Hôm nay,  

Chú Hai Chờ Tết

17/02/201500:00:00(Xem: 9527)
Tác giả: Tịnh Tâm
Bài số 4463-16-29863vb3021715

Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Sau đây là bài viết thứ hai trong loạt chuyện kể của người “cho mượn lỗ tai”.

* * *

1.

- Sắp Tết rồi đó cháu.

- Dạ. Gọi là Tết Việt Nam được không chú?

Chú Hai gật gật đầu, tán thưởng:

- Tết Việt Nam! Nghe hay lắm! Nghe có lý lắm!- Chú im lặng hồi lâu- Nhưng Tết bây giờ buồn… Tết làm chú nhớ bà xã chú quá chừng. Mà, càng nhớ thì càng thương.

- Dạ…

- Tết của ngày xưa thì vui.

- Dạ…

- Nhỏ khờ biết ngày xưa là hồi nào không mà vâng vâng dạ dạ?

- Dạ, có phải ngày xửa ngày xưa, tại một vương quốc thanh bình nọ, có một nàng công chúa sắc nước hương trời?

Chú Hai bật cười:

- Ừ! Cháu nói giỡn, nhưng đó là sự thật. Có một nàng công chúa… còn chú là hoàng tử.

- Ồ! Thú vị nhỉ! Cháu biết mà. Chú đúng là hoàng tử. Chú có phong thái của một nhà quý tộc.

- Nịnh dữ à nghen? Chú không có tiền lẻ đâu à nghen.

- Dạ không sao. Chú cứ thưởng cháu tiền chẳn cũng được ạ. Cháu không chê tiền chẳn đâu ạ.

- Hay! Hay lắm! Nhưng, công chúa và hoàng tử trong câu chuyện của chú không có cái kết cục hạnh phúc, không có cảnh chàng và nàng sống bên nhau trọn đời như những chuyện cổ tích bình thường.

- Dạ… cháu xin lỗi vì vô ý gợi chuyện buồn.

- Không sao. Được nói ra, chú đỡ buồn hơn cháu à. Chú có đọc đâu đó rằng khi được chia sớt tâm tình, niềm vui sẽ nhân đôi và nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa. Phải không cháu? Chuyện cổ tích của chú rất đẹp nhưng kết cục buồn.

-...

- Tết! Một thân một mình! Buồn lắm!

- …

- Bà xã chú là một nàng công chúa kiều diễm, hiền thục, giàu đức hy sinh…

- Dạ.

- Lại là người nội trợ rất siêng năng, đảm đang, khéo léo, dù trước khi ưng chú, bà ấy là công chúa có kẻ hầu người hạ. Cháu biết gì không, mỗi dịp Tết, bà ấy luôn làm nhiều món ngon, đặc biệt là những món nhậu.

- Dạ, những món gì ạ?

- Để coi… chú nhớ là khoảng trước Tết chừng ba tuần, nhà chú bắt đầu có không khí Tết rồi. Lặt lá mai nè. Quét vôi nhà nè, sơn lại cửa nè. Cháu biết gì không, mỗi bận sửa soạn nhà cửa để đón Tết, bả và chú thường giận nhau.

- Sao lại giận nhau ạ?

- Vì không đồng ý với nhau về màu vôi, màu sơn. Hễ bả thích màu xanh da trời, thì chú ưa màu xanh lá cây. Hoặc bả thích màu vàng lợt, chú khoái màu lam.

- Lạ nhỉ? Rồi… ai thắng?

- Đương nhiên chú thắng! Đương nhiên bả phải chịu thua, nhưng coi bộ bả buồn buồn, cam chịu. Chú càng tưởng chú bảnh. Hồi đó chú không hiểu tại sao chú ưa làm ngược ý bả, ưa thắng bả. Chú không hiểu tại sao bả luôn làm lành với chú trước, dù bả không có lỗi. Nhưng giờ chú hiểu.

- Chú hiểu sao ạ?

- Chú hiểu là… chú muốn làm ngon, làm oai làm tướng trong nhà. Chú phải là số một trong gia đình. Chú hiểu, bả không muốn không khí gia đình căng thẳng, không muốn con cái buồn. Giờ ngẫm lại, chú thấy mình bậy thiệt! Chú ăn hiếp bả quá trời. Nghĩ lại thấy thương bả quá! Chú bậy thiệt!

- Dạ… bố cháu bảo, trên đời nầy không ai hoàn hảo. Nhưng, rõ ràng là chú rất yêu vợ chú phải không?

- Đương nhiên! Vợ chú là số một của đời chú.

- Thế thì cô ấy hạnh phúc rồi! Chú tốt thật đấy!

- Chú mà tốt cái nỗi gì! À, chú kể tiếp, sau ngày mất nước, chú bị đi tù, bị lưu đày hết nơi nầy tới nơi khác, rồi ra tới tận ngoài Bắc. Vậy mà bả lặn lội đi thăm nuôi chú không sót cái giấy phép nào. Ngày chú về, thân tàn ma dại, ghẻ lở khắp người, bịnh tật tùm lum, mắt mờ chân yếu, coi giống bộ xương biết đi.Vậy mà chỉ vài ba tháng sau, chú lành lặn, khỏe mạnh ngon lành, chính là nhờ một tay bả nuôi nấng, chăm sóc, thuốc thang đó cháu. Nhưng rồi…

- …

- … Mà lạ hết sức, cứ Tết đến, chú lại càng nhớ bà xã chú! Phải chi hồi đó, bả được qua đây sớm hơn, chắc bả đã vượt qua căn bịnh. Bả bịnh cũng tại chú. Chú có lỗi nhiều với bả lắm.

- …

- Thương nhớ bả, nhiều khi chú muốn đi theo bả mà không được. Coi vậy chớ không dễ chết đâu cháu. Lạ thiệt, có người muốn sống thì phải chết, nhưng có người muốn chết lại cứ phải sống hoài.

- … Chú ơi… Thế… những món ngon ngày Tết cô làm là những món gì ạ?

- Ủa, vậy ra chú nói lung tung lang tang quên béng cái chuyện Tết. Ừ Tết. Những món gì? Chà, nhiều lắm, nào kiệu chua, hành chua, dưa cải chua, tai heo ngâm dấm…

- Sao toàn các món chua chua thế ạ?

- Nhỏ nầy thiệt tình… Chú chưa kể hết mà… Nè, dưa món, cháu biết dưa món bà xã chú làm ngon cỡ nào không? Đu đủ xanh, củ cải trắng, su hào, cà rốt, khóm, củ kiệu, tỏi, ớt… Tất cả đều được phơi heo héo, sắp vô keo, rồi thắng nước mắm đường đổ vào. Mà cháu biết nước mắm đường của bả chưa? Rất đặc biệt! Chú cam đoan không ai khéo bằng bà xã chú! Nước mắm đường dẻo quẹo, thơm phức. Mèng ơi, dưa món đó mà ăn với bánh tét chiên… mèng ơi, ngon gì đâu!

- Còn mấy cái món chua chua thì ăn như thế nào ạ?

Chú Hai mơ màng:

- Nhỏ nầy khờ câm hà. Nè, hành chua ăn với thịt kho rệu. Kiệu chua nhắm với tôm khô. Dưa cải chua kho với thịt ba rọi. Tai heo ngâm dấm kẹp với hành chua, kiệu chua. Mèng ơi, ngon gì đâu. Chưa hết, có chai bia bên cạnh thì ngon thấu trời.

- Dạ, ngon quá! Cháu nghe cũng phát thèm.

- Chưa hết! Bà xã chú còn làm nhiều thứ mứt: mứt gừng, mứt dừa, bí đao, quất… Ôi, hình như chú đang nghe mùi mứt gừng khi đang riu riu trên bếp, lan tỏa đâu đây- Chú Hai hít hít mũi- Mèng ơi, thơm thơm, ấm ấm, cay cay, ngòn ngọt. Hồi đó, chú cứ rình rình… lúc bả đi chỗ khác… chú nhón mấy miếng… rồi nhấp ngụm trà. Đã quá trời!

- Sao lại phải rình rình hả chú?

- Nhỏ nầy khờ câm hà! Chú ưa giỡn chơi vậy mà. Có lần chú còn giả bộ để bả bắt quả tang chú đang ăn vụng, để cả nhà bò lăn ra cười chơi.

- Vui nhỉ? Gia đình chú hạnh phúc nhỉ?

Chú Hai trầm ngâm:

- Ừ! Nhưng tất cả đã bị thiêu rụi…

- Chú Hai ơi, chú muốn làm quen với cô Một không? Kìa, cô ấy đang ngồi đằng kia kìa!

- Bà đó hả? Thôi, chú không muốn kết bạn với bất kỳ người đàn bà nào từ hồi vợ chú mất. Vợ chú là ngươi đàn bà duy nhất của đời chú.

- Dạ, ý cháu là chú chỉ làm quen để làm bạn thôi.

- Nhỏ nầy khờ câm hà! Tình bạn giữa những người khác phái, lại cùng cảnh ngộ, dễ trở thành tình yêu, cháu hiểu chưa? Tụi bay trẻ người non dạ, chưa thấu lẽ đời đâu. Thôi, cháu lo về đi, nãy giờ chú nói nhiều cũng hơi mệt rồi. Mà cháu nghe nhiều cũng chán rồi. Cám ơn cháu.

- Dạ, cám ơn chú đã chịu khó kể cháu nghe. Chú cũng về phòng nhé! Bước cẩn thận nha chú. Cái bậc thềm nầy hơi cao đấy ạ!

- Ừ, chú luôn cẩn thận. Già mà té khổ lắm cháu ơi. Đó, bà Một đó. Ngồi xe lăn. Tội nghiệp chưa?

- Dạ, chú vẫn còn may mắn hơn cô Một nhiều phải không. Ủa, cô Một đang hát kìa. Nhiều lần cháu đã được nghe cô ấy hát. Hay lắm chú ạ. Chắc hồi xưa cổ là ca sĩ.

- Nhỏ nầy khờ câm hà. Bộ ca sĩ mới hát hay sao? Bà xã chú không phải ca sĩ mà hát hay ăn đứt ca sĩ. Thôi, chào cháu.

- Dạ. Chào chú.

2.

- Chào chú Hai! Chú khỏe không?

- Không khỏe lắm. Hổm rày lạnh dữ, chú nghe rêm cả mình mẩy, lại hơi nhức đầu nữa.

- Chú đã uống thuốc gì chưa?

- Rồi! Mỗi lần uống thuốc, chú lại nhớ bà xã chú. Hồi đó, nếu bà xã chú qua được đây, chắc giờ vẫn còn sống bên cạnh chú. Nghĩ lại thấy thương bả thiệt là thương. Chú có lỗi với bà ấy nhiều lắm.

- …

- Tất cả cũng vì chú. Để có tiền lo cho chú, vợ chú đã vay nóng, lãi suất rất cao. Rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Nghề bán đồ cũ ngoài chợ trời bữa nào may mắn lắm mới đủ mua gạo cho sắp nhỏ. Khi chú về, bả vẫn âm thầm vay nóng để nuôi chú. Bả vay vốn đầu nầy, đắp lãi đầu kia. Rồi bà ấy không kham nỗi, chủ nợ hè tới đòi. Lúc đó chú mới té ngữa. Thiệt ra, chú biết cũng đâu làm được gì? Chú chứng kiến cảnh vợ chú khóc lóc, quỳ lạy người ta. Cháu ơi, có nỗi đau nào bằng?

- Dạ…

- Rồi bà ấy đổ bịnh. Chú bán nhà, trả nợ nần và đưa bà ấy vô bệnh viện. Chừng tuần lễ sau…

- ….

- Bà xã chú mất vì nhịn ăn nhịn uống nhịn thuốc men. Chú hiểu… Bà ấy đã hy sinh, lặng lẽ hy sinh. Cháu ơi, có nỗi đau nào bằng?

- …

- Cha con chú ra nghĩa địa, che cái chòi giữa các ngôi mộ để ở. Nghe ớn quá hả cháu. Hổng sao, trong đó cũng có mấy người ở nên đỡ sợ. Đa số họ là những gia đình bị đuổi ra khỏi nhà, bị bắt đi kinh tế mới. Lên kinh tế mới, họ không sống nổi, phải quay về. Nhà thì đã bị người ta chiếm, biết ở đâu hả cháu? Vậy là vỉa hè, gầm cầu, lề đường, chợ, nghĩa địa… Chỗ nào che nắng che mưa được là họ ở. Tội nghiệp thím Sáu kia, lên kinh tế mới chừng vài tháng, chồng thím bị rắn cắn chết. Thím bèn đùm túm bầy con về thành phố, về căn nhà của gia đình thím hồi trước. Đêm đầu tiên, mưa gió, thím xin người chiếm nhà của thím, cho mẹ con thím ngủ ngoài hiên, nhưng họ không cho. Thím đành dắt díu bầy con líu chíu ra vỉa hè gần đó ngủ; nghe văng vẳng trong căn nhà của mình tiếng người ta cười nói, tiếng đàn piano vọng ra. Úi chà, ngồi giữa những ngôi mộ, cứ thím kể tới kể lui về cái đàn piano; đó là kỷ niệm của bà ngoại sắp nhỏ để lại. Thím thuộc lòng từng vết sờn, từng khe nứt, từng đường vân gỗ trên chiếc đàn yêu thương đó. Nghe cũng ngộ đời phải không cháu, cái nhà đáng giá gấp hàng triệu triệu lần cái đàn; cái nhà to tướng che chở cả gia đình qua nắng qua mưa, qua ngày qua đêm, hổng kể, mà cứ đi kể cái đàn piano bé nhỏ,cũ kỹ, sờn nứt. Đó, kỷ niệm thiêng liêng vậy đó cháu. À, ở nghĩa địa, chú làm nghề bán da chai. Các con chú đi bán vé số. Đã vậy còn nơm nớp lo sợ mỗi khi thấy bóng dáng công an. Nếu nước Mỹ không dang tay cứu vớt, không biết bây giờ cha con chú ra sao?

- Dạ, hồi nọ chú có kể, các anh chị rất thành đạt. Vui quá chú nhỉ?

Chú Hai nhíu mày, lộ vẻ ngạc nhiên lắm:

- Ủa, bộ… bộ chú kể cháu nghe rồi sao? Chú kể hồi nào vậy?

- Dạ… hồi lâu rồi…chú có kể… sơ sơ thôi ạ. Chỉ… một lần thôi ạ.

- Vậy sao? Vậy mà chú quên mất tiêu. Ừ, các con chú đều học hành đỗ đạt. Cũng may là khi qua đây, chú còn khỏe mạnh, chú đi học, đi làm, dốc sức lo cho tụi nó. Tụi nó rất ngoan, rất chịu khó. Bước đầu mới tới đây dĩ nhiên có những thử thách, nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó hả cháu?

- Dạ. Như thế cô đã yên lòng rồi.

- Ừ. Chú cũng nghĩ vậy để tự an ủi mình, để thấy mình không đến nỗi quá tệ.

Chú Hai gật gật đầu, cười nhẹ:

- Chú còn có niềm vui nho nhỏ là… thỉnh thoảng chú cũng gom góp được chút tiền giúp một anh Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa đang phải sống lầm than ở quê nhà.

- Dạ. Làm được cái gì có ích cho ai đó, vui chú nhỉ?

- Ừ. Tuổi già sức yếu, chú chỉ có thể làm chút xíu vậy thôi.

- Chú Hai ơi, hôm nọ chú có nói là chú thích đọc sách tiếng Anh?

- Ừ, chỉ là một cách để giữ đầu óc chậm lão hóa đó cháu. Tuổi già mà lú lẩn còn đáng sợ hơn nằm một chỗ.

- Chú ơi, giỏi tiếng Anh thích nhỉ? Đọc nguyên tác thú vị lắm chú nhỉ?

- Ừ, nhưng lạ một điều là khi đọc, những chữ tiếng Anh rành rành trên giấy, bỗng nhảy vào đầu chú bằng tiếng Việt.

- Ồ!

- Thậm chí tiếng Việt rất trôi chảy!

- Có nghĩa là…như là chú đang dịch ra tiếng Việt?

- Ừ, đúng như vậy! Bộ não chú tự động dịch sang tiếng Việt.

- Hay nhỉ… Thế…chú Hai ơi, thế… tại sao chú không dịch sách? Cháu tin chú dịch sách hay lắm đó!

- Dịch để làm gì?

- Dạ…Dịch rồi đem in.

- In để làm gì?

- Dạ…để bán!

- Ở xứ nẩy ai mà thèm mua sách dịch?

- Cũng có đấy ạ. Nhưng thôi, mua bán làm gì chú nhỉ? Với lại, nhỡ bị lỗ chú lại mắng cháu.

- Mắng cháu có kiếm được lời không hả nhỏ khờ?

- Dạ không ạ. Mà sao cháu lại thích đọc sách tiếng Việt chú Hai à. Ước gì chú dịch sách truyện cho cháu đọc với. Bạn bè cháu, anh chị em cháu, con cái cháu… tha hồ được đọc sách tiếng Việt của chú dịch.

- Rồi sao nữa?

- Dạ… rồi để … lại cho đời sau. Cũng vui chú nhỉ?

- Nhưng tiền in mắc lắm.

- Không sao, chú có thể in lên giấy, rồi photocopy thành nhiều bản, rồi đóng thành tập. Tốn kém chẳng bao nhiêu.

- Ừ…Cũng có lý! Nhưng cái chuyện để lại cho đời sau nghe to tát quá, mà sức chú thì bé mọn, chú hổng dám. Làm chỉ để cho vui thì được. Chắc con cháu của chú sẽ ủng hộ việc nầy.

- Nhưng chú phải hứa là chỉ làm việc khi chú khỏe. Chú hứa là không gắng sức quá, chú nhé.

- Ừ, nhỏ nầy khờ câm. Chưa gì đã lo chú làm việc quá sức! Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó! Hồi trong trại tù Cộng Sản, nơi vẫn được kêu là địa ngục trần gian, cháu biết gì không, người tù bị đói khát triền miên, đói muốn đui muốn lòi con mắt, lại lạnh lẽo, bịnh tật, sáng ra phải đi lao động khổ sai cho tới tối mịt. Còn bị đánh đập, hành hạ, chửi mắng, sỉ nhục. Còn phải đối diện với cái chết, đối diện với tương lai vô định mịt mù nơi rừng thiêng nước độc, thì bất cứ việc gì khác trên đời nầy cũng chỉ là lẻ tẻ. Nhỏ khờ khéo lo bò trắng răng!

- …

- Ủa, mà nói tới răng chú mới nhớ, cháu biết tại sao chú đeo răng giả không? Bữa nọ, thằng cai tù đi cạnh chú, hổng biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào, chú lại quay sang dòm nó. Nó trừng chú: “Sao mầy dám nhìn mặt tao hử?” Rồi nó lấy cái báng súng dộng vô mặt chú. Chú bị gãy gần chục cái răng. Môi dập nát. Máu me dầm dề. Đau đớn không sao tả hết. Tiếc mấy cái răng quá trời. Nhưng rồi chú nghĩ, ối, mất mấy cái răng nhằm nhò gì so với chuyện mất nước mất nhà. Cũng may khi qua đây, chú được tặng cả hai hàm răng giả, đẹp hết biết nhưng không bao giờ nhai tốt bằng răng thiệt!

- Ồ! Đời chú là cả một cuốn hồi ký phong phú, sinh động… Chú Hai ơi, sao chú không viết hồi ký?

- Thôi, hồi ký về nhà tù của bọn Cộng Sản man rợ thì nhiều người viết rồi. Chú viết ra sẽ bị trùng lặp vô ích. Hơn nữa, chuyện tù của chú nhằm nhò gì so với nhiều người tù khác. Cháu tìm đọc sẽ biết. Kinh hoàng lắm cháu ơi.

- Nhưng …mỗi cuộc đời con người là một cuốn sách, bố cháu vẫn bảo vậy. Cho nên, không ai có đường vân tay giống ai, dù hơn 7 tỉ người trên trái đất, dù những sợi vân tay mảnh mai mỏng mảnh nằm gọn trong lòng bàn tay, bố cháu vẫn nói vậy, phải không ạ?

- Cha chả, nhỏ khờ bữa nay khôn dữ hông? Nói có sách mách có chứng dữ hông? Thôi, chú vẫn thích dịch sách hơn.

Chú Hai gỡ đôi kiếng lão xuống, lấy khăn giấy lau tới lau lui. Mắt nhìn xa xăm. Khoảng lặng thinh khá lâu:

- Gần bốn mươi năm rồi đó cháu! Đất nước tan hoang! Dân tình khốn khổ! Đạo lý suy đồi! Xã hội đảo điên! Trong suốt hơn bốn ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, không có một giai đoạn lịch sử nào đau đớn bi thương như bốn mươi năm qua, và bây giờ, và không biết sẽ phải kéo dài bao lâu nữa?

- Dạ.

- Cám ơn cháu. Thôi chú về phòng. Chào cháu.

- Dạ, chào chú. Chú cẩn thận ạ. Cháu mong chờ đọc bản dịch của chú đấy ạ.

3.

- Chào chú Hai! Chú đỡ chưa ạ?

- Đỡ đỡ rồi. Sao? Bố cháu đi lại vững chưa?

- Dạ, bố cháu hôm nay đẩy walker đi được rồi ạ. Cháu kể chuyện chú dịch sách, bố cháu thích lắm. Bố cháu cũng rất muốn dịch sách như chú, nhưng tiếng Anh bố cháu không giỏi như chú.

- Lại nịnh chú nữa rồi. Chú mà giỏi giang cái nỗi gì.

- Bố cháu tính viết hồi ký chú ạ.

- Rồi in?

- Dạ không, chỉ đóng tập, lưu truyền trong gia đình thôi ạ. Bố cháu chỉ muốn sau nầy con cháu biết ngày xưa ông bà đã sống như thế nào, đã khởi đầu trên đất Mỹ ra sao. Bố cháu cứ lo bọn trẻ sau nầy mất gốc.

- Nhưng bọn trẻ ở đây chắc gì đã đọc được tiếng Việt?

- Bố cháu có luật: Không được nói tiếng Anh trong nhà. Luật nầy được thi hành răm rắp đấy ạ. Và hàng tuần, bọn trẻ vẫn đi học tiếng Việt đấy ạ.

- Hay! Hay lắm!

- Bố cháu muốn làm quen với chú, chú nghĩ sao?

- Nghe có lý đó!

- Vậy… bây giờ hai người đàn ông… cùng làm bạn với một người đàn bà được không ạ? Chỉ là bạn bè thôi ạ.

- Nhỏ khờ muốn nói tới bà Một?

- Dạ…

- Được thôi!

- Bố cháu biết đàn guitar chú ạ.

- Hay! Hay lắm! Vậy bố cháu sẽ đàn cho bà Một hát. Còn chú thì làm thính giả. Chú sẽ… vỗ tay! Chú hứa sẽ vỗ tay thiệt to, thiệt dòn. Chà! Nhỏ khờ bày trò coi cũng có lý đó!

- Dạ… Cám ơn chú. Vậy là mọi người sẽ vui, chú Hai nhỉ?

- Ừ! Vậy, Tết cháu có đưa bố về nhà không?

- Dạ không, ở nhà không có người chăm sóc bố. Ai cũng đi làm. Bố cháu sẽ ăn Tết ở đây, với chú, với cô Một, và vài người khác. Cháu sẽ mang bánh chưng, dưa món, tai heo ngâm dấm vào. Dạ, có cả thịt đông, giò thủ, nhưng mấy thức ăn nầy chỉ nhón chút xíu cho có hương vị thôi. Dĩ nhiên sẽ có mứt gừng, mứt dừa, trà sen. À quên, có cả rượu nho nữa. Mọi người sẽ nhắp chút xíu thôi ạ. Thế là có cái Tết Việt Nam chính hiệu chú nhỉ?

- À, ở đây, những dịp Tết, các nhóm tôn giáo, cộng đồng cũng vào thăm đó cháu. Ấm áp lắm. Chú sẽ đề nghị bà Một hát bài Ly Rượu Mừng.

- Dạ, mấy hôm nay cô Một vẫn hát bài đó. Cô ấy còn hát nhiều bài về mùa xuân, như Tâm sự nàng xuân, Cánh thiệp đầu xuân, Câu chuyện đầu năm nữa ạ. Thôi chú vào nghỉ. Cháu chạy nhanh về để làm mấy món ăn Tết. Chào chú

- Ừ, chào cháu. Nè! Nhớ lái xe cẩn thận nghen cháu. Nhớ phải luôn chú ý vào việc lái. Đừng đạp lộn chân thắng với chân ga cháu nghe!

- Dạ. Cám ơn chú. Cháu nhớ ạ.

Tịnh Tâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,181
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.