Hôm nay,  

Chuyện 40 Năm: Hồn Đi Lạc

07/05/201500:00:00(Xem: 11962)

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 3507-16-29907vb4050715

“Tôi, tuổi mười ba, đã lạc khi nhìn thấy xe tăng T-54 lăn bánh trên đường Lê Văn Duyệt...” và rồi tiếp tục lạc khi vượt biển, lạc ở trại tị nạn, lạc trên đất Mỹ.. Lạc Lạc và lạc, không ngừng. Đây là một tâm bút của tác giả từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010, một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Hồn lạc là phải rồi, vì là con cháu... Lạc Long (Quân).

* * *

Gặp tôi lang thang đầu đường xó chợ như sát thủ Cain (một đời bị Trời phạt lang thang đầu đường xó chợ cho hết một kiếp người trên mặt đất), bạn chặn tôi ngay giữa đường, phán một lời (một lời bình phẩm, một lời tuyên án, hay cũng có thể được gọi là một lời than): “Ông, tu sĩ bình bát, hơn nửa đời ngồi am nhỏ gõ những trang kinh mà nhìn mặt như người chưa bao giờ cảm nghiệm được một giây phút (trần gian gọi là) Ngộ!...”

Tôi, bất mãn kinh niên, nhăn nhăn vầng trán, “Cám ơn cho những lời nhận xét quý báu không ai cần tới. Nhưng cũng chả sao, tôi vẫn quý mến ông như thuả nào. Mà này, ông bạn, ông muốn nói điều gì? Làm ơn nói thẳng ra cho thiên hạ nhờ.”

Bạn nhìn vào mắt tôi, nói rõ từng âm, “Rất thành thực! Không khách sáo! Ông nhìn lạc đường quá!”

Ơi, tôi yêu mến làm sao những lời nói thẳng như ruột ngựa của người đối diện!

Tiếng Việt giọng Bắc của bạn thật chuẩn, thật dễ thương!

Bạn có phải thầy bói, nhà tướng số, hay tiên tri từ trong quá khứ (Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm/Trạng Quỳnh) đội mồ sống dậy, quay về thế giới đảo điên để phán một lời tuyên ngôn về ngày giờ tận thế?

Lạc đường là tôi!

Lạc đường là tên, dòng họ Lạc, con cháu Lạc Long Quân!

Lạc đường đã trở thành máu huyết luân lưu trong người. Lạc đường đã khắc ghi sâu trong tâm khảm. Lạc đường đã trở nên cá tính riêng biệt trời “cho” riêng tôi sở hữu. Tôi đã lạc ngay trong bụng mẹ từ thuả hồng hoang. Tôi nghĩ có lẽ mình chẳng muốn sinh ra trên cõi đời này làm chi, nhất là sinh ra làm người Việt Nam trong vòng một trăm năm vừa qua (thành thật mà nói, không ngại đụng chạm; bạn có giận, trách mắng tôi vong bản vong thân, tôi vẫn nói như thế; lời thật mất lòng!).

Tôi, tuổi mười ba, đã lạc khi nhìn thấy xe tăng T-54 lăn bánh trên đường Lê Văn Duyệt, một trong những đại lộ thủ đô Sài Gòn dẫn về tổng hành dinh của Nam Việt Nam, chính quyền hai đời Tổng Thống (nhân vật giờ thứ 25, không tính) mới vừa tuyên bố trên đài phát thanh, chúng tôi đầu hàng. Sài Gòn, 30 tháng 4, bầu trời xanh lơ trưa mùa xuân bỗng dưng mây đen kéo tới, xám đen âm u cả một góc trời thủ đô (đừng hỏi tại sao, tôi không dị đoan mê tín, tôi chỉ diễn tả những chi mình đã nhìn thấy vào giây phút ấy). Thành phố hỗn loạn trong cơn tháo chạy! Những cột khói bốc cao! Những khuôn mặt hốt hoảng! Những giọt lệ buồn tủi! Những tiếng kêu tuyệt vọng! Những tiếng hét kinh hoàng! Những tiếng đạn nổ tung xé rách toang thịt da! Tiếng đạn súng lục xuyên thẳng đầu người nghĩa khí chết theo thành! Những hàng người nối dài cho một chỗ ngồi trên chiếc trực thăng đậu cao trên nóc tòa nhà Đại Sứ Mỹ. Tựa như những chú ruồi nhằng bay rối loạn tung tóe trên một thân xác bắt đầu lạnh, bầu trời Sài Gòn bỗng dưng ngập tràn trực thăng di tản người thân ruột thịt!

Tôi đã lạc dưới bầu trời nắng lung lửa đỏ, bụng đói, trống rỗng với không một chén cơm (dù là cơm hẩm), ba năm liền đi bộ tới trường trung học Nguyễn Thượng Hiền. Một chén cơm trắng đơn giản bình thường khi đó bỗng dưng trở thành món hàng xa xỉ phẩm cho cậu bé thiếu niên của Sài Gòn, Sài Gòn một thời hãnh diện được gọi Hòn Ngọc Viễn Đông. Tại sao thiếu niên Phi Luật Tân, Mã Lai, Thái Lan cùng thời không có những ước mơ nhỏ nhoi như thế?

Tôi đã lạc ngay sau khi bị nhổ bật gốc khỏi quê nhà bởi cuộc chiến Việt Nam, một cuộc chiến đến ngày hôm nay, tôi vẫn thắc mắc, muốn tìm hiểu thật sự ra đâu mới là nguyên nhân chính. Bởi ngoại bang, Nga Sô? Mỹ? Kissinger bán đứng Việt Nam cho Trung Cộng? Hay bởi anh em nhân lên từ cùng một trứng đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, chủ nghĩa tư bản? chủ nghĩa cộng sản? chủ nghĩa cá nhân? thế là cùng một mẹ nhào vào, to miệng gào thét, tay cầm lựu đạn ném thẳng vào mặt nhau. Hay bởi tại cả hai, ngoại bang và người nhà? Thế là lịch sử lập lại, thêm một lần, Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà!

Tôi đã lạc khi bước chân lên tàu vượt biên, thuyền trôi lênh đênh trên mặt sóng, và tất cả những cô gái tuổi ươm mơ tóc dài đen lay láy trong khoang thuyền bị hạ nhục bởi ngư phủ xứ chùa vàng Thái. Khi bị tấn công bởi lưỡi dao vô tình, anh tôi ngã gục xuống sàn tàu, hét lớn, hai tay ôm mặt; và máu, những dòng máu đỏ nóng hổi tuôn chảy từ những ngón tay. Tôi, hốt hoảng với thảm kịch xảy tới cho người thân, không biết làm gì khác hơn, đứng giữa trời bật tung tiếng khóc!


Tôi đã lạc khi ngư phủ Thái xếp hàng những người thanh niên trên tàu. Từng người rồi từng người bị ngư phủ xứ Thái bạo hành. Tới phiên! Tôi nhắm mắt lại đợi chờ giây phút, nhưng ngư phủ Thái đã dừng lại nắm đấm giữa trời. Tôi nghĩ cũng có thể bởi khuôn mặt thất thần trắng xanh của mình. Hoặc bởi một lý do gì đó, có ai mà hiểu. Ngư phủ nhìn tôi, nhoẻn miệng cười, gỡ cặp kính của tôi ra, đeo vào mặt. Cặp kính cận dầy cộm, ai đeo cho nổi! Ngư phủ loạng choạng bước đi những bước chân xiêu vẹp! Đầu lắc lắc! Cặp kính cận rớt xuống, rơi thẳng một mạch xuống làn nước xanh đại dương. Tưởng thế là xong! Nhưng không, ngư phủ phóng theo vớt lại cặp kính. Một tay bám thành tàu, tay kia nắm chặt kiếng cận, ngư phủ nhảy lên tàu, cẩn thận đeo trả lại vào mắt chủ nhân cặp kính. Rồi lại quay sang người đứng kế bên, đánh tiếp, như chuyện bình thường, một chuyện phải xảy ra…

Tôi đã lạc trong khi hít thở bầu không khí ngột ngạt hôi thối của trại Sungai Besi, trại cấm Mã Lai hơn một năm trời. Trời nhiệt đới đổ tung lửa đỏ đốt cháy mái tôn nhà hộp đóng kín và khu "long house" dài thoòng tựa như tương lai mịt mờ vô định. Từng mảng rồi từng mảng hồn đã bị gậm nhấm, ăn mòn bởi đời sống trại cấm. Tôi chết khô vườn cỏ xanh tươi; đầu tóc đen rêu xanh phủ đầy!

Tôi đã lạc khi đặt chân lên đất Mỹ, vùng đất trần gian gọi đất hứa! Họ là ai, những người không có tóc đen bóng mượt? Tại sao mắt họ lại không là mầu nâu? Tại sao họ ăn bánh mì sandwitch với hambuger và cheese, nhưng lại không ăn cơm trắng với canh chua cá và thịt kho? Tại sao họ nhìn tôi với ánh mắt khinh khỉnh, coi thường! Tôi đã từng thắc mắc, nếu mình tới từ quốc gia, nơi xuất hiện thương hiệu Honda, Toyota, Sony, người Mỹ sẽ nhìn mình như thế nào? Hộ chiếu Japan, hộ chiếu Hong Kong, trăm năm vừa qua, rõ ràng khác với hộ chiếu tỵ nạn, nhất là tỵ nạn Việt Nam.

Tôi đã lạc khi nhận được tin Bố, trút hơi thở cuối đời tại Việt Nam trong khi mình đang lang thang tại xứ người, hơn một năm rồi. Một phần hồn của tôi đã chết, một góc tim bị xé rách toang, không bao giờ còn khả năng bình phục kể từ giây phút đó…

Và khi tôi quay về lại Sài Gòn cho một lần công tác… Người cùng chủng tộc nhìn tôi tựa như tôi chưa bao giờ chôn nhau cắt rốn ở quê mẹ. Trong ánh mắt họ, tôi là người Campuchia hoặc Thái. Có lần tôi lịch sự nói, “Cám ơn”, với cô chạy bàn trong tiệm Phở. Cô ta dừng lại một bước chân nhanh nhanh, quay đầu lại, mở miệng nói liền, “Ồ! Ông nói tiếng Việt giỏi quá!” Và cô ta hỏi tôi trong tiếng Anh, “Tại Phi Luật Tân, ông sống ở đâu? Thủ đô Manila?”

Thật thế à?

Lạc, hồn tôi lạc như ao tù nước đọng. Tôi hôi thối! Tôi hiểm ác!

Lạc, ngôn ngữ tôi hằn học nọc rắn độc!

Lạc, hồn tôi nhăn nheo tựa như trái táo khô để quên trong bếp từ lâu rồi. Tôi còn trẻ nhưng tâm già khằng, ngàn năm tuổi!

Lạc đã trở thành một phần tâm hồn!

Lạc, tôi lạc như Cô Tấm… Mẹ chết sớm, bố lấy vợ kế, rồi chết đi bỏ lại Cô Tấm một mình lạc loài bơ vơ trên cõi đời ô trọc với bà mẹ kế thiếu từ tâm và cô em Cám, giống tính mẹ.

Tôi thất vọng với đời, với người và với mình! Tôi lạc đường!

Chẳng trách chi bạn gọi tôi, Hồn-Đi-Lạc!

Nhưng... Khoan!

Xin bạn dừng lại một bước chân. Xin bạn khoan, đừng bỏ đi! Bởi tôi nói chưa hết! Làm ơn cho tôi nói dứt lời...

Bạn,

Chính lúc hồn (nhân gian) đi lạc, lại là lúc mình được tìm thấy, không phải bởi bất cú ai trên cõi đời này, nhưng bởi chính Bụt! Vâng! Chính lúc hồn trần thất vọng, lại là lúc hy vọng tràn đầy tuôn đổ trên hai bàn tay.

Bạn không tin sao? Thì đấy! Cô Tấm chân lấm tay bùn, bơ vơ không nơi nương tựa, vào giây phút tuyệt vọng đã gặp Bụt; Ngài hiện ra, hỏi chuyện Cô Tấm, và Ngài gọi chim trời từng đàn bay xuống nhanh nhanh nhặt đậu xanh đậu đỏ bỏ sang hai rổ đan tre trống vắng cả ngàn năm nay.

Đấy! Bạn thấy chưa! Bởi lạc đường, thất vọng, ngồi khóc, Cô Tấm đất thấp gặp gỡ Ông Bụt trời cao. Chuyện buồn chuyển mình hóa ra chuyện đẹp, chuyện cổ tích thơm tho ngọt ngào mùi cơm vừa chín tới.

Vâng, tôi lạc! Cũng chẳng sao!

Thiên đàng chưa bao giờ bỏ rơi tôi! Bụt tiếp tục cất công lên đường vất vả tìm kiếm tôi, bởi tôi quý giá trong đôi mắt Bụt!

Thế là no đủ! Ơn phúc dư thừa!

Vâng, tôi sinh ra đã lạc! Mang thân phận họ Lạc, sinh nhằm vào ngay một giai đoạn LẠC…

Bạn cứ gọi tôi tên Lạc!

Nhưng tôi vẫn no đầy! Mưa trời vẫn tiếp tục đổ xuống đầy tràn hai bàn tay trắng!

Nguyễn Trung Tây

Ý kiến bạn đọc
29/11/201707:30:07
Khách
Hồn nhập sinh thế kỷ nào
Mà trong hạnh ngộ. Lạc... lao đao hồn!
08/06/201502:58:17
Khách
Web của tác giả Nguyễn Trung Tây , hay quá, tuyệt vời quá , nhưng sao không còn nữa . Uổng quá, có ai mua lại Nhà của cha Nguyễn rồi .
07/05/201522:12:32
Khách
Xin chia buồn cùng tác giả đã 40 năm lạc mất mùa Xuân nói riêng và người miền Nam nói chung!Cám ơn bài viết như một lời nhắc nhở....
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,208,361
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến