Tác giả Trịnh Đình Thu Hà lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ bằng một truyện kể về một thành viên băng đảng gốc Việt bị bắn chết tại Mỹ. Câu chuyện đầy tình tiết xúc động. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết và bổ túc dùm địa chỉ liên lạc.
*
Tôi giựt mình khi nghe tin Khương bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc rượt đuổi có liên quan đến băng đảng cách đây hai ngày. Cái tin đến với tôi quá đột ngột qua lời thông báo của một người bạn uống cà phê với chúng tôi, làm tôi bàng hoàng suốt cả ngày.
Khương, một chàng thanh niên chỉ mới ngoài ba mươi tuổi, cao lớn khỏe mạnh. Khuôn mặt trắng trẻo, mái tóc cắt ngắn gọn gàng, nhất là nụ cười tươi rói mỗi khi anh pha trò với mọi người. Một người thanh niên hoàn toàn bình thường, yêu đời, dễ thương sao có thể bị chết thảm như vậy! Tôi không tin được câu chuyện của người bạn kể lại. Phải gọi phone đến nhà anh để hỏi cho ra lẽ mới được. Nhưng đến lúc này tôi mới sực nhớ ra tuy biết Khương đã lâu, nhưng chưa bao giờ Khương cho tôi biết số phone của anh cả. Bao giờ cũng vậy, Khương nói với tôi:
- Nếu anh muốn gặp em cứ ra quán cà phê ngay góc đường…sẽ gặp em ngồi ở đó. Anh em mình có thời gian nói chuyện nhiều hơn. Em thích quán đó vì nó kín đáo và ít gái hơn những chỗ khác, đỡ bị làm phiền.
Cuối cùng tôi cũng thấy hình ảnh của Khương được đăng trên các tờ báo địa phương với đầy đủ chi tiết của cuộc rượt đuổi và bắn nhau với cảnh sát. Khương đã dính dáng tới một vụ buôn bán ma túy lớn với một tổ chức băng đảng Á Châu. Anh cùng ba người đồng bọn khác bị bắt quả tang khi đang trao đổi hàng tại một vùng ngoại ô khá xa thành phố. Cả bốn người đã cố gắng bỏ chạy khi cảnh sát bao vây và yêu cầu họ đầu hàng. Một người trong số họ đã bắn về phía cảnh sát khi tháo chạy thoát thân. Thế là, hàng loạt đạn nổ vang từ phía cảnh sát một cách vô tội vạ về phía bọn người buôn lậu ma túy. Cuộc rượt đuổi bằng xe diễn ra trong vòng nửa tiếng tại một con đường vắng xuyên tiểu bang, với những pha bắn nhau rất dữ dội giữa hai phía. Cuối cùng, cảnh sát đã bắn chết bọn người khi họ bỏ xe để chạy thoát thân vào hướng ven rừng. Khương đã bị thiệt mạng trong cuộc chống trả với cảnh sát. Tôi đã buột miệng kêu lên khi đọc xong bài tường thuật diễn biến đó:
- Không lẽ đây là định mệnh hay sao"
*
Tôi quen biết Khương trong những ngày đầu tiên cả gia đình tôi đến Hoa Kỳ. Chúng tôi gặp nhau trong một hội thiện nguyện giúp đỡ những gia đình mới sang Mỹ. Khương giúp việc cho hội. Nhiệm vụ của anh là giúp đỡ những gia đình tỵ nạn hay di dân mới sang về mặt giấy tờ, giúp họ ổn định đời sống mới càng nhanh càng tốt.
Qua sự giới thiệu của một nhân viên hội, tôi gặp anh và đã thấy mến anh từ phút đầu tiên gặp gỡ vì sự nhanh nhẹn và vui tính của Khương. Xuất hiện trước mặt tôi là một thanh niên cao lớn, trắng trẻo, mái tóc cắt ngắn và nụ cười thật tươi. Anh gật đầu chào tôi và đưa tay ra cho tôi bắt khi người nhân viên hội giới thiệu. Tôi cũng lịch sự đáp lại thủ tục làm quen đầu tiên đó. Ông nhân viên của hội nói với tôi:
- Anh Hoàng, đây là Khương, thiện nguyện viên của hội. Anh Khương có rất nhiều kinh nghiệm trong việc giúp đỡ các gia đình mới sang về các thủ tục giấy tờ của chính phủ Mỹ. Từ hôm nay, gia đình anh sẽ được Khương dẫn đi lo các thủ tục như là: đi DMV xin I.D, bằng thi lái xe, thẻ an ninh xã hội, xin welfare (trợ cấp chính phủ) trong mấy tháng đầu tiên vv…Mỗi vấn đề giấy tờ anh cứ liên lạc với Khương nhé!
Thế là suốt hai tuần đầu tiên đến Mỹ, Khương đã lấy xe: có lúc của hội, có lúc xe riêng của anh để cho gia đình vợ chồng con cái tôi gồm sáu người đi làm tất cả các giấy tờ cần thiết để bắt đầu một cuộc đời bình thường trên xứ lạ hoắc này. Khương rất vui vẻ trả lời tất cả những câu hỏi của tôi về cái đất Mỹ hào nhoáng. Tại đây, ở nước Mỹ này, tôi cũng phải chịu đựng những thủ tục rất nhiêu khê, chậm chạp và nặng phần cửa quyền của nhân viên chính phủ Mỹ. Điều này làm tôi ngạc nhiên và thất vọng ghê gớm. Chao ôi! Tôi cứ tưởng nạn thủ tục giấy tờ, con dấu…và thái độ cán bộ là "thầy" nhân dân là "tớ" là sản phẩm độc quyền của chế độ CS ở quê nhà mà thôi. Tôi đã gần như muốn hét lên mừng rỡ khi máy bay cho gia đình tôi rời khỏi không phận Việt Nam trong chuyến bay định cư vừa rồi. Từ nay, tôi không còn thấy những bộ mặt "đấm ra sữa" mà cứ cư xử như "ông Thần đèn" muốn làm gì thì làm của mấy thằng cán bộ non choẹt ở khắp các bạn hộ của nhà nước cộng sản VN. Thế nhưng đời thường không đẹp như mơ! Đến một đất nước được xem là văn minh nhất thế giới này tôi cũng gặp những bộ mặt cửa quyền như vậy, không khác gì mấy! Tuy rằng, thành thật mà nói, nhân viên chính phủ ở đây có phần lịch sự hơn, tôn trọng nhân dân hơn và nhất là cũng bị người dân chỉ trích nếu như họ phục vụ không đúng hay có thái độ lạm quyền. Không, dù sao ở đây tôi có quyền được nói một cách thoải mái hơn rất nhiều.
Trở lại chuyện của Khương, anh đã tận tình giúp đỡ gia đình tôi trong vấn đề giấy tờ rất hăng hái và nhiệt tình. Anh chỉ vẽ cho tôi rất nhiều về cuộc sống ở Mỹ trong những ngày đầu. Có lúc anh cũng động viên khuyến khích các con tôi đang hoang mang ghê gớm trong cuộc sống mới. Anh giúp các cháu đăng ký lớp học ở các trường công lập Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ mãi lời khuyên của Khương dành cho hai thằng con trai bé của tôi:
- Mấy em ráng học thật giỏi, thành tài sẽ giúp cha mẹ được thôi. Ở đây, có học, có giáo dục là có tất cả em ạ. Đừng có lo gì cả. Tuổi các em còn nhỏ, chỉ nên lo học hành đừng nghĩ ngợi gì hết.
Tôi mến Khương lúc nào không biết. Sự xuất hiện của anh trong quá trình giúp đỡ. Gia đình tôi đã làm hai anh em trở nên thân thiết hơn. Tôi bắt đầu rủ Khương đi uống cà phê vào cuối tuần để hai anh em tâm sự với nhau nhiều hơn.
Đó cũng là thói quen của tôi khi còn ở Việt Nam. Bao giờ cũng vậy, tôi và Khương cũng chỉ ra một quán cà phê quen thuộc, ngồi một chỗ ngồi quen thuộc. Dường như ông bà chủ quán có quen khá thân với Khương nên hay để dành cái chỗ ngồi đó cho anh. Khương nói với tôi vì sao anh thích hai cái quán này:
- Em thích quán này vì nó yên tỉnh và không có cái khoản dành gái của khách uống cà phê. Thú thật với anh em dị ứng với những cảnh như vậy!
Tuy biết nhau đã hơn ba tháng, nhưng tôi chưa có dịp hỏi thăm Khương về tình trạng gia đình anh. Một hôm, hai anh em đang nhâm nhi tách cà phê nóng, tôi vui miệng hỏi anh:
- Khương này, em làm việc cho hội thiện nguyện này lâu chưa" Có được lãnh lương cho công việc em đang làm không"
Khương im lặng trầm ngâm. Anh rút một điếu thuốc lá mời tôi, rồi lặng lẽ đốt cho cả hai chúng tôi mỗi người một điếu. Rít vài hơi, Khương thở ra một làn khói nhẹ và bắt đầu nói:
- Đã là công việc thiện nguyện thì làm sao có lương được hả anh! Mấy tháng nay em toàn làm chuyện "ăn cơm nhà, vác ngà voi" không đấy chứ!
Tôi ngạc nhiên bèn hỏi tiếp:
- Vậy lấy tiền đâu em sinh sống hằng ngày"
Khương nhìn tôi, đôi mắt ánh lên tia buồn bả:
- Em sống nhờ cơm vợ và trợ cấp của chính phủ anh ạ! Vợ em đi may cho một shop may ở Bolsa đó. Công việc cực nhọc, đầu tắt mặt tối lại phải nuôi chồng và hai đứa con nhỏ dại. Mà tội nhất là phải nuôi một thằng chồng báo hại như em. Em thương cô ấy lắm mà không biết phải làm cách nào để giúp cô ấy được.
Có lẽ Khương thấy được cả trăm cái dấu hỏi hiện ra trên nét mặt của tôi. Anh nở một nụ cười buồn, uống một ngụm cà phê rồi thong thả nói tiếp:
- Anh thắc mắc lắm về cuộc đời của em phải không" Để em kể cho anh nghe phần nào cuộc sống của em trên đất Mỹ này, cho anh hiểu em hơn.
Rít một hơi thuốc lá, Khương bắt đầu kể.
*
"Ba mẹ Khương tống nó lên tàu vượt biên khi nó lên mười ba tuổi, lúc đó là năm 1978. Khương đi cùng với gia đình một người chú ruột. Chuyến vượt biên thành công, tàu của nó đến được đảo Paula Bidong của Mã Lai. Chú Khương vốn là một nhân viên trong chính phủ VNCH nên ông được chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên phỏng vấn và sau đó cho định cư tại Mỹ. Vì Khương đi theo gia đình ông chú lại là mồ côi không cha mẹ nên cũng được tháp tùng theo chú thím đến Mỹ. Thế là sau gần một năm sống tại đảo. Khương đến được Hoa Kỳ lúc nó tròn mười bốn tuổi.
Vừa đến Mỹ Khương bắt đầu lao vào những công việc bán thời gian để kiếm sống, vừa cố đi học cho xong chương trình trung học. Sỡ dĩ, nó phải đi làm vì bà thím, trong một lần nói thẳng vào mặt nó rằng: "Khương này, bây giờ cháu lớn phải tự lo lấy bản thân đi thôi. Chú thím chỉ có thể cưu mang cháu một chỗ ở chứ không thể nuôi cháu được. Cháu cũng biết chú thím còn phải bốn đứa con phải lo. Vả lại, ở Việt Nam cha mẹ cháu cũng mong cháu đi làm có tiền để giúp ông bà nữa. Vậy cháu phải tự lo liệu đấy nhé".
Lời nói như gáo nước tạt vào mặt làm Khương chới với. Nó bối rối không biết phải lo liệu thế nào cho bản thân khi vừa mới chân ướt, chân ráo đến Mỹ, một chữ tiếng Anh cũng không biết. Nhưng Khương cũng biết tiền trợ cấp hàng tháng chính phủ dành cho nó cũng bị bà thím ăn chặn không cho lấy một đồng, viện cớ là tiền nhà nó phải góp vào. Người chú thì hình như làm ngơ dù rất thương cháu trong hoàn cảnh bất công như vậy, nhưng không làm sao ngăn nổi tính tham của vợ. Thỉnh thoảng Khương vẫn nghe hai ông bà gây nhau vào ban đêm trong phòng riêng, mà nguyên nhân bao giờ cũng do Khương mà ra.
Khương gần như bị dồn vào ngõ cụt. Nó không biết phải giải quyết đời sống riêng của mình bằng cách nào ở tuổi mười lăm. Có lúc Khương đã oán cha mẹ nó đã đẩy nó ra đi đến một nơi xa lạ như vậy. Thiên đàng thì mình chưa thấy, mà địa ngục đã ngay sát bên cạnh. Khương làm lụng kiếm sống bằng cách xin vào các tiệm ăn Việt Nam làm bồi bàn mỗi ngày năm tiếng sau giờ học. Vừa đi làm, vừa đi học, sức học của Khương đi xuống thấy rõ. Đến một hôm, sau giờ đi học về nhà, thím vừa thấy nó đã hất mặt chỉ tay về phía cái bàn ăn và nói:
- Khương ba mẹ cháu gởi thư riêng cho cháu đấy. Đọc đi.
Khương đi tới cầm phong thư trong tay, thấy lá thư đã bị bóc ra. Nó biết ngay là bà thím đã giở ra xem. Quá bực bội, Khương quay lại nhìn thím tỏ vẻ bực mình, thì bà ta cất giọng nói:
- Thím phải đọc trước để xem ba mẹ cháu có cần gì không thì thím giúp. Có vậy thôi!
Khương không buồn gây với bà thím nữa, cầm lá thư nhà, nó vội đi vào phòng đóng cửa lại. Đọc suốt lá thư một hồi, Khương chỉ thấy gai ốc nổi cùng mình, vì cả một lá thư dài nội dung chỉ là xin tiền giúp đỡ cho cha mẹ nó để nuôi các em trong gia đình. Công việc làm ăn của cha mẹ bị sa sút, người anh lớn bị đẩy đi nghĩa vụ quân sự ở Cam Bốt. Ba mẹ cần tiền để lo cho người anh ra, người chị thì cần tiền để tiếp tục đi học…
Khương như phát sốt vì tiền. Không hiểu ba mẹ nghĩ gì về nước Mỹ này. Chắc ông bà nghĩ rằng dollar Mỹ rải đầy đường muốn lượm lúc nào là lượm chăng" Khương giận sôi lên vì sự đòi hỏi của ba mẹ. Nó lại ngay bàn viết một lá thư trình bày nổi khó khăn của mình. Khương dự tính sẽ gởi lá thư đi ngày mai. Sau đó Khương sửa soạn đi làm, vừa ra khỏi phòng, nó đã gặp cái nhìn sắc lẽm, tò mò của bà thím. Khương không nói một lời, đi ra ngoài đóng cửa và đi thẳng đến chỗ làm.
Khương trễ mười lăm phút vì phải đón xe bus. Vừa đến nơi, Khương đã thấy bà chủ tiệm khuôn mặt đầy phấn đang hầm hầm nhìn nó, cao giọng nhiếc:
- Lần sau cậu nhớ phải đi đúng giờ dùm tôi. Giờ của cậu làm, tiệm rất đông khách. Tôi mướn cậu là vì tôi cần người giúp việc chứ nếu không tôi chẳng muốn cậu làm gì cho thêm rách việc. Nếu không thích làm thì nói với tôi một tiếng cho tôi biết. Bỏ cậu tôi còn khối người xếp hàng đợi việc ngoài kia kia, biết không"
Khương đành cố ngậm miệng nín thinh, lầm lũi đeo tạp dề vào để làm công việc hàng ngày.
Năm tiếng đồng hồ rồi cũng trôi qua. Nó trở về nhà, vừa mở cửa vào nhà Khương thấy chú thím đang ngồi nói chuyện với nhau trong phòng khách. Ông bà dường như đang tranh cãi một điều gì đó, trông hai khuôn mặt đang cau có, Khương đoán là như vậy. Nó nghĩ thầm: "Chắc mình lại là nguyên nhân đây" ông chú ngước nhìn nó không nói một lời, nhưng ánh mắt có phần dịu xuống. Còn bà thím thì không thèm nhìn đến Khương. Nó gật đầu chào ông bà rồi đi thẳng vào trong phòng.
Ngồi xuống giường, đầu óc Khương hoang mang tự hỏi: "Không biết cuộc đời mình rồi sẽ về đâu"" Lần đầu tiên Khương bật khóc nức nở một mình trong phòng vì sự vô dụng của thằng con trai. Nó có cảm tưởng mình như người chết đuối không có nơi để bám víu. Tay với lá thơ viết cho cha mẹ trên bàn Khương xé bỏ đi. Trong lòng nó cứ thề rằng "mình sẽ tìm cách ra khỏi nhà này càng sớm càng tốt".
Khương rơi vào vòng tay một nhóm băng đảng khi nó tình cờ quen biết với Ngôn, một học sinh cùng lớp với Khương. Ngôn là một anh chàng hiền lành nhưng lì lợm và có vẻ từng trãi lắm. Chính Ngôn cũng đã binh vực Khương trong một cuộc ấu đả với bọn học sinh Mễ khác khi Khương gây sự với một đứa trong nhóm. Chỉ vì bọn Mễ dám chọc mấy đứa con gái Việt Nam cùng lớp nó. Vì muốn bảo vệ mấy cô bạn gái, Khương đã lời qua tiếng lại với một tên học sinh Mễ mập, to con hơn nó rất nhiều. Thế rồi cuộc ẩu đả xảy ra, một mình Khương phải chống với hai thằng Mễ khác. Ngay sau đó, Ngôn xuất hiện đã xông lại cứu Khương, đánh đập thằng Mễ mập to con khác. Dù rằng Ngôn còn nhỏ con hơn Khương nhiều.
Sau bữa đánh nhau, cả hai bị phạt không được đến trường một tuần. Trong suốt một tuần, Khương và Ngôn trở nên hai người bạn thân vì cả hai có chung một hoàn cảnh bơ vơ giống nhau. Giống như Khương, Ngôn cũng vượt biên đến Mỹ một mình và được một người bà con bảo lãnh sang Mỹ sống chung. Nhưng sau hơn một năm sống với người bà con. Ngôn đã tự ý dọn ra riêng vì không chịu nổi những va chạm hàng ngày trong cuộc sống chung đó. Sau nhiều lần tâm sự, một hôm Ngôn hỏi Khương:
Trịnh Đình Thu Hà