoa, sắc hồng lẫn sắc trắng nuột nà, hứa hẹn cho một thu hoạch lớn trong mùa tới. Xa hơn về hướng Tây, gần bờ đê có vài đoạn còn là rừng cây nguyên thủy, với con suối nhỏ chảy uốn lượn theo bìa rừng. Nhiều lùm cây tủa ra những chùm hoa hình tháp đỏ tươi to bằng bắp hoa cau. Các loại hoa trái rừng đủ màu mọc lẫn lộn từ trong rừng ra hai bên bờ suối. Tiếng chim ríu rít, hương hoa thơm ngát không gian, từng đàn se sẻ cùng bướm ong bay lượn nhộn nhàng. Quả thật phong cảnh nơi này có thể làm cho người ta quên đi mọi điều thế sự.

Bên kia khúc quanh của khu rừng già là một vùng cây cối thấp. Tạo hóa cũng khá công bình, đã cho các loài hoa cỏ mong manh cơ hội khoe mình dưới ánh dương. Nhìn thấy chùm cỏ lau màu đỏ sậm thật đẹp mắt, tôi đưa chiếc điện thoại lên chụp hình, chợt phát hiện loài hoa thật lạ bên kia đám cỏ lau. Tôi bước lại gần, rồi tròn mắt lặng nhìn. Một rừng hoa sắc vàng sáng chói trải dài từ triền đê xuống tận bờ suối, lan vào rừng. Giống hệt như một mái nhà vàng! Một niềm cảm xúc dạt dào chợt trào dâng trong tôi khi nhìn loài hoa dại mỹ miều, như thể chàng trai mới lớn lần đầu tiên gặp cô gái đẹp. Lòng rộn ràng, tôi cúi xuống quan sát thật tỉ mỉ. Những đóa hoa mỏng manh nhưng lại tràn đầy sức sống. Hoa chỉ có bốn cánh giản đơn hình quạt, đan kết chồng lên nhau thành hình chiếc bát ăn cơm. Giữa lòng đóa hoa có một viền tròn đỏ. Và chùm nhụy phấn kiêu sa từ đó dựng lên tua tủa, trông như chùm len ngắn màu vàng được cột túm gốc bằng sợi dây đỏ.

Không dằn được lòng yêu thích, tôi chọn một bông hoa to nhất, vạch lá ra, thò tay định ngắt để điệu đàng cài lên tóc và kêu nhà tôi chụp mấy tấm hình. Nhưng tôi bỗng giật nẩy mình vì có tiếng ai đó hét lớn thật gần:

- “NO!” Không được làm thế!

Hết hồn, tôi dừng tay ngẩng lên. Một người đàn ông chẳng biết từ đâu ra lù lù đứng đó, miệng hét, tay xua lia lịa. Anh ta vào khoảng dưới bốn mươi. Vóc người không cao, tóc đen da trắng, bộ ria mép rậm rạp đen kìn kịn trông rất dữ dằn. Áo thun ngắn tay màu gỗ dính đầy đất bụi, quần jean bạc thếch lấm lem càng tăng thêm vẻ bụi đời. Nếu lúc đó không có mặt nhà tôi, có lẽ tôi đã sợ đến chết khiếp.

Nhưng anh ta chào tôi thật hiền: -“Hola!” Thì ra anh ta là một người Mễ, “Hola” là xin chào. Rồi anh ta tiếp tục khoát tay, vẻ mặt rất là nghiêm trọng: - Đừng bẻ những đóa hoa này! Đi tù đấy! Đây là “State Flower,” là hoa biểu tượng cho tiểu bang California.

- State Flower? Trời ơi! Vậy mà tôi đâu có biết!

Tôi kêu lên trong sợ hãi, mặt mày tái mét. Tôi đã từng nghe qua luật lệ nước Mỹ, nếu ai chọi chết một con chim hay bẻ cành hoa thì sẽ bị bắt, bị phạt. Nhưng vì mê loài hoa đẹp, tôi đã không nhớ đến, lại tưởng rằng hoa dại trên rừng thì mình ngắt một bông để chụp hình chơi chắc cũng đâu có sao. Không ngờ là tôi đã “đụng” phải Hoa Vương. Thật là hú vía! Tôi cám ơn anh ta rối rít rồi hỏi tên của loài hoa.

- Đây là hoa “Poppy.” Anh ta nói.

Biết anh ta đi làm vườn về, nói giọng tiếng Anh gãy vụn, tôi ngỡ anh không giỏi tiếng Anh như phần đông những người Mễ làm vườn khác. Tôi bèn dùng thứ tiếng Tây Ban Nha ngọng nghịu từng học được ở college ngày trước để trò chuyện làm quen. Anh cho biết tên là Fernando và tỏ ra thích thú khi thấy tôi nói được tiếng Spanish. Nhưng chỉ sau một số câu xã giao tên tuổi thông thường thì tôi bị tịt ngòi. Và anh ta trở lại nói tiếng Anh, giọng rất…Mễ:

- Chính tôi cũng đã từng bị tù vì hái loại hoa này!

- Ồ!

Tôi kêu lên, định hỏi thêm. Nhưng Fernando bất chợt đưa mắt nhìn sững xuống đám hoa vàng dưới chân tôi, ánh mắt anh trở nên thật lạ, thật buồn. Rồi anh ngẩng lên, chào vội vã: - “Bye!” và xoay mình rảo bước thật nhanh về hướng thành phố.

Chúng tôi ngạc nhiên cùng dõi mắt nhìn theo.

- Kỳ thật! Tôi lẩm bẩm.

- Chắc là ông ấy buồn nhớ về một kỷ niệm nào đó khi nhắc đến loài hoa này. Nhà tôi nói. – Ông ta chẳng đã nói là từng bị tù vì chúng đó sao.

Chụp thêm mấy tấm hình nữa thì tôi đòi về, dù lòng rất muốn đi tiếp khi nhìn về phía trước thấy còn nhiều hoa cỏ xinh tươi. Fernando người đàn ông Mễ có đôi mắt buồn não nuột và thái độ kỳ lạ đó đã làm tôi bần thần suốt cả chặng đường về.

Về đến nhà là tôi phóng ngay lên internet để tìm hiểu về hoa Poppy. Bấy giờ tôi mới biết, đây là loài hoa đã được California công nhận là Hoa Vương của tiểu bang từ năm 1903. Hoa Poppy còn có tên là “Flame Flower” (hoa lửa), và “Cup of Gold” (chén vàng). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ngoài vẻ đẹp vương giả, hoa Poppy còn có công dụng tuyệt vời để chế thuốc điều trị cho con người như an thần, giảm đau, hạ cholesterol…

Vài tuần sau đó, ngày Chúa Nhật chúng tôi đi chợ trời ở thành phố kế bên. Vào khu hoa quả và rau trái, trong thoáng chốc, tôi bỗng quên là mình đang đứng tại một khu chợ trên đất Mỹ. Ở đây bày bán không thiếu một loại rau trái nào bên quê nhà. Từ đu đủ, mãng cầu, xoài, ổi đến rau muống, rau lang, cải làng, mồng tơi, sắn nước…Tôi mua mỗi thứ một ít rồi theo nhà tôi đi qua nơi khác.

Chúng tôi lại gần khu vực ăn uống và giải khát của người Mễ thì nghe tiếng hát và tiếng nhạc rộn ràng. Nhiều người đứng vây quanh trước cửa một hàng nước, trên tay họ cầm ly nước hay thức ăn, vừa nhún nhẩy theo điệu nhạc. Tôi chen chân nhìn vào. Giữa rừng người là ban nhạc và một người đàn ông ôm đàn ghi ta vừa đàn vừa hát. Anh ta đang trình diễn bài hát nổi tiếng của người Mễ, “Bésame Mucho” tên tiếng Anh là “Kiss Me A Lot” (Hôn Tôi Thật Nhiều) mà tôi đã từng nghe đến thuộc lòng, và rất thích, mỗi lần đến nhà làm bài chung với cô bạn Mễ Balvina khi còn đi học:

“Hãy hôn tôi, hôn tôi thật nhiều!
Như đêm nay là lần cuối
Hôn tôi, hôn tôi thật nhiều
Vì tôi rất sợ mất em, em yêu! (tạm dịch)

Người nhạc sĩ có bộ ria mép đen đội chiếc nón rộng vành màu kem cột giải băng đà; áo ngắn tay hoa sặc sỡ; chiếc nịt bảng màu đen to đùng với nhiều lỗ mắt cáo lấp lánh bạc; quần jean màu vàng nhạt ống loe dài lếch phếch; và đôi giày da bò lúc ẩn lúc hiện sau mỗi bước nhảy hay cú xoay mình của anh ta. Bàn tay vung vẩy, những ngón tay anh tất bật chạy lướt trên dây đàn, thân hình uốn éo theo điệu nhạc, khi thì cúi gập người, khi ngẩng mặt lên, nghiêng tả rồi nghiêng hữu. Giọng ca trầm ấm, anh đàn hát một cách say sưa như thả hồn vào bài ca. Anh hát mà không nhìn khán giả, như thể đó là thế giới chỉ riêng anh.

- Thật tuyệt vời! Nhà tôi khen.- Nhưng sao anh ta trông quen quen nhỉ?

Bây giờ tôi mới chú ý và nhìn kỹ anh ta hơn. - Ồ! Đó là Fernando! Tôi nhận ra người đàn ông Mễ chúng tôi gặp trên bờ đê hôm nào. Không ngờ ngoài công việc làm vườn anh ta còn là một nhạc sĩ và lại hát hay đến thế!

Khi Fernando ngừng hát và ban nhạc nghỉ giải lao, người ta tản ra đi mua sắm. Chúng tôi muốn chào anh nên ngồi xuống cái bàn nước gần đó. Chưa kịp gọi thức uống thì anh đã nhận ra chúng tôi và bước lại, giọng vui vẻ:

- Hello friends! Anh chị đi mua đồ hả?

Tôi nhớ lại chuyện sém bẻ hoa, thầm cám ơn anh ta nên gọi mời anh ly nước trái cây. Vừa uống nước chúng tôi vừa nói chuyện. Thì ra Fernando là người hàng xóm, sống chỉ cách nhà tôi một block đường ở phía sau lưng. Anh cho biết, ngoài công việc làm vườn anh còn là một nhạc sĩ nghiệp dư, được ban quản lý khu chợ trời này thuê đến chơi đàn mỗi tuần một lần để giúp vui cho khách hàng. Fernando còn chơi đàn tại một ba rượu ở thành phố kế cận nữa. Thế là chúng tôi trở thành bạn bè sau hôm ấy.

Nghe Fernando nói anh có bốn đứa con, mỗi khi nhà nấu món gì nhiều, hay làm thí nghiệm bánh trái, tôi thường đem san sẻ bớt cho mấy đứa nhỏ. Lần nào mang đồ ăn qua, tôi cũng chỉ đứng ngoài gõ cửa đưa vào chứ không vô nhà. Cho đến một hôm Fernando mời chúng tôi cuối tuần thứ Bảy qua nhà anh để thử món bánh bắp “Tamale” do vợ và mẹ anh làm.

Trưa thứ Bảy hôm đó tôi chiên một ít chả giò rồi cùng ông xã đến thăm nhà người hàng xóm. Đi chưa tới cửa đã nghe tiếng nhạc dập dồn từ nhà vọng ra. Tôi cười thầm. Bạn tôi từng nói, “Nhà không có nhạc không phải là nhà Mễ,” có lẽ đúng. Khoảng bảy tám đứa trẻ đang đùa giỡn rượt đuổi nhau trước sân cỏ. Fernando chờ sẵn nơi cửa vui vẻ đón khách vào nhà. Mặt mũi hồng hào, người anh phảng phất mùi bia. Chắc cũng là một cây nhậu đây, tôi nghĩ. Anh vặn nhạc nhỏ lại và mời chúng tôi ngồi, sau khi đem cây đàn ghita trên ghế sofa đi cất. Như phần đông người Mễ, tôi biết gia đình này theo Kitô Giáo, vì có chưng bức hình Đức Mẹ Maria bồng Chúa Hài Đồng thật lớn.

Bên phía bếp vọng ra âm thanh cười nói bằng tiếng Spanish, líu ríu như tiếng chim, cùng mùi thức ăn thơm ngào ngạt. Tôi đem hộp chả giò vào bếp. Mẹ Fernando dừng tay nấu nướng chào tôi, rồi đến vợ anh, Maria, và vài người nữa cũng xoay lại cười nói “Hola!” Tôi biết phần đông phụ nữ Mễ không nói nhiều tiếng Anh nên tôi cũng chào lại họ bằng thứ tiếng Spanish lõm bõm làm họ cười vang thích thú.

Gia đình Fernando đang sống với mẹ và ba gia đình nhỏ của hai chị và anh trai. Từ lâu tôi biết, người Mễ sống cũng tình cảm không kém gì người Việt Nam. Nhất là tình cảm gia đình, họ luôn giúp đỡ bảo bọc lẫn nhau, chứ không xa cách rạch ròi như người Mỹ. Nhưng có đến bốn gia đình đông con và người mẹ già, cùng sống chen chúc trong căn nhà bốn phòng ngủ mà họ vẫn hạnh phúc, vui vẻ tiệc tùng, ca nhạc, thì chắc chắn là người Việt cũng phải ngã nón chào thua. Cảm thấy hơi nóng từ bếp tỏa ra, Fernando nói:

- Chốc nữa tôi sẽ giới thiệu anh chị với cả nhà, bọn họ ở trong phòng. Còn phải đợi các bà một tí nữa, mình ra sau patio đi. Ở ngoài đó thoáng mát hơn.

Nói xong anh bước lại tủ lạnh ôm một mớ chai bia Corona, và đưa chúng tôi ra sân sau. Có một cái bàn dài và tám cái ghế bày sẵn ngoài patio. Bên cạnh là chiếc lò barbecue to tướng còn đầy nhóc tro như vừa nướng xong ngày hôm trước. Maria vợ anh vội vàng bưng ra một đĩa bánh bắp Tamale còn nóng hôi hổi và đĩa muối có mấy lát chanh xắt mỏng. Chị đặt xuống bàn, miệng cười cười chỉ vào đĩa bánh rồi quay lưng đi vô.

- “Muy bien! Gracias!” (Ngon quá! Cám ơn!) Tôi kêu lên trầm trồ vài tiếng Tây Ban Nha. Chị xoay lại cười và nói một tràng dài tiếng Mễ, nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. Đây là món bánh bắp nổi tiếng của người Mễ, ngon không kém gì bánh giò gạo của người Việt. Chỉ khác là bánh làm bằng bột bắp, nhân thịt trộn nhiều đậu, cheese, và gói bằng vỏ trái bắp chứ không phải lá chuối.

Nhanh nhẹn và thuần thục, Fernando chụm hai chai bia lại với nhau khảy một cái, nắp chai văng ra gọn gàng rồi đưa cho nhà tôi một chai. Anh khui chai nữa cho mình, rắc tí muối và vắt chanh vào, lắc vài cái rồi đưa lên miệng tu một hơi. Hai người đàn ông vừa uống bia vừa múa máy tay chân trò chuyện.

Tôi không uống bia, chỉ lấy một cái Tamale mở ra cho vào đĩa rồi lại ngồi ở góc bàn. Vừa nhẩn nha thưởng thức tôi vừa rảo mắt nhìn bâng quơ. Vườn khá rộng, có nhiều cây xanh và hai cây táo trái sai trĩu cành. Một chậu kiểng lớn bằng sứ trắng có hoa văn xanh đậm nằm bên góc trái patio đập vào mắt tôi. Là chậu hoa Poppy. Trong chậu chỉ vỏn vẹn một bụi hoa, nhưng xanh tốt um tùm, và cao lớn gấp đôi hoa Poppy mọc dại trên bờ đê. Cuống hoa vươn cao yểu điệu, những đóa hoa hình chén vàng rực nuột nà, lắt lay trong gió như mời gọi bướm ong.

- Đẹp quá! Tôi buột miệng trầm trồ. - Anh cũng có trồng hoa Poppy trong nhà hả? Nhưng sao hoa đẹp thế mà anh trồng chỉ có một cụm?

Fernando đang vui vẻ nốc bia và cười nói chuyện gì đó với nhà tôi rất sôi nổi. Vừa cầm chai bia đưa lên miệng định uống tiếp, nghe tôi hỏi thế anh bỗng khựng lại, đặt vội cái chai xuống bàn. Mắt nhìn đăm đăm vào chậu hoa, vẻ mặt hồng hào vì bia của anh chợt biến đổi trở nên u tối, buồn thảm một cách lạ lùng. Nhìn một lúc, anh nói giọng thì thào:

- Tôi trồng nó để nhớ đến người yêu đầu đời của tôi. Chậu Poppy này tôi trồng cũng đã gần mười năm rồi, kể từ khi gia đình tôi dọn đến nhà này…

- Ồ, vậy sao? Tôi háo hức hỏi và bưng đĩa bánh chạy vội lại ngồi đối diện với Fernando, thầm nghĩ chắc anh đã từng có một cuộc tình đầy lãng mạn. -Vậy thì cô ấy không phải là Maria rồi. Thế cô ấy hiện giờ ở đâu? Tại sao hai người lại không đến được với nhau?

- Cái bà này! Nhà tôi quay sang, nói tiếng Việt. - Hỏi gì mà liên tu bất tận không đợi người ta trả lời thế?

Lúc nào tôi cũng bị ông ấy la về cái tật hỏi dồn hỏi dập mỗi khi nghe câu chuyện hấp dẫn. Nhưng Fernando tỏ vẻ không phiền. Anh buồn bã lắc đầu rồi từ tốn nói:

- Không! Không phải Maria! Cô ấy tên là Alisa. – Chị có nhớ cái lần tôi ngăn không cho chị bẻ hoa Poppy trên bờ đê không?

- Đúng rồi, tôi nhớ chứ! Tôi đáp. –Tôi rất cám ơn anh. Tôi còn nhớ anh có nói là anh đã từng bị đi tù vì bẻ hoa Poppy.

- Phải! Tôi đã ngắt hoa Poppy để tặng mừng sinh nhật cho Alisa vì thấy cô ấy thích. Khi đó tôi mới tới Mỹ chưa được bao lâu nên không biết luật lệ gì hết, cứ nghĩ hoa dại trên rừng ai cũng bẻ được.

Có lẽ hơi men đã làm cho người bạn Mễ mủi lòng, dễ dàng trút bầu tâm sự. Chỉ sau vài câu hỏi “khơi mào dẫn lộ” của tôi là anh kể hết. Hớp một ngụm bia, Fernando bắt đầu chia sẻ với chúng tôi về mối tình đầu đầy gian truân khổ ải của anh và cô gái tên Alisa.

- Tôi quen Alisa trong ngày lễ Quinceađera của cô ấy. Hồi đó, tôi mới mười tám tuổi, là một nhạc sĩ nghiệp dư chơi đàn ghita cho một ban nhạc “bỏ túi” chuyên trình diễn ở đám cưới và các lễ hội…

Lễ Quinceađera thì tôi cũng biết. Tôi đã có lần tham dự buổi lễ “tuổi mười lăm ngọt ngào” thú vị này của con một người bạn Mễ cùng lớp. Theo phong tục lâu đời của người Mễ, lễ Quinceađera, là lễ “Thành nhân,” được tổ chức vào đúng sinh nhật thứ mười lăm của các cô gái.

Theo lời Fernando kể, gia đình Alisa cũng thuộc vào hàng khá giả, nên buổi lễ Quinceađera của cô được tổ chức rất trang trọng, qui mô, không khác gì một đám cưới. Theo truyền thống, cha mẹ cô gái tốn thật nhiều tiền bạc và thời gian tổ chức buổi lễ trọng đại này là để đánh dấu giai đoạn từ giã trẻ thơ trở thành người phụ nữ, để tạ ơn Thượng Đế đã ban phúc cho cô, và để giới thiệu cô với cộng đồng.

Thường thì Quinceađera được bắt đầu bằng một buổi Thánh Lễ trang trọng tại nhà thờ vào buổi sáng. Cô thiếu nữ lộng lẫy với áo đầm trắng dài thướt tha, nữ trang đeo đầy người y hệt một cô dâu, cùng cha mẹ và họ hàng bè bạn đến nhà thờ làm lễ. Thú vị hơn nữa, theo sau buổi lễ là bữa tiệc thật linh đình và đêm dạ vũ. Cô gái sẽ được phép khiêu vũ lần đầu tiên trong đời. Sau khi người cha dìu cô những bước đầu tiên thì thực khách lần lượt ra nhảy với cô. Hầu hết những thực khách, cả nam lần nữ, được khiêu vũ với bông hoa vừa trưởng thành đều tặng cô một số tiền để làm quà. Trước khi bản nhạc chấm dứt, bằng một động tác xoay mình điêu luyện họ nhét tiền vào ngực áo cô.

Fernando cho biết, lần đầu tiên nhìn thấy Alisa, anh đã bị mê mẩn tâm thần, tới mức đánh đàn lỗi nhịp. Đến mục khiêu vũ thì anh không chần chờ được nữa, bèn năn nỉ người bạn chơi thay, cho anh được một lần dìu bước cô đi.

- Tôi tìm cách che mắt mọi người và kín đáo nhét vào ngực cô ấy một mảnh giấy nguệch ngoạc vài lời hẹn gặp thay vì tặng tiền như bao người khác. Anh nói giọng thẩn thờ. -Vậy mà cô ấy cũng chịu gặp tôi sau đó. Thế là chúng tôi yêu nhau.

Cũng theo phong tục, sau lễ Quinceađera của tuổi mười lăm, cô gái có quyền được yêu, được hò hẹn với bạn trai, thậm chí lấy chồng. Nhưng hai người yêu nhau đến hơn một năm mà chưa cưới, vì Fernando được mẹ bảo lãnh sắp đi đoàn tụ Mỹ nên anh sợ giấy tờ bị trục trặc. Một tuần lễ trước khi Fernando từ giã lên đường đi Mỹ, mỗi ngày anh cùng Alisa dắt nhau đi chơi khắp mọi nơi đến khuya lắc mới về. Anh hứa với Alisa sau khi đến Mỹ ổn định sẽ về lại Mexico làm đám cưới và bảo lãnh cô.

Ngờ đâu Fernando đi Mỹ được hai tháng thì Alisa phát hiện mình đã có thai. Vừa thương nhớ người yêu, vừa sợ cha mẹ la rầy, cô bèn tính chuyện vượt biên giới vào Mỹ. Alisa có đến sáu người anh, chỉ mình cô là gái, nhưng cô thân thiết và tin tưởng nhất người anh kế lớn hơn cô hai tuổi. Và cô được anh giúp tìm đường dây vượt qua biên giới. Alisa liên lạc với Fernando, hẹn anh đến đón cô ở gần biên giới.

Kể đến đây, Fernando bỗng dưng sững lại, bàn tay anh run rẩy cầm lấy chai bia bóp mạnh. Đôi mắt vốn đã mọng đỏ vì bia, bây giờ những tia gân máu càng thêm hiện rõ lên như những con giun đỏ li ti đang ngọ ngoạy, làm cho ánh mắt của anh như có lửa.

- Đáng lẽ tôi phải quyết liệt can ngăn, không cho cô ấy vượt biên giới mới đúng! Anh lẩm bẩm, lấy tay vò đầu. – Giá mà nhà cô ấy nghèo, không có tiền để cô trả cho tụi dẫn đường! Giá mà người anh trai cô đừng giúp…

Nói xong anh vồ lấy một chai bia khác, hùng hổ khui ra, rồi đưa lên miệng nốc ừng ực một hơi đến cạn, không cần bỏ muối cũng chẳng có chanh. Uống xong anh đặt mạnh cái chai không xuống bàn đánh bộp, rồi đưa tay quệt những giọt bia tràn ra hai bên mép.

- Thế cô ấy không đi trót lọt qua biên giới à? Tôi hồi hộp hỏi.

- Tôi ước gì cô ấy đã không đi lọt! Anh nói giọng giận dữ. - Alisa được những người dẫn đường kéo bừa, dù cô ấy đang mang thai gần bốn tháng, chui qua một lỗ hàng rào mà bọn chúng đục khoét, cùng với mấy người nữa. Bọn họ đã bị cào xước rách hết quần áo và chảy máu.

Fernando đã y hẹn đến đón người yêu ở gần biên giới Mỹ Mễ và đưa về nhà. Niềm vui hội ngộ thì vui vô cùng tận với bè bạn và tiệc tùng tiếp theo. Nghỉ phép được mấy hôm Fernando đi làm trở lại. Anh đưa cô người yêu xinh đẹp đến cánh đồng nơi anh làm việc để giới thiệu với những người bạn tay lấm chân bùn. Đi ngang qua khu rừng hoang dọc bờ đê, gặp đám hoa Poppy vàng óng ánh, Alisa dừng lại ngắm và trầm trồ không ngớt. Cô còn nói với Fernando là muốn trồng loại hoa này trong vườn để ngày ngày được nhìn ngắm chúng.

Điều này đã đưa Fernando đến việc ngắt một bó hoa Poppy trong rừng để đem về tặng cho Alisa trong ngày sinh nhật của cô sau đó.

-Và anh đã bị bắt khi hái hoa? Tôi nôn nóng hỏi.

- Phải! Chẳng những bị bắt, bị tù, mà còn bị phạt tiền nữa. Tôi mất, mất tất cả!

- Trời! Thật là không may cho anh! Nhà tôi ngồi lắng nghe tự nãy giờ không nói một câu, bây giờ lên tiếng.

- Thế anh bị tù có lâu không?

- Đi tù thì có nhằm nhò gì đối với sự mất mát to lớn của tôi chứ!

Anh lè nhè thêm gì đó bằng tiếng Spanish, nét mặt lộ vẻ đớn đau cùng cực. Hình như anh đã quá say. Chúng tôi cùng ngồi im lặng nhìn anh.

Tôi hồi hộp đợi chờ, linh cảm Fernando sẽ kể ra một điều gì đó rất trọng đại, bất thường. Cuối cùng thì anh cũng mở miệng được để kể nốt câu chuyện đau lòng. Sau khi anh bị bắt, ở nhà Alisa bỗng phát bệnh. Cô bị nhiễm trùng uốn ván Tetanus vì những vết trầy xước lúc chui rào qua biên giới. Vì là người nhập lậu, cô không dám kể bệnh tình với người nhà của Fernando, sợ bị đưa đi bệnh viện rồi bị bắt, bị trả về. Cả nhà đều bận đi làm, và vì cô không nói nên chẳng ai biết đến bệnh tình của cô.

- Đến khi quá nặng, người nhà tôi biết được gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện thì đã trễ! Fernando nói như rên. Rồi anh bỗng bật lên tiếng kêu thật thảm thiết, xé lòng:

- Alisa của tôi! Con của tôi! Và bật khóc nức nở.

Tôi cũng nghẹn ngào, nước mắt chảy dài trên má. Tôi vô cùng bối rối vì chẳng biết tìm lời gì an ủi người đàn ông tội nghiệp. Nhà tôi mắt cũng đỏ hoe cầm lấy tay Fernando bóp thật chặt. May quá, một người đàn ông có lẽ là anh của Fernando vừa bước ra, nói bữa tiệc đã sẵn sàng, kêu mọi người vào nhà. Ông ta ôm vai Fernando và nói với chúng tôi:

- Chuyện đã qua lâu rồi, mà mỗi lần say xỉn nó đều khóc như vậy cả! Rồi ông đẩy người em xiêu vẹo bước đi.

Tôi đứng lên, ngoảnh nhìn chậu Poppy lần nữa, thầm nghĩ không biết có phải linh hồn cô Alisa đã quyện vào hoa hay không mà sao hoa xinh tốt thế. Trong cái không khí tĩnh lặng dưới ánh nắng chiều hè, một cơn gió nhẹ chợt lướt qua làm cụm Poppy xao động nhịp nhàng như là điệu vũ. Và tôi cảm thấy dường như các bông hoa vàng tươi đó bỗng rực rỡ hơn, chói lọi hơn, như thể xác nhận cho những suy nghĩ của tôi là đúng…

Cầu mong Alisa hộ trì che chở cho người nhạc sĩ chung tình này. Tôi khấn thầm và rảo bước vô nhà.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
08/06/201522:24:21
Khách
California State Flower là GOLDEN POPPY có màu vàng, tên khoa học là Eschscholzia californica. Hoa cũng thường được gọi là "Cup of gold"
Opium Poppy là hoa thuốc phiện thường màu đỏ hoặc tím, tên khoa học là Papaver somniferum.
Hai hoa chỉ có họ hàng. Poppy là tên chung của các loại hoa trong một họ gồm 11 nhánh khác nhau. Từ điển nào dịch "Poppy" là "cây thuốc phiện" là rất sai.
Thêm nữa, không phải vì Golden Poppy là hoa biểu tượng cho California nên hái hoa là bi. phạt. Hái hoa nào mọc trong tài sản của tiểu bang (công viên, xa lộ, bờ đê, đất công v.v...) đều là phạm tội tiểu hình (misdemeanor). Tội nhỏ này thường chỉ bị phạt, rất ít khi bị tù. Người bị tù có thể có những án nhỏ khác và khi bị bắt về misdemeanor thì những án kia cùng xuất hiện trên hồ sơ nên bị giam.
08/06/201501:36:45
Khách
Chào chị Phương Hoa,
Bài viết chị hay lắm. Mới đây tôi tìm cách dịch chữ "poppy" ra tiếng Việt. Trong từ điển tôi họ dịch là "cây thuốc phiện". Như thế tôi nghe không hay. Tôi nghĩ chắc là có cách nói khác hay hơn. Rồi bỗng dưng bài viết mới này của chị được đăng. Cảm ơn chị nhé.

Chúc anh chị nhiều hạnh phúc.

Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,888,298
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.