Hôm nay,  

Những Tờ Lịch Cũ

28/04/201500:00:00(Xem: 9521)
Tác giả: Song Lam
Bài số 4519-16-29919vb2042715

Với 12 bài viết trong năm, cho thấy một sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersy, một vùng rất ít cư dân Việt. Bài mới nhất của tác giả là chuyện về những tờ lịch nhục nhằn từ Tháng Tư 1975.

* * *

"Hình như mỗi người đều có cuốn lịch riêng của mình, trong nhà hoặc trong đầu. Tôi biết mỗi tờ lịch có câu chuyện riêng của nó, cả chuyện hôm qua, hôm nay, lẫn ngày mai. Câu chuyện của từng tờ lịch chung được gọi là lịch sử…"

(Nhã Ca -UC Berkely 25/2/2015).

I.

Trong ánh sáng lờ mờ của phòng chiếu phim, Kim Hiền chợt thấy bà Nam nhiều lần dùng cái chót của chiếc khăn quàng cổ chặm nước mắt. Ban đầu còn âm thầm nhưng chừng 15 phút sau, bà bật khóc thành tiếng. Tiếng khóc lúc đầu còn thút thít, lặng lẽ, sau đó lại nức nở, vỡ òa…

Chiều thứ bảy, Hiền chở bà Nam đi xem phim như đã hứa với bà tuần trước, trong khi Thế chồng nàng đưa ông Nam đi San Diego họp Hội Mũ Đỏ thường niên. Cuốn phim "The Last Days in Vietnam" được trình chiếu ra mắt đầu tiên ở rạp Edwards, thuộc thành phố Irvine, cách Little Saigon chừng 20 phút lái xe đã thu hút người Việt Nam đến xem đông đảo.

Lúc xếp hàng vào rạp, Hiền nhận thấy phần đông là người Việt Nam trung niên hoặc lớn tuổi. Cả người Mỹ cũng vậy. Có lẽ Hiền là một trong số ít người trẻ tuổi, dù nàng cũng xấp xỉ 40.

Phần thời sự và quảng cáo hơi lâu làm bà Nam sốt ruột. Khoảng 5, 7 phút sau phim chánh mới bắt đầu. Phim nói tiếng Anh, dĩ nhiên rồi, nhưng bà Nam đâu cần gì, có bé Hiền ngồi kế bên, có gì nó "thông dịch" lại.

Nhìn cảnh tượng bà Nam đã hiểu hết đâu cần thuyết minh hay phụ đề vì bà là nhân chứng của thời kỳ đau đớn của lịch sử nước nhà. Thước phim phản ánh trung thực tình hình Việt Nam trong những ngày cuối cùng của Đệ Nhị Cộng Hòa. Sài Gòn náo loạn chưa từng có. Những gương mặt thất thần, hối hả tìm đường di tản. Tiếng con nít khóc la thảm thiết vì lạc cha mẹ, tiếng người kêu khóc vì bị thương.

Đường phố Sài Gòn ngập tràn quần áo Treillis, nón sắt vứt bừa bãi, la liệt. Và xác người đâu đó vắt vẻo nửa trên nửa dưới bên thành cầu. Nằm sấp, nằm ngửa, nằm nghiêng. Cả Sài Gòn đầy máu và nước mắt. Cả Sài Gòn ngập ngụa khổ đau và tuyệt vọng… Hàng ngàn người dẫm đạp nhau đổ xô đến Tòa Đại Sứ Mỹ để cố lách vào cánh cửa sắt. Leo lên. Leo lên. Rồi chiếc trực thăng cuối cùng trên nóc sân thượng cũng cất cánh. Họ òa khóc, ôm nhau. Thất thểu ra về…

Ở Bến Bạch Đằng, cũng y như thế. Cũng hổn độn gánh gồng, bồng bế chen lấn, la hét gọi nhau. Chen lấn, xô đẩy xuống tàu di tản. Đi đâu? Ai mà biết được? Đi tìm cuộc sống hay cái chết? Không ai hiểu được! Những người may mắn leo lên được boong tàu, thất thểu ngồi sắp lớp như cá mòi. Có người rớt xuống sông, lóp ngóp bơi. Mặc kệ. Giờ này, phút này không ai có thì giờ nghĩ đến người khác.

Bà Nam khóc lớn, khóc mùi mẫn, không giữ gìn như lúc mới khởi đầu bộ phim. Bà đang sống với quá khứ 40 năm của bà, của nhân dân Việt ngày 30/4/75. Bà không còn thấy gì nữa vì nước mắt đã làm nhòe nhoẹt hình ảnh những tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa tự sát nằm sóng sượt trước Tòa Đô Chánh còn đầy đủ quân phục, quân hàm.

Bà Nam khóc, khóc như đứa trẻ.

Hiền quàng vai bà, vỗ về:

- Nín đi, nín đi Má Nam!

Đèn trong rạp bật sáng. Mọi người lục tục ra cửa. Kim Hiền khoèo tay bà Nam dắt bà. Nó sợ bà xúc động, xỉu luôn trong rạp thì nguy to. Nó nghiêng người, ngó thẳng vào mắt bà hỏi nhỏ:

- Má Nam, má "ô-kê" không vậy?

Bà Nam gật gật, gượng cười với con nhỏ. Ra xe, bà không nói gì, chỉ ngồi thừ ra, thở hắt.

Hiền là học trò cũ của bà Nam khi bà dạy học ở Sài Gòn năm cuối trước khi sang Mỹ. Năm ngoái, khi ông bà dự đám cưới đứa cháu ở San Diego, có vợ chồng Hiền trong tiệc cưới. Nó mừng rú và mời ông bà Nam về chơi nhà nó ở Little Saigon, Nam California. Từ dịp đó đến nay, vợ chồng nó cứ quấn quít ông bà Nam, coi như cha mẹ nuôi. Ban đầu nó cứ gọi bà là "Sư phụ", dần dần lại gọi bà là má Nam, gọi ông là ba Nam.

Bà Nam cảm động trước tình cảm của con nhỏ. Hồi đó, nó là học sinh giỏi của lớp, được bà "cưng" lắm. Mẹ mất sớm khi còn ở Việt Nam, Hiền theo gia đình chồng qua Mỹ 15 năm nay. Vợ là Y-tá ở bệnh viện, chồng là Nha sĩ nên cuộc sống hai đứa nhỏ này cũng tạm ổn, vững vàng.

Hai vợ chồng này rất dể thương, có đứa con trai 10 tuổi đẹp trai, thông minh. Tuần trước khi 3 đứa nó đón bà ở phi trường L.A. thằng nhóc cứ đòi ngồi kế bên "bà ngoại Nam".

II.

Phải, "những tờ lịch trong đầu" của bà Nam lại dần dần hiện ra, rõ mồn một.

Tháng 1/2015 ở Falls Church Virginia, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia cho chiếu phim "Thảm Họa Đỏ" để kỷ niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974. Xem phim đó, bà Nam cũng khóc hết nước mắt. Bà thương dân mình trước tội ác của cộng sản vô lương. Hôm nay, "The Last Days in Vietnam" lại thêm một lần nữa làm cho bà đau điếng. Quá khứ như là bóng ma chập chùng ẩn hiện trong trí não, khắc họa rõ nét trong tim bà. Bà Nam tưởng như trái tim bà có sợi dây vô hình nào trói chặt…

Bà nhớ rất rõ. Từ biến cố 30/4/75, cuộc đời bà đã rẽ sang ngả khác. Mọi toan tính tan tành. Lúc đó, bà vừa lấy chồng được nửa năm, đang dạy học ở trường trung học tổng hợp Nguyễn An Ninh đường Trần Nhân Tông, Quận 10 và đang mang bầu bé Na được 3 tháng.

Tình hình chiến sự gay go từ đầu tháng 3/75 với cuộc di tản bằng máu của dân và quân ở tỉnh lộ 7B từ Ban Mê Thuộc (Trung phần). Ông Nam cứ vắng nhà luôn vì những ca trực ở đơn vị. Bà phải về nhà cha mẹ ở Quận 4 nương náu. Ở một mình đêm hôm bà sợ, phần thai nghén hành quá, sức khỏe yếu không ai cậy nhờ. Thời đó, ở quận 4 đa số là dân nghèo, làm ăn lam lũ, ít hiểu biết về chính trị. Vì thế, sáng 30/4 trong khi mọi người tất tả tìm đường di tản thì đám dân nghèo này "phấn khởi hồ hởi" đi phá kho đường, kho gạo để "ăn hôi".

Quận 4 có nhà máy đường Khánh Hội, kho đường ở Bến Vân Đồn gần cù lao Nguyễn Kiệu, và kho gạo ở kho 5 đường Tôn Thất Thuyết. Con đường Nguyễn Khoái trở thành "dòng sông đường cát trắng". Đường, gạo ngập đường. Ban đầu còn lấy thúng, lấy bao nylon nhỏ, riết rồi họ vác luôn bao lớn, loại bao gạo chỉ xanh 50kg.

Mọi người nhớn nhác nhìn nhau.

Chỉ có gia đình cha mẹ bà Nam là hiểu rõ ngọn ngành, vì chồng bà, anh em bà đều ở trong quân đội. Mỹ cuốn cờ về nước. Quân đội Việt Nam tan hàng. Tổng Trưởng Dương Văn Minh giao quyền cho Bắc Việt trưa ngày 30/4/75 lúc 11:30.

Vài hôm sau khắp các hang cùng ngỏ hẻm xuất hiện nhiều thanh niên trẻ, non choẹt, mới hôm qua còn quét rác ngoài chợ, hôm nay đeo băng đỏ, vác súng AK đi rảo khắp nhà, kêu gọi đồng bào treo cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nửa xanh nửa đỏ. Treo cờ đi! Treo cờ! Treo cờ mừng ngày đại thắng! Tập hát đi bà con "Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng".

Mọi sinh hoạt ngừng trệ. Chợ búa không họp. Mọi cửa hàng đóng kín mít, chỉ mở he hé bán cho người quen mặt. Nhà nhà đóng kín cửa. Im re. Nín thở. Ông Nam về ở nhà vợ, buồn như chấu cắn, cơm nước chẳng buồn ăn. Ông không biết rồi sẽ ra sao số mệnh của những sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có ông. Lúc đó, ông mới 30, bà Nam 26. Bà Nam nhớ thật rõ ngày 30/4/75 nhằm ngày 19/3 năm Ất Mão.

Nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc đã có lần nói rằng "Mỗi người Việt Nam đều có trong lòng ngày 30/4". Lúc đó bà Nam là cô giáo Nguyệt Minh, cô giáo trẻ nhất trường Nguyễn An Ninh. Minh ra trường dạy học mới được hơn 3 năm, vui tươi như ánh bình minh rực rỡ. Nàng có được tất cả những gì mà bạn bè trang lứa mong mỏi: Tốt nghiệp đại học khi tuổi vừa 22, lấy chồng hiền đức có chức vị, gia đình danh giá. Tưởng là tương lai của nàng sẽ toàn là hoa gấm như ngày hội lớn. Nhưng từ đỉnh cao của danh vọng, người ta đã xô đẩy nàng rơi tõm xuống vực sâu, và không biết bao giờ mới lóp ngóp ngoi lên được.

Thời gian qua. Những tờ lịch bay vèo. Mười ngày đi học của chồng từ 22/6/75 sẽ không bao giờ có hạn kỳ. Nước mắt chảy xuôi bao đêm trường. Làm sao nói hết nổi đớn đau tột cùng của người vợ trẻ? Số tiền dành dụm của đôi vợ chồng ở Sài Gòn Ngân Hàng kể như mất trắng. Đứa con lớn dần trong bụng. Vì con Nguyệt Minh phải ráng sống từng ngày. Từng ngày. Từng ngày…

Tờ lịch vẫn rơi. Tờ lịch vẫn bay trong cuộc đời mọi người. Những tờ lịch nhục nhằn bút mực nào tả xiết?

Tháng 7/1979.

Được giấy phép thăm nuôi chồng sau 4 năm ròng bặt tin, Nguyệt Minh dắt bé Na nay đã gần 4 tuổi từ Sài Gòn ra Hà Nội trên chuyến tàu đêm Thống Nhất.

Tàu dừng lại ở Cà Ná một đêm trăng. Qua khung cửa sổ, Nguyệt Minh sững sờ. Trời ơi, trăng ơi là trăng, trăng sáng hơn bao giờ, chảy lai láng trên bờ biển Cà Ná. Bé Na say ngủ trong lòng mẹ. Người mẹ trẻ say ánh trăng vàng. Nàng cũng là trăng sáng đây. Là Nguyệt Minh đây. Sao cuộc đời mình đen tối quá vậy? Nàng bỗng vụt nhớ câu thơ cổ của Lý Bạch:

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương)

Nàng đang ngẩng đầu nhìn trăng sáng đây. Và cúi đầu tủi hổ phận mình. Cùng ở một quê hương, cùng một thứ tiếng, sao lại đối đãi nhau như kẻ đại thù?

Từ ga Hàng Cỏ Hà Nội phải đáp tàu ra Yên Bái. Nhờ chị Hà bạn đồng nghiệp về nghỉ hè ở Hà Nội cho hai mẹ con lưu trú một ngày ở nhà chị gần chợ Kim Mã, chờ chuyến tàu đi Yên Bái ngày hôm sau.

Trên chuyến tàu hỏa này Minh gặp nhiều cô, nhiều bà cùng cảnh ngộ. Chưa quen nhau mà đã tràn trề nước mắt tình thân. Cả bọn cùng xuống ga Ẩm Thượng, mọi người tay xách nách mang lục tục kéo nhau xuống bến đò Ngọc để qua bên kia sông.Từ đó phải lội bộ thêm 7 cây số nữa mới đến trại giam người.

Trời nắng to. Đường đi gai góc. Nhà thơ gia nô Tố Hữu từng lớn tiếng rêu rao:

Còn gì đẹp trên đời hơn thế?

Người yêu người, sống để yêu nhau.

Láo toét. Xạo ke. Nguyệt Minh muốn sửa lại:

Còn gì ác trên đời hơn thế?
Người giam người nơi cùng cốc thâm sơn!

Con đường từ Hà Nội ra Vĩnh Phú phải mất một ngày một đêm dong ruổi đường xa. Bên kia bến đò Ngọc là rừng núi bạt ngàn, địa phận của huyện Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú. Phía sau bờ rừng, chắn ngang bởi dãy núi Voi Phục là huyện Mê Linh, đất của hồn thiêng sông núi. Ngày xưa, nơi này hai bà Trưng dựng nghiệp chống trả quân xâm lược Đông Hán. Xe trâu là phương tiện di chuyển duy nhất ở đây. Theo truyền thuyết, tỉnh Vĩnh Phú với 99 dãy núi voi phục là 99 sứ giả của trời gởi xuống nhân gian.

Xe trâu chỉ chở lương thực và trẻ con. Người vợ lính đi bộ. Những gót chân son Sài Gòn phải bươn bả trên con đường đất khô khốc, ngoằn nghoèo không một bóng cây. Gian khổ thật. Nhưng cần gì! Nỗi nhớ thương nung nấu trái tim người vợ trẻ, bằng mọi cách phải đến thăm chồng đang đói lạnh ngoài kia.

Người vợ lính đi bên nhau, nhìn nhau như thầm nói: "Trời ơi, họ giam giữ người lính Việt Nam Cộng Hòa nơi thâm sơn cùng cốc, nơi chó ăn đá, gà ăn muối thế này sao?"

Chú trâu ốm nhách, chắc cũng mệt nhọc như người nên bước đi ì ạch, chậm rì. Người bộ đội điều khiển xe quất mạnh những lằn roi. Thoáng thấy ánh nước dưới vực, bất thần, nó lao xuống. Nhanh như chớp, chú bộ đội ngồi sau xe xốc nách mấy đứa nhỏ thảy xuống đường. Cổ xe lao nhanh xuống vực, đồ đạc lương thực lăn long lóc trên mặt đường. Bé Na, bé Thủy khóc ré. Hai bà mẹ ôm con, khóc theo. Trời ơi, nếu chú bộ đội không nhanh tay, hai đứa nhỏ sẽ ra sao?

Đường trưa vẫn nắng cháy.

Mãi cả tiếng đồng hồ sau đó, hai chú bộ đội mới lôi được cổ xe lên mặt đường. Một số lương thực ướt sủng dưới đầm nước. Bao gạo 10kg của Nguyệt Minh nước chảy ròng ròng trên đường đất gồ ghề, gập ghềnh bánh xe trâu. Hôm đó, Minh nhớ rõ ngày 22/7/1979.

Đến nơi, trời chạng vạng tối. Thân nhân người tù được ở tạm trong dãy nhà ngang trống hoác với vài ba cái giường ọp ẹp. Đệm chiếu ẩm mốc, ngai ngái mùi nước tiểu, mùi mồ hôi của nhiều người. Cũng đành thôi. Nhắm mắt qua đêm.


Đêm thật sâu. Ngoài ánh đèn vàng vọt hắt ra từ trại chỉ huy, và đường dẫn vào nhà thân nhân, đêm thật đen. Núi rừng về đêm khá lạnh, thấm đẫm vào da thịt mọi người.

Bỗng dưng gió lớn. Và mưa. Bão đến bất ngờ. Căn trại này lợp bằng lá cọ và dây lạt dừa nên tốc mái trước cơn gió giật đầu tiên. Mọi người choàng tỉnh. Hai đứa nhỏ sợ, khóc lớn. Các bà mẹ ôm con lùi vào một góc. Mưa xối xả. Gió thổi hù hụ. Nguyệt Minh và mấy người vợ lính ngồi ôm con chờ sáng, nước mắt hòa lẫn với nước mưa…

Tờ mờ sáng, mấy bà thăm nuôi mới đến được trại tù. Sau đó, “ban lãnh đạo trại” cho đám tù ra lợp lại nhà khách. May mắn thay, trong số đó có anh Nam. Sau này, Nguyệt Minh mới biết chồng nàng ở trong đội Lâm sản, nên công việc dựng nhà, chặt đốn cây rừng là "nghề của chàng".

Tim nàng đập loạn xạ khi thấy bóng chồng lầm lủi đi sau thằng cha trưởng trại. Thằng khứa này tên Chiến. Sở dĩ nàng biết rõ vì chiều hôm qua, trong lúc trình đơn xin thăm nuôi chồng có thị thực của hiệu trưởng trường Nguyễn An Ninh, có rành rành dấu đỏ của phường Lý Nhơn, Quận 4 nơi nàng ở, thằng khứa này cho biết. Khứa này cầm đơn đọc thật lâu (chắc còn phải đánh vần từng chữ). Mười phút sau, hắn tằng hắng lấy giọng:

- Chị là cô giáo?

Minh gật đầu. Hắn nhìn nàng, nhìn chăm bẳm nói tiếp:

- Thảo nào chị viết chữ đẹp quá!

Có lẽ thằng khứa này muốn nói thêm: "và chị cũng đẹp nữa!" nhưng chả "thắng" lại kịp! Mặt thằng khứa này quê trân, tối hù. Chắc chưa qua tiểu học.

Tên chiến nói làm chị tỉnh giấc:

- Anh Nam sẽ được gặp cháu bé 10 phút.

Không phải cha này tốt bụng gì đâu vì hôm qua Minh đã "lo lót" cho chả gói thuốc lào 888, gói trà thơm và nửa kg đường cát trắng trong giỏ xách nàng mang theo.

Minh nhìn chồng. Trời ơi, Nam của Minh đó sao? Gần năm năm xa cách, chàng ốm nhách, đen sạm, tiều tụy, rách rưới như kẻ ăn mày… chỉ có nụ cười không thay đổi dù hôm nay nụ cười ấy đau đớn, méo xệch. Nam ngồi xổm dưới đất, đưa tay đón bé Na, rưng rưng nước mắt vì từ lúc lọt lòng mẹ đến giờ, cha con chưa hề thấy mặt nhau.

Bé Na đứng yên, bối rối. Nó ngó anh Nam, rồi quay qua nhìn má nó. Bỗng nó lùi lại, níu tay mẹ và khóc mếu máo:

- Má ơi, má đổi ba khác đi. Ba này xấu lắm.

Nam nghẹn cứng ở cổ. Minh đứng như trời trồng. Thấy vậy, tên trưởng trại an ủi Minh:

- Thôi, chị ráng dỗ cháu. Sau khi xong lán trại tôi sẽ bố trí cho anh chị gặp nhau.

Quay qua Nam, hắn nói nhanh:

- Anh làm việc đi.

Nam lí nhí: "Dạ, cán bộ", rồi quày quả trở ra sau nhà, lẫn vào đám bạn tù.

*

Về Sài Gòn cả tháng sau, Nguyệt Minh vẫn chưa quên lần thăm Thủ Đô Hà Nội "không tiền khoáng hậu" đó. Ròng rã năm ngày bốn đêm từ Sài Gòn ra Vĩnh Phú gian khổ quá trời quá đất chỉ đổi lấy một tiếng đồng hồ thăm gặp. Cơn bão lớn phá nát lán trại, khu tiếp tân cũng thế. Nên đất nhảo nhoẹt vì nước mưa, mái sập, bàn ghế gãy đổ long lóc. Mọi người phải chờ thêm một ngày để đám bạn tù lợp lại nhà, đóng lại bàn ghế, dù là rất sơ sài. Hôm đó, sáng chủ nhật 24/7/1979.

Tay dắt bé Na, đứng trước "nhà tiếp tân", Minh thoáng thấy Nam rảo bước vào cổng. Theo sau lưng chàng là một công an gái đeo súng AK áp tải. Con nhỏ công an trắng trẻo, xinh đẹp, trẻ lắm, chừng 18, 19 tuổi. Vẻ mặt sắc lạnh, nó gằng giọng nói với nàng:

- Chị gặp anh Nam một tiếng, đúng một tiếng. Nó nhấn mạnh ba chữ "đúng một tiếng".

Mấy chục năm rồi nhưng giọng nói rặt âm Hà Nội 75, sắc mặt đầy vẻ hận thù ấy vẫn còn rõ rệt trong tâm trí Nguyệt Minh.

Lúc đó, mỗi gia đình ngồi vào một góc bàn cáu bẩn, đen xỉn. Ngồi đối mặt nhau. Con nhỏ công an ghìm súng đứng một góc nhà. Ngoài cửa còn có hai tên quản giáo ngồi canh. Y như chó canh nhà chủ. Minh và Nam nhìn nhau chua xót. Làm sao nói được những gian khổ của nhau? Tụi nó đang rình mình như rình ăn trộm. Mọi người chỉ thăm hỏi lấy lệ. Hôm nay, Nam ăn mặt chỉnh tề, đầu tóc chải gọn. Bộ quần áo ngày rời Sài Gòn cách đây gần 5 năm hãy còn lành lặn, nhưng rộng thùng thình. Đói lạnh triền miên mà. Minh dắt tay bé Na lại ngồi gần ba nó. Bé Na không còn sợ hãi, lùi lại như hôm qua, có lẽ nó thấy Nam gần giống với tấm ảnh mà má nó chỉ cho xem hàng ngày. Nam ôm chầm con gái, nước mắt nhỏ giọt trong khi bé Na ngước mắt nhìn ba nó, không nói gì. Ôi, giọt nước mắt của người tù, phần thương vợ thương con, một phần khác chắc cũng xót thương cho đất nước, cho thân phận của riêng mình. Nguyệt Minh cố dằn lòng, nuốt nước mắt. Và khi hai mẹ con tất tả xuôi Nam, nước mắt nàng thêm một lần xối xả như mưa trên chuyến tàu đêm từ ga Ẩm Thượng trở về Hà Nội.

Tờ lịch vẫn lạnh lùng rơi.

"Mỗi người trong lòng đều có một ngày 30/4". Riêng với Nguyệt Minh, đời nàng có đến hai lần ngày oan nghiệt đó: 30/4/1975 và 30/4/1980.

Phải, thân phụ nàng, ông Ba Ngà, qua đời đúng vào sáng ngày 30/4/1980 nhằm ngày 16/3 năm Canh Thân, khi ông chỉ mới 64 tuổi. Cuộc đời ông bần hàn cơ cực với bầy con 11 đứa. Với ước mong nuôi dạy con nên người, có được trong tay mảnh bằng đại học. Khi ông mất, dân tộc ta mất miền Nam năm năm, khi thằng con út mới 16 tuổi. Ông mất đi khi "giấc mộng chưa thành".

Có lẽ nỗi buồn đau tuyệt vọng khiến ba Nguyệt Minh lâm vào trọng bệnh. Tâm bệnh thì không có thuốc nào chữa nổi. Hai đứa con trai, một đứa con rể bị "lùa" vào tù không có hạn kỳ để lại con gái, con dâu, cháu nội, cháu ngoại còn măng sữa liu chiu, lít chít đói khổ, bơ vơ. Của cải chắt chiu cả đời tan tành như bọt nước: ruộng đất tiêu tán, cửa hàng buôn bán bị nhà nước trưng thu, gia đình ông thực sự bị phá sản từ sau 75.

Ông nghĩ rằng đã năm năm rồi, người ta sẽ thả các con ông nhân ngày lễ lớn. Ông ngày đêm hy vọng. Từng giây phút chờ mong. Trong cơn mê sảng, ông hỏi mọi người: "Thằng Hải lớn, thằng nhỏ, thằng Nam… tụi nó về chưa?". Chỉ có những giọt nước mắt lặng lẽ.

Trong giây phút lâm chung, cả nhà đang quây quần bên giường người sắp ra đi, thì thằng cha tổ trưởng dân phố và tên công an khu vực hò hét inh ỏi: Treo cờ, bà con treo cờ đi nghe. Treo cờ chưa? Treo cờ ngay, mau lên, treo cờ mừng ngày đại thắng!...

Đau đớn tiếp nối đau đớn, tủi nhục tiếp nối tủi nhục… và cả nước tiếp tục đói khổ.

Một hình ảnh gây xúc động mãnh liệt cho họ hàng, bạn bè, chòm xóm láng giềng trong tang lễ của cha Nguyệt Minh, đó là thằng bé 5 tuổi (sanh tháng 6/75) con trai anh Hải lớn, anh trai Nguyệt Minh. Nó ngơ ngác đi sau di ảnh người quá cố, trên tay bưng một mâm thau đựng ba bộ đồ tang của người vắng mặt, ba người lính Việt Nam Cộng Hòa đang bị án khổ sai ở miền Bắc, sát biên giới Việt-Trung. Họ còn đang đói lạnh hàng giờ, hàng ngày, không hề biết có ngày về lại gia đình với cha, mẹ, vợ, con hay không.

Tờ lịch vẫn lạnh lùng rơi.

Tháng 3/84, Nam được thả. Hai tháng sau, anh Hải lớn cũng được ra tù. Cuộc đời lại ruổi dong vào cảnh khác. Mấy anh em lao ra chợ trời kiếm sống vì cái lý lịch "tù cải tạo" còn làm được việc gì trong chế độ này?

Chợ trời mọc lên như nấm gặp mưa khắp vùng Sài Gòn: Chợ Cũ, Hàm Nghi, Lê Thánh Tôn, Tân Định… Đủ mọi thứ trên đời, trong nhà có gì, còn gì đem ra bán hết. Thuốc lá, thuốc Tây, quần áo sida, đường, sữa, bột giặt, kem đánh răng… từ nước ngoài "viện trợ" cho thân nhân. Rồi băng dĩa. Gạo mắm… Và phong trào vượt biên rầm rộ hơn bao giờ hết.

Nguyệt Minh vẫn đi dạy để giữ chồng ở lại Sài Gòn. Nếu không có hộ khẩu vợ con, người tù phải cấp bách đi vùng kinh tế mới. Thôi ráng thêm. Ráng nhịn thêm chút nữa. Lúc này vợ chồng Nguyệt Minh có thêm đứa con gái thứ hai, con bé Ti.

Đầu năm 89, rục rịch, rậm rịch với chương trình H.O.: Mỹ đưa tù cải tạo sang Mỹ. Tin này lan ra nhanh chóng. Người tù chùm nhum bàn tán, hy vọng. Và chương trình này là cánh tay vượt đại dương đã cứu vớt hàng chục ngàn gia đình người lính chế độ cũ sang định cư ở Mỹ từ đầu những năm 90.

Tháng 3/92 vợ chồng Nam-Nguyệt Minh bắt đầu cuộc đời mới nơi xứ người. Lúc đó, bé Na 16 và bé Ti 7 tuổi. Khi chiếc Air Vietnam ì ạch lướt qua khỏi không phận Việt Nam đến trạm đầu tiên là trại Sam-plu (Thái Lan), Nguyệt Minh đã mượn tên bài hát của Nhạc sĩ Nam Lộc thầm nhủ với lòng mình: "Sài Gòn ơi, vĩnh biệt".

III.

Mười ngày phép ở Cali trôi qua thật nhanh. Mới đó mà ông bà Nam đã về lại Falls Church gần hai tháng. Bây giờ đã là tháng 4/2015. Hoa Anh Đào đã nở rộ cùng khắp ven bờ sông Potomac. Hàng triệu du khách đến nơi này hàng năm để mừng "Lễ Hội Hoa Đào".

Trước khi đi làm, bà Nam đã pha sẵn cà phê và điểm tâm sáng cho chồng. Ông làm việc cho hãng máy bay, nghĩ cuối tuần, trong khi bà làm nhà hàng nên ngày nghỉ của bao người là ngày bận rộn của nhân viên. Ông Nam ngồi tư lự hàng giờ sáng nay, ly cà phê nguội ngắt. Năm nào cũng vậy, cứ tháng 4 là ông thấy bần thần, tâm trạng không vui. Tháng 4 gợi nhớ. Tháng 4 đau buồn. Hơn nữa, năm nay là tròn 40 năm, ngày mất miền Nam, và ông đã trở thành "người lính già thua trận". Lần gặp anh em cùng binh chủng ở Cali, nhắc chuyện xưa, ai cũng ngậm ngùi…

Tháng 4. Ông nhớ lại Sài Gòn năm xưa. Tháng 4. Ông nhớ lại những ngày chiến đấu bên bằng hữu, đồng đội. Tháng 4 của mất mát, chia lìa. Tháng 4 của "nằm gai nếm mật". Những cái chết oanh liệt của "người ở lại charlie" Trần Đình Bảo đầu tháng 4, hay của Nguyễn Văn Lộc, Tướng Nguyễn Khoa Nam, Hồ Ngọc Cẩn… từ 40 năm qua vẫn còn xót lòng xót ruột của biết bao người. Và biết bao người chiến sĩ vô danh khác đã gởi xương máu mình nơi rừng núi thâm u. Lắm lúc, ông cũng tự trách mình.

Bây giờ, các con đã lớn khôn. Vợ chồng ông cũng đã già, đang thập thò bên bờ sinh tử. Có điều an ủi đôi chút với ông, thế hệ thứ hai, các con cháu của những người lính thua trận 40 năm trước, nay đã trưởng thành, góp phần phát triển xã hội Mỹ mà họ coi là quê hương thứ hai của mình.

Ông cũng nghĩ đến bà Nam, Nguyệt Minh vì ông mà cả đời lận đận, cho đến bây giờ chưa có được một ngày thảnh thơi vì còn phải lo cho con, cho cháu. Ông nói thầm thì: "Nguyệt Minh ơi, tôi thật có lỗi với bà".

Bỗng nhiên, ông cảm thấy có gì mằn mặn trên môi. Giọt nước mắt của tình yêu và hạnh phúc trong lúc hoàng hôn bóng xế của cuộc đời? Ông đã rảo cẳng, dù đi chưa hết cuộc đời mình, sao bỗng thấy mòn hơi, mỏi tiếng?

Phone reo. Tiếng ông C trong ban tổ chức Lễ Kỷ Niệm 30/4 rổn rảng trong điện thoại. Ông ấy nhắc lại buổi họp tối nay ở Kobe House của Thụy Vũ. Lễ kỷ niệm 30/4 năm nay mở rộng với các đoàn thể, hội đoàn, các binh chủng bạn các nơi về tham dự nên ban tổ chức phải huy động nhiều nhân lực. Hoạt động của tập thể người Việt ở đây rất rầm rộ và cũng không thiếu những tấm lòng nhiệt tình, đoàn kết của người Việt quốc gia khắp nơi, ông Nam tin chắc buổi lễ sắp tới đây sẽ ghi đậm nét son của người Việt lưu vong sau 40 năm gian khổ nơi xứ người.

Nghĩ đến chương trình buổi lễ, ông Nam có chút reo vui trong lòng. Nguyệt Minh có chút sở trường về văn viết, ông sẽ nhờ bà góp ý cho nội dung, ý nghĩa của buổi lễ Truy điệu và Đêm canh thức. Ông sẽ mặc lại lễ phục, đội lệch chiếc mũ đỏ của binh chủng để hỏi vợ coi ông còn đẹp trai như ngày trước không? Ông mĩm cười một mình. Ừ, bả cũng nói hoài với mọi người rằng "vì tui mê cái mả đẹp trai của ổng mà khổ sở cả một đời tui đây nè!"

Ông Nam lại nghĩ thêm. Ừ há, buổi lễ hôm đó sẽ đông đảo lắm, cảm động lắm nghe. Và ông giật mình. Nguyệt Minh dể xúc động lắm, chắc bả sẽ khóc. Chắc chắn rồi, còn gì phải nói nữa! Ông nhớ ra rồi, hôm ở Cali, bả đi xem phim "The Last days in Vietnam" chiều tối thứ bảy với con nhỏ Kim Hiền, nó nói bả khóc quá trời. Hèn chi. Hèn chi sáng hôm sau khi từ San Diego về với Thế, chồng Hiền, ông Nam còn thấy đôi mắt của bà vợ ông sưng húp.

16 tháng 4 năm 2015

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
26/11/201521:07:53
Khách
Tôi thấy hình bóng của tôi và gia đình trong " Những Tờ Lịch Cũ" của Tác giả Song Lam. Cảm ơn Cô Linh thật nhiều!
23/07/201522:44:21
Khách
Xin sửa lại chi tiêt trong bài viết: Phân đoạn II; dòng thứ 10: Từ biến cố 30/4/75; thay vì 34/4/75 (lỗi typo nhỏ; nhưng cần sửa). Cảm ơn!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,509
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.