Hôm nay,  

Thư Viết Cho Daddy

05/06/201500:00:00(Xem: 10907)

Tác giả: Vhp.Hạ Vũ
Bài số 3534-16-2994vb5060515

Ngày 21 tháng Sáu sẽ là Father's Day 2015. Mời đọc bài viết mới của vhp. Hạ Vũ. Trước 1975, tác giả là cô giáo dạy Việt văn tại trung học Miền Nam. Khi qua Mỹ, làm cô giáo Nhà Trẻ - Mẫu Giáo. Với nhiều bài sống động ký tên Hạ Vũ, tác giả đã nhận giải Danh Dư Viết Về Nước Mỹ 2011. Từ nay, với bút hiệu đầy đủ là Vhp.Hạ Vũ, bà tiếp tục viết để góp vui.

* * *

Cali, May 21 - 2015

Daddy yêu quý nhất đời của con,

Từ ngày Tina ra đời tới nay đúng 3 tháng, con mới được một đêm ngủ ngon để hôm nay tỉnh táo mà viết thư cho Daddy. Tina có cái miệng hơi móm, chồng con bảo móm như vậy rất có duyên, giống ông ngoại. Nhìn Tina ngủ, khuôn mặt hiền lành, ngây thơ như thiên thần nhỏ làm con quên hết những nhọc nhằn và mất ngủ trong ba tháng qua vì nó.

Daddy ơi, ban ngày đi làm, gởi bé ở nhà trẻ từ lúc cháu được 5 tuần tuổi, con nhớ cháu lắm nên làm việc mà không yên tâm. Chiều về nhà, trong khi con lo cơm nước, chồng con chăm sóc bé. Xong rồi vợ chồng con chuyện trò, chơi đùa với bé... sau đó chia phiên nhau kẻ ngủ, người thay tả, pha sữa cho bé bú trong đêm khi nào bé có nhu cầu. Nhọc quá là nhọc, nhưng cũng vui ơi là vui!

Nhiều lúc vừa thay tả xong, đặt cháu lên giường dỗ ngủ, con cũng ngủ gục theo. Đang thiu thiu đi vào giấc ngủ cháu lại khóc ré lên, thì ra bé lại làm bẩn ra tả. Con lại thức, làm vệ sinh và thay tả cho cháu. Lắm lúc mệt quá, con bỏ mặc cho chồng con làm. Nhưng mà con có ngủ lại được đâu, con trằn trọc và nhiều lúc con khóc vì nghĩ đến Daddy chứ không phải vì Tina "hành hạ" con. Daddy thường mắng yêu con "khéo dư nước mắt" vì hay khóc những chuyện mà Daddy cho là không đáng rơi một giọt nước mắt. Daddy biết vì sao con không ngủ mà khóc không? Con nhớ Daddy, con thương Daddy. Mẹ ra đi, bỏ con lại cho Daddy nuôi lúc con vừa một tháng tuổi. Bây giờ có con, con mới biết ngày xưa Daddy cực nhọc với con biết là chừng nào! Cực nhọc gấp đôi con vì Daddy đơn thân nuôi con mọn, vừa làm Cha vừa làm Mẹ.

Lớn lên một chút con chạy nhảy leo trèo, té ngã, trầy tay, trầy chân, và cả những lúc ấm đầu, sổ mũi... Daddy kiêm luôn y tá băng bó, săn sóc cho con. Con nhớ có lần Daddy cho con uống thuốc, con nôn mửa ướt cả mặt mày Daddy. Thế mà Daddy không giận, dỗ ngọt con uống lại liều thuốc khác. Con "làm trận làm thượng," giãy nảy phản đối, Daddy kiên nhẫn làm đủ trò, kể đủ chuyện vui cho đến khi con chịu uống thuốc mới thôi.

Khi con bắt đầu đến trường, Daddy có thêm một việc làm nữa là Phụ Giáo kèm con học. Sao hồi đó con dốt môn Toán quá. Nếu không có Daddy kèm con học nhất là môn toán suốt thời gian ở Trung Học để con có một căn bản học vấn vững chắc lên Đại học thì không biết bây giờ con ra sao. Con có được cuộc sống vững vàng như ngày nay không. Daddy còn dạy con đọc và viết tiếng Việt nữa chứ. Ôi chao! Mấy dấu sắc, huyền, hỏi, ngã... con lộn tùng phèo, Daddy đã truyền "bí quyết" cho con nhớ. Làm sao con quên được "câu thơ bí quyết" cho những từ láy thuần Việt: "Chị Huyền mang nặng ngã đau, Sao không sắc thuốc, hỏi đau chỗ nào" và câu cho những từ Hán Việt: "Mình nên nhớ viết là dấu ngã" để con nhớ những chữ Hán Việt nào có phụ âm đầu như trong câu "bí quyết" này thì phải viết dấu ngã. Từ đó con ít sai dấu hỏi ngã. Daddy, con cảm ơn Daddy vô cùng.

Trong giai đoạn ở lớp mẫu giáo và vài lớp tiếp theo, con đã làm khổ Daddy không biết là bao nhiêu! Vào trường, con mới biết các đứa trẻ khác có mẹ vừa đẹp vừa dễ thương vô cùng dưới mắt con. Thế là về nhà con đòi Daddy kiếm cho con một người mẹ. Daddy chỉ ôm lấy con không nói năng gì. Nhiều lần chịu không nổi trước sự đòi hỏi dai dẳng ngang ngược của con, Daddy đã hứa "Được rồi, từ từ Daddy kiếm Mẹ cho con, nhưng con phải ngoan mới được." Lời hứa đó cho tới giờ vẫn là lời hứa bị gió bão cấp 8, cấp 9 thổi bay tít mù, bặt tăm bặt tích, mặc dù con rất ngoan ngoãn vâng lời Daddy và cố gắng học thật giỏi, được thầy cô giáo khen, được phần thưởng của nhà trường.

Tuy Daddy rất hài lòng về việc học của con nhưng con thấy trong niềm vui đó phảng phất nỗi buồn sâu kín. Daddy đừng tưởng con còn nhỏ, không biết gì. Lên đến Lớp Năm, con đã biết rồi. Từ đó, con không đòi có Mẹ nữa. Mỗi lần dự Lễ Phát Thưởng đứng trên sân khấu nhìn xuống, con thấy bạn bè có Cha có Mẹ vây quanh, còn Daddy thì đơn độc chụp hình kỷ niệm cho con, sao mà... con buồn quá. Daddy có nhớ không, đã nhiều lần Daddy trách con sao không cười cho tươi để có những tấm hình đẹp để đời. Mỗi lần như vậy, con chỉ im lặng vì con không muốn nói sự thật, sợ Daddy buồn. Con không khóc là may đấy. Khi con lên tới lớp 11, 12, mỗi lần Daddy nói điện thoại với một người phụ nữ là con len lén theo dõi và con mong Daddy thực hiện lời hứa, mang về cho con một người mẹ. Thế mà Daddy không mang ai cả. Có lẽ Daddy có những lý do thầm kín riêng tư, tuy nhiên con biết con cũng là một trong những lý do đó. Daddy ngại "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng?" Con cảm ơn Daddy, nhưng Daddy thừa biết con gái rượu của Daddy không phải tay vừa, không ai ăn hiếp được. Ồ, có lẽ Daddy sợ con gái rượu này ăn hiếp "người đẹp" của Daddy? Con đùa thôi, con mà có mẹ, con sẽ làm đứa con ngoan, ngoan vô cùng.

Một kỷ niệm làm con nhớ đời, và con khóc cả đêm, sưng cả mắt, Daddy hỏi, con cứ chối quanh, rồi mọi việc trôi qua, có lẽ Daddy cũng quên rồi. Bây giờ con nhắc lại đây. Năm đó con học Lớp Năm. Sau giờ học sinh lý dành cho nữ sinh, cô giáo con dặn dò bảo về nhà nhờ mẹ mua Pad và lúc nào đi đâu cũng gói theo một miếng phòng hờ thình lình có chuyện mà xài. Về nhà con đòi Daddy chở con vào K Mart mua. Tội nghiệp! Daddy không hiểu con muốn mua cái gì, mà con thì không mô tả rõ cho Daddy biết, cứ nằng nặc đòi đi và bảo con biết, sẽ chỉ cho Daddy mua. Con thấy Daddy lật tự điển cũ mèm loại bỏ túi của Daddy, vẻ mặt đầy thất vọng.

Con gái rượu muốn là Trời muốn nên cuối cùng Daddy phải chở con đi. Vào chợ, con chạy lung tung mới tìm được kệ hàng để Pad đủ loại, đủ hiệu, đủ cỡ. Daddy ngẩn người một lúc, rồi ôm con thì thầm nói: "Xin lỗi con và cảm ơn con. Nhờ con bố biết thêm một từ mới của Mỹ không có trong tự điển thường. Tiếng Việt mình gọi là "băng vệ sinh." Lúc đó con không hiểu tại sao Daddy lại xin lỗi con. Lớn lên thì con hiểu: hiểu rằng Daddy cảm thấy ân hận vì đã để con thiếu sót sự chăm lo của một người mẹ. Dù cố gắng cách mấy người cha không thể thực hiện nổi trọn vẹn chức năng của một người mẹ. Càng hiểu con càng thương Daddy.

Hai bố con đứng trước kệ hàng mà không biết nên chọn mua loại nào. Daddy đọc nhãn hiệu từng loại, con cũng đọc. May quá, vừa lúc đó Lisa - người bạn cùng lớp với con - được mẹ nó dẫn vào mua Pad. Mẹ nó hướng dẫn bố con mình nên mua loại nào và lúc nào nên dùng loại mỏng, lúc nào nên dùng loại dày. Ra về, Daddy lại xin lỗi con một lần nữa. Daddy à, con phải xin lỗi Daddy mới đúng, vì con mà Daddy bỏ đi hạnh phúc của mình. Con cảm ơn Daddy trăm lần, ngàn lần cũng không đủ. Nhưng lúc đó con chỉ biết vừa thương Daddy, vừa giận Daddy, vừa tủi thân mình nên đến đêm con khóc sưng cả mắt.

Bố con mình còn biết bao kỷ niệm đáng nhớ đời. Lúc con tập tễnh bước vào tình yêu, bao nhiêu lời vàng ngọc của Daddy mà lúc đó con cứ ương ngạnh không vâng lời. Cuối cùng Daddy buông hai câu ca dao để kết thúc "khẩu chiến" giữa hai bố con mình:

"Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư."

Nói thật với Daddy, bề ngoài con ương ngạnh, cãi cho bằng được, chứ trong lòng, con công nhận Daddy đúng và dần dần thay đổi để trở thành "con cá tươi trong" nhờ được tẩm ướp trong "bể muối tình thương" của Daddy. Daddy có nhận thấy không? Con còn nhớ những lời Daddy nhận xét về người bạn trai đầu tiên Jacob của con sao mà đúng quá nhưng lúc đầu con không nghe lọt lỗ tai. Hồi đó, lúc dẫn Jacob về nhà...

Ôi chao! Bé Tina lại ré lên đòi con. Con phải tạm dừng bút tại đây. Hôm nào con viết tiếp để nhớ lại những kỷ niệm vui buồn giữa bố con mình về việc "đường vào tình yêu có trăm lần vui, có ngàn lần... khẩu chiến" của con. Bức thư này đành chịu dang dở. Bao nhiêu lần con đã làm dang dở việc của Daddy? Bây giờ con để thư này lên bàn thờ, chốc nữa con đốt cho Daddy đọc.

Con thương và nhớ Daddy lắm, Daddy ơi!

Con gái rượu của Daddy,

Nguyễn Thị Sơn Ca

Vhp.Hạ Vũ

Ý kiến bạn đọc
10/06/201501:47:22
Khách
Cảm ơn lời khen của bạn Vinhthanh Le. Tôi có viết một số bài Thơ, Truyện Ngắn, và Truyện dài Tóc Mai. Nếu bạn thích thì xin mời vào blog cá nhân của tôi để đọc thêm.
Link:
http:/havuvhp.blogspot.com
06/06/201502:32:37
Khách
Chi oi, bai viet rat la de thuong va cam dong. Em da khoc khi doc vi no lam cho em nho den ba em va ba em cung da mat roi. Mong chi se tiep tuc viet them nhieu bai moi. Chuc gia dinh chi luon hanh phuc va nhat la chau gai an nhieu chong lon va khoe manh. Cam on chi da chia se nhung ky niem ngot ngao cua nguoi cha da tan tuy hy sinh cuoc doi rieng cua minh de lo cho tuong lai cua dua con gai. Mong se duoc doc them nhieu bai moi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,754,039
Captovan là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả Trần Đức Lợi, nguyên là Giảng viên Giải phẫu và Phân loại Động vật học tại Đại Học Khoa Học/Tổng Hợp Huế, Việt Nam; hiên là Thạc sĩ Tâm Lý Trị Liệu,
Từ 2 tháng Bẩy 2017, Giải thưởng Việt Báo bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Christina N. Cao lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bằng một tự sự kể về "Ngày Việt Nam" và cuộc diễn hành quốc tế
Bác sĩ Võ Văn Tùng, chủ tịch Hội Thân Hữu Huế-Thừa Thiên tại hải ngoại vừ mãn phần ngày 20-6-2017 và tang lễ được cử hành ngày 03 tháng 7, 2017.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Bài viết đầu tiên của tác giả phổ biến vào tháng Bẩy 2016, thời điểm bắt đầu năm thứ 18 Viết Về Nước Mỹ. Tên họ tiếng Việt của bà là Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951, nguyên là giáo viên cấp hai,
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Nhạc sĩ Cung Tiến