Hôm nay,  

Duyên Nợ

09/01/201500:00:00(Xem: 15047)

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 4434-14-29834vb6010915

Khai bút đầu năm mới 2015 Đoàn Thị kể về chuyện vui duyên nợ với Viết về nước Mỹ. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Tuy sống tại Pháp, bài viết của bà thường là những đề tài và khung cảnh đời sống Việt tại Mỹ.

* * *

Từ dạo bước vào vườn Viết Về Nước Mỹ, sáng ra bên tách cà phê tôi "ngồi đồng" đọc hết bài này qua bài khác đến mờ mắt, đến nghiện ngập, xớ rớ nhòm giai nhân tài tử múa bút như nhiểu thèm, như thách đố.

Ngày đọc, đêm mơ, sáng ra cầm bút run tay lo chữ nghĩa của mình bị chủ báo chê, sợ độc giả bỉu môi, thuở ban đầu rón rén bước vào sân chơi VVNM ngớ ngẩn chi đâu.

Ngại nhưng nghiện nên tôi viết rồi để đó, hỏi bạn hiền nghĩ gì, hắn xúi, cứ gửi, được ăn cả ngã về không. Chuyến này uống thuốc liều thí mạng cùi, tôi gồng mình gửi bài, gửi rồi run, rét, lấm lét chạy vô trang VVNM xem đứa con tinh thần được khai sinh chưa, hú hồn, cuối cùng bài viết cũng được đăng trên báo mạng.

"Từ ngày có Em trên mạng", như ca từ "Từ ngày có Em về..." của bác Lam Phương, tôi hăng tiết vịt viết tiếp, miên man viết, chuyện tình, chuyện đời tui, đời ai kia, từ "bổn chính" thêm mắm muối tôi cho ra lò chính phẩm.

Năm 2010 chưa có mục "ý kiến bạn đọc" bên dưới bài viết, "ma mới" tôi đây thản nhiên viết, sản xuất đều đều như gà đẻ trứng, đến lúc gà con chạy tung tăng đâm hoảng, tự hỏi gà nhà mình có làm ngứa mắt độc giả khiến họ bị "quáng gà" chăng ?

Như đọc được suy nghĩ của tôi, năm sau chủ vườn VVNM mở khung cửa nhỏ để độc giả trình bày cảm tưởng và tặng thêm mấy ngôi sao cho bài viết họ ưng ý, đó cũng là cách đánh giá sơ khởi tác phẩm, tác giả của bạn đọc.

Giời ạ, mấy ngôi Sao sáng, Sao xẹt, Sao chổi này khiến tác giả suy tư ngày đêm, khen chê có đủ, có gan viết phải có gan "chịu trận", nhưng khi độc giả "nặng lời" là lúc người viết khóc thầm, may thay chuyện chê bai rất ít.

Sân chơi này quy tụ những cây viết "tài tử" nếu có chi thiếu sót mong độc giả thương tình "dơ cao đánh khẻ", tay mơ như tôi chân thành cảm tạ, chớ có đánh đau quá "em nó" thất kinh hồn vía lặn luôn, chủ vườn VVNM, bạn đọc mất đi một "mầm non" biết đâu sau này sẽ là một cây viết ngon lành.

Bài nào dùng từ ngữ khó nuốt như "bức xúc, trí tuệ...", dù vô tình hay do thói quen có thể gây khó chịu cho độc giả dị ứng loại sáo ngữ hơi rối nghĩa này, làm bạn đọc mất hứng. Chữ nghĩa không mang màu sắc chính trị phe phái, chỉ là phương tiện chuyển tải tâm tư, là phong cách riêng của tác giả, nhưng phần phê phán vẫn là độc quyền của bạn đọc.

Sống với CS mười bốn năm, ngày đầu đến xứ Tự Do, tôi lở miệng nói "đột xuất", một bác cựu binh sửa lưng,

- Sao không dùng từ "đột ngột, bất ngờ", đừng nói cô là con em cán bộ CS qua đây tỵ nạn nhe.

Chết cha mi chưa, đã thoát họa CS còn dùng ba cái từ rối rắm làm chi cho rách việc, tôi xin lổi bác, và thầm cảm ơn bác nhắc nhở, địa ngục cộng sản đã xa rồi đừng đeo mang những thứ không cần thiết.

Độc giả trang VVNM khen nhiều hơn chê, nếu có góp ý cũng chỉ với tính cầu tiến, thỉnh thoảng cũng có hiểu lầm, tác giả hoặc im lặng để bạn đọc toàn quyền suy xét, hoặc lên tiếng thanh minh thanh nga cho phải phép.

Từ khung cửa nhỏ này có người tìm ra bạn xưa, bạn của bạn ta, bạn tâm giao, tính thân thiện nổi bật qua những chia sẻ nhắc nhở một chi tiết nào đó chưa chính xác, bạn đọc lúc này đúng là "bạn hiền".

Lời bình từ độc giả là món quà quý, điều đó chứng tỏ bạn đọc bỏ thời gian đọc bài, bỏ công viết lời chia sẻ, góp ý.

Được tiếng khen tác giả vui như con nít được kẹo, như dân đánh đề trúng lớn, dân nghiện chữ tôi đây vui dài dài cho tới bài viết kế tiếp, sau khi gửi bài rồi rét, tự hỏi liệu bài mới có qua khỏi con trăng này chăng.

Nếu có bạn đọc lên tiếng nhắc nhở, tôi tự vấn, chứ không "tự kiểm điểm" như cán ngố VC nhe, đọc lại bài viết, vội vã cảm ơn người góp ý, tự nhủ lần sau viết cho ra hồn để không phụ lòng độc giả.

Tuy chủ đề là VVNM, nhưng tác giả có thể viết rộng hơn, bài nào lạc đề không "trúng giải" thì cũng "trúng số" độc giả ái mộ với số lượng người đọc trên cả ngàn hoặc mười, hai chục ngàn..., mê ly chưa.

* * *

Chuyên mục VVNM mỗi ngày nhộn nhịp một chuyện kể, ba trăm sáu mươi lăm ngày độc giả khắp thế giới chia sẻ cay đắng ngọt bùi với đồng hương định cư bên này, biết thêm về nước Mỹ, nơi bạn đang sống, đã ghé qua, sẽ đến chơi hay chưa đặt chân đến.

Mùa nào chủ đề đó, tháng giêng là tháng ăn chơi, tết Tây, tết Ta nối đuôi nhau đốt pháo, chuyện buồn vui năm cũ tác giả cùng độc giả hè nhau tống cựu nghênh tân, lúc này ranh giới kẻ viết người đọc tạm lu mờ nhường chổ cho những lời chúc chân tình, trân quý.

Hết giêng, tháng hai là tháng ăn chơi, xứ Mỹ không có mần ruộng chỉ có mùa Tình Nhân, chủ đề khá vui, từ tụi trẻ chạy xoắn lên mua quà tặng người yêu, tặng vợ, tặng chồng, cho đến giới trung niên cứ cà thẻ mà mua quà.

Dân bước vào tuổi Lão cũng tặng biếu nhau như ai, tuy quà không xa xí như giới trẻ, nhưng khá phong phú, từ cái chảo mới toanh để bà đổ bánh xèo, cái kẹp tóc, một quyễn sách, hay một chuyến du lịch..., quà nào chả là quà.

Tháng tư đen tràn ngập bài viết về giai đoạn đau thương nhất lịch sử VN, những ngày tận cùng của VNCH từ chiến trường gãy súng, dân quê chạy giặc ra thành phố rồi thất thần thấy đồng minh rút lui trong vội vã, chuyện kể đọc hoài vẫn thổn thức, ray rứt như mới xảy ra hôm qua.

Ký sự chiến trường, những ngày nghiệt ngã của quân đội VNCH luôn gây xúc động và lòng kính phục biết ơn những chiến sĩ thầm lặng quên mình vì Tổ Quốc, trang sử quý chúng ta phải truyền lại cho con cháu.

Mùa này loạt bài viết tỉ tê "tâm sự đời tui" lôi cuống không ít bạn đọc, trăm người ngàn cảnh, Sàigòn bị đổi tên, dân ngụy bị đổi đời, kẻ đi tù cải tạo, người ra biển mất tích, lên đảo vẫn còn lận đận cho đến bến bờ Tự Do.

Cuộc hội nhập trở về đời sống văn minh ở tuổi nửa chừng xuân của dân chạy giặc một nách vợ chồng con cái nheo nhóc, bỡ ngỡ, tủi thân những ngày đầu ở đậu xứ người, có chuyện cười ra nước mắt.

Điều đáng mừng là sau vài thập niên lập nghiệp, chúng ta đã có chỗ đứng vững vàng trong mọi lãnh vực, góp sức vào xã hội ngày nay vì xứ Mỹ đã cho chúng ta cơ hội tiến thân trong Tự Do, Công Bằng.

Sau đó là lễ Mẹ, lễ Cha, cảm động nhất là hình ảnh bà Mẹ VN một đời sống vì chồng con, đến tuổi nghỉ ngơi lại sống vì cháu, hạnh phúc của bà nằm gọn trong gian bếp để khi xa nhà các con lại nhớ đến mâm cơm của Mẹ.

Thương Cha cả đời sương gío lo cho con, sung sướng đến nghẹn lời ngày con đăng quang tốt nghiệp, ngày con thành nhân, chỉ thế thôi, Cha yên lòng đã làm tròn trọng trách dẫn đưa con vào đời.

Tháng sáu Việt Báo đánh kẻng một cái beng, dán lên mạng danh sách thí sinh vào vòng chung kết VVNM.

Người "thi đậu" mừng đến la làng rồi im bật, hồi hợp chờ đến tháng tám, ngày số phận được định đoạt với danh hiệu đi kèm bảng vàng lấp lánh màu vinh quang.

Ai không có tên đành hẹn mùa sau, chờ ngày tái ngộ bảng vàng ta về nhà mài mực luyện chữ, sang năm lại lều chõng ứng thí, có công mài chữ có ngày ta đoạt giải.

Thông tri của VB vừa dán lên mạng, làng trên xóm dưới hò nhau họp chợ nhỏ bàn tán tưng bừng, đoán già đoán non, cô này, ông kia sẽ vô "vòng tam kết" vì họ từng đưa độc giả vào mê cung, hay không chê vào đâu được.

Tác giả viết tài thật, nhưng dung nhan thì sao, đẹp hay không đẹp, câu hỏi làm không khí chợ nhỏ lắng xuống, chịu thua, tòa soạn không dán hình đương sự, như rứa mới hấp dẩn, lôi cuốn mọi người chờ đón ngày phát giải.

Mà này, độc giả có thương thì thương cho trót, đừng bắt người đoạt giải phải "điển trai, xinh gái", tội nghiệp lắm, bố mẹ sinh sao mình chịu vậy, cái đẹp từ tâm hồn chắc chắn sẽ không hao mòn theo thời gian.

Bạn đọc kiên nhẫn đợi đến ngày phát giải nhé, ban tổ chức sẽ phát cho khách mời tập A5 giới thiệu từng tác giả kèm hình để nhận diện "cây viết ruột" của mình.

Tháng bảy bắt đầu nghỉ hè, thiện hạ du sơn du thủy, Việt Báo du hành vòng vòng tòa soạn chuẩn bị sách VVNM, chọn màu áo dài đồng phục cùng "tông" với bìa sách, bằng khen của thí sinh trúng giải, tập A5 giới thiệu từng tác giả...

Tháng tám người ta đi chơi hè gần hết mùa, Việt Báo "nửa mùa" vẫn chưa dám đi chơi, cả tháng tòa soạn chạy tối mặt, xếp nhớn bé đều nhảy vào cuộc, một năm chỉ có ngày Họp Mặt VVNM, làm sao dám "chơi bời" lúc này.

Tháng này Việt Báo làm chuyện lớn, mà lớn chuyện thật, ngoài dân ta, còn có đại diện dân cử Mỹ Việt, mạnh thường quân, văn nhân nghệ sĩ...tham dự, lớn ra làm sao quý vị đọc bài tường thuật "Lễ phát giải VVNM" sẽ rõ.

Hội trường hôm đó nhộn lên hoạt cảnh "xin chữ ký, xin chụp chung tấm hình làm kỷ niệm", và những lời khen tặng từ độc giả ái mộ làm tác giả vui đến mất viá, có lúc phải tự véo mình một cái xem đó là thực hay ảo.

Phải đợi đến lúc được xướng danh, leo lên sân khấu tác giả mới hoàn hồn, giờ đăng quang đến thật rồi, tía má ơi lần đầu tiên trong đời mình đứng sân khấu, y như tài tử thứ thiệt, nhưng chỉ là tài tử ngày hôm nay thôi.

Tháng mười một có Ngày Cựu Chiến Binh, cựu binh Mỹ Việt từng sống chết với nhau ở chiến trường VN giờ đã hai thứ tóc, đã bạc đầu, đồng minh, đồng đội ngồi bên nhau ôn lại những ngày chiến trường khói lửa.

Người lính già đã gác súng, đã sống những năm tháng thanh bình, nay bỗng nhớ có đồng ngũ đã nằm xuống đâu đó bên kia đại dương, cuộc chiến đã tàn sao lòng ta chưa hết nhức nhối.

Sau đó là lễ Tạ Ơn, ân sâu nghĩa nặng với xứ Mỹ, trong cuộc mưu sinh dân mình đã đón nhận biết bao ân tình của người bản xứ, từ ngày đầu được bảo trợ cho đến lúc vững bước tự lập và làm giàu.

Triệu phú gốc Việt, bác sĩ, kỹ sư, chủ tiệm, chủ hãng, chủ hai ba bốn căn nhà..., đa số từ hai bàn tay trắng mà ra, đã thế dân ta vừa "sắm" một Thượng Nghị Sĩ mới oai, sự kiện lịch sử làm rạng danh dân VNCH.

Tháng mười hai, mùa Giáng Sinh, Tây Ta, đạo Phật, đạo Chúa... tất cả đều "chơi Noel", tháng này thiên hạ cháy túi vì số lượng quà trao tay nhau, già trẻ lớn bé mỗi người nhận ít nhất vài món từ gia đình, bạn bè.

Chen lấn đi mua quà, nhọc nhằn không kém cảnh xếp hàng mua "nhu yếu phẩm" thời ăn khoai độn bên nhà, nhưng tâm trạng người đi mua sắm bi giờ không u sầu chán đời như ngày xưa.

Vất vả nhưng khi cầm trong tay gói hàng ưng ý lòng vui như tết, háo hức chờ ngày trao tặng món quà đặc biệt mùa này, đó là loại hàng "Hot" thời thượng, "nóng hổi" ra làm sao tùy người trong cuộc chấm điểm.

Quà nóng hổi đó trái hẳn với loại quà "phát sốt" khiến người nhận ú ớ vì cái "Ra giường" không đúng kích thước tấm nệm nhà mình, bộ chén dĩa không bắt mắt, áo đầm tặng bé Xíu đợi đến hai năm mới mặc được.

Lô hàng gia dụng mà chả thông dụng, đành đưa vào kho chờ cơ hội thuận tiện cho chúng nó "đi ở" nơi thích hợp mà không làm mếch lòng người nhận.

Bên cạnh quà nóng bỏng còn có loại quà phát rét, thấy lọ thuốc bổ mà run, mấy viên con nhọng trông khêu gợi đấy, lở uống vào lo bấn xúc xích sợ ngủ tạng phản đối kịch liệt chỉ có giời cứu.

Ống kem dưỡng da nhìn nỗi da gà, mỹ phẩm không đúng nhãn hiệu mình dùng, đâu dám bôi lên mặt, rủi da mặt buồn tình đời nở hoa trái mùa là hết ăn tết.

Sản phẩm này lại có thời hạn sử dụng nhất định nên phải "di dời" gấp, vậy thì, thuốc bổ tặng ông xếp phải gío, kem dưỡng da biếu bà chủ hay nhăn nhó, người nhận phải nhe răng mà cười, mở gói quà ra có khi cười như mếu.

Lô tặng phẩm gây "nóng lạnh" này như cơn sốt rét rừng ập đến, người nhận nóng bừng bừng rồi run lên, uống mấy viên thuốc liều mới đủ can đảm di chuyển lô hàng bất đắc dĩ đến địa điễm mới.

Tháng mười hai quay cuồng chạy quà đến chóng mặt, nhận quà có khi méo mặt, nhưng tặng phẩm cuối năm vẫn là món quà biệt lệ không thể thiếu trong mùa lễ lớn cuối năm.

Đêm nay ngoài trời tuyết có rơi hay không, năm cũ vẫn rủ áo ra đi, thời gian được đếm ngược với những chùm pháo bông sáng rở một góc trời, buồn vui qua rồi, bây giờ đếm tiếp thời gian theo chiều kim đồng hồ bạn nhé.

*

Sân Khấu VVNM vừa khép lại vòng quay với hơn ba trăm bài viết được trình làng để bạn đọc là khán giả chia sẻ Hỷ Nộ Ái Ố với tác giả suốt một năm dài dù trời mưa hay nắng.

Bên ngoài sân khấu lấp lánh đèn hoa bao nhiêu, bên trong Hậu Trường VVNM tòa soạn cũng sáng đèn bấy nhiêu, nhà báo vùi đầu vào "kho chuyện kể" đủ màu sắc để chọn bài đưa lên sân khấu.

Nhận bài là phải đọc, có lúc đọc đến mờ mắt, đọc hoài vẫn thấy sao sao, bỏ thì thương vương thì tội, nhọc nhằn thật, nhưng nhà báo chắc chắn sẽ vui khi thấy một tay mơ nào đó sắp thành dân thiện nghệ.

Riêng tôi, sợ làm rối mắt người chọn bài nên không dám viết dài lê thê, tránh "hành hạ" ai kia nếu mình viết tệ đến nỗi người ta chán ngán đến phát khóc.

Khi nhà báo "khóc thầm", chắc chắn "nhà viết chữ" sẽ khóc sướt mướt nhưng chả dám hờn ai, chỉ giận mình, viết như ri làm răng "đứng sân khấu VVNM", đành lập am luyện chữ chờ ngày ra quân.

Đọc và chọn bài đăng báo chỉ là bước đầu, phần tuyển chọn đưa vào vòng tranh giải mới phức tạp, tuy nhiên với những cây viết lão thành của làng Văn Học Miền Nam, Ban tổ chức giải thưởng VVNM khó mà "trông gà hóa vịt".

Tiếng vang trang VVNM đã vượt đại dương lôi kéo đồng hương khắp năm châu nhập cuộc, kẻ viết người đọc, đọc mê say đến nỗi cầm lòng không đặng bèn cầm bút, như tôi đây viết rồi hết hồn xanh mặt, nhắm mắt đưa chân.

Chuyên mục VVNM đã mang lại kết quả bất ngờ đến thú vị, số lượng tác giả và độc giả tăng theo thời gian, mười bốn lần phát giải, mười bốn đầu sách phát hành hàng năm được chào đón nồng nhiệt, bộ sách giá trị ghi dấu hành trình "ngàn cây viết" tài tử mà tài thiệt.

Thú vị khó tả, sách VVNM đã "vượt biên" trở về VN, hình bìa có cờ Mỹ mới ác liệt, sách được sao chép in ấn tại Sàigòn (TP HCM), loại "hàng nhái" này bán khá chạy nên sách được tái bản đáp ứng nhu cầu tại chỗ.

Hàng năm Sàigòn vẫn tiếp tục xuất bản sách VVNM, một sự kiện không thể chối cải, vô tình Việt Báo đã mang Văn Hóa VNCH trở lại quê hương, một thành công ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

Việt Báo đã khởi đầu thế kỷ 21 với một đặc sản độc nhất vô nhị, chuyên mục VVNM, từng được Quốc Hội Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2010 lên tiếng vinh danh 10 năm Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.

Chưa có công trình viết lách nào kéo dài vô thời hạn và đầy hứa hẹn với thế hệ "Bé viết văn" nối tiếp cha anh viết tiếp trang sử của cha mẹ trên quê hương thứ hai, nhưng bây giờ lại là quê hương thực thụ của các em.

Bên lề ngày phát giải hàng năm, chuyện "cá độ" về giải nhất và hai giải nhì của bạn đọc hầu như không lệch với kết quả chung cuộc, Ban Tuyển Chọn đầy kinh nghiệm của Việt Báo làm sao trao duyên nhầm được.

Giải Nhất và hai giải Nhì được mệnh danh là "Hoa Hậu và Á Hậu", còn lại là giải "Đặc Biệt, Vinh Dự" mà tôi mạng phép gọi là "Hoa Khôi", những cánh hoa đẹp lạ không thể thiếu trong ngày hội VVNM.

Tôi từng canh me giải thưởng VVNM từ mấy mùa lá rụng mà sao tim tôi vẫn đập loạn nhịp như ngày đầu, hồi họp chờ ngày đăng quang Hoa Hậu, Á Hậu, Hoa khôi của Việt Báo, dù mình không trúng tuyển.

Hình như tôi đã nghiện trang VVNM như tách cà phê không thể thiếu mỗi sáng thức giấc, đừng nói VVNM là hơi thở của tôi nhe, vì đó là sản phẩm của riêng chàng, chàng hờn dỗi đòi ly dị không chừng.

Lở bỏ bố mẹ theo chàng hơn ba mươi năm trời, thời gian dài hơn năm tháng được hai cụ nuôi nấng, làm sao tôi có thể để vuột mất chàng ở đoạn cuối của cuộc đời chỉ còn hai đứa tôi, bi giờ hai thằng nhóc bỏ rơi mình mất rồi.

Nói làm sao nhỉ, ừ thì mình có mê muội chữ nghĩa có lúc quên cả chồng con, tương tư VVNM chút chút, tương tư dài dài, đi chơi xa kẹp nách cái laptop để sáng chạy vào vườn VVNM, hái một cành hoa làm đẹp ngày mới.

Duyên nợ của tôi với mục VVNM chỉ thế thôi, lúc làm khán giả thưởng thức những tác phẩm hay, khi đứng sân khấu "múa chữ" qua mắt nhà báo, run lắm đấy, nhưng tính mạo hiểm cứ xúi mình liều mạngt.

Cảm ơn Việt Báo, đã tạo đất lành cho dân yêu chữ, bạo phổi viết đại, viết được, rồi làm liều viết hoài không thấy chán, trong đó có tôi đã liều lĩnh thử vận viết lách.

Cảm ơn những cây viết miệt mài hiến tặng tim óc đóng góp vào trang sử "ngàn người viết triệu người đọc", di sản văn hóa của dân tỵ nạn chúng ta mang lại một thoáng Tự Do cho đồng bào còn ở lại VN.

Cảm ơn bạn đọc gần xa đã đọc giùm mấy bài viết mà đứa nghiện ngập tôi đây từng bỏ rơi chồng con, ngao du với quý vị trong khoảng trời riêng, gom chữ nghĩa làm nên "chuyện kể" hàng ngày trên mục VVNM.

Năm Tây vừa sang, chúc bạn đọc An Vui trọn năm 2015.

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
14/01/201506:58:53
Khách
Bạn wowang, Huỳnh Bửu thân,
Rất vui gặp lại wowang ở khung cửa nhỏ dành cho độc giả, cảm ơn góp ý của bạn.
Huỳnh Bửu mới quen nhưng cảm thấy « thân » với phần góp ý chân thành, cảm ơn và xin hẹn ở một bài khác.
12/01/201520:48:48
Khách
tác gỉa viết rất có duyên! Tôi xin có lời khen tinh thần phục thiện của tác gỉa khi bị chỉ trích vì xài chữ vc. Và, từ đó về sau tôi không còn thấy những danh từ vc xuất hiện nữa. Thật vậy, cá nhân tôi rất khó chịu khi đọc phải những d.từ nầy; "....địa ngục cộng sản đã xa rồi đừng đeo mang những thứ không cần thiết.". Nói rất đúng, rất hay, và rất đáng phục. Đáng phục vì không dể kiếm người có ý chí phục thiện như tác gỉa. Keep up your good work!
Hùynh Bửu
12/01/201520:46:13
Khách
Cám ơn tác giả Đoàn Thị đã chia sẻ một bài viết rất hay và rất thật!
12/01/201508:08:03
Khách
Chị Thu mến,
Cảm ơn chị đã nó hộ, mà này, ăn « Phở » mà thiếu chanh ớt đâu có ngon.
Không dám hứa trước, hy vọng bên tách cà phê sẽ có chuyện để tâm tình với độc giả.
11/01/201519:18:20
Khách
Chào chị Dieu Lien,
Cảm ơn chị đã đọc bài , chị cứ viết thử, rồi sẽ quen tay thôi.
Cũng xin chúc chị và gia đình luôn Vui Khỏe
10/01/201507:39:38
Khách
CÓ sao nói vậy người ơi. Thẳng như ruột ngựa...lời văn dí dỏm, chân thật.
ớt cay, chanh chua...nhưng vẫn có người thích và người chê.
Mong được đọc dài dài.
09/01/201509:32:13
Khách
Đọc bài của chị thấy thiệt là vui ... giống hệt tâm trạng của mình nhưng chưa dám bạo gan để viết, bây giờ chỉ thích đọc thôi... Chúc chị sức khỏe để có thật nhiều nhiều bài viết nữa chị nhé...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,050,252
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến