Hôm nay,  

Se Lông Mặt

22/02/201500:00:00(Xem: 14608)
Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 4467-16-29867vb8022215

Năm mới Ất Mùi, chị em ngành làm đẹp rất nên thử thêm một nghề mới rất nhẹ nhàng mà ăn. Đó là học nghề se lông mặt, hiện dân gốc Ấn đang thịnh vượng. Vì cổ võ nhào vô lẹ lẹ mà có bài viết này. Với bài viết "32 Năm Người Mỹ và Tôi", tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, và từ nhiều năm qua, đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết.

* * *

Hôm trước tôi đi se lông mặt, lần thứ nhì trong thời gian hơn bốn chục năm sống trên đất Mỹ. Lần se lông thứ nhì nầy đổi thợ đổi tay nghề, không đau như lần trước.

Lý do giản dị phải đi se lông mặt là vì da mặt đánh phấn không ăn nữa rồi. Da mặt càng ngày càng dãn ra, chân lông nở, lông măng mọc vô trật tự. Đáng phiền nhức là hàng ria mép. Phết phấn ướt lên thì chưa đến đổi gì nhưng tới chừng dặm phấn khô lên thì một chút xíu sau, lớp phấn bị loang lổ ra như bức tường vôi cũ trong căn nhà hoang.

Nhà chưa hoang thì sao để cho tường loang lổ?

Thêm nữa, yếu điểm của tôi là cặp chân mày. Tôi không khéo vẽ chân mày. Hễ chân mày mọc hơi vô trật tự là phải cầm cây nhíp mà nhổ. Chân mày còn đỡ, hàng ria mép, chỗ nhạy cảm, nhổ đau thấy mồ. Trời, phái nữ mà có râu mép, dù cho râu ấy chỉ là những sợi rất mỏng manh màu lợt nhớt, nhưng sự hiện diện của nó làm cho mình bực lắm, nhứt là sau khi đắp phấn lên càng lộ bãi cỏ non với đường biên giới quá rõ ràng, cho nên, phải làm sao bứng lên, tiêu hủy chúng mới được. Mà nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc. Lúc trước tôi thường hay dùng wax, nhổ lông chân mày dù không mấy khéo, và bứng hàng ria mép. Nhưng, một thời gian sau chúng mọc trở lại và càng tươi tốt hơn, khiến tôi bực mình thêm.

Về sau, xiêu lòng khi nghe em tôi quảng cáo dữ dội:

-Sao bà hổng đi se lông mặt, tuốt sạch hết lông măng nguyên cái mặt, sáng da, giữ lâu lắm, se xong, da mặt mịn như da con nít đó bà.

Trời, nghe nó quảng cáo bắt ham. Nhỏ nầy làm công chức ăn lương tháng hết phương làm giàu là đã vô sai nghề rồi, nếu nó làm nghề quảng cáo, chắc chắn món gì bán cũng chạy, thành triệu phú rồi. Làn da đang bị lão hóa như mặt mình mà mịn như con nít, khoái quá. Nhưng rồi tôi giựt mình. Nhớ lại và giựt mình cái cụp! Ờ, hồi đó lâu lắm rồi tôi đã có đi se lông mặt một lần.

Đã 46 năm, lần đầu tiên đi se lông mặt ấy để lại một dấu ấn là, quá đau! Là cái đau thiệt tình của cơ thể chớ không phải là đau tinh thần khi nhớ về Việt Nam.

*

Lần đó, trước ngày cưới, chị tôi nói muốn dẫn tôi ra chợ Sài Gòn để sửa soạn làn da cho sạch thì trang điểm mới đẹp và bền cho cả ngày.

Nghe lời, tôi xỏ áo dài, đi theo không suy nghĩ cũng không hỏi vì cứ tưởng chắc là vô thẩm mỹ viện học làm sang, dưỡng da gì đó.

Nhưng không, chị dẫn tôi vô nhà lồng chợ Bến thành, chẳng nhớ vô cửa nào, ờ, đường Lê Thánh Tôn, in là cửa Bắc, tới một góc có người đàn bà ngồi đó. Chị tôi nói:

- Nè chị Hai, em tui nè, chị se lông mặt cho nó đi, làm sạch sạch nghen, mai là cô dâu đó.

"Chị Hai" cười hề hề, gật gật, nói:

- Khỏi lo. Ai tui cũng làm kỹ mờ. Khỏi lo. Ờ cưng ngồi xuống đây đi, nè ghế nè.

Vừa nói chị vừa đẩy cái ghế đẩu nhỏ xíu cho "cưng". Tôi hơi ngỡ ngàng vén tà áo ngồi xuống. Chị lấy "dụng cụ" làm đẹp ra từ cái giỏ ny long y như cái giỏ má tôi xách đi chợ hằng ngày. Tôi thấy, đồ nghề chỉ là một cuộn chỉ, màu trắng và một hộp phấn. Chị kéo sợi chỉ ra cỡ một sải tay rồi nhập lại, liếm đầu ngón tay để thắt hai đầu mối chỉ lại, đầu kia quay vài vòng xoay xoay rồi hình như cầm bằng mấy ngón tay. Chị làm mau quá tôi nhìn không kịp nên bây giờ nhớ không rõ gì mấy.

Chị biểu tôi hơi ngửa mặt lên rồi chị biểu tôi nhắm mắt lại. Giọng ngọt lịm, chị dụ:

- Lần đầu phải hông cưng? Có hơi đau một chút à nghen, ối, mà đau như kiến cắn vậy mờ. Làm vài lần thì quen rồi chừng nào lông mọc ra, da ngứa lắm phải trở lại, làm riết thì bảo đảm là em ghiền luôn đó nghen.

Tuy lỗ tai nghe chị nói là hổng sao đâu, ráng, nhưng tôi cũng có cảm giác hơi nhột nhột khi tay chị chạm vào da. Chị vừa thở phì phò bằng mũi lẫn bằng miệng. Cử chỉ nầy và mặt chị gần sát mặt tôi, có thể "nghe, hửi" được "mùi" của nhau.

Trời!!!

Rồi khi chị bắt đầu ấn sợi chỉ lên rà đi một cái, bứt ra. Nhói. Tôi kêu lên:

- Ui da

Chị dỗ:

- Hổng sao hổng sao ráng chịu một chút mới đẹp được ráng chịu đi cưng chị làm lẹ cho.

Tuy đau thấy bà nội luôn chớ "như kiến cắn cái nỗi gì?", nhưng tôi ráng. Đau ngiến! Nghe tiếng chỉ, se, bứt, se, bứt, sợi chỉ rà vô kéo ra liên tục, bởi chị nói sẽ làm cho lẹ, tôi cắn răng ráng chịu.

"Chịu đau cho đẹp" gần xuất mồ hôi hột. Vừa ngồi ngửa cái mặt "ngu" lên cho chị Hai nầy tra tấn tôi vừa thầm rủa mình sao ngốc quá. Chỉ trang điểm có một lần trong ngày cưới, cần gì? Đẹp làm cái khỉ gì mà phải chịu đau đớn như vậy trời!.

Chị Hai làm có hơi lâu. Khi chị lấy sợi chỉ ra, tôi hít mạnh thở ra cái khì thoát nạn. Choáng váng mở cặp mắt hình như có tráng bằng một màng hơi nước, nhìn. Thấy chị mở hộp phấn ra, cầm cái bông phấn trong đó ra biểu tôi nhắm mắt lại lần nữa, đập nhẹ nhẹ lên mặt tôi. Bụi phấn bay ra phà vào mũi làm tôi nhột nhạt cái lỗ mũi quá trời.

Chị Hai nói:

- Rồi. Sạch trơn. Coi nè cô dâu, đẹp hông?

Chị moi từ trong giỏ ra, kéo vạt áo bà ba lên chùi chùi lên mặt kiếng rồi dúi vô tay tôi. Nhìn vô cái kiếng nhỏ, tôi dơ tay lên rờ mặt. Quả là sạch thiệt, cảm giác mịn màng, ta có thể cảm nhận được sự mịn màng của làn da và cảm thấy sảng khoái, thoải mái, hình như làn da được "thở" vậy đó. Cũng phải thôi, dĩ nhiên là sau cơn đau, làn da lại tốt!

Thật sự, lời quảng cáo không sai. Chịu đau một chút, có được làn da sạch sẽ vậy ai mà không ham.

Khi xong tôi, chị hai làm cho chị tôi. Lúc ấy tôi có thì giờ quan sát xung quanh.

Tôi thấy còn hai ba người nữa đang ngồi gần đó đợi chị, vừa đợi chị vừa dơ bàn chân cho cô thợ làm móng tay móng chân bên cạnh, vừa ăn xôi ăn bún.

Quả là buôn có bạn bán có phường.

Gần bên chị se lông mặt có chị làm móng tay móng chân. Chị có một cái giỏ đựng vài chai thuốc sơn móng tay, nhìn thấy có màu đỏ màu tím màu hồng màu bạc, vài trái chanh tươi, cái tô nhỏ xíu, đủ chụm năm ngón vô ngâm. Ngộ lắm, một tay ngâm vô tô xong lấy ra cô thợ cầm nửa trái chanh chà móng tay. Cô cầm cây kềm cắt da cắt cắt vanh vanh quanh móng, lùa ra cả... đống da thấy ớn. Nghe bà khách dặn -nhớ cắt lấy khóe nghe... cắt da xong chùi khô rồi sơn. Làm bàn tay xong làm tới bàn chân. Tôi không nhớ rõ, bàn chân có được ngâm vô tô nước hay không, hình như không vì cái tô nhỏ xíu, làm sao để nguyên bàn chân vô được? hình như được chùi sạch bằng nửa trái chanh vừa mới xài cho bàn tay.

Cỡ một tiếng đồng hồ, bà nào bà nấy mặt mày sáng trưng, hai bàn tay bàn chân móng đỏ chót. Làm đẹp xong, trong người thoải mái tự tin, chân xỏ vô đôi dép hai quai, loại dép Nhựt rất tiện lợi rất thịnh hành thời đó, đứng lên xách cái giỏ đi chợ.

Chị em tôi cũng vậy, lo cái mặt xong rồi, đói bụng. Nhắc tới chợ Bến Thành phải nói tới mấy cái sạp thức ăn vặt.

Chị em tôi ghé qua hàng thức ăn sáng, những món ăn ngon hết biết. Tới bây giờ tôi vẫn nhớ và thèm tô bún ốc của một cô hàng đầu vấn khăn nhung đen, áo bà ba trắng quần đen, khuôn mặt trắng bóc, xinh xắn, có nồi bún ốc ngon nhứt chợ Bến Thành.

Tôi mê nhìn làn da của cô, sao mà trắng mịn, hồng non như vậy? Nghe chị tôi nói "da cổ tốt là nhờ se lông mặt hoài đó."

*

Bây giờ tới chuyện se lông mặt thời nay, ngay trên đất Mỹ.

Đầu tiên là phải kiếm trong sổ điện thoại coi tiệm nào có phần se lông mặt. Kiếm được chỗ gần nhà tiện đường ghé ngang trên đường đi làm về, vào buổi chiều là tốt nhứt.

Gọi điện thoại lấy hẹn, ngày giờ, gặp cô thợ bả lả nói vui vẻ:

- Dạ được được cô, cô tới ngày nào giờ nào cũng được cô, khỏi hẹn khỏi đợi cô tới là làm liền cho cô.

"Làm liền cho cô" Hừmh! sức mấy tôi tin, nhưng rồi, một buổi chiều thứ tư tôi ghé vô tiệm. Cô thợ rất trẻ, khoảng hai mươi là cùng. Thấy cô trẻ quá, là tại mình già? Cô đang phết thuốc nhuộm tóc cho một bà khách, cũng gần xong. Cô mời tôi ngồi ghế kế bên đợi cô 5 phút.

Nghe cô nói đợi năm phút tôi bắt thấy cười. Cũng câu nầy gần như là câu đầu môi của mấy cô thợ trong tiệm làm nails mà, "cô ngồi chơi đợi em, phai mí nịt thôi"

5 phút nghĩa là ít nhứt 15 phút. Thấy chưa? biết trước mờ.

Cô cho tôi ngồi xuống ghế và bắt đầu lấy đồ nghề ra. Cũng là loại chỉ ống bự, bự như loại "xài hoài hổng hết" đó, xài trong các hãng may. Tôi nhìn ra vì tôi cũng đã từng làm việc trong hãng may mà.

Cô thợ mời tôi:

- Ngồi đi chị.

Cô lấy cái khăn cuốn tròn lại lót dưới cổ, lẽ tự nhiên tôi ngửa mặt nhìn lên trần. Cái trần thấp chủn có khung đèn sáng lồng tấm hình với chùm hoa phượng đỏ và bầu trời xanh mây trắng, tôi nhớ tới cái trần cao vút trong nhà lồng chợ Bến Thành năm xưa.

Tôi có hơi ái ngại. Cô thợ vừa mới thoa thuốc xong bà khách, có thấy cô ta rửa tay gì đâu ta?

Nhìn trở xuống cô thợ, tôi thấy cô cầm ống chỉ kéo cái rột bứt ra một đoạn dài, xoay xoay cho đứt ra, xoay xoay thắt nút đầu chỉ, nhập đôi lại, hai bàn tay với mấy ngón xòe ra. Thế là cô tạo thành một "dụng cụ" làm việc. Cô xoay mấy ngón tay căng sợi chỉ thành vòng số 8, một bên mở một bên đóng. Ạ... tôi hiểu ra rồi. Chỗ hai đoạn chỉ thắt lại, một bên sẽ là mở để chụp sợi lông, một bên mở để kéo sợi lông ra. Cô dùng hai ngón cái và hai ngón trỏ để điều khiển sợi chỉ.

Tôi nhắm mắt lại. Cảm nhận cái đau y như ngày xưa 46 năm về trước.

Tôi nhắm mắt ngửa mặt ngồi đó mặc cho sợi chỉ cuốn đi lớp lông măng dư thừa như cuốn đi những chông gai của chặng đường đã đi qua.

Rồi trở về thực tại, so sánh. Hai người thợ, xưa và nay, không gì khác nhau.

Cùng không rửa tay, cùng xài chung một cái bông phấn "đập" vô mặt người này tới người kia.

Đỡ cái là, cô ngày nay chỉ ngậm miệng làm việc và chỉ thở bằng lỗ mũi.

Xong việc cô đưa cái tấm kiếng cho tôi chiêm ngưởng việc làm của cô. Tôi săm soi. Cô thợ nầy khéo tay thiệt. Từ trán xuống tới càm, làn da rất sạch. Sáng hẳn lên. Chân mày cũng rỏ nét, hàm râu tơ hồng sạch trơn. Tôi hài lòng đứng lên, phủi áo, trả tiền, từ giã, hẹn lần sau.

Từ lần se lông mặt khi xưa ở quê nhà với lần nầy trên quê hương thứ hai nầy, một cường quốc của thế giới, không khác gì mấy. Cũng là dùng sợi chỉ và sự khéo léo của những ngón tay lao động làm đẹp cho thiên hạ, kiếm sống. Tuy kể lễ phân tích về việc làm của hai người thợ, tôi thầm cảm phục họ và khâm phục người đã chế ra cách nhổ lông bằng sợi chỉ như vậy, rất bình dân nhưng có hiệu quả rất tốt. Nhưng, khi tính về mặt tài chánh thì từng thời có khác xa.

Se lông mặt trên đất Mỹ nầy, không biết ở tiểu bang khác thì sao chớ tại Cali nắng ấm nầy, tôi thấy, chỉ trong vòng từ 10 tới 15 phút, người thợ bỏ túi 20 mỹ kim như chơi, chưa kể tiền "típ" khách cho. Lương như vậy, kiếm đều đều mỗi ngày thì quả thật, có phải là còn hơn nhiều mức lương của bao việc làm trong cuộc đời nhiều tranh đấu nầy?

Chị hai ngày xưa bận chiếc áo bà ba cũ màu cháo lòng, kiếm được ngày hai bữa cơm là quá lắm rồi. Cô thợ ngày nay quần là áo lụa chắc chắn kèm theo cái bóp xách hàng hiệu hai ba ngàn mỹ kim là thường.

Hiện tại dân tỵ nạn Việt Nam đã nắm trong tay ngành làm nails, hình như dân xứ khác làm không lại thì đang mon men bành trướng và tràn ngập trên thị trường về nghề dưỡng da mặt, massage bàn chân và luôn cả thân người. Nếu dân ta không chen chân vào ngay bây giờ thì ngày không xa, họ sẽ vượt xa ta và nắm thị trường, một công nghệ to khủng khiếp như nghề làm nails bây giờ, tạo bao nhiêu công ăn việc làm, nuôi cả thế hệ như nghề nails hơn ba thế kỷ nay và cứ tiếp tục đi tới nữa.

Bây giờ, tuy hiện nay nghề se lông mặt do đa số người Ấn độ chuyên nghiệp, nếu dân ta cũng ra sức học hỏi, sẽ là một nghề nhẹ nhàng và kiếm tiền dễ dàng mau lẹ, khỏe hơn cả làm nails và làm mặt, theo thiển ý của tôi.

Sau lần đầu làm tại đây, lần thứ nhì tôi biết "khôn" hỏi trước, có đau hay không. Tôi hẹn với một người thợ nghe đồn là se không đau nhưng giá cả hơi mắc một chút.

Lý do se lông mặt bị đau hay không đau, khi học về nghề thẩm mỹ tôi mới hiểu ra, đó là do kỹ thuật. Khi ta nhổ lông bằng cây nhíp, ta kéo sợi lông ra xuôi theo chiều lông mọc, khi ta dùng chất sáp (wax) thì phải làm ngược lại chiều lông mọc. Khi se bằng chỉ, ta cũng phải se sợi lông ra xuôi theo chiều lông mọc như cách dùng cây nhíp, như vậy mới không đau. Tôi mới hiểu, tại sao có tiệm tính giá mắc hơn chỗ khác, là do đau hay không đau và cách săn sóc sau khi se.

Nhưng, có một điều tôi thấy cần chú ý nhứt, đó là sự thiếu sót giữ vệ sinh.

So sánh lần se lông mặt trong nhà lồng chợ Bến Thành 46 năm về trước và lần làm tại nước Mỹ, y như nhau, không ai cần đến chuyện vệ sinh sạch sẽ cả. Họ không rửa tay trước và sau khi làm. Cũng không thoa lên bất cứ một chất kem nào để bảo vệ làn da mới được nhổ lớp lông măng, còn đang dễ bị ảnh hưởng và tác động của môi trường xung quanh, nắng gió ánh mặt trời bụi bặm...

Nếu biết thực hành vừa đúng kỷ thuật vừa bảo đảm an toàn sạch sẽ vệ sinh, không bị thưa gởi, nghề nầy sẽ không thua gì nghề làm nails hay massage dưỡng da đâu, vì móng tay và làn da mặt, ai cũng cần săn sóc chăm nom, mới giữ được sự trẻ trung và tốt đẹp.

Phụ nữ chúng ta, ai mà không muốn níu kéo tuổi xuân, càng trẻ lâu chừng nào, tốt chừng ấy?.

Bàn về chuyện nầy làm tôi rất nhớ cách thức làm việc bình dân thân thiện trong nhà lồng chợ Bến Thành nửa thế kỷ trước. Không biết "chị hai" còn sống không? Nhà lồng chợ SàiGòn còn những người thợ được tự do làm đẹp cho thiên hạ để kiếm sống hằng ngày không?

Trên xứ sở tự do bình đẳng và cơ hội nầy, tôi hy vọng phương thức làm sạch lông mặt và sửa luôn cặp chân mày bằng sợi chỉ nầy sẽ bành trướng và thành công lớn như nghề làm nails vậy. Chẳng những làm ra tiền mà còn không bị "dưới quyền xài xể của hội đồng thẩm mỹ hay cơ quan thống trị" nào cả, cho nên, hãy ra chiếm lấy thị trường càng sớm càng tốt.

Nếu không thì uổng quá./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
07/03/201520:00:49
Khách
Đó là Threading Facial Hair
Bạn có ý học nghề nầy rất hay, mình có thể tự làm cho mình đó bạn.
Câu cuối ấy chỉ là có ý châm biếm mà thôi.
Cảm ơn bạn đã vào đọc bài
tnbx
tnbx
28/02/201518:07:02
Khách
Tiếng Anh gọi nghề này là chữ gì hả tác giả?. Tui tính học. Đoạn cuối của tác giả, tôi không hiểu, dưới quyền xài xể, cơ quan nào thống trị vậy?.
22/02/201516:17:27
Khách
Kính thưa quí độc giả.
Đoạn gần cuối, có hai câu tôi đã đánh máy sai, xin vui lòng cho tôi sửa lại là:

“nuôi cả thế hệ như nghề nails hơn ba thế kỷ nay và cứ tiếp tục đi tới nữa.”
sửa lại: “ba thế kỷ” là “ba thập niên”

“hai đoạn chỉ thắt lại, một bên sẽ là mở để chụp sợi lông, một bên mở để kéo sợi lông ra.”
sửa lại: “một bên khép để kéo sợi lông ra.”

Chân thành cảm tạ và xin lỗi độc giả.
Trương Ngọc Bảo Xuân
22/02/201516:13:41
Khách
Kính thưa quí độc giả.
Đoạn gần cuối, có hai câu tôi đã đánh máy sai, xin vui lòng cho tôi sửa lại là:

“nuôi cả thế hệ như nghề nails hơn ba thế kỷ nay và cứ tiếp tục đi tới nữa.”
sửa lại: “ba thế kỷ” là “ba thập niên”

“hai đoạn chỉ thắt lại, một bên sẽ là mở để chụp sợi lông, một bên mở để kéo sợi lông ra.”
sửa lại: “một bên khép để kéo sợi lông ra.”

Chân thành cảm tạ và xin lỗi độc giả.
Trương Ngọc Bảo Xuân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến