Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 4350-14-29750vb8100514
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001, thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài "Tháng Tư, Còn Đó Ngậm Ngùi," kể về tình gia đình chung thuỷ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.
Với độc giả, Thầy là Nhà Văn Nguyễn Xuân Hoàng. Với các anh chị chs Ngô Quyền, Petrus Ký và nhiều trường tư khác, Thầy là giáo sư Triết. Với riêng em, Thầy là thầy dạy văn chương.
Lớp học của thầy trò mình không có bục giảng, phấn trắng, bảng đen như ở Ngô Quyền, ở Petrus Ký... năm xưa, mà Thầy dạy em trên E mail, đôi khi ở cái bàn trong góc của tiệm Peets Coffee & Tea trên đường Calaveras. Em nhớ nhất một điều "viết truyện ngắn đừng dùng nhiều tĩnh từ, không lạm dụng ngôn ngữ".
Lần đầu tiên, cũng đã vài năm trước, Thầy cho học trò "thử lửa" trên blog của Thầy, Thầy đã chuẩn bị tư tưởng trước cho em: "Người ta sẽ khen chê, bình phẩm đủ điều trên blog, mình viết bằng cảm xúc thật, cẩn thận trong chữ nghĩa thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp"
Thầy có thói quen gởi cho các tác giả góp bài cho blog của Thầy trên VOA bài Thầy sẽ cho phổ biến. Em học được cách đánh số, theo dõi bài và mang áp dụng ngay vào các trang báo giấy hay online mà em có được hân hạnh góp phần vào việc "vác ngà voi".
Là cựu giáo sư Triết nhưng chẳng bao giờ Thầy nói chuyện Triết với em vì biết em chưa hề được học "Đạo đức học", "Tâm lý học" hay "Siêu hình học" thời trước năm 1975, nên Thầy không muốn phí thì giờ cho "nước đổ đầu vịt". Ngược lại Thầy hỏi em học Triết ở San Jose State University ra sao? Em kể về chuyện ông giáo sư người Mỹ dạy Triết mà dành cả một nửa thời gian nói về "Of Mice and Men" của John Steinbeck như một giáo sư dạy văn chương.
Thầy đã giúp em được hân hạnh biết Nhà Thơ/ Nhà Văn Trần Mộng Tú. Em "thừa thắng xông lên", xin được có một lần gặp mặt Nhà Văn/ Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tác giả của "Giờ ra chơi", thì Thầy trở bệnh nặng và em không dám nhắc lại yêu cầu.
Em thì còn nợ Thầy lời hứa "Thầy gắng ăn uống để khỏe lại, em sẽ chở Thầy đi Salinas thăm mộ của Nhà Văn John Steinbeck". Lời hứa không bao giờ được thực hiện. Nhưng bây giờ thì Thầy đã có thể gặp tác giả của "Chuột và Người" để học hỏi kinh nghiệm viết văn của người đã nhận giải Nobel văn chương năm 1962. Thầy cũng đã có thể thong dong nhẹ nhàng về nằm dài trên bãi biển Nha Trang, gối đầu lên hai bàn tay đan ngửa vào nhau, nhìn trời xanh mây trắng, như Thầy, như em, và nhiều người Nha Trang đã làm khi vẫn còn ở thời Trung học.
Nếu Thầy có về thăm trường Võ Tánh, nơi Thầy đã học Pháp Văn với giáo sư Cung Giũ Nguyên, chắc Thầy sẽ ngỡ ngàng vì cái sân rộng phía sau có hai hàng dương rất đẹp của trường đã biến mất, thay vào đó là "trại giáo binh", nơi ở của những ông bà "kỹ sư tâm hồn" của nền giáo dục sau năm 1975, dạy học trò đủ môn, kể cả chủ nghĩa Marx Lenin, mà lại không dạy môn Công dân giáo dục. Chắc là Thầy không buồn lắm vì Thầy đã dạy em "Nỗi buồn luôn hiện diện khắp nơi, không tìm cũng thấy. Niềm vui thì mỏi mắt kiếm mà hiếm khi gặp được".
Bây giờ thì chắc hẳn Thầy ở một nơi thênh thang,"thoát vòng tục lụy", không còn những vui buồn, hệ lụy của trần gian.
Nếu Thầy có ghé thăm Ngô Quyền, hay Petrus Ký thì chắc Thầy sẽ tưởng là mình đến lầm địa điểm. Không còn có một chỗ trú chân an vui cho Thầy ở trường xưa, nơi ông thầy dạy Triết ở tuổi trên dưới 30 được rất nhiều nữ sinh "ái mộ" trên mức cần thiết. Đúng là "không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông" phải không thưa Thầy?
Hôm đến tiễn Thầy lần cuối ở Oak Hill, em thấy, cạnh bên di ảnh Thầy vẫn có cái bánh Almond Crossant từ tiệm Peets, loại bánh Thầy thích nhất và có cả một ly Peets Coffee đã nguội ngắt.
Em chợt nhớ có một lần em định nhờ người bán hàng ở Peets bỏ ly cà phê vô microwave vì hôm đó là mùa đông, uống cà phê nóng sẽ ấm hơn, Thầy ngăn ngay lập tức:
- Ai lại đi hâm cà phê, làm như vậy đâu còn mùi cà phê nữa !
Ly cà phê trên bàn thờ của Thầy dù không còn nóng nhưng vẫn còn nguyên mùi cà phê như ý Thầy.
Tận bên Virginia, ở dưới Riverside CA, học trò Ngô Quyền xưa của Thầy đã cấp tốc làm slide show có đủ ba bài hát Thầy thích (như Cô đã cho tụi em biết) nhưng ở tang lễ Thầy, tụi em chỉ có thể cho chạy hình mà không có âm thanh. Dù sao tụi em cũng giúp những người viếng Thầy lần cuối thấy lại một phần đời của Nhà Văn/ Nhà Giáo Nguyễn Xuân Hoàng. Đó là một cách để học trò NQ trả nghĩa cho Thầy.
Dù Thầy không còn trên đời để đọc, nhưng học trò của Thầy ở Ngô Quyền xưa vẫn lưu giữ Thư quán Nguyễn Xuân Hoàng ít nhất là cho đến lúc nào trang web của trường Ngô Quyền vẫn còn tồn tại. Hy vọng ít nhất là một phần tư thế kỷ nữa.
Thầy đi bình yên. Cuộc đời vốn mong manh nhưng tình nghĩa thầy trò dù vô hình lại rất vững chắc, nên Thầy yên lòng ra đi, gia sản văn chương của Thầy, bầy con tinh thần của Thầy sẽ được tụi em lưu giữ cẩn thận.
Chữ nghĩa của em còn vụng về, thô thiển nên xin được tiễn Thầy bằng một câu thơ của cụ Nguyễn Du "mai sau còn có bao giờ".
Và bằng thơ của học trò thi sĩ Đông Hồ khóc ông ngày trước:
"Ân sâu nghĩa nặng tình dài
Khóc Thầy khóc mãi biết đời nào nguôi"
Cuối tháng 9/ 2014
Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 4350-14-29750vb8100514
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001, thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài "Tháng Tư, Còn Đó Ngậm Ngùi," kể về tình gia đình chung thuỷ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.
* * *
Với độc giả, Thầy là Nhà Văn Nguyễn Xuân Hoàng. Với các anh chị chs Ngô Quyền, Petrus Ký và nhiều trường tư khác, Thầy là giáo sư Triết. Với riêng em, Thầy là thầy dạy văn chương.
Lớp học của thầy trò mình không có bục giảng, phấn trắng, bảng đen như ở Ngô Quyền, ở Petrus Ký... năm xưa, mà Thầy dạy em trên E mail, đôi khi ở cái bàn trong góc của tiệm Peets Coffee & Tea trên đường Calaveras. Em nhớ nhất một điều "viết truyện ngắn đừng dùng nhiều tĩnh từ, không lạm dụng ngôn ngữ".
Lần đầu tiên, cũng đã vài năm trước, Thầy cho học trò "thử lửa" trên blog của Thầy, Thầy đã chuẩn bị tư tưởng trước cho em: "Người ta sẽ khen chê, bình phẩm đủ điều trên blog, mình viết bằng cảm xúc thật, cẩn thận trong chữ nghĩa thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp"
Thầy có thói quen gởi cho các tác giả góp bài cho blog của Thầy trên VOA bài Thầy sẽ cho phổ biến. Em học được cách đánh số, theo dõi bài và mang áp dụng ngay vào các trang báo giấy hay online mà em có được hân hạnh góp phần vào việc "vác ngà voi".
Là cựu giáo sư Triết nhưng chẳng bao giờ Thầy nói chuyện Triết với em vì biết em chưa hề được học "Đạo đức học", "Tâm lý học" hay "Siêu hình học" thời trước năm 1975, nên Thầy không muốn phí thì giờ cho "nước đổ đầu vịt". Ngược lại Thầy hỏi em học Triết ở San Jose State University ra sao? Em kể về chuyện ông giáo sư người Mỹ dạy Triết mà dành cả một nửa thời gian nói về "Of Mice and Men" của John Steinbeck như một giáo sư dạy văn chương.
Thầy đã giúp em được hân hạnh biết Nhà Thơ/ Nhà Văn Trần Mộng Tú. Em "thừa thắng xông lên", xin được có một lần gặp mặt Nhà Văn/ Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tác giả của "Giờ ra chơi", thì Thầy trở bệnh nặng và em không dám nhắc lại yêu cầu.
Em thì còn nợ Thầy lời hứa "Thầy gắng ăn uống để khỏe lại, em sẽ chở Thầy đi Salinas thăm mộ của Nhà Văn John Steinbeck". Lời hứa không bao giờ được thực hiện. Nhưng bây giờ thì Thầy đã có thể gặp tác giả của "Chuột và Người" để học hỏi kinh nghiệm viết văn của người đã nhận giải Nobel văn chương năm 1962. Thầy cũng đã có thể thong dong nhẹ nhàng về nằm dài trên bãi biển Nha Trang, gối đầu lên hai bàn tay đan ngửa vào nhau, nhìn trời xanh mây trắng, như Thầy, như em, và nhiều người Nha Trang đã làm khi vẫn còn ở thời Trung học.
Nếu Thầy có về thăm trường Võ Tánh, nơi Thầy đã học Pháp Văn với giáo sư Cung Giũ Nguyên, chắc Thầy sẽ ngỡ ngàng vì cái sân rộng phía sau có hai hàng dương rất đẹp của trường đã biến mất, thay vào đó là "trại giáo binh", nơi ở của những ông bà "kỹ sư tâm hồn" của nền giáo dục sau năm 1975, dạy học trò đủ môn, kể cả chủ nghĩa Marx Lenin, mà lại không dạy môn Công dân giáo dục. Chắc là Thầy không buồn lắm vì Thầy đã dạy em "Nỗi buồn luôn hiện diện khắp nơi, không tìm cũng thấy. Niềm vui thì mỏi mắt kiếm mà hiếm khi gặp được".
Bây giờ thì chắc hẳn Thầy ở một nơi thênh thang,"thoát vòng tục lụy", không còn những vui buồn, hệ lụy của trần gian.
Nếu Thầy có ghé thăm Ngô Quyền, hay Petrus Ký thì chắc Thầy sẽ tưởng là mình đến lầm địa điểm. Không còn có một chỗ trú chân an vui cho Thầy ở trường xưa, nơi ông thầy dạy Triết ở tuổi trên dưới 30 được rất nhiều nữ sinh "ái mộ" trên mức cần thiết. Đúng là "không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông" phải không thưa Thầy?
Hôm đến tiễn Thầy lần cuối ở Oak Hill, em thấy, cạnh bên di ảnh Thầy vẫn có cái bánh Almond Crossant từ tiệm Peets, loại bánh Thầy thích nhất và có cả một ly Peets Coffee đã nguội ngắt.
Em chợt nhớ có một lần em định nhờ người bán hàng ở Peets bỏ ly cà phê vô microwave vì hôm đó là mùa đông, uống cà phê nóng sẽ ấm hơn, Thầy ngăn ngay lập tức:
- Ai lại đi hâm cà phê, làm như vậy đâu còn mùi cà phê nữa !
Ly cà phê trên bàn thờ của Thầy dù không còn nóng nhưng vẫn còn nguyên mùi cà phê như ý Thầy.
Tận bên Virginia, ở dưới Riverside CA, học trò Ngô Quyền xưa của Thầy đã cấp tốc làm slide show có đủ ba bài hát Thầy thích (như Cô đã cho tụi em biết) nhưng ở tang lễ Thầy, tụi em chỉ có thể cho chạy hình mà không có âm thanh. Dù sao tụi em cũng giúp những người viếng Thầy lần cuối thấy lại một phần đời của Nhà Văn/ Nhà Giáo Nguyễn Xuân Hoàng. Đó là một cách để học trò NQ trả nghĩa cho Thầy.
Dù Thầy không còn trên đời để đọc, nhưng học trò của Thầy ở Ngô Quyền xưa vẫn lưu giữ Thư quán Nguyễn Xuân Hoàng ít nhất là cho đến lúc nào trang web của trường Ngô Quyền vẫn còn tồn tại. Hy vọng ít nhất là một phần tư thế kỷ nữa.
Thầy đi bình yên. Cuộc đời vốn mong manh nhưng tình nghĩa thầy trò dù vô hình lại rất vững chắc, nên Thầy yên lòng ra đi, gia sản văn chương của Thầy, bầy con tinh thần của Thầy sẽ được tụi em lưu giữ cẩn thận.
Chữ nghĩa của em còn vụng về, thô thiển nên xin được tiễn Thầy bằng một câu thơ của cụ Nguyễn Du "mai sau còn có bao giờ".
Và bằng thơ của học trò thi sĩ Đông Hồ khóc ông ngày trước:
"Ân sâu nghĩa nặng tình dài
Khóc Thầy khóc mãi biết đời nào nguôi"
Cuối tháng 9/ 2014
Nguyễn Trần Diệu Hương
Gửi ý kiến của bạn