Hôm nay,  

Con Bọ Sát Thủ

29/09/201400:00:00(Xem: 11462)

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 4344-14-29744vb2092914

Assassin Bug, con bọ sát thủ, là bài viết dân nhà vườn Cali cần đọc. Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết Về Nước Mỹ 2009 với bài "Con Bé", chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu.

* * *

Buổi chiều, sau khi đi bộ một vòng chung quanh cái park trong khu vực nơi tôi ở về, tắm táp, thay quần áo xong xuôi, tôi đem cái mini Ipad ra vườn đu đưa trên cái võng ngồi, xem phim Xương Rồng Trên Cát. Tuần trước, hôm đi lấy áo dài mới về để ăn cưới, trong lúc ngồi chờ cô thợ may nhấn lại hai cái ben, tôi đã được xem một đoạn của cuốn phim này, thấy cũng có vẻ hấp dẫn lắm. Trước khi tôi về cô thợ may còn dặn với:

- Chị phải coi lại cuốn phim này từ đầu nghe, em thấy tình tiết hay hơn nhiều cuốn phim khác.

Tôi đang xem đến đoạn anh chàng họa sĩ té sông và được hai cô thôn nữ cứu mạng thì nghe có tiếng cửa patio mở, tôi biết đó là chồng tôi cũng đang đem cái Ipad lớn ra chiếc võng nằm của ông ấy để đọc email, chơi game. Nhưng, tôi không nghe tiếng cửa đóng mà thay vào đó là tiếng ông la thất thanh:

- Thôi chết rồi.

Tôi giật mình quay lại, thấy chồng đang ôm chân trái nhẩy như choi choi. Tôi bỏ vội cái Ipad xuống võng, chạy tới hỏi dồn dập:

- Chuyện gì vậy, chuyện gì vậy?

Ông nhăn nhó trả lời:

- Con gì nó chích anh.

Tôi nhìn theo tay ông chỉ thì thấy một con bọ thân dài có hình dạng giống như con gián nhỏ, đang nằm quay đơ trên sàn gạch vì cú hất của chồng tôi. Tôi vội vàng tháo chiếc dép ni lông đang mang trong chân ra, dí không cho nó chạy đi, rồi mở cửa tủ đựng chai lọ không gần đó, lấy một lọ baby food nhỏ tôi để dành làm yogurt, gạt con bọ vào trong, đóng nắp lại. Con bọ đã nằm trong lọ kín bưng rồi mà vẫn cố cựa quậy. Tôi đưa cái lọ tới gần mắt, ngắm nó, con côn trùng này lạ thật, tôi chưa từng thấy bao giờ. Nhìn nó giống như một con gián, cũng với hai cái râu dài, chỉ khác là cái đầu nó nhỏ, nhọn hoắc. Trên lưng nó, chỗ gần cổ, lồi lên hai cái "kim chích" cụt, thẳng đứng. Bộ cánh của nó thì hơi màu mè một chút, và cưng cứng, khác với bộ cánh của con gián mỏng tang.

Ông chồng tôi đi cà nhắc vào nhà, soi đèn Pin xem vết chích. Nơi bị chích, trong lòng ngón chân cái, mới đầu chỉ chừng khoảng đầu kim may đã nhanh chóng lan đỏ ra bằng diện tích đồng dime. Ông xít xoa rờ rẫm xem có cái ngòi nhọn nào của con bọ còn sót lại trong ngón chân hay không, vì ông đã dẫm lên cái mũi kim chích của nó. Mặt ông nhìn thấy thật thảm hại.

Tôi nhanh chóng lục tủ lấy 1 viên Benadryl ra cho chồng uống. Từ kinh nghiệm của những lần "accident" trước, tôi đã trữ sẵn mấy vỉ Benadryl và mấy hộp EpiPen* ngay ở dưới nhà. Tôi vói lấy hộp EpiPen tính đưa cho ông ấy chích, nhưng hỡi ôi, nhìn lại thì mới thấy chúng đã hết công hiệu từ 3 năm trước. Tôi vội vàng gọi Urgent Care, người y tá trực trả lời là nếu tình trạng nguy kịch thì đem bệnh nhân vào ngay lập tức.

Tôi không cần chờ đợi đến "tình trạng nguy kịch", vì từ lâu rồi ông chồng tôi đã có nhiều "kinh nghiệm xương máu" với những loại côn trùng nho nhỏ biết bay, nhất là loại ong, không cần biết là nọc của chúng có độc hay không, nên tôi nói ông chồng tôi thay quần áo rồi sửa soạn đi gặp bác sĩ.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên ông chồng tôi nếm mùi ong chích là khoảng 20 năm trước, trong một dịp đi lên vùng San Fernando thăm anh. Thấy ông anh đang sửa soạn đồ nghề xoay ong lấy mật nên ông ấy cũng hồ hởi giúp anh thâu hoạch mật ong. Chả là ông anh của ông ấy học đâu đó được cách nuôi ong mật, nên cũng gầy được hơn chục thùng ong, và ông anh đã từng thâu hoạch mật ong nhiều lần rồi. Theo thời gian tính, thì đây là lúc thâu hoạch mật mới. Thế là hai anh em mặc áo phi hành gia trùm đầu kín mít, có mạng lưới che mặt, tay đeo găng dài, chân mang ủng da, cho khỏi bị ong chích, rồi lần lượt gỡ từng vỉ ong bỏ vào máy xoay. Cái máy xoay to tướng này có hình dạng giống như cái máy trộn xi măng, trộn cát của mấy ông thợ hồ. Nó có tác dụng xoay tròn mấy cái vỉ cho ong tung ra, để mật chảy vào lòng máy.

Đã trang bị kỹ càng lắm rồi nhưng không hiểu sao lại có hai chú ong luồn lỏi bay được vào trong cái nón của chồng tôi. Ông bị một con chích vào vành tai và một con chích ngay sau ót. Bị chích đau nên ông ngưng tay xoay máy, bỏ mặc những vỉ ong đang quay cuồng trong đó, vừa nhảy tưng tưng vào nhà, vừa kéo zipper chui ra khỏi áo. Sau khi tháo được bộ áo ra rồi thì mặt mũi ông ấy sưng vù như người bị bệnh quai bị, và ông bắt đầu ngứa ngáy, kêu lạnh, hai hàm răng lập cập đánh vào nhau, rồi ông kêu khó thở.

Bà chị dâu ông hoảng hồn lái xe cùng tôi hộ tống ông chồng tôi lên thẳng bệnh viện Kaiser. May là cái bệnh viện này chỉ cách nhà bà có mấy block đường. Tới nơi, nhìn hình dạng ông chắc là "thảm thương" lắm nên y tá mở cửa đẩy ngay ông ấy vào phòng khám bệnh. Khi bác sĩ tới, chỉ cần nghe qua mấy tiếng "ong chích" và nhìn chồng tôi đang ngáp trẹo quai hàm để lấy dưỡng khí là ông bác sĩ ra lệnh cho y tá chích ngay cho 1 mũi chích "chống shock" rồi đẩy ông ấy vào phòng emergency, cho ông thay áo của bệnh viện, bắt nằm xuống, đưa tay ra cho họ cắm giây nhợ lung tung. Kết quả là chồng tôi phải ở lại bệnh viện qua đêm để bác sĩ tiện bề theo dõi. Sáng sớm hôm sau, tôi chưa chuẩn bị đi lên gặp chồng ở bệnh viện thì đã nghe phone ông ấy gọi, bảo đang chờ bác sĩ tới ký giấy cho về. Sau lần accident đó, chồng tôi hùng hổ tuyên bố là ông đã được chủng ngừa nọc độc của ong, nên từ đây về sau loài ong sẽ không làm gì được ông nữa.

Để an ủi cho niềm đau bị ong chích của chồng tôi, ông anh của ông ấy đã đưa hết mấy gallon mật ong vừa thu hoạch cho chồng tôi đem về uống từ từ để... luyện "tinh khí" ong vào cơ thể, tăng cường hệ thống miễn nhiễm... chống ong. Thấy mật ong nhiều quá, mà để lâu nó lại lên màu... đen, đen hơn lọ nước màu tôi mua ở chợ về kho thịt nên tôi chia năm, xẻ bẩy cái thùng mật ong to tướng, rồi đem tặng bà con, chòm xóm mỗi người một ít xài giùm, kẻo không lại hư mất. Nhưng sau này, khi cầy cục đi mua những chai mật ong thiên nhiên của vùng Chieng Mai để ngâm hột kỷ tử uống dưỡng da thì tôi mới biết là tôi đã "tẩu tán" những gallon mật ong hiếm quý.

Trở lại với chuyện... ong và chồng tôi. Vì ỷ y được chủng ngừa "nọc ong" nên ông chồng tôi tiếp tục... giỡn chơi với ong. Một lần khác, khi đi làm về, tôi thấy ông đang chờ đợi nói chuyện với ai trong điện thoại, tay thì mò mẫm tìm viết, giấy trên bàn. Tôi nhìn chồng, hai mí mắt sưng vù, che lấp đôi mắt bây giờ chỉ còn là hai... sợi chỉ. Tôi biết ngay là ông ấy vừa bị ong... "thân mật" hỏi thăm, và ông đang chờ đợi y tá trực ở Kaiser trả lời, hướng dẫn. Tôi giật ngay cái phone trong tay chồng, cúp cái cụp, không cần phải chờ người bên kia đầu giây trở lại cho "chỉ thị". Tôi dẫn chồng ra xe, nhắm hướng Urgent Care của Kaiser ở thành phố Ontario trực chỉ.

Trên đường đi, chồng tôi cố gắng giải thích cho tôi hiểu là không phải ông ấy muốn chọc giận ong, mà cũng chỉ là... tai nạn, accident mà thôi. Số là ông ấy đang dọn dẹp hồ sen, thấy có mấy con ong chết trôi lềnh bềnh trên mặt nước nên ông lấy vợt vớt chúng lên vứt bỏ. Chẳng may cho ông là có 1 con ong đang... tập bơi hay giả chết, bực mình vì đang mơ màng mà bị khuấy động nên nó phóng từ dưới nước lên chích ông một mũi vào mí mắt... trả thù. Tức thì hai mí mắt của ông sưng mọng lên, ông bị ngứa ngáy cùng người, nhưng chưa đến nỗi run lập cập như lần trước.

Chúng tôi check in ở dưới nhà, vừa bước ra khỏi thang máy tiến vào phòng đợi ở lầu hai thì đã nghe y tá gọi tên ông. Có lẽ khi người receptionist hỏi lý do tại sao đến Urgent Care hôm nay để ghi vào hồ sơ, và sau khi nhìn mặt mũi ông, cô ta đã "tả chân" tình trạng bịnh lý, nên y tá mới sẵn sàng đón chờ ông ở ngưỡng cửa. Bác sĩ cũng nhanh chóng vào phòng khám bệnh ngay sau đó, và cũng bảo y tá chích cho ông một mũi thuốc ngừa... động kinh. Ông được ngồi yên trong phòng ½ tiếng đồng hồ để y tá theo dõi biến chứng. Lần này, ông không phải ở lại qua đêm. Trước khi ra về, chúng tôi ghé ngang qua pharmacy mua thuốc ngừa dị ứng, bác sĩ đã cho ông một cái toa mua thuốc Prednisone, uống liên tục trong 10 ngày. Nhưng uống chừng 1 tuần, thấy không có biến chứng gì từ nọc ong, nên chồng tôi ngưng uống thuốc, vì ông bảo, loại thuốc Prednisone này làm cho ông khó chịu, miệng khô, cổ đắng...

Lần gần đây nhất mà ông chồng tôi khổ vì ong là cách đây khoảng 3 năm, trong lúc chờ đợi tôi làm cơm tối, ông ra vườn nhổ cỏ dại, tỉa cây. Lúc ông đang lui cui cắt xén bụi hoa hồng, thì bị một chú ong đang nhởn nhơ hút nhụy hoa chanh gần đấy xẹt ngang, thân ái "hôn" vào bắp tay. Thế là ông quăng sẻng, quăng kéo, ba chân bốn cẳng chạy vào nhà gọi tôi sửa soạn đi Urgent Care, vì bắp tay ông đã bắt đầu "nở to" như "Popeye the Sailor Man" sau khi ăn... spinach. Thế là một phen nữa, Kaiser lại được tiếp đón người... không hạp với ong.

Có lẽ, hồ sơ của ông đã được xếp vào loại hồ sơ "đặc biệt", phải được giải quyết cấp tốc, nên lần này chúng tôi cũng không phải đợi lâu. Thế là bổn cũ tái diễn, ông được nếm thêm một mũi thuốc ngừa shock, và vì chỉ bị sưng bắp tay thôi, nên ông cũng được về nhà.

Sự bất quá tam, nên khi bác sĩ trở lại phòng khám, ông đưa cho tôi 1 cái toa, bảo xuống pharmacy dưới nhà mua mấy cái EpiPen dự trữ cho chồng tôi. Thoạt đầu thì tôi không hiểu EpiPen là loại... viết gì, tại sao lại phải mua nó để dành, nhưng sau khi ông bác sĩ giải thích tôi mới biết đây là một loại thuốc chích "ắt có và đủ" dành cho những người bị dị ứng.

Theo lời khuyên của ông bác sĩ thì chồng tôi phải có Epi Pen sẵn ở bên mình, ngay cả đi du lịch cũng phải mang theo, phòng hờ được dẫn vào vườn hoa ngoạn cảnh. Lúc hữu sự thì kéo quần xuống, chích vào đùi (nhưng nếu gấp quá thì cũng có thể chích xuyên qua vải), trước khi cơ thể đi vào cơn shock, hết thở. Nhưng sau đó thì cũng phải mau mau đi gặp bác sĩ để xem xét bệnh tình. Ông bác sĩ còn căn dặn thêm là phải luôn luôn dự trữ Benadryl, vì loại thuốc này rất có công hiệu với tất cả các loại dị ứng.

Lần này, theo như lời bác sĩ Kaiser đã hướng dẫn, sau khi cho ông chồng tôi uống 1 viên Benadryl rồi, tôi đưa ông ấy (và con bọ) ra xe đi chẩn bệnh vì tôi không biết nọc của cái con bọ màu mè này có làm chồng tôi khổ sở như nọc ong không.

Vì lúc đi không nhìn đồng hồ, nên khi chúng tôi đến nơi thì Urgent Care ở Ontario đã đóng cửa, giờ này chỉ có Emergency là mở cửa mà thôi. Nếu muốn đi Urgent Care thì phải chạy tới Kaiser ở Fontana hay là Corona, nhưng phải đi nhanh cho kịp giờ, vì Urgent Care ở hai nơi đó cũng sẽ đóng cửa trong vòng 1 tiếng đồng hồ.

Tôi nhẩm tính, nếu vào Urgent Care thì phải trả copay có $10, còn vào Emergency mà không cần ở lại bệnh viện sẽ phải trả gấp 5 lần. Nhưng từ đây mà chạy tới Fontana hay Corona cũng phải hết 45 phút, có tới nơi thì cũng chẳng kịp giờ, lại còn tốn thêm xăng chạy tới, chạy lui, nên bây giờ có check in vào Emergency Ontario thì cùng lắm tôi cũng chỉ... lỗ khoảng $30 thôi. Cũng đành... tới đây thì ở lại đây, nên tôi nói với chồng:

- Đi qua Emergency cho tiện việc.

Thế là hai vợ chồng tôi đi vòng cửa sau qua nhà thương chính, vào Emergency Care.

Check in xong rồi hai vợ chồng tôi ra ghế ngồi chờ. Phòng Emergency đêm nay không đông người, chắc chỉ có chừng 5, 7 bệnh nhân thôi, nhưng không hiểu sao chúng tôi bị ngồi chờ đến đau cả lưng. Ngồi chờ lâu quá nên chồng tôi càu nhàu:

- Không biết bác sĩ làm cái quỷ gì trong đó mà bắt chờ dữ vậy. Anh đã nói không sao, mình về đi, mai anh đi Urgent Care cũng được. Vô Emergency chỉ tốn tiền thôi.

Tôi "âu yếm" nhìn chồng, mắt ngời sáng... lửa:

- Còn càm ràm nữa hả? Nếu mà anh không có lịch sử... dị ứng với côn trùng thì đâu phải ra vào nhà thương đều đều như thế này. Anh phải ngồi chờ thì cũng đáng đời rồi, còn em phải ngồi chờ như thế này mới thật là đáng... tức.

Thấy con..."mèo ngái ngủ trên tay anh" sắp biến thành con..."Panthera vừa bừng mắt giậy", chồng tôi lẳng lặng đứng dậy bước ra ngoài sân hóng gió.

Ngồi chờ hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới được gọi vào. Người y tá trực đưa chồng tôi vào phòng khám bệnh bảo ngồi chờ, rồi anh ta đi qua căn phòng nhỏ ở gần đó. Qua phần che không kín của bức màn kéo, tôi nhìn thấy cả 1 gian phòng Emergency vắng vẻ. Vì chỉ có 3 căn phòng có màn kéo lại nửa vời, nên tôi biết chỉ có 3 bệnh nhân đang chờ đợi. Còn bác sĩ và y tá thì quanh đi, quẩn lại chắc chỉ có hai người: người y tá vừa đưa chồng tôi vào, và 1 ông bác sĩ mặc áo choàng trắng đang ngồi trầm ngâm trước màn ảnh computer! Trời đất, không biết ông bác sĩ này có hiểu là hồ sơ của ông chồng tôi đã được liệt vào loại "khẩn", hay không? Hay là tại lần này chỉ khai là bị "insect bites", chứ không phải "bee stings", lại không bị động kinh, khó thở nên bác sĩ mới rảnh rang ngồi... "mơ màng" như thế?!

Gần nửa tiếng đồng hồ sau ông bác sĩ mới vào. Lật ngón chân cái chồng tôi lên, nhìn ngắm vết chích một hồi rồi ông phán:

- Không sao, uống Benadryl là sẽ khỏi, còn không khỏi thì... trở lại đây cho chúng tôi tái khám. Nhưng tôi nghĩ là không có gì nghiêm trọng lắm đâu.

Rõ chán, nói như ông thì ai chả nói được. Nhưng tôi cũng không thể yêu cầu ông làm gì hơn. Ông chồng tôi được dịp nói thêm vào:

- Tôi đã bảo là không sao, mà bà ấy cứ bắt tôi đi bệnh viện.

Ông bác sĩ mỉm cười:

- Đó là proof of love. Bởi vì bà quá yêu ông nên lo cho ông thôi. Y tá của tôi sẽ bôi thuốc cho ông rồi ông bà check out.

Tôi cầm cái lọ baby food có đựng con bọ đưa cho ông rụt rè hỏi:

- Thế bác sĩ có biết đây là loại côn trùng gì, có độc hay không?

Ông nhìn con bọ, nhìn tôi, rồi lắc đầu:

- Tôi không biết, vì tôi chỉ là bác sĩ, không phải nhà nghiên cứu côn trùng.

Ông bác sĩ đi ra. Người y tá trở vào. Anh ta lấy bông gòn tẩm alcohol chùi chỗ bị bọ chích, quệt lên ít Neosporin rồi dán 1 miếng band aid nhỏ lên. Anh định cho ông chồng tôi uống 1 viên Benadryl nhưng ông nói đã uống ở nhà rồi. Thế là anh đưa giấy tờ cho chúng tôi ra ngoài check out.

Tôi đi ra ngoài phòng thâu ngân trả tiền. Người cashier nhìn tôi cười:

- Sorry bà phải trả $50. Nhưng được cái là yên tâm vì không có gì nguy hiểm.

Tôi cũng chỉ biết cười lại với bà cashier, rồi chở chồng về.

Chúng tôi trở về nhà. Ông chồng tôi thấm thuốc Benadryl nên lên lầu nằm ngủ. Tôi tức quá, vì đã phải tiêu oan mạng hết $50, nên đổ con bọ (lúc này đã hết nhúc nhích, cục cựa vì nằm trong lọ hết mấy tiếng đồng hồ) ra tờ giấy, lấy cái Ipad của mình chụp hình con bọ, rồi email bốn phương tám hướng hỏi xem mấy người bạn thật, bạn ảo của tôi có ai biết con côn trùng này tên gì, có độc hay không.

Email gửi đi mà chẳng thấy ai trả lời nên tôi đành phải tự tìm tòi, lục lọi trên mạng. Trước hết là tôi tìm những loài côn trùng có nọc độc. Cả trăm tấm hình của rết, bò cạp, nhện, bọ xít, bọ cánh cứng, ong, kiến, rệp v.v... hiện ra trên màn ảnh, nhưng tôi không tìm ra nó. Tôi quay sang tìm những loài côn trùng không độc, lại cả trăm tấm hình đủ màu liên tiếp chạy ra trước mắt tôi. Và trong những tấm hình cuối cùng tôi đã nhìn thấy nó: "Con Bọ Sát Thủ, The Assassin Bug", một loài côn trùng có ích, chuyên môn tiêu diệt những loài côn trùng phá hại cây cỏ, hoa màu. Theo tài liệu trên mạng thì nọc của chúng tuy không độc đến nỗi có thể giết hại được loài người, nhưng cũng gây đau đớn trong nhiều ngày cho người nào đụng phải, hay dẫm lên hai mũi kim chích của chúng, và đôi khi cũng gây ra phản ứng nghiêm trọng với những người... không hạp với côn trùng như ông chồng tôi.

Nhưng may mắn là con bọ sát thủ này không gây dị ứng nghiêm trọng đến nỗi ông chồng tôi phải trở lại Urgent Care. Nhờ uống thuốc Benadryl mấy ngày, nên hôm sau thì vòng đỏ chung quanh vết con bọ chích đã nhạt màu. Ngày hôm sau nữa thì chỉ còn là dấu vết của một đầu kim rất nhỏ. Rồi dấu vết của đầu kim chích cũng tự biến tan đi.

Tuy nhiên, tôi có chút hối hận là đã giết đi một con bọ nhỏ, một con bọ màu mè, đẹp đẽ, mà lại là một loài côn trùng hữu ích. Nhưng nếu muốn đem nó theo để cho bác sĩ nhận diện thì tôi không có cách nào khác hơn là phải bỏ nó vào trong lọ. Tôi cũng giận mình đã quá hấp tấp, không chịu nghe lời người y tá trực, chờ đợi xem tình trạng của ông chồng tôi biến chuyển như thế nào, có đến nỗi phải vào Emergency thì có hay hơn không. Và phải chi tôi để chút thời giờ lên mạng tìm hiểu thì tôi đã đỡ phải lo lắng khi biết được con bọ này không phải là loài côn trùng độc hại, thì tôi chẳng phải cất công đi bệnh viện, để mất toi hết mấy chục đồng, và phí phạm thì giờ ngồi chờ đợi đến đau lưng...

Bảo Trân

*EpiPen là một ống chích cấp thời có chứa epinephrine, một chất hóa học giúp thu hẹp các mạch máu và mở đường dẫn khí trong phổi. EpiPen chỉ có tác dụng tạm thời, để ngăn ngừa những cơn động kinh khi cơ thể bị dị ứng với nhiễm thể lạ. Sau đó thì người bệnh vẫn phải đi bác sĩ để chữa trị.

Ý kiến bạn đọc
30/09/201406:06:36
Khách
Toi không nghĩ như Co Tiffany vì đã có nguòi chét vì bị Ong chich rồi nên cấp cứu là chuỵen phải làm trong truòng hop này.
29/09/201410:37:45
Khách
Thật đúng là nhà giàu đứt tay. Oh my God !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,679,638
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến