Hôm nay,  

Tím Một Màu Iris

22/09/201400:00:00(Xem: 11012)

Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung
Bài số 4337-14-29737v27092214

Tác giả là cư dân San Dimas, California. Trước tháng Tư 1975, tại Sài Gòn, cô từng cộng tác với tần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Với bài "Chuyện Cổ Tích Không Phải Cho Bé Thơ", tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt, Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

1.
Trong giấc mơ, Thùy Mị choàng chiếc khăn lụa màu tím sẫm, gió lồng lộng muôn phía như cuốn Mị và chiếc khăn bay cuồng loạn về phía chân trời, tóc Mị trôi dài vương mắc như dãi lụa đen mềm trong chiều dần tối.Đôi mắt Mị chới với gởi đi một cái nhìn hoảng loạn. Tôi gọi Mị ơi, Mị ơi thảng thốt và thức giấc với những giọt mồ hôi đẫm áo.

Khung cửa sổ mở ra một khoảng trời cao xanh trong và dập dờn những đóa Iris như sóng lượn. Có lẽ giấc mơ của tôi đã nhuộm tím sẫm màu Iris tự bao giờ...

Đôi mắt Mị luôn rủ xuống như một bóng tối thầm với hàng mi chấp chới. Đôi mắt của một con sóc buồn lẻ bạn. Khi nhìn thấy tôi, Mị ra dấu cho tôi ngồi cạnh... Quyển Kinh Thánh bằng cổ ngữ với chiếc bìa da thú lạ mắt của một Mục Sư tặng Mị ở đảo Pattaya nằm ngay ngắn trên bàn viết đang mở ra ở một trang bất chợt... Như một ngày nào trước đó ở quê nhà... chiếc bàn viết rộng chưng đầy thú bông và sách vở luôn có một quyển đang mở nửa chừng để lúc nào gặp tôi, đôi mắt Mị cũng rực sáng hồn nhiên

- Mị đang đọc Anh Chi Yêu Dấu... dễ thương ghê vậy đó.

- Mị đang đọc Lá Tương Tư... trời ơi là lãng mạn.

- Mị đang đọc Alexis Zorba... hay khủng khiếp.

- Mị đang đọc Cuốn Theo Chiều Gió...

- Mị đang đọc Ngày Thơ Tình Thơ...

Tóc Mị cột túm như một cái đuôi sóc xòe ra với những chiếc kẹp xướt giữ lại không cho rơi xuống mắt...đôi mắt mí rưỡi cứ nheo nheo như ẩn chứa một nụ cười nghịch ngợm mà cái miệng giòn tan không giữ được... Chúng tôi đã có chung những ngày tươi đẹp ở quê nhà.

Những ngày cuối tuần nghỉ học, tôi hay ra phụ ba mẹ bán hàng. Nhà tôi có một cửa hàng giày dép thời trang ở đường Độc Lập. Tôi chẳng giúp được gì nhiều, chỉ bắt ghế ngồi nhìn các cô nương xinh đẹp bát phố hay qua rạp ciné Tân Tân vẽ Pano phụ với chú Ân... Có một ngày tình cờ Mị và vài cô bạn đến mua giày dép. Hình như thời trang của năm đó là giày ống, nhũng đôi bốt cổ cao, cổ vừa, cổ thấp, cột dây, gài khuy, kéo Fermeture đủ màu, đủ kiểu... Chúa ơi, tôi hoa cả mắt khi mấy cô ùa vào chọn lựa. Thấy mấy chị bán hàng bận rộn, tôi đứng lên phụ. Mị nhìn tôi rồi chỉ vào một đôi màu xám:

- Bạn lấy dùm mình đôi bốt cao cổ cột dây.

Tôi hỏi:

- Bạn muốn số mấy?

Mị cười:

- Không nhớ, gì cũng được.

Tôi xếp một hàng 3 đôi dưới chân Mị. Cô ngồi trên một chiếc ghế cao nên không thể cúi xuống để mang, cô nheo nheo mắt:

- Bạn có thể mang dùm mình được không? Mình muốn thử đôi màu nâu nhạt.

Tháo 24 nấc dây, mang vào chân cô, cột lại 24 nấc dây... cô đứng lên, điệu đàng đi tới đi lui... cô lại nheo mắt:

- Mình thấy hơi rộng, chắc phải lấy đôi nhỏ hơn.

Cô lại ngồi lên ghế, tôi lại tháo 24 nấc dây, thay đôi nhỏ hơn, lại cột 24 nấc dây... cô đứng lên, yểu điệu thử đi vài bước:

- Được rồi bạn, nhưng mình nghĩ, có lẽ mình thích đôi đen kéo Fermeture hơn...

Cô lại ngồi xuống ghế, đường bệ còn hơn Nữ Hoàng Cleopatre trên ngai vàng, và tôi, tên nô lệ đáng thương lại cần mẫn tháo đôi cột dây, thay cho cô đôi kéo fermeture...

Bỗng tất cả đều im lặng đến đáng sợ, tiếng cười im, tiếng nói im...tôi ngẩng lên thấy cô đang tái xanh, tái mét... trước mặt cô, sau lưng tôi là một Ma Soeur áo xám... Soeur nhìn cô, nghiêm khắc mắng:

- Sao nghịch vậy Thùy Mị ? Sao con không qua tiệm sách với các bạn ?

Đám bạn cô đã biến mất tự lúc nào...chỉ còn lại mình cô hiện giờ, hết cả vẻ nghiêm trang đường bệ như bà hoàng mà chỉ còn hiện thân một con mèo ướt nước mắt lưng tròng

- Xin lỗi bạn đi.

Soeur nói, cô đứng lên, một chân mang chiếc bốt màu xám cột dây, một chân mang chiếc bốt đen với chiếc fermeture đang kéo nửa chừng trông cô dễ thương như chú ngựa vằn nghịch ngợm trong phim hoạt họa...

Mẹ tôi cười:

- Không sao cả, thưa Soeur, để cháu tập chìu khách cho quen, con nhà buôn bán...

Thùy Mị long lanh nước mắt:

- Mị xin lỗi, Mị đùa thôi chứ chẳng định mua gì...

Không, Thùy Mị không mua gì tôi cũng không trách, tôi chỉ muốn cô ngồi đó, như cô công chúa để tôi thử cho vừa chân cô một chiếc giày thủy tinh mà cô lỡ làm rơi trong đêm vũ hội.

Mười tám tuổi, lần đầu tiên tôi biết nhớ thương một người mới gặp.

Mẹ nói: Thùy Mị là con ông tướng vùng hèn chi cốt cách công nương.

Không biết mẹ chê hay khen nhưng kể từ khi bị cô trêu chọc, lòng tôi cứ bâng khuâng chờ đợi. Cô ở nội trú, cái biệt thự góc Lê văn Duyệt, Lê Thánh Tôn nằm giữa một rừng khuynh diệp thơm ấm áp để những tối tôi đứng bên này nhìn qua lòng rưng rưng thương nhớ... Chưa một lần thấy thấp thoáng dáng cô dù biệt thự thường có những buổi party vui nhộn.


Có vài lần tôi được mời đến cùng ban nhạc La San nhân sinh nhật của Hạnh Nga, Hạnh Thảo trước khi được dạy Piano cho Thùy Mị vào những chiều chủ nhật hàng tuần...

Tôi ước chi cuộc đời mãi mãi êm trôi.

2.
Ngôi nhà xinh như trong cổ tích biệt lập trên đồi cao quanh năm thông reo vi vút...Hạnh Nga gọi Đỉnh Gió Hú, tên một cuốn sách chúng tôi say mê thuở nhỏ... Hạnh Nga đã là một mệnh phụ phu nhân sang trọng như mẹ cô ngày trước. Cô đã là một luật sư lẫy lừng trong giới Tòa Án của L.A

Bất ngờ Hạnh Nga gặp tôi trong Sở Xã Hội khi cô tìm đến nhờ lục hồ sơ của vài thân chủ... Cô ôm tôi nghẹn ngào kể về Thùy Mị, về một đêm trong tháng Tư, Bố cô đưa cả nhà lên bà nội để an toàn chờ chuyến bay hôm sau rồi về nhà khóa cửa tự sát vì quá tuyệt vọng đau buồn mà không ngờ Thùy Mị trốn theo về để lấy vài thứ đã bỏ quên...

Chú Hoài tài xế tìm thấy Thùy Mị ngất xỉu bên xác bố với những quyển sách vương đầy máu...

Kể từ lúc ấy, Thùy Mị mãi mãi sống với tuổi mười bảy và mất luôn tiếng nói.

Ngôi biệt thự xinh đẹp trên đồi L.A lồng lộng gió có bao giờ gợi lại cho cô ngôi biệt thự cổ kính bên bờ biển Nha Trang đầy nắng vàng như lụa ngày nào...nơi tuổi thơ đi qua và nỗi buồn ở lại.

3.
Đứng ngược sáng, khuôn mặt cô trong bóng mờ không rõ nét, nhưng ánh sáng muộn của buổi chiều vàng rực lên như một vầng hào quang quanh mặt cô, hệt như một thiên thần trong những giấc mơ êm ả nhất... Cô cúi xuống dỗ dành một bé thơ đang khóc. Cô tắm rửa, làm vệ sinh cho các bé bằng một cung cách an nhiên tự tại, đơn giản khéo léo như cô được sinh ra để làm việc đó. Cô nhìn quanh rồi ẳm một bé ra khỏi nôi nựng nịu...cô vi phạm nội quy rồi...Không được đặc biệt yêu thương bé nào trong mười bé được giao...Cô nâng bé ngang tầm khuôn mặt mình, áp mặt vào má bé và thì thầm điều gì đó...Rồi cả hai nụ cười cùng rạng rỡ như nhau. Bắt gặp cái nhìn của tôi, cô nheo mắt vờ làm ra vẻ sợ hãi, cô so hai vai như một bé con co ro vì lạnh, nhưng đôi mắt cô nhìn tôi lấp lánh một niềm thấu cảm...Tôi lắc đầu ra dấu không hài lòng. Cô trả bé lại vào nôi và bé òa lên khóc, những tiếng khóc không có thanh âm nhưng nỗi buồn và niềm vui thì có thật...Ai đã dạy tôi điều đó ?

Mẹ. Mẹ của những ngày xa rất xa.

Nước mắt của mẹ rơi tràn ướt gối những khuya tôi thức giấc vô tình quơ tay tìm mẹ...những tiếng khóc thầm không có thanh âm...Tôi lớn khôn bằng những dòng nước mắt...tôi lớn khôn bằng đôi tay gầy yếu của mẹ, mẹ dẫn tôi đi muôn nẻo đường đời...Từ cánh cửa của các trường khuyết tật, tôi được đặc cách vào một trường thực nghiệm...Mẹ đã học cùng tôi từng con chữ một, từng động tác hình thể để giúp tôi có một niềm tin vững chắc hơn trong cuộc đời bất hạnh...mà trong cuộc đời thì nỗi bất hạnh nào có dành riêng cho ai!

Tôi không thể hỏi: Mây bay về đâu ?

Tôi không thể hỏi: Gió có khi nào ngưng thổi ?

Tôi không thể hỏi: Nước mắt có làm tan biến nỗi buồn ?

Tôi không thể hỏi: Tại sao tình yêu đối với tôi luôn là điều bất khả ?

Tôi không thể hỏi nhiều điều,và tự thâm tâm, tôi biết tôi đau đớn. Mẹ cũng không thể giúp tôi được gì ngoài những lúc ôm tôi vào lòng dỗ dành khi thấy tôi tận cùng tuyệt vọng...

Cũng những lời dỗ vô thanh...Cũng những tiếng nói vô ngôn...

4.
Chúng tôi cùng làm việc trong một ngôi trường khuyết tật của Unicef

Cô đến từ một đất nước nhỏ bé ảnh hưởng nhiều bi kịch chiến tranh...mà bản thân cô cũng là một nạn nhân của một bi kịch lịch sử lớn lao.

Tôi sinh ra ở đây, một đất nước giàu có ảnh hưởng nhiều bi kịch xã hội

Hai đất nước bên này và bên kia đại dương sao tôi thấy dường như cùng chung một bất hạnh, một nỗi buồn, một niềm tuyệt vọng.

Tôi cào cấu hồn mình để giải bày niềm đau trên trang giấy

Cô rạng rỡ yêu thương bằng những nụ hôn, những ôm ấp dịu dàng với các bé thơ bất hạnh

Như một thiên thần không mang đôi cánh...hay có ai đã giấu của cô đôi cánh để bây giờ cô ở lại trần gian?

5.
Đôi mắt Thùy Mị cũng có màu tím thẫm...như màu hoa Iris của một hoàng hôn muộn. Chân cô bước xuống thềm nhẹ như dẵm trên mây...Như một bé con...Cô không nhìn thấy ánh mắt chàng trưởng phòng nhân sự nhìn cô đầy u uẩn...cô chỉ thấy tôi với những kỷ niệm thơ dại ấu thời... cô không nhớ gì về một ký ức buồn đau. Cô nghiêng đầu cho mớ tóc mây bay phủ mặt tôi thay một lời chào nghịch ngợm... Muôn đời tôi cảm tạ Đấng Thiêng Liêng nào đó đã ban cho Thùy Mị phép lạ để lãng quên... để cô sống với trái tim yêu của trẻ thơ và gặt hái những mùa hạnh phúc. Chiếc thánh giá cô mang đã quá nặng đối với một kiếp người...

Tôn Nữ Thu Dung

Ý kiến bạn đọc
07/12/201714:42:28
Khách
Văn chương thời hoa mộng xưa, tuổi thơ nào đắp cho vừa nhớ thương! Tình yêu. Mộng mị. Thiên đường.
15/11/201406:35:29
Khách
Bạn Minhki , bài Ngũ Ngôn đó đăng ở THỜI TẬP. Cảm ơn Bạn đã nhớ và nhắc...Rất hạnh phúc vì những lời thân ái của các bạn... Cảm ơn các bạn rất nhiều
16/10/201402:56:50
Khách
Chị Thu Dung, còn nhớ 8 câu thơ này không:
Níu một đám mây trời,
Hỏi thăm về bóng khói.
Ngăn lại một giòng sông,
Hỏi thăm về bóng núi.
Ngậm một nụ cười hồng,
Trên môi người hấp hối
Những hơi thở còn nồng,
Trên môi người vô tội.
Đây là bài thơ tôi đã được đọc trên báo Tuổi Ngọc mà tác giả chính là chị. Chúc chị nhiều sức khỏe để làm thơ, viết văn làm đẹp cuộc đời, nhất là những cuộc đời lưu lạc trên xứ người.
02/10/201420:35:43
Khách
Đoc xong làm nhớ Nha Trang quá! Con đường Độc Lập, Rạp xinê Tân Tân......! Rồi con đường Nhà Thờ với những chiều cuối tuần đầy những tà áo dài bên những chàng sỉ quan quân lực VNCH thả bước dìu nhau tình tứ v.v.....
24/09/201422:24:21
Khách
Truyện hay và buồn quá! TNTD là nhà văn em ngưỡng mộ của một thời Hoa Tím.
24/09/201405:39:31
Khách
Chiếc thánh giá cô mang đã quá nặng đối với một kiếp người.( TNTD)
Tuyệt, bạn tôi !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến