Hôm nay,  

Ông Bác Sĩ Gia Đình

25/09/201400:02:00(Xem: 10978)

Tác giả: Sao Nam Trần Ngọc Bình
Bài số 4340-14-29740v5092514

Tác giả là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

* * *

Bác sĩ S. là bác sĩ gia đình mà tôi và bà xã cứ đến hẹn là lại tới, mỗi năm một lần, để khám sức khỏe thường niên. Chỉ một lần một năm thôi nhé!

Thế nhưng bây giờ tôi lại phải đến thăm ông vì cách đây lối 5 năm con gái tôi lo cho sức khỏe của bố nên mua tặng tôi một cái đệm mềm mà theo như quảng cáo sẽ giúp người nằm ngủ điều chỉnh cái cột sống tự động tùy theo sức nặng v... và v...

Nhưng quảng cáo là một chuyện còn cơ thể mình có thích ứng với cái đệm, với lời rao đó không lại là chuyện khác.Cái chuyện này chẳng khác gì khi bị bịnh uống thuốc bác sĩ cho không những bịnh không thuyên giảm mà lại trầm trọng thêm. Các cụ ta vẫn thường nói chuyện hên, xui thường thường chẳng biết đâu mà nóí trước là gì.

Cách đây lối 4 tháng, vào tháng 4 năm 2014, khi tôi thức giấc lối 4 giờ sáng và theo như thường lệ tôi bắt đầu tập Yoga như hồi nảo hồi nao còn ở trong trại tù Gia Trung Tỉnh Pleiku vào năm 1980. Lúc đó sức khỏe của tôi quá sa sút nên thử tập xem sao để sống sót mà về với vợ, với con.

Sáng hôm nay khi bắt đầu tập tự nhiên tôi cảm thấy đau ở cổ mà không biết tại sao.(Xin đọc bài "Tập Yoga Để Bảo Vệ Sức Khỏe" trên Vietbao online trong mục "Viết Về Nước Mỹ.")

Khi tới bác sĩ chỉnh gân khám tôi mới biết tôi bị đau thần kinh tọa! Đối với tôi thì đây là chuyện thậm vô lý vì tôi đã tập Yoga liên tục cho đến nay đã được 34 năm rồi !

Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật tôi phải chấp nhận căn bịnh này và phải đối diện với nó để tìm đường ra một cách nhẹ nhàng, thơ thới chứ không để nó làm tôi xuống tinh thần và gục ngã!

Tôi vào Google đánh máy chữ "Sciatica" thì được chỉ dẫn cách duy nhất để trị bịnh này là đi bộ. Thế nhưng khi tôi đánh máy chữ Việt "Đau thần kinh tọa" thì lại có tới 12 thế tập để chữa bịnh này.

Đành phải theo cách tập đơn giản nhất là đi bộ vì trước đây tôi vẫn thường đi bộ mỗi ngày 1 giờ theo như chỉ dẫn trong một bài trên Internet vì "Người già hai chân già trước." Nhờ đi bộ nên các vi ti huyết quản hiện lên nhu sợi chỉ đen gần mắt cá chân dần dần biến mất.

Cứ theo như bài đó nếu để lâu ngày máu trong các vi ti huyết quản sẽ chạy lên phổi gây ra nhiều rắc rối cho sức khỏe.

Sáng hôm đó tôi tập đi bộ như lệ thường nhưng khi nhấc chân lên thì cái đau tấn công tôi liền nhưng tôi nghiến răng chịu đau cố gắng bước tới cứ như thế thì lối 30 phút sau con ma đau phải nhượng bộ và tôi lại bước những bước bình thường như trước khi bị bịnh.

Nhưng mà trời ạ mùa Đông sắp tới tôi phải tập đi ở trong nhà để tránh cái lạnh cắt da, tím người của mùa Đông nên tôi thử 12 thế tập xem sao thì hình như tôi càng đau thêm.

Tôi quyết định đi thỉnh ý bác sĩ S., vị bác sĩ gia đình quen thuộc hơn mười mấy năm qua mà tôi đã nói ở trên từ ngày tôi chọn Greenville, SC làm quê hương dấu yêu thứ hai.

Trong khi tôi tập từng thế tập một thì bác sĩ S. chăm chú nghe, coi và ghi chép cho đến thế tập cuối cùng và ông kết luận cứ tập theo các thế đó không có gì trở ngại cả.

Sau đó qua mạn đàm ông biết chắc tôi là người Việt nên ông bảo tôi chờ một chút. Khi ông trở lại phòng khám bịnh ông mang theo một cuốn sách khổ lớn cỡ quyển bản đồ trước đây vẫn bày bán ở các chợ với đủ hình các vị Phật theo Phật Giáo Tây Tạng.

Ông lật từng trang cho tôi coi với vẻ thích thú và cho biết đã mua cuốn này ở chợ trời với chỉ có 2 đô!

Vì tôi tập Yoga quen rồi nên khi thấy hình những vị Phật trong sách tôi bèn ngồi theo thế hoa sen cho ông coi. Thấy tôi ngồi theo thế hoa sen một cách dễ dàng ông tỏ vẻ thất vọng và cho biết ông không thể ngồi như tôi được.

Tôi cho ông biết ngồi theo thế hoa sen không có gì khó cả ông cứ tập dần dần từng bước một và theo năm tháng các khớp của cái chân sẽ dẻo ra và sẽ ngồi được theo cách ngồi hoa sen dễ dàng như 2 với 2 là 4.

Sau đó tôi ngồi xuống sàn của phòng khám bịnh và ngồi từng thế tập một theo như chỉ dẫn trong sách "Phương Pháp Dưỡng Sinh" của bác sĩ Nguyễn văn Hưởng và Huỳnh uyển Liên.

Đầu tiên là ngồi xếp bằng thường chân trước chân sau trên sàn nhà với thế này ai mới tập ngồi cũng được.

Kế đó là xếp bằng đơn chân trên chân dưới.

Sau đó là xếp bằng kép hai chân dấu ở phía dưới

Thế cuối cùng xếp bằng kép hai bàn chân bắt tréo ở phía trên là thế ngồi theo kiểu hoa sen như Đức Phật.

Khi mọi chuyện xong xuôi tự nhiên ông nhìn vào quyển hồi ký "Within & Beyond" mà tôi mang theo để đọc trong lúc chờ đợi vì tôi biết thói quen của ông là luôn luôn dành ưu tiên cho các cháu bé dù tôi có được y tá gọi vào phòng chờ để khám trước vì tôi đến trước.

Cầm lấy quyển sách ông lật qua vài trang và đọc lướt qua và ông hỏi tôi:

- Quyển này ông là tác giả?

- Dạ, đúng. Tôi trả lời.

- Tôi muốn mua thì mua ở đâu?

Ý của Ông là mua ở nhà sách nào tại thành phố Greenville vì ở đây có hai tiệm sách lớn quen thuộc là Barnes & Noble Booksellers và Books-A-Million.

- Quyển sách này tôi tự bán mà.

Vừa trả lời tôi vừa lật trang kế bìa sau nơi có đề giá bán cho ông coi.

Chẳng nói chẳng rằng ông ra hiệu cho tôi chờ và mở cửa phòng khám đi ra ngoài. Ít phút sau ông trở lại và trên tay cầm tờ 20 đô trả cho tôi.

*

Năm 2002 tôi bắt đầu tập tành viết văn khi tôi được anh LTL bạn cùng tù ở trại tù Nam Hà (Xin đọc bài "Bạn Trong Tù Cải Tạo") khuyến khích tôi viết để gởi bài cho Việt Báo ở Westminster, CA.

Tôi viết liền và bài đầu tiên là bài "Hành Trình Về Phương Đông 1."

Lúc đó tôi chưa biết đánh máy và phải viết bằng tay. Sau khi hoàn tất tôi phải ra Bưu Điện gởi.

Việc gởi này rất nhiêu khê mất thì giờ và chậm trễ. Tôi nghĩ là không có hy vọng nào để bài này được lựa đăng trên Việt Báo trong mục "Viết Về Nước Mỹ" vì từ hồi nào tôi có viết văn bao giờ đâu.

Thế rồi trên đường đi Myrtle Beach với gia đình con gái của tôi trong dịp nghỉ hè. Xe đang ngon trớn thì điện thoại cầm tay reo vang.

Bắt phone lên phía bên kia đầu giây là giọng nói của anh LTL báo tin vui là bài của tôi đã được lựa đăng trên Vietbao online và dĩ nhiên trên cả tờ báo giấy nữa. Tôi hứng chí viết tiếp 2 bài " Hành Trình Về Phương Đông 2 và 3" và cũng được Việt Báo lựa đăng.

Thế là "nghề viết văn" tài tử bám theo tôi không rời một bước như bóng với hình, như đôi tình nhân keo sơn bền chặt. Tình nhân còn có khi xa nhưng nghề viết văn tài tử khi đã dính chấu là đa mang luôn!

Cho tới nay tôi đã tham gia vào mục "Viết Về Nước Mỹ" được 12 năm tròn. Một thời gian khá dài nếu như cứ tính tuổi thọ của một người trung bình là 60 năm thì tôi đã dùng tới 1/5 cuộc đời của tôi để viết một cách thẳng thắn. trung thực những điều tôi nghĩ và tôi không phải "lách" như người Việt ta vẫn thường nói "viết lách" để né tránh mũi kéo của ông / bà kiểm duyệt như các báo của Miền Nam trước 30 tháng 4 năm 75 vẫn thường nói móc chính phủ Miền Nam hồi đó.

Sau khi bài thứ nhất gởi đi thì anh con rể của tôi tặng tôi một cái PC trong đó đã download sẵn một cái software dạy đánh máy. Đây là một món quà vô giá vì nhờ nó tôi học đánh máy tuy chậm và tôi đã đánh được với tốc độ 26 chữ/phút nhưng đối với người lớn tuổi thì như thế là là ngon rồi.

Tôi không còn phải viết bài bằng tay nữa mà cứ mở PC ra là viết và tha hồ mà delete hay cắt đi đoạn nào tôi không thích và thêm một đoạn văn mới vào chỗ này, chỗ kia cho thêm phần ý vị mà không phải tẩy tẩy, xóa xóa với cục tẩy nữa. Với tốc độ 26 chữ/phút thì tuy chậm nhưng so với lúc trước quả đúng như lời trong một bài hát: “Có còn hơn không. Có còn hơn không.”

Lúc còn ở Westminster, CA tôi và anh bạn cùng hãng có ghi danh theo học một khóa đánh máy ở Golden West Collge mà không thành công! Nay, nhờ có cái PC và khoái viết, tôi tập đánh máy liên tu bất tận mỗi khi có thời giờ vì còn phải đi cầy để kiếm cơm nữa! Trong lúc đó tôi vẫn viết bài và gởi bằng Bưu Điện như thường lệ cho đến bài thứ 7 thì mới đánh máy được và gởi thẳng cho Việt Báo qua ngả email!

So với lúc còn viết tay thì đúng là một trời một vực. Muốn viết là cứ thong dong mở máy và để cho niềm xúc động theo 10 ngón tay mà hiện ra lời văn trên màn hình của PC!

Khi mới bắt đầu viết tôi dự tính sẽ dịch các bài viết ra tiếng Anh nhưng chỉ được 2 hay 3 bài gì đó tôi đành bỏ ngang vì quá bận trong cuộc sống.

Mãi cho đến năm 2009 khi kinh tế Mỹ khủng hoảng các hãng bớt người. Hãng tôi cũng không là biệt lệ nhưng hãng cũng cố gắng cầm cự và riêng tôi cho mãi tới lần bớt công nhân thứ 3 thì "bảng vàng" mới có tên! Đặc biệt kỳ suy thoái kinh tế lần này người thất nghiệp được hưởng 3 năm tiền trợ cấp sau đó thì tự lo.

Vậy cũng là ngon rồi, nhờ vậy tôi mới xem lại "gia tài" và trong khi ghi danh học ở Trường Đại Học Cộng Đồng tôi mới có thì giờ viết lại những bài văn của tôi bằng tiếng Anh và nhờ bà thầy và ông thầy đọc và coi lại cho hoàn chỉnh.

Khi được biết tôi đang trên đà hoàn chỉnh cuốn sách này cũng như khi sách được in xong thì bạn bè xa gần ủng hộ hết mình. Đặc biệt có 2 người Mỹ mà người thân là cựu chiến binh trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa của CS Bắc Việt

Một hôm tôi ghé nhà anh Phạm bá Hân chơi theo như địa chỉ của anh LTL cho. Anh LTL là bạn tù cùng tôi ở trại tù Nam Hà và cũng là bạn của anh Hân.

Ngồi nói chuyện một lúc thì anh hỏi tôi sao không gom các bài viết lại để làm thành một Tuyển Tập. Tôi cho anh biết là tôi đã bắt đầu từ năm 2010 và ngỏ ý nhờ anh giúp trong việc trình bày cuốn sách. Rất tự nhiên anh nhận lời liền như là cuốn sách này là của anh! Thật là dễ dàng không có khó khăn gì cả!

Giúp tôi chưa đủ anh còn giúp anh TTT cùng đơn vị với tôi 2 cuốn sách và giúp người anh họ của tôi 2 cuốn sách nữa.

Theo như tôi biết nếu một cuốn sách giao cho A., một nhà xuất bản nổi tiếng trên net của người Mỹ, lo cho từ A đến Z thì tác giả phải trả cho nhà xuất bản lối ba ngàn đô! Một số tiền đâu phải dễ kiếm! Một anh bạn cùng đơn vị với tôi đã lãnh cái búa khi sách in ra không bán được và ôm 3 ngàn đô cho vui!

Hơn nữa phần đông đám nhà văn tài tử đâu có ai nổi tiếng để các nhà xuất bản Mỹ chạy đến đề nghị tiền nhuận bút là 4 hay 5 triệu đô như vợ, chồng cựu Tông Tông Bill Clinton đâu!

*

Khi tôi từ biệt bác sĩ S. thì ông không quên dặn tôi cứ yên tâm mà tập 12 thế đó! Ra đến văn phòng thì bà thư ký cho tôi biết là bác sĩ S. cho bà biết không tính tiền khám bịnh của tôi. Ngạc nhiên vô cùng tôi trả lời:

- Tôi không tin được chuyện này.Tôi không phải trả tiền ư?

- Đúng thế! Bà thư ký nhấn mạnh.

Đồng thời lúc đó bác sĩ S. từ trong phòng khám đi ra một tay cầm quyển "Within & Beyond" một tay kia thì chỉ vào cuốn hồi ký trên nét mặt lộ vẻ thích thú, miệng mỉm cười nhìn tôi. Ánh mắt long lanh với vẻ hài lòng. Sau đó ông ra hiệu cho tôi cứ đi về.

Cùng với nụ cười vui của ông bác sĩ, tôi ra về mang theo cái biên lai không tính tiền do bà thư ký trao tận tay. Niềm vui nào hơn! Không phải vì tôi không phải trả tiền mà vui vì cuốn sách của tôi đã dành được cảm tình của vị y sĩ độc giả!

Xin cám ơn cái mỉm cười tử tế của ông và của mọi bạn đọc.

Sao Nam Trần Ngọc Bình

Ý kiến bạn đọc
05/10/201411:49:13
Khách
Anh Chương mến
Có nhưng vẫn phải trả co-pay.Cám ơn anh đã quan tâm.Thăm anh và gia đình.Mến
05/10/201411:45:32
Khách
Chào Bà
Tôi đang viết dở dang bài tạm gọi là "Tặng sách" thì nhận được email này của Bà.Rất cám ơn Bà và nhờ bài viết của Bà mà tôi biết đến tấm lòng thương yêu Viện Bảo Tàng Của Những Chiến Sĩ Bị Bỏ Quên của Ông Dann.Một cậu bé 10 tuổi sưu tập những kỷ vật của cuộc chiến vệ quốc của Miền Nam,chống lại cuộc xâm lăng trá hình của CS Tàu và bọn tay sai CS Việt Nam, như là một thú tiêu khiên. Rồi theo năm tháng cậu bé ấy đã nhận ra rằng mình đang sưu tập kỷ vật cho một cuộc chiến tranh chính nghĩa thế là cậu đã dốc hết tâm huyết cũng như tiền bạc đế Bảo Tàng ấy có tầm vóc như hiện nay và qua các kỷ vật đã nói lên được điếu mà cuối cùng dù Việt Nam Cộng Hỏa bị bức tử nhưng chính nghĩa của cuộc chiến chống lại cuộc xâm lăng vẫn sáng ngời mãi mãi và mãi mãi. Một Bảo Tàng do một cậu bé tạo nên và có lẽ đây là Bảo Tàng duy nhất trên thế giới,nếu tôi không lầm!
Thăm Bà và gia đình khỏe. Trân trọng
26/09/201414:51:40
Khách
Chào tác giả Sao Nam Trần Ngọc Bình,
Nhân trong bài này anh có đề cập đến quyển sách "Within & Beyond", PH khám phá ra một điều thú vị.
Hồi tuần trước, ông giám đôc "Bảo Tàng Của Người Lính Bị bỏ Quên" có gọi cho PH, hỏi thăm thử PH có biết tác giả của một quyển sách có tựa đề mà ông chỉ còn nhớ có một chữ "Beyond." Ông nói vừa rồi ông có nhận message của người nào đó, nhưng ông nghe đi nghe lại nhiều lần mà vẫn không rõ để biết ngừoi ấy nói gì, chỉ nghe được chữ "Beyond" và tên người nhắn là "Bing". Ông kể, ông nhớ lại trứoc đây có một tác giả gửi tặng quyển sách có tựa đề là "......Beýond" nói là do đọc bài viết về nhà Bảo Tàng" của PH nên mới gửi tặng, nhưng ông còn để trên bàn tặng vật chưa kịp dán nhãn Bảo Tàng lên thì nó biến mất. Ông tỏ vẻ rất buồn, và sau khi hỏi hết mọi người làm việc trong Bảo tàng thì ông hỏi đến PH xem mỗi khi đến BTàng có từng thấy qua quyển sách đó, và có quen biết tác giả không.
PH trả lời không biết và kêu ông Dann hãy lục trong máy và đưa số đ/t của người đó để PH liên lạc dùm. PH cũng nói PH tin rằng người đó sẽ không phiền mà gửi tặng quyển khác, vì giá trị về vật chất của một quyển sách là không bao nhiêu, nhưng giá trị tinh thần, niềm hạnh phúc của tác giả khi biết độc giả thích sách của mình mới là vô giá.
Ông Dann nghe vậy thì vui trở lại, nhưng ông nói chờ ông nhờ người tìm lại một lần nữa đã. Và ngày hôm kia ông nhờ thêm ngừoi đến phụ lục nát hết cả cái thư viện của bảo tàng đến cuối ngày thì họ tìm ra quyển sách ấy. Ông rất mừng vội email báo tin cho PH biết.
Ông giám đốc ấy rất yêu cái Bảo Tàng của ông nên mỗi kỷ vật được tặng dù nhỏ bé cỡ nào ông vẫn rất trân quý. Và bây giờ nhờ bài viết này, PH mới biết tác giả ấy chính là anh.
Xin cám ơn tác giả đã hưởng ứng tặng sách cho Bảo Tàng. Chúc anh nhiều sức khỏe để tiếp tục viết...
Trân trọng
Phương Hoa
26/09/201413:07:40
Khách
Anh Bình chưa có medicare sao mà phải trả tiền cho bác sĩ gia đình?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,299,158
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.