Hôm nay,  

Tiếng Đàn Trưng Và Cô Gái Hà Nội

15/01/201500:00:00(Xem: 14692)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4438-14-29838vb501515

Với 14 bài viết trong năm, trong đó có bài "Chú Lính Mỹ" tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

* * *

Năm một chín chín mốt, trước khi qua Mỹ theo diện HO, tôi chiều ý theo ông bà cụ làm một chuyến Bắc du.

Theo lời dỗ ngọt của bố mẹ tôi, những người nặng lòng với quê làng Đào xá, Hà Tây, tôi phải về quê một chuyến để biết làng quê nơi có mồ mả các cụ, có nhà thờ hai họ nội ngoại, để biết mặt và chào tạm biệt các chú, các bác, các cậu, các dì còn sống, để thăm nơi bố tôi ngày xưa chăn trâu, cắt cỏ trên những cánh đồng của ông anh rể làm chánh tổng đã từng nọc đòn và phơi nắng bố tôi vì cái tội ham chơi để trâu bị đói. Bố tha thiết bảo tôi nên về quê để thấy nơi chôn nhau cắt rún của bố mẹ, để biết căn nhà lá gần đình làng của bà mụ vườn, tuổi gần chín mươi, nơi ông anh cả tôi sinh ra được hai tháng đã theo bố mẹ vào Nam,về để noi gương làm các việc từ thiện bố mẹ đang làm cho làng và để thương cái nghèo khổ, thiếu thốn và bất hạnh của những bà con ruột thịt còn kẹt lại miền Bắc sau một chín năm tư.

Tôi đã mất một quê hương, lại sắp sửa rời bỏ nó để chọn cho mình một quê hương thứ hai, nước Mỹ. Những hạt giống tình cảm quê hương bố mẹ gieo trong lòng tôi trong chuyến đi này chẳng làm cho lòng tôi xôn xao, náo nức. Tôi tự nhủ ngoài tình gia đình nội ngoại, cũng nên về một chuyến để biết thủ đô “ngàn năm văn vật”, để xem phong cảnh, để “ thăm dân cho biết sự tình”, để bố mẹ vui và biết đâu để “còn một chút gì để nhớ để thương”.(1)

Tôi sinh ra trong miền Nam, gốc bố mẹ là người Bắc, lấy chồng và làm dâu người Bắc, nói được tiếng Bắc nhưng tôi thích nói tiếng Sài gòn. Khi về Hà nội tiếp xúc với bà con, tôi có dịp nói tiếng Bắc. Tôi có nhiều kỷ niệm với gia đình chị Cầm nhất là với cô bé Ngọc Hân con gái chị Cầm, một cô bé thông minh, xinh đẹp, dạn dĩ, có cái tên quý phái của nàng công chúa triều Lê: Lê Ngọc Hân

Tôi theo bố mẹ đến thăm căn nhà số bốn đường Thành, bên kia đường là chợ Hàng Da. Năm một chín bốn tám, sau chuyến buôn bán bên Lào, bố tôi trở về Hà nội mua căn nhà này cho gia đình chú Ba. Bố kể căn nhà sau này trở thành một hộ tập thể chia ra bốn gian cho bốn gia đình. Gian mặt tiền ngăn đôi. Chú Ba nghiện thuốc phiện. Nửa căn, thím Ba mở cửa hàng bán cháo lòng, dài rộng chỉ hơn hai mươi mét, cơi thêm cái gác gỗ đủ tiêu chuẩn cho gia đình sáu người, còn nửa kia chú bán cho một hộ khác là bác Thái, người cùng làng để lấy tiền mua thuốc hút.

Chính giữa hai gian nhà là một lối đi hẹp chỉ vừa đủ cho một chiếc xe đạp và lầy lội vào những ngày mưa. Người đi xe dắt bộ, vừa đi vừa phải nghiêng người mới lách được vào trong. Phía sau là một khoảng sân nước ướt át, khá rộng, là nơi tắm, giặt, bếp nấu của bốn hộ tổng cộng gần hai chục mạng người già,trẻ,lớn, bé sinh hoạt ì xèo suốt ngày. Chưa kể chung quanh sàn nước bừa bộn nào là nồi, chảo, chén bát dơ, chậu nhựa, quần áo, bếp lò... Khách vào nhà cứ từ từ tìm chỗ trống mà bước.

Nhà cửa, đời sống dân tình của người Hà nội sau bảy lăm nghèo nàn, khốn khó. Nhiều người Hà nội nhanh chân vào Nam sớm, nhìn thấy đời sống của người Sài gòn sau chiến tranh sung túc và văn minh, nhà cửa rộng rãi thoải mái ngay cả những gia đình nghèo. Họ ngạc nhiên, lạ lẫm từ cái đồng hồ, phin pha cà phê, cái bàn cầu, “con” lạp xưởng, kẹo cao su… Thời đó, người Sài gòn có câu vè sáu chữ “v”: “ Vào, vội vã, vơ vét, về”. Có những người nhờ sự giúp đỡ của bà con khá giả còn ở lại miền Nam, “tàn dư của Mỹ Ngụy” và “núm ruột ngàn dặm”, đời sống của họ sau này đổi đời, lên hương thấy rõ.

Tôi đứng ở sàn nước nhìn lên gác tìm nhà chị Cầm. Hai bên là hai chiếc cầu thang bằng xi măng dẫn lên trên là hai gian gác xép ngăn đôi, chu vi mỗi gian khoảng hơn hai mươi mét. Đây là chỗ ăn, ở, học hành, tiếp khách của hai hộ gồm tám người đều là cháu gọi ba tôi và chú Ba là cậu ruột. Cách mạng về thành, nhà cửa ở Hà nội hiếm, quy hoạch tính theo mét vuông trên đầu người. Nhà rộng quá tiêu chuẩn quy định sẽ bị nhà nước quản lý hay phân phối cho các gia đình khác. Chú Ba mất, thím Ba và em Hùng, con trai cả quyết định cho gia đình chị Cầm và chị Quy về ở hai căn gác trên phía sau để giữ nhà.Dù sao chị em cô cậu ruột ở chung hộ tập thể vẫn hơn ở chung với người ngoài.

Bố kể xa quê hơn ba mươi năm, lần đầu tiên về Hà nội, thấy các cháu về ở quây quần trong căn nhà cũ, bố tôi cảm động rơi nước mắt.

Tôi leo lên các bậc thang xi măng trơn trượt đã thấy một bé gái khoảng hơn mười tuổi, xinh xắn, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng bóc, hai má hồng hồng, ló đầu ra đón tôi ở cửa, tôi đoán ngay là bé Ngọc Hân con gái chị Cầm:

- Cô ơi, cô đi cẩn thận kẻo ngã. Mẹ cháu bảo hôm nay có ông Bà Đoan và cô Oanh ở Sài gòn ra chơi. Cháu thấy cô và ông bà ngồi ở nhà bà Ba. Cô ngồi đây để cháu chạy sang bên kia đường gọi mẹ cháu về nhá.

- Thế mẹ cháu làm gì bên kia đường?

- A, cô không biết à. Mẹ cháu bán nem chạo ở chợ Hàng Da.

- Này, cho cô hỏi tí. Cô muốn đi… Cháu gọi là đi giải, trong Nam cô gọi là đi tiểu. Cháu chỉ cho cô cái chỗ nào cho cô đi …nhé

Con bé chưa hiểu ý cô, cười lộ hai má lúm đồng tiền:

- Các hộ ở đây không nhà nào có hố xí cô ạ.Chúng cháu đi tất sang bên kia chợ Hàng Da. Bên ấy có nhà xí tập thể.

Tôi nghe mà giật mình. Ở tập thể, sinh hoạt tập thể, nhu cầu vệ sinh của hai chục con người trong cái nhà này cũng tập thể. Mà phải bước qua bên kia đường chợ Hàng Da?

Thấy đôi mắt ngơ ngác của bé Hân, tôi xoa đầu Hân giải thích:

- Không, cô hỏi nếu nhỡ ra cô buồn đi giải, ở nhà cháu cô phải đi ở đâu? Không có hố xí thì ngồi dưới cống ở sàn nước kia à?

Con bé cười ngặt nghẽo:

- Ai lại đi thế. Chúng cháu cứ đi vào cái bô này rồi đổ xuống ống cống dưới kia. Ban ngày ban đêm cũng đi thế cô ạ.

Tự nhiên tôi nghĩ đến cái cảnh bất ngờ nửa đêm bị Tào Tháo đuổi, bật cười nhìn vào đôi mắt long lanh của bé Hân, tôi giả vờ ôm bụng, nhăn mặt, hỏi thêm:

- Ban đêm, lỡ ra cô đau bụng… khẩn trương phải đi ngoài thì làm sao? Thế cháu có khi nào phải đi …khẩn trương như thế này không?

Con bé nghiêng đầu như nhớ lại chuyện gì. Nó cười chúm chím:

- Cháu thì không nhưng anh Chiến mấy lần tháo dạ ban đêm phải đi ngoài vào cái bao nhựa. Eo ôi, sáng sớm, mẹ cháu phải đổ ngay, sợ đi ngang cửa hàng bà Ba thối um, bà chửi cả nhà. Sáng ra bà chưa mở hàng bà kiêng cô ạ. Bà hay chửi lắm.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, con bé cố gắng giải thích và lan man kể chuyện:

- Lâu lắm rồi bốn hộ dự tính làm hố xí chung nhưng tốn khối tiền. Không ai chịu bỏ tiền cô ạ. Bố mẹ cháu nghèo lấy tiền đâu. Cứ họp hành xin phép tổ dân phố mãi. Cuối cùng là vào... chợ Hàng Da. Bất tiện lắm nhưng biết làm thế nào. Chúng cháu quen rồi. Mẹ bảo cô sắp đi Mỹ hả cô?. Cô ơi, mẹ bảo bên Mỹ ấy, cái cầu tiêu giật một phát, nước và cứt trôi cả xuống cống giống như trong Sài gòn. Đúng thế không cô? Móng tay con gái Sài gòn dài màu đỏ như máu trông khiếp lắm.Cháu thấy cậu Trung vào Sài gòn mang về lắm quà của ông bà cho. Cậu cho cháu xem “cái nồi ngồi trên cái cốc”, có cái nước màu đen đắng ơi là đắng mà lại có mùi thơm thơm.

Tôi gật đầu. Tội nghiệp con bé ngây thơ, xinh xắn và dễ thương này, nó láu táu kể chuyện nhưng vẫn tinh ý nhìn cái mặt không lấy gì làm thoải mái của tôi và bảo:

- Hay cô đi giải vào bô. Cô ngồi ở góc kia. Xong cháu đổ cho cô.

Tôi lắc đầu:

- Hay là thế này cô ạ, cháu đưa cô sang chợ Hàng Da là tiện nhất. Cô gặp mẹ cháu bên ấy. Giờ này trưa rồi chắc mẹ cháu sắp về. Đi nhanh cô nhé không cô lại vãi cả ra quần.

Hai cô cháu cùng lăn ra cười. Đúng như Hân nói, tôi đang nín thở, cũng muốn cười… “vãi cả ra quần” vì ngôn ngữ Bắc kỳ dễ thương và cái miệng nhanh nhẩu của Hân. Bây giờ tôi mới để ý đến hàm răng đều đặn như hạt bắp. Hân xinh đẹp từ nét mặt, làn da, mái tóc, nụ cười. Rồi xem, cô bé này hứa hẹn sẽ là một người đẹp Hà nội sáng giá đây.

Tôi gật đầu:

- Ừ, cô cháu mình đi. Cô muốn biết chợ Hàng Da. Cô ra Hà nội lần này học mẹ cháu món nem chạo. Sang Mỹ cô mở quán ăn Việt Nam có món nem chạo của mẹ cháu. Cô nghe các cô chú nói món nem chạo mẹ cháu làm ngon nổi tiếng chợ Hàng Da.

Nó hớn hở, tay xách giỏ, tay nắm tay dẫn tôi đi từng bước xuống cầu thang, vừa đi vừa kể chuyện liên tu bất tận về cách làm món nem chạo,về chuyện gia đình, chuyện đi Mỹ…

- Mẹ cháu đắt hàng lắm cô ạ. Có khi cháu và anh Chiến phải thức khuya phụ mẹ mới làm kịp giao hàng. Bố cháu chỉ mê nhạc và đánh đề. Mẹ cháu làm suốt. Cô ơi, cô sang Mỹ cô sướng lắm. Mẹ cháu bảo thế. Mẹ bảo cô Vy và cô Liên sang Canada không bằng cô Oanh sang Mỹ. Trong sách dạy chúng cháu Mỹ là “đế quốc” cô ạ. Chúng cháu phải biết căm thù “đế quốc”. Cháu chẳng hiểu “đế quốc” là gì ? Bố mẹ bảo ông bà Đoan giàu nhờ vào “đế quốc”. Ông bà lấy tiền của “đế quốc” về cho họ hàng, giúp làng Đào Xá. Mẹ bảo ông ngoại cháu là địa chủ nên các cậu Khải, cậu Trung, cô Quy không được vào đại học. Cháu muốn vào đại học phải học vượt hơn các bạn. Đúng không cô?

Tôi trả lời ậm à ậm ừ cho qua các câu hỏi của Ngọc Hân.” Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Ý định của tôi trong chuyến đi Bắc du “thăm dân cho biết sự tình”, đâu cần tìm đâu xa, chỉ cần nghe những câu chuyện vô tư và hồn nhiên của bé Hân cũng biết được nhiều chuyện về Hà nội sau bảy lăm.

Sang bên kia đường, từ xa, chị Cầm đã thấy tôi và bé Hân, chị cười thật tươi, vẫy tay lia lịa. Đây là lần đầu tiên tôi gặp chị. Cái cằm có góc cạnh vuông vuông trông chị hao hao giống bác gái. Đôi mắt tinh anh làm cho mặt chị sáng hẳn lên và có sự mạnh mẽ của ngừơi đàn bà quen chịu đựng gian khổ. Chị lam lũ trong chiếc áo len xám đã sờn vai và chiếc quần đen cũ kỹ thật là tội nghiệp. Vừa gặp mẹ, Hân đã nhanh nhẩu:

- Mẹ ơi, cô Oanh muốn đi giải mẹ ạ. Mẹ đưa cô đi ngay. Cô buồn đi lắm rồi.

Chị nắm tay tôi, chép miệng, thở dài xuýt xoa:

- Giời ơi, bao nhiêu năm chị em xa cách, cô em tôi ra Hà nôi thăm anh chị và các cháu lại phải đi cái nhà xí tập thể này. Đấy, em ra Hà nội mới thấy tận mắt các anh chị sống khổ như thế. Gia đình anh chị, cô Quy, chú Hùng bao nhiêu năm vẫn …như thế. Em theo chị. Đi lối này. Gần đây thôi.

Chị dặn bé Hân xem chừng cái thúng nem đã bán hết chị đậy bằng chiếc nón lá cũ rồi tất tả dẫn tôi vào trong chợ. Càng đến gần, một mùi hôi thối bốc lên từ xa khiến tôi chùn bước, phải lấy tay bịt mũi. Thế mà bao nhiêu con người đàn ông, đàn bà, trẻ con ngày này qua ngày nọ, cả ngày lẫn đêm, họ buôn bán, sinh sống chung quanh cái khu nhà xí này. Khứu giác của họ quen quá rồi cái mùi của cứt, đái từ tứ phương đổ về đây nên không còn phân biệt các mùi khác của mắm, muối, hành, tỏi, cá, thịt, thức ăn, trái cây, mồ hôi đã bị át đi trong ngôi chợ. Vì thế họ bình thản, tỏ ra không quan tâm đến cái mùi khủng khiếp của các chất thải từ nhu cầu tự nhiên và cần thiết này của con người.

Chiếc cửa mở. Một người bước ra. Chị Cầm nhìn tôi ái ngại. Tôi lấy hết can đảm định bước vào. Thấy tôi đứng lại, tỏ vẻ tần ngần muốn quay ngược trở ra, chị đến gần nhìn vào cáí bàn cầu. Chị đến hồ nước gần đó có cái vòi đang chảy, múc một thùng nước thật đầy tạt mạnh vào bàn cầu và nói nhỏ:

- Chị dội sạch rồ. Em vào đi. Chị chờ ngoài này.

Tôi nín thở. Tôi tự nhủ, thôi, cứ phải thở bình thường. Nín thở bao nhiêu rồi lại phải hít vào bấy nhiêu chứ nó có bay đi đâu. Phải chi có vài giọt dầu gió, một miếng vỏ quít hay một lá trầu để tôi chà sát, đánh lừa cái lỗ mũi này.

Vài phút sau tôi bước ra cảm thấy nhẹ người. Chị Cầm vẫn đứng chờ. Tôi theo chị, đi được vài bước nhìn thấy một bà cụ ngồi trước một thúng bún trắng phau cách cầu tiêu không xa. Cái màu trắng phau thanh khiết, nõn nà của từng sợi bún quấn với nhau thành từng vắt to như lòng bàn tay, xếp chung quanh những tàu lá chuối xanh trong khi cái mùi thối khủng khiếp của cứt, đái vẫn còn bao quanh lỗ mũi làm tôi lợm giọng. Nếu nhìn lâu chút nữa có thể tôi phải nôn ọe trước khi băng qua đường về nhà chị Cầm.

Vào đến nhà chị Cầm, tôi vẫn chưa hoàn hồn. Hình ảnh thúng bún trắng của bà cụ già bán bên cạnh cầu tiêu chợ Hàng Da ám ảnh tôi mãi. Con bé cứ quấn lấy tôi, nài nỉ cô ở chơi tí nữa chờ bố Vinh cháu đi làm về. Trên căn gác nhỏ, tôi nhìn hai bàn tay thoăn thoắt bào những miếng da heo thành từng sợi nhỏ để làm món nem chạo chuẩn bị phiên chợ sáng mai. Tôi nghe chị thủ thỉ về cảnh nghèo, về ông chồng lương ba cọc ba đồng, có máu bài bạc, ham chơi, mê đàn “ắc-cọt-đê-ông”. Chị chỉ vui khi nhắc đến bé Hân đứa con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn, thông minh, niềm an ủi, cái phúc trời ban cho gia đình chị. Chị bảo không biết trong tương lai, nhan sắc ấy có giúp cho cháu làm nên danh phận gì không?

- Nhà nghèo, sao chị lấy tên công chúa vừa sang vừa đẹp đặt cho con gái thế hả chị?

Bé Hân líu lo bên cạnh tôi:

Bố Vinh cháu họ Lê.Tên cháu là tên của công chúa Lê ngọc Hân con gái vua Lê Hiển Tông.Cháu đọc trong sử vua gả công chúa cho Nguyễn Huệ.Nguyễn Huệ là ông vua đánh giặc Tầu phù.

Chị Cầm giọng trầm hẳn xuống:

- Em ạ, vì nghèo nên tất cả mơ ước của chị trong đời không thực hiện được, chị đặt cả vào tên đẹp cho con. Cậu Trung dạo này nghiên cứu tử vi bảo rằng số cái Hân sau này lấy chồng nước ngoài em ạ. Em bảo nghèo thế, biết ai, quen ai ở nước ngoài. Chị chỉ mong cháu lấy chồng tử tế và đừng vất vả như chị.

Tôi ngắm bé Hân, hỏi Hân cháu đang mơ ước gì. Hân nghiêng đầu làm dáng:

- Cháu mơ nhiều lắm. Cháu mơ được như chị Bí Bầu con bà Thái, cạnh nhà bà Ba lấy chồng người Tiệp đẹp giai và giầu lắm cô ạ. Cháu mơ được vào Sài gòn thăm ông bà và các cô chú. Cháu mơ trúng số đề để bố cháu sửa nhà, xây cái phòng tắm và cái hố xí cho nhà cháu dùng. Cháu mơ có cái ti-vi không phải xuống nhà bà Ba xem nhờ. Cháu mơ mẹ cháu đừng phải đi bán nem chạo ở chợ Hàng Da. Cháu mơ anh Chiến lớn lên được đi lao động nước ngoài mang về bao nhiêu là quà. Cháu mơ…

- Thế cháu không mơ lớn lên cháu sẽ học ngành gì, làm nghề gì à ?

- Có chứ. Ông ngoại cháu là thành phần địa chủ, cháu phải học thật giỏi mới được vào đại học cô ạ. Cháu thích học nhạc, học đàn. Cháu thích nghe bố Vinh chơi đàn “ắc-cọt đê-ông”. Cháu thích được đi học nhạc ở nước ngoài như chú Trịnh em bố cháu.

Tôi đặt vào bàn tay bé nhỏ của Ngọc Hân một số tiền. Con bé nhìn mẹ như ngầm hỏi có cho phép nó nhận. Mẹ nó bảo cô cho, con nhận đi. Nó khoanh tay cám ơn “Con xin cô”.

Tôi về Sài gòn, “còn một chút gì để nhớ để thương” về Hà nội là hình ảnh bé Hân dắt tay tôi qua chợ Hàng Da, về chị Cầm tạt thùng nước vào bàn cầu, về thúng bún trắng của bà cụ già ngồi cạnh cầu tiêu, những câu chuyện kể và những ước mơ của bé Hân làm cho chuyến đi Hà nội “thăm dân cho biết sự tình” của tôi tuy chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng không nhẹ lòng như tôi tưởng.

Hai tháng sau tôi lên đường qua Mỹ.

Lần thứ hai tôi về Hà nội là một chuyến “Fam Trip” năm 2001 của hãng China Airlines nối tuyến tại Taipei với Việt nam Airlines tổ chức miễn phí vé và tour cho năm mươi đại lý bán vé máy bay được đi chơi để “marketing”, giới thiệu đường bay phối hợp của hai hãng lúc đó còn mới lạ với cộng đồng người Việt. Chuyến đi ghé Hà nội ba ngày trước khi vào Sài gòn. Đây là một chuyến du lịch sang trọng, chu đáo đúng nghĩa dành cho dân chuyên làm nghề du lịch “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang”.

Theo chương trình có một tour nội địa cho bà con đi chơi thủ đô nhưng khi nhắc đến đi “thăm lăng bác”, bà con đều từ chối. Đa số những người tham dự trong chuyến đi là người Hoa, họ không quan tâm đến các di tích lịch sử ở Hà nội. Họ là dân chơi của ngành du lịch quốc tế nên khi đến thủ đô, họ cùng bảo nhau “Hà nội có gì mà xem”. Thế là cả đoàn rã đám, mạnh ai nấy đi chơi riêng lẻ, chỉ tập trung vào giờ ăn và nghỉ ngơi ở khách sạn Sofitel.

Tôi gọi chú em Hùng đến khách sạn đón và chở tôi đi thăm một vòng bà con Hà nội. Tôi ghé “cháo bà Ba” ăn món cháo lòng nổi tiếng ở Đường Thành và lên gác nhà chị Cầm chơi với anh chị và cháu Hân suốt buổi tối.

Hân bây giờ không còn là cô bé con nữa mà là một cô thiếu nữ Hà nội mảnh mai, đẹp mặn mà, duyên dáng, học viên của học viện Quốc gia Âm nhạc Việt nam sắp ra trường. Vẫn là căn gác nhỏ của mười năm trước, lần này tôi thấy trong góc nhà có một vật lạ trông giống như cây đàn làm bằng các ống tre, một đầu nhọn, một đầu có mấu, mặt sau khoét rỗng, treo thành ba hàng, xếp xen kẽ nhau, thanh ngắn trên cao, thanh dài dưới thấp, nối nhau bằng những sợi giây có gút thắt, kê trên một cái chân đế cũng bằng tre hình cong như chiếc võng. Cây đàn này tôi thấy quen quen.

Hân gặp, ôm tôi mừng ríu rít, hỏi thăm đủ chuyện và nói liên tu bất tận như cô bé Hân ngày nào:

- Đàn Trưng đấy cô ạ. Năm nay là năm cuối cháu ra trường. Không đọc là “trưng”. Cô phải đọc là Tờ -rưng vì là đàn của dân tộc Tây nguyên. Cô muốn nghe cháu đàn không? Cô thích nhạc gì? Nhạc Việt nam hay nước ngoài?

Từ nãy giờ tôi chỉ thắc mắc sao Hân chọn học và chơi loại nhạc cụ này. Nó có tâm hồn văn nghệ giống bố Vinh. Sao không học các loại nhạc cụ khác lại chọn học lọai nhạc cụ Tây nguyên ít phổ biến. Con nhà nghèo phải thực tế, tìm học ngành gì kiếm tiền giúp bố mẹ, ai lại đi học đàn Tây nguyên. Tôi hỏi Hân:

- Mười năm về trước, cô nhớ cháu nói với cô cháu thích ra nước ngoài học nhạc. Cháu học đàn này làm sao ra nước ngoài.Tại sao cháu chọn loại nhạc cụ này?

- Cháu thích âm thanh của nó nghe như tiếng suối róc rách, tiếng gió thoảng xào xạc thú vị lắm. Loại nhạc cụ này độc đáo nên học viện có chương trình sẽ cho đoàn đi biểu diễn giao lưu với các đoàn ở nước ngoài cô ạ. Cháu chơi bài “Nụ cười sơn cước” của Tô Hải cô nghe nhé. Bài nhạc này kể về mối tình chia ly của một anh chàng thanh niên đi kháng chiến với một cô sơn nữ người Mường ở tỉnh Hòa Bình.

Hân đứng yên lặng trước cây đàn, tay cầm hai cây gõ lướt trên dàn tre. Những âm thanh lóc cóc của những thanh tre được được cắt thành những thanh dài cho âm thanh thấp, thanh ngắn cho âm thanh cao, khi gõ vào tạo thành những nốt nhạc đồ- rê- mi-fa-sol-la-si đô…trong âm nhạc Tây phương.

“Tôi nhớ mãi một chiều xuân /chia phôi/ mây mờ/ buông xuống/ núi đồi/ và trong lòng mưa hơn cả ngoài trời”…Có những lúc Hân gõ, khi thì nhẹ nhàng khi thì mạnh mẽ, khi liên tục, khi ngắt quãng, khi chậm, khi nhanh để diễn tả tình cảm hay hình ảnh cô gái miền sơn cước: “Hình dung/ một chiếc/ thắt lưng xanh/ một chiếc khăn/ màu trắng trăng/một chiếc vòng sáng long lanh/ với nụ cười nàng quá xinh”. Cô gái có má lúm đồng tiền ấy, đứng trước cây đàn Trưng đang mỉm cười nhìn tôi.

Bài “ Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ”( Turkish March) là một bản nhạc nổi tiếng của thiên tài Mozart sáng tác lúc ông mười tuổi. Nhạc khúc này quen thuộc với tôi vì đó là một trong những bài piano “tủ” làm tôi nhớ đến tiếng đàn piano của đứa con gái Phương Uyên ngày nào tập bài này vào những buổi chiều trước khi cô giáo đến. Với cây đàn Trưng, Hân đã đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cây đàn dân tộc truyền thống làm bằng vật liệu đơn sơ như tre nứa của dân tộc Tây Nguyên, dưới đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ đã diễn tả được tiếng những bước chân ngựa dồn dập của đoàn kỵ binh Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ mười chín, phóng bốn vó lướt như gió cuốn trên đại lục Châu Âu.

Lần này tôi nhận lời ăn cơm tối với gia đình anh chị để nghe kể chuyện về Hân. Hân sắp lấy chồng. Đây là chuyện tình giữa một ông thầy giáo dạy Anh ngữ ở Hà nội và nghệ sĩ đàn Trưng, Ngọc Hân. John, tên người Mỹ, trong một buổi hòa nhạc tại Học viện Quốc gia về đàn Trưng đã ngưỡng mộ cây đàn và tìm đến, làm quen, tỏ tình và cuối cùng xin cưới cô hoa khôi của trường Nhạc. Họ sắp làm đám cưới tại Hà nội.

Trên đường về Mỹ, tôi nhớ lại kỷ niệm mười năm về trước về những ước mơ của cô bé tên Hân. Những ước mơ ấy đã thành sự thật. Bây giờ cô là cô gái xinh đẹp, một nghệ sĩ tài năng và sắp lấy chồng Mỹ. Bà mẹ đã bỏ nghề bán nem chạo.Người anh trai đi học ở Đông Đức. Ông bố bỏ cờ bạc. Cây đàn Trưng nhiệm mầu đã chắp cánh cho ước mơ của cô gái bay xa. Ước mơ được sang Mỹ.

Thời gian trôi qua nhanh, thỉnh thoảng tôi gọi về hỏi thăm tin tức bên nhà được biết Hân sang Mỹ từ lâu, ở tiểu bang nào đó vùng Trung Tây. Các số phone chị Cầm cho tôi đều không liên lạc được. Tôi bận rộn nhiều với công việc và đời sống, hình ảnh Hân từ đó cũng chìm dần trong quên lãng.

Một buổi sáng, tôi bắt phone. Một cô gái giọng Bắc Hà nội hỏi tên tôi, tôi nhận ra giọng Hân. Hân đang ở Cali. Tôi mừng quá, chỉ đường cho Hân và mời Hân đến nhà chơi. Tính ra cũng gần mười năm cô cháu chưa gặp nhau. Mười năm trôi qua, Hân biệt tăm biệt tích ở xứ Mỹ. Giờ đây Hân xuất hiện ở tiểu bang nắng ấm này làm sao tôi không khỏi bồn chồn, nôn nao và mong ngóng được gặp ?

Hân vẫn còn đẹp, nét đẹp của người đàn bà phong trần, không còn cái vẻ tươi mát, thơ ngây thời còn trẻ, thoáng một chút buồn buồn, ưu tư trong đôi mắt, một chút dung tục, bổ bã trong cách nói chuyện, một chút thô tháo, ngang tàng trong cử chỉ làm tôi hơi bất ngờ. Hân thay đổi nhiều. Cái vô tư, hồn nhiên của cô bé Hân, cái vẻ đằm thắm, tươi trẻ, dịu dàng trong ánh mắt, nụ cười của cô sơn nữ người Mường bên cạnh chiếc đàn Trưng ngày nào không còn nữa thay vào đó là một người đàn bà tên Hân từng trải, lõi đời, nhìn con người và cuộc đời với cái nhìn sắc cạnh, thực dụng đầy ngao ngán và chán chường. Vẫn cái giọng nói láu táu, nhanh nhẩu Bắc kỳ và thích kể chuyện, hai cô cháu ngồi trong khu vườn nhỏ tâm sự. Mở đầu câu chuyện là chuyện gia đình Hân, về ông chồng Mỹ.

- Cháu ly dị lão John rồi cô ạ. Cháu có một đứa con trai hiện giờ đang ở với lão. Nghỉ hè, cháu cho về chơi với bố.

- Sao gọi là “lão”. Già đến thế cơ à? Cô nghe các cô chú trong Nam kể chuyện ra Hà nội dự đám cưới Hân. Đám cưới linh đình lắm. Chú rể nghe nói kém bố vợ cả chục tuổi.

- Thì già rồi chứ còn gì. Lão kém bố cháu bảy tuổi. Lúc ấy cháu mới hăm hai, lão đã bốn mươi.

Tôi nhắc lại kỷ niệm xưa:

- Ngày ấy cô ra Hà nội ăn cơm tối với bố mẹ cháu, Hân kể cô nghe về mối tình thơ mộng và lãng mạn qua tiếng đàn Trưng.Ông John mê tiếng đàn Trưng và yêu cả cô gái chơi đàn. Thế lúc ấy Hân không yêu ông ta à ? Không yêu sao lại lấy người ta?

- Lúc ấy cháu mới ra trường, chưa yêu ai, có người đàn ông lớn tuổi, người nước ngoài, hiền lành, chiều chuộng, cháu phải lòng ngay và nghĩ là cháu yêu John. Sau này suy nghĩ cho kỹ, đó không phải là tình yêu cô ạ. Đó chỉ là lòng quý mến và kính trọng mà thôi. Cháu lấy ông John mục đích chỉ muốn đi nước ngoài, cháu muốn có một đám cưới to làm nở mày nở mặt cho bố mẹ cháu, cháu chỉ muốn đổi đời, có một cuộc sống mới, ra khỏi cái đời sống nghèo khổ, tù túng, chật hẹp của cái chợ Hàng Da và thành phố Hà nội. Ông John yêu cháu thật lòng cô ạ. Ông ấy là người đứng đắn chỉ phải cái tội già. Ly dị xong, cháu biết ông ấy khổ lắm.

- Mày có yêu đâu mà biết khổ? Thế rồi sao, bây giờ Hân yêu ai, kể tiếp tập hai đi.

- Gớm, cô tinh thế, chưa gì đã đoán cháu có tập hai. Tập hai của cháu, biết nói thế nào cô nhỉ, nó....khốn nạn chứ không đẹp đẽ gì đâu. “Ma đưa lối, quỷ đưa đường”, cháu nghe lời rủ rê đi chơi Las Vegas với mấy đứa bạn. Gặp Tùng, cháu yêu ngay. Cái thằng chỉ được cái mã và cái mồm. Nó là tay bán giời không văn tự cô ạ. Nó bỏ vợ, cháu bỏ John, hai đưa làm đám cưới ở Las Vegas.

- Thế bây giờ làm nghề gì, có thêm đứa con nào không? Cuộc sống có vất vả lắm không? Mày sống ở Las Vegas cách đây vài tiếng đồng hồ mà bấy lâu nay tuyệt tích giang hồ không liên lạc gì với cô cả.Tai sao vậy?

Hân trầm ngâm, chép miệng thở dài:

- Vất vả thì không vất vả lắm. Cô biết làm nghề chia bài ở Las Vegas kiếm được tiền, có ngày được nhiều tiền tip tha hồ du dương.Cô hỏi thì cháu cũng nói thật, cháu ở gần Cali mà không liên lạc với Cô vì cháu không muốn cho cô biết cháu ly dị ông chồng Mỹ, cháu làm nghề chia bài. Bỏ chồng theo giai, sang Mỹ làm nghề cờ bạc. Cháu xấu hổ lắm. Cháu dấu cả bố mẹ.Thỉnh thoảng cháu gửi tiền về giúp gia đình. Bố mẹ hỏi cháu làm nghề gì cháu nói dối làm nghề tóc. Cháu qua Mỹ tám năm rồi, thằng con trai năm nay bảy tuổi, cháu vẫn chưa nghĩ đến chuyện đưa con về Hà nội thăm ông bà ngoại. Cứ tưởng qua đây làm ông thánh ông tướng, cuối cùng cả vợ lẫn chồng đâm đầu vào bốn cái cửa tử:cơ, rô, chuồn, bích. Gần mực thì đen, gần bài thì xào, gần lao thì phóng. Đâm ra nghiện cô ạ. Để dành được tí nào thì máu lại bốc, lại chơi. Có khi được, khi thua. Cả vợ lẫn chồng đều chơi trò đu giây với đồng tiền. Cái nghề bài nó bạc thế đấy. Đồng tiền kiếm vào chẳng bao giờ ở lâu với mình.

- Làm nghề chia bài có gì xấu mà cháu phải dấu. Xứ Mỹ này chuyện ly dị như ăn cơm bữa.Chỉ sợ cháu có con, làm cái nghề bài bạc, sau này biết dạy dỗ con cái thế nào.

- Vì vậy lão đòi bắt nuôi thằng Jim. Cháu tính năm học tới, lão nuôi thằng Jim một thời gian, cháu về Cali học nghề tóc. Cháu nghe nói ở Cali có nhiều trường dạy nghề làm neo và làm tóc thi bằng tiếng Việt. Ước mơ của cháu là học nghề làm tóc. Cháu sẽ share một phòng. Cô quen ai có phòng trống cho thuê tìm hộ cháu. Lần này cháu quyết tâm bỏ nghề làm sòng bài. Cháu đã ly dị thằng chồng “cơm gạo” này. Sống với nó cháu què quặt suốt đời vì bài bạc. Bây giờ cô đã hiểu vì sao cháu gọi cho cô. Cháu muốn thay đổi chính bản thân mình. Cũng may cháu vẫn giữ số phone cũ của cô từ bao nhiêu năm nay. Cô giúp cháu nhé.

Tôi nhìn Hân, hồi tưởng cô gái lọ lem Hà nội ngày nào chân ướt chân ráo theo ông chồng già qua Mỹ. Cô chán cảnh sống làm vợ và làm mẹ an phận thủ thường ở một vùng quê khỉ ho cò gáy tại một tiểu bang lạnh xa xôi. Cô muốn bay nhảy, bon chen, tìm đến thành phố Las Vegas ăn chơi để thử thời vận và hưởng thụ cuộc sống vật chất đầy quyến rũ và hào nhoáng. Nào ngờ cô mắc vào bẫy tiền và bẫy tình của một tên ăn chơi phóng đãng từng trải mùi đời. Cô sống đầy mặc cảm về bản thân, gia đình và việc làm. Có một lúc cô tỉnh ngộ, chán ngán muốn làm lại cuộc đời, muốn trở về với bản chất “chân quê”, tìm lại con người thực của mình.

Từ giã Hân, tôi hứa sẽ đọc báo tìm cho Hân một căn phòng, một trường dạy thẩm mỹ để Hân học nghề tóc và gia đình tôi sẽ là chỗ dựa tinh thần cho Hân.Tội nghiệp Hân. Ở xứ Mỹ này, Hân đâu có người bà con thân thuộc nào ngoài tôi. Tôi phải giúp con bé xóa bỏ mặc cảm, lấy lại niềm tự tin trong cuộc sống mới, vượt qua giai đoạn khó khăn này.Trước khi chia tay, tôi hỏi Hân về cây đàn Trưng ngày xưa, về tình trạng tài chánh của Hân sau khi ly dị, tôi được dịp nghe Hân kể tiếp câu chuyện:

- Hồi sang Mỹ, bố cháu tháo hết các thanh tre xếp vào thùng gửi cây đàn sang cho cháu. Lúc đầu mới sang, buồn quá cháu còn chơi đàn. Chơi chán cháu xếp bỏ vào trong garage. Sau này có con, cháu bận nuôi con, cháu quên mất cây đàn.Trước khi ly dị, cháu dọn dẹp thấy các thanh tre bị mối mọt ăn hết, cháu vất cả vào thùng rác. Cũng xong cô ạ. Số phận của cây đàn kết thúc cũng như cuộc đời cháu sắp bước vào khúc quanh mới. Khi ly dị, tài sản chia đôi, theo sự thỏa thuận của luật sư hai bên, cháu có một số tiền, ông John giữ lại căn nhà. Còn cháu Jim khi thì ở với bố, khi ở với mẹ.

Tiễn Hân về rồi, tôi ngồi một mình trong vườn. Những kỷ niệm của mười, hai mươi năm về trước ở Hà nội như những lớp sóng dồn dập tràn về trong trí nhớ. Lòng bâng khuâng, tiếc và thương cho thân phận của cô công chúa lọ lem “chỉ tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Tôi nghĩ đến ông John, đến mối tình đẹp và thơ mộng của ông với người vợ trẻ. Mối tình đó giống như mối tình của chàng trai thố lộ tình cảm của mình với người sơn nữ trong đoạn cuối bài hát: “Nàng ơi/ tôi đã trút tơ lòng/ dệt mấy cung yêu thương/ gửi lòng trong trắng/ và mấy bông hoa rừng/ đời đời/ không tàn/ với khúc nhạc lòng tôi”.

Qua tiếng đàn Trưng, John đã gửi tình yêu chân thành và trong trắng của ông đến cô gái Hà nội. Ông hy vọng tình yêu ấy là “ mấy cung yêu thương”, là “khúc nhạc lòng” của ông mãi mãi cất lên ở xứ Mỹ nhưng tiếng đàn đã tắt, cây đàn đã mục nát có khác gì tâm hồn ông cũng tan tác khi người chơi đàn đã bỏ ông ra đi.

Cuộc sống có nhiều thay đổi bất ngờ nào ai biết được. Biết đâu một ngày nào đó cô thợ làm tóc tên Hân sẽ trở về Hà nội cùng với một cậu con trai lai Mỹ. Hy vọng cô có đủ sự tự tin về bản thân để về lại căn gác xép ngày xưa thăm bố mẹ và tiếng đàn T rưng của cô lại cất lên với một giai điệu mới, giai điệu của một người đã trưởng thành sau những năm tháng đánh mất bản thân mình.

Và biết đâu cô tìm được một tình yêu mới, một chàng thanh niên Hà nội yêu cô thật lòng chứ không phải vì muốn được cùng cô sang Mỹ.

Phùng Anne Kim

Chú thích

1 - Tên bài hát “ Còn một chút gì để nhớ” (Thơ Vũ Hữu Định- Nhạc Phạm Duy)

Ý kiến bạn đọc
09/03/201513:27:39
Khách
Con trai Mỹ nên tránh xa con gái Việt Nam quốc tịt xã hội chủ nghĩa, nhất là con gái những gia đình bắc kỳ đặc sệt sống trên vỹ tuyến 17 trước 1975. 99.99% những cô gái đó nếu chịu lấy chồng Mỹ thì chỉ vì muốn có thẻ xanh, hay đào mỏ của chồng Mỹ mà thôi . Những người sống mấy thệ hệ trong xã hội cộng sản, cho dù có đáng thương hại , đáng tội nghiệp thật nhưng họ không đáng tin cậy, bởi vì giáo dục và môi trường trong xã hội cộng sản đã làm cho bản chất họ không thành thật . Khi họ nghèo thì không có đủ phương tiện và cơ hội để hại người, nhưng khi họ khá lên một chút thì biết tay họ ngay .
31/01/201517:24:43
Khách
Câu chuyện thật là đặc biệt và bài viết đặc sắc về thân phận cô gái Hà Nội trôi nổi sang Mỹ.
Tác giả miêu tả chi tiết và hiện thực về cuộc sống của người Hà Nội tại chợ Hàng Da trước 75.
Bài viết sống động và thú vị
20/01/201523:13:43
Khách
Cô này nên trở lại với chồng cũ vì hai người đã rõ về nhau, có con chung, chứ bây giờ, thời buổi vật chất này kiếm ai cũng khó, biết ai thật lòng thương mình, nếu chán xứ lạnh, thì kiếm tiền đi đi về về thăm chồng thăm con.
17/01/201512:58:32
Khách
Đọc xong câu chuyện "nửa đời" của nàng "công chúa chân quê", cảm xúc tiếc thương cho nét đẹp vắn số của cây đàn tờ-rưng, chỉ thích hạp với chốn núi rừng hoang vu.
17/01/201502:56:47
Khách
Úoc mong Ngọc Hân sẽ có cơ hội làm lại cuọc đời ở Cali này! Em đẹp nhưng đời em vất vả quá! Đoạn truòng ai có qua cầu mới hay. Hồng nhan dễ bạc phận. Gia nhu em cứ chấp nhận cuọc sống bình lặng vói John thì đời em đã êm đềm hơn nhiều. May mà em còn có nguòi bà con tốt bụng là chỗ dựa tinh thần cho em.
16/01/201519:37:42
Khách
bài viết quá hay, từ ý tứ đến lời văn. Tôi củng có cùng tâm trạng như độc giả Hoang Nguyen. Chỉ buồn cho quê hương VN. Chế độ CS là xây dựng trên sự dối trá, và từ đó củng sản sinh ra con người không có tình cảm, chỉ biết lợi dụng. Mong đượuc đọc thêm bài của tác giả.
16/01/201518:28:35
Khách
Lâu lắm mới đọc được giọng văn "Bắc Kỳ", cứ nhớ hồi xưa đi học đọc bài của Tự Lực Văn Đoàn. Cám ơn tác giả có bài viết thực tế về xã hội thời nay, bên này và bên kia
16/01/201506:13:56
Khách
Một ước mơ đổi đời quá lớn của các cô gái Việt khi lấy chồng ngoại hay Việt Kiều sẽ giết chết hạnh phúc của một mái ấm gia đình ở một thành phố nhỏ buồn tẻ. Đó là lý do Cali có rất nhiều phụ nữ Việt qua Mỹ diện kết hôn bỏ chồng ở xứ lạnh về đây bán cà phê, quán nhậu, hay đào mỏ. Hôn nhân vì tiền, vì thẻ xanh hay quốc tịch nào cũng kết thúc như vậy thôi. Tội nghiệp mấy ông chồng và con dại.
16/01/201503:55:33
Khách
Nếu hiện tại đã đầy hạnh phúc rồi thì ai còn mộng mơ hạnh phúc tương lai làm gì? Chỉ bởi cái nhà xí xen lân món ăn trong một xã hội đóng kín nên mới có mộng mơ vể một xã hội mở toang thoáng khí.
Tác giả Phùng Annie Kim đã mô tả rõ tâm trạng của tuổi mông mơ trong Ngọc Hân và có thể là trong mọi tâm thức khốn quẫn khác trong một xã hội bế tắc.
Tuy nhiên thân phận Ngọc Hân cũng là thân phận của con người nói chung : mộng mơ và thực tế phũ phàng là hai mặt của cùng một bàn tay.
15/01/201521:54:48
Khách
Hay lắm, đọc xong tui cũng cảm thấy bâng khuâng như vừa mất một cái gì quý giá lắm. Cái gì thì cũng khó mà nói ra, nhưng mà thật tình nó nằm ngay trong trái tim của tui. Hà Nội? tuổi thơ? sự ngây thơ trong trắng? dĩ vãng? Cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,000,727
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Năm 2016, bà nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ.
Với bút hiệu Trần Như Nguyện, tác giả hiện là phóng viên truyền thông cho một số báo Việt và Đài Truyền hình tại Hoa Kỳ. Định cư Mỹ 27 năm, nhưng đến 2017 lần đầu tiên tham gia Việt Báo và đã đoạt giải Đặc Biệt VVNM 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa, cơn bão Harvey ". Sau một năm vắng bóng, nay cô xuất hiện lại với bài viết thứ tư dự thi.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn. Bài đăng 2 kỳ, bắt đầu bằng “Chuyện Con Bé Tuổi Mùi”. Mong bà tiếp tục.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm trước khi ông còn ở Việt Nam và đã nhận giải đặc biệt 2005. Hiện tác giả đã an cư tại Hoa Kỳ và đây là bài thứ hai ông viết từ quê mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến