Hôm nay,  

Cú Ngủ Ngồi Trên Ghế Cởi Giày

20/05/201500:00:00(Xem: 10666)

Tác giả: Phan
Bài số 3520-16-29920vb4052015

Ông là một nhà báo quen biêt trong nhóm chủ biên các tạp chí, tuần báo Việt ngữ tại Dallas, thường góp bài viết cho giải thưởng và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đù là giải "á hậu" Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Đã từ lâu. Chính xác là từ bao giờ thì tôi không nhớ rõ. Tôi chỉ luôn cảm thấy có một việc cần mà mình chưa làm. Cái việc không rõ ràng đó ngày càng báo động sự trễ muộn lũy tiến, làm cho tôi ngày càng không thoải mái trong đời sống. Đêm nằm xuống giường thường tính kỹ là mình chỉ ngủ được có bốn tiếng là tới giờ phải dậy; thôi ráng ngủ đi, đừng nghĩ mông lung nữa cho kẻ thù cười chê - là lúc tôi liếc mắt qua cái đồng hồ báo thức. Chắc chắn có một ngày tôi ném kẻ thù này vô sọt rác, vì tôi ghét kẻ áp đặt. Nhưng tên áp đặt mà tôi phải đi mua này lì lợm và kiên nhẫn như một cái đồng hồ. Nó đại diện cho thời gian nên bất tử; còn tôi thì biết mờ mắt theo năm tháng. Tôi đặt hàng từ một ông bạn có thú đi mua đồ garage sale. Thế là tôi có kẻ thù lớn hơn, sáng tới khỏi để đèn ngủ, không cần đeo kính cũng thấy giờ giấc rõ ràng giữa nửa đêm tỉnh giấc.

Có đêm thao thức với lòng bất an, tôi cứ tưởng cái việc cần làm mà mình chưa làm là đập vỡ mặt cái đồng hồ báo thức; kẻ áp đặt nhỏ bé mà tôi ghét nhưng phải đi mua năm xưa, nay hắn không già mà trẻ ra, số lớn hơn, sáng rực cả cái phòng ngủ thứ ánh sáng màu xanh nước biển.

Tôi hết chịu nổi sự hiện hữu của cái đồng hồ báo thức trong phòng ngủ vì tôi đặt lưng lên giường, liếc mắt xem bốn số digital màu xanh nước biển tổ chảng đã hơn hai giờ khuya. Vậy mà ba giờ sáng là nó tít tít… báo thức.

Tôi tóm cổ nó, úp mặt nó vô tường như tôi thường bị phạt hồi nhỏ. Cơn giậm làm tôi khó thở, thèm ngụm nước. Tôi lò dò trong bóng tối của căn nhà để đi uống nước. Cũng vẫn là ánh sáng màu xanh nước biển của đèn digital hắt ra từ cửa tủ lạnh. Tôi muốn đập nát cánh cửa tủ lạnh để không phải thấy thứ ánh sáng màu xanh nước biển đáng ghét đó nữa. Nhưng nhìn quanh thì trên cái bếp - cũng thứ ánh sáng ấy; trên microway cũng thứ ánh sáng ấy; trên cái nồi nấu cơm cũng thứ ánh sáng ấy; trên cái máy nước nóng để pha trà, pha cà phê - cũng thứ áng sáng ấy… tất cả đều là màu xanh nước biển; đều là những con số digital. Điểm khác nhau là lớn, nhỏ. Nhưng điểm giống nhau là chúng chỉ giờ!

Tôi đã mò ra tới garage, ngồi xuống cái ghế mà tôi thường ngồi để mang giày, cởi giày. Nơi xung quanh tôi là tiện nghi của nước Mỹ. Bên phải là cửa vào phòng giặt, qua một cửa nữa là lối đi vào những phòng ngủ phụ - bên trái; bên phải là lối thông qua một phòng ngủ nữa rồi tới nhà bếp, có cửa ra patio và sân sau nhà bên phải, bên trái là phòng ngủ của tôi; nếu đi thẳng qua bếp sẽ là phòng khách; cuối vách đối diện lò sưởi có hai cánh cửa lớn nhưng không khép bao giờ là phòng làm việc của tôi. Tôi hình dung ra được cấu trúc của ngôi nhà - nghĩa là tôi còn tỉnh táo. Nên tôi mở laptop trên cái ghế đẩu cao hai feet, trước ghế cởi giày cao một feet. Đó chỉ là thói quen hơn sự cần thiết - nên chả thèm để mắt tới góc đông nam của màn hình bao giờ cũng có số digital chỉ giờ. Tôi quay qua bên phải của ghế cởi giày mới là cần thiết hơn thói quen. Trên cái khăn lông cũ, nhỏ nhắn, trải trên một góc kệ để đồ vớ vẩn ngoài garage. Nhưng nó chứa hết sự tội lỗi của đời này. Tôi bốc gói thuốc lá trước, kế đến là cái quẹt; tiếptheo là cái phone - cũng không thèm để mắt tới góc đông bắc của cái phone luôn dính chặt hàng số digital chỉ giờ. Không lẽ đập nốt cái laptop với phone để thôi ám ảnh khái niệm giờ giấc ở Mỹ; cái khái niệm làm ra tội lỗi từ nhẹ là nói dối tới nặng là chết người…

Tôi phạm tội nhẹ trước là gởi ra tin nhắn cho bạn bè mới vừa chia tay, “Toi da ve toi nha binh an. Mong anh em cung vay!” Tin nhắn thứ hai được gởi ra cho người bạn làm chung, “Tao moi ve toi nha! Xin loi may lam mot minh di… Nhung noi sep dum tao…”

Có lẽ do suy nghĩ bên phải bao giờ cũng là điều sai trái nên tôi còn để trên cái khăn lông cũ một chai cognac với cái chung kỷ niệm của một người bạn tặng cho. Chỉ là cái chung bằng thủy tinh trong veo, nhỏ bé, để uống rượu. Nhưng khi rót rượu vào thì mỹ nữ hiện ra làm chứng cho câu thơ “thoáng hiện em về trong đáy cốc…”


Chắc thêm một shot cùng mỹ nhân nên tôi đã quên hết dãy số digital chỉ giờ mà bất cứ nơi đâu trong nhà, ngoài đường phố, nơi đâu… cũng có; tôi phát minh ra phương thuốc trị liệu cho nỗi ám ảnh thời đại là cognacilline. Mỹ nữ cạn đêm sầu viễn mộng rồi dang đôi tay gầy, thân nàng lại dài đòn như dreamliner 787. Nàng cất cánh hồi nào không biết; chỉ hay tôi đã về tới nhà, bước qua bờ giậu râm bụt quanh năm bông đỏ. Ờ ha, con Huyền, con Thảo nhà bên, ưa vò lá râm bụt để làm sương sâm chơi bán đồ hàng. Ly sương sân giả mua bằng tiền là tờ giấy tập xé ra, tự ghi số một đồng lên đó để mua nỗi vẩn vơ tới già…

Dưới vòm khung gỗ làm cổng, hoa bông giấy leo dây tới đâu là bông đỏ tới đó. Khung gỗ không còn nữa mà thân dây bông giấy đã già thành khung đón tôi về. Bậc tam cấp bước lên mảnh sân xi măng rộng lớn trước khi vô nhà. Bà vú già thường đem xơ dừa, xách xô nước ra thềm rửa rêu xanh cho đừng ai trơn trợt; nhưng chùi rửa kỹ quá nên bà trượt chân luôn xuống mồ tự bao giờ. “Vú ơi! Con đã về…!”

Sân xi măng rộng nhất xóm làng ngày xưa để phơi lúa, sao bây giờ nhỏ xíu như miếng gạch vụn thế này! Cái đường nứt chạy dài suốt sân do xe nhà binh rầm rập chuyển quân ngoài lộ năm Mậu thân. Mấy thằng bạn nhỏ chơi cắm đầu đạn lửa xuống đường nứt đó đêm đêm, đốt thay pháo bông. Tụi nó giờ nơi đâu, đứa nào còn, đứa nào đã mất…

Sao chỉ còn những đồ vật cũ kỹ, vô dụng, chất đống lên nhau sau hòa bình. Cái cối đá để xay bột gạo thành lâu đài của lũ gián hôi vì gạo đã tan hàng, rã ngũ theo phe thua trận. Chiếc xe hơi bụi mờ trên bốn tảng đá xanh thay vì bánh xe. Bố tôi cấy đá cho cái xe hoá thạch nhưng sắt thép chỉ biết gỉ sét. Buồn cười nhất là khung len của mẹ. Từ hồi được chế ra nó đã yếu đuối, nhưng mưa nắng ngoài sân lại chứng minh cho nó kiên cường là xiêu vẹo chứ nhất định không tan rã… Hèn gì những giáo dục cứng rắn của bố thì hoen gỉ mà những thỏ thẻ của mẹ thì còn hoài.

Con mực lấp ló sau cây mảng cầu. Con chó quên chủ thì phải ăn chai nước trắng mà tôi ném vô đầu nó. Nhưng nó gầm lên tiếng sư tử. Thì ra con sư tử đồng đen trên bàn làm việc của bố tôi - như biểu tượng của thời oanh liệt theo thời gian đã thành con chó quên chủ ngậm ngùi ngoài gốc cây.

Tôi nhìn quanh hoang địa điêu tàn, lá chầm giuộc to hơn xưa nhưng nhà không còn trẻ để mừng rỡ hái được cái lá chầm giuộc to thì vấn được cái kèn lá kêu tới bờ sông cũng nghe... Hoa lẻ bạn phất phơ trong gió, cái bờ mương cá rủ nhau về trong vắt thời gian…

Tôi đã về đến nhà. Những đổi thay chỉ có ý nghĩa thời gian. Và tôi, kẻ làm lại từ đầu kiêu hãnh nhất nên không sợ khó. Chỉ là ai sẽ ra cửa đón tôi? Bố tôi đã chết trong tù sau hoà bình; mẹ tôi đã chết trong chờ đợi nên bếp không lên khói bữa cơm chiều. Tôi mất cảm giác thân thuộc, sự thoải mái khi về nhà. Tâm trạng tôi trở nên bối rối khi tất cả trong mắt cứ lạnh lùng đứng bên nhau. Có điều tôi đã biết, nhưng quá ít với điều chưa từng biết khi tiếp xúc với qúa khứ. Tôi biết hưởng thụ từ dĩ vãng một chiều.

Tôi đưa tay lên ba lần nhưng vẫn chưa gõ cửa quá khứ, vì không còn ai để đón mừng tôi nữa! Tôi chỉ lắng nghe tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường vọng lại thời thơ ấu, dù chỉ nghe trong ý nghĩ. Bất cứ điều gì đang xảy ra bên trong là bí mật của căn nhà không còn nữa. Càng ngần ngừ ngoài cửa nhà chừng nào, cảm giác xa lạ càng mãnh liệt chừng ấy. Tôi hoảng sợ cánh cửa ấy mở ra, người mở cửa sẽ biết được bí mật của tôi.

Còn tôi thì biết được cái việc luôn cảm thấy cần làm là hoang tưởng, là cuộc trở về căn nhà tuổi nhỏ vì tôi chỉ còn tuổi già. Và đã tự nguyện sống với hàng số digital chỉ giờ mà đâu cũng có tới ít thấy đàn ông bây giờ đeo đồng hồ, dù ai cũng có vài cái để trên bệ lò sưởi, hay hộc tủ bàn đánh răng…

Thì ra, tôi đã bán linh hồn cho màu xanh nước biển của hàng số digital chỉ giờ khắp nơi; bán tiếng vọng từ trong nội ngã cho tiếng phôn reo…! “Dậy chưa cha nội, tỉnh chưa? Vô làm, chứ bỏ mình tôi đặng sao…?”

Cú ngủ ngồi trên ghế cởi giày được hai tiếng. Mới năm giờ sáng nên cũng chưa ai dậy, nên bí mật của tôi còn nguyên tới ngày nào bật mí hẵn hay…

Phan

Ý kiến bạn đọc
20/05/201515:44:09
Khách
Hay lắm! Đúng là văn phong của Phan!
20/05/201515:05:05
Khách
Như một bài thơ làm nguời đọc bối rối....
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,036,614
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến