Hôm nay,  

Chuyện Hai Người Bạn

04/05/201500:00:00(Xem: 11192)

Tác giả: Nguyễn Bích Thuỷ
Bài số 3505-16-29905vb2050415

Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Bài viết của cô là chuyện 40 năm sau tháng Tư 1975.

* * *

Phi trường Los Angeles hôm nay dường như đông hơn mọi ngày. Mọi người đứng sắp hàng dài để chờ cân đo hành lý, lấy Boarding Pass… Người ta lại càng chẳng buồn để ý đến hai người phụ nữ Châu Á đã ngoài ngũ tuần đang ngồi chụm đầu vào cái smart phone xem lại những bức ảnh selfie mà họ vừa mới chụp vài phút trước đó. Cô mang kính cận như sực nhớ ra điều gì liền bảo:

- My ơi! Nhiên sẽ post hết mấy tấm hình này lên chắc thế nào các bạn cũng sẽ ganh tỵ với hai đứa mình cho xem!

Người phụ nữ kia bỗng chớp mắt buồn buồn:

- Nhớ nhắn tin cho My biết liền khi về đến Việt Nam nha Nhiên.

Họ không còn trẻ, tóc đã điểm sương, dấu chân chim đã in hằn quanh mắt nhưng hai người bạn vẫn giữ cách xưng hô như ngày xưa. Đã 47 năm trôi qua rồi. Một khoảng thời gian dài gần nữa thế kỷ với biết bao nhiêu biến động cuộc đời và bản thân của mỗi người cũng đã trải qua biết bao cơn dâu bể, thăng trầm. Tình bạn của họ có lúc tưởng cũng đã tan tác như vận mệnh của đất nước. Vậy mà không ngờ giờ đây họ vẫn còn ngồi bên nhau tỉ tê tâm sự và tin rằng dẫu sắp chia tay nhưng nhất định sẽ có ngày trùng phùng.

*

Chiếc xe Jeep dừng lại trước căn nhà có giàn hoa giấy đỏ rực rỡ trong con hẻm lớn giữa lòng Sàigòn vào một buổi sáng của năm 1973. Mặc dù đã thấy thấp thoáng bóng bạn đứng trong sân nhà nhưng My vẫn thò đầu ra cửa xe la to:

- An Nhiên ơi! Đến giờ đi học rồi.

Cô bé với hai bím tóc vội vàng khép cổng nhà lại, bước lên xe và nhanh nhẩu vòng tay thưa ba My: “Chào bác ạ!” Đoạn cô quay sang bạn định hỏi điều gì thì Mi đã nói ngay:

- Ba của My được về phép hai ngày nên hôm nay tụi mình không phải đi bộ đến trường.

Người đàn ông mang quân phục VNCH với bông mai trắng trên vai (quân hàm Thiếu Tá) vừa lái xe vừa hỏi, giọng thân mật:

- Chiều nay An Nhiên có muốn đi ăn kem Bắc Cực và xem phim với My không con?

Hai cô bé ngồi phía sau xe vỗ tay reo hò đầy thích thú.

Nhiên và My là đôi bạn từ những ngày đầu tiên hai đứa mới vào lớp Một. Nhà hai đứa cũng chỉ cách nhau có vài ngã tư nên phụ huynh của bọn trẻ cũng trở nên thân thiết với nhau. Sau khi học xong Tiểu Học không hẹn mà hai đứa cùng thi đậu vào ngôi trường Nữ Sinh nổi tiếng nhất Sàigòn. Từ đó, My và Nhiên trở nên gắn bó như chị em ruột.

My là con một nên được ba mẹ cưng chiều như trứng mỏng. Trong lúc đó Nhiên là chị cả của ba đứa em nên trông cô khá chửng chạc, thêm vào đó cặp kính cận càng làm tăng thêm nét đạo mạo và cô lúc nào tự cho mình là “bà cụ non” so với các bạn đồng lứa. Ba My là sĩ quan thuộc binh chủng pháo binh thường sống ở tiền đồn nhiều hơn ở nhà, mẹ My làm việc tại Toà Đại Sứ Mỹ. Công việc của hai người hết sức bận rộn nên ba My quyết định không muốn có thêm đứa nữa vì sợ nếu có chuyện gì không hay xảy ra cho ông thì mẹ My sẽ rất vất vả khi nuôi đàn con một mình!

Đất nước thời loạn lạc ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của những người lính và thân nhân của họ. Biến cố lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975 sau đó đã gây ra biết bao cảnh ly tan. Cận những ngày Sàigòn bị thất thủ, thay vì theo chân đoàn người di tản leo lên máy bay thì mẹ My đã cố nán lại cho đến phút cuối cùng để chờ tin tức của người chồng. Nhưng vẫn biệt tăm!

My sẽ mãi mãi không quên được một buổi tối sau ngày 30 tháng 4, ba My đã trở về với hình hài của một người lính bại trận từ thân xác đến tâm hồn. Chưa bao giờ My thấy ba mình lại khốn khổ và suy sụp đến thế. Lần đầu tiên My thấy ba mẹ ôm nhau khóc, rồi sau đó cả nhà cùng khóc. Sau đó ba My bị đi tập trung cải tạo, tưởng chỉ một vài tuần nhưng lại là mười năm mười tuần!

Sau cuộc đổi đời My đã không còn là My hồn nhiên, vô tư như ngày xưa nữa. Lúc ba đi tù nhà còn lại hai mẹ con, đến lúc này mới thấy việc không sinh nhiều con cũng là cái hay cho những gia đình thời-hậu-chiến. Trong nhà My tất cả những thứ có thể quy thành tiền đều lần lượt đội nón ra đi không hẹn ngày trở lại. Vì trong cái “Sơ Yếu Lý Lịch” của mẹ My có liên quan đến Mỹ-Ngụy nên bà không thể xin đi làm ở bất kỳ nơi đâu. Mẹ tiều tụy xuống tinh thần, phải bươn chải đủ mọi cách để vừa lo cho My ăn học vừa nuôi ba trong tù. Còn đâu nữa hình ảnh một người phụ nữ duyên dáng năng động ngày nào tự lái xe hơi đi làm mà giờ đây mẹ phải lao ra đường buôn bán như bao người vì miếng ăn của cả nhà.

Cuối cùng, mẹ quyết định gom hết vốn liếng còn sót lại mở một tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán trong xóm ở ngay tại nhà. Nhờ tài vun vén giỏi tính toán của mẹ nên chẳng bao lâu “gánh hàng xén” của gia đình My trở nên ngày càng phát đạt. Đến lúc ấy mẹ lại tích cóp từng đồng từng cắc không dám hoang phí để mua từng chỉ vàng cất dấu khắp nơi trong nhà phòng khi hữu sự. Mẹ bảo thế!

Việc đổi đời năm 1975 cũng đã làm cho tình bạn của My và Nhiên bắt đầu rẽ sang một lối khác! Sau mùa hè 1975, tất cả học sinh lục tục kéo nhau nhập học trở lại. Có quá nhiều thứ đã thay đổi và bị “nhuộm đỏ” trong ngôi trường thân yêu của My. Trước nhất là tên trường bị “bức tử” sau 25 năm có mặt giữa lòng Sàigòn (1950-1975) thay vào đó là tên của một nữ chiến sĩ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp.

Vào ngày Khai Giảng niên học 1975 – 1976 lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam rất to được treo kèm theo hình “Bác Hồ” đặt phía trên cao, ngay cổng chính dẫn vào sân trường. Biểu ngữ “Như Có Bác Trong Ngày Vui Đại Thắng” đỏ rực được giăng khắp mọi nơi và bài hát cùng tên cũng được loa phóng thanh cho lập đi lập lại vang dội cả trường.

Đập vào mắt My từ xa là những đứa bạn cùng trang lứa với khăn quàng đỏ! Lần đầu tiên đứng mặc niệm và chào cờ dưới “chính thể mới” My không khỏi xốn xang! Lá quốc kỳ và bài quốc ca thân thương theo My suốt 13 năm trời giờ đã trở thành một kỷ niệm buồn. Lịch sử đã lật sang một trang khác như cuộc đời của mỗi người Sàigòn: đau thương và mất mát cho kẻ đã ra đi lẫn người còn ở lại!

Cũng vào thời điểm này, tại điạ phương người ta đến từng nhà kêu gọi nhưng cũng ngầm bắt buột tất cả mọi người phải tham gia đoàn thể. Nhỏ thì tham gia Thiếu Niên Nhi Đồng, lớn chút thì sinh hoạt Thanh Niên. Người lớn thì họp Tổ Dân Phố mỗi tuần, họp cả Phường thì tháng một lần. Nói chung ai cũng phải sống-trong-tổ-chức để dễ dàng quản lý. Cách “trị dân” của Người Cộng Sản là vậy!

Bố mẹ Nhiên là nhà giáo, họ muốn sống yên phận và bản thân gia đình họ cũng không có gì xáo trộn so với trước kia nên họ cũng suy nghĩ đơn giản “như mọi người:” Thôi kệ! Cứ cho tụi nhỏ vào Đội vào Đoàn để gia đình mình được yên thân, không ai để ý! Hơn nữa tâm lý của những đứa trẻ 12, 13 tuổi rất hiếu động, thích vui chơi, tụ tập bạn bè, ca hát, nô đùa, họp hành …biết bao thứ mời mọc khi trở thành Đội Viên dưới ánh hào quang được trở thành Cháu Ngoan Bác Hồ thật đầy vinh dự! Do đó Nhiên đã tham gia Sinh hoạt Đội cũng như bao bạn bè đồng lứa tuổi với cô.

Chỉ có gia đình My là “điếc không sợ súng” lại thêm bị gắn nhãn “Ngụy quân, Ngụy quyền” nên mẹ chẳng buồn ép My tham gia sinh hoạt đoàn thể mà chính bản thân My cũng không hào hứng với việc đó. Cũng từ đó My bắt đầu lẫn tránh Nhiên dần dần. Dường như đã có một bức tường vô hình ngăn cách giữa hai đứa. Hơn nữa Nhiên cũng quá bận bịu với những lịch sinh hoạt Đội, Phụ trách Nhi Đồng… còn thời gian đâu nữa để lắng nghe những tâm sự của My. Nhưng thật sự mà nói giờ đây My cũng không dám trút hết nổi lòng cùng người bạn thân của mình nữa!

My và Nhiên học chung với nhau được hai năm, từ niên khóa 1975 đến 1977. Lên lớp 10 thì Nhiên chọn Ban D học chuyên về Sinh Vật và Hóa Học để theo đuổi ngành Y. Còn My biết chắc chắn mình không-đủ-tư-cách để vào Đại Học nên tâm lý của cô là học gì cũng được! Ban A học toàn Văn, Sử, Địa, Chính trị và Chủ Nghĩa Mác-Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng… Nên cuối cùng, My quyết định chọn Ban C học Toán và Vật Lý để tránh gặp Nhiên trong ba năm cuối Trung học.

Về phía An Nhiên, mặc dù cuộc sống của cô cũng khá bận rộn nhưng lúc nào Nhiên cũng dành cho người bạn thân một chỗ quan trọng trong “ngăn tủ” của cuộc đời mình. Biết My mang nặng mặc cảm của bên-thua-cuộc nên Nhiên muốn xóa tan khoảng cách giữa hai đứa bằng những món quà nho nhỏ trong dịp sinh nhật My, bằng những bài thơ chép tay dành cho tuổi mới lớn hay bằng những buổi tan trường đứng chờ My ở cổng…

Nhưng tất cả gần như vô phương cứu vãn sự rạn nứt của một tình bạn đang đến hồi kết thúc!

Đến khoảng 1978 tình hình chiến sự của Việt Nam và các nước láng giềng trở nên khá căng thẳng. Phía Tây-Nam, quân Pôn-Pốt dưới sự yểm trợ của Trung Quốc đã tràn sang thảm sát đồng bào ta ở vùng biên giới, phía Bắc thì giặc Tàu đang lăm le xâm chiếm lãnh thổ. Tình hữu nghị “Việt–Trung” bao lâu nay được ca ngợi với biết bao mỹ từ như “môi hở, răng lạnh”, “núi liền núi, sông liền sông” thì nay bỗng chốc gặp mâu thuẩn và cần giải quyết bằng đao binh.

Khắp nơi trong cả nước người ta bắt đầu tuyển quân để phục vụ chiến trường. Tất cả nam thanh niên đến 18 tuổi nếu không có lý do chính đáng phải tham gia cầm súng bảo vệ tổ quốc. Đó là lệnh nên khó thể nào trốn tránh! Trước tình hình đó Đoàn trường của My và Nhiên cũng phát động tuyển Nghĩa Vụ Quân Sự đợt đầu tiên. Vào thời điểm này tất cả các trường Trung Học đều có nam sinh nên có khá nhiều bạn nam lẫn nữ đã tình nguyện ghi danh đi Bộ Đội.

Một buổi sáng tình cờ khi đi ngang Bảng Sinh Hoạt Đoàn Trường, My đã thật sự không tin vào mắt mình khi đọc những dòng: ”Xin chúc mừng những Đồng Chí có tên sau đây đã trúng tuyển Nghĩa Vụ Quân Sự Đợt Thứ Nhất năm 1978 của Đoàn Trường NTMK.” Trên cái “bảng vàng” này, cái tên Vũ An Nhiên được viết đầu bảng như đập vào mắt My. Xem đi xem lại vài lần thì My mới biết rằng cái thông báo kia đã viết khá lâu rồi! Gần cả tháng nay. Điều này có nghĩa là Nhiên và các bạn của cô hiện đang ở tại thao trường và đang trải qua một đợt huấn luyện quân sự để chuẩn bị cho cuộc đời lính chiến.


My chợt nhớ lại vài tuần trước đó Nhiên có đến nhà tìm cô. Có thể đó là lần Nhiên đến để chia tay với My trước khi nhập ngũ! Lúc ấy My đang đứng trên lầu nhìn xuống cửa sổ thấy dáng của đứa bạn thân, My bảo mẹ nói rằng cô đã đi vắng. Nhìn Nhiên buồn buồn đạp xe quay đi mà My bỗng thấy nao nao trong lòng. Nếu biết rằng đó là lần sau cùng hai đứa gặp nhau chắc My sẽ không ngại ngần ôm Nhiên vào lòng mà trút hết bao điều. Nhưng giờ thì tất cả đã xa xôi rồi!

Khoảng vài tháng sau trong một tiết học cuối, gần đến giờ ra về, Trưởng lớp bỗng thông báo một tin khá bất ngờ làm cả bọn nhao nhao:

- Hôm nay chúng ta sẽ có ít phút được gặp mặt các tân binh “mới ra lò”. Các bạn của chúng ta vừa chấm dứt đợt huấn luyện Quân Sự, mọi người có nguyện vọng muốn được trở về thăm lại trường lớp, thầy cô và bạn bè trước khi ra chiến trường làm nhiệm vụ.

Cả lớp vỗ tay, trưởng lớp nói tiếp:

- Đặc biệt hôm nay Vũ An Nhiên “cây văn nghệ” của trường, sẽ ngâm tặng chúng ta một bài thơ mà Nhiên vừa mới sáng tác.

Vừa lúc ấy có khoảng sáu, bảy người mặc quân phục màu lá rừng bước vào lớp. Các bạn ngồi hàng ghế đầu reo lên:

- An Nhiên!

Nhiên cười thật tươi với tất cả và hướng cặp mắt về My như thầm nói: “Hôm nay Nhiên về đây để thăm My lần cuối nè!”

Mắt My đã nhòe nhoẹt từ lúc nào, My chẳng nghe được Nhiên đã nói gì nữa. Trong đầu cô biết bao là kỷ niệm của hai đứa chợt ùa về. Nhớ thuở nào hai đứa mới lên tám, lên chín còn mải mê với những trò chơi lò cò, ô quan, banh chuyền đến bỏ ăn, bỏ ngủ. Rồi những ngày mới vào trung học, nhớ những buổi chiều tan trường hai đứa che chung chiếc áo mưa; hai tà áo dài ướt trước, bẩn sau vậy mà thấy vui chi lạ. Đến tuổi biết mơ mộng hai đứa hay đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch hát nghêu ngao bài “Tuổi Mộng Mơ” hoài mà vẫn không chán. Nhà hai đứa ở cách nhau có vài ngã tư, ngày nào cũng gặp mặt vậy mà trong quyển Lưu Bút Ngày Xanh năm nào cũng viết đầy những lời thương nhớ sướt mướt khi hè đến. Và còn gì nữa? Còn biết bao chiều Nhiên đã kiên nhẫn ngồi giảng giải những bài toán hốc búa cho My và dỗ dành những lần cô bị điểm xấu trong lớp. Nhiên lúc nào cũng là một người chị chăm sóc và nuông chiều My, kể cả những lúc cô cố tình lẫn tránh nhưng Nhiên vẫn không bao giờ hờn giận. Nhưng đã muộn màng rồi!

Rồi cũng đến giờ chia tay với đoàn “tân binh.” Đến lúc này An Nhiên mới lục trong ba lô của cô ra một quyển sổ màu hồng, trịnh trọng trao cho My nói:

- My còn nhớ những bài thơ hai đứa mình đã thức bao nhiêu đêm để nắn nót viết vào đây không, My hãy giữ nó hộ Nhiên như giữ gìn tình bạn của chúng mình. Nhiên không biết đến bao giờ tụi mình mới có dịp gặp lại nhau lần nữa …

Nói đến đây giọng Nhiên bỗng chùng xuống, nhưng rồi ngay lập tức cô liền cười bảo:

- My ở lại ráng học giỏi và học dùm cho phần của Nhiên nữa nha.

My đã không thể nào đè nén được cảm xúc của mình cô bật khóc ngon lành. Nhiên ôm vai bạn an ủi:

- Nhất định Nhiên sẽ về để cùng “học đua” với My cho mà xem!

Nhiên vẫy tay chào mọi người rồi ôm ba lô leo lên xe. Khi xe đã lăn bánh nhưng My vẫn còn đứng lặn một mình trước cổng trường. Đây đó chỉ còn có tiếng hoa Phượng Vỹ lát đát rơi nhẹ từng cánh, từng cánh buồn.

*

Sau khi Nhiên đi rồi thì đầu niên học năm sau My cũng được mẹ sắp xếp cho đi vượt biên cùng với một vài người họ hàng; còn mẹ thì phải ở lại để lo cho ba.

Đó cũng là khoảng thời gian mà làn sóng vượt biên tại miền Nam Việt Nam đang dâng lên thành cao trào. Chưa bao giờ người ta lại “bốc hơi” nhanh đến thế! Sáng còn đến lớp, tối đã ngồi trên “taxi” để ra tàu lớn chuẩn bị vượt biển Thái Bình Dương như sắp đánh một ván bài “nhứt chính, nhì bù”. Đầy may rủi. Mà giá của cái rủi đôi khi là cả sinh mạng của mình! Người ta cứ thế đổ xô ra biển Đông để tìm hai chữ Tự Do!

Thật may mắn cho tàu của My vừa ra khỏi hải phận quốc tế thì được một trong ba con tàu Cap Anamur của Hội Bác Sĩ Cấp Cứu Đức cứu vớt. Đây là một tổ chức thiện nguyện chuyên cứu người vượt biên tại biển Đông vào thời điểm ấy. Họ đã đem tất cả thuyền nhân vào Singapore ở vài tháng làm thủ tục rồi đưa sang định cư tại nước thứ ba.

My đặt chân đến Hoa Kỳ trước sinh nhật 18 tuổi của mình vài tháng nên được cha mẹ nuôi lo cho tiếp tục theo học highschool. Trong suốt những năm tháng sống bơ vơ nơi xứ lạ quê người My đã mang theo hình ảnh quê hương, gia đình và đứa bạn thân duy nhất luôn bên mình.

Phải mất mười năm vừa đi học vừa đi làm My mới lấy được bằng Bác Sĩ Nhi Khoa. Khi chọn học ngành Y, My đã nghĩ rất nhiều đến Việt Nam và đặc biệt nhất là Nhiên. Chẳng biết giờ đây An Nhiên đang ở phương trời nào, có còn sống trên cõi đời này hay không? Mỗi lần nghĩ đến người bạn thân của mình My thấy buồn khôn tả và luôn mang mặc cảm là kẻ có lỗi.

Ngày My ra trường cũng là ngày ba mẹ My chuẩn bị lên đường sang Mỹ theo diện HO. Trong buổi lễ nhận bằng Tốt Nghiệp Bác Sĩ, đứng trên bục nhìn xuống khán phòng My ao ước có Nhiên đang ngồi cạnh song thân và ba mẹ nuôi của mình. Nghĩ đến đó cô bỗng nói thầm một mình: “An Nhiên ơi! My đã học dùm cho Nhiên xong rồi nè!” Cô nuốt nước mắt vào lòng mà còn thấy cay cay ở khóe mi.

Sau đó ít lâu My kết hôn với một vị Bác Sĩ người Mỹ và cũng là thầy của mình tại trường Đại Học.

Phải mất thêm gần 20 năm nữa khi các con đã khôn lớn My mới có dịp cùng chồng trở về Việt Nam; đi theo các Tổ Chức Y Khoa Phi Chính Phủ để phục vụ cho những đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và miền biên giới hẻo lánh. Thật ngoài sức tưởng tượng và vui mừng không sao tả xiết, một trong những lần trở về đó My đã gặp lại An Nhiên trong đội ngũ các Bác Sĩ làm việc cho Tổ Chức Phi Chính Phủ tại Việt Nam. Hai đứa đã mừng mừng tủi tủi, ôm nhau khóc ngon lành giữa những cặp mắt thông cảm của mọi người.

Sau buổi trùng phùng đó là những điện thư bay đi bay về giữa Mỹ và Việt Nam. Thỉnh thoảng Nhiên cũng sang Mỹ để hoàn tất những tín chỉ cho bằng Thạc Sĩ về Y Tế Cộng Đồng, đây cũng là học bổng cô đã được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng. Do vậy, hai người bạn thân đã có khá nhiều dịp gặp gỡ nhau, đã có lần hẹn cùng nhau hành hương đến đất Phật.

Nhiên kể lại có một lần tiểu đội của cô và một số dân địa phương bị lực lượng của Pôn Pốt vây hãm trong một ngôi chùa hẻo lánh tại Campuchia. Lúc đó đạn nổ bom rơi đầy trời mà lương thực lại cạn kiệt, nhiều đồng đội đã hy sinh, một số khác đang bị thương rất nguy kịch, mọi người hoàn toàn xuống tinh thần và chỉ còn chờ chết! Trong lúc tuyệt vọng tận cùng An Nhiên đã nhìn lên ánh mắt từ bi của Đức Phật và cô đã tỉnh tọa ngồi cầu nguyện trước chánh điện hàng giờ. Cuối cùng như một phép lạ tiếng súng bắt đầu xa dần, toán địch lần lượt rút đi hết. Sau đó đơn vị của Nhiên được đưa về hậu cứ để kịp chữa trị.

Cũng kể từ đó Nhiên bắt đầu có niềm tin về tôn giáo và sau khi giải ngũ trở về đời sống dân sự Nhiên đã quy y trở thành một Phật Tử thuần thành. Nhờ đi nhiều nơi, gặp nhiều cảnh ngộ đau lòng Nhiên mới biết rằng nổi khổ của chúng sinh là vô cùng tận và cũng từ đó cô đã tìm tòi nghiên cứu về Phật Pháp với ước vọng tìm ra nguyên nhân của những khổ đau và cách hóa giải chúng dưới góc nhìn của một người làm công tác Y Khoa.

Nhiên kể là sau khi xuất ngũ, cô quyết định trở về làm một phó-thường-dân; và nói cô không bao giờ hối hận với tất cả những gì mình đã chọn và đã dấn thân!

*

Bốn mươi năm đã trôi qua với biết bao vật đổi sao dời! Thế hệ được sinh ra trong giai đoạn 1975 giờ đã bước sang tuổi tứ tuần.

Có lần My đã đọc được mấy câu thơ của một nhà thơ hiện khá nổi tiếng, đang sống tại Việt Nam, như sau:

Ngày ấy bọn tôi hai mươi tuổi
Ria lún phún
Mắt cận lòi
Dân Sài Gòn tiểu tư sản, đọc sách triết, tóc hippie
Được phong tặng "thanh niên chậm tiến"
Thôi thì biết thân phận mình, đứa đi làm công nhân, đứa đi làm rẫy, đứa thanh niên xung phong coi như trả món nợ dù chả vay ai thời tiền – hậu - chiến
Ngày Polpot tràn qua An Giang, Ba Chúc thảm sát đồng bào
Tổ quốc lâm nguy
Bọn tôi sôi sục ra biên giới
Ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam
Tổ quốc lại lâm nguy
Có thằng em khai gian tuổi
Vác balo lên đường
Gác mọi tranh chấp ý thức hệ
vệ quốc trước đã
Ai không tử sĩ
Ai không phế binh
Thì về
Đứa đạp xich lô. Đứa chạy xe ôm, đứa đi khuân vác
Bình thường.


Bản thân nhà thơ đã tham gia Thanh Niên Xung Phong trong giai đoạn 1976-1980. Rồi chính ông đã từng xuống đường một cách bất bạo động chống đối Trung Quốc lấn chiếm lãnh hải và lãnh thổ của Việt Nam.

An Nhiên cũng vậy! Cô đã nhiều lần tham gia biểu tình ôn hòa bày tỏ lập trường chống “bành trướng Bắc Kinh”. Nhiên bảo cô đã từng chứng kiến biết bao nỗi ê chề và nhục nhằn của những người Tây Tạng sống lưu vong! Thật không có gì đau khổ cho bằng!

Bốn thập niên trôi qua, Liên Xô vỹ đại ngày nào nay đã bỏ-cuộc-chơi. Thế mới biết giấc mơ san bằng giai cấp của người Cộng Sản ngày nào chỉ là ảo giác! Giới “Tư Bản Đỏ” tại Việt Nam ngày càng nở rộ như nấm sau cơn mưa, thêm vào đó các quan tham đã không ngừng vơ vét hàng tỷ tỷ tiền của dân, của nước vào túi riêng và cất đầy trong các ngân hàng Thụy Sĩ. Và không ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra trong 40 năm tới cho đất nước Việt Nam thân yêu này?!

Nhờ mạng lưới toàn cầu mà Nhiên và My đã lần ra dấu vết của những người bạn thời áo trắng năm xưa. Giờ đây họ đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Sau gần 40 năm kể từ ngày nếm mùi bo bo, khoai độn, vượt biên, tù đày, tỵ nạn, định cư… cuối cùng đám bạn của Nhiên và My đã thấy được một “kết thúc có hậu” ở tuổi ngoài 50.

Riêng đối với My và Nhiên giờ đây hơn ai hết họ mới thấy tình bạn là vô cùng quý báu! Sau hơn ba mươi năm lạc mất nhau giữa biển người mênh mông này, kể từ bây giờ, họ nhất định sẽ không bao giờ để “thất lạc nhau” một lần nữa.

(Viết cho một thời Gia Long)

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
06/05/201521:28:46
Khách
Bài viết cảm động sâu sắc về tình bạn,vận nước nổi trôi theo thời gian!Đọc để thấy lại hình ảnh của mình và bạn bè thời cắp sách vào thời kỳ Sài Gòn tan thương nhất!Xin chúc mừng những tình bạn sau 40 năm đã tìm nhau trong đời thường,trên mạng xã hội hay qua internet..v.v...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,345,506
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.