Hôm nay,  

Ông Đi Tù Mạnh Giỏi

08/04/201500:00:00(Xem: 12785)

Tác giả: Phan
Bài số 4503-16-29903vb4040815

Tác giả của giải “á hậu” Viết Về Nước Mỹ 2013. Ông là một nhà báo quen biêt trong nhóm chủ biên các tạp chí, tuần báo Việt ngữ tại Dallas, thường góp bài viết cho giải thưởng. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Sáng nào chúng tôi cũng có buổi họp đầu ngày. Mọi người tập trung trước tấm bảng nhỏ, gắn trên tường, nhưng nó chứa đựng hết mồ hôi nước mắt của đám công nhân trong ngày hôm đó. Lẽ ra không cần sếp thì mọi người cũng biết được kế hoạch làm việc hôm nay, và thành quả hôm qua của chúng ta như thế nào? Nhưng ông sếp ăn lương nói thì phải có mặt để nói mỗi sáng. Dù những lời ông nói sáng nay không khác gì sáng hôm qua. Và sáng mai, ông cũng chỉ lập lại bấy nhiêu lời. Đại khái, ông chỉ tay lên góc bảng, có hai hàng số, màu đen bên trên là kế hoạch hôm qua; màu đỏ bên dưới là con số sản phẩm làm được. Ông sẽ nói, “Hôm qua, chúng ta đã không đạt được sản lượng theo kế hoạch của nhà máy. Tiếp theo là con số lớn ghi giữa bảng, là kế hoạch của hôm nay. Mọi người cố gắng hoàn thành…

Đúng là không cần sếp, nhưng mọi người vẫn thông cảm cho việc làm của ông, nên ông cũng rất thông cảm cho chúng tôi, là không nhất thiết phải nghe ông nói. Cứ tự nhiên cáp độ thể thao theo mùa đang diễn ra trên tivi. Giờ giải lao hôm nay là chung độ hôm qua; và độ hôm nay thì mai chung; chỉ một lon nước giải khát, nhưng lại làm cho không khí hoà đồng hơn trong việc làm, mọi người được vui vẻ nên vất vả và căng thẳng từ áp lực bởi công việc cũng giảm đi. Ngay ông sếp sau khi “trả bài buổi sáng” cũng tìm người cáp độ một lon coke cho ngày mai để quên đi một ngày như mọi ngày đều dài đăng đẳng…

Trong cái chung của đám đông ấy, có nhóm nhỏ lạ lùng là hai tay Mỹ đen làm chung với tôi. Thằng Ebola-Kenya thích cá độ với tôi về sức tiên đoán; thằng Jamaica thì chỉ ăn theo. Cứ mỗi khi có người mới vô làm, sếp sẽ giới thiệu người mới với mọi người vào buổi họp đầu ngày. Nó liền cáp độ với tôi một lon coke vì tôi thắng nó nhiều rồi nên hễ có người mới là nó muốn phục thù!

Độ như thế nào?

Đơn giản là tôi nhìn người mới vô, tôi nói, “người này sẽ không làm việc ở đây quá một tuần, hai tuần, hay một tháng...” Nếu người đó làm được lâu hơn thời gian tôi tiên đoán thì tôi thua hai lon coke cho hai đứa. Nhưng người tôi đoán nghỉ trước thời hạn thì hai đứa nó chỉ thua chung cho tôi một lon coke.

Tôi biết thằng Ebola-Kenya muốn mua rẻ cái kinh nghiệm nhìn người của mình, còn thằng thằng Jamaica thì chỉ ham vui. Nên cách nay chừng ba tháng, một sáng tờ mờ. Ông sếp giới thiệu một người mới; là một ông già Mỹ đen, chừng sáu mươi tuổi. Thằng Ebola với thằng Jamaica nhìn tôi nên tôi nhìn ông ấy cho kỹ hơn một chút để cáp độ!

Ông ấy tên là Ruby, người cao lớn. Nhưng trong mắt tôi là một người... không thích hợp với công việc nơi đây! Bởi ngoài cặp kính cận quá dày - ông này không làm được việc cần tinh mắt; lanh tay thì hai bàn tay ông ấy như hai nải chuối, sẽ không làm được việc cần chính xác như đôi bàn tay của người châu Á. Ông lại sở hữu cái bụng và mông quá lớn, làm cho cột sống biến dạng, và sức nặng toàn thân đè lên hai chân lại nhỏ; hai đầu gối có vẻ yếu… Chỉ nhìn ông thôi đã có đầy đủ thông tin về việc ông không thể đứng máy từ tám tới mười tiếng/ ngày…

Nhưng ai cũng có điểm tốt, sao cứ nhìn vào khuyết điểm của người ta. Nên tôi chấm ông ấy được cái miệng! Sau khi được giới thiệu, ông bắt tay chào hỏi từng người. Vẻ thật thà, hiền lành của ông là điểm mạnh…

Tôi ra độ, “Ông này tự nghỉ sau một tháng!”

Ông ấy làm được vài ngày, thằng Jamaica “chơi bùa” cho máy đứng. Nó chạy lại chỗ tôi để hăm dọa, “… lần này mày thua tao với thằng Ebola rồi! Tao nhìn ông Ruby còn đoán được hết tuần là ông ấy nghỉ luôn. Sếp đưa ông ấy đi thử việc trong ba ngày tới sáu chỗ làm. Chẳng chỗ nào ông ấy làm được. Vậy mà mày cho ông ấy tới một tháng…”

Nhìn thằng nhóc dễ thương, hiền lành. Nó giỏi, thật thà, lanh lợi, siêng năng… một chút ma giáo như biết chơi bùa cho máy đứng để trả lời tin nhắn cho bạn gái, chẳng qua là đám già dạy mánh cho nó thôi! Tôi nói với nó, “Mày đúng một phần thôi! Mày có thấy ông ấy mang đôi giày mà thấy được mấy ngón chân ông ấy, nghĩa là đôi vớ bên trong cũng rách… Ông ấy tự biết là không làm nổi ở đây, nhưng vì cần tiền nên dẹp tự ái qua một bên. Tao ra giá cho ông ấy một tháng là vậy! Chừng ba tuần, mày thấy sếp đưa ông ấy xuống làm với tao - là ép ông ấy tự nghỉ! Vì làm với tao thì cần người lanh lợi như mày, thằng Ebola… nhưng thằng nào giỏi thì đã đứng máy chánh ở chỗ khác. Mày có thấy chỗ tao là chỗ đuổi người không? Ai bị đưa tới chỗ tao, cũng chỉ vài ngày là tự nghỉ!”

“Thiệt hả? Hèn gì! Thằng Rebecca giỏi quá chừng mà làm với mày cũng được vài ngày. Nó nghỉ luôn.”

“Mày nói đúng. Thằng Rebecca giỏi. Nhưng nó là dân New York, đâu dễ ăn hiếp. Ép nó thì nó bung! Thằng đó giỏi, nhưng nó làm hai job nên thiếu ngủ. Và sếp sợ tai nạn… mày hiểu chứ?”

Dù sao thì ông Ruby cũng đã làm tôi thua một độ lớn. Vì thằng Kenya quỷ quyệt… như vi trùng Ebola. Nó bàn với thằng Jamaica hồi nào không biết, hai thằng đổi độ coke thành độ bia. Nếu ông Ruby nghỉ trước một tháng thì thằng Kenya thua sáu chai bia, thằng Jamaica thu mười đồng cánh gà chiên cay ở tiệm Wings Stop. Và ngược lại, tôi thua cả bia lẫn cánh gà.

Ừ thì chơi vui với anh em. Tụi nó không hiểu điều đôi khi tôi nghĩ riêng! Nhiều hôm hai thằng nó chạy qua chạy lại để làm phần việc của mình chỉ vì đêm qua ngủ mê, sáng dậy xụi lơ cánh tay, chẳng làm ăn được gì. Là những lúc tôi nghĩ về những năm tháng sống ở Mỹ, cố gắng cho con ăn học để không phải đi làm cu li như hai thằng nhóc này. Nhưng khi thực sự cần giúp đỡ thì hai thằng nhóc không bà con lại giúp mình hết lòng, hết sức, chứ không phải con mình. Từ suy nghĩ thành tình cảm muốn thua độ cho tụi nó vui, là điều tôi thầm lặng!

Lần này được may mắn thua. Tôi lôi hai thằng nó về nhà chung độ cho thoải mái hơn ra quán.

Tôi về sớm một tiếng để nướng thịt bò. Hai thằng nhóc vui lắm, vui mấy ngày từ khi tôi nói ra. Tụi nó vui hơn được ăn nhậu là được mời. Thằng Jamaica khoe với bạn gái là một người Việt Nam mời nó tới nhà, rồi chuyển tin nhắn đó cho tôi đầy hãnh diện là bạn gái nó chúc vui, và không quên dặn dò nó phải đàng hoàng đó nha!

Thằng Kenya cũng cày hai job, đi xe năm trăm, ăn tối năm đồng, nhưng nhín ra một chút cho bữa trưa mai. Vì cha chết theo phiến quân, mẹ nó bệnh hoạn quanh năm ở quê nhà, vợ bỏ bởi nghèo, con trai ở tù vì ma túy khi mới mười lăm tuổi. Nó còn sống được vì có đứa con gái đi du học bên tây nhờ học giỏi, được học bổng. Nhưng là con gái nên rất cần tiền quần áo, ăn ở, và mua sách học…

Tôi sinh hoạt báo chí nên cũng thường ngồi chung bàn với giới nghệ sĩ, trí thức, quyền chức, điều học hỏi được từ họ là nhiều cách để thăng tiến; nhưng ngồi bàn với giới lao động thì lại học hỏi được từ họ tính lương thiện…

Mọi chuyện vỡ lở ra, đúng là thằng Kenya quỷ quyệt. Nó gọi tôi trước là ông Ruby đi làm chung xe với nó nên nó xin phép đưa ông ấy đến nhà tôi luôn, được không? Bằng không, nó chở ông ấy về rồi trở lại sau. Tôi không thích tiếp khách không mời, nhưng thích sự thẳng thắn của Kenya nên mời luôn ông Ruby đế nhà tôi.

Ông ấy xin lỗi tôi về sự có mặt bất đắc dĩ của ông ấy khi bước vào nhà. Sau đó không ăn, không uống gì hết. Ông chỉ ngồi nhìn chúng tôi khua dao múa nĩa, cụng ly; Ông uống mỗi một chai nước trắng suốt buổi nhậu, vì trong người có nhiều bệnh nên ông kiêng khem. Điều ông làm tôi xúc động là lúc tiễn khách, ông thay mặt hai thằng nhóc cảm ơn tôi thật nhiều về bữa ăn, cảm ơn tôi không phân biệt đối xử…


Ông Ruby chu du thêm hai tháng trong hãng với mọi việc không xong vì ông chẳng làm được việc gì. Thằng Kenya không muốn nói nhiều về ông hôm gặp nhau ở nhà tôi. Nhưng nó không biết là tôi thích ráp puzzle. Sau ba tháng, những chuyện vặt hàng ngày như những miếng puzzle, tôi ráp lại thành chân dung ông Ruby. Ông ấy bệnh hoạn từ nhỏ nên không vợ con. Khi không còn cha mẹ thì ông sống qua ngày với việc quét dọn cho một cây xăng trong downtown. Ông ở share phòng nhiều năm nhiều tháng trong một căn apartment. Bởi là người hiền nên khi người bạn cho ông share phòng dọn đi nơi khác, đã nhường cho ông căn apartment một phòng ngủ với giá mướn khá rẻ là chỉ có ba trăm đô la/ tháng. Từ đó ông cho thằng Kenya và thằng bạn đồng hương của nó share phòng. Tiền phòng với tiền điện nước chia ba.

Tôi lắp ráp puzzle được cả chuyện thằng bạn của thằng Kenya cho ông ấy xài điện thoại miễn phí vì ông ấy quá thèm có một cái điện thoại như người ta. Nhưng không chứng minh được là ông gọi ai; ai gọi cho ông mà cần điện thoại? Ngay công việc của ông ở cây xăng cũng bị đuổi luôn sau khi đổi chủ, thì ông gọi cho ai…?

Cái ma giáo duy nhất của ông Ruby là ông nêu lý do: Ông có bạn gái nên cần cái phone để hú hí đêm khuya… Thằng đồng hương của Kenya không chịu nổi sự nài nỉ của ông, nó cần ngủ khi về tới nhà để có sức đi cày. Nó đành mở cho ông một cái điện thoại “add-second phone” để được ngủ.

Ông Ruby có phone để khổ vì không biết gọi ai, không ai gọi ông. Ông ấy chỉ có số phone của hai thằng nó nên ba thằng điên chung. Tụi nó điên vì ông ấy gọi hoài; ông ấy thì điên vì tụi nó không chịu bắt phone…

Tai họa từ cái phone là ông ấy giở báo ra gọi những người đăng báo bán tivi cũ, vậy là căn phòng có tới ba cái tivi cho ba người. Tình cảm của ông dàng cho hai thằng roommate phải ra khỏi nhà từ bốn giờ sáng và trở về không trước mười một giờ đêm mỗi ngày thì còn giờ đâu để xem tivi; Ông ấy không nghĩ tới nên giận hờn, bỏ chơi tivi. Ông chơi xe…

Và một hôm thằng Kenya biết được ông ấy đã mua cái xe hơi hết ba trăm đô la. Nó bàn với thằng bạn đồng hương của nó không share phòng nữa, hai thằng nên tránh ông ấy như tránh trước hiểm hoạ từ cái xe sẽ gây ra. Bởi ông ấy chỉ có chút đỉnh tiền foodstamp thì phải để dành mua thức ăn. Tiền đâu mua bảo hiểm xe, đổ xăng, và lái đi đâu để có tiền đổ xăng, mua bảo hiểm xe…?

Thằng Kenya này tính toán thầy chạy lắm, vì hoàn cảnh của nó thôi. Nhưng nó lại yếu về mặt tình cảm; thương khó nên bỏ nhau không được! Nó bỏ đi thì ông Ruby không kham nổi tiền phòng, nó lại không muốn biến ông ấy thành homeless.

Nhưng đối phó với tai họa ông mua xe được chưa đầy tháng thì đã sưu tập về đủ bộ giấy phạt của cảnh sát. Nó đành to nhỏ với sếp để xin cho ông đi làm chung với nó, không gì ngoài mục đích sáng nó chở ông đi, chiều nó chở ông về, rồi nó đi làm ca tối với lòng tin ông đã hết pin sau một ngày làm thì đi ngủ chứ không xách xe chạy rông…

Thằng Kenya này quỷ quyệt giấu chuyện ông Ruby là người của nó nên nó cáp độ lớn với tôi là vậy! Nhưng tôi chỉ nghĩ tới lòng tốt của nó không thọ từ hôm sếp đì ông Ruby xuống làm với tôi, nó đã dư hiểu cái cách đuổi người tế nhị ở hãng này. Bởi người giỏi thì đã điều đi chỗ khác để đứng máy chánh. Còn cánh phụ việc mà bị điều tới chỗ tôi là coi như lên ghế điện.

Ông Ruby được điều đến thay cho Rebecca đào tẩu. Tôi hiểu, Kenya hiểu, Jamaica còn hiểu; vậy mà ông Ruby không hiểu! Ông vui vì không ai welcome ông như tôi. Ông nói, “tao làm từ đầu line tới đây là cuối line. Có một mình mày welcome tao. Tao sẽ cố gắng hết sức để không bị đuổi việc, và làm phiền thằng Mike (sếp) thêm nữa. Nó giúp tao hết cách rồi!”

Ông ấy hy vọng nhiều ở tôi. Nhưng đành xin lỗi vì ông đứng không nổi với thân hình dị dạng trên đôi chân yếu đuối, đôi tay vụng về, và đầu óc chậm chạp… Thằng Kenya, thằng Jamaica có ăn cắp giờ để sang giúp ông cũng không xong. Cứ chừng hai tiếng thì sếp phải đích thân xuống làm với tôi nửa tiếng để “giải phóng” ùn tắc của dây chuyền sản xuất. Rồi điều ắt xảy ra, lần đầu tôi thấy sếp lớn tiếng với ông Ruby. Dù sau đó, ông ta xin lỗi ông Ruby…

Ông Mike bỏ đi lo việc khác, ông Ruby tức giận nói với tôi, “Tao đi tù. Tao quyết định đi tù. Tao đi làm mấy tháng nay - có income nên đã bị cắt foodstamp. Tao quyết định đi tù, là không phải lo tiền trả apartment, không lo tiền ăn, tiền điện nước; không làm phiền ai nữa! Tao đi tù là xong hết…”

Thằng Kenya với thằng Jamaica cười nắc nẻ với ý tưởng lạ đời của ông Ruby. Nhưng tụi nó trở về chỗ làm của tụi nó thì tôi tin đó là suy nghĩ chính chắn của ông ấy chứ không phải nói giận, lúc giận thì nói vậy thôi. Ông ấy nói với tôi, “Tao có nhiều ticket của cảnh sát lắm! Tao không có tiền để đóng phạt; Nên bây giờ, tao chỉ cần lái xe của tao một vòng, là cảnh sát bắt tao vô tù…”

Tôi hết ý kiến với ông bởi lòng buồn vô hạn. Gằm mặt làm luôn phần việc của ông vì ông đếch làm nữa. Ông ấy, một người không còn gì để mất nên mắt ông sáng lên tuyệt vọng sau lớp kính dày. Hình ảnh ông Ruby ép tôi tìm giải pháp khá hơn là đi tù cho ông, nhưng thâm tâm tôi lại muốn đi tù chung với ông cho xong; vì công việc như núi mà hãng lại ép giờ, cắt overtime, đuổi người ồ ạt, chỉ vì bị hàng giả của Trung quốc đang phá giá thị trường. Kẻ thù chính của nhân loại tự do cướp phá bình an của mọi người thì đồng loại chỉ lo sinh tồn cá nhân chứ không hợp sức chống giặc Tàu.

Tôi càng rối trí khi ông Ruby nghỉ luôn cả tuần…

Sếp hài lòng hay đau lòng khó nói vì ai cũng phải sống, và ai chẳng yêu mình nhất. Chuyện thù chung không bao giờ là việc của mình đã mang tầm thế giới.

Trưa nay, ông Ruby vô hãng. Thoáng thấy ông là tôi nhớ ngay tới lời dặn dò của mấy anh em Việt nam từng nói với tôi, “cái chỗ của mày là chỗ đuổi người nên thằng nào được đưa tới chỗ mày. Cứ mặc kệ nó. Đừng nói gì hết, vì không biết thằng nào xách súng vô hãng sau khi bị đuổi việc…”

Nhưng ông Ruby không trở lại hãng với lòng ích kỷ nhỏ nhen. Ông vui vẻ, phong độ như tài tử thập niên ba mươi; ông đội nón nỉ rộng vành màu xám nhạt, mặc áo vét màu kem, áo sơ mi bên trong màu mè hoa lá, quần tây trắng, đi giày đen bóng loáng (bảo đảm là mới mua)…

Ông bắt tay chào hỏi mọi người; ông nói vào tai tôi, “Tao đã lãnh được hết tiền lương. Không còn việc gì để lo nữa! Tao vô đây chào hỏi mấy người bạn tốt của tao, mà mày là một. Thôi, mày ở làm vui vẻ. Cảm ơn mày bữa nhậu ở nhà mày rất vui…”

Cái bắt tay đã quá thời lượng bình thường của cái bắt tay. Tôi níu kéo hay ông không muốn rời tình bạn nói ít hiểu nhiều giữa những người trẻ tuồi thì tôi với ông ấy dễ gần hơn bởi không còn trẻ… Tôi nói lời sau cùng với ông Ruby, “Ông đi tù mạnh giỏi…”

Tiếng “cảm ơn” tuy hiếm trong đời sống hôm nay, nhưng chưa tuyệt tích đến không nghe ai nói nữa, nên tôi chỉ giữ lại nụ cười trong héo ngoài tươi của ông làm kỷ niệm về người bạn Mỹ cùng đường, phải chọn giải pháp đi tù.

Dáng ông cô đơn, liu xiu trên hành lang dài thẳm như cuộc đời… Tôi chợt nhớ một truyện ngắn mà tôi đã đọc; truyện kể về người vô gia cư bên Paris, mùa đông đến, anh ta định vô tù vài tháng cho ấm áp, nên anh ta chỉ trộm vặt cho cảnh sát bắt. Cảnh sát lại không thèm bắt anh sau vài cú trộm vặt. Cảnh sát lại tóm cổ anh vô tù vì tình nghi anh là kẻ trộm khi anh đi ra từ một cửa hàng mà anh vừa xin được việc làm ở đó!

Tôi gọi vói theo Ruby, “Hey, Ruby… Good luck!” - Không thể thiếu sự may mắn trong kế hoạch đi tù của ông ta. Và hôm nào đến lượt tôi đi chào hỏi mọi người như ông?

Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến