Hôm nay,  

Thêm 15 Năm Nữa

03/02/201500:00:00(Xem: 9769)

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 4452-15-29852vb3020315

Với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi”, tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, và từ nhiều năm qua, đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết.

* * *

blank
Họp mặt Viềt Về Nước Mỹ 2001 tại Việt Báo, từ trái: Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Giám khảo Vũ Văn Lộc về từ San Jose, Chánh chủ khảo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Kiều Chinh, Bảo Xuân, anh Nam và Phạm Quyến.

Sáng nay mở cửa bước ra, nhìn cái sân sau như bãi chiến trường.
Cả sân đầy lá một màu vàng tươi.
Sân nhà tôi không có cây lớn, lá nầy là từ nhà bên kia bờ tường bay sang. Tôi không biết tên cây gì nhưng lá thì dài dài như lá trúc.
Năm nào cũng vậy, bao nhiêu lá của cây cổ thụ trăm năm đó tuốt hết qua nhà tặng tôi. Có lẽ kiếp trước tôi mắc nợ chủ nhà ấy. Phải chi, đó là cây bạch quả thì đỡ biết mấy. Nghe nói lá bạch quả nấu nước uống trị được bá bịnh, cứ tuôn hết qua đây, tôi tình nguyện hốt vô, làm sạch, khử trùng, đóng gói, đem vô EBay, bán khắp thế giới, kiếm khá bộn à.
Cha a a… cứ suy diễn lung tung. Chỉ là một cây cổ thụ tôi đặt tên là “ông cố hỉ” mà thôi.
Tối hôm qua gió quá gió, gió mạnh làm đổ mấy chậu kiểng, tốc bay cái giàn khổ qua, ngả nghiêng xiu vẹo dựa tường. Lá tráng một lớp dày che lấp mặt nước hồ bơi. Thôi, kể như nguyên buổi sáng này sẽ đổ mồ hôi vì lá.
Cầm cây chổi tôi bắt đầu quét.
Vừa quét lá tôi vừa nhớ từng khúc phim cuộc đời.
Kể từ năm 2000 tới nay, 15 năm.
15 năm qua cái vù, như ngôi sao băng.
Nhưng dù xẹt qua một cái vù, ngôi sao cũng để lại một vệt dài. Trên nền trời đen, thấy rõ, như cầm chổi mà quét một cái.

Năm 2000 tôi đã viết bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” cũng là do chương trình Viết Về Nước Mỹ cho tôi niềm hứng khởi. Đọc những chuyện của các tác giả khác, khiến tôi thấy cảm thông và thương quá, gần quá. Thế rồi chuyện xưa nhắc lại, niềm nhớ thương ba tôi cùng với quê hương đã xa rời thúc đẩy tôi phải viết xuống, kể ra.
Thời gian tôi viết bài ấy là lúc đang sống nhịp nhàng trên chiếc du thuyền đậu bến Marina del Ray, Boat City.
Có những chiều mưa, ngồi trong tàu nhìn mưa rơi trên nước gợn sóng lăn tăn, tôi không khỏi nhớ về mùa mưa SàiGòn. Nhớ ray rức. Lạ thay, tôi lại nhớ những buổi chiều đi dưới mưa, cùng che chung dù với người yêu đầu, lãng mạn biết bao. Tôi không thể quên cho nên tôi vẫn cứ nhớ, người nầy người kia, chuyện nầy chuyện nọ.
Trải qua hai trận tai nạn xe cộ, một lần tiêu tùng chiếc corvette le lói và tôi xém chết nếu chiếc xe hàng kia không bị cái giàn xe cứng chắc cản lại, cái bánh xe có thể trèo lên cửa xe và tôi cũng đã dẹp lép như con khô mực ba nắng rồi. Lần thứ nhì, chồng tôi một mình lái xe mô tô Harley Davidson ngang tàng giựt le, bị xe hơi tông, bị thương đầu và gãy chân, giữ được tính mạng, tôi tin, cũng là do ba tôi phù hộ. Nhớ tới còn hãi hùng!
Vì chồng tôi không thể điều khiển chiếc tàu như trước nên chúng tôi từ giã kiếp người cá, trở lên đất liền làm người thường.
Lên bờ, chúng tôi tìm mua nhà, ở cho nó rộng rãi, cho bỏ khoảng thời gian tôi bị chồng dụ dỗ sống tù túng muốn chết, trên chiếc tàu dài chỉ 42 feet.

Tôi theo chồng qua nước Mỹ từ tháng 11 năm 1970 cho tới nay. Trong khoảng thời gian sao xẹt nầy chúng tôi đã ở qua 16 căn nhà rồi.
45 năm, chúng tôi đã từng sống gần với đủ hạng người, đủ chủng tộc, tùy theo địa điểm căn nhà ấy ở vùng nào.
Nói lên sự thật có khi mích lòng.
Hàng xóm như thế nầy, sống gần nơi thì e dè từng ngọn cỏ, tức là sân cỏ phải cắt cho sát, hông thôi hàng xóm sẽ mét với city là nhà tôi không săn sóc sân cỏ làm hạ thâp giá trị nhà họ, sau 10 giờ phải giữ âm thanh vừa đủ nghe; gần người chỗ thì phải nghe họ xào mạc chược thâu đêm, vừa sát phạt vừa nói chuyện nghe như đám cãi lộn; tệ nữa là cái chốn bị trộm leo vô nhà ăn cắp đồ, để lại dấu giày trên bệ cửa sổ rõ ràng từng đường kẽ, thế mà cảnh sát điều tra chẳng làm được gì. Ớn ợn!.
Bây giờ tạm gọi là yên ổn khi sống gần người đồng hương. Nhưng, tuy gần mà xa à nha, vì nhà ai nấy ở, không phải như hàng xóm bên quê hương xưa, chung tường khít vách, qua lại luông tuồng thân thiện. Tới ngày đám giỗ, nấu vừa chín, thế nào cũng múc hai tô đem qua mời nhà hai bên ăn lấy thảo.
Ngôi nhà màu nâu chúng tôi mới mua, giờ qua năm năm rồi. Bên tay trái nhà tôi là đôi vợ chồng bằng trạc tuổi con gái tôi, chưa tới bốn mươi. Chồng là một công chức, vợ là dược sĩ, hai đứa con chắc lép có đủ. Bên tay mặt nhà tôi, chồng là một doanh nhân, vợ ở nhà nuôi con mới hai ba tuổi. Đối diện bên kia đường là người cỡ cỡ tuổi tôi. Năm trước ông chồng còn sống, chiều nào hai ông bà cũng đi bộ. Bà vợ đã từng bị stroke nên dáng đi xiêng xiêng cạnh ông chồng còn vững chải. Thế mà ông lại đi trước. Sau khi ông mất, thỉnh thoảng thấy bà đi bộ, hình dáng lẻ loi buồn lắm.



blank
Hai vợ chồng tác giả được Bác Vũ Văn Lộc, giám khảo VVNM năm đầu tiên, đón lên San Jose.

Thấy tuổi già của người, nhìn lại mình. Đời của mình coi như gần qua, bây giờ tới đời con cháu.
Con trưởng tôi, Lawrence Long, vẫn còn làm chỗ cũ, một hãng chuyên đông lạnh thực phẩm, nhứt là hải sản. Đứa cháu nội lớn, Emily năm nay 18 tuổi đã vô đại học, xa nhà xa ba em nhỏ. Mới ngày nào còn bồng ẵm trên tay, nay đã là sinh viên rồi. Elaine mẹ chúng rất hay, dạy đám con học tại nhà cho tới lúc vô trung học.
Con trai thứ, Tommy Phương, vừa đi làm bán thời gian vừa trở lại đi học sau thời gian dài thất nghiệp. Cuộc đời nó may mắn cưới được người vợ tốt, Stephanie, một cô gái Mỹ chánh cống tóc vàng mắt xanh, mẹ hiền của hai thằng con, dâu thảo với cha mẹ chồng.
Tội nghiệp con trai tôi, nó cứ tiếc rẻ hai chục năm trôi qua đã phí phạm, bây giờ phải vô ngồi học với “con nít” 18 tuổi mới ra trung học. Tôi cứ phải nói lời an ủi, ủng hộ, khuyến khích nó, con ơi, sự học không bao giờ trễ.
Còn đứa con gái út tuổi con rồng, Elizabeth, vừa đi làm vừa trở lại học bán thời gian. Nhưng, thay vì làm việc với bịnh nhân ung thư thì bây giờ con rồng làm việc tại văn phòng sửa sắc đẹp. Trúng mối.
Nó làm việc cho bà bác sĩ chuyên căng da mặt nâng ngực sửa chân mày. Suốt ngày gần gũi với những người thích làm đẹp, nó bớt đi tâm trạng luôn căng thẳng lúc trước, luôn đối diện với những bịnh nhân bịnh nan y chờ chết, việc làm cũ nó đã làm hơn năm năm ngán ngao.

Chuyện tài chánh kinh tế của toàn quốc quá tệ hại. Giá xăng tăng vùng vục lên gần 5 đô một gallon. Cùng nhau chia sớt tình trạng khó khăn, công chức chúng tôi đã bị cắt bớt bốn ngày mỗi tháng. Thế rồi năm 2013 trở lại bình thường, tuần làm năm ngày, đầu năm 2014 chúng tôi đã được tăng lương, chứng tỏ, ngân sách tiểu bang giờ có màu xanh đô la lấp lánh!. Thế nhưng, luật bù trừ có điều không cân bằng. Được lên lương nhưng tiền bảo hiểm sức khỏe lại tăng gần gấp ba, lấy tiền nầy đắp vô tiền kia, lỗ quá chừng.
Hiện tại, cuối năm con ngựa, giá xăng xuống vùn vụt thấy ham. Con ngựa biết thân rút nước kiệu. Tại Cali, tôi thường đổ ở cây xăng giá $2.65; trên toàn quốc, có chỗ chỉ còn $1.80, ai nấy phấn khởi.

Sở làm của tôi, thí sinh tới thi càng ngày càng đông, đa số là người mới qua từ Việt Nam. Thấy thí sinh càng ngày càng trẻ, là tại mình càng ngày càng già đi.
Cả một thế hệ trẻ, rường cột của nước nhà tuôn qua đây, còn ai ở lại?.
Chương trình thi cũng có nhiều thay đổi. Ngày xưa thí sinh đi thi phải đem theo người mẫu bằng xương bằng thịt, đông vui như cái chợ, hai năm gần đây họ chỉ cần đem theo bàn tay năm ngón và cái đầu tóc giả là thi được rồi. Nguyên cái tầng lầu bốn êm ru như phòng mạch bác sĩ. Thỉnh thoảng, tôi nhớ những người mẫu dễ thương đó chớ.
Đa số thí sinh trẻ tuổi nầy, theo guơng thế hệ tiên phuông, họ dùng nghề làm nails dưỡng da làm bàn đạp, lấy ngắn nuôi dài. Hôm nay làm tay làm chân cho khách, ngày
mai sẽ là những bác sĩ kỹ sư, cuộc đời lên hương người người kính trọng. Còn nếu như muốn giữ luôn nghề làm nail làm tóc, sản sanh thiếu gì triệu phú.
Thế hệ nối tiếp, có biết bao người tài giỏi. Trong bất cứ phương diện nào trong xã hội, nơi nào cũng có người Việt. Thật đúng là người Việt thông minh hết xẩy.
Con cháu của ta, biết đâu ngày nào đó, sẽ có người xuất sắc, trở thành Tổng Thống của nước Mỹ nầy. Nói như vậy, chẳng phải là giấc mơ bảy sắc cầu vồng ngoài chân mây đâu. Cứ nhìn thì thấy đó, thế kỷ trước có ai mà ngờ nước Mỹ có Tổng Thống là người da màu như ông Tổng Thống Obama đâu. Vậy mà đã xảy ra rồi rồi.

Nhìn xa hơn, thế giới có biết bao nháo nhàu. Nói nào ngay, từ thởu khai thiên lập địa, có bao giờ dứt chiến tranh đâu?
Cũng may, đa số quân nhân từ các chiến trường Iraq, A Phú Hãn được trở về nước.
Tuy vẫn còn những cuộc chiến rải rác đâu đó, hy vọng người ta sẽ dùng mọi biện pháp hửu hiệu để bảo vệ sinh mạng con người.
Đế quốc Nga vừa mới sát nhập một phần lãnh thổ của nước tiếp cận, liền bị các nước phương Tây, cầm đầu là nuớc Mỹ ta đì liền, lên án, “xịt” ra, nghỉ chơi. Nga bị phong tỏa kinh tế, ngất ngư cả năm nay. Đồng tiền của Nga bị mất giá thảm hại và còn kéo dài dài. Chỉ tội cho dân lành phải lãnh đủ.
Bên Trung cộng thì ngành thương mại tăng trưởng choáng mắt ngợp trời mù ô nhiễm. Sản xuất nhanh, rẻ, nhiều, hàng hoá của Trung cộng tràn ngập thị trường trên thế giới. Chuyên chở bằng tàu, khi đi đầy tàu khi về tàu trống không, chứng tỏ họ chỉ đem hàng của mình đi bán, không thèm mua giống gì đem trở về, chơi khôn vậy, thử hỏi, không giàu cấp tốc sao được?. Đã vậy ông Trời còn bất công, cho họ tìm ra được giếng dầu khí ngoài biển Đông tự cướp kia kìa.
Giàu, mạnh, dữ dằn, ngang ngược, rồi họ bắt đầu gây hấn, xâm chiếm hiếp đáp láng giềng. Nhìn lên bản đồ, thấy nước Việt ta sao bé ti tẹo. Làm sao? Lòng tôi rất xót xa.

Mạng lưới internet càng ngày càng tân tiến, phát triển rộng mạnh trên toàn thế giới. Bây giờ người từ bên nây quả địa cầu có thể nhìn thẳng vào mặt người đối diện ở bên kia nửa vòng trái đất mà chuyện trò vui vẻ.
Đôi khi, tôi ước gì, tìm ra được những đứa bạn tiểu học, lúc còn sún răng.
Tìm ra mấy nhỏ bạn thân ngồi cùng bàn thời trung học, để cười đùa vui vẻ tâm sự mơ màng.
Tôi nhớ thời học trò ngây thơ, vui đẹp biết bao, trước khi tôi tròng vô cỗ cái “gông anh đào”*
Tôi ước gì có thể tay nắm tay nhỏ bạn tên “”trăng rằm” của tôi, để nghe nó kể chuyện đời hồng nhan bạc phận của nó, coi giữa tí Thu và tí Xuân, ai sầu hơn ai?
Tôi mơ ngày tìm lại người yêu đầu tiên của tôi, Lương Minh, để nhắc lại chuyện xưa, sống lại những rung động đầu đời. Cho dù đã xa nhau đúng 46 năm, cho dù bây giờ ai cũng đã già, nhiều thay đổi, nhưng tôi chắc chắn, khi nhìn vào ánh mắt và nghe giọng nói, tôi sẽ nhận ra Minh ngay.
Tôi cũng ước gì chồng tôi tìm được người yêu đầu của y, Mary, lên hình để coi giữa tôi và “nàng” cái “gối ôm nào bự hơn cái nào?”
Cho huề!
Về sự phát triển tiếng Việt, quá nhanh, kể từ lần đầu tiên gõ lên bàn phím những bài Viết Về Nước Mỹ của năm 2000, là cái gọi là word processing không có dấu chữ Việt. Đánh xong bài, in ra rồi dùng viết mực, lựa loại có đầu thật nhỏ để rị mọ bỏ từng dấu sắc huyền hỏi ngã nặng dấu mũ dấu á dấu ớ dấu gạch ngang từ d cho thành đ, lên từng chữ, một việc làm cần kiên nhẫn mất rất nhiều thì giờ. Nói thiệt, đánh máy mấy chục trang coi như “pha”, chỉ ngán bỏ dấu thôi.
Bây giờ các phương trình bỏ dấu tiếng Việt đã được nhiều người sáng lập. Họ đã tử tế cho phép mọi người cài vô máy miễn phí, rất tiện gọn, xin cảm ơn.
Muốn theo gương của bậc tiền nhân đã nói “tiếng Việt còn thì người Việt còn” tôi cho hai đứa cháu nội học thêm tiếng Việt. Thấy hai đứa học có hơi khó khăn vì ở nhà cha mẹ nó nói tiếng Mỹ với nhau, tôi có ý muốn trở thành một phụ giáo để có thể vô lớp giúp cháu.
Giữa năm nay tôi đã đi họp tại một trường trung học, vô chương trình làm phụ giáo dạy trẻ tiếng Việt, mỗi trưa chủ nhựt, nhưng, thấy mình có thể không đủ sức khỏe để vừa đi làm việc toàn thời gian, lái xe mỗi ngày cỡ 3 tiếng đồng hồ, cuối tuần không có thì giờ nghĩ ngơi lấy sức nên tôi hẹn lại năm sau.


Gom đống lá vàng màu thời gian lại thành đống cao như một ngọn đồi nhỏ, vừa lúc hai thằng cháu nội ùa ra, thấy đống lá gom sẵn chúng mừng quá chạy lại nhảy lên tưng tưng làm lá bay tứ tung. Chúng vừa đạp vừa đá vừa hốt lá thảy lên tung cánh bay lả tả trên đầu và cười ngặt nghoẻo và réo “pà nọi pà nọi…”. Thôi kệ, cho chúng chơi cho đã, bất quá chút nữa gom lại cũng dễ thôi. Chơi ngoài trời tốt cho cơ thể chúng và cho tôi, sẵn dịp gom lá lần nữa, thể dục thể thao hy vọng bớt đi được vài gram mỡ sa!
Nhìn cháu nội chạy chơi, tôi có ước mơ. Chúng nó trong sáng biết chừng nào. Chúng may mắn sanh ra trong một xứ sở mà 46 năm về trước, bà nội chúng đã quyết định tới cho bằng được, nhờ sự tiếp tay của ông nội chúng. Nhìn hai thằng cháu, nhứt là thằng em có mái tóc vàng óng ánh, nhiều lúc tôi bật cười, sao mình có hai thằng cháu “Mỹ con chánh cống” vậy cà.
Nhìn chúng, tôi mong chúng cũng giỏi dang như thế hệ sau của dòng người Việt lưu vong. Tôi mơ, trong số ấy sẽ có người đủ tài đủ đức trở thành một ông hay bà Tổng Thống Mỹ. Dám lắm à, vì ngay bây giờ trên thế giới chúng ta đã có người Việt trở thành Phó Thủ Tướng, ở Mỹ đã có Thượng nghị sĩ, Thị trưởng và nhiều nhiều nữa trong chính trường để góp tiếng nói của người Việt rồi. Đó là chưa kể trong mọi ngành nghề, đều có mặt bao người Mỹ gốc Việt ta.

Bao nhiêu người đã sống trên đời nầy mà ta đã gặp, vài người đã ra đi vĩnh viễn, để lại bao tiếc thương cho người ở lại.
Trong ban giám khảo đầu tiên của giải VVNM thì hai vị giám khảo Thảo Trường và Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã về miền miên viễn. Ta còn lại nhà văn Nhã Ca, nhà văn Phan Tấn Hải và nhà văn Giao Chỉ.
Tác giả cao niên nhứt của VVNM là cụ bà Trùng Quang cũng đã an nghĩ đời đời, để lại cho ta giải thưởng Trùng Quang hiếm quí.
Còn mái ấm Việt Báo nhà ta, tuy qua bao thăng trầm, vẫn hãnh diện ngày ngày cống hiến cho độc giả những bài Viết Về Nước Mỹ càng ngày càng phong phú.
Tôi mơ, thế hệ tới, hay tới tới nữa, có ông hay bà Tổng Thống người Mỹ gốc Việt, cầm trên tay, lần lượt, từng quyển sách Viết Về Nước Mỹ mà thế hệ của chúng ta hiện đang bồi đắp. Ông hay bà Tổng Thống Mỹ gốc Việt ấy, đọc say mê, sẽ cảm kích, sẽ biết ơn ông cha đã ra công gầy dựng nên bộ sách để đời, cho con, cháu, chắc, hiểu, vì sao mà họ có mặt trên đất nước Hoa Kỳ nầy.
Họ đọc để biết từng chi tiết, từng mẩu chuyện thật, người xưa chúng ta viết bằng cả tấm lòng thành thật chia sẻ với người cùng cảnh ngộ và không cùng cảnh ngộ.
Nói cách khác, cũng chẳng cần phải là ông to hay bà lớn gì, mà chỉ là một người làm nghề lao động, hay bất cứ ngành nghề nào, miễn là họ còn đọc được tiếng Việt, hiểu được tiếng Việt, thì không uổng công một món ăn tinh thần vĩ đại, Việt Báo và chúng ta đang tiếp tay gầy dựng thiên truyện vạn người Viết Về Nước Mỹ nầy.
Mong lắm thay!

Năm nay, 2015, “biết bao mùa lá rụng” biết bao chuyện đổi đời?
Cầm cây chổi quét tiếp, tôi lại nhớ.
Cây chổi nầy đây, là một trong những vật dụng làm nhớ cái thời mới qua Mỹ, cái gì cũng lạ, cái gì cũng khác, con người, mọi vật, mọi nơi. Tôi nhớ đã nghĩ bụng, chổi gì mà kỳ cục, dài thoàng, cọng chổi nylong cứng ngắc, đứng thẳng lưng quét làm sao sạch nhà?
Nhớ hồi nhỏ mỗi lần quét nhà má tôi hay dặn –con khom lưng xuống, móc vô góc kẹt góc tủ dười sàn giường thì mới sạch chớ quét nhà mà đứng xổng lưng vậy làm sao sạch?
rồi tôi nhớ “nhà” Nhà đây là nhà của ba má, hồi tôi còn nhỏ. Tôi đã ứa nước mắt.
Quét tới bụi bông vạn thọ, à, mùa nầy vạn thọ tươi tốt quá, cũng phải thôi, mùa gần tết mà. Quét tới gần cái chuồng con chim két Africa Gray biết nói, chợt nghe:
-Sạch rồi con.
Rất rõ ràng, giọng con chim nói, nhái y chang giọng của má tôi, lúc nó còn ở với má tôi, mỗi lần dọn chuồng cho nó má tôi hay nói vậy -sạch rồi con.
Cho dù có nghe nó nói chuyện hằng ngày nhưng mỗi lần nó nói những câu thích hợp với hoàn cảnh, bao giờ cũng làm tôi giựt mình.

Sau 45 năm sống trên đất Mỹ, tôi đã quen cây chổi xổng lưng nầy rồi. Tôi quét lẹ lẹ hơi ẩu cho mau cho xong hết cái sân rộng rồi trở lại bụi vạn thọ cắt một mớ đem vô rửa sạch sẽ rồi để vô cái bình lùn, chưng trên bàn thờ.
Nhìn lên bàn thờ, nhìn hình ba tôi, tôi nhớ ba tôi quá. Nhớ khi xưa hễ tết đến là ba hay mua bông vạn thọ về trồng trước sân, chưng một bình trên bàn thờ ông bà nội ngoại. Ba đốt vài cây nhang, cúi đầu, thầm vái.
Nhìn bàn thờ trong căn nhà bên Mỹ, tôi nhớ tới cái bàn thờ hồi đó bên Việt Nam. Năm 1969 trước bàn thờ ấy tôi đã thắp nhang van vái linh hồn ba tôi phù hộ cho tôi đi lấy chồng.
Vợ chồng tôi, mới ngày nào rất trẻ trung rất khờ khạo ngượng ngùng đứng bên nhau trước bàn thờ ba tôi, không chắc gì cho tương lai.
Ngày nay, đã 46 năm qua, chúng tôi vẫn cùng mang cái gông anh đào, trả nợ cho nhau.

Má tôi năm nay 89 tuổi, trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Hôm trước mấy chị em họp lại “phò mẫu hậu” đi chơi xa. Những lúc như thế nầy chúng tôi hay nhắc về quá khứ. Rõ là đám con bầy, mấy chị em thân thiết. Gặp nhau thì khoảng thời gian mấy chục năm chỉ như làn sương khói, chúng tôi tranh nhau nói chuyện chí chóe như bầy chim con, như hồi còn nhỏ sống chung một nhà, vui quá trời vui.
Trên xe, tôi hỏi về những người bạn của tôi ngày xưa, má tôi đã nhắc từng tên, không quên đứa nào.
Má tôi có 8 đứa con, 18 cháu ngoại 2 cháu nội và hiện tại có 25 cháu cố.
Tôi không dám nói nhiều về tuổi già, vì tôi mít ướt lắm, mỗi khi nghe câu “Mẹ già như chuối chín cây…
Còn tôi, hai đứa con trai tuổi 45, 44, con gái út 39 và 6 cháu nội, ba trai ba gái đồng đều.
Bây giờ là thời của tụi nó, lo cho đám cháu nội của tôi. Tụi nó làm chồng làm cha rất tốt. Ít ra, đó là một sự hãnh diện của vợ chồng tôi, con mình cũng không đến đổi nào.
Hy vọng tụi nó có đầy đủ sức khỏe để nuôi đám con cho nên người, dù đi làm cực nhọc nhưng vẫn có thì giờ chơi đùa với con, là điều vợ chồng tôi thiếu sót, khi xưa.

Hồi còn trẻ, tôi cứ nghĩ, ráng làm việc kiếm tiền, đợi tới khi hưu trí rồi hai vợ chồng sẽ cùng đi du lịch. Hởi ôi, sau khi bị gãy chân lần đó chồng tôi không thể đi xa được, vậy là đi đứt mộng du lịch của tôi rồi.
Nhưng không sao, không đi xa thì đi gần, cứ sân trước du lịch tới sân sau, sân sau trở vòng qua sân trước, thì cũng như là đi từ bắc xuống nam từ đông sang tây rồi. Muốn le hơn nữa, bước vô nhà mở computer lên mạng tìm kiếm, du lịch bằng mắt, vừa an toàn trong nhà vừa đỡ tốn vé máy bay, những chiếc máy bay cũng cỡ tuổi tôi, rệu rồi hay sao? nay rớt chiếc nầy mai rơi chiếc khác, có chiếc biến mất luôn. Ớn!
Thời “a còng” đi chơi kiểu ảo, ta thấy thiên hình vạn trạng. Muốn coi cảnh đẹp của nước nào, chỉ cần nâng ngón tay nhấp “con chuột” là tức khắc “hô giáng!” đi ngay tới đó. Khi coi đã con mắt rồi, ngồi lâu đau lưng, “hô biến” tắt máy đi nghỉ ngơi. Quá khỏe.
Du lịch của tôi vậy đó, miễn trong lòng vui vui, hạnh phúc, an phận, là đủ rồi.

Như vậy, thêm 15 năm nữa sau 32 năm ấy, nhịp sống của chúng tôi có phần chậm lại, thanh thản hơn. Cũng phải thôi, chậm lại để có cảm tưởng như còn xa lắm mới tới “bên kia sông”!
Sau bao thăng trầm, nước Mỹ đã giúp gia đình tôi có đời sống ấm no yên ổn, tự do cùng bình đẳng, không bao giờ tôi quên ơn.
Đứng trước bàn thờ, tôi tin tưởng, ba tôi vẫn luôn theo dõi và phù hộ cho gia đình chúng tôi.
Và cứ mỗi ngày thức dậy, tôi luôn luôn tự nhủ:
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta Có Thêm Ngày Nữa Để Yêu Thương”
Trích Kahlil Gibran.

Chú thích: *cái gông anh đào: ý ám chỉ cái giường, đóng bằng gỗ cây anh đào.

Trương Ngọc Bảo Xuân
Ngôi nhà màu nâu
Tiểu Sài Gòn, ngày 7 tháng 1 năm 2015

Ý kiến bạn đọc
06/02/201503:16:00
Khách
Chào bạn Lương Vĩnh Đồng
Cảm ơn bạn đã đọc bài.
Tôi thấy chớ, ông Tổng Thống nào lên vài năm cũng hốc hác bạc đầu hết trơn vì vừa là anh hai vừa là cảnh sát vừa là ân nhân của thế giới mà
Chúc Đông Lương và gia đình an khang, nhiều sức khỏe.
Hò hò hò


Đoàn Thị ơi
Vắng bóng một thời gian, mừng Đoàn Thị trở về.
Chúc bạn mùa xuân vui tươi hạnh phúc bên trời Tây nha
Nhớ viết thêm nữa, 11 bài trong năm, như lúc trước nghen, rồi bay qua đây ngồi kế tui như năm đó.
Cảm ơn Đoàn Thị


Annie mến,
15 năm qua mau, lúc chụp tấm hình đó với quí vị chủ khảo, mình thấy mình già, bây giờ coi lại thì thấy mình còn trẻ, trẻ hơn bây giờ, hà hà hà.
Cho nên, khi nào có dịp mình cũng thích chụp vài tấm hình. Ước gì hồi còn đi học mình đã chụp thêm nhiều hình với các bạn.
Chúc Annie và gia đình luôn vui.


Chào Phương Hoa
Nhớ nhà nhớ quê hương là điều đa số chúng ta đều mang nặng trong lòng, nhứt là vào những ngày cận tết, phải hôn Phương Hoa.
Cảm ơn lời chúc đẹp.
Phương Hoa nhớ giữ gìn sức khỏe viết cho khỏe kể thêm những chuyện thăng trầm nghen.
04/02/201505:28:31
Khách
Kinh chi.
Doc bai cua chi dung la cai van phong cua nguoi mien nam Viet nam, no that tha khong trau chuot, nhung mang dam net yeu thuong danh cho que huong va dan toc.Thoi chi, mo lam Tong Thong lam gi? thay vien huyen ngoc khong? luc moi len lam TT toc den va da den, nhung bay gio thay ong ta toc da sang mau muoi tieu roi do.Mong anh chi an vui va manh khoe kinh Luong vinh Dong
03/02/201521:34:41
Khách
Chị Xuân mến,
Lâu lắm mới được đọc 1 bài của chị, hay và cảm động vì sự chân thành trong từ câu chữ của chị.
Chúc chị Xuân và gia đình, các cháu Năm con Dê Như Ý nhe.
03/02/201517:19:18
Khách
Chị Xuân ơi,
Hồi đó ai cũng trẻ đẹp. Bác Sơn Điền còn sống.Thời gian qua nhanh quá.
Chúc chị năm mới lúc nào cũng vui khỏe để tiếp tục làm chủ khào cho mục VVNM.
Annie
03/02/201515:54:06
Khách
Bài viết rất là dễ thương, "chị Tý" ơi! :) Đọc mà nghe lòng xúc động, nhớ về quê hương, nhớ lại quảng đường thăng trầm mấy chục năm trên đất Mỹ của chính PH. Xuân mới sắp đến rồi, chúc anh chị và gia đình nhiều may mắn, hạnh phúc...
Phương Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,181
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ ba của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bàà đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bà đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Bài viết mới của tác giả được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ năm của bà được ghi là “Viết tặng các bà Mẹ và những người làm con nhân Ngày Từ Mẫu”
Bài viết cho Ngày Lễ Mẹ 12 tháng Năm 2019. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Ngày mai, Chủ Nhật 12, 2019 sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Lê Xuân Mỹ, một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Qua Mỹ năm 1998. Cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.