Hôm nay,  

Ảo Thực Đời Thường

12/12/201400:00:00(Xem: 20562)

Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số 4407-14-29807vb5121114

Trong những bệnh viện tâm thần tại California đang có những người bệnh gốc Việt. Chuyện kể về một bà bạn thanh lịch bị bệnh ảo giác, hallucination. Người viết là một nhà giáo tại Học Viện Ngôn Ngữ thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Với bài "Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh", cô đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2014, đồng thời, với bài "Thầy Việt Trò Mỹ", cô nhận thêm giải mang tên Bà Trùng Quang 2014, dành cho bài viết thể hiện sức mạnh chữ Việt, văn hoá Việt trong đời sống hải ngoại.

* * *

Bà Thời trả lời vui vẻ qua điện thoại:

- Tôi đây bà Quỳ.

- Bà hẳn đang trông tụi nhỏ?

- Đúng rồi. Đến bốn giờ rưỡi chiều ba má tụi nhỏ đi làm về ghé đón thì tôi mới rảnh. Còn bà làm gì đó?

- Tôi đang xem dở bộ phim Hàn.

- Bà hết mê phim Tàu rồi sao?

- Xem mãi thấy nhảm, bà ạ. Phim Tàu nếu có diễn ra đám cưới thì luôn có bài bản “Nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, tam bái phu thê”.

- Không phải bà Quỳ ơi. Người ta nói “phu thê giao bái” chớ không nói “tam bái phu thê”.

- Thế à? Bà không phải là người không biết lý lẽ.

- Bà không miễn cưỡng tôi đó chớ?

- Không dám khách sáo. Từ hồi tôi gả cho ông Trác, tôi không miễn cưỡng ai hết.

- Bà nói làm tôi đây nghe sảng khoái lắm. Tuy chúng ta không sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày...

- Nhưng tôi muốn vui với bà cùng ngày cùng tháng cùng năm.

Cả hai bà cười vang khi bông đùa với nhau bằng cách tung hứng các lời thoại lồng tiếng từ những bộ phim Tàu.

- Thôi tôi để bà lo cho tụi nhỏ. Chiều nay bà ghé ăn cơm với tôi nhé, cơm xoàng ấy mà.

- Chắc chắn rồi! Tôi thích ăn món bà nấu lắm!

Là hàng xóm cách nhau một dãy phố, bà Thời và bà Quỳ tình cờ gặp và quen nhau, nói chuyện thấy hợp rồi kết thân từ vài năm nay. Thỉnh thoảng hai bà gọi điện thoại rủ nhau qua lại ăn cơm cho vui. Lúc đầu, bà Quỳ thường mời cả hai ông bà Thời nhưng ông thường lấy cớ này cớ khác để từ chối, cốt để hai bà chuyện trò tự nhiên hơn. Mặt khác, nếu bà Thời có mời bà Quỳ đến ăn cơm thì ông cũng tìm dịp ăn trước hoặc đi thăm bạn. Lâu dần, cả ba cùng thấy thoải mái với cách sắp xếp này.

Buổi chiều sau khi dọn cơm cho chồng, bà Thời rảo bộ đến khu chung cư bà Quỳ ở thuê.

- Hôm nay giỗ bố tôi, tôi chỉ nấu duy nhất món bún thang để cúng ông thôi.

- Mèn đéc! Phải biết trước thì tôi mua trái cây qua cúng.

Bà Thời thầm trách mình sơ ý, lẽ ra phải hỏi bạn lý do mời bà sang ăn vào ngày thường mà không phải vào cuối tuần như mọi lần.

- Đừng làm vậy bà ạ! Chỗ thân tình, bà ghé chơi, ăn với tôi là vui rồi.

Chỉ ít phút sau bà Quỳ khoan thai đặt trước mặt khách bát bút thang nóng bốc khói.

- Đáng lẽ ra tôi bỏ mắm tôm vào bát bún thang cho bà nhưng nhớ ra lần trước bà không ăn được thứ gia vị này trong món bún riêu tôi nấu.

- Bà nhớ đúng đó. Nhưng tại sao gọi là bún thang hả bà?

- Tôi được cắt nghĩa, “thang” trong chữ Nôm có nghĩa là nước dùng mà bà gọi là nước lèo đấy. Vị thang ngon phải là nước dùng trong veo, kết hợp đủ các chất bổ dưỡng từ những thứ được nấu.

Bà Quỳ chậm rãi nói tiếp:

- Ông cụ tôi mỗi lần ăn bát bún thang bà cụ nấu, thường hay dạy các con rằng người lãnh đạo quốc gia mà có tài “điều thang” thì cũng ví như có tài hòa hợp mọi yếu tố trong xã hội để mọi người được hưởng đủ vị bổ lành trong cuộc sống.

Bà Thời ngẩn người thán phục bà bạn. Lần đầu tiên bà cảm nhận được lời dẫn về bát bún thang bà sắp thưởng thức đồng điệu với cung cách trình bày của món ăn này. Khác hẳn với tính cách thường ngày của bà là vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả, lần này bà Thời ăn trong yên lặng, chăm chú tận hưởng vị, hương, sắc của món bún thang.

Những cọng bún rối khiêm tốn làm nền cho một bát bún thang vừa vặn, không lớn tú hụ mà cũng không quá nhỏ để chỉ lọt thỏm một góc bao tử của người ăn. Thịt gà trắng phau xé sợi, trứng tráng vàng rượm và giò lụa phớt hồng đào được xắt sợi nhuyễn tương phản với gam mầu trầm của vài chân nấm hương mướt rượt cùng củ cải muối bóp giấm gừng vừa khéo. Mỗi thứ đặt cân đối ở một góc bát. Bát thang còn đỏng đảnh điểm xuyết rau răm lúng liếng, hành lá xanh xắt nhỏ bon chen với dúm ớt đỏ bằm kiêu hãnh tạo nên một họa tiết đa sắc. Vẫn chưa đủ, vài giọt cà cuống nhỏ điệu đà trong bát thang làm khứu giác người thưởng thức ngơ ngẩn đê mê.

Bát bún thang vừa được dùng xong thì bà Quỳ nhẹ nhàng đặt chén chè hạt sen trước mặt bà bạn hàng xóm. Vị ngọt dịu của đường phèn thấm trong hạt sen hầm mềm tạo phần thanh tao cho món tráng miệng.

Ngần ấy thứ nói lên tính cách tinh tế của bà Quỳ. Ngắm nhìn căn phòng nhỏ gọn bà đang thuê thì cũng đủ biết. Thứ nào cũng thuần trắng, từ cái xô-pha da mềm trắng sữa, kệ sách gỗ sơn trắng tinh, bộ bàn ăn xinh xắn sáu chỗ ngồi, chiếc giường ngủ, các khung ảnh, thậm chí bát, đĩa, đũa, cho đến cán dao ăn cũng đều màu trắng. Bà lại có tay trồng lan, dăm bảy chậu bé xinh đặt ngoài hàng hiên đều nở đầy hoa trắng muốt. Mọi thứ như có một trật tự riêng mà chỉ bà Quỳ mới có thể đặt chúng tại một vị trí hài hòa của không gian trắng tĩnh cho riêng bà.

Bà Thời buột miệng:

- Màu trắng tuy trang nhã nhưng trông buồn và cô đơn lắm bà Quỳ à.

- Thì cuộc đời tôi nào hơn! Bà biết đấy, nếu không có việc gì làm, tôi chỉ ngồi nhìn vào bức tường trắng toát trước mặt thôi.

- Bà làm như vậy riết rồi điên à nghen!

Bà Quỳ cười buồn:

- Tôi đã từng bị bệnh tâm thần mà y học gọi là hallucination, bệnh ảo giác. Tôi phải đi điều trị hai lần rồi, hiện tại không tái phát nên bà không biết tôi bệnh đấy thôi.

Bà Thời sửng sốt khi nghe bà Quỳ bất ngờ tâm sự. Cớ gì mà bạn của bà lại bị bệnh đến những hai lần? Bà chỉ biết qua lời kể rằng ông Trác chồng bà Quỳ lúc xưa có chức quyền, con nhà bề thế. Nại cớ bà Quỳ không sinh được con trai nối dõi, ông Trác ly dị bà sau khi định cư ở Mỹ được vài năm; sau đó ông về Việt Nam làm hôn thú đem qua Mỹ một cô vợ còn trẻ hơn cả tuổi của Khanh, con gái đầu của hai ông bà. Khanh đã lập gia đình còn Vy, cô em út, vẫn độc thân; cả hai đều ở riêng cách xa mẹ đến hai giờ lái xe. Từ hồi quen biết bà Quỳ đến nay, bà Thời chỉ thấy bà Quỳ mỗi tháng đi xe buýt lên thăm con cháu rồi lại quay trở về trong ngày, chưa hề nghe bà Quỳ nhắc đến đứa con nào ghé thăm mẹ.

Lúc trước bà Quỳ có việc làm toàn thời gian. Hiện tại bà thất nghiệp cả năm có dư, đã phải tiêu vào tiền để dành. Thỉnh thoảng bà Quỳ được gọi đến làm thế một nhân viên nào đó vắng mặt vài hôm vì vậy chẳng sao kiếm đủ chi tiêu hàng tháng. Những lúc gần đây, bà Quỳ ưu tư nhiều khi đến hạn phải trả tiền thuê nhà vì bà vẫn chưa đủ tuổi già để xin trợ cấp. Bà Thời đã có lúc dạn miệng khuyên bạn nên tìm nơi ở thuê bình dân hơn nhưng bà Quỳ viện cớ chỗ thuê rẻ thường phải chung đụng xô bồ; hơn nữa bà không thể trang trí phòng ốc theo ý muốn như chỗ ở hiện tại. Ông Thời nghe được, nhắc vợ không nên can thiệp vào chuyện riêng của bạn.

Biết bạn mình lo nghĩ chuyện tiền nong, nay lại nghe thêm tiền sử bệnh trạng, bà Thời đâm buồn bã, ngại hỏi tới. Bà Quỳ giọng đều đều, mắt nhìn xa xăm:

- Thời gian đó tôi điên nhưng tôi không phá phách, gây hại cho ai, bà Thời ạ.

Bà Thời không biết đáp lại thế nào, lần lữa mãi rồi đánh liều nói:

- Tôi tưởng ai bị bệnh này thì cũng hành xử như nhau.

- Tùy mức độ, bà ạ. Nói chung, bệnh nhân một khi bị rối loạn thần kinh thì không tự chủ được bản thân nên không phân biệt phải trái, do đó gây ra hành xử không bình thường.

Xem chừng ra bà Quỳ phản tỉnh rõ nét về bản thân sau khi hồi phục bệnh trạng vì cách để bệnh nhân ổn định tốt nhất là chính họ nhận thức được bệnh của mình. Bà kể cho bà Thời về bệnh hoang tưởng ảo thanh của bà. Đó là một dạng bệnh lý của não do những biến đổi sinh học phức tạp và chưa một xét nghiệm nào có thể tìm ra nguyên nhân. Khi bệnh, bà cứ tưởng như nghe thấy tiếng nói trong đầu sai khiến bà làm điều này điều khác mà chính vì vậy gây cho bà sự sợ hãi, trốn chạy, hoặc tìm cách đối phó.

- Bà biết không, tôi đã từng có những rối loạn về hành vi lẫn cảm xúc. Tôi thường rất quý đứa con rể, chồng của cháu Khanh, nhưng khi phát bệnh tôi nghe tiếng nói trong đầu rằng con rể mưu toan giết tôi, vì vậy lúc ở nhà con, tôi trốn vào buồng tắm, gọi thế nào tôi cũng không mở cửa. Các cháu đành gọi cảnh sát đến đưa tôi đi bệnh viện.

- Vậy bây giờ bà có phải uống thuốc không?

- Bắt buộc chứ! May là tôi xin được cấp thuốc miễn phí chứ tiền nào mà trả nổi. Thuốc về thần kinh đắt tiền lắm, bà ạ.

Sau lần nghe bà Quỳ tâm sự về căn bệnh lúc trước đã mắc phải, bà Thời đôi lúc bâng khuâng, cảm thương cho bạn. Hôm đi khám sức khỏe định kỳ, bà chia sẻ với vị bác sĩ gia đình của mình lời tâm sự của bạn bà và hỏi:

- Bệnh của bạn tôi là do ma ám không, thưa bác sĩ?

- Hoàn toàn không có ma quỷ nào gây ra bệnh này hết. Bệnh này cũng có yếu tố di truyền.

- Tôi biết bà bạn tôi hồi trước căng thẳng về chuyện ly dị lắm, có lẽ nào vì lý do đó?

- Những căng thẳng trong cuộc sống như ly dị, cô đơn, cuộc sống khó khăn, hoặc chấn thương tâm lý, vân vân, là yếu tố thúc đẩy bệnh. Thêm nữa, việc săn sóc một người bệnh cần phải có kiến thức, phương tiện vì ảo giác có thể khiến người bệnh tự gây tổn thương cho bản thân và người xung quanh.

Dẫu thế nào đi nữa thì đó vẫn là phận rủi bà Quỳ phải gánh chịu khi tự thân bà mang mầm bệnh. Không có ý định tìm chỗ ở thuê giá thấp, bà Quỳ lại kén chọn việc làm. Bà viện lẽ ngày trước chỉ quen làm việc văn phòng nên bây giờ làm nghề tay chân không thích hợp. Đôi lần, bà Thời có mối quen giữ trẻ, đã gợi ý để hòng giúp bạn bà có thêm thu nhập nhưng bà Quỳ đều nhã nhặn khước từ. Bà Thời từng trải qua những tháng năm bươn chải trong cuộc sống thành thử ra cảm thông cho bạn bà xuất thân từ gia đình khá giả đã không quen chịu cực.

Tuy vậy, không vì cách nhìn nhận sự việc khác nhau mà bà Thời chê trách bạn bởi bà biết rằng ở tuổi như hai bà thì dễ gì tìm được một người bạn để chia sẻ lúc vui buồn. Bà nghĩ mình không giúp được cụ thể cho bạn thì ít ra cũng ghé thăm chuyện trò. Mỗi lần sang chơi nhà bà Quỳ, bà Thời thấy vui khi hình dung ra người bạn luôn tiếp đón bà ân cần, lúc nào cũng nền nã trong bộ quần áo ủi thẳng nếp, tóc bới cao sang cả để lộ khuôn mặt còn giữ được nhiều nét đẹp buồn vương vấn.

*

Như mọi lần, bà Thời ghé mắt nhìn qua màn ren trắng sau kính cửa sổ gọi to vui vẻ:

- Bà Quỳ ơi, tôi nè!

Bà Quỳ ngồi quay lưng lại phía cửa, thu người trên xô-pha, bất động. Chầm chậm quay đầu lại thấy bà Thời, bà Quỳ đứng lên đi lần ra phía cửa, chỉ mở hé đủ để bà đứng chắn lối vào, mắt nhìn trân trân vào bà Thời. Sao hôm nay bà Quỳ ít nói, tính tình khô lạnh, không muốn tiếp xúc thế kia?

- Bà có chuyện gì?

- Tôi làm ít đồ ăn đem đến bà vậy thôi.

Một thoáng im lặng, dù chỉ lâu dăm bẩy giây cũng đủ làm bà Thời khựng lại, bối rối:

- Bà ngủ ngon không, bà Quỳ? Bà vẫn uống thuốc chớ?

- Tôi ngủ được, đã ngủ tốt thì không cần dùng thuốc nữa.

Lại im lặng. Bà Thời mơ hồ cảm nhận một sự khang khác nhưng chưa kịp định hình. Bà ngượng ngùng vì không được mời vào nhà. Bà đang cố gắng nghĩ phải nói điều gì đó để lấp khoảng không nhạt nhẽo giữa hai người thì bất chợt bà Quỳ giằng vội chiếc túi bà Thời đang giữ trong tay, lạnh lùng nói:

- Xin lỗi bà nhé, hôm nay nhà tôi có đông người đang họp ở bên trong. Tôi phải vào đây.

Nói đoạn bà Quỳ quay ngoắt lưng, đóng cửa để mặc bà Thời đứng hụt hẫng.

Chưa bao giờ bà Quỳ lại cư xử với bà như vậy. Bà đã làm gì để bạn bà giận chăng? Có thể nào vì bà Thời đến nhà bạn mà không gọi điện thoại báo trước như phong tục ở xứ Mỹ này khiến bạn bực mình? Hay bà Quỳ hờn trách bà Thời lúc này không thường xuyên liên lạc với mình?

Thời buổi kinh tế chậm hồi phục, cha mẹ giữ tụi trẻ con nhiều hơn và họ chỉ thuê người trông khi thật cần. Bà Thời đã phải chấp nhận trông trẻ ngay cả với giờ giấc trái khoáy để có thêm đồng ra đồng vào vì bà cũng như bà Quỳ là chưa đến tuổi nhận tiền già; do đó bà không còn nhiều dịp chuyện trò hoặc ghé thăm bà Quỳ như trước. Lâu lắm gặp dịp rảnh rang, bà mới có thì giờ làm vài món ăn vặt đem qua chia sẻ với bà Quỳ để rồi giờ đây thái độ của bạn làm bà ngỡ ngàng.

Bà Thời quay trở về nhà mà lòng buồn dằng dặc. Đêm ngủ bà trăn trở, cơn giận bạn chưa nguôi. Cứ nhớ đến lúc bà Quỳ nhẫn tâm đóng cửa trước mặt bà, lòng bà nhói đau. Đến gần sáng bà mới chợp mắt. Tỉnh giấc lúc trời sáng rõ, bà lẩm bẩm “Nam Mô A Di Đà Phật ai cũng có tật. Thôi thì bỏ qua lần này.”

Buổi chiều tối bà Thời lại rảo bước sang thăm bà Quỳ. Bà chưa kịp đặt chân lên cầu thang đến tầng trên nơi có phòng bà Quỳ thì đập vào mắt bà là một cái túi màu cam nằm ngất nghểu trên miệng thùng rác chung của khu nhà ở. Bà Thời không thể nhìn lầm. Đích thực là chiếc túi màu cam mà ngày hôm qua bà đã đem đến cho bà Quỳ. Nhìn quanh không thấy ai, bà đánh bạo bước đến gần thùng rác vói tay mở chiếc túi: còn nguyên si bốn cái gỏi cuốn trên chiếc dĩa giấy cùng hộp tương ớt nhỏ và vỉ bánh chuối hấp nước dừa mà tất cả vẫn còn bọc ny-lông cẩn thận, dường như chưa được mở ra. Những món này bà cất công làm để chia sẻ với bạn nhưng tại sao giờ đây chúng lại nằm trong thùng rác?

Bà điếng người, liên tưởng đến lời tâm sự của bà Quỳ hôm nào. Lẽ nào bạn của bà tái phát căn bệnh cũ ư? Cái điên của bà Quỳ phải chăng từ một ảo thanh vọng lại: "Đồ ăn có thuốc độc. Phải vất bỏ!”?

Bà Thời lại nhớ thêm điều bà Quỳ lúc đó nói rằng có đông người đang họp bên trong nhà nhưng rõ ràng bà không thấy có ai hơn ngoài bà Quỳ. Càng nghĩ càng lo âu, bà Thời bước vội lên cầu thang gõ cửa phòng bà Quỳ, nhìn qua bức màn cửa sổ vẫn là bạn bà ngồi bất động trên chiếc xô-pha cố hữu, nhìn thôi miên vào bức tường trắng, tuyệt nhiên không đáp lại lời bà gọi.

Bà quày quả trở ngược về nhà báo cho ông Thời. Ông vội chạy đến báo nhân viên đảm trách an ninh nơi chung cư của bà Quỳ để họ xem xét và gọi cấp cứu. Ngay hôm sau bà Thời nôn nóng cùng chồng đến hỏi thăm tin tức nhưng họ không cho biết vì ông bà không phải là người thân của bà Quỳ. Nghĩ tới nghĩ lui ông bà Thời chỉ còn cách xin nhân viên bảo vệ chuyển số điện thoại của mình đến các con của bà Quỳ.

Vắng bà Quỳ, bà Thời buồn không nói ra, bâng khuâng nhớ bạn. Bà nghĩ đến phận không con cái như vợ chồng bà thì ngày sau phải chịu cảnh cô quạnh đã đành. Thế còn bà Quỳ, con cái đâu rồi? Ông Trác chia tay bà Quỳ đã lâu thì không bàn đến nữa nhưng lúc này con cái biết mẹ cơ nhỡ mà chúng nỡ ngó lơ hay sao?

Dăm bảy tuần sau, bà Thời mừng rỡ nhận một cuộc gọi điện thoại:

- Cháu là Khanh, con gái đầu của mẹ Cúc Quỳ đây, bác Thời.

- Cô Khanh hả? Tôi mong quá. Mẹ cô sao rồi?

- Bệnh của mẹ cháu tái phát phần lớn là do không uống thuốc đều đặn hoặc tự ý cắt thuốc. Mẹ cháu nghe tiếng nói trong đầu rằng thuốc chữa bệnh tâm thần được làm từ những cây đinh sắt nên nhất quyết không uống mặc dù đã có chỉ định của bác sĩ; nay họ buộc phải chuyển sang trung tâm chữa bệnh thôi.

- Hèn chi hôm trước tôi hỏi đến, bà nói ngủ tốt rồi nên ngưng uống thuốc. Nhưng mà cô Khanh ơi, một khi bà phát bệnh thì nào phân biệt được phải hay trái?

Nói chuyện thêm mới rõ, Khanh chỉ mới thăm mẹ được đôi lần từ ngày bà Quỳ bệnh. Viện cớ bận công việc, con cái, Khanh không thể thu xếp ghé thăm thêm. Các bác sĩ quyết định chuyển bà Quỳ về một trung tâm chăm sóc gần nơi các con bà ở để bà có dịp gần gũi người thân mặc dù Khanh và Vy vẫn muốn mẹ ở một trung tâm thuộc thành phố bà Thời cư ngụ với lý do “Mẹ cháu thường hay nhắc đến bác” để mẹ có bạn ghé thăm.

Bà Thời không biết lái xe mà cũng chẳng nói được tiếng Anh; nếu đi thăm bạn thì dựa vào ông Thời. Thời gian đi thăm cũng phải tính toán thích hợp vì lái xe đi về đã gần bốn tiếng. Đến trung tâm, ông Thời ngồi ngoài chờ sau khi hỏi thông tin và được cho biết khách đến thăm phải gặp bà Quỳ trong một phòng có người giám sát bởi họ cho biết rằng bà Quỳ đã không ít lần muốn trốn chạy.

Bà Thời được một viên giám thị đưa vào căn phòng khóa trái. Dù biết trước rằng bà Quỳ sẽ xuất hiện, bà Thời đã lặng người khi bạn bà được dẫn vào phòng và cửa bị khóa lại ngay tức khắc.

Trước mặt bà Thời là một lão bà tóc ngả màu xám trắng xõa dài lơ thơ đến vai. Thân hình bà lão gầy rộc trong chiếc áo thun rộng ngắn tay màu cháo lòng, cái quần dài thun xanh dương bạc phếch được xắn gấu xộc xệch để bà bước đi không bị vướng ngã, lộ ra đôi dép kẹp trong các ngón chân dúm lại dồn sức kéo lê tấm thân rệu rạo trong mỗi bước đi. Ắt hẳn là quần áo của ai thải ra vì đây nào phải là tính cách ăn vận của một bà Quỳ đài các. Bà Thời nhìn vào khuôn mặt đờ đẫn, ánh mắt vô hồn, hai bàn tay run run của người đối diện mà không tin đó là sự thật.

Dìu bà Quỳ ra ghế ngồi, bà Thời hỏi han bạn. Bà Quỳ đáp lại nhát gừng, không buồn hỏi thăm lại, tựu trung bà chỉ tơ tưởng muốn về nhà. Lúc chia tay bà Thời cố gắng thốt ra những câu an ủi một cách máy móc:

- Bà Quỳ ơi, tôi nghe nói việc bác sĩ quyết định cho bà xuất viện chủ yếu dựa vào kết quả những lần nói chuyện với bệnh nhân. Bà không chịu chuyện trò với ai hết thì biết lúc nào mới được cho về?

- Tôi không chờ được nữa. Tôi trốn đấy.

- Trời! Họ mà nghe được thì họ sẽ canh chừng bà kỹ hơn đó.

- Thật đấy chứ, tôi không đùa. Tôi sẽ lừa họ cho phép tôi ra ngoài đi bộ rồi tôi chạy trốn luôn.

Bà Thời chạnh nhớ đến lời Khanh trong lần gọi điện thoại mới đây cho bà:

- Cháu đã định xin phép trung tâm đưa mẹ cháu ra ngoài ăn món Việt nhưng lại thôi vì sợ rằng ăn xong mẹ cháu đòi về nhà, không chịu trở lại trung tâm nữa.

Tạm biệt bà Quỳ, nhìn cánh cửa bị khóa lại ngay sau khi bạn bà riu ríu quay bước, bà Thời nghe tim mình thắt lại. Bà không lấy gì làm ngạc nhiên khi bạn bà cứ đau đáu muốn thoát khỏi cảnh tù giam lỏng. Bà đi trở ra lúc ông Thời vừa thôi chuyện trò với nhân viên trung tâm.

- Họ nói gì hả ông?

- Họ chỉ nói những người mắc bệnh như bà Quỳ dễ sợ hãi, kích động, lo âu, thậm chí hoang tưởng nên gia đình phải thường xuyên quan tâm, không được để họ cô đơn.

- Nói dễ mà làm mới khó.

- Tôi e là dẫu được xuất viện mà bà Quỳ tiếp tục sống một mình thì bệnh sẽ tái phát nữa thôi. Ngoài điều trị bằng thuốc, gia đình rất quan trọng trong việc chăm sóc, nhắc nhở bệnh nhân tự giác uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn nữa.

- Tôi hiểu chớ, cái này ngoài tầm tay mình rồi. Họ có nói bao giờ cho bà Quỳ xuất viện không ông?

- Mình không phải là người nhà, họ không nói đâu bà. Bà Quỳ cứ thụ động không chịu giao tiếp, suốt ngày ngồi hay nằm một chỗ thì bệnh khó thuyên giảm. Nhưng mà giả như được ra viện, thì bà Quỳ sẽ ở đâu hả bà?

Bà Thời đã không nghĩ đến điều ông Thời nêu ra. Ắt hẳn bà Quỳ lại càng không hình dung nơi đâu là nhà để trở về. May ra các con bà Quỳ có câu trả lời chăng?

Bà gọi điện thoại ướm chừng ý Khanh:

- Cô Khanh dự định mẹ khỏi bệnh thì bà về đâu ở?

- Về đâu nữa hả bác? Mẹ cháu chỉ có thể ở lại trung tâm cho chính phủ lo thôi. Chỗ thuê riêng thì chúng cháu không lo nổi. Mẹ cháu lúc bệnh cứ có thành kiến về chồng cháu thế thì chẳng thể ở với gia đình cháu rồi.

Bà Thời chẳng thể không hỏi tới:

- Còn cô Vy thì sao?

- Bác Thời không biết đấy thôi. Em Vy cháu phải ở với bố từ năm 12 tuổi khi bố mẹ ly dị. Lúc chia tay mẹ đã không giữ em Vy trong lúc em rất cần mẹ nên bây giờ dù em có nhà riêng và còn độc thân, em cũng không định giữ mẹ ở với em.

Hóa ra bà Thời đã hỏi quá thừa. Con cái còn không tìm thời gian đến thăm mẹ thì mong đâu đón mẹ về ở? Vậy là rõ! Con cái trả giá với cha mẹ. Chúng sòng phẳng. Có đứa lo cho gia đình riêng còn chưa xong, có muốn đỡ đần cha mẹ ắt không cáng nổi. Có đứa thấy rằng cha mẹ đã không xem việc lo liệu cho con là trách nhiệm hay là niềm vui thì ngày nay chúng báo đáp lại y như vậy. Họa chăng cha mẹ chỉ còn cách dựa vào đồng tiền để sai khiến người dưng mà thôi.

Bà Thời cứ bần thần dù đã gác điện thoại. Bà kể lại cho chồng nội dung cuộc nói chuyện với Khanh rồi phân vân hỏi ông:

- Ai đúng ai sai hả ông?

- Bà ơi, chẳng ai đúng ai sai hết. Vấn đề không chỉ có hai mặt. Mặt thứ ba là sự thật.

Bà Thời ngơ ngác trước câu trả lời của người bạn đời.

Phải chăng có điều gì chông chênh trong thế giới tinh thần khiến bà Quỳ không nhận thức được ảo hay thực trong đời thường. Ảo và thực lúc ẩn lúc hiện đan xen giữa quá khứ và thực tại. Ảo và thực chơi trò cút bắt đuổi nhau trong tâm thức của một người không được gọi là tỉnh.

Chỉ biết rằng, một bà Quỳ đáng mến và tinh tế ngày ấy đã bỏ bà Thời đi xa, xa lắc.

Orchid Thanh Lê

Ý kiến bạn đọc
13/01/201522:44:21
Khách
Bài viết của chị nhắc cho tôi câu "Nước mắt chảy xuôi"...thật là đau lòng!...nhưng biết đâu nửa tỉnh nửa mê trong lằn ranh "ảo" - "thực" có lẽ bà Quỳ ít đau khổ hơn khi phải đối mặt với cái "thực" đáng buồn! Mong rằng "tiếng chuông" của chị Orchid sẽ kịp thời cảnh tĩnh mỗi chúng ta để nghĩ về và thương yêu cha mẹ mình hơn trước khi quá muộn! Cảm ơn chị và chúc chị nhiều sức khoẻ để tiếp tục những bài viết mới!
16/12/201416:20:38
Khách
Tôi đọc đi đọc lại bài viết của cô, tôi thích đoạn cô miêu tả bát bún thang quá hay và đoạn cô miêu tả nhân vật bà Quỳ làm tôi nhớ lại các bài kim văn mẫu tôi học thời trung học. Cám ơn cô.
Quý vị cư dân ở Little Saigon biết tiệm nào bán bún thang ngon xin chỉ giúp. Cám ơn.
15/12/201423:25:50
Khách
Ôi, bài viết cứ làm mình thổn thức, mỗi khi đọc lại. Có đa cảm không đây ? Nhưng sao cứ ứa nước mắt...
Bạn viết giỏi quá, đưa người đọc vào câu chuyện từ đầu cho đến cuối, đọc hết rồi mà vẫn còn tiếc nuối...Bà Quý sẽ già chết dần mòn như vậy sao ?
Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng ,
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày
Con cái đã vậy lại thêm cái tội là do cái sĩ diện của giới trí thức ta. Phải chi bà Quý chịu đi làm đây đó, không việc nặng thì việc nhẹ. Rủng rỉnh thêm một ít tiền. Lại vui vì có sự giao lưu với thế giới bên ngoài, tâm hồn sẽ khuây khỏa hơn.
Ở xứ người, trường hợp của bà Quý không phải là hiếm nhưng để đánh vào trái tim người phải rung động, thì ít có bài được viết một cách mạch lạc, chân thành, thuyết phục như " Ảo thực đời thường " .
Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết.
15/12/201410:04:12
Khách
Chào cháu Orchid,
Có thêm một bài viết rất hay của cháu đây.
Chúc cháu và gia đình mọi sự thật tốt đẹp.

Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,987,309
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến