Hôm nay,  

Mùa Đông Dọn Nhà

28/11/201400:00:00(Xem: 13308)

Tác giả: Nguyễn Bích Thủy
Bài số 4396-14-29796vb6112814

Bài viết kể chuyện dọn nhà mười năm trước, tự lái xe xuyên bang 1,500 dặm, từ Pennsyvania về Texas. Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, đến Mỹ tháng 4 năm 2000, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại tại thành phố Waxahachie, Texas. Nơi đây, gia đình cô hiện là gia đình Việt duy nhất.

* * *

Lịch sử của nước Mỹ có ghi rõ ràng, vào đầu thế kỷ XV, có một nhóm người Pilgrim, do nhu cầu tự do tín ngưỡng họ đã rời nước Anh đến Massachusetts để lập nghiệp. Những ngày đầu ở vùng đất mới, họ đã được thổ dân da đỏ chỉ cách trồng trọt, săn bắn để sinh tồn. Do vậy, ngay vụ mùa đầu tiên 1621, họ đã tổ chức một ngày lễ ăn uống linh đình để tạ ơn Thượng Đế, cảm ơn những người đã giúp họ... đó là nguyên nhân mà Lễ Tạ Ơn đã ra đời trong hoàn cảnh này. Nhưng mãi đến năm 1941 thì Thanksgiving mới chính thức được Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận chọn ngày thứ Năm vào tuần lễ thứ tư của tháng 11 là ngày lễ quốc gia. Vào những ngày này các công ty, hãng xưởng thường đãi tiệc để cảm ơn nhân viên đã góp phần vào sự thành công của họ. Các Hội Từ Thiện và cá nhân cũng tổ chức những bửa ăn miễn phí cho người nghèo khắp nơi trên nước Mỹ.

Thanksgiving là ngày lễ lớn thứ hai sau Giáng Sinh tại Hoa Kỳ. Đây là ngày mà hầu như các nhà hàng trên nước Mỹ phải tạm đóng cửa vì ai cũng khao khát được quây quần bên bàn tiệc cùng với gia đình sau cả năm trời bôn ba kiếm sống hay học hành ở phương xa. Bửa tiệc truyền thống thường gồm các món như: gà tây (turkey), bánh bí đỏ (pumkin pie), khoai tây nghiền (mashed potatoes) cùng rất nhiều loại rau củ đang vào mùa. Tất cả những món này đều có giá bình dân nên hầu như nhà nào cũng "rượu thịt ê hề" để thết đãi con cháu về sum họp.

Hạnh phúc biết mấy cho những ai đến Mỹ với một đại gia đình. Ngày Lễ Tạ Ơn với họ bao giờ cũng trọn vẹn nhất khi được sống trong tình gia tộc với ông bà, cha mẹ, anh chị em... Còn người nào đến Mỹ "mình ên" thì phải chuẩn bị tinh thần đối phó với sự cô đơn, chán chường vì chỉ khi những sinh hoạt tất bật của đời thường ngưng đọng hết thì mọi người mới thật sự đối diện và thấm thía hết nổi buồn của kẻ tha hương, vô-gia-đình!

Vào những ngày Lễ cuối năm tôi hay thường nhớ về mẹ tôi nhiều hơn vì ở cái tuổi 80 bà vẫn ngày ngày ăn cơm một mình, đi chợ một mình, có khi đi bác sĩ cũng một mình (nếu bệnh nhẹ). Ba chị em tôi đang sống xa xứ, chỉ có gia đình em trai là sát cạnh bên nhưng mẹ tôi vẫn cứ lặng lẽ một mình làm tất cả những gì trong khả năng cho phép, chỉ trừ khi đau ốm thình lình, vì sợ làm phiền con cháu! Tôi luôn nhớ về những giây phút đầm ấm khi cả nhà còn quay quần bên nhau quanh mâm cơm đạm bạc có cha mẹ, có chị em đông đủ mà không khỏi ngậm ngùi.

Trong những bộn bề của cuộc sống hôm nay mọi người luôn cố gắng thu xếp để có một ngày dành cho gia đình trong Mùa Lễ Tạ Ơn mặc dù họ đang bận rộn ở tận bờ Đông hay bờ Tây của nước Mỹ. Và tôi cũng hiểu rằng ở đâu đó trên xứ sở này đang có những người con mang đủ mọi màu da, đủ mọi sắc tộc, đủ mọi tôn giáo... đang ngóng về quê nhà mà mơ một bửa tiệc đoàn viên.

Cũng trên tinh thần đó, xin mượn nơi đây để được nhắn gửi đến tất cả những ai đang còn có một mái gia đình, dù lớn dù nhỏ, cũng nên thường xuyên quay về để gặp gỡ, chăm sóc người thân yêu của mình trước khi mãi mãi không còn một dịp nào nữa trong đời!

...

Mười năm trước đây cũng trong những ngày gần Christmas, khi mọi nhà bắt đầu giăng đèn, kết hoa thì cũng là lúc chúng tôi phải chuẩn bị hành trang để giã từ tiểu bang Pennsylvania (PA) dọn về sống ở miền Nam Texas này!

Chúng tôi rời PA vào buổi trưa của một ngày giữa tháng 12 năm 2004, tiễn chúng tôi là những rặng thông bốn mùa xanh ngát mà chót vót tận trên cao là những cụm tuyết trắng xóa một góc trời. Sau khi chia tay với thành phố Leola và căn hộ nơi đã cưu mang gia đình tôi suốt gần năm năm, chúng tôi lặng lẽ ra đi bỏ lại sau lưng những cửa hàng, trạm xăng, bưu điện, trường học cùng những kỷ niệm của thuở ban đầu "chân ướt chân ráo" mới đến Mỹ định cư của hai mẹ con tôi.

Má chồng tôi đã mất ở Việt Nam từ năm 1979, ba chồng cũng đã qua đời trước đó vài ba năm nên trên PA chồng tôi chỉ còn lại những "haft- brother & sister". Các anh chị ở cách chúng tôi khoảng một tiếng lái xe và thỉnh thoảng vẫn gặp nhau trong những kỳ lễ lạc, họ cũng rất quý mến gia đình tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in những ánh mắt đầy cảm thán của mọi người khi nhìn vào hoàn cảnh của chúng tôi lúc bấy giờ: đứa lớn 13 tuổi và đứa nhỏ mới hơn 10 tháng tuổi, vậy mà chúng tôi lại đang sắp bước vào một cuộc-phiêu-lưu mà nơi đó không thân nhân, không bạn bè và ngay cả cái địa danh sắp đến cũng không hề "Mỹ" chút nào: Waxahachie! Cái tên lần đầu nghe qua tưởng như là một bộ lạc ở tận phương trời xa lơ xa lắc.

Đặc biệt chị chồng tôi đã khuyên chí tình như sau:

- Tụi em đến đó nếu thấy không ổn thì phải nhớ quay về liền nha!

Thật sự mà nói, lòng đã quyết đi nhưng đến ngày khởi hành chúng tôi không khỏi bịn rịn khi phải nói lời chia tay với cái thành phố hiền hòa và những người thân yêu còn ở lại. Nhưng mọi thứ đã sẵn sàng, phải lên đường thôi!

Vợ chồng tôi mỗi người một xe, chiếc SUV của ông xã tôi kéo theo cái trailer nhỏ chất đầy hết những thứ tối cần thiết của cả nhà. Xe của tôi cũng đầy ắp những thứ linh tinh, lỉnh kỉnh và có hai con nhỏ phía sau: đứa chị hết đút baby food cho thằng em thì đưa cho nó bình sữa, nước uống rồi lăn ra ngủ tiếp...

Chồng tôi làm hoa tiêu định hướng cho tôi! Nhớ lại 10 năm trước chúng tôi dọn nhà từ Bắc xuống Nam chỉ với một tờ giấy khổ A4 in ra từ MapQuest làm "người-dẫn-đường". Chẳng có GPS, chẳng có cellphone định vị và "người-dấu-mặt" đọc ra rả vanh vách suốt lộ trình như bây giờ. Cũng may là ngày đó mắt ông xã tôi vẫn còn khá tốt nên vừa chạy xe, vừa dò "tọa độ" mà không hề bị đi sai một exit nào. Nếu như bây giờ thì ôi thôi với cặp kiếng lão gần ba độ không biết anh có "hoàn thành xuất sắc" nhiệm vụ được giao phó không???

Cứ như thế chúng tôi đã lái xuyên qua nhiều tiểu bang của nước Mỹ như: Maryland, West Virginia, Tennesse, Arkansas... băng qua nhiều đợt tuyết đầu mùa suốt dọc cuộc hành trình. Có những đoạn đường liên bang kéo dài hàng trăm mile, chạy hoài không thấy dứt! Thỉnh thoảng chúng tôi chỉ dừng lại "lấy nước trong người ra", "lấp đầy bao tử", đổ xăng đầy bình rồi đi tiếp.

Chúng tôi đã vượt qua cả thảy gần 1500 mile khoảng 2400 km đường xuyên bang để đến Texas. Mặc dù ngày nào cũng lái ròng rã từ 15 đến 16 tiếng nhưng do thời tiết xấu và vì kéo theo trailer nên xe không thể chạy nhanh hơn, sợ xẩy ra tai nạn nên chúng tôi phải mất ba ngày mới đến nơi!

Chúng tôi đến Texas vào ngày 17/12/2004 và tá túc tại một apartment ở thành phố Dallas đã thuê trên mạng trước đó ít hôm. Đây phải nói là một trong những buổi chiều buồn nhất với chúng tôi! Đứng trước cảnh nhộn nhịp ấm áp của một thành phố sầm uất có mật độ kẹt xe đứng hàng thứ nhì của nước Mỹ mà chúng tôi cảm thấy bơ vơ như lạc vào một hành tinh xa lạ, không người quen biết. Chưa kể giọng địa phương của cư dân Texas lúc đó vẫn còn xa lạ với chúng tôi làm sao. Thật buồn muốn khóc!


Qua buổi sáng sớm hôm sau vợ chồng con cái lại chất lên xe vì có cái hẹn trước với nhân viên Địa Ốc từ những ngày còn trên PA. Do hữu duyên và may mắn nên chỉ sau khi đi xem một vòng chừng hơn mười ngôi nhà thì vợ chồng tôi đã chọn được một căn vừa ý và cũng vừa túi tiền của mình. Thủ tục quá nhanh gọn nên chỉ sau hơn một tuần lễ là chúng tôi đã dọn vào nhà mới đúng ngày đầu năm Dương Lịch 01/01/2005 cũng vừa đúng lúc khi các anh chàng người Mễ hoàn tất những công đoạn sau cùng.

Mười năm thấm thoát trôi qua cũng chỉ là một "nháy mắt". Đứa con gái của tôi giờ đã 23 tuổi và thằng con nhỏ mới ngày nào dọn xuống đây còn nằm gọn trong car-seat nay sắp bước qua tuổi 11. Những vất vả gian nan của ngày đầu đến đây lập nghiệp cũng đã qua nhanh, chúng tôi cảm thấy yêu cái vùng đất mới này và rất tự hào mình là những cư dân gốc Việt duy nhất tại thành phố Waxahachie này!

Chúng tôi đã thuộc lòng "đường đi, nước bước" tại đây và những vùng lân cận. Cũng nhờ cái GPS mà mọi khoảng cách địa lý đã trở thành "chuyện nhỏ" với những kẻ lấy quê người làm quê mình như chúng tôi vậy!

...

- Vì sao "you" phải dọn nhà?

Đó là câu hỏi này mà rất nhiều đồng nghiệp đã thắc mắc vì họ biết hai vợ chồng tôi đều đang có job khá ổn định trên PA, nhưng lần nào tôi cũng trả lời như sau:

- Vì mùa đông, vì cái lạnh và vì nhớ nhà!

Tôi đã sống gần năm năm ở miền Bắc và cứ mỗi lần nhìn những chiếc lá cuối cùng lìa cành thì cũng là lúc lòng tôi đầy ắp một tâm trạng buồn chán vô cớ. Tôi nhớ những tia nắng Xuân rực rỡ, nhớ ánh nắng gay gắt ngày Hè, nhớ nắng vàng nhàn nhạt lúc sang Thu và nhớ giọt nắng ấm áp của những ngày cận Tết ở bên nhà. Nổi nhớ khiến tôi buồn dàu dàu chẳng màng gì cả, có thể tôi đã bị trầm cảm vào những mùa Đông chăng?!! Cám ơn chồng tôi thật nhiều vì có lẻ hiểu được lòng vợ nên anh đã quyết định xin chuyển công tác cho chúng tôi về Texas: vừa giữ được job, vừa có dịp đem cả nhà về vùng nắng ấm như niềm ao ước của tôi bấy lâu.

Sau mười năm sống Dallas - Texas tôi đã dần "ngộ" ra được nhiều điều cũng khá "ngộ".

Ở miền Bắc trong khi mọi người yêu tha thiết những ngày hè nắng nóng để tha hồ ăn mặc thoải mái, barbecue hay party ngoài trời, picnic, dã ngoại... Trái lại, tại miền Nam Texas này thì cái nóng bức gần như "tra tấn" con người quanh năm, do vậy họ yêu mùa Đông với những ngày trời tuyết lất phất để gọi vào hãng lấy cớ đường trơn trợt xin nghỉ ở nhà "sum họp" gia đình, vui đùa với con cái! Nhưng tiếc rằng tuyết chỉ ghé Texas này "năm khi mười họa" và quá ít không đủ cho bọn trẻ vo thành những cục snowman đủ tròn như ý muốn.

Thêm vào đó, thời tiết ở Mỹ cũng y như một người đàn bà cáu gắt hay làm khó, chắc cũng vì thế mà người ta thường lấy tên của phụ nữ đặt tên cho những cơn bão trong năm chăng?

Sau lần dọn nhà tình cờ tôi biết được thông tin do RealtyTrac công bố rằng 55% nhà cửa tại Hoa Kỳ nằm tại những vùng có nguy cơ thiên tai cao hoặc rất cao. Những người mua nhà tại những vùng bị thiên tai nhiều nhất của nước Mỹ đang đứng trước tình trạng phải đóng lệ phí bảo hiểm cao ngất ngưởng gấp nhiều lần so với những nơi khác. Ba trong số bốn quận hạt có rủi ro thấp nhất trên toàn quốc thuộc về các tiểu bang ở miền Bắc nhưng tại những vùng này người dân lại thường xuyên bị tê cóng vì lạnh buốt hoặc có nguy cơ bị bể ống nước trong nhà. Suy ra không có một khí hậu lý tưởng 100% ở Mỹ huống chi khí hậu toàn cầu ngày nay đã thay đổi rất nhiều do hàng loạt các tác hại của con người gây ra.

Đi tìm một chốn bình yên và khí hậu như mơ trên nước Mỹ đã trở thành chuyện không tưởng khi cả xứ sở này ngày ngày đều có những tin tức về thiên tai, hỏa hoạn, giết người, khủng bố đầy dẫy trên các mặt báo. Và đi tìm một chốn bình yên để tâm mình đừng dao động trước mọi nghịch cảnh của "cõi tạm" này xem ra chắc còn khó hơn gấp nhiều lần?

Cái buồn của tôi giờ đã nguôi ngoai không biết có phải do đang sống trong bầu không khí ấm áp từa tựa như ở bên nhà hay do tự bản thân mình đã thích nghi và hội nhập vào cuộc sống ở xứ sở này từng ngày, từng giờ. Cái quyến luyến mỗi lần chia tay của tôi với người thân sau mỗi kỳ gặp gỡ ở Việt Nam đã bớt nặng nề, nổi nhớ Sàigòn cũng dần yên lắng và tôi phát hiện ra rằng tự bản thân mỗi con người có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh rất tuyệt vời theo-thời-gian. Tôi nghĩ rằng giá như vẫn còn trên PA thì có lẻ tôi cũng vẫn yêu cái cuộc sống của mình tha thiết hơn bao giờ hết như hiện nay. Tôi thầm cám ơn cuộc đời và luôn nhớ đến mấy câu thơ rất ý nghĩa của Kahlil Gibran do nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tạm dịch như sau:

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta còn ngày nữa để yêu thương

Tôi cũng đọc ở đâu đó người ta có bảo rằng: "Trên 50 tuổi mừng từng năm, qua 60 tuổi mong hàng tháng, tới 70 tuổi đếm mỗi tuần, đến 80 tuổi đợi vài ngày, được 90 tuổi..ngơ ngác một mình với giờ phút dài thăm thẳm"... nghe thật thấm thía làm sao!

Tôi không muốn phải đợi bước qua hết tuổi ngũ tuần của mình mới nhìn lại để thấy tiếc cho những cái của-ngày-hôm-qua như tôi đã từng tiếc cho quãng đời son trẻ của mình với những điều chưa-làm-được hoặc chỉ mới-làm-được. Tôi cũng không muốn phải đợi đến tuổi 70, 80 hay 90 mới thấy yêu, thấy quý cuộc đời này rồi ngồi trách móc cõi trần ai sao quá ngắn!

Giờ đây tôi đã thật sự hết buồn khi Đông đến, Xuân về hoặc Hè sang, Thu chớm. Đời người ngắn ngủi trong từng sát-na, chưa hết vui đã thấy buồn, chưa hết trẻ đã toan già, chưa gặp gỡ đã thấy chia lìa, chưa được sống hết thì vô thường bỗng đến. Tôi đang muốn tận hưởng cuộc sống quý báu trong từng khoảnh khắc mà tôi đang có mặt trên cuộc đời này và ngay lúc này đây!

...

Mỗi năm, nhìn những đàn chim tránh rét từ phương Bắc bay từng đàn xuôi về miền Nam trú Đông tôi lại nhớ đến lần dọn nhà của mình mười năm trước mà không khỏi mỉm cười một mình! Con người không có đôi cánh như chim và không thể bay vượt hàng ngàn hải lý như chúng lúc thời tiết giao mùa. Nhưng có rất nhiều người Việt Nam đã đến vùng "đất lành chim đậu" này bằng đôi cánh máy bay trong buổi giao thời của gần 40 năm về trước và cho đến hôm nay họ vẫn còn liên tục làm những cuộc "di trú" không ngừng nghỉ. Chỉ khác chăng là sau khi "trời quang mây tạnh" từng đàn chim lại kéo nhau về phương Bắc vui hưởng cái không khí mát mẻ sảng khoái của tiết Xuân; còn những người Việt như tôi đã đến đây không ai muốn về quê cũ của mình mặc dù lòng vẫn nặng trĩu một nổi niềm hoài hương!

Nhưng! Tôi thật cám ơn những lần ra đi trong đời mình biết dường nào!

Cứ mỗi lần ra đi là mỗi lần phát hiện ra nhiều điều rất hay từ bản thân mình! Cứ mỗi lần ra đi đều có sự trở về, soi rọi hơn và tỉnh tại hơn trong tâm thức của chính mình! Suy cho cùng mỗi niềm vui hay nổi buồn luôn đi kèm với một bài học để làm hành trang giúp tôi trưởng thành và bước tiếp.

Cuối Thu 11/2014

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
29/11/201407:22:48
Khách
Đi để mà đến,đến để Ngộ!Hay mọi con đường đều đến La Mã!
Chúc mừng tác giả sau một hành trình đi tìm miền đất hứa cuối cùng đã thấy được chân lý của cuộc đời!
Bài viết nói lên tâm trạng của tẩt cả người VN xa xứ trên tòan TG,cám ơn tác giả!
28/11/201417:28:21
Khách
Cứ đi rồi sẽ đến!Đến và Ngộ!Hay mọi con đường đều đến La Mã!
Chúc mừng tác giả sau hành trình đi tìm miền đất hứa,cuối cùng đã tìm ra Chân Lý của cuộc đời!Bài viết đã nói lên nỗi lòng của đa số người VN sống tha phương trên tòan TG.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,992,345
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến