Hôm nay,  

Bước Đi Bước Nữa?

18/10/201400:00:00(Xem: 125623)
Tác giả: Trần Đình Đức
Bài số 4363-14-29763vb7101814

Tác giả vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 năm 1985, hiện là một kỹ sư định cư và làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.

* * *

Có ai trong chúng ta đã sẵn sàng nghĩ tới ngày mình sẽ đối diện với cô đơn sau khi người bạn đời vĩnh viễn ra đi hoặc ly thân, ly dị? Dù muốn hay không, ngày ấy sẽ đến và chúng ta phải đối diện với sự mất mát ấy sau những năm tháng đầu ấp tay gối bên nhau.

Giữa hai người phối ngẫu ngoài tình yêu còn có nghĩa vợ chồng và bổn phận với con cái. Hai vợ chồng ràng buộc với nhau một thời gian dài với những niềm vui, hạnh phúc và cùng chia sẻ những khổ đau trong cuộc sống nên khó mà quên nhau được. Một khi đã sống với nhau quá lâu, lúc một trong hai người phối ngẫu ra đi thì cảm giác trống vắng, hụt hẫng sẽ xảy ra với người còn ở lại.

Cuộc sống ở Mỹ làm cho ai cũng tất bật với sinh hoạt của riêng mình từ sáng sớm cho đến chiều tối, vì thế người sống chung một nhà có thể cũng ít gặp mặt hay trò chuyện với nhau. Nỗi cô đơn càng tăng khi người phối ngẫu của mình ra đi, nhất là lúc con cái đã trưởng thành và không còn sống chung với mình nữa.

Tôi đã cảm nhận được sự mất mát đó ở Mẹ tôi sau khi Bố tôi mất. Dẫu rằng Mẹ tôi là người ít nói và thường dấu kín tâm sự của mình nhưng cũng đã thốt lên rằng: "Bố con bỏ Mẹ ở lại một mình". Mặc dầu Mẹ không nói thêm, nhưng đôi lúc tôi thấy Mẹ tôi lặng lẽ khóc trong đêm. Chắc hẳn lúc nào Mẹ tôi cũng nghĩ tới Bố tôi, người đã cùng mình trải qua bao nhiêu sóng gió cũng như hạnh phúc trên đường đời. Sau khi Bố tôi mất, Mẹ tôi đã sống lặng lẽ với nỗi cô quạnh trong những ngày tháng còn lại.

*

Nhiều người không chịu nổi cô đơn dày vò mình ngày này qua ngày khác nên cố tìm cho ra một tri kỷ để cùng nhau chia sẻ vui buồn. Nhưng muốn kiếm bạn đời thay thế người đã mất thì đâu phải dễ. Người muốn chắp nối phải đắn đo suy nghĩ kỹ càng mới lựa được người vừa ý mình. Lý do thứ nhất vì tuổi càng cao thì càng khó chọn được người hoa`hợp mọi khía cạnh. Lý do thứ hai là vì đã có kinh nghiệm trong cuộc sống lứa đôi nên họ càng thận trọng hơn vì ai cũng muốn người mới sẽ hoàn hảo hơn hay ít nhất cũng gần bằng như người trước của mình. Lý do thứ ba là mối ưu tư về tình trạng sức khỏe vì nếu người mới có bệnh thì dẫu ít hay nhiều cũng làm vướng bận mình thêm.

Vì những lẽ trên, việc đi thêm bước nữa không phải là việc dễ dàng. Có nhiều ông nghĩ là mình về Việt Nam thì có nhiều cơ hội hơn. Dĩ nhiên, với tấm thẻ xanh hay điều kiện vật chất đầy đủ thì các ông có nhiều cơ hội hơn ở Mỹ, tuy nhiên sẽ vất vả hơn trong thời gian đầu khi "đưa nàng về dinh". Cuộc sống mới ở Mỹ làm cho "nàng" phải học hỏi từ đầu và phải mất vài ba năm người bạn đời mới hoà nhập được với cuộc sống ở đây. Nếu còn mạnh khỏe thì vất vả vài ba năm để lo cho người mới cũng chẳng sao, chỉ cần suy nghĩ kỹ, đừng để mình phải ca bản "Lầm" của nhạc sỹ Lam Phương.

Tôi có người quen sau khi ly dị về Việt Nam nhờ người mai mối và đem người vợ mới cưới qua Mỹ sinh sống. Họ đã ở với nhau đã hơn mười năm và trông họ rất là hạnh phúc. Phần lớn cả hai đều có con riêng nên họ dễ dàng thông cảm với nhau. Đã là vợ chồng thì dĩ nhiên cũng có lúc cơm không lành canh không ngọt, nhưng vì đã trải qua đổ vỡ một lần nên họ biết nhường nhịn nhau mà sống cho hết quãng đời còn lại của mình.

Tôi có quen một bà Mỹ đã lâu tên là Pat. Mặc dầu bà không nói tuổi của bà nhưng tôi đoán bà khoảng bảy mươi. Bà lúc nào cũng vui vẻ với mọi người xung quanh. Bà làm thư ký văn phòng tiếp khách rất niềm nở nên tôi thường trò chuyện cùng bà. Bà sống một mình trong căn nhà mướn hai phòng ngủ với vài con mèo làm bạn. Bà Pat đã sống như vậy từ lúc ly dị mười tám năm nay mà không có ý định tìm bạn đời thứ hai. Bà nói bà phải làm thêm mới có đủ tiền trả tiền nhà và chi phí sinh hoạt hàng ngày. Bà chỉ có một đứa con trai làm chủ bút cho một tờ báo lớn ở Nhật và một năm mới về thăm bà một lần vào dịp lễ cuối năm.

Vì thích tính tình cởi mở và vui vẻ của bà nên có lần tôi mang đến cho bà chiếc bánh kem nhân ngày Sinh Nhật của bà. Bà rất vui khi nhận chiếc bánh và ôm tôi rất là thắm thiết. Tôi cũng viết lá thư khen ngợi cách làm việc chuyên nghiệp của bà và đưa cho bà xếp của bà. Bà xếp của bà Pat rất vui khi có người khen ngợi nhân viên của mình nên bà cảm ơn và ôm tôi một cách thân thiện. Bà Pat trông yêu đời và khỏe mạnh hơn bà Marliene, hàng xóm của tôi.

Bà Marliene đã bảy mươi lăm tuổi mà sống có một mình, chồng bà đã mất gần hai mươi năm trước vì bệnh tật. Bà bị chứng sưng chân, rất đau nhức phải mổ đi mổ lại nhiều lần nên đi đứng khó khăn, nhưng bà cương quyết không chịu ở nursing home. Muốn đi đâu xa bà phải dùng xe đẩy có bốn bánh xe. Bà có đứa con trai năm mươi tuổi thỉnh thoảng đến thăm và giúp đỡ chút ít nhưng bị bà đuổi đi nhiều lần. Bà không hài lòng vì con bà hút cần sa với bạn trong phòng tắm và hay cãi nhau lớn tiếng với bà. Nhiều lúc bà tâm sự với tôi là bà rất buồn vì có đứa con ngổ nghịch không ra gì. Người con trai ấy không có việc làm, tới nhà bà ăn cơm, xin tiền bà mua thuốc lá, đôi lúc ăn cắp tiền mà còn chửi lại bà nữa.

Bà Marliene hay cáu gắt khi không vừa ý điều gì. Có nhiều lần bà tủi thân khóc lóc rất thảm thương. Bà than là tại sao chồng bà chết sớm làm bà phải sống cô độc một mình. Mặc dầu cô đơn nhưng bà không có ý định đi thêm bước nữa vì bà không thể thương ai ngoài người chồng quá cố. Vừa đưa khăn giấy cho bà lau nước mắt, tôi vừa lắng nghe tâm sự của bà mà chẳng biết làm gì hơn là tìm lời an ủi. Tôi nói bà cứ cầu nguyện, đọc kinh hàng ngày vì Chúa lúc nào cũng lắng nghe và giúp bà vượt qua những đau đớn về thể xác cùng xoa dịu những nỗi đau buồn của bà.

Đôi lúc bà mời tôi ở lại ăn tối với bà và thỉnh thoảng tôi cũng đem cho bà đồ ăn do vợ tôi nấu mà bà khen là rất ngon. Bà có nuôi một con mèo mà bà cưng như là con vậy. Khi nó bị bệnh bà lại mang nó vào nhà thương để Bác Sỹ thú y chữa bệnh, những lúc đó bà lo lắng mất ăn mất ngủ vì nó. Những lúc có chuyện buồn bà hay gọi phone kêu tôi sang để tâm sự và thỉnh thoảng bà nhờ tôi đi mua dùm đồ ăn. Có lần bà khóc và ôm hôn tôi khi tôi đem lại chiếc bánh kem nhân ngày Sinh Nhật của bà. Bà nói còn trai bà chưa bao giờ mua bánh Sinh Nhật cho bà.

Giờ thì bà đã dọn nhà tới Assisted Living for Elderly Facility ở San Francisco gần cái hồ với phong cảnh rất đẹp. Nơi đó không phải là nursing home mà là nơi ở dành cho người lớn tuổi sống một mình. Mỗi ngày bà được ăn ba bữa, có người dọn phòng hàng ngày, giặt quần áo, cùng với nhiều sinh hoạt giải trí khác nhau. Bà phải trả gần hai ngàn đô một tháng cho một phòng riêng cùng với tất cả những dịch vụ đó. Bà dọn tới đây ở thì hai người con gái của bà có dịp đến thăm bà thường xuyên hơn là ở San Jose. Ngày bà dọn nhà tôi tới chúc bà có một cuộc sống mới vui vẻ và hết cô đơn vì ở gần hai người con gái.

Khác với bà Marliene, chị Huê - chị họ của bà xã tôi không hề thấy cô đơn mà lại cảm thấy thoải mái và yêu đời dù chồng chị đã mất hơn bảy năm. Năm nay chị vừa đúng sáu mươi lăm tuổi, chị có nhiều sinh hoạt đem lại niềm vui. Chẳng hạn như mỗi sáng chị đi lễ nhà thờ và đưa đón đứa cháu ngoại đi học hàng ngày. Chung quanh chị có nhiều bạn bè, chị không còn bận bịu như lúc chồng chị còn sống nên chị cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chị nói chị không muốn đi thêm bước nữa vì không cần thiết. Chị có nhiều người bạn đồng cảnh ngộ và không ai cảm thấy cô độc khi họ mất đi người phối ngẫu.

Chị Huê có một ông hàng xóm thua chị vài tuổi đã kể cho chị nghe về hoạch định tương lai của ông sau khi về hưu trong hai năm tới. Mang trong người bệnh tim tương đối nặng, ông dự tính sẽ về Việt Nam ở trong làng dưỡng lão dành cho Việt Kiều với chi phí khoảng một ngàn đô la một tháng. Lúc đó bà vợ y tá người Liên Xô của ông cũng sẽ về lại nước của bà để nghỉ hưu. Hai người chắp nối với nhau không có con và mỗi người đều có con riêng đã lớn. Hai vợ chồng dự định bán nhà sau khi hai người về hưu và mỗi người về lại nước mình để nghỉ hưu theo kế hoạch đã sắp xếp trước với nhau.

Ở Mỹ có nhiều nơi cho người cao niên ở giống như chỗ của bà Marliene, nhưng giá cả khá đắt (trên dưới hai ngàn), vì vậy ít người Việt có tiền trả nổi. Trở ngại thứ hai là vấn đề ngôn ngữ vì nhiều người Việt không nói được tiếng Anh. Ước gì có người đầu tư xây những khu nhà dưỡng lão cho người Việt ở với giá cả trên dưới một ngàn thì rất hữu ích cho cộng đồng Việt Nam ở Mỹ. Đó là cơ hội cho những người còn khỏe mạnh hay chỉ bị bệnh nhẹ có thể quây quần sống với nhau nếu không thể hay không muốn sống với con cháu. Những người này không thể vào nursing home vì phải trả hơn ba ngàn mới được vào ở chung với người bị bệnh nặng. Vả lại người còn khỏe mạnh chẳng ai thích ở trong nursing home vì ở ngoài họ được tự do thoải mái hơn. Nếu có nhà dưỡng lão dành cho người Việt trên đất Mỹ thì tiện lợi biết mấy.

Còn nếu nói về Việt Nam ở làng dưỡng lão dành cho Việt Kiều thì theo tôi nghĩ điều kiện y tế, vệ sinh và phương tiện sinh hoạt không bằng ở Mỹ dẫu biết rằng giá rẻ bằng phân nửa. Quan trọng nhất là nếu có vấn đề về sức khỏe thì nền y học tân tiến của Mỹ có khả năng cao hơn rất nhiều trong việc chữa lành và giúp bệnh nhân mau hồi phục. Tôi nghe nói khu làng dưỡng lão dành cho Việt kiều ở Việt Nam hiện có rất ít người ở. Tôi nghĩ mọi người nên cân nhắc lợi hại trước khi quyết định chuyện hệ trọng đến sức khỏe của mình vì khi có chuyện gì xảy ra phải chuyển về Mỹ thì rất tốn kém và đôi khi không còn kịp nữa.

Tôi có một người quen ở San Jose đã gần chín năm nay mà tôi thường gọi là Chú Hùng. Chú đã sáu mươi bảy tuổi đang sống một thân một mình rất khỏe mạnh. Có lẽ vì không cảm thấy cô đơn và lúc nào cũng vui vẻ nên Chú không có đau yếu gì chăng? Tinh thần Chú lúc nào cũng lạc quan và yêu đời. Có lần tôi hỏi Chú sống một mình có buồn không? Sao Chú không kiếm bà nào sống với Chú cho có bạn? Chú trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: "Cần gì phải lấy vợ, sống một mình thoải mái muốn làm gì thì làm không sướng hơn sao?" Chú đã từng có một đời vợ nhưng đã ly dị hai mươi năm trước và không có con. Chú hay đi du lịch nhiều nơi thăm bạn bè và bà con đã mười lăm năm nay kể từ khi Chú nghỉ hưu. Chú nói Chú đã đi du lịch qua ba mươi tiểu bang trên nước Mỹ, đặc biệt là Hawaii chú đã ghé năm lần. Chú thường xuyên đi Chùa, đi chơi, hay gặp gỡ bạn bè và các cháu. Hễ lúc nào có dịp, hoặc có ai rủ và có tiền là Chú lại xách vali đi khắp năm châu bốn bể từ Los Angeles, đến miền Đông, lên đến miền Bắc, xuống miền Nam rồi qua đến các nước Âu Châu. Theo tôi nghĩ nếu có tiền rủng rỉnh chắc là Chú đi chơi suốt một năm mười hai tháng. Tôi mong được như Chú khi tôi về hưu nhưng còn lâu lắm mới tới ngày tôi được thảnh thơi như Chú.

Tôi có một anh bạn sau khi ly hôn với người vợ cũ đã sống hạnh phúc với người vợ mới đã mười hai năm nay. Hai vợ chồng có với nhau hai đứa con và anh nói anh rất vui khi có đời sống mới với người phối ngẫu tâm đầu ý hợp.

*

Có nhiều vị tâm sự với tôi là không nhất thiết phải đi tìm một nửa thứ hai của mình mà chỉ cần tìm bạn tri kỷ để tâm sự, đi du lịch, khiêu vũ, giúp đỡ nhau khi hữu sự hay cùng nhau trò chuyện, nghe nhạc, và giải trí. Có vị còn rủ nhau đi đánh cờ, đánh tennis hay tập thể dục ngoài trời hoặc tham gia vào hội cao niên. Nhiều vị không ở nhà mà đi tới chiều tối mới về vì dành hết thời gian ban ngày trong Chùa để làm công quả hay tụng kinh nên không cảm thấy cô đơn, trống vắng. Đến khi hoàng hôn buông xuống các vị mới về nhà tắm rửa nghỉ ngơi nên không phải nghĩ ngợi lung tung.

Có người còn nói quá khứ làm giàu thêm kinh nghiệm sống cho nên mình phải trân trọng những gì đang xẩy ra, và tương lai thì chưa đến nên không phải nghĩ tới. Bây giờ với nền y học tân tiến, con người càng sống lâu hơn. Nếu chúng ta biết giữ gìn sức khỏe, siêng năng tập thể dục, giữ tinh thần được an lạc thì việc sống tới một trăm tuổi là điều có thể xẩy ra. Cần nhất là tinh thần phải vui, lạc quan và yêu đời dầu cho người phối ngẫu của mình không còn. Vì nếu để nỗi cô đơn, sầu muộn gặm nhấm thể chất của mình, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ sinh ra bệnh tật.

Người Việt theo quan niệm cổ thì muốn giữ nếp sống như ở Việt Nam hồi xưa, nghĩa là sau khi người bạn đời ra đi thì không tái giá mà ở với con cháu suốt quãng đời còn lại. Nếu con cháu thành tài và được sống quây quần với nhau dưới một mái nhà thì họ vui và hãnh diện, không tỏ vẻ gì cô đơn hay phiền muộn. Tôi có bà chị họ thọ tám mươi bảy tuổi đã ở góa nuôi nấng các con nên người từ lúc chồng bà mất lúc bà mới năm mươi tuổi. Chị là tượng trưng cho những người lấy con cháu mình làm niềm vui trong cuộc sống mà không cần phải kiếm bạn tri kỷ. Nếu được con cháu quan tâm đến thì họ cảm thấy được an ủi trong tuổi già cô quạnh.

Do đó quyết định của mỗi người tùy thuộc vào hoàn cảnh, tuổi tác, tín ngưỡng và quan niệm sống của họ. Ai trong chúng ta đều có thể tái giá sau khi người phối ngẫu qua đời hay đã ly thân, ly dị; tuy nhiên, để tìm được đúng đối tượng, mình cần tìm hiểu và phải cân nhắc thật kỹ càng để khỏi phải hối tiếc và phiền lụy về sau. Sống an vui lành mạnh, tự tại, lạc quan và yêu đời là cách hay nhất để vượt qua nỗi cô đơn cũng như tránh được bệnh tật.

Trần Đình Đức

Ý kiến bạn đọc
16/06/201604:54:55
Khách
Tôi vô cùng ngưởng mộ các bạn đã chỉ cho tôi cách đánh máy có dấu. Thật vô cùng biết ơn. Đã từ lâu tôi không biết phải làm sao
03/12/201506:22:51
Khách
Dạ,đúng vậy. chú Đức giỏi computer bấm cho con số nhảy phát...ớn!
Cháu cũng biết cái mánh này vì cháu cũng trong nghề.
Thôi, đạo" đức " đi chú ơi!
03/12/201407:31:10
Khách
Chào chị Hương,

Chị cứ đánh tiếng Việt như bình thường theo cái link dưới đây. Nó tự động bỏ dấu cho chị, mình chỉ sửa lại vài chữ nó không nhận ra mà thôi. Chúc chị đánh được tiếng Việt dễ dàng.

http://www.easyvn.com/tiengviet/compose.php
02/12/201402:46:19
Khách
tui rat muon dang y kien cua minh lam nhung khong biet lam sao de danh tieng viet co dau
28/10/201403:39:23
Khách
Cảm ơn anh Trực đã ghé qua đọc và có lời "khen".
26/10/201403:38:13
Khách
Độc giả "ma" ở đâu mà ra nhiều thế này, ông tác giả giỏi computer?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,340,318
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.