Hôm nay,  

Nghe Lại “Hồ Trường” Trên Đất Mỹ

27/12/201400:00:00(Xem: 22486)
Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4423-14-29823vb7122714

“Hồ Trường” là bài thơ nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20 của danh sĩ Quảng Nam Nguyễn Bá Trác (1881-1945), viết trên đất Tầu trong thời ông hường ứng phong trào Đông Du. Sau khi về nước, từ 1917, Nguyễn Bá Trác là chủ bút phần Hán văn của tạp chí Nam Phong rồi trở thành quan chức nhà Nguyễn. Năm 1945, ông bị Việt Minh xử bắn tại Qui Nhơn. Thơ “Hồ Trường” của ông mới đây vừa được diễn ngâm tại Quận Cam. Câu chuyện Hồ Trường xưa và nay được ôn lại bởi Phùng Annie Kim, một tác giả gốc nhà giáo dạy văn, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.

* * *

Cali vào cuối thu. Mưa lất phất, bầu trời âm u, xám xịt. Cali đang hạn hán. Những cơn mưa kéo dài mấy ngày vẫn chưa đủ nước tưới tẩm đất đai cho tiểu bang có khí hậu vùng biển này.Thời tiết lành lạnh, ướt át thích hợp với một ly trà hay cà phê nóng, một quyển sách hay đang đọc dở dang, một bản nhạc êm dịu như "Tiếng chuông chiều thu" và nằm quấn mình trong chăn êm nệm ấm.

Tình cờ xem chương trình quảng cáo Tình ca- Dân ca Việt Nam của cặp nghệ sĩ Nga Mi-Trần Lãng Minh trong đó có tiết mục ngâm thơ bài "Hồ Trường", bài thơ tôi rất thích hồi còn trẻ khiến tôi vùng dậy, thay quần áo ấm, khoác vội chiếc khăn quàng đến vũ trường Bleu.

Phòng trà nhỏ, đầy người. Vé đã bán hết. Tôi nhắn gặp cô em văn nghệ MX. Cô dẫn tôi vào ngồi tạm ghế "súp" ở quầy rượu. Đã lâu lắm rồi từ ngày qua Mỹ, tôi chưa có dịp nghe lại bài thơ này. Chương trình văn nghệ thật là phong phú và đặc sắc, đủ các tiết mục đơn ca, song ca các bản nhạc tiền chiến. Đặc biệt nhất là các tiết mục hát, ngâm những làn điệu truyền thống dân tộc ba miền như Hát Quan Họ, Ca Trù, Chầu Văn, Hát Chèo, Hát Xẩm, Hát Cải Lương, Hát Bài Chòi...

"Hồ Trường" là một trong mười tám tiết mục do Nga Mi và Trần Lãng Minh diễn ngâm bằng thơ.

Hồ Trường, bài thơ dịch từ chữ Hán của tác giả Nguyễn Bá Trác xuất hiện đầu tiên trên tạp chí Nam Phong số bốn mươi mốt, đầu năm một ngàn chín trăm hai mươi. Hồ Trường được tác giả mô tả là lời hát của Nam Phương ca khúc, dựa trong thiên ký sự "Hạn Mạn du ký" viết bằng Hán tự kể lại chuyến đông du kéo dài năm năm của ông.

Là người thanh niên trẻ sang Nhật du học, ông đã từng theo phong trào Đông Du và Duy Tân của hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Chiến tranh giữa Nhật Trung, ông bị trục xuất sang Tàu, sống đời lưu vong của người thanh niên xa xứ ôm nhiều hoài bão, tràn đầy nhiệt huyết hướng về quê hương. Trong hoàn cảnh thất cơ lỡ vận, ông mượn bầu rượu (hồ), chung rượu (trường) để bày tỏ nỗi niềm tâm sự. Bài thơ được viết bằng thể văn biền ngẫu, các câu song song đối nhau. Sau này, bản Việt ngữ do chính tác giả dịch, được nhiều người diễn ngâm.

Trên sân khấu nhỏ, tiếng trống thúc giục từng hồi, tiếng đàn tranh bật lên réo rắt, tiếng sáo vi vu trầm bổng, hai khuôn mặt sáng sân khấu, diễn viên Trần Lãng Minh và Nga Mi cất cao giọng ngâm thật trầm hùng bài thơ "Hồ Trường":

"Đại trượng phu/ không hay xẻ gan bẻ cột/ phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể/
luân lạc tha hương
Trời Nam/ nghìn dặm thẳm
Non nước/ một màu sương
Chí chưa thành/ danh chưa đạt
Trai trẻ bao lâu /mà đầu bạc
Trăm năm thân thế/
bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát/
nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang
Ai là tri kỷ
Lại đây cùng ta/ cạn một hồ trường..."

Bậc "trượng phu" là những người có chí lớn, bản lãnh và tài ba hơn người. Họ là những người dám "sẻ gan", "bẻ cột" lấy ý từ tích Chu Văn xin vua Hán Thành Đế giết Ân Xương Hầu Trương Vũ. Bị bắt lôi đi, Chu Văn bám tay vào cột. Cột gãy. Sau này Chu Văn được tha tội, vua sai sửa cung điện nhưng vẫn giữ cột bị gãy để biểu dương lời nói ngay thẳng, chí khí hào hùng không sợ chết của bầy tôi trung nghĩa, dám can gián vua chống lại bọn gian thần.

Theo quan điểm Nho giáo thời phong kiến, họ là những "kẻ sĩ" ảnh hưởng nền Nho học, lấy "tam cương, ngũ thường" làm tiêu chuẩn đạo đức. Tam cương là ba giềng mối trong đó có đạo "quân thần", bầy tôi phải trung với vua; đạo "phụ tử", cha phải có bổn phận nuôi con, con phải có hiếu với cha mẹ; đạo "phu thê", vợ chồng phải đối xử tình nghĩa với nhau. "Ngũ thường" là năm điều "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" trong quan hệ cư xử giữa con người trong xã hội.

Cách đây gần một thế kỷ, tác giả bài thơ và những thanh niên trẻ Việt Nam là những nhà nho có chí lớn, mang tư tưởng cấp tiến và bầu nhiệt huyết tham gia phong trào Đông Du và Duy Tân của hai nhà cách mạng lão thành. Họ tìm con đường xuất dương du học. Họ mang hoài bão thu thập kiến thức văn minh mới lạ ở xứ người sau này trở về phục vụ cho đất nước, dân tộc. Họ "luân lạc tha phương". Có những lúc họ hướng về cố hương phía Nam xa xôi, nào thấy đâu, chỉ là "một màu sương". Nhìn lại bản thân "chí chưa thành, danh chưa đạt", tóc xanh nay đã bạc, mong tìm người tri kỷ để chia sẻ nỗi sầu.

Tay cầm bầu rượu, tay vỗ thanh gươm, chếnh choáng trong hơi men, kẻ trượng phu giọng chất đầy hào khí:

... Hồ trường. Hồ trường
Ta biết rót về đâu
Rót về Đông phương/ nước biển Đông chảy xiết/ sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương/ mưa phương Tây từng trận /chứa chan
Rót về Bắc phương/ ngọn Bắc phong vi vút/ đá chảy cát vương
Rót về Nam phương/ trời Nam mù mịt

Có người quá chén
như điên như cuồng.

Bậc trượng phu say mà tỉnh, tỉnh mà say. Chàng rót nỗi sầu trong men rượu. Đã có lúc chàng "quá chén như điên như cuồng". Chàng gửi hết giấc mộng lớn của mình trong hai tiếng "Hồ trường". "Hồ trường". Chàng hướng về bốn phương, nhìn rượu chảy mà ngỡ nước biển Đông chảy xiết, mưa phương Tây chứa chan, gió từ phương Bắc làm đá chảy, cát vương, trời phương Nam mù mịt.

Thời xưa, vị hoàng tử sinh ra trong cung vua hay người con trai sinh ra ngoài đời được viên quan bộ Lễ hoặc cha mẹ lấy cây cung (hồ) bằng gỗ dâu (tang), sáu mũi tên (thỉ) bằng cỏ (bồng) bắn lên sáu phương đông tây, nam, bắc, thượng, hạ, tượng trưng cho chí làm trai tung hoành ngang dọc, xây dựng sự nghiệp lớn. Họ treo cây cung bên trái, cây tên bên phải trước cửa nhà ngụ ý báo rằng gia đình sinh được con trai. Người con trai sau này sẽ thực hiện ý chí "tang bồng hồ thỉ" của đấng nam nhi.

Nào ai tỉnh/ nào ai say
Lòng ta/ ta biết
Chí ta/ ta hay
Nam nhi sự nghiệp như hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

Bài thơ khép lại bằng nỗi sầu cô đơn khi tác giả đối diện với chính mình. Chỉ có ta mới hiểu chí khí của ta "Nam nhi sự nghiệp như hồ thỉ". Chỉ có ta mới hiểu được lòng ta "Trời Nam ngàn dặm thẳm. Non nước một màu sương".

*

Bốn mươi năm, nghe lại bài thơ đầy khí phách của kẻ sĩ thời phong kiến sống cách xa tôi gần một thế kỷ, tâm trí nghĩ ngợi, lòng buồn mênh mang.

"Ôn cố tri tân". Người xưa, "sinh bất phùng thời" hoặc bất đắc chí, dùng rượu giải nỗi sầu vong quốc. Tuy có chếnh choáng, ngả nghiêng mà vẫn thấy khí phách hào sảng, khác hẳn cảnh bia rượu thường thấy mô tả trong nước Việt thời nay.

Theo thống kê được phổ biến trên báo chí, Việt Nam ngày nay là nước có số tiêu thụ bia rượu lớn nhất tại Đông Á, tính theo đầu người. Với cán bộ công nhân viên xứ xã hội chủ nghĩa này, bia rượu đã thành đầu câu chuyện để móc ngoặc ăn chia, mua quan bán tước, trộm cắp tài nguyên... Thứ "văn hóa bia rượu" này còn lan cả sang giới trẻ, làm tê liệt mọi hoài bão, lý tưởng. Đủ loại nhức nhối về xã hội như tham nhũng, cướp đất, buôn người, mãi dâm, nô lệ tình dục, xì ke, ma túy... được phủ lấp bằng hơi men.

Hơn một thế hệ đã mai một.

Tiền đồ đất nước đi về đâu?

* * *

Sau gần một thế kỷ nhiều thăng trầm, dâu bể theo vận nước nổi trôi, câu thơ trong bài Hồ Trường ngẫm lại như một lời tiên tri về thời sự:

"...Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn..."

Ngày mười chín tháng một năm một chín bảy bốn, "Biển Đông dậy sóng". Chiến hạm Nhật Tảo HQ10, sau một trận hải chiến ác liệt chống bọn xâm lược đã chìm vào biển Đông. Chiến công của họ đi vào lịch sử. Bốn mươi năm trôi qua, "nước biển Đông" vẫn "chảy xiết" bởi bọn "cuồng loạn" bắn phá tàu bè, bắt bớ, giết hại ngư dân. Ngoài biển, "những chiếc tàu lạ" đang đào hút mỏ dầu trong vùng khoanh có cái tên "lưỡi bò". Biểu tình bị cấm. Những người biểu tình bị bắt. Còn nỗi nhục nào hơn khi Hoàng Sa, Trường Sa rơi vào tay bọn bá quyền.

Lịch sử ghi lại các cuộc khởi nghĩa của "Hùm thiêng Yên Thế" Hoàng Hoa Thám, phong trào Văn Thân của Phan đình Phùng, hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, anh hùng liệt sĩ Yên Bái Nguyễn Thái Học, Thủ khoa Huân... và còn biết bao nhiêu những trận "mưa phương Tây":

"...Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan..."

Đó là các cuộc khởi nghĩa của những nhà chí sĩ, ái quốc, những bậc anh hùng, anh thư Việt nam vùng lên chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Niềm tự hào của dân tộc Việt vẫn còn đây. Truyền thống chống ngoại xâm vẫn còn ghi lại trong những trang sử Việt.

"...Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chảy cát vương..."

Ngược dòng lịch sử, với những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu...vào những năm bốn mươi, từ thế kỷ thứ mười trở đi, năm chín ba chín, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán. "Đại Cồ Việt", cái tên đặt cho đất nước Việt Nam do Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên mở đầu cho một thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng một chế độ quân chủ sau một ngàn năm nô lệ phương Bắc là một trang sử huy hoàng. Tiếp theo đó, những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm phương Bắc vẫn tiếp tục khiến cho bao phen "đá chảy cát vương" qua nhiều triều đại. Nhà Lê với Lê Hoàn đánh Tống. Nhà Lý với Lý Thường Kiệt đánh Tống. Nhà Trần với Trần Hưng Đạo chống Nguyên, Mông. Lê Lợi với mười năm bình định giặc Minh. Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh.

"Ngọn Bắc phong" dù có cao "vi vút", biết bao phen đá chẩy, cát vương mà rồi cố hương vẫn mù mịt, khiến người tráng sĩ tha hương phải nghiêng bầu rượu mà than rằng:

"...Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt..."

Tiếng than lưu vong của người xưa còn nối dài không biết đến bao giờ.

Biến cố ba mươi tháng tư năm bảy lăm là một bước ngoặt lịch sử bi đát. Ai bỏ nước ra đi mà không nhớ, nghĩ về cố hương?

Sau bốn mươi năm định cư tại các nước trên thế giới, hàng triệu người Việt di tản, vượt biên và định cư xa xứ đâu ngờ rằng đã gần một thế kỷ mà nơi quê xưa, cơn mù mịt vẫn chưa chịu tan.

Những ngày cuối của năm con ngựa sắp trôi qua. Một năm mới sắp đến. Bốn mươi năm nghe lại bài thơ "Hồ Trường" vẫn là âm vang bi tráng, hào sảng ngày xưa nhưng sao tâm cảnh của người nghe thoáng chút ngậm ngùi.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
02/08/201805:14:57
Khách
Tôi đã từng nghe diễn ngâm bài thơ Hồ Trường từ VN.
Qua Mỹ xem bài viết và phân tích ý và lời thơ của tác giả PAK, tôi mới vỡ lẽ ra bài thơ này có nhiều ý nghĩa sâu sắc, nhiều điển tích và so sánh hay mà mình không biết. Chỉ thấy hay mà không biết vì sao hay.
Cám ơn sự phân tích bài thơ làm cho tôi thây văn thơ cũng đáng ngưỡng mộ và học hỏi lăm.
02/08/201805:08:39
Khách
Tình cờ đọc bài của tác gỉa viết từ năm con ngựa tính ra cũng gần 4 năm , những diễn biến của lịch sử những ngày gần đây như biểu tình chống đặc khu và an ninh mạng của đồng bào tại quê nhà đã làm tôi vô cùng xúc động. Lịch sử là sự lập lại. Dân tộc VN đã và vẫn đang chống tàu cộng.
Tôi rât thích đọc bài của tác giả. Bài thơ có chí khí hào hùng và niềm tự hào dân tộc . Tôi cũng cảm nhận được tấm lòng của tác giả với quê hương.
Một bài viết hay trong nhiều bài hay của tác giả PAK.
26/02/201812:06:42
Khách
Là cô giáo lại dạy Văn,có nghiên cứu lịch sử nên tác giả phân tích bài thơ rất chi tiết và rõ ràng. Người đọc thơ nhờ đó hiểu về bài thơ và cảm nhận cái hay của bài thơ. Cám ơn tác giả.
12/01/201505:20:31
Khách
"Bác" Trần Du Sinh ạ! Thời xưa, cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh Đông du để tìm đường cứu quốc, còn "bắc kỳ 2 nút như các bác" Tây du chỉ vì lợi ích cá nhân ... Sao không giỏi trở về nước?? Mà lên giọng "tào Lao"?
10/01/201504:15:51
Khách
Bài viết của tác giả Phùng Annie Kim khơi dậy trong tôi hai mối cảm xúc:
-Một là sư tri ân hai nghệ sĩ Nga Mi Trần Lãng Minh đã lao tâm khổ tư bao lâu để khổ công luyện tập và trình diễn xuất thần một bài thơ xuất hiện gần một thế kỷ rồi mà vẫn như có tính thời sự.
-Hai là u uẩn nhìn vào chính đời mình hơn hai mươi năm xa xứ đã làm được gì tốt đẹp cho quê hương dân tộc?
Cám ơn tác giả về bài viết như một nhắc nhở.
08/01/201518:06:55
Khách
Ngày nay nước Việt cũng có hàng ngàn thanh niên xuất ngoại Tây Du lẫn Đông Du, nhưng có mấy ai còn ngâm "Hồ Trường" ? "Người Du Sinh Bắc Kỳ 2 nút" đã chọn ở lại trời Tây...
30/12/201423:38:37
Khách
Trời lạnh cuối năm, đọc bài báo làm tôi chảy nước mắt… Khi tôi mới thi đậu vào trường trung học Trưng Vương thì anh lớn của tôi đã gần tốt nghiệp đại học Khoa Học Saigon (khoảng 1966-1967). Một đôi lần tôi có nghe anh và mấy người bạn học nói loáng thoáng “Hồ Trường…” Tôi không nghe được cả bài nhưng một vài câu các anh ngân nga với nhau đã làm tôi nhớ mãi… “Rót về phương Đông… Rót về phương Tây…. Trai trẻ bao năm đầu đã bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương……… ” Các anh là những thanh niên học hành chăm chỉ, làm công tác xã hội hăng hái, và không bao giờ la cà trà đình tửu quán. Anh nào cũng có chí hướng cao ngất về cơ hội xây dựng đất nước tương lai. Năm 1970 hai anh đi du học với ước mơ học hỏi để làm đẹp cho quê hương mai sau. Một anh vào quân đội, rồi vào tù cải tạo… Lần đầu anh tôi về thăm Việt Nam sau hơn 30 năm, anh cũng gần tuổi 60, được cái hội “Việt Kiều yêu nước” mời. Và chỉ một buổi họp của “họ” thôi cũng khiến anh và nhiều trí thức khác bỏ đi. Danh sĩ Nguyễn Bá Trác, các anh hùng hào kiệt, cũng như bao nhiêu người Việt giỏi giang khác ở khắp nơi trên địa cầu này, và anh tôi đã không bao giờ có dịp đóng góp tài năng sức lực cho người dân khốn khổ của mình (chứ không phải cho cái Đảng Cướp Sạch). Anh tôi “đầu đã bạc” hẳn vẫn thỉnh thoảng ngân lại “hồ trường… trai trẻ bao năm đầu đã bạc… ” và vẫn chưa làm được gì như ước mong. Cám ơn tác giả đã cho chúng tôi sự hiểu biết, lịch sử của bài thơ, và những xúc cảm về một thời đẹp đẽ đã qua mất rồi. Ôi buồn!!!
27/12/201423:31:42
Khách
Viết về một bài thơ cổ cách đây gần môt thế kỷ, tác giả đã liên hệ với hoàn cảnh đất nước hiện nay.
Qua bài viết, tôi đã sống lại những trang lịch sử hào hùng chống ngoại xâm của ông cha ta, đồng thời xót xa cho hoàn cảnh đất nước hiện tại.
Một bài viết hay và sâu sắc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,239,213
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài viết mới của Đoàn Thị cho tháng Tư năm nay là một chuyện tình. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Bài viết thứ tư của bà kể về nỗ đau của “những ngày tháng Tư xưa ào ạt dày vò.”
Cuối tuần này, 20 và 21/04/2019, chương trình thăm viếng và an táng “Ó Đen” Lý Tống được tổ chức tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, Orange County.
Cuối tuần này, 20 và 21/04/2019, chương trình thăm viếng và an táng “Ó Đen” Lý Tống được tổ chức tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, Orange County. Xin mời đọc bài viết đặc biệt của Sapy Nguyễn Văn Hưởng.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westmister. Tham dự Viết về nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã lần lượt nhận giải Đặc Biệt 2016, giải Danh Dự VVNM 2017 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô cho mùa Phục Sinh và Tháng Tư 2019.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ với những bài viết cho thấy tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Nhạc sĩ Cung Tiến