Hôm nay,  

Tháng Tư và... Con Mắt Thuỷ Tinh

02/05/201500:00:00(Xem: 12291)
Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 3503-16-29903vb7050215

Lần đầu tiên, tác giả kể chuyện về một “vết thương” mà ông lãnh từ cuộc chiến vào những ngày sau cùng: nổ trên giang đỉnh, một con mắt “hết xài.” Bồ Tùng Ma là bút hiệu của Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH, từng là hạm trưởng và chỉ huy ngành chiến tranh chính trị của Sở Phòng Vệ Duyên Hải VNCH. Sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Từ 6 năm qua, ông là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Viết Về Nước Mỹ, nhưng hàng năm vẫn tiếp tục góp bài, nói là "cho vui". Sau đây là bài góp mới nhất.

* * *

Ngày nay phẫu thuật thủy tinh thể đục (cataract surgery) cho người cao niên đã đạt thành công đến 95%. Ít ai sắp đi phẩu thuật thủy tinh thể đục mà ngại ngùng lo lắng như sắp đi phẩu thuật tim, óc và ngay cả giải phẫu thẩm mỹ. Riêng với tôi, đây là chuyện quan trọng cần suy đi nghĩ lại, hỏi bạn bè, tham vấn bác sĩ.

Số là cuối tháng Tư năm 1975 mắt phải tôi bị chấn thương vì một trái đạn. Trong số tám người trên giang đỉnh có sáu người tử thương. Tôi và một thủy thủ tên Luân bị thương. Ngay sau mấy tiếng nổ lớn, tôi thấy Luân đang bò về phía tôi như muốn được che chở, hai chân anh dập nát hay biến đâu mất trong cái quần xanh rộng đầy máu. Hiện nay Luân đang ở Việt Nam. Tôi chưa gặp Luân sau 30-4-75, chỉ liên lạc bằng điện thoại. Tôi được biết Luân vẫn khỏe. Anh “đi” trong nhà bằng 2 tay nắm hai cái ghế nhỏ, ra ngoài bằng xe lăn. Tay Luân to và khỏe hơn cả tay lực sĩ cử tạ.

Tôi muốn nói tôi thấy cảnh thương tâm trên giang đỉnh lúc ấy bằng con mắt trái; còn con mắt phải của tôi, cố nhìn chỉ thấy một đốm sáng đỏ như mặt trời vào lúc hoàng hôn. Tôi đã lâm vào tình trạng gần như mù lòa một mắt trong suốt 15 năm, 10 năm ở trong tù, băng rừng, lội suối và 5 năm ở ngoài đời cơ cực chẳng kém gì hơn. Trong 15 năm ấy tôi xem chuyện vệ sinh, y tế như không hề có trong thế gian này. Con mắt phải không những không được chữa trị mà còn bị hành hạ khi tắm suối nước đục đầy vi trùng, khi bị những nhánh cây đâm vào, khi phải tìm kế sinh nhai... Tôi ngạc nhiên tại sao mắt tôi như vậy mà không bị nhiễm trùng, một rủi ro đáng sợ nhất trong phẫu thuật mắt.

Con mắt phải của tôi ở trong tình trạng nửa sáng nửa tối như vậy cho đến khi tôi qua Mỹ đầu năm 1990 và được chữa trị bởi Bác sĩ Rose ở Los Angeles. Kết quả phẫu thuật không mấy thành công, có thể vì vết thương trầm trọng mà không được chữa trị sớm.

Tôi bắt đầu đến phòng khám của Bác sĩ Choy ở phố Tàu cách đây chừng 3 năm. Theo Bác sĩ Choy, mắt phải của tôi bị cườm nước (glaucoma) do chấn thương, nhãn áp cao, rất khó phẫu thuật. Ông cho toa mua 2 lọ thuốc, lọ lớn nhỏ mỗi ngày 2 lần, lọ bé nhỏ mỗi ngày một lần. Mỗi ba tháng tôi phải đến phòng mạch khám mắt. Bác sĩ Choy hầu như chẳng quan tâm gì đến con mắt tốt nhất của tôi, mắt trái, cho đến khi tôi đề cập đến chuyện mổ.

Việc đề cập đến chuyện mổ mắt này bắt nguồn từ… một phụ nữ Tàu.

Bà ấy trạc tuổi vợ tôi. Sáng nào bà ấy cũng chạy ngang nhà tôi, vừa tập thể dục vừa lượm vỏ lon, thùng giấy. Thấy bà sắp đi ngang, vợ tôi hoặc tôi thường đem lon và thùng giấy ra giao tận tay bà. Một hôm sau khi giao xong, tôi vào nói với vợ tôi:

- Người đẹp mà đi lượm rác.

- Đẹp gì mà đẹp. Tóc hớt như đàn ông, không hợp với khuôn mặt.

- Tui nói nước da. Mịn như vỏ trứng

Vợ tôi phá lên cười:

- Trứng voi. Da vậy mà mịn.

Tôi nghĩ vợ tôi...ghen nên không nói nữa.

Sau đó mấy ngày vợ tôi và tôi cãi nhau về cái bàn phím (keyboard) của computer. Bà ấy nói tại sao tôi có thể đánh máy trên cái bàn phím bám đầy bụi như vậy được. Tôi cãi lại:

- Bụi gì mà bụi. Mắt bị quáng gà rồi.

- Không biết ai quáng gà.

- Thôi, nhiều chuyện.

Tôi nói vậy nhưng rồi biết chắc đôi mắt mình đang có vấn đề. Vợ tôi không bao giờ ghen vì một lý do như vậy, cũng như chẳng bao giờ không thấy bụi bám trên keyboard mà lại nói thấy. Trong thời gian này khi lái xe tôi không nhìn rõ khi có xe chạy ngược chiều vào ban đêm hay ánh mặt trời phía trước. Khi đọc sách tôi thay đổi kính nhiều lần mà vẫn không đọc rõ được. Tuy nhiên nếu chỉ vậy thôi tôi cũng chưa yêu cầu bác sĩ Choy mổ mắt.

Cuối năm 2014 tôi qua Houston thăm mấy người bạn. Một đêm tôi đã lái xe vào con đường ngược chiều. Cảnh sát thấy được, hụ còi bảo tôi tấp vào lề đường. Sau khi xem bằng lái xe, cảnh sát không những không phạt, mà còn hướng dẫn tôi lái xe về nhà người bạn. Có lẽ cảnh sát thấy tôi từ Cali qua, lạ đường sá, nên tha. Việc này làm tôi nhớ lại chuyện phạt xe của Công an Giao thông Huế mà tôi nghe rất nhiều người nói lại: Công an Giao thông Huế cứ chăm chăm phạt xe mang bảng số Đà Nẵng chạy ra.

Sau khi ở Houston về tôi quyết định mổ mắt. Tôi không thể lơ là việc này nữa. Mắt tôi đã quen chịu đựng cảnh tăm tối trong 40 năm, đã quên mình đang ở trong tình trạng tồi tệ, đã an phận, cho đến khi thức tỉnh do những thông tin xác thực và những chứng cứ cụ thể ngay trước mắt. Đôi mắt tôi chẳng khác gì người dân quen cảnh đè nén, mất tự do dưới chế độ độc tài toàn trị, cho đến khi nổi lên làm cách mạng.

Nghe tôi yêu cầu mổ mắt, Bác sĩ Choy có vẻ trầm ngâm, xong hẹn tôi một tuần nữa đến gặp ông. Tôi về nhà để hết thì giờ tìm hiểu về việc mổ mắt, tìm hiểu trên mạng cũng như hỏi bạn bè. Ông Tám, người hàng xóm, nói:

- Nếu mổ mà mắt trái mà có vấn đề thì sao? Chuyện này trong muôn một mới xảy ra. Nhưng nếu xảy ra thì sao?

- Thì xem như “đêm dài một đời”.

Tôi pha trò nhưng cảm thấy như có một cục chì nặng ai treo trong lòng. Khó xảy ra nghĩa là có thể xảy ra. Nếu xảy ra thì sao? Thì thảm khốc hơn cả cái chết. Những công việc tôi dự định sẽ không thực hiện được. Sẽ chẳng bao giờ còn có một cuộc vui: Sẽ không có Họp Mặt Viết Về Nước Mỹ, không Lễ Tạ Ơn, không Giáng Sinh, không Tết… Chuyện viết lách cũng sẽ không còn nữa. Tôi sẽ là một gánh nặng cho gia đình và xã hội.

- Nói vậy chớ làm sao có chuyện rủi ro được. Bây giờ y học tiến bộ vượt bật -Ông Tám hình như đọc được tâm trạng tôi, nói an ủi.

Một tuần sau tôi đến gặp Bác sĩ Choy. Sau khi đích thân đo và khám mắt cho tôi, Bác sĩ Choy nói:

- Mắt trái ông bị đục thủy tinh thể, cần mổ; nếu không, DMV sẽ không cấp bằng lái xe. Quan điểm cho rằng bệnh thủy tinh thể đục chỉ nên được phẫu thuật khi chín muồi là không đúng. Phẫu thuật thường được thực hiện khi bệnh đục thủy tinh thể làm cho thị lực kém mà không thể điều chỉnh được bằng kính hay nhỏ thuốc, gây cản trở các hoạt động thường ngày của mình. Mổ sớm có lợi là mau hồi phục và ít rủi ro hơn mổ trễ. Rủi ro đáng sợ nhất là nhiễm trùng. Nhưng việc này không phải là việc khó đề phòng.

Bác sĩ Choy hẹn một tháng sau mổ tại Pacific Allian Medical Center. Cô y tá đưa cho tôi một văn kiện để ký. Tôi đoán biết văn kiện này nói gì. Chắc nó cần tôi ký xác nhận tự nguyện xin mổ, không đòi bồi thường nếu có rủi ro. Tôi nghĩ nếu có rủi ro, được bồi thường thì bồi thường này dù lớn đến đâu cũng không bằng con mắt tôi đang có dù là con mắt đục thủy tinh thể. Tôi ký ngay, không cần đọc. Sau đó cô y tá làm giấy giới thiệu cho tôi thử máu, chụp hình phổi, đo tim mạch. Một tuần trước ngày mổ cô ta đưa tôi 2 lọ thuốc nhỏ mắt, mỗi lọ nhỏ mỗi ngày 4 lần. Cô bảo tôi không được ăn uống sau 12 giờ khuya của đêm trước ngày mổ.

Thời gian này là thời gian tôi phân vân, ăn ngủ không yên. Ngày nào tôi cũng mở computer, search “Cataract surgery” để tìm hiểu thêm. Cũng như Bác sĩ Choy, những trang web đều cho nhiễm trùng là rủi ro tuy hiếm nhưng đáng sợ nhất. Ở Việt Nam có 10 bệnh nhân đi mổ mắt với hi vọng mắt sẽ sáng hơn. Nhưng năm người trong số đó phải chuyển viện vì nhiễm trùng, riêng một cụ ông bị khoét mắt do nhiễm trùng quá nặng. Trừ trường hợp đặc biệt, không bao giờ bác sĩ mổ hai mắt một lần, lý do chính là để nếu có rủi ro ở con mắt này, còn có con mắt kia. Có nhiều bác sĩ ở Việt Nam mê tín, sợ đến nỗi mua gà vịt về cúng trước khi mổ mắt. Đọc tới đây tôi lại sợ. “Con mắt kia” của tôi cũng đâu có khá gì. Tôi lại xem Youtube nói về mổ mắt. Youtbe mô tả rất kỹ việc này, phần nhiều là để quảng cáo. Bệnh viện mắt nào cũng giới thiệu phương pháp mổ Phaco (Phacoemulsification), phương pháp mổ tiên tiến và an toàn nhất hiện nay. Bác sĩ dùng một dụng cụ như mũi thương tí hon rạch một đường nhỏ chưa đầy 2mm, xong cho một dụng cụ khác vào nhũ tương hóa thủy tinh thể bị đục và hút nó ra. Sau cùng bác sĩ đặt thủy tinh thể nhân tạo vào. Vết mổ không cần khâu như trước đây. Thời gian mổ chỉ chừng 15 phút. Bệnh nhân nghĩ lại phòng mổ 1 tiếng đồng hồ rồi người nhà đón về. Tôi càng xem càng sợ. Xưa kia không sợ súng sợ đạn mà nay sợ cái dụng cụ mổ mắt, sợ nhất là “mũi thương” như mũi thương của Lữ Bố. Một hạt cát ở trong mắt mình đã thấy khó chịu, huống chi đây là “mũi thương” đâm vào mắt mình.


Tôi nghĩ biết đâu mắt mình lại “chiến trường thọ tử” do “mũi thương” này. Tôi đã từng gặp rất nhiều may mắn. May mắn lớn nhất là đã không chết và không cụt hai chân cuối tháng 4 năm 1975. Liệu tôi có tiếp tục được may mắn lần này nữa không?

Tôi đến gặp một anh bạn, người thích nghiên cứu về tử vi và bói toán, nói về việc mổ mắt và những e ngại của tôi. Anh ta chấm số tử vi cho tôi rồi nói:

- Anh có NHÂN tốt nên có QUẢ tốt.

- Anh nói rõ thêm được không?

Anh bạn nói nửa đùa nửa thật:

- Dù sao cũng đừng… xài QUẢ nhiều, có thể nó sẽ hết đi.

Tôi không có dụng cụ gì để đo lường xem “quả tốt” của tôi còn nhiều hay ít, nên không biết mình có đủ “quả tốt” để…xài lần này không. Để an tâm, tôi tìm hết người này đến người nọ để hỏi về việc mổ mắt, ngay cả tìm những người chưa hề nghe nói đến việc này.

Tôi còn gọi điện thoại hỏi Luân, anh thủy thủ mà bốn mươi năm trước đây đã bị bắn cụt hai chân.

- Sao Luân? Gần cả năm nay không liên lạc. Em khỏe không? -Tôi nói.

- Dạ, em vẫn khỏe-Luân nói, giọng vui mừng-Em có nhận được tiền anh cho. Có ký nhận.

- Anh biết rồi. À, anh muốn hỏi em.

- Gì anh?

- À, à… Hỏi cho vui thôi. À, nhưng đây là chuyện không vui. Em bị hai chân như vậy, còn anh thì con mắt phải gần như mù. Nói dại, thí dụ như mắt trái anh cũng bị mù, thì anh và em, ai đáng thương hơn?

- Anh nói sao? Anh bị tai nạn…

- Không, anh chỉ hỏi cho… vui thôi.

- Anh làm em hết hồn. Anh muốn nói mù một con mắt… rưởi và cụt hai chân, cái nào nặng hơn hả?

- Phải

- Thà em cụt cả hai chân, hai tay.

- Thôi, anh không mổ nữa đâu!

- Anh nói gì? Mổ gì?

- Không, anh chỉ nói cho… vui thôi.

Tôi định ngày mai đến Bác sĩ Choy xin trì hoãn cuộc mổ, nhưng rồi lại đổi ý kiến sau khi nghe vợ tôi nói. Vừa đi làm về bà ấy đã hỏi:

- Anh định khi nào mổ?

- Chắc phải dời ngày mổ.

- Sao vậy?

- Luân nói..

- Luân nào? Bác sĩ hả?

- Không, Luân bị cụt chân…

- À

Tôi kể lại cuộc điện đàm với Luân cho vợ tôi nghe. Nghe xong bà ấy phá ra cười:

- Anh lẩm cẩm rồi. Hay là anh bị bệnh gì… à rối loạn lo âu. Tui vừa đọc báo nói người có bệnh này lúc nào cũng có ý nghĩ bất trắc, không an toàn.

- Tui… tù mù một mắt. Nếu mổ mà mắt kia có vấn đề thì thà chêt sướng hơn.

Vợ tôi lại phá lên cười:

- Anh lái xe còn “hy vọng” mù thêm một con mắt nữa khi bị tai nạn. “Hy vọng” hơn rất nhiều trong việc mổ mắt, nhất là với cặp mắt tù mù của anh bây giờ mà lái xe.

Vậy là tôi nhất quyết mổ. Một ngày trước khi mổ, để an tâm hơn, tôi “thực tập” con mắt đã từng bị thương. Tôi lấy băng bịt kín con mắt trái, che thêm mắt bằng cái “băng hải tặc” (pirate patch) mà đứa con trai út đã dùng trong Lễ Halloween vừa rồi. Tôi đi bộ một vòng ra phố Tàu, không quên đem theo cây gậy, một loại đồ chơi còn để dành sau Lễ Halloween, rất giống cây gậy của người khiếm thị. Trời buổi trưa trong sáng. Tôi dễ dàng đi trên con đường Hill, rồi qua đường Broadway. Xe cộ thấy tôi vừa đi vừa khua gậy, đều tránh xa. Tôi đi được chừng 15 phút thì thời tiết thay đổi, mây kéo đến che kín cả bầu trời. Không gian tối sẩm lại. Lúc đến nhà vừa bước chân lên thềm, tôi vấp té ngã lăn quay. Cái thềm này cao hơn những cái lề đường mà tôi đã bước lên trước đó. Cậu con trai út của tôi ra mở cửa. Thấy tôi nó cười, nói:

- Hôm nay đâu phải ngày Halloween. Hôm nay mới đầu tháng Tư mà ba. Hay ba định “Cá Tháng Tư bằng hình” ?

Tôi cắt nghĩa cho nó biết tại sao tôi bịt mắt cầm gậy như vậy, nó cười lắt đầu. Tôi không hiểu nó nghĩ gì lúc ấy. Tôi nằm trên ghế sopha nghĩ ngợi. Tôi định sẽ nói với bác sĩ dời ngày mổ, nhưng khuya hôm đó tôi không ăn uống gì cả sau 12 giờ. Sáng hôm sau tôi đến bệnh viện. Tôi đi bộ vì nhà tôi ở gần đó. Vừa đi tôi vừa lẩm bẩm mấy câu thơ của Xuân Diệu

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.

Sau khi làm thủ tục giấy tờ, nhân viên bệnh viện bảo tôi nằm trên giường. Lại thử máu, đo tim mạch, đo áp huyết, có thêm cả việc chuyền nước biển. Ít nhất có 2 y tá thay phiên nhau làm những công việc này. Một y tá nhỏ thuốc vào mắt không biết bao nhiêu lần trong suốt một tiếng đồng hồ. Sau đó tôi được đẩy đến phòng mổ. Bác sĩ Choy vào chào tôi. Ông ta lấy cái băng lớn ràng đầu tôi vào thành giường. Tôi nằm im không hề có một phản ứng nào.

Chưa tới 15 phút sau, việc phẫu thuật hoàn tất. Bác sĩ Choy vuốt mí mắt tôi lên như vuốt mắt người chết không nhắm mắt, nhưng tôi vẫn thoáng thấy lờ mờ khuôn mặt cô y tá và cái đèn “không hắt bóng” ở phía trên. Thật không gì vui mừng bằng. Đây là giây phút đầu tiên tôi dùng “con mắt giả”. Nhưng nó đã bị băng lại ngay.

- Perfect! No problem -Bác sĩ Choy nói.

Ông bảo tôi sáng mai đến mở băng, mắt sẽ nhìn rõ hơn trước, nhưng thường từ 3 đến 4 ngày nó mới ổn định và nhìn rõ hơn nữa.

Tiếp theo đó, y tá lại nhỏ thuốc, rồi lại đo áp huyết...

Một lát sau con trai lớn tôi đến đón tôi về nhà. Đêm hôm đó, tôi vui mừng nhìn qua lớp băng khá dày, vẫn thấy được chút ánh sáng trăng bên ngoài cửa sổ. Nhìn cái đèn trong phòng, tôi thấy một hình thù lạ lùng như bức tường thành cổ Ai Cập do những sợi chỉ của miếng băng tạo thành. Thấy thêm được bất cứ cái gì qua con mắt này tôi đều vui mừng.

Sáng sớm hôm sau tôi đến gặp bác sĩ Choy. Tuy bác sĩ nói sau 3 đến 4 ngày mắt mới thật sự thấy rõ, nhưng ngay sau khi mở băng tôi đã thấy phòng mổ khác hẳn trước đây. Những đồ vật trong phòng không phải màu lá chuối héo úa như trước, mà là màu lá chuối xanh tươi. Bức tranh màu đỏ bầm có chữ Hán đen mà tôi không mấy thích, nay đã biến thành màu đỏ rực rỡ của hoa phượng với những nét chữ Hán sắc sảo. Cô y tá đưa tôi ba lọ thuốc bảo nhỏ mỗi lọ mỗi ngày 4 lần. Cô dặn tôi không được để nước vào mắt trái trong hai tuần đầu, không chạm tay vào mắt, không được cuối xuống quá lâu, không gắng sức làm việc. Cô đeo vào mắt tôi một cái kính màu lợt và bảo phải mang thường xuyên. Cô còn đưa cho tôi thêm một “cái che mắt”, bảo phải che mắt khi ngủ để mắt khỏi bị va chạm.

Tôi bước ra khỏi phòng khám. Dù qua mắt kính, ánh sáng bên ngoài vẫn rực rỡ. Bầu trời, cây cỏ, những tòa nhà, đường phố, xe cộ…vẫn là cảnh cũ nhưng trông khác đi, đẹp hẳn lên như có bàn tay của một bà Tiên phù phép. Tôi mạnh dạn đi qua bên kia đường, không quá cẩn thận nhìn chung quanh quá lâu như trước. Tôi thử nhắm con mắt vừa mổ lại, chỉ nhìn bằng con mắt trái, cảnh vật dường như cũng rõ hơn trước. Bước chân vào nhà, thấy cậu con đang xem TV, tôi hỏi:

- Con mới chỉnh TV hả?

- Đâu có, ba.

- Ba thấy mặt hình TV sáng hơn.

Không những cái TV sáng mà tất cả những gì trong nhà cũng sáng và sắc nét. Buổi chiều vợ tôi đi làm về. Tôi nhìn kỹ mặt bà ấy. Mặt bà ấy có nhiều vết nhăn hơn trước, nhưng bù lại da mặt trông hồng hào, khỏe mạnh. Tôi lấy gương ra soi mặt. Tôi không ngờ tôi lại già đến thế. Đến tuổi này như vậy là vui rồi.

Sáng hôm sau tôi lái xe lên Glendale. Đến đây tôi có cảm tưởng như trẻ lại 25 tuổi. 25 năm về trước tôi đã định cư tại thành phố này và lúc ấy mắt tôi còn sáng.

Tôi trở về nhà gởi email báo tin mừng cho các bạn trong nhóm Việt Bút biết tôi đã phẫu thuật mắt thành công. Vài anh chị em trong nhóm Việt Bút chúc mừng tôi. Họ nói đùa tôi là Ma có thêm con mắt thủy tinh. Tôi rất thích “Con Mắt Thủy Tinh” nên lấy bốn chữ này làm nhan đề cho bài viết. Tôi không thông báo việc này cho các bạn đồng niên biết, e họ nói tôi quan trọng hóa một việc mà họ đã trải qua từ lâu. Đối với tôi, đây là một chuyện quan trọng, một hạnh phúc hiếm hoi, không dễ gì những người trẻ tuổi và không từng trải qua cảnh tối tăm trong một thời gian dài có được.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
21/06/201703:04:14
Khách
Kính gửi tác giả, có đoạn này không được chính xác: "Tôi thử nhắm con mắt vừa mổ lại, chỉ nhìn bằng con mắt trái, cảnh vật dường như cũng rõ hơn trước. Bước chân vào nhà, thấy cậu con đang xem TV, tôi hỏi...."
mắt mổ là mắt trái, vậy lúc mổ xong phải nhìn bằng mắt phải
Chúc ông sức khỏe
06/05/201517:38:18
Khách
Tôi đọc nhiều bài VVNM cuả BTM, tôi nghĩ đây là 1 trong các bài viết nên đọc nhất. Ông cụ nhà tôi năm nay 80 tuổi nghe nói mổ mắt là giả lơ. Bây giờ mới chịu đi mổ sau khi đọc bài này. Bác sĩ nói mổ trễ cũng không sao nhưng mổ sớm tốt hơn. Nội dung bái viết hữu ích, hình thức lời văn mượt mà.
05/05/201514:55:08
Khách
Chuyện kể rất thật, lời văn đơn giản, nội dung đầy tình người, nhân hậu, không một lời hằn học oán hận ai đã gây ra cảnh gần như mù lòa của tác giả. Mong tác giả có những bài viết như vậy.
04/05/201522:04:05
Khách
Cám ơn cô Bảo Xuân. Tôi viết sợ không ai đọc vì ai cũng biết tôi không phải là. "nhãn sư" , nhưng cho đến nay có 1624 người ...để mắt đến, lại có Bảo Xuân khen. Không biết lần sau viết cái gì đây.
BTM
02/05/201514:53:03
Khách
Anh Bồ Tùng Ma
Tôi rất vui và mừng cho anh cùng gia đình. Chị bao giờ cũng đúng há?
Xin khâm phục cách viết tế nhị, có duyên, cảm động thắm thía và rất rõ ràng nầy. Cảm ơn anh đã chia xẻ một kinh nghiệm và giải tỏa sự lo âu của riêng tôi. Tôi cũng có một con mắt hơi "lơ đãng" rồi đó anh Ma.
Thân quí
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,309,730
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến