Hôm nay,  

Vui Buồn Chặng Cuối: Từ Phi tới Mỹ

01/10/201400:00:00(Xem: 19614)

Tác giả: Triều Phong
Bài số 4347-14-29747vb4100114

Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm, và đây là loạt bài 3 kỳ kể về người Việt trên đất Phi sau cưỡng bách hồi hương tại trại PFAC, chặng cuối từ đất Phi tới Mỹ. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về thời kỳ thanh lọc và cưỡng bách hồi hương tại trại tị nạn Palawan-Philippines,Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, và nhân dịp này, đã cùng gia đình trải qua tám giờ bay để về dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2014 và thăm Little Sàigòn.

* * *

I. Từ “Làng Việt Nam tại Phi” tới Niệm Phật Đường

"Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng / Một vòng tay vừa mới mở ra, cứu anh em những đời mạt vận / đường mơ đi càng lúc càng xa... có em tôi nuốt từng giọt lệ / ngậm oan khiên đợi mãi một ngày... /Hãy nói cho mọi người cùng nghe: người đã cứu người...

Bài tình ca "có tin vui giữa giờ tuyệt vọng" do cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sáng tác sau khi Bản Ghi Nhận (The Memorandum of Understanding) được ký kết giữa đại diện của Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân và chính phủ của Tổng Thống Fidel Ramos vào tháng Sáu năm 1996 cho phép thuyền nhân Việt Nam được ở lại có thể xem như kết thúc một giai đoạn đầy đau thương của người vượt biển trên đường tỵ nạn tìm tự do.

Sau hơn bảy năm đảo bị đóng cửa và tranh đấu chết sống, những người ở lại đã được định cư tại chỗ và Làng Việt Nam bắt đầu thành lập tại Santa Lourdes trong vùng "Honda Bay," là vịnh có hàm lượng thủy ngân rất cao, cách trại cũ mười ba cây số do tiền quyên góp hơn một triệu đô của đồng bào ở bên Mỹ giúp đỡ thì dù không tới được đệ tam quốc gia nhưng vẫn còn may mắn hơn là phải trở về với chế độ cộng sản tàn ác nơi có ngục tù đang chờ đón.

Tuy nhiên suốt thời gian chờ đợi chính phủ cấp quy chế thường trú nhân sau đó, thuyền nhân không được đi làm hay đi học vì chưa có tư cách pháp nhân. Người lớn và trẻ em có thể đến trường nhưng chỉ học "dự thính" và khi mãn khóa sẽ không được cấp chứng chỉ hay bằng cấp như công dân Phi. Làng mới đang thành hình, chưa có công ăn việc làm cho mọi người, thế cho nên cuộc sống của thuyền nhân xem ra vẫn còn đen tối và bấp bênh như xưa.

Trước tình trạng ấy, một số lớn thuyền nhân "bỏ làng, chấp nhận mất nhà" để ra ngoài xã hội Phi, tha phương cầu thực bằng cách "bán bà ba ngố!"

“Bà ba ngố là phiên âm tiếng Phi, có nghĩa là dầu thơm.

Chuyện “bà ba ngố” bắt đầu một cách dài dòng từ nhiều năm về trước. Vào khoảng cuối năm 1992 hay đầu năm 1993 gì đó có một em trai, tuổi còn rất nhỏ, sau khi "rớt thanh lọc minor" đã trốn trại lên Manila, gặp các cô người Việt theo chồng Phi về nước năm 1975 rồi được những cô này giúp cho mua trước trả sau một số hàng hoá của các cô để mang đi bán kiếm tiền độ nhật qua ngày. Những loại hàng này phần lớn là giày dép, quần áo trẻ em, đồ lót phụ nữ và tranh hay bình, hủ, lọ sơn mài để trang trí nhà cửa.... mà các cô đi Việt Nam mua về Phi để bán hay bỏ mối cho những người bán lẻ ở những chợ nhỏ.

Ngày ngày em này mang ba lô đựng đầy các hàng hoá nọ lang thang trên phố phường ở Manila để bán "door to door." May mắn cho em là trong số các mặt hàng này có dầu thơm hiệu Sàigòn lại được người Phi vô cùng ưa chuộng. Mỗi ngày em có thể bán từ năm đến mười chai một cách dễ dàng. Vốn một chai dầu em mua là mười lăm hoặc hai mươi pesos* lúc ấy nhưng em đã bán được cả trăm pesos cho mỗi chai nên số tiền lời em kiếm được rất nhiều. Từ đó em không bán các mặt hàng khác mà chỉ chuyên tâm bán dầu thơm mà thôi và chẳng bao lâu sau mỗi ngày em có thể bán tới dăm ba thùng tức là năm bảy chục chai và em trở nên giàu có, cuộc sống vương giả hẳn lên. Danh từ "đi bán bà ba ngố" ra đời từ đấy.

Lâu ngày tin này đưa về tới dưới trại PFAC (The Philippine First Asylum Camp) khiến nhiều người xôn xao. Lần lượt một số người vì chán nản, thất vọng với cuộc sống tăm tối, tương lai mịt mù, thanh lọc bất công, sợ bị cưỡng bách về Việt Nam, đã bắt chước em trai kia bỏ trại. Họ không những chỉ ở Manila thôi mà còn bắt đầu đi sang các đảo khác. Tại đây các người này bày ra một cách mua bán mới để phát triển công việc làm ăn dưới hình thức "bán nợ, trả góp" mà tiêng Phi gọi là "utang."

Trả góp thì tùy theo trị giá món hàng mà trả làm mấy lần. Mỗi lần như vậy gọi là một "give!" Ở Phi Luật Tân thì công nhân viên chức thường lãnh lương hai lần trong một tháng nên người Việt cũng dựa trên căn bản này để "thu nợ" nghĩa là mỗi tháng họ cũng tới hai lần vào hôm sau ngày lãnh lương của người mua nợ để lấy tiền do đó món hàng họ thường bán là "two gives" tức trả hai lần. Ví dụ họ bán món hàng một trăm pesos thì họ sẽ đi lấy hai lần tiền, mỗi lần là năm mươi pesos vào ngày mười sáu và ngày hai của tháng kế tiếp. Nếu chậm lắm là thêm một ngày sau nữa thôi bởi vì nếu thu trể quá thì người Phi sẽ xài hết tiền là đành phải khất lại một kỳ thì mình sẽ tốn thêm thời gian.

Thường thuyền nhân mang hàng hóa, đồ đạc vào mấy trường tiểu học bán cho các thầy cô giáo ngay trong giờ dạy học. Rồi dần dà họ vào tận các trường trung học, đại học, toà thị chính (municipal) xã ấp tiếng Tagalog của Phi là barangay, hoặc trạm y tế... bán luôn.

Bán "utang" lời nhiều nhưng đòi hỏi phải có vốn lớn, tốn nhiều thời gian, kiên nhẫn và chấp nhận rủi ro mất mát khi bị qụit nợ! Lúc bị giựt tiền hay hàng hoá thì họ cũng không thể kiện cáo gì được vì chưa có giấy tờ định cư hợp lệ. Vì lẽ đó, buôn bán "utang" cũng có cái bất lợi của nó về mặt pháp lý. Còn đi "door to door" thì bán lấy tiền mặt nhưng mệt hơn lại hay bị "chó cắn" nhưng dần dần rồi người ta cũng chuyển sang bán nợ luôn.

Một số kẻ khác ít vốn, không muốn mất mát, chọn phương cách bán ở chợ hay trên các lề đường, hè phố. Bán kiểu này cũng có tiền mặt ngay nhưng thường chỉ đủ ăn hoặc dư giả chút đỉnh thôi chứ không thể làm giàu được. Tuy vậy, vài ba năm sau, những kẻ ra đi cũng khấm khá lên nếu chịu khó cần kiệm, chí thú mua bán. Thỉnh thoảng họ trở về trại thăm gia đình hoặc thân nhân bạn bè với nhiều quà cáp và tiền bạc. Từ đó hễ thấy ai vắng mặt hay biến mất khỏi trại một thời gian là người ta biết kẻ ấy đã đi bán bà ba ngố, lâu ngày lại hài hước gọi là "một cõi đi dầu!" Chuyện vui buồn về cõi khác thường này của dân bán “bà ba ngố” sẽ được kể trong bài kỳ tới.

Tuy “có tin vui” cho thuyền nhân Việt được định cư tại chỗ và Làng Việt Nam được thành lập, nhưng theo tổ chức BPSOS (The Boat People SOS) lúc ấy thì họ vẫn tin rằng sẽ có một số người "broken family" vì có vợ hay chồng đang ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ được định cư nếu tiếp tục tranh đấu nên mới gợi ý cho chúng tôi mở một Niệm Phật Đường ở Manila cho đồng bào phật tử có chổ cúng bái thờ phượng trên đường đi buôn bán, đồng thời cũng lấy nơi đó làm văn phòng giúp đỡ pháp lý cho thuyền nhân. Ý định này là nguyên nhân sâu xa ban đầu của sự xung đột giữa BPSOS và Ban Quản Trị Làng Việt Nam vì ngày đó những người có trách nhiệm của Làng Viêt Nam quy kết BPSOS là "có ý đồ phá làng!"

Với sự giúp đỡ bảy trăm đô la ($700.00) ban đầu của Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, từ Mỹ gửi qua cùng nỗ lực to lớn của Cô Hằng Phương, một huynh trưởng cấp tập của gia đình phật tử theo chồng là bác sĩ người Phi hồi hương về nước năm 1975, Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo đã thuê được một căn nhà làm “Niệm Phật Đường” tại Merville-Paranaque với giá mười lăm ngàn pesos ($500.00) một tháng. Rồi hàng tháng anh phải gửi qua giúp Niệm Phật Đường cả ngàn đô để trang trải cho chi phí thuê nhà, cũng như tiền điện, tiền nước tiền ăn uống và đi lại của luật sư.v.v... Sau này đồng bào đi mua bán khá giả lên nên mỗi lần ghé thăm hay về làm giấy tờ, bà con thường đóng góp vào quỹ để sư cô chi tiêu nhưng vẫn thiếu hụt vì số lượng người làm giấy tờ mỗi lúc một đông. Lắm lúc "chùa" chật cứng như nêm, cái ăn không đủ, chổ ngủ không có. Mọi nhu cầu cần thiết tăng vọt!

Thời gian này may mắn có anh Trần Quang Nhân đang làm việc trong chính giới của Hoa Kỳ và nhiều lần anh Thắng đã nhờ Nhân đi "lobby" cho các nổ lực anh đang vận động cho thuyền nhân vì vậy Nhân đã hợp tác với BPSOS như một thiện nguyện viên. Nhân thường xuyên bay từ Mỹ sang Phi thúc đẩy chượng trình này hoạt động. Anh đã ở nhiều tháng liền với người tỵ nạn trong điều kiện sống vô cùng chật vật bằng tài chánh của mình. Tháng ngày trôi đi mọi chuyện ổn định dần và công việc tiến triển thuận lợi hơn.

Rồi người đầu tiên tới Phi để bắt đầu làm việc cho chương trình này là một luật sư bên Úc, anh Nguyễn Hoàng Vũ. Vũ thì còn trẻ, vui tính, mới ra trường và rất năng nổ. Thời gian này vì Niệm Phật Đường chưa chuẩn bị xong nên BPSOS và Sư Cô Diệu Thảo thu xếp để Vũ ở nhờ trong một nhà thờ lớn do Cha Joseph Vũ Đảo quản nhiệm gần phủ Malacagnang (Dinh Tỗng Thống) trên đường Jose P. Laurel, San Miguel, thuộc khu vực Metro Manila.

Còn tôi khi ấy đang theo Khánh, người phụ trách kỹ thuật của chùa Vạn Đức, về Davao ở Mindanao để chuẩn bị khởi nghiệp "một cõi đi dầu!"

Mindanao là thành phố lớn, giàu có, nỗi tiếng vào hàng thứ tư và nằm tận Miền Nam của Phi Luật Tân còn được biết đến như là Thủ Đô Sầu Riêng (Durian Capital) với dân số gần một triệu ba trăm ngàn người tính tới thời điểm đó, đa số theo đạo Hồi. Người Muslim ở vùng này có thể sản xuất ra súng ngắn, đồng hồ đeo tay đủ loại và một số thứ cần thiết khác nên họ có vẻ sống tách biệt và lập một xã hội riêng với chính quyền. Ngoài ra về mặt địa lý thiên nhiên, Mindanao có nhiều hải sản quý, phong phú như cá ngừ vây vàng, tôm cua, cá bông lau... khiến cho đời sống của dân cư ở đây khá sung túc. Tuy nhiên, ở Davao chưa được bao lâu thì sư cô lại gọi tôi về giúp văn phòng luật sư để liên lạc với thuyền nhân đang ở tứ tán khắp mọi nơi.

Tại Manila, tôi phải ở nhờ nhà của một người quen đang đi bán dạo ở Fairview và ngày ngày đi "jeepney**" tới gặp Vũ để làm việc chung. Tôi lo liên lạc với những đồng bào có diện đoàn tụ để thu thập hồ sơ giấy tờ cho Vũ. Phần Vũ thì lo nghiên cứu hồ sơ, viết thư gửi đến các toà đại sứ để kêu gào cứu xét. Thỉnh thoảng Vũ dẫn tôi vào Makati tới từng tòa đại sứ "gỏ cửa" van xin tình thương cho người tỵ nạn!

Cũng chính Vũ là người đề nghị tôi với anh Nam, Tổng Thư Ký Liên Hội Đòan hồi ở trại, đặt tên cho văn phòng luật sư để dễ làm việc trong môt buổi ăn tối của ba anh em ở phố Tàu. Cuối cùng chúng tôi chọn cho văn phòng cái tên là "Hội Tương Trợ" của người Việt tại Phi do anh Nam làm hội trưởng và dĩ nhiên sư cô là cố vấn của hội nhưng ngày đó chúng tôi chưa đăng ký chính thức với chính phủ sở tại để lập hội.

Sau ba tháng đi tiên phong, mở đường cho kế hoạch mới, luật sư Vũ trở về lại Úc, người ta thấy có cô Trà My từ Texas tới rồi luật sư Trịnh Hội sang sau khi chấm dứt thời gian thiện nguyện ở các trại cấm Hong Kong; mà ngày nay hẳn mọi người đều biết đến anh. Tiếp theo là cô Nguyễn Song Liên Phúc ở Úc, anh Nguyễn Quân ở Virginia và cô Thùy Dương bên Úc tới làm việc với anh Trịnh Hội đang tình nguyện phục vụ dài hạn tại văn phòng ở Paranaque-Manila trước khi cô trở thành MC rồi còn nhiều và nhiều nữa. Họ là những người trẻ đầy nhiệt huyết sang Phi giúp đồng bào khộng lương, không vụ lợi, họ hy sinh thời gian, sự nghiệp, làm việc trong điều kiện thiếu thốn mọi bề.

Công việc ban đầu này vất vã, nhiều khó khăn, bởi hầu hết những tòa đại sứ đều cho rằng chúng tôi không còn "stateless" nữa vì đã được chính phủ Phi cho định cư tại chổ rồi! Có đi như thế mới thấy đắng cho thân phận bị bỏ rơi, vô tổ quốc của mình và thương cho các luật sư. Họ vì nghĩa đồng bào, tình người Việt mà phải hạ mình cầu khẩn những nhân viên ở tòa đại sứ của các quốc gia tự do cứu xét cho đồng bào của họ. Hay ngày sau như Trịnh Hội có lần nói với bà Courtney, đặc trách về di dân của Mỹ tại tòa đại sứ rằng "anh sẳn sàng quỳ xuống đây nếu bà muốn chỉ với một mong ước duy nhất là bà hãy làm ơn xem xét lại các trường hợp của thuyền nhân Việt Nam mà anh vừa đệ trình với bà!" Lời van xin thống thiết của anh khiến bà Courtney bối rối, sững sờ thương cảm còn tôi đứng kế bên thì nghèn nghẹn, mắt chợt cay. Họ làm việc bất kể nắng mưa nhất là phải chịu đựng tình trạng kẹt xe vào những giờ cao điểm.

Niệm Phật Đường là căn nhà một lầu, nằm trong con hẻm nhỏ, sâu, gần trại Chuyển Tiếp (Transit Center) trước đây. Phía bên dưới là gian phòng khá rộng có nhà vệ sinh và nhà bếp dùng để tiếp khách, nấu ăn, cho người tỵ nạn về tá túc làm giấy tờ. Trên lầu thì có ba phòng và một cái kho hẹp chứa đồ. Phòng nhỏ nhất dùng làm nơi thờ cúng vong. Trong phòng này mỗi bên có một bàn vong nam và vong nữ riêng biệt. Phòng thứ hai là phòng thờ Phật với hình Phật Di Lặc ngự trên cao. Còn phòng lớn nhất dùng làm văn phòng luật sư với nhà vệ sinh nhà tắm bên trong. Tuy vậy nhiều hôm trời nóng bức ở trong nhà vẫn không chịu nỗi trừ văn phòng là có một cái air-conditioner cũ kỹ thở phì phò như bò đi hổn hển mỗi khi sử dụng, hay những ngày mưa nước ngập lõm bõm bên ngoài, hắt đầy vào hàng ba trên lầu làm ướt át cả "chùa!" Đó là chưa kể tới các hôm cúp điện thì mọi người phải ra khỏi nhà để tìm chút gió. Còn ngày cúp nước thì khỏi nói "mạnh ai nấy lo, hồn ai nấy giữ" mọi người tự đi kiếm chổ tắm rửa như thưở còn ở trại. Những lúc ấy tôi còn nhớ, Trịnh Hội phải xách quần áo chạy tuốt ra chỗ mấy người bạn Úc; là nhân viên của toà đại sứ Úc ngoài Makati để "tắm tỵ nạn!"

Ngày tháng trôi qua, một số anh em trẻ có khả năng Anh ngữ và lại không phù hợp với hoàn cảnh mua bán kia nên đã về làm giúp các luật sư. Nhận thấy nhân sự lúc này đã có nhiều và nếu tiếp tục ở lại thì Niệm Phật Đường không có đủ chi phí ăn ở cho đông người nên sẳn dịp khi sư cô ủy thác tôi trọng trách về Palawan để cùng với anh Thiên, Phó Ban Đại Diện Chùa Vạn Đức, giao tượng Phật Bà Quan Âm lại cho Ban Quản Trị của Làng Việt Nam xong thì tôi đi thẳng tới Dumaguete là thành phố thuộc vùng Negros Oriental luôn. Cũng như Davao, các tỉnh ở Miền Nam thường dùng tiếng Visayas trong giao tiếp thay vì là tiếng Tagalog. Cuộc đời mua bán đầu đường xó chợ để sinh tồn của tôi bắt đầu từ đây.

Hằng ngày khi trời còn mờ đất là tôi đã lỉnh kỉnh vác đồ đạc đựng trong các bịch nylon trắng thật to có sọc đỏ cùng ba lô, túi xách ra khỏi nhà đón tricycle tới bến xe jeepney để bắt xe đến chợ Tanghay cách nơi tôi ở cả giờ đồng hồ rồi kiếm chỗ trống hay góc phố nào đó bày hàng ra bán. Ngoài một số mặt hàng Việt Nam của mấy dì bỏ mối người Việt mang từ bên nhà qua còn có những mặt hàng như giày dép nam nữ, quần jeans hiệu Levis hay Docker, áo thun Tomy, Fila, dầu thơm hiệu Eternity, Polo, đồng hồ đeo tay đủ hiệu. Tất cả các thứ này đều là "hàng nhái" được các người tỵ nạn bỏ trại đi ra ngoài buôn bán lâu năm bây giờ đã giàu có đi lên Baclaran hay Quiapo trên Manila; những trung tâm thương mại sầm uất của người Tàu để mua về bỏ mối lại cho đám mới đi buôn như chúng tôi kiếm lời.

Hồi xưa ở xứ mình có câu "Hồng Kông bên hông Chợ Lớn" thì ngày ấy tình trạng hàng hóa mua từ các nơi kia đều là giả nhưng đóng mác (mark) nước ngoài như giày thì giày Ý hay Hong Kong, China hoặc áo thun hiệu La Coste...nhưng thật ra đều được người Tàu ở Phi sản xuất trong nội địa cả nên cũng có thể nói "Hồng Kông bên hông phố Tàu" là vậy!

Suốt gần bốn, năm tháng trời lam lũ "bưng thúng bán mẹt" từ Tanghay tới Bais rồi có hôm đi sang tới các chợ ở đảo Cebu hoặc Bacolod hay Tacloban (nơi vừa bị bão Haiyan càn quét) mà vẫn không đủ ăn. Tôi bắt đầu mệt mỏi và chán nản. Đang lúc lòng đầy thất vọng vì bao năm tranh đấu cho tự do mà bây giờ được sống trên xứ sở tự do rồi mà vẫn chưa được trọn vẹn vì ngay cả một tờ giấy tạm trú để đi đường cũng chưa có và lỡ xảy ra điều gì không may cũng chẳng biết làm sao thì lại được trên văn phòng luật sư gọi về lăn tay bổ túc hồ sơ đi Mỹ. Thế là tôi vội vàng từ giã Dumaguete trở lại Manila ngay!

Sỡ dĩ tôi có được may mắn này là vì năm 1996 Thầy Giác Lượng qua sau chuyện chùa bị quân đội Thủy Quân Lục Chiến Phi phá hủy để cưỡng bức hồi hương, thầy thấy trong cơn pháp nạn mà tôi và anh Khánh vẫn quyết tâm ở lại sống chết với phật pháp thì thầy thương tình và có bảo rằng về Mỹ thầy sẽ bảo lãnh hai anh em tôi. Lúc đó chúng tôi cũng không chú ý lắm và điều đó đi vào quên lãng của tháng năm.

Cho đến một lần, nhân nói chuyện với anh Nguyễn Đình Thắng qua điện thoại, khi anh hỏi thăm về hồ sơ của tôi thì mới hay ra tôi không có được ai bảo lãnh cả. Tới chừng ấy anh mới ngã ngửa ra tôi không có một diện gì để có thể được định cư hết. Anh khá ngạc nhiên vì hồi nào tới giờ anh thấy tôi làm việc hăng say anh cứ tưởng tôi cũng có phần, khi ấy tôi có kể cho anh nghe về lới hứa của Thầy Giác Lượng thì anh nói để anh liên lạc với thầy tìm cách giúp bọn tôi vì trong thời gian nghiên cứu luật tỵ nạn của Mỹ anh biết trong hiến pháp của Hoa Kỳ có điều khoản cho diện di dân tôn giáo. Tôi nghĩ anh muốn an ủi tôi thôi nên không quan tâm lắm. Nhưng rồi tại Hoa Kỳ, anh Thắng và anh Trần Quang Nhân đã ráo riết vận động để cuối cùng Hoa Ky đồng ý sẽ cứu xét hồ sơ nếu quả thật trại PFAC có những người trong diện này.

Từ đó bên Phật Giáo ở Chùa Vạn Đức thì ngoài Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo ra còn có anh Thiên phó ban đại diện (anh là một nghệ nhân, rất khéo tay và rất giỏi trong việc trang trí tổ chức các ngày lễ hội, và là người bị đánh thương tích nặng nhất trong đợt chùa bị cưỡng bức hồi hương mà tôi đã đề cập đến trong bài "Chùa tôi" lúc trước) với tôi và Khánh. Phía Thiên Chúa Giáo, Cao Đài và Tin Lành cũng có một số trường hợp được BPSOS đề nghị thêm. Sau đó diện "religious worker" này mở rộng tới Việt Nam luôn cho đến bây giờ!

Trong mấy ngày ở Niệm Phật Đường và chờ đi lăn tay thỉnh thoảng Luật Sư Trịnh Hội có nhờ tôi đưa một vài gia đình đi khám sức khỏe, đi lấy "police clearance" để hoàn tất thủ tục đi Mỹ hay ra đầu ngỏ copy giấy tờ ở tiệm của ông người Úc có vợ Phi cho anh. Lúc này số người được chấp nhận đi định cư gia tăng nên rất cần người phụ việc do đó Trịnh Hội nhờ bất cứ ai có mặt và có thể làm tùy theo khả năng của mỗi người.

Lăn tay xong rồi chờ đợi nhưng không biết đến bao lâu. Ngày tháng chờ đợi vẫn phải kiếm ăn. Vì vậy mà chính bản thân tôi cũng trở thành dân “bán bà ba ngố” (Dầu thơm)

Bài tiếp kỳ tới:

Đời Buôn “Bà Ba Ngố”

Triều Phong

Ý kiến bạn đọc
10/10/201412:42:22
Khách
Chị Annie mến,

Rất vui khi được tin chị. Cám ơn tâm tình đồng cảm của chị với tụi em. Mong chị luôn hạnh phúc cùng gia đình và có thêm bài mới cho tụi em thưởng thức!

Triều Phong (TPN)
10/10/201401:13:39
Khách
Từ lâu nay tôi đọc báo, thấy có nhiều bài chửi Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Luật Sư Trịnh Hội...Bây giờ được đọc mấy bài này của anh Triều Phong, là thuyên nhân ở Phi lâu năm, đã cho tôi một cái nhìn khác và hiểu rõ về mấy vị kia, khiến tôi có suy nghĩ "không biết máy người hay chửi bới, chỉ trích người khác thì chính bản thân họ đã có làm được điều thiện nào để giúp đỡ người bị nạn chưa?" Thôi thì hãy để lương tâm họ là "ông tòa" công tâm nhất phán xét vậy! Cám ơn anh Triều Phong đã viết lại một khúc quanh lịch sử của người Việt trên đường tỵ nạn tìm tự do rất giá trị. Ước gì anh viết thêm những câu chuyện cay đắng nhưng để đời của mấy người đi bán "bà ba ngố" các anh. Đó là những bài học xương máu! Hoan hộ TS Nguyễn Đình Thắng, hoan hô LS Trịnh Hội, cây ngay không sợ gió !
09/10/201405:34:07
Khách
Chào Triều Phong,
Em khỏe không?
Đọc bài của em,chị hiểu nhiều hơn về tình cảnh của những người VN vượt biên ở trại tị nạn bị các nước từ chối nhập cảnh.
Chị biết thêm về các hoạt động của anh Trịnh Hội và tổ chức thiện nguyên của TH. Thật là người có lòng.
Chúc em vui khỏe, viết nhiều.
Chị
Phùng Annie Kim
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,159,067
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến